Nghiên cứu khoa học

Nam tính hóa nữ tính – đọc Đoạn tuyệt của Nhất Linh từ góc nhìn giới tính


12-10-2020

TRẦN VĂN TOÀN[1]

Ngay từ khi ra đời, Đoạn tuyệt đã được dư luận quan tâm đặc biệt. Từ Đoạn tuyệt của Nhất Linh (1935 ) của Trương Tửu, qua Việt nam văn học sử yếu (1943) của Dương Quảng Hàm đến tất cả các bộ văn học sử sau này Đoạn tuyệt vẫn luôn được xem là cuốn tiểu thuyết tiêu biểu không chỉ cho Nhất Linh mà  còn cho toàn bộ văn phái. Tựu chung, đóng góp của Đoạn tuyệt được nhấn mạnh ở những phương diện: (1) phê phán đại gia đình phong kiến; (2) cổ vũ cho giải phóng người phụ nữ, mở rộng hơn là giải phóng cá nhân; (3) có nội dung dân tộc (nhưng còn mờ nhạt). Dựa trên sự phân tích tương quan quyền lực giới tính trong hiện tượng nam tính hóa nữ tính ở nhân vật Loan, bài viết của chúng tôi sẽ thẩm định lại một số vấn đề sau:

- giới hạn của cái gọi là giải phóng phụ nữ trong Đoạn tuyệt thực chất là gì? Giải phóng phụ nữ ở Đoạn tuyệt phải chăng là sự đấu tranh để xác lập một hệ giá trị mới của riêng người phụ nữ?

- nội dung dân tộc trong Đoạn tuyệt phải chăng là mờ nhạt? có hay không mối quan hệ giữa diễn ngôn về giải phóng người phụ nữ và vấn đề dân tộc? và nếu có thì nó được thể hiện thế nào trong hình tượng người phụ nữ?

1.Lịch sử tiếp nhận Đoạn tuyệt cho thấy, đối với giới nghiên cứu, về căn bản Đoạn tuyệt là câu chuyện của Loan. Một cách trực quan, nhan đề của cuốn tiểu thuyết dường như cũng là để dành cho cô. Tuy nhiên, hạt nhân trong tính cách của Loan, không gì khác, chính là khát vọng được trở thành Dũngđược có những phẩm chất của Dũngđược sống cuộc đời của Dũng. Toàn bộ những hoạt động, lời nói cho đến những biểu hiện sâu kín nhất trong nội tâm của Loan đều có thể được quy chiếu đến khát vọng này. Những xung đột của Loan với Thân, với bà mẹ chồng cay nghiệt chỉ xuất hiện ở phần giữa tác phẩm nhưng khát vọng được sống cuộc đời của Dũng thì đã xuất hiện ngay từ những dòng đầu tiên khi Nhất Linh miêu tả nội tâm người nữ nhân vật của mình: “Loan nhìn Dũng, ngắm nghía vẻ mặt cương quyết, rắn rỏi (TVT nhấn mạnh) của bạn, nghĩ thầm: ‘Học thức mình không kém gì Dũng, sao lại không thể như Dũng, sống một cuộc đời tự lập, cường tráng (TVT nhấn mạnh), can chi cứ quanh quẩn trong vòng gia đình, yếu ớt sống một cuộc đời nương dựa vào người khác”[2]. Mở rộng hơn, trong toàn bộ tác phẩm, dù đa dạng trong chi tiết nhưng hình ảnh Dũng trong Loan luôn chỉ có một thuộc tính duy nhất: vẻ đẹp của một cuộc sống tự do, phóng khoáng, không trói buộc. Có thể nói, không phải Dũng mà chính cuộc sống của Dũng mới là tình yêu đích thực mà Loan hướng đến. Yêu Dũng, hạnh phúc của Loan không chỉ là được nhìn thấy, được sống với Dũng mà quan trọng hơn còn là để sống như Dũng. Khi sống với Thân, trong cuộc sống vật chất đủ đầy Loan vẫn luôn cảm thấy đau khổ vì cuộc sống của cô hoàn toàn đối lập với cuộc sống của Dũng. Ngược lại, khi được xử trắng án, ra tù, phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong mưu sinh nhưng Loan vẫn rất hạnh phúc vì đấy chính là lúc cô được sống cuộc đời của Dũng. Tác phẩm khép lại với hình ảnh của Loan: “có một người sung sướng. Người đó đương đi ngoài mưa gió, quên cả mưa ướt và gió lạnh”[3]. Như ta đã thấy trong tác phẩm, không gian phương xa với mưa ướt và gió lạnh là không gian dành riêng cho Dũng. Không gian ấy giờ đây đã hoàn toàn thuộc về Loan. Loan và Dũng đã nhập làm một. Có thể nói, từ mơ ước trở thành Dũng và cuối cùng hoàn toàn đồng nhất với Dũng – đấy chính là logic cho sự phát triển tính cách của Loan.

Theo cách đặt vấn đề này, chúng tôi đặc biệt lưu ý sự kiện: sau khi sinh đứa con trai đầu lòng (sau này bị chết vì bệnh tật vì cách chạy chữa mê tín của gia đình chồng) Loan đã không thể có con được nữa. Trong xã hội truyền thống, ở Việt Nam cũng như các nước Đông Á chịu ảnh hưởng của Nho giáo, thì “gia đình là xuất phát điểm cho việc hình thành giới tính: cưới xin và tính dục là để phục vụ cho việc duy trì dòng dõi bằng cách sinh ra những thế hệ tiếp theo của gia tộc; tình yêu và khoái lạc cá nhân là mục đích thứ cấp so với mục đích này[4]”. Chịu sự quy định này, chỉ khi có con, đặc biệt là con trai, thì người phụ nữ mới có thể hoàn tất vai trò nữ tính của mình với tư cách làm vợ và làm mẹ. Sự kiện Loan không thể có khả năng có con và sau đó bị mất đứa con trai khiến những vai nữ tính của cô theo trật tự truyền thống đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Đã từng có ý kiến nhận xét cho rằng nỗi đau mất con của Loan chưa được Nhất Linh quan tâm một cách đúng mức[5]. Theo chúng tôi, sở dĩ có sự “sơ xuất” này, là bởi vì: với Nhất Linh, từ bỏ những vai giới tính (gender roles) truyền thống là điều kiện quan trọng nhất để Loan có thể “đoạn tuyệt” với những ràng buộc của gia đình chồng. Nói cách khác, trước khi trắng án với tội danh giết chồng, Loan chỉ có thể sống cuộc đời của Dũng khi cô đã “trắng nợ” với những vai giới tính được quy định bởi khuôn khổ của gia đình truyền thống. Với sự kiện này, sự đồng nhất, thậm chí là về mặt sinh học, giữa Loan và Dũng đã được tô đậm hơn.

Có một điều thú vị là, trước đó, trên Phụ Nữ Tân Văn, số 131 (26-5-1932) bà Nguyễn Thị Kiêm[6] - một đại diện tiêu biểu cho phong trào nữ quyền - đã nhắc tới cái gọi là sự nam hóa (la masculinisation) như như một đặc điểm nổi bật của xã hội Việt Nam thời kì này[7]. Và, có lẽ, biểu hiện sinh động nhất cho khuynh hướng “nam hóa” này trong tiểu thuyết chính là tình yêu mà Loan đã dành cho Dũng trong Đoạn tuyệt. Chủ đề về giải phóng người phụ nữ  khỏi sự kìm kẹp của đại gia đình phong kiến như các nghiên cứu kinh điển về Đoạn tuyệt đã chỉ ra là có thật. Chỉ có điều, cần phải bổ sung thêm một khía cạnh khác: người phụ nữ hăm hở giải phóng mình khỏi lễ giáo phong kiến nhưng không phải để kiến tạo cho mình một bản sắc riêng mà để đồng nhất bản sắc của mình với bản sắc của nam giới.

2.  Đến đây xuất hiện một câu hỏi: vì sao, ở thời kì này, hình tượng người phụ nữ lại bị nam tính hóa mạnh mẽ đến như thế?

            2.1 Để trả lời câu hỏi này, trước tiên, phải trở lại với sự xuất hiện vấn đề người phụ nữ cũng như phong trào nữ quyền của Việt Nam những năm đầu thế kỉ.

            a. Như chúng ta đã biết, trong suốt nhiều nghìn năm lịch sử, dưới ảnh hưởng của Nho giao, vai trò nữ tính của người phụ nữ Việt nam luôn bị đóng khung trong phạm vi của đời sống gia đình và chừng mực nào đó là trong dòng tộc. Về căn bản, ở không gian xã hội, quốc gia người phụ nữ chưa bao giờ được xem là một đại diện hợp thức. Nhưng một tình thế mới đã xuất hiện trong xã hội Việt Nam vào cuối thể kỉ XIX và đầu thế kỉ XX. Sự tiếp xúc với phương Tây đã, lần đầu tiên, giúp người Việt  thoát ra khỏi giới hạn khu vực mà Trung Quốc là trung tâm để biết về một trật tự thế giới trong phạm vi toàn cầu. Nhưng, cũng là lần đầu tiên, người Việt nhận thấy một cách sâu sắc và cay đắng về vị thế nhược tiểu của mình trên bản đồ thế giới. Nét tâm lí này là tiền để cho sự hình thành một diễn ngôn mới về dân tộc với định hướng hiện đại hóa bằng cách học tập những tri thức từ phương Tây. Trong sự so sánh với phương Tây, những trí thức Việt đầu thế kỉ nhận thấy một trong những nguyên nhân khiến cho dân tộc chậm tiến hóa là vì: khác với phụ nữ phương Tây, người phụ nữ Việt Nam bị đặt vào vị thế hoàn toàn thấp kém với người đàn ông, và hoàn toàn bị gạt ra khỏi những vấn đề của dân tộc. Muốn duy tân dân tộc thì phải mở mang dân trí và khái niệm người ‘quốc dân’ không chỉ dành cho người đàn ông mà còn có cả sự hiện diện của người phụ nữ. Dù đó là các chí sĩ, hay các trí thức trưởng thành từ nhà trường Pháp – Việt, hoặc các lãnh tụ cộng sản thì vẫn có một điểm chung: đề cao vai trò của người phụ nữ, dành cho người phụ nữ một sự quan tâm đặc biệt trong những dự án về dân tộc. Về vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với nhận định của D. Marr: “Một thế hệ trí thức mới của Việt Nam ra đời vào thập niên đầu của thế kỉ XX, quyết tâm phụng sự cho độc lập dân tộc và hiện đại hóa xã hội Việt Nam. Lúc đầu còn mơ hồ, sau này rõ nét hơn, một số người đã nhận thấy rằng mọi cải cách văn hóa đều đòi hỏi thay đổi trạng thái thấp kém của người phụ nữ, đồng thời công cuộc đấu tranh của dân tộc có nhiều cơ hội thành công hơn nếu có sự tham gia tích cực của người phụ nữ”[8]. Đây là nguyên nhân khiến cho hình tượng người phụ nữ (với vị thế mới và những quan niệm mới về nữ tính) và hiện đại hóa dân tộc là hai chủ đề gắn bó với nhau chặt chẽ, phản ánh và chuyển hóa lẫn nhau. Từ góc nhìn này, Loan không chỉ là biểu tượng cho một cô gái mới khao khát tự do mà còn là biểu tượng cho một dân tộc đang cố gắng thoát khỏi những ràng buộc của truyền thống để hướng tới một tương lai mới. Những phê phán về Tự Lực Văn Đoàn nói chung đều xuất phát từ tự sự chia cắt giả tạo giữa giải phóng phụ nữ và vấn đề dân tộc. Nhưng đặt vào bối cảnh văn hóa mà tác phẩm ra đời, như chúng ta đã thấy ở trên, một diễn ngôn mới về nữ tính đã được xây dựng trên cơ sở một diễn ngôn mới về dân tộc tính.

b. Tuy nhiên, được kiến tạo trong quan hệ với diễn ngôn dân tộc tính không đưa lại cho nữ tính một bản sắc riêng, không đảm bảo cho người phụ nữ một tồn tại độc lập. Trong mối quan hệ với dân tộc tính, người đàn ông vẫn là đại diện hợp thức và duy nhất. Theo tổng kết của Tamar Mayer: “Bất chấp những cách diễn đạt hoa mỹ về tính chất bình đẳng cho mọi người có tham gia vào dự đồ dân tộc (national project) thì dân tộc vẫn luôn là, giống như những thực thể nữ tính khác, một sở hữu của đàn ông – điều này là một thực tế rõ ràng, mang tính lịch sử và toàn cầu”. Và vì thế: “vấn đề dân tộc là gì, cái ‘tôi’ của nó, gắn liền với cái mà người đàn ông là và cái mà người đàn bà được chỉ định là (assigned to be) [TVT nhấn mạnh]” [9]. Ở Việt Nam, những năm 1930, một quan niệm như thế đã được Huỳnh Thúc Kháng khẳng định một cách công khai khi trả lời báo Phụ Nữ Tân Văn về vấn đề phụ nữ: “cái bước tiến lên con đường tiến hóa, sao cũng đàn ông đi trước, mà đàn bà mới tiếp theo [...], thử xem toàn thế giới có dân tộc nào đàn ông thì trình độ đê hèn, mà đàn bà tiến lên cao được bao giờ?[10]”. Với trật tự “đàn ông đi trước, mà đàn bà mới tiếp theo” trên thì nam tính hóa nữ tính là phương thức duy nhất để người phụ nữ hiện đại khẳng định bản sắc và vị thế của mình. Nắm được nguyên lí này sẽ giúp ta giải thích vì sao trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn nói chung và Nhất Linh nói riêng không gian của dân tộc, quốc gia chỉ được miêu tả trong mối quan hệ trực tiếp với người đàn ông. Chỉ anh ta mới có vị thế hợp thức để nói lên những hoài vọng, để gắn cuộc đời của mình với không gian dân tộc. Vậy nên, những nhân vật nam giới như Ngọc trong Hồn bướm mơ tiên, Lộc trong Nửa chừng xuân ...(những người mà phần lớn những sự kiện liên quan đến họ dường như chỉ là ái tình) vẫn có những tuyên bố, những lập ngôn nồng nhiệt, tha thiết về nhân loại, về xã hội. Những lập ngôn này, trước đây, vẫn thường được xem là vu vơ, là thiếu sức thuyết phục vì không gắn với logic phát triển tính cách, kì thực lại nằm trong khung khổ về giới tính đã định trước cho nhân vật. Tương tự như thế, trong Đoạn tuyệt, những suy tư cảm động, tha thiết và sâu sắc nữa về dân, nước được dành chỉ cho Dũng[11]. Nhất Linh không miêu tả trực tiếp Loan với những suy tư, cảm xúc về dân tộc. Mối quan hệ của cô với không gian dân tộc chỉ được thực hiện duy nhất qua tình yêu mà cô giành cho Dũng, qua sự đồng nhất của cô với Dũng.

Tóm lại: hiện đại hóa dân tộc là diễn ngôn chủ đạo của thời đại. Dấu hiệu của quá trình hiện đại hóa ấy được nhận thấy từ chính sự đổi thay trong vị thế của người phụ nữ: thoát khỏi những vai trò gia đình truyền thống để có được vai trò với sự phát triển của dân tộc. Nhưng hiện đại hóa dân tộc là do người đàn ông lĩnh xướng và dẫn dắt. Chỉ bằng cách tiến đến và đồng nhất với người đàn ông, người đàn bà mới có được giá trị đích thực cho nữ tính của mình. Điều này hoàn toàn tương ứng với sự vận động của cốt truyện trong Đoạn tuyệt: Loan từ bỏ vai trò người đàn bà của Thân (người đàn ông trong khuôn thước gia đình chật hẹp) để trở thành người đàn bà của Dũng (người đàn ông trong không gian xa rộng, gắn với hoài bão về nhân dân và đất nước). Trong một tương quan như thế với diễn ngôn về hiện đại hóa dân tộc, nam tính hóa nữ tính là một tất yếu!

            2.2  Nhưng đấy vẫn chưa phải là lí do duy nhất để giải thích cho hiện tượng nam tính hóa nữ tính trong Đoạn tuyệt.

a. Cũng theo tổng kết của T. Mayer, tồn tại một tương quan phổ biến cho tương quan nam tính – dân tộc và nữ tính như sau: “dân tộc hầu như luôn được nữ tính hóa và được mô tả như cần sự bảo vệ; (...) và người đàn ông sẽ giữ vai trò bảo vệ hình ảnh của dân tộc, bảo vệ biên giới của dân tộc, bảo vệ sự thuần khiết và thùy mị của người phụ nữ, bảo vệ cái mã đạo lí (moral code).”[12]. Mô hình trên, đương nhiên là không thể áp dụng nguyên xi vào mọi nền văn hóa, trong mọi thời kì nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng với tư cách là một phạm trù phổ quát để qua đó nhận diện về những biến thể. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam những năm 30 của thế kỉ XX thì vai trò người bảo vệ (protector) của người đàn ông phải chịu đựng một sự khủng hoảng nghiêm trọng. Từ phong trào kháng Pháp ở Lục tỉnh, đến phong trào Cần Vương, Đông du và gần nhất với thời điểm ra đời của Đoạn tuyệt là khởi nghĩa Yên bái; từ hình mẫu của người nam nhi truyền thống lấy cái chết đền nợ nước của Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Hoàng Diệu đến mẫu người anh hùng thời loạn của Phan Bội Châu, người cách mạng theo ý hệ tư sản của Nguyễn Thái Học...chung cuộc vẫn là những thất bại bi tráng. Trong một tình thế như thế, nam tính hóa nữ tính cho phép người đàn ông xác lập bản sắc nam tính của mình. Không nên quên rằng hầu hết những bản sắc nữ tính mởi mẻ trên báo chí và tiểu thuyết thời kì này phần lớn đều được tạo lập bởi những nhà cách mạng, những nhà báo, nhà văn nam giới: từ Phan Bội Châu đến Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh qua Phan Khôi, Nhất Linh[13]. Chính thông qua việc nam tính hóa người phụ nữ, người đàn ông phóng chiếu vào đó hình ảnh, những kì vọng của chính mình. Trong Đoạn tuyệt, Loan tựa như tấm gương phản chiếu những ý nguyện, hoài bão của Dũng. Ta hiểu vì sao, Nhất Linh không miêu tả tình yêu của Dũng dành cho Loan từ  những rung động về vẻ đẹp hình thể hay sự tinh tế của thế giới nội tâm. Dũng yêu Loan vì anh tìm thấy ở cô hình ảnh và hoài bão của chính mình. Sự nghiệp mà Dũng theo đuổi là khá mơ hồ trong tác phẩm nhưng chính vì sự thắng lợi của Loan mà nó có được một hình hài rõ nét hơn. Chẳng những thế, sự vận động của Loan để tiến đền đồng nhất với Dũng đã đưa Dũng lên vị thế của một nhân vật lí tưởng, đầy hấp dẫn. Qua tình yêu của Loan, Dũng (biểu tượng của nam tính Việt) tìm thấy vị thế của người dẫn đường, là hình mẫu lí tưởng để người phụ nữ hướng tới. Bằng cách này, người đàn ông đã khẳng định vai trò dẫn dắt, hướng đạo của mình trong sứ mệnh giải phóng phụ nữ cũng như hiện đại hóa dân tộc. Đấy có lẽ chính là một tín niệm và cũng là một thông điệp quan trọng nhất mà Nhất Linh – nhà văn, nhà hoạt động xã hội – muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình.

b. Tuy nhiên theo một chiều hướng khác thì việc kiến tạo nam tính thông qua hình tượng người phụ nữ như thế còn có thể được lí giải từ nguyên nhân: sự mặc cảm của nam tính Việt trong tương quan với chủ thể thực dân. Diễn ngôn về hiện đại hóa dân tộc, như chúng tôi đã phân tích ở trên, mặc nhiên dành cho phương Tây vai trò của kẻ mạnh. Trong tương quan giữa chủ thể thực dân và thuộc địa thì: “nhìn chung, địa vị chủ thể được  định ra cho các chủ thể thực dân là đàn ông[14]” và điều này khiến nam tính của các dân tộc thuộc địa bị suy giảm (emasculated), có xu hướng bị nữ tính hóa (feminized). Theo K. Louie: “Nhiều nghiên cứu khoa học ‘củng cố cho nhận định của Edward Said rằng những diễn ngôn về phương Đông đã giảm thiểu nam tính của nó tới mức phương Đông ‘là bị thấu suốt (penetrated[15]), câm lặng, và bị sở hữu’ (Said 1978, 207). Mặc dù Đông phương với Said là qui chiếu đến Trung Á thì chân dung của người đàn ông Nhật Bản và Trung Quốc dường như củng cố cho sự khẳng định của Said rằng: dưới cái nhìn phương Tây đàn ông châu Á bị nữ tính hóa”[16]. Từ góc độ này này, hiện tượng nam tính hóa nữ tính, hiện tượng phóng chiếu bản sắc nam tính vào trong những kiến tạo về nữ tính (như chúng ta đã thấy ở mối quan hệ giữa Dũng và Loan nói trên) lại có thể xem là một biểu hiện của sự nữ tính hóa nam tính (feminised masculine) trong bối cảnh thuộc địa. Nam tính – đại diện hợp thức của dân tộc - không đủ tự tin để hiện diện một cách trực tiếp mà phải ẩn mình sau những biến đổi của nữ tính.

3. Từ những phân tích trên có thể rút ra hai kết luận:

Thứ nhất,  với Đoạn tuyệt của Nhất Linh đã xuất hiện một “phiên bản” mới về người phụ nữ. Lần đầu tiên, trong lịch sử văn học người phụ nữ thoát khỏi phạm vi gia đình để xuất hiện trong không gian xã hội, dân tộc. Tuy nhiên, ở Loan người đọc chưa bắt gặp những trải nghiệm, những kinh nghiệm, càng không thấy cái nhìn riêng của người phụ nữ về thế giới. Hình tượng người phụ nữ trong Đoạn tuyệt chỉ là một kiến tạo từ cái nhìn của người đàn ông. Người phụ nữ trở thành một công cụ để nhà văn nam giới thể hiện cái nhìn và những ý tưởng về xã hội của họ. Điều này không mới. Một chiến lược sử dụng hình tượng người phụ nữ để biểu đạt kinh nghiệm, cái nhìn của đàn ông về thế giới như thế vốn đã trở thành thông lệ trong sáng tác của các nhà văn nam giới trong truyền thống: nàng Kiều của Nguyễn Du, nàng cung nữ của Nguyễn Gia Thiều, nàng chinh phụ của Phan Huy Ích (?) ... đều là như thế. Đây là một vấn đề  lí thuyết rất thú vị mà chúng tôi hi vọng sẽ có dịp đề cập đến một cách chi tiết hơn trong một tiểu luận độc lập khác.

Thứ hai, ẩn chứa trong sự kiện nam tính hóa nữ tính của Đoạn tuyệt là rất nhiều tương quan quyền lực: nam giới và nữ giới; bản sắc dân tộc; thực dân và thuộc địa... Chính sự giao cắt (intersection) của các tương quan quyền lực trên đã khiến cho khiến cuốn tiểu thuyết luận đề mất đi sự trong sáng và mạch lạc để nhường chỗ cho tính chất mơ hồ, đa âm của các lớp nghĩa được biểu đạt. Như thế, về mặt lí thuyết, có lẽ phải thừa nhận rằng: tính đa nghĩa của tác phẩm dường như được quyết định bởi sự tương tác của các diễn ngôn, của các quan hệ quyền lực hơn là phụ thuộc vào những tiểu loại mà chúng được dán nhãn, vào những kiểu tính cách nhân vật được xây dựng trong tác phẩm?

                                                                                    Pusan 15.11.10 -  15.05.11

 

 


[1] TS, Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư Phạm Hà Nội.

[2]Nhất Linh. 1999, “Đoạn tuyệt”, trong Văn chương Tự Lực Văn Đoàn, tập 1 do Phan Trọng Thưởng – Nguyễn Cừ.1999 (giới thiệu và tuyển chọn), Hà Nội: Nxb Giáo dục, tr.23

[3] Như trên, 134

[4] Brownell, Susan và Wasserstrom, N. Jeffrey (chủ biên). 2002, “Introduction: Theorizing Femininities and Masculinities” [Dẫn nhập: Lí thuyết hóa về những nữ tính và những nam tính] trong sách Chinese Femininities/Chinese Masculinities [Những nữ tính/những nam tính Trung Quốc], University of California Press, Ltd, tr. 32

[5] Bùi Xuân Bào, “Nhất Linh hay khuynh hướng lãng mạn phản kháng”, dẫn theo Mai Hương (tuyển chọn và biên soạn).2000, Nhất Linh – cây bút trụ cột của Tự Lực Văn Đoàn, Hà Nội: Nxb Văn hóa thông tin, tr.120

[6] Nguyễn Thị Kiêm (1914-?): nữ nhà báo, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội có ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần Việt Nam những năm 30. Là cây bút xuất hiện ngay từ buổi đầu của Phụ Nữ Tân Văn, với bút danh Nguyễn Thị Manh Manh, những bài báo, diễn thuyết và thơ của Nguyễn Thị Kiêm đã có những đóng góp quan trọng đến  phong trào nữ quyền và phong trào thơ Mới.

[7] Nguyễn Thị Kiêm, “Cô Nguyễn Thị Kiêm nói về vấn đề nữ lưu và văn học”, Phụ Nữ Tân Văn, số 131 (26-5-1932), tr.32 dẫn lại theo theo Thanh Lãng.1995, Mười ba năm tranh luận văn học (1932-1945), NXB Văn học – Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, t2, tr.185 - 187

[8] D.Marr.1984, “The Question of Women”, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 [Truyền thống Việt Nam trong thử thách, 1920-1945], University of California Press, tr. 199-200

[9] Mayer, Tamar. 2002, “Gender Ironies of Nationalism” [Những phi lý về giới tính của chủ nghĩa dân tộc],  Gender Ironies of Nationalism – Sexing the nation [Những phi lý về giới tính của chủ nghĩa dân tộc – xác định giới của dân tộc], tái bản lần thứ hai, Taylor & Francis e-Library, tr.1, 18

[10] Huỳnh Thúc Kháng.1929, “Ý kiến của ông Huỳnh Thúc Kháng đối với vấn đề phụ nữ”, Phụ Nữ Tân Văn số 9 (27.6.1929), tr. 10 dẫn theo Thanh Lãng, Mười ba năm tranh luận văn học (1932-1945), NXB Văn học – Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, t2, tr.79

[11] Nhất Linh.1999, “Đoạn tuyệt”, 66-67

[12] Mayer, Tamar. 2002, 10. Một mô hình như thế (với những điều chỉnh nhất định) cũng có thể được nhận thấy trong bài viết “Women, Westernization and the Origins of Modern Vietnamese Theatre” [Người phụ nữ, phương tây hóa và những nguồn gốc của kịch Việt Nam hiện đại], Journal of Southeast Asian Studies, 37 (2), pp 205–224 June 2006 của W. Wilcox.

[13] Một cách cụ thể về vai trò của các nhà cách mạng, tư tưởng và nhà văn nam giới trong phong trào nữ quyền, xin xem Đặng Thị Vân Chi.2008, Vấn đề phụ nữ trên báo chí tiếng Việt trước năm 1945, Nxb Khoa học xã hội.

[14] Mills, Sara.2004, “Feminist Theory and Discourse Theory” [Lí thuyết nữ quyền và lí thuyết diễn ngôn] trong sách Discourse [Diễn ngôn], New York: Taylor & Francis e-Library, tr.90

[15] Từ “penetrate” bên cạnh những nghĩa: “thâm nhập”, “lan khắp”, “hiểu thấu” còn một nghĩa chỉ hành vi đưa sinh thực khí người nam vào trong âm đạo của người nữ. Cách diễn đạt này tự nó đã ngầm biểu đạt sắc thái nữ tính hóa của phương Đông.

[16] Louie, Kam.2005, “Chinese, Japanese and Global Masculine Identities” [Nam tính Trung quốc, Nhật Bản và những bản sắc nam tính toàn cầu], trong sách Asian Masculinities [Những nam tính châu Á], biên soạn bởi Kam Louie và Morris Low, Taylor & Francis e-Library, tr.3

Post by: Vu Nguyen HNUE
12-10-2020