Nghiên cứu khoa học

Ý nghĩa biểu trưng của “bến” trong tác phẩm “Bến không chồng” của Dương Hướng


12-10-2020

Tín hiệu thẩm mĩ có nhiều đặc tính: nguồn gốc, cấp độ, đặc tính tác động, đặc tính biểu hiện, đặc tính biểu cảm và đặc tính biểu trưng. Trong đó, tính biểu trưng là đặc tính đáng chú ý nhất.

Tính biểu trưng[2] được xét trong mối quan hệ hai mặt: cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Đó là mối quan hệ “có lí do” liên quan đến năng lực “biểu trưng hoá”, đến khả năng của tín hiệu thẩm mĩ là nó vừa có tính chất biểu thị, chỉ ra, nói lên một cái gì, vừa có tính chất hàm nghĩa - sự thêm nghĩa trên một nghĩa có sẵn. Cái được biểu hiện của nó có ít nhất hai thành phần nghĩa liên thông nhau: bề nổi được bộc lộ; bề chìm luôn tiềm ẩn gắn với những dự cảm, những vô thức cá nhân, vô thức tập thể như quan niệm của C.G. Jung. Ví dụ: Cây thuỳ dương trong thơ dân gian Nga biểu trưng cho tư tưởng, tình cảm nam nữ; con cò biểu trưng cho điều lành, đức thiếu thảo; hoa sen biểu trưng cho lòng trong trắng… Biểu trưng, một mặt có tính hình tượng cụ thể, cái biểu hiện nó là đối tượng nào đó được quy chiếu từ hiện thực. Mặt khác, là ý nghĩa xã hội nào đó được cả cộng đồng chấp nhận.

Tác phẩm văn học sử dụng ngôn ngữ làm tín hiệu thẩm mĩ. Ngôn ngữ là mặt thể chất của tín hiệu văn chương. Bản chất đặc biệt của loại tín hiệu này thể hiện trên các phương diện:

- Cái biểu hiện và cái được biểu hiện có quan hệ võ đoán.

- Cái biểu hiện của tín hiệu có tính hình tuyến, các đơn vị ngôn ngữ có quan hệ ngữ đoạn.

- Quan hệ cấp độ

- Tính đa trị, đối lập tương đối.

Nghiên cứu tín hiệu vật chất chính là nghiên cứu những yếu tố biểu hiện nó, bám sát các tổ hợp ngôn ngữ biểu hiện nó để phân tích. Theo Bakhtin, để làm được điều đó, chủ thể sáng tạo phải thật sắc mạnh về “cảm quan tạo sinh âm thanh, tạo sinh ý nghĩa, tạo sinh quan hệ, tạo sinh bình giá”.

Tín hiệu thẩm mĩ của tác phẩm văn chương có tính ước lệ - gián tiếp - phi vật thể. Do vậy, chỗ mạnh của nó là gợi ra các hiện tượng hết sức phong phú, sâu sắc về đối tượng. Tín hiệu văn chương có thể tác động rất mạnh vào liên tưởng, tưởng tượng, nhờ đó có thể tái tạo tất cả các thuộc tính cảm giác về đối tượng.

Trong phạm vi thể loại văn học, hình thức ngôn ngữ biểu đạt, giá trị biểu hiện và ý nghĩa của các tín hiệu thẩm mĩ được xét ở các dạng biến thể: biến thể từ vựng (nảy sinh trong quá trình sử dụng); biến thể kết hợp (nảy sinh trong sử dụng một tín hiệu thẩm mĩ - yếu tố phụ trợ kèm theo) và biến thể quan hệ (nảy sinh trong sử dụng một tín hiệu thẩm mĩ, có những tín hiệu khác bổ sung). Việc xem xét các dạng biến thể này chính là xem xét một đối tượng ngôn ngữ dựa trên mối quan hệ hệ hình và quan hệ tuyến tính.

Lý thuyết tín hiệu thẩm mĩ được vận dụng để nghiên cứu tác phẩm văn học, xem như một con đường tìm hiểu, phân tích tác phẩm. Văn xuôi từ sau 1975 liên tục đổi mới cả về nội dung và cách viết. Các tác giả sử dụng các biểu tượng, các tín hiệu thẩm mĩ để tăng cường sức biểu hiện và phản ánh, đưa đến nhiều giá trị mới mẻ trong văn học. Khác với tác phẩm trữ tình luôn ưu tiên cho cái chủ quan, đặt cái chủ quan lên bình diện thứ nhất. Đối tượng biểu hiện trong văn xuôi tự sự là các vấn đề, các sự kiện, biến cố của đời sống hiện thực (gồm cả hiện thực tinh thần) mang tính khách quan. Ngôn ngữ trong tác phẩm văn xuôi tự sự có hình thức tổ chức rất gần với các dạng của lời nói trong phong cách phi nghệ thuật, mô phỏng ngôn ngữ tự nhiên. Trong tác phẩm tự sự, đặc điểm ngôn ngữ của tất cả các phong cách chức năng thuộc phạm vi lời nói phi nghệ thuật đều có thể được mô phỏng và tổ chức lại để thực hiện chức năng thẩm mĩ. Quá trình này đi liền với sự phá vỡ cơ cấu chức năng vốn có của các yếu tố ngôn từ thuộc phạm vi các phong cách này nhưng vẫn lưu giữ những thành tố cơ bản trong màu sắc tu từ học của chúng, đồng thời tăng cường giá trị và hiệu quả tu từ theo những hướng nhất định tuỳ thuộc vào chủ thể và đối tượng biểu hiện. Tín hiệu thẩm mĩ trong văn xuôi gắn với yếu tố thời gian, không gian, hình tượng nhân vật tạo ra những giá trị biểu nghĩa phong phú, mới mẻ, do đó, chức năng thẩm mĩ của tác phẩm được nâng cao rõ rệt.

II. …đến tác phẩm “Bến không chồng” của Dương Hướng.

“Bến không chồng” là tác phẩm xuất sắc được Dương Hướng sáng tác vào thời kì đầu đổi mới. Cách khai thác hiện thực đời sống với những mảnh đời, những thân phận éo le chốn làng quê đằng sau cuộc chiến tranh đã đưa đến một cái nhìn mới mẻ và sâu sắc. Dương Hướng tạo không gian bến quê với dày đặc những biến thể của nó trở đi trở lại trong tương quan với các nhân vật làm nổi bật bức tranh cuộc đời nhiều bi kịch, trái ngang. Xét từ góc độ ngôn ngữ, Dương Hướng đã thành công khi vận dụng linh hoạt tính biểu trưng của tín hiệu thẩm mĩ bến, đan dệt nó trong những đặc trưng của văn xuôi tự sự, đưa đến giá trị phản ánh chân thực, đào sâu tâm lí con người; đồng thời tạo nên một giọng điệu riêng.

1. Khảo sát, phân loại

Có 96 lần xuất hiện tín hiệu thẩm mĩ Bến dưới các tên gọi khác nhau.

Nếu dựa vào các nét nghĩa của từ bến để phân loại ta thấy:

-  Xét ở trường nghĩa biểu vật, từ bến xuất hiện 4 lần, chiếm 4,2%, với 3 tên gọi: Bến vắng, Bến sông, Bến nước

- Các tên gọi căn cứ vào sự đồng nhất và đối lập ý nghĩa các đơn vị từ vựng xét theo nét nghĩa chỉ sự vật trong không gian: Xuất hiện 12 lần, chiếm 12,5 %: Con sóng, Sông, Đáy sông, Mép nước, Mặt sông, Bờ sông, Mặt nước,Nước sông

- Bến dùng theo nghĩa ẩn dụ: 8 lần xuất hiện, chiếm 8,3%, dưới các tên gọi:

Bến không chồng, Bến tình.

- Còn lại là từ bến được dùng trong các kết hợp: xuất hiện 72 lần, chiếm 75%.

2. Biến thể của bến

2.1 Biến thể từ vựng: ở phần Khảo sát và phân loại, người viết đã phân chia tín hiệu thẩm mĩ bến dựa trên sự khu biệt về các nét nghĩa, nói cách khác, đó chính là sự phân chia dựa trên biến thể từ vựng. Tuy nhiên, do đặc điểm của sự tổ chức ngôn từ trong văn xuôi tự sự, biến thể kết hợp chiếm ưu thế và thể hiện sinh động qua những chi tiết cụ thể trong tác phẩm.

2.2  Biến thể kết hợp:

Xét cụ thể biến thể kết hợp ta có kết quả như sau:

+ Kết hợp động từ: Bến hiện diện trong tác phẩm mang ý nghĩa không gian thôn quê bình dị, hiền hoà. Gắn với bến là sự hoạt động, bao gồm vận động của nước sông, vận động của con người: chảy, nuốt chửng, cuộn sôi…

+ Kết hợp với tính từ miêu tả và từ chỉ sắc thái: dạng kết hợp này xuất hiện nhiều nhất và có nhiều giá trị nhất trong toàn bộ tác phẩm. Dựa trên cách kết hợp này, trường nghĩa của từ bến được mở rộng, ý nghĩa thẩm mĩ tăng thêm ở chiều sâu: Những con sóng lép bép, Biển tím ngắt, Bến sông quyến rũ, Nước sông trong veo lặng lẽ trôi, Nước dềnh lên xăm xắp, Dòng sông loang loáng bóng trăng, Nước chảy nhẹ, Dòng sông lung linh, Dòng sông xao động, Dòng sông mát lạnh, Mặt sông như rộng ra mênh mông, Mặt sông lay động, Nước sông cuộn lên sùng sục, Sóng chồm lên, Dòng nước sóng sánh bóng trăng, Sóng vỗ oàm oạp, Mặt sông đen sẫm…

Bến được nhìn nhận ở cả hai trạng thái tĩnh và động. Tĩnh theo nghĩa là bình yên, hiền hoà, động theo nghĩa sục sôi, trào cuộn. Việc chú trọng nét nghĩa bến - cầu - cống (cố định) và nét nghĩa bến - sóng - dòng sông - mặt sông (chuyển động) cũng chính là nhấn mạnh cái tĩnh và cái động. Từ đây, ta thấy hiệu quả bổ sung của các từ thuộc trường nghĩa bến là rất cao. Cuộc sống của người dân nơi bến nước không hề bình lặng. Số phận những con người ở đây nếm trải cả ngọt ngào lẫn tủi cực. Bản thân mỗi người như dòng sông trong bến, khi hiền hoà khi lại gầm khóc. Người viết sẽ trở lại vấn đè này khi tìm hiểu ý nghĩa biểu trưng của bến trong mối liên hệ với các hình tượng nhân vật chủ đạo.

2.3 Biến thể quan hệ:

Bên cạnh tín hiệu thẩm mĩ bến, sự xuất hiện của tín hiệu Cầu Đá Bạc, sông Đình, con mương, bờ đê, hồ nước là những sự vật bổ sung mặt không gian vật lý, làm rõ hơn ý nghĩa của bến.

Thêm nữa, sự xuất hiện các tín hiệu kỳ ảo liên quan đến sự tích của bến: Rốn tiên, Mắt tiên, con ba ba thuồng luồng, mã rốt… tăng thêm tính huyền thoại. Tín hiệu thẫm mĩ bến có thêm một biên độ nghĩa: thể hiện những va động trong đời sống tâm linh, trong niềm tin và nội tâm của nhân vật.

Trên đây, chúng tôi đã xét một cách kĩ lưỡng tín hiệu thẫm mĩ bến trong nguyên mẫu và biến thể. Số liệu khảo sát cụ thể cho thấy tín hiệu thẫm mĩ bến đóng vai trò quan trọng. Nó như là một mắt xích để liên kết các yếu tố trong tác phẩm, đồng thời  là điểm tựa để giải mã các hiện tượng nghệ thuật. Ngay từ nhan đề tác phẩm: “Bến không chồng”, Dương Hướng đã hé lộ tín hiệu thẫm mĩ bến trong nhiều tầng nghĩa của nó.

3. ý nghĩa biểu trưng của tín hiệu thẩm mĩ Bến

3.1 Bến - sự bình dị, hữu tình và thanh thản.

Tín hiệu thẫm mĩ bến trước hết tạo dựng không gian yên bình của làng quê, gắn với sinh hoạt của con người: “Bến chia ba đoạn, mỗi đoạn riêng khuất bằng khúc quanh của dòng sông, đoạn cuối nước dành riêng cho trẻ trâu, đoạn giữa dành cho đàn bà con gái, đoạn trên đầu nước ưu tiên cho cánh đàn ông”. “Dòng sông quê hương ngày nào Vạn còn lặn ngụp nay bỗng xao động reo vui”. Bến nước phẳng lặng, “mặt nước khẽ xao động lăn tăn”. Con sông quê yên bình trải rộng, “bắt nguồn từ cống Linh chảy qua làng Đông uốn lượn như một con rồng”. “Nước sông trong veo lặng lẽ trôi, mùa lũ nước sông dềnh lên xăm xắp đôi bờ cỏ xanh tốt”. “Mỗi lần mệt mỏi, Hạnh dừng chân bên bến sông, nhìn ngắm dòng nước lấp loá. Hồi bé, Hạnh và Nghĩa từng tò mò khám phá bến sông quê, truy tìm nguồn gốc con sông: “Con mương cái ở cánh đồng làng ta bắt nguồn từ con sông này, đi qua gò ông Đổng, qua mắt tiên, qua đám ruộng nhà em. Con sông này em chỉ thấy nó từ khúc quanh co mấy cái lò gạch kia”. Hạnh và Nghĩa đi dọc bờ sông tìm thấy “Cống Linh lừng lững trước mắt”, chúng bò lên mặt đê và nhìn ra biển cả mênh mông. Hai đứa vui thích như khám phá cái gì mới lạ. Bến là nơi gắn bó tuổi thơ Hạnh và Nghĩa, là niềm tự hào giản dị của dân làng Đông. Bến chứng kiến nụ cười của đám con gái trong làng như Thắm, Dâu, Cúc, Hạnh. Bến vỗ về mát lạnh cho Thuỷ sau những phút dừng chân: “Dòng sông uốn lượn, nước dềnh lên giữa miền quê xanh ngắt bóng tre. Nắng lấp loá trên mặt nước. Nhịp cầu đá, mòn nhẵn bao bước chân người qua lại”. Bến ở đây chủ yếu được nhà văn Dương Hướng miêu tả với nghĩa thực, chỉ không gian thôn quê hiền hoà. Những xao động khẽ khàng hay những lúc dềnh lên dữ dội là những trạng thái của dòng sông khi bình yên hay khi giông bão. Những biến thể từ vựng có ý nghĩa định danh: bến nước, con sông, bến sông, bờ sông được sử dụng nhiều nhất trong những đoạn miêu tả này. “Dòng sông thấp thoáng hồng lên ráng đỏ hoàng hôn”, “sóng vỗ oàm oạp”. Trạng thái tĩnh và động của dòng sông, của bến nước gợi liên tưởng đến nhịp sống của người làng Đông. Không gian bến nước như một chỗ dừng chân êm ấm.

Bến còn là nhân chứng cho những cuộc tình lãng mạn, đằm thắm của người làng Đông. Trong ý nghĩa này, tín hiệu thẩm mĩ bến được miêu tả qua sự kết hợp với các từ ngữ giàu tính biểu cảm, qua sự lồng ghép với suy nghĩ của nhân vật. ý nghĩa biểu trưng của bến được nới rộng thông qua việc dùng các ẩn dụ và từ miêu tả. Bến tình lặp lại 5 lần, gắn với những cuộc tình duyên của trai gái làng Đông. Các cụ ngày xưa truyền lại rằng “Bến sông ở đây có vẻ quyến rũ lạ”, “Nước bến tình mát, dễ làm lòng người khoái cảm. Nhiều cặp vợ chồng trẻ tối tân hôn thường lẻn ra bến tình tắm, quên hết mọi chuyện về ba ba, thuồng luồng và con ma mắt đỏ”. Với ý nghĩa biểu trưng này, bến không đơn thuần mang ý nghĩa không gian mà nó thuộc về tinh thần, ý niệm, nó là một tín hiệu cảm xúc. Bến tình được miêu tả như một huyền thoại trong chiều kích liên tưởng với quá khứ: câu chuyện về người con gái đằm mình xuống sông để giữ gìn trinh tiết với mối tình đầu; nối liền hiện tại trong câu chuyện của trai gái làng Đông. Hạnh và Nghĩa gìn giữ tuổi thơ trong sáng với những ngày dắt nhau đi khám phá dòng chảy của bến Tình. Lớn lên, không được mẹ cha chấp nhận cho hai đứa đến với nhau, Hạnh và Nghĩa buồn khổ. Ngày cưới, hai đứa lại dắt nhau ra bến sông. “Đám cưới tan, làng Đông chợt lặng đi. Cô dâu chú rể lại dắt nhau ra bờ sông. Một tay Nghĩa vẫn cắp cái phông xanh của đội văn nghệ, một tay nắm lấy bàn tay Hạnh… Ra đến bến Tình là hai đứa quên hết mọi ưu phiền. Cũng chẳng còn nơi nào ngoài cái bến nước này. Cả thế giới, không có cặp vợ chồng nào lại có đêm tân hôn như Hạnh và Nghĩa… Và dòng sông kia như hai cánh tay đang ôm lấy hai đứa chúng mình”. Kỉ niệm mối tình trong sáng ấy luôn ấp ủ trong tâm trí Hạnh: “Hạnh vẫn nghe rõ có tiếng gió và tiếng sóng ràn rạt ngoài bờ sông”.

Bến Tình trở thành điểm hẹn hò của trai gái làng Đông. Dòng nước mát lạnh, sóng lăn tăn vỗ về. Con người sung sướng và hạnh phúc được sống với những gì mình muốn, vượt qua áp lực cuả gia đình và xã hội. Có thể nói bến Tình là bến của tình yêu tha thiết, là không gian của sự bao dung. Con gái làng Đông có thói quen ra bến Tình tắm. Lúc vui vẻ hay buồn đau, họ vẫy vùng, lặn ngụp. Bến Tình gắn kết tình bạn trong sáng giữa Hạnh và Dâu. Không chỉ vậy, đó là nơi hội tụ, sinh hoạt của người làng Đông.

 

3.2 Bến -  Sự đợi chờ và bi kịch của những số phận

Ngay từ đầu tác phẩm, bến Tình được giới thiệu bằng sự tích cô gái làng Đông tự vẫn để giữ lòng thuỷ chung với người yêu. Điều đó bao hàm ý nghĩa sự đợi chờ vĩnh viễn, sự nuôi giữ bền chặt mối tình đầu tha thiết. Con gái làng Đông lớn lên như Hạnh, Dâu, Thắm, Cúc, lần lượt tiễn người yêu vào chiến trường. Bến nước đằng đẵng những ngày bão lũ dữ dội hay những ngày gợn sóng bình yên. Thân phận những người con gái cũng đằng đẵng đợi chờ người mình yêu trở về. Hoàn cảnh chung ấy khiến người ta thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau. Hạnh cưới Nghĩa chẳng được bao lâu thì Nghĩa lên đường nhập ngũ. Mỗi lần qua bến sông, những kỉ niệm lại hiện về trong tâm trí Hạnh. Bến nước nhắc cho Hạnh những ngày hạnh phúc để Hạnh kiên nhẫn và hi vọng vào tình cảm của Nghĩa. Trên sự chứng kiến bền vững của bến, nhịp sống cứ chảy trôi. Bến trở thành nơi đối chứng quá khứ và hiện tại “Hạnh chạy xuống bếp lấy chiếc nón của mẹ rồi vội vàng ra bờ sông. Lại một lần nữa Hạnh đi trên bờ sông quen thuộc xuống cống Linh. Lần này không có Nghĩa, Hạnh thấy trống trải. Dòng sông vẫn lặng lẽ trôi. Gió buổi sáng mát rượi. Những giọt sương còn đọng trên cỏ sáng loé dưới nắng sớm”. Mỗi lần nhìn bến sông, kỉ niệm lại ào về với Hạnh, mạnh “như cơn bão và sôi réo lên như dòng sông kia”. Không chỉ riêng Hạnh, cả một thế hệ trẻ của làng Đông chịu chung cảnh đợi chờ ấy. Mẹ Hạnh mỏi mòn trông ngóng những năm bố đi chiến đấu. Giờ đến thế hệ sau: Hạnh chờ Nghĩa, Dâu đợi Hiệp, Cúc mong Thành, Thắm ngóng anh chàng pháo thủ… Những ngày đợi chờ mòn mỏi trở thành điệu chung của làng Đông. Bến làng Đông tiễn trai làng ra đi, những người ở lại nuôi dưỡng niềm tin một ngày kia, họ sẽ trở về. Bến và người bền gan như nhau, đợi chờ như nhau. “Hạnh kì công tự làm lấy chiếc gối đôi thêu bông hoa hồng va đôi chim, con bay con đậu. Hạnh tự nhận mình là con chim đậu chờ đợi con chim bay đi trở về. Chiếc gối đôi hạnh phúc mà chưa một lần vợ chồng được gối chung. Chiếc gối đôi hạnh phúc đã thấm bao mồ hôi và nước mắt của Hạnh, Hạnh đã giặt không biết bao nhiêu lần sờn cũ đi mà anh vẫn chưa về. Chiếc gối khâu bằng vải pôpơlin trắng, dài tới 80 phân, mỗi lần đem ra sông Đình giặt, Hạnh phải giấu giếm không muốn để ai nhìn thấy sợ người ta quở, khi phơi Hạnh cũng mang ra tận ngoài vườn chuối để phơi cho đỡ chướng”. Dòng sông nơi bến nước vẫn đều dặn chảy trôi, chỉ có bến là đứng sững ở đấy chờ đợi. Cũng giống như Hạnh và những người con gái của làng Đông, biết bao thăng trầm cuộc sống dội đến, những trải nghiệm hiện dần trên khuôn mặt, mái tóc, nhưng sự chờ đợi sắt son vẫn âm ỉ trong lòng mỗi người.

Bến trong tác phẩm còn mang ý nghĩa bi kịch của số phận, của cuộc đời. Với ý nghĩa này, bến xuất hiện với những biến thể từ vựng, dựa trên cơ chế ẩn dụ: Bến không chồng được lặp lại 3 lần trong tác phẩm (một lần từ lời các cụ truyền lại, một lần khi Hạnh bất lực lội xuống dòng sông và nhận ra bến không chồng đang vỗ về trước mặt, một lần Vạn lo Hạnh đã bị bến không chồng nuốt chửng).

Gái làng Đông thuỷ chung như bến nước, cứ bền gan với thời gian trôi chảy. Thế nhưng, những đợi chờ chỉ dẫn vào ngõ cụt, chỉ nhấn chìm hơn nữa số phận con gái làng Đông. Tên gọi Bến không chồng đã hé mở phần nào ý nghĩa thẩm mĩ của nó. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, bi kịch của người phụ nữ gieo vào làng Đông như một thảm hoạ. Mẹ Hạnh khô cạn nước mắt vì khóc chồng, khóc con trai. Hạnh đằng đẵng đợi chờ Nghĩa với mong mỏi cháy lòng sẽ có con với anh mà không được. Lấy chồng, Hạnh chịu bao nhiêu áp lực mà cuối cùng vẫn không neo đậu được bến bờ hạnh phúc. Hạnh và Nghĩa chia tay trong sự đau đớn và tuyệt vọng. Dâu ôm ấp mối tình với Hiệp, nuôi dưỡng hi vọng ngày anh trở về, nhưng rồi chỉ nhận được trên tay mảnh giấy báo tử. Cúc chối bỏ Thành vì không chấp nhận được sự dị dạng trên khuôn mặt anh do chiến tranh đưa lại. Bi kịch của những số phận con người làng Đông hiện lên đầy ám ảnh. Con gái làng Đông không ai có được hạnh phúc. Hạnh bỏ đi, rồi trở về cùng đứa con của Vạn. Những tưởng sẽ có một cuộc sống êm đềm thì Vạn lại ra đi. Những mảnh đời leo lét, những số phận chìm nổi nơi bến quê khắc khía vào tâm can người đọc. Tất cả thấm đẫm bi kịch, thấm đẫm buồn thương. Con nước, dòng sông thấm mồ hôi, nước mắt gái làng Đông. Bến quê chứng kiến những hạnh phúc giản dị, mộc mạc và chứng kiến cả những nỗi đau không gọi thành tên. “Đã tám năm nay Hạnh nhận ra mình sống bằng những kỉ niệm với Nghĩa nhiều hơn là chờ đợi ở tương lai. Những hi vọng ngày một mỏng manh, dù mỏng manh vẫn hơn là tắt hẳn. Hạnh lội xuống bến rửa chân, lòng ngẩn ngơ nhìn mặt trăng loang loáng dưới nước. Hạnh thấy mình lạc vào thế giới mông lung sâu thẳm của những câu chuyện huyền thoại xa xưa…”.

Qua khảo sát ta thấy rằng, hai biến thể xuất hiện nhiều nhất trong tác phẩm là nước và dòng sông. Nếu như bến mang nét nghĩa cố định thì dòng sông và nước lại mang ý nghĩa chảy trôi. Nước được xếp vào biểu tượng văn hoá thế giới với ba nét nghĩa chính:

Nguồn sống và nguồn chết

Phương tiện thanh tẩy

Trung tâm tái sinh

Tác phẩm Bến không chồng chủ yếu sử dụng nét nghĩa biểu trưng phương tiện thanh tẩy. Khi Hạnh đau đớn, dày vò trong mối đợi chờ âm ỉ tám năm trời với Nghĩa, Hạnh nhìn bến sông và thấy mình lạc vào thế giới khác. “Bến vắng. Nỗi buồn cô liêu. Một tiếc nuối thoáng qua. Một thời xuân sắc và những phút ái ân với Nghĩa bỗng trỗi dậy. Đầu óc Hạnh căng ra rung lên ngây ngất đi tìm lạc thú trong hoang tưởng. Hạnh lao ra dòng nước mát lạnh sóng sánh bóng trăng. Cơ thể lâu ngày khô hoé bỗng rạo rực ngập tràn hưng phấn. Hạnh vùng vẫy, quẫy đạp trong ham muốn làm tình với nước. Trong phút chốc Hạnh thấy mình đang chìm dần như thể có con ba ba thuồng luồng đang trôi tuột xuống đáy sông. Hạnh hoảng loạn chới với cố nhoài lên bãi cát. Tay vẫn giữ khư khư bộ quần áo sũng nước. Hạnh lao lên bến chạy dọc bờ sông. Hạnh chạy mãi, chạy mãi…”Dường như những ẩn ức đã lôi Hạnh xuống dòng nước để tẩy rửa, để xoá bỏ những ngày tháng căng thẳng, những chờ đợi chai lì đã thành nỗi đau trong tâm trí Hạnh. Dòng nước vỗ về như thoả mãn khao khát của Hạnh. Và phút chốc, dòng nước gợi Hạnh liên tưởng đến câu chuyện huyền thoại của bến Tình xa xưa. Hạnh vùng chạy như rũ bỏ những vướng mắc, những đớn đau. Hoặc như Dâu, tự trấn an mình bằng lời nói bề ngoài dửng dưng như không có gì mà chất chứa nỗi đau: “Mày tưởng mỗi mình mày sướng hả. Tao cũng sung sướng, vì bỗng dưng tao lại trở thành gái tân. Rõ ràng về giá trị của phụ nữ là tao hơn hẳn mày. Vong hồn của anh Hiệp mày sẽ phù hộ tao kiếm được một anh chàng. Mày khỏi phải thương hại tao. Trai thời loạn gái thời bình. Hoà bình rồi ! haha! Đàn ông sẽ lại đầy ra”. Rồi Dâu rủ Hạnh ra bến tắm. “Gió hây hây, nước mát lạnh. Hạnh đưa tay quấn lại tóc rồi khẽ nhún chân xuống cho nước ngập đến cổ. Hai bờ sông và xóm làng cũng đang nổi lềnh bềnh trong đêm”.

Bến nước còn là sự dự báo cho những bi kịch, tai ương. Sau một đêm cùng Hạnh thoả mãn khát khao, Vạn trăn trở mãi câu hỏi “Nó đi đâu” khi không tìm thấy Hạnh. Vạn hoảng loạn ra bến sông, tâm trí u mê mò mẫm theo mép nước. Mặt sông đen sẫm. Vạn cứ ngỡ cái bến không chồng đã nuốt chửng mất Hạnh. Vạn cứ đi, cứ lần mò mãi trong đêm. Lần đầu tiên trong đời, Vạn thấy một nỗi lo sợ khủng khiếp. Vạn bước xuống bến sông trong sự ẩn hiện của những dằn vặt. Người làng Đông thương tiếc cho sự ra đi của Vạn. “Hạnh ngước nhìn lên từng gương mặt nguời làng Đông và hiểu rằng trên đời này chỉ có mỗi mình chị là hiểu rõ nguyên nhân dãn đến cái chết của chú Vạn”. Dòng người làng Đông đi chầm chậm, chầm chậm đưa nguyễn Vạn ra cánh mả Rốt. Những vành khăn trắng nhấp nhô sáng rực lên dưới nắng xuân. Niềm đau nhức đọng lại, thấm thía trong tâm trạng của mọi người.

Như vậy, nhà văn Dương Hướng chú ý hơn cả phương diện nỗi đau của nhân vật. Bến trở thành niềm ám ảnh đầy đứt gãy trong tâm hồn nhân vật. Gặp chuyện buồn, Nghĩa, Hạnh, Dâu, Vạn, Thuỷ… tất cả những người làng Đông đều ra bến nước, lúc thì để nhìn dòng nước lặng trôi, lúc để khoả mình như rũ bỏ mọi tủi hờn.

Không phải ngẫu nhiên Dương Hướng chọn bến là một tín hiệu thẩm mĩ tập trung trong tác phẩm của mình. Nhìn từ góc độ văn hoá, bến đi vào tâm thức người Việt như một điểm hẹn, một bến đỗ bình yên. Không gian bình dị của bến gắn với sinh hoạt vùng nông thôn Việt Nam, gắn với những suy nghĩ mộc mạc và chân thành của người bình dân. Ca dao sử dụng hình ảnh bến tượng trưng cho người con gái thuỷ chung, son sắt:

- Thuyền ơi, có nhớ bến chăng?

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền

- Thuyền dời nào bến có dời

Khăng khăng một lời, quân tử nhất ngôn

Và có khi bến được dùng với ý nghĩa một điểm đến:

- Thuyền đà đến bến anh ơi

Sao anh chẳng bắc cầu noi lên bờ?

- Thuyền tình đến bến anh ơi

Sao anh chẳng bước xuống chơi thuyền tình?

Nối tiếp ca dao, văn học trung đại đưa vào thơ những hình ảnh  bình dị, gần gũi. Song, do tính chất quy phạm và mẫu mực của văn chương trung đại, sự xuất hiện tín hiệu thẩm mĩ bến trong thơ đánh dấu sự cách tân táo bạo về cảm hứng và chất liẹu thơ của những cây bút tài năng. Ví dụ như tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Tập thơ được xem là kiệt tác của Nguyễn Trãi về nội dung và nghệ thuật. Bến xuất hiện trong thơ Nguyễn Trãi với những biến thể bãi, nước, thuyền, nước xuôi nước ngược…

- Hương cách gác vân thu lạnh lạnh

Thuyền kề bãi tuyết nguyệt chênh chênh

Nước biếc non xanh thuyền gối bãi

Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu

- Nước xuôi nước ngược nổi đôi triều

Thuyền khách chơi thu gác lưới chèo

Thơ hiện đại dành sự ưu ái cho những hình ảnh giản dị, đậm chất đời thường của cuộc sống:

Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng

Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi

(Chiều xuân - Anh Thơ)

Không những thế, các nhà văn còn sử dụng hình ảnh bến như là biểu tượng của gốc rễ, cội nguồn, như là giới hạn cao quý mà không phải ai cũng đạt được. Nhân vật Nhĩ trong tác phẩm “Bến quê” của nhà văn Nguyễn Minh Châu bôn ba khắp năm châu để gây dựng sự nghiệp, không nơi đâu là anh chưa đặt chân đến. Thế nhưng, khi đau yếu và cảm thấy cái chết gần kề, hình ảnh bến quê ám ảnh dai dẳng trong tâm trí anh ta. Nhĩ khao khát một lần trở lại bến quê mà không thể thực hiện được. Giá trị cảnh tỉnh của bến khiến con người hồi tỉnh lại chốn yên bình từ nguồn cội.

Đến “Bến không chồng”, Dương Hướng chọn bến nước như là nơi tập trung nhất mọi đổ vớ, đứt gãy trong từng thân phận. Bến nước không đơn thuần là sự bình yên, là không gian sinh hoạt vui vẻ, đầm ấm của một làng quê, cũng không phải là chốn neo đậu những khát khao nguồn cội mà con người khắc khoải tìm kiếm. Với Dương Hướng, bến quê là nơi biểu hiện dày đặc những bi kịch. Trong chính hình ảnh mang tính biểu trưng cho văn hoá dân tộc, văn hoá nông thôn, Dương Hướng tìm thấy sự tồn tại dai dẳng những nỗi đau. Nguyên nhân của những đổ vỡ ấy, suy cho cùng là bởi chiến tranh khốc liệt, và một phần bởi những hủ tục lạc hậu bóp nghẹt con người. Những đàn ông làng Đông như Vạn, như Nghĩa mang trong mình đầy thương tích. Tấm huân chương trên ngực Vạn không mang đến cho anh những niềm vui giản dị nhất trong đời thường. Nghĩa mãi mãi không thể thực hiện trách nhiệm nối dõi tông đường - trách nhiệm quan trọng mà cả dòng họ đặt cả hi vọng vào Nghĩa. Nỗi đau và bi kịch là hướng chính mà Dương Hướng muốn tiếp cận thông qua tín hiệu thẩm mĩ bến. Đây cũng là cách tiếp cận mới mẻ của Dương Hướng trong hoàn cảnh chiến tranh đã đi qua, văn chương đặt ra nhu cầu nhận thức lại - nhận thức chân xác và nhân văn hơn về hiện thực.

4. Mối quan hệ giữa tín hiệu thẩm mĩ Bến với các yếu tố khác của tác phẩm và phong cách tác giả

4.1 Mối quan hệ với hình tượng nhân vật

Tín hiệu thẫm mĩ chỉ có giá trị khi nó đặt trong tương quan với nhân vật giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp và phương tiện giao tiếp - tức là đặt trong ngữ cảnh nhất định. Bằng cách nhìn toàn diện như vậy, ý nghĩa biểu trưng của tín hiệu thẫm mĩ mới được đánh giá đầy đủ và sâu sắc. Với tác phẩm văn xuôi, hình tượng nhân vật là trung tâm, là hình tượng quan trọng nhất. Mọi yếu tố tác phẩm đều châu tuần làm rõ sự phát triển tính cách nhân vật.

Trở lên, trong lúc trình bày ý nghĩa của biểu tượng bến, người viết đã đan xen nói về nhân vật trong tác phẩm Bến không chồng của Dương Hướng. Tín hiệu thẩm mĩ bến gắn với số phận con nguời làng Đông, từ các cụ già, trẻ con đến thế hệ thanh niên trong làng. Bến chứng kiến tất cả, từ nỗi đau đến niềm vui, từ đoàn tụ rồi chia li. Trong mối quan hệ với nhân vật của tác phẩm, bến vừa là điểm tựa tinh thần vừa là sự thức dậy của những nỗi đau. Không phải ngẫu nhiên Dương Hướng đặt tên truyện là Bến không chồng, như chính số phận người con gái làng Đông vậy. Những cuộc tình, những tiếng cười của bọn trẻ, những câu chuyện đời thường, thậm chí vặt vãnh gắn liền với bến nước. Chọn không gian bến nước làm nơi vận động, sinh hoạt của người dân, Dương Hướng tạo nên một khung cảnh tập trung, khá khép kín. Mọi chuyện diễn ra hầu như mọi người đều biết. Chuyện chú Vạn trở về, chuyện Hạnh và Vạn, chị Nhân và Vạn, chuyện khu từ đường họ Nguyễn, rồi chuyện Hạnh - Nghĩa; Hiệp - Dâu… được lan truyền trong thôn, trong làng và trở thành niềm vui, hoặc tiếng dèm pha của mọi người. Như thế, một mặt không gian bến nước tái hiện thói quen sinh hoạt của người lao động nông thôn. Mặt khác, từ góc nhìn không gian này, Dương Hướng đào sâu hơn những mảnh đời, thân phận trai gái làng Đông. Và hơn nữa, bến nước còn là không gian tâm tưởng của nhân vật. ở phương diện này, Dương Hướng khắc họa thành công tâm lí của nhân vật, tạo nên những trường đoạn miêu tả nội tâm sắc nét. Khi đổ vỡ, Hạnh nhào ra bến như để thoả mãn mọi khao khát, như để thanh tẩy mọi lo toan và trăn trở. Dâu, Cúc nghẹn ngào và thấy có lỗi với người thân, đã lang thang nơi bến quê tìm cảm giác vỗ về cân bằng trở lại. Trong những giây phút nặng nề như thế, bến nước càng như một ma lực, nối các câu chuyện huyền thoại xa xưa với hiện tại, khiến nhân vật vừa hoảng sợ vừa đau đớn… Những mảnh vỡ trong tâm lí con người được Dương Hướng thể hiện rất thành công. Dương Hướng viết “Bến không chồng” vào những ngày hoà bình vừa lập lại. Và trong trang văn của Dương Hướng, sự giao thoa của nếp sống cũ và nếp sống mới hiện lên rõ nét. Bến nước là nơi tập trung nhất thể hiện văn hoá ấu trĩ của làng Đông, nhưng cũng là nơi diễn ra những đổi mới hãy còn mờ nhạt. Trong khoảng đứt gãy của thời cuộc, của tư tưởng ấy, kết đọng lại là nỗi đau của con người.

Thêm nữa, xét trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện, tín hiệu thẩm mĩ bến có ý nghĩa đan dệt chi tiết làm nên sự thống nhất của tác phẩm. Câu chuyện tình đầy huyền thoại của người dân kết nối bi kịch tình yêu của thanh niên. Những khoảnh khắc yên ả hay xáo động nơi bến nước đều gắn với một sự kiện liên quan đến số phận nhân vật. Từ đầu đến cuối truyện, hình ảnh bến nước lặp đi lặp lại và kết thúc ở cảnh dòng nước vẫn trôi, mang chở những buồn thương, những va động trong lòng mọi người. Dường như mọi việc được thu xếp gọn ghẽ, mỗi con người đối diện với cảnh sống mới, nhưng thật ra, sự đổi thay ấy, sự lặng lẽ của tâm hồn ấy lại chất chứa đầy bi kịch, đầy nỗi đau khắc khoải.

4.2 Mối quan hệ với phong cách tự sự của Dương Hướng

Tác phẩm Bến không chồng ra đời trong thời kì đầu đổi mới của văn học Việt Nam. Sau khi Đảng đặt vấn đề  “Đổi mới là sống còn”, đưa tinh thần dân chủ lên hàng đầu, hàng loạt cây bút đã xông xáo nhìn thẳng vào hiện thực, phản ánh bản chất của hiện thực. Dương Hướng là một trong những nhà văn tiên phong. Cùng với Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng đã dựng lên trước mắt người đọc một hiện thực nghiệt ngã. Đó là xã hội còn vương vít những như tưởng bảo thủ, lạc hậu dồn đẩy thân phận con người đến ngõ cụt, là chiến tranh tàn khốc gây cảnh chia ly, cảnh đợi chờ mòn mỏi. Lần lượt những trai làng Đông lên đường, lần lượt những gái làng Đông hi vọng mỏi mòn. Nói như nhà văn Nguyễn Minh Châu, “chiến tranh như một nhát dao phạt ngang hai nửa đời người”, giữa hai nửa ấy không bao giờ liền lại được. Chiến tranh găm vào nhân vật những nỗi đau không gọi thành tên. Cái nhìn thẳng thắn, đa diện về hiện thực chính là đóng góp mới mẻ của nhà văn Dương Hướng. Từ bối cảnh làng Đông với hình ảnh bến nước như một đặc trưng riêng, nhà văn Dương Hướng đã nới rộng hiện thực, phản ánh bức tranh của một thời, đào sâu vấn đề bản chất của thời đại để lay tỉnh một cách đánh giá mới.

Dương Hướng có biệt tài xây dựng những hình ảnh mang tính bổ sung, tương hỗ trong tác phẩm. Không chỉ có hình ảnh bến, khu từ đường họ Nguyễn láy đi láy lại tạo nên sự o bế, ám ảnh về tàn dư của lối sống lạc hậu, bảo thủ. Với cách đan chéo hình ảnh như vậy, Dương Hướng tạo không khí truyện ngột ngạt và khép kín, dồn đẩy nhân vật đến bi kịch. Thêm vào đó, những số phận con người được nhà văn “xếp lớp”, từ bà mẹ của Hạnh đến thế hệ những người như Hạnh. Cả một lớp trẻ làng Đông mòn mỏi và tuyệt vọng, không một số phận nào có được hạnh phúc. Cái nhìn của Dương Hướng chuyển về quỹ đạo nhân bản -một hằng số có tính thời sự của văn học thời đổi mới, gây hấn lại với quan niệm “văn chương phải đạo”, “văn chương minh hoạ” trước đó. Đào sâu vào số phận con người, Dương Hướng đặt nhu cầu hạnh phúc của cá nhân lên bình diện thứ nhất.

Dương Hướng có cách dẫn truyện khá tự nhiên, việc đưa ngôn ngữ đối thoại đậm chất khẩu ngữ tạo cho trang văn của Dương Hướng không khí đời thường rõ rệt. Ví dụ lời ông Xung:

Đã có mống nào chưa đấy?

Mẹ kiếp, bàn suông nên thế đấy…

Anh ngu bỏ mẹ, lương thiện mà chả có lúc nhăn răng, nói chuyện với anh phí rượu.

Hay lời của Dâu:

Tao nói thật, vài ba năm nữa anh cô không về là tao cũng tếch…

Mày thấy cái Thắm có yêu chồng không? Tao thấy cái tay thọt này nó đĩ thõa mà hèn hèn thế nào…

Có lúc, giọng trần thuật nửa trực tiếp của nhà văn tạo nên cái nhìn khách quan, lạnh lùng, có vẻ rất dửng dưng: “Mẹ kiếp, vừa về đến làng đã gặp thằng ngốc. Nguyễn Vạn biết thừa mọi người đang làm đồng cũng lố nhố đứng lên nhìn Vạn. Hãy nhìn cho kĩ đây. Chẳng gì Nguyễn Vạn cũng là lính Điện Biên chiến thắng trở về. Dấu tích oanh liệt trên chiến trường là vết thương trên bả vai và một ống chân bị gãy, làm bước đi của Nguyễn Vạn cứ tập tễnh… Vạn cười rống lên để khỏi khóc. Vạn cười đến ngất xỉu lúc nào không biết nữa.”

Tuy nhiên, do đào sâu vào những số phận, cộng với ngòi bút kể chuyện thiên về những chi tiết tâm lí, “Bến không chồng” của Dương Hướng bàng bạc giọng buồn thương. Chiều sâu của tác phẩm vẫn là nỗi đau, là niềm trăn trở. Dừng lại ở những trang viết khá dữ dội, ví dụ khi Hạnh vùng vẫy trong nước, ám ảnh bởi những kí ức và những câu chuyện huyền thoại, ta nhận thấy ngòi bút Dương Hướng miêu tả tâm lí khá đặc sắc. Cái khấp khểnh, đau đớn vật vã trong truyện Dương Hướng luôn đẩy người tiếp nhận vào một miền thương cảm. Điều này một phần là hệ quả của sự lựa chọn biểu tượng bến. Bởi vì, biểu tượng bến từ ca dao đến nay vốn gợi sự đợi chờ, mong mỏi nhiều hơn là sự sôi động. Những cảnh sinh hoạt, những tiếng cười chỉ là một khía cạnh nhỏ. Khi xuất hiện biểu tượng bến dày đặc trong tác phẩm, bản thân nó đã gây hiệu ứng buồn thương. Những đoạn miêu tả dòng nước hiền hoà, phẳng lặng, mơn man ru vỗ hay dữ dội, khốc liệt mang ám ảnh về câu chuyện huyền thoại; những câu văn dài kết hợp nhiều định ngữ tạo nên giọng trữ tình có chiều sâu. Chính ở những đoạn diễn tả tâm lí như thế, tín hiệu thẩm mĩ bến phát huy hiệu quả nhất. Thêm nữa, gắn kết với các số phận tương đồng, tác phẩm càng nhấn sâu vào nỗi buồn. Biểu tượng bến góp phần làm nổi bật phong cách tự sự của nhà văn Dương Hướng: một lối văn nhẹ nhàng với giọng kể khắc khoải.

Trên đây, người viết đã trình bày ý nghĩa biểu trưng của bến trong tác phẩm “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng. Đề tài góp phần khẳng định tầm quan trọng của hướng phân tích tác phẩm văn học từ góc độ tín hiệu thẩm mĩ. Mặt khác, thông qua việc khám phá và đánh giá tác phẩm, chúng ta đồng thời nhận diện được những cách tân của Dương Hướng trong nền văn xuôi Việt Nam hiện đại.

Tài liệu tham khảo

 

Nguyễn Thị Bình – Văn xuôi Việt Nam 1975 – 1995, những đổi mới cơ bản, Nxb GD, 2007

Đỗ Hữu Châu – Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb GD, 1998

Đỗ Hữu Châu – Những luận điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ học các sự kiện văn học, TCNN, số 2/ 1990

Đỗ Hữu Châu – Từ vựng ngữ nghĩa Tiếng Việt, Nxb GD, 2000

C.G.Jung, Jean Chevalier, Alain Gheerbrant – Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường viết văn Nguyễn Du, 1997

Iu.A.Philipiep – Những tín hiệu của thông tin thẩm mĩ, Tài liệu đánh máy Thư viện trường ĐHSP HN

Lê Bá Hán, Trần Đình Sử – Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG, HN, 2000

N.B.Khrapchenco – Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, Nxb Tác phẩm mới, HN, 1978

Nguyễn Thị Ngân Hoa, Đỗ Việt Hùng – Phân tích phong cách ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, Nxb ĐHSP, 2001

 Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hoà - Phong cách học Tiếng Việt, Nxb GD, 1996

 Đinh Văn Thiện – Khảo sát các nét nghĩa biểu trưng của các từ chỉ hiện tượng thiên nhiên khí tượng mưa, nắng, gió trong ca dao và thơ Nguyễn TrãI, Luận văn Thạc sĩ 1983, ĐHSPHN.

 

 [1]Theo GS Đỗ Hữu Châu, với tư cách là thể chất của thành phần văn học, ngôn ngữ văn học là hệ thống thành phần bao gồm: tín hiệu thông thường thực hiện chức năng giao tiếp lí trí (tái tạo hiện thực) và tín hiệu thẫm mĩ chứa đựng tư tưởng, tình cảm của tác giả, thông qua quá trình biểu trưng hoá, khái quát hoỏ nghệ thuật.(Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb GD, 1998).

 

[2] Phân biệt ẩn dụ, tượng trưng với biểu trưng:

 ẩn dụ, nhỡn từ gỳc độ sỏng tạo nghệ thuật, là cỏch dựng sự vật này (trong từ, ngữ) để biểu thị sự vật khỏc dựa trờn sự tương đồng về một đặc điểm, một thuộc tớnh nào đỳ, nhằm đem đến cho sự vật được nỳi tới một hỡnh ảnh, một vẻ đẹp riờng, mới mẻ, khơi gợi cho người đọc; vừa là một nhận thức mới; vừa là những rung cảm mới; cỏi gọi là giỏ trị thẩm mĩ của ngụn ngữ nghệ thuật. Cũng cỳ thể nỳi, bản chất của ẩn dụ là nhấn mạnh một thuộc tớnh cỳ thật của sự vật, hiện tượng, đẩy thuộc tớnh hoặc đặc điểm ấy thành bản chất của sự vật. Vớ dụ: Con đường trong truyện ngắn của Lỗ Tấn, Mặt trời trong thơ Tố Hữu…

Biểu tượng: Một sự vật, hỡnh ảnh được dựng lờn bằng vật chất mang giỏ trị thẩm mĩ, gợi lờn những liờn tưởng về bản chất của một sự vật noà đú. Trong văn chương, hội hoạ, người ta dựng ngụn từ, dựng màu sắc, hỡnh ảnh để thể hiện biểu tượng.

Biểu trưng: Biểu trưng chớnh là ẩn dụ đó trở thành phổ biến, quen thuộc trong hệ thống sỏng tỏc của một tỏc giả; thậm chớ trở thành phổ biến hoặc khỏ quen thuộc sỏng tạo nghệ thuật núi chung.

 

 

Một tác phẩm văn học hình thành phải kinh qua những suy nghĩ, những trăn trở của người nghệ sĩ. Bản thân tác phẩm là một cấu trúc sinh động có sự phối hợp của nhiều yếu tố nghệ thuật tạo thành một chỉnh thể chặt chẽ. Cùng với sự cộng hưởng của yếu tố văn hoá, lịch sử, hình tượng trong tác phẩm luôn mở ra nhiều tầng nghĩa với những chiều kích liên tưởng khác nhau. Nhà văn thường dụng công xây dựng những tín hiệu thẩm mĩ[1] để tăng cường giá trị biểu đạt và chiều sâu ý nghĩa cho tác phẩm. Tín hiệu thẩm mĩ là cơ sở để giải mã hình tượng, tăng tính hàm súc, giàu sức gợi của ngôn từ. Tín hiệu thẩm mĩ luôn chứa khả năng nảy sinh quan niệm, dồn nén các tầng nghĩa. Phân tích tác phẩm từ phương diện tín hiệu thẩm mĩ là con đường khoa học để khám phá những thông điệp nghệ thuật đắt giá.

(Source: Đào tạo Cao học - Khoa Ngữ văn )

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020