Nghiên cứu khoa học

Người đi, thơ còn lại


11-10-2020

Tháng 10/2003 báo Quân Đội Nhân Dân có tổ chức một cuộc tọa đàm nhan đề “Thơ hôm nay đi về đâu?”. Thành phần được mời dự cuộc đó là các nhà thơ nhà phê bình thế hệ tứ thập, sau lớp chống Mỹ và trước lớp thơ trẻ hiện nay, có thể tạm gọi là thế hệ hậu chiến. Các ý kiến phát biểu hôm đó đã được đăng lên báo[1] và đã gây ra một số phản ứng. Bị phản ứng nhất là những ý kiến cho thơ chống Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh, bây giờ là đến một thời thơ mới. Những người phản ứng cho như thế là phủ nhận quá khứ (một luận điệu khá sáo rỗng và cũ mòn). Tôi viết bài nay như một sự minh định cho cuộc tọa đàm đó.

1.Trước hết cần phân biệt hai khái niệm: Thơ chống Mỹ và Thế hệ thơ chống Mỹ.

Thơ chống Mỹ là thơ sáng tác trong thời kỳ diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ, đội ngũ thơ lúc đó có nhiều thế hệ. Đề tựa cho tuyển tập Thơ chống Mỹ cứu nước (1965 – 1967) Chế Lan Viên viết: “Từ anh Khương Hữu Dụng cầm bút hồi sinh thời cụ Phan Bội Châu đến em bé Trần Đăng Khoa đẻ ra sau ngày hòa bình lập lại, tất cả đều có mặt.”[2] Đội ngũ này làm nên một nền thơ chống Mỹ trong những ngày khói lửa chiến tranh.

Thế hệ thơ chống Mỹ hiểu là những người đã trưởng thành và kinh qua chiến tranh, đã có thơ trong chiến tranh hoặc sau khi chiến tranh kết thúc mới có thơ, nhưng thế hệ nhà thơ này khẳng định mình chủ yếu là sau 1975. Hữu Thỉnh ký tên Nguyễn Hữu ở bài thơ về năm anh em trên một chiếc xe tăng in chung trong một tập thơ chiến sĩ năm 1972, và năm 1973 anh được giải ba cuộc thi thơ báo Văn Nghệ với bài Mùa xuân đi đón, đó mới là dấu hiệu khởi đầu. Thanh Thảo được nhà thơ Chế Lan Viên giới thiệu chùm thơ 13 bài trên tạp chí Tác Phẩm Mới năm 1972, đó mới là dấu hiệu khởi đầu. Nguyễn Duy đạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1973, cũng năm ấy anh có tập Cát trắng xuất bản, đó mới là khởi đầu. Chỉ kể ra ba trường hợp, (có thể kể nhiều nữa), để thấy Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy thành ra họ như hiện nay trong nền thơ Việt Nam nửa sau thế kỷ XX là ở thời hậu chống Mỹ, họ là thế hệ thơ chống Mỹ, sự nghiệp thơ của họ là ở thời hậu chiến, và thơ hậu chiến của họ không phải là thơ chống Mỹ, không phải như khi họ viết trong thời đang chiến.

Chiến tranh kết thúc, thơ chống Mỹ kết thúc. Sau chiến tranh thơ (và văn học) viết về chiến tranh phải khác. Thơ đó đã hoàn thành sứ mạng của nó. Sứ mạng tuyên truyền và cổ vũ tinh thần chiến đấu và chiến thắng. Yêu cầu giáo dục đặt trên yêu cầu nhận thức. Hoàn cảnh chiến tranh bắt thơ (và văn học) phải thế, không chỉ ở Việt Nam, ở nước nào cũng thế.

Năm 1937 trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, A. Machado viết:

          Ngòi bút tôi nếu được bằng khẩu súng

          của anh thôi, tôi sẽ chết yên lòng[3].

Năm 1969 trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Tố Hữu viết:

          Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ

          Hơn nghìn trang giấy luận văn chương

Thơ đó là một tồn tại, hiểu theo nghĩa Hegel, “cái gì tồn tại là hợp lý, và cái gì hợp lý thì tồn tại”. Chê bai, phủ nhận đều không đúng, và không được, cái tồn tại ở khách quan thì cũng mất đi ở khách quan. Nói điều này để tránh những thái độ suy diễn, quy chụp ra ngoài thơ, đẩy về phía chính trị hay đạo đức, đó là hành động phi chính trị và phi đạo đức, không nói là phi khoa học vì cố nhiên là phi khoa học.

Chiến tranh là biến cố bất thường và khác thường trong đời sống một cộng đồng, một dân tộc, một quốc gia, một gia đình, một cá nhân. Thơ chống Mỹ nói cái khác thường, bất thường đó một mặt như cái bình thường, mặt khác như cái phi thường. Chẳng hạn sự chia ly là điều buồn bã, đau đớn, nhưng các chàng trai cô gái Việt Nam ngày chống Mỹ “xa nhau không hề rơi nước mắt” (Nam Hà), và nếu có khóc thì đó là “những giọt long lanh nóng bỏng sáng ngời, chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi, và rạng đông đã hừng trên nét mặt, một rạng đông với màu hồng ngọc” (Nguyễn Mỹ). Hai người yêu chia tay nhau “anh ôm em, và ôm cả khẩu súng trường bên vai em” (Nguyễn Đình Thi). Không thể khác được, vì tình riêng nằm trong tình chung, ngay từ thời chống Pháp đã vậy, “anh yêu em như anh yêu đất nước” (Nguyễn Đình Thi), đến cả nỗi đau mất người yêu thương xót vò xé cũng chỉ là “một tấm lòng trong vạn tấm lòng” khi “nhớ nhau anh gọi em đồng chí” (Vũ Cao). Nghĩa lớn tình chung buổi vận nước mất còn đã ràng buộc mọi số phận cá nhân và tình cảm riêng tư vào cộng đồng. Thơ chống Mỹ đã làm được điều đó.

Nhưng hễ ai đi ra khỏi điều đó thì bị coi là chệch đường, là lạc giọng, là sai sự thật. Và phải bị phê phán.

Phạm Tiến Duật nổi lên trong dàn thơ chống Mỹ với những bài thơ nói cái hiện thực trần trụi của chiến tranh, cái ngang tàng hiên ngang của người lính. Nhưng cái trần trụi đó, cái ngang tàng đó được khen chỉ khi nhà thơ viết theo âm hưởng hào hùng, ca ngợi. “Thế đấy giữa Seng Phan, Nghe tiếng bom rất nhỏ”. “Không có kính không phải vì không có kính, Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi, Ung dung buồng lái ta ngồi”. Nhưng khi nhà thơ tỉnh táo nhìn vào một cuộc ném bom của kẻ thù xuống xóm làng quê hương: “Khói bom lên trời thành những vòng đen, Và dưới mặt đất sinh ra bao vòng trắng” thì cái trần trụi khốc liệt đó của anh đã không được thơ chống Mỹ chấp nhận. Khi anh đẩy tới nữa hình ảnh liên tưởng “Khăn tang vòng tròn như một số không” để đi tới một nhận thức thực tế “Không có mất mát nào lớn bằng cái chết” thì anh đã thành kẻ có tội, mặc dù bài thơ kết lại đầy tinh thần chiến đấu “Tôi và bạn tôi đi trong im lặng, Với cái đầu bốc lửa ở bên trong”. Tội của anh được quy chiếu rất rõ ràng: cách nhìn đen tối về cuộc kháng chiến.

Có thể lấy trường hợp Lưu Quang Vũ để thấy thơ chống Mỹ là gì vì anh là một người thức tỉnh sớm và đã sớm từ bỏ dàn đồng ca thơ của thế hệ mình. Những bài thơ viết về chiến tranh ở phần “Hương cây” của anh trong tập thơ đầu tay in chung với Bằng Việt (1968) có chung giọng điệu dịu dàng, ngọt ngào, lãng mạn của thơ chống Mỹ hồi đầu, ví như “Tầng năm”, “Vườn trong phố”. Nhưng anh đã rất nhanh đối khác mình khi đối mặt với thời cuộc, với chiến tranh. Anh tuyên bố “Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều, Rách tan cả những làn sương đẹp phủ”. Anh chán cả bạn bè vì “mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới”. Thơ anh những năm 1970 – 1975 chỉ viết cho mình về sự thực cuộc sống và sự thực lòng mình. Cố nhiên, thơ đó không thể nào đăng lên báo được thời đó, và cả một quãng dài sau 1975 nữa.

 

Khi con người giết nhau

Những lá thư không biết gửi về đâu

Những hải cảng không có tàu cập bến

                             (Lá thu)

Hòa bình đến mong manh

Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn

                             (Liên tưởng tháng Hai)

Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui

Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất

Nhưng nghĩ đến Người lòng tôi rách nát

Xin Người đừng trách giận, Việt Nam ơi

Người có triệu chúng tôi, tôi chỉ có một Người

Tất cả sẽ ra sao

Mảnh đất nghèo máu ứa?

Người sẽ đi đến đâu

Hả Việt Nam đói khổ?

Đến bao giờ bông lúa

Là tình yêu của Người?

                             (Việt Nam ơi)[4]

Thơ anh nhiều những câu như vậy. Trong dàn đồng ca thơ chống Mỹ với hai giọng cao lĩnh xướng là Tố Hữu và Chế Lan Viên, một giọng thơ như thế của Lưu Quang Vũ không có chỗ, và anh cũng không muốn có chỗ trong đấy.

Bản thân Chế Lan Viên cuối đời cũng đã ngộ ra được giọng cao chỉ là hô hào, cổ vũ, còn để nói được chuyện đời thì thơ phải nói giọng trầm. Theo ông thơ thời đó là sông Hồng vạm vỡ, nhưng “thiếu đi một tiếng thương thầm”, cần phải để “dòng Thương thương hộ, dù nửa dòng bên đục bên trong”. Ông đã tự vấn, tự buộc tội mình của một thời cao giọng trong thơ như vậy.

Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời

Tôi ú ớ.

Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

Mà tôi xấu hổ.

                             (Ai? Tôi?)[5]

Chế Lan Viên ý thức được thơ chống Mỹ là phải thế nhưng vẫn ngậm ngùi:

Ở đất nước ba tuổi đã rời nôi lên ngựa sắt

Tuổi trẻ chơi lau đã chơi trò đánh giặc

Kiếm làm cho con rùa không thể yên thân trong cuộc sống thường…

Thơ chỉ sống một phần cho mình còn ba phần cho nhiệm vụ

Nghĩ mà thương!

                             (Sử)[6]

Và ông dặn lại hậu thế mai này đọc thơ ông thì phải trừ đi:

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ

Có phải tôi viết đâu! Một nửa

Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi

Giết một tiếng đau - giết một tiếng cười

Giết một kỷ niệm - giết một ước mơ – tôi giết

Cái cánh sắp bay - trước khi tôi viết

Tôi giết bão ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ

Và giết luôn mặt trời lên trên biển - Giết mưa

Và giết cả cỏ trong mưa luôn thể

Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế

Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình

Và thơ này rơi đến tay anh

Anh bảo đấy là tôi.

                             Không phải!

Nhưng cũng chính là tôi - Người có lỗi

Đã phải giết đi bao nhiêu cái

Có khi không có tội như mình[7].

Tiếng nói của một người trong cuộc đáng để suy ngẫm và thêm một luận cứ để xét đoán thơ một thời khi thời đó đã qua.

 

2. Thực ra khái niệm “Thơ chống Mỹ” (cũng như “Thơ chống Pháp”) đã bó hẹp phạm vi vấn đề, nội hàm của nó đã bị thu vào chữ “chống”. Cho nên dễ hiểu là những gì viết ra không trực tiếp chống (kẻ thù), hay có thể bị coi là làm suy yếu tinh thần chống (kẻ thù) đều bị phê phán, loại trừ, như đã nói trên. Là chống nên đối tượng rất rõ ràng, thái độ của chủ thể nhà thơ và nhân vật trữ tình rất rõ ràng. Và như thế thơ phiến diện là điều cũng rất rõ ràng. Có lẽ ở đây, để bao quát được hết các hiện tượng văn học như đã diễn ra trong thực tế, nên chăng dùng khái niệm “Thơ chiến tranh” (rộng ra là “Văn học chiến tranh”). Khi nói thơ chiến tranh thì cảm hứng và âm điệu chủ yếu là cái bi, có hùng thì cũng là cái hùng trong bi. Thơ chiến tranh có ở cả hai miền trong thời chia cắt đất nước. Hai mươi năm chiến tranh bom đạn máu lửa xương thịt, các nhà thơ ở hai miền đều đã dấn thân, nhập cuộc và thơ của họ đều xoáy vào số phận đất nước và cá nhân (cố nhiên, mỗi bên theo cách của mình). Nhìn tổng thể, thơ miền Bắc hào hùng ngợi ca; thơ miền Nam bi phẫn đau đớn.

Đây là một kiểu “tặng vật tỏ tình” của Trần Dạ Từ:

Tặng cho em một cuộn dây thép gai

Thứ dây leo của thời đại mới

Đang leo kín tâm hồn ta hôm nay

Đó là tình yêu anh em nhận đi đừng hỏi

Tặng cho em một xe plastic

Xe plastic nổ giữa phố đông

Giữa phố đông nổ tung từng mảnh thịt

Đó là đời sống ta em hiểu gì không

Tặng cho em cuộc chiến tranh đang tàn

Trên quê hương của bao nhiêu bà mẹ

Nơi đồng bào ta ăn bom đạn thay cơm

Nơi vải xô không đủ để chít đầu con trẻ

Tặng cho em dòng dã hai mươi năm

Hai mươi năm bảy ngàn đêm đại bác

Bảy ngàn đêm tiếng đại bác ru em

Em đã ngủ chưa hay em còn thức

Trên chiếc võng đung đưa giữa hai đầu tan nát

Râu tóc trắng phơ trùm kín tuổi mười lăm

Những cánh đồng bị băm nát mặt

Anh còn muốn tặng em nhiều thứ khác

Nhưng thôi

Chỉ xin tặng em thêm trái lựu đạn cay

Hạch nước mắt không buồn không vui

Đang dàn dụa trên mặt anh chờ đợi[8]

Đây là những lời trò chuyện với con của Dzu Tử Lê:

Khốn nạn cho bố không biết sẽ để lại cho con những gì

những gì đây con

khi hiện tại bố chạy ăn từng bữa còn nói chi, còn nói chi tới đất đai

của chìm của nổi.

Đêm bắt đầu thật sớm trên những lớp tôn ám khói

bố thầm nghĩ không lẽ để lại cho con những mũ sắt này với những vết xuyên thủng

những vết đạn tròn ngoan như đôi mắt trẻ thơ

(đôi mắt trẻ thơ hoài hoài nhìn bố)

và bố phải mang ơn nó rất nhiều con ạ

bởi nếu không có nó, chắc bố đã bị tiêu ma hồn phách

trước khi có kịp ý nghĩ về con

bố thầm nghĩ không lẽ để lại cho con khẩu súng trường này  

một chứng tích hãi hùng luôn nhắc bố đừng quên

mày là tên sát nhân vô trách nhiệm[9]

 

(Câu thơ Dzu Tử Lê “khi hiện tại bố chạy ăn từng bữa còn nói chi, còn nói chi tới đất đai của chìm của nổi” viết trong khói lửa chiến tranh sẽ được đồng vọng lại trong bài thơ Đánh thức tiềm lực của Nguyễn Duy viết năm 1980, năm năm sau khi chiến tranh kết thúc).

Có lẽ để thấy rõ hơn mạch thơ chiến tranh ở hai miền thời kỳ 1954 – 75 tôi xin làm một sự so sánh giữa hai tập thơ có cùng tên gọi Những năm sáu mươi.

Những năm sáu mươi, tập thơ của Huy Cận (Nxb Văn Học, Hà Nội 1968), gồm 45 bài thơ được sắp xếp thành năm phần: phần I (21 bài) nói về cuộc chiến đấu chống Mỹ; phần II (9 bài) nói về công cuộc sản xuất xây dựng; phần III (5 bài) nói về tình cảm quốc tế; phần IV (9 bài) nói về tình cảm quê hương, đất nước, con người; phần V (1 bài) nói về cuộc đấu tranh của con người chống cái chết, giữ sự sống. Về thể thơ, Huy Cận vẫn dùng thể lục bát, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, nhưng đặc biệt bắt đầu từ tập này thể tự do được dùng nhiều. Lục bát không có gì hay. Sau hơn ba mươi năm đọc lại tập thơ này bây giờ có thể thấy sự cố gắng của Huy Cận (cùng nhiều nhà thơ khác hồi đó) mở rộng khuôn khổ bài thơ để phản ánh cuộc sống và biểu hiện tình cảm.

Kỹ thuật ở những bài thơ tự do tiêu biểu trong tập (Niềm tự hào, Lời chào các dân tộc, Cầu Hàm Rồng, Người bác sĩ) là lối đối thoại, hỏi đáp: đối thoại với mình và đối thoại với người, hỏi để mà khẳng định, trả lời. Thực chất những bài thơ có giọng điệu hào hùng, ca ngợi là nhằm để nói với người đối thoại, thuyết phục họ, khẳng định với họ thực tế anh hùng, vĩ đại của đất nước Việt Nam những ngày đánh Mỹ.

Những năm sáu mươi trong mắt Huy Cận là những năm huy hoàng khi … thế kỷ mở hai tay / Thấy máu thắm đang dồn về mười ngón. Thơ viết ở giọng cao mang chở các ý tưởng lớn, phát ngôn của một cảm hứng nhân danh tập thể, cộng đồng:

Đánh giặc, đánh Mỹ không phải là một cuộc du chơi

Không phải đi trẩy hội

Nhưng đánh Mỹ có một niềm vui lớn

Không đùa đâu

Đùa sao được với lũ chó ngao cắn xé loài người

Đùa sao được với bọn chuyên đi gieo cái chết: chết lân tinh, chết nổ chậm, chết bột, chết hơi

Không đùa đâu

Nhưng đánh Mỹ có một niềm vui lớn.

(Xin hãy nhớ lại câu thơ cùng âm hưởng của Phạm Tiến Duật “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”. Các nhà thơ, dù ở hậu phương hay ngoài mặt trận, đều hát chung một bản đồng ca).

Những năm sáu mươi, tập thơ của Nguyên Sa, không được xuất bản. Nhà xuất bản Trình Bầy đã đưa bản thảo tập thơ này lên Bộ Thông Tin (Việt Nam Cộng Hòa) để kiểm duyệt từ tháng 5/1970. Nhưng tới tháng 1/1971 tập thơ vẫn không được kiểm duyệt để đưa in, do đó tác giả đã đề nghị nhà xuất bản in ra ronéo 200 bản tặng anh em bạn bè đọc chơi. Bây giờ chúng ta chỉ có thể xét qua tập thơ này căn cứ vào bài đọc sách của nhà phê bình Phạm Việt Tuyền[10].

Tập thơ gồm 29 bài và một bài tựa “triết lý một cách thơ mộng về thi ca, chế độ kiểm duyệt sách và “trò chơi” in ronéo những tác phẩm bị cấm”. Có thể có một vài ý niệm về tập thơ qua các tên bài trong tập như sau: Sân bắn, Nhìn em nhìn thành phố quê hương, Tắm, Đám tang Nguyễn Duy Diễn, Cắt tóc ăn Tết, Dặn vợ sắp cưới, Bao giờ, Xin lỗi về những lầm lẫn dĩ vãng, Vết sẹo, Nhìn thấy mình trong quân trường nhắn bạn, Cầu siêu cho Nguyễn Quan Đại chết ở Khe Sanh, Thằng Sỹ chết, Chào nhau, Tám phố Sài Gòn, Hỏi bạn, Buillding, Định mệnh chân dài, Lời năn nỉ. Hỏi thăm Sài Gòn, Giã từ khóa đàn anh, Chim, Vẽ, Nguyền rủa ngày, Ném đá, Hỏa châu và huyền thoại, Chỗ nằm của ta, Lời dặn bản thân, Tóc, Điểm danh. Những bài thơ này Nguyên Sa viết khi đang từ nhà giáo phải đăng lính, chúng đã được đăng trên các báo chí Sài Gòn những năm ấy.

Đọc các tên bài đã phần nào đoán hiểu được nội dung tập thơ. Theo Phạm Việt Tuyền, nội dung đó là: “Không thích bị cưỡng bách đi lính, không ưa cuộc chiến tranh đang gieo rắc chết chóc đau thương cho toàn dân Việt, không chịu đựng nổi những cái nhố nhăng trong xã hội Việt Nam Cộng Hòa các năm sáu mươi. Ý lớn nhất là cái ý thứ hai liên quan đến chiến tranh và hòa bình”.

Nhà thơ đang từ thầy giáo đứng trên bục giảng bị ném vào quân trường, ngơ ngác giữa sân bắn:

Bia lên ta thấy thân người

thấy ta thấy địch thấy đời lãng du

thấy tay dư thấy chân thừa

thấy tai nghễnh ngãng mắt mù óc không

Đứng trước một building nhà thơ đã tự hỏi phải đứng trên tầng nào mới thấy được hận thù trôi xuôi, thống khổ nhẹ bớt, nhục nhã rút đi, chiến tranh dừng lại, tổ quốc bình phục, hy vọng đứng lên, tuổi trẻ hồi sinh, ý thức trong veo và em mỉm cười. Đối mặt với thực tế trần trụi của cuộc chiến, nhà thơ đã cất lên lời xin lỗi về những lầm lẫn dĩ vãng đối với những học trò ngày trước, những người anh em cùng thế hệ:

 

Bây giờ khẩu garant ta mang trên vai

Bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên vai

Ta mới biết rằng những thỏi sắt đó nặng như thế

Ta mới biết rằng trong cuộc đời dạy học ta là một thằng dốt nát

Trong mười mấy năm trời ta làm bao nhiêu tội lỗi

Trong mười mấy năm ta không nói cho học trò ta biết

Anh em ta và quê hương ta

Vác những thỏi sắt nặng như thế

Từ bao nhiêu năm nay…

Cái thường nhật ở quân trường là nỗi nhớ nhà, nhớ cuộc sống thanh bình của người lính đã được Nguyên Sa viết ra cụ thể, riêng tư, có hình có khối:

Chủ nhật chúng mày vào thăm tao

Nhớ mang cho tao mấy miếng

Miếng văn nghệ, ôi ngon, thơ tình lả lướt

Miếng nhà in, ôi ngon, tay thợ chữ nét romain

Miếng dạy học ôi ngon

Miếng học trò trêu tao ôi ngon

Ôi ngon miếng bảng đen

Ôi ngon miếng phấn

Miếng mẹ tao lo cho tao ăn ít, miếng vợ tao sỉ vả tao làm

biếng, miếng con tao ngồi trên bụng

Miếng nhẹ tao cất vào ba lô cho chuyến tập hành quân

Miếng to tao cầm dưới tay cùng với súng đêm đứng gác

Miếng lả lướt và  mấy miếng thơm nuốt trong giờ học tập

Miếng ngọt cho thao trường mồ hôi bớt mặn

Miếng bùi cho xạ trường mùi súng đỡ cay

Miếng vợ con tao cất dưới gối nằm

Miếng mắt em soi gương trong giầy đánh bóng

Tác giả dùng các thể thơ lục bát, tự do, 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, trong đó các bài viết theo thể thất ngôn và thể tự do là khá nhất. Lục bát trong tập này bị lạc vận nhiều. Thể tám chữ ngắt nhịp 4/4 gây cảm giác đơn điệu buồn tẻ. Nhận xét chung, theo Phạm Việt Tuyền, là ở tập này cũng như ở các tập trước “Nguyên Sa đã có tài sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh và tiết điệu một cách mới lạ, đẩy thơ ca tới lý tưởng thơ thuần túy. Hình ảnh và tiết điệu thơ nhiều chỗ rất thích hợp với ý thơ, tạo ra những bức tranh vô cùng khêu gợi, những bản nhạc âm vang dài bất tuyệt”. Kỹ thuật thơ chủ yếu là trùng điệp và liên hoàn.

Như vậy có hai tập thơ cùng mang tên Những năm sáu mươi của hai nhà thơ ở hai miền trong thời kỳ chia cắt đất nước. Trên phương diện nội dung hai tập thơ cho thấy hai phía hiện thực của chiến tranh: một bên, nhìn từ tầm cao của dân tộc, một bên khác, nhìn từ thân phận cảnh ngộ riêng của một cá nhân. Trên phương diện nghệ thuật đáng chú ý là cả hai nhà thơ đều có xu hướng làm thơ tự do, kéo câu thơ về gần với câu nói để diễn tả cho được những điều muốn nói trong thơ. Tập của Nguyên Sa bị chính quyền miền Nam đương thời coi là “thơ đen”, không được xuất bản, nhưng nó đã tồn tại dưới hình thức in ronéo. Cả hai tập thơ đều là tác phẩm của văn học nước nhà. Như bằng chứng của lịch sử. Như lộ tiêu của tiến trình văn học hiện đại Việt Nam.

Trong thơ chiến tranh này nổi bật là tập Chiến tranh Việt Nam và tôi của Nguyễn Băc Sơn. Như tên gọi tập thơ, những bài thơ trong đó được viết từ một tâm thế và một cách nhìn cá nhân về cuộc chiến đang diễn ra bằng một giọng điệu chua chát, buồn bã pha lẫn khinh bạc, chán chường. Cuộc chiến đã lùi xa nhưng đọc lại tập thơ đó hôm nay người đọc còn ngẫm ngợi được nhiều điều.

3. Trở lại thế hệ thơ chống Mỹ (vẫn tạm dùng cách gọi này). Sau chiến tranh, như đã nói trên, thơ họ mới thực sự nói và nói thực sự về chiến tranh. Cái hùng một thời lắng xuống, chìm đi để cho cái bi nổi lên. Như vậy, thơ chống Mỹ đã hoàn thành sứ mệnh thời chiến. Thời hậu chiến thế hệ thơ chống Mỹ đã viết khác trong giọng điệu khác của nền thơ, nhất là khi xuất hiện thế hệ thơ sau 1975.

Khi một cô gái năm 1975 mới năm tuổi lớn lên viết về mẹ:

Cả cuộc đời cha đi bộ đội

Quà về cho mẹ là mái tóc pha sương

Và trên ngực những vết thương

Cứ trở gió lại đau nhức nhối

Chiếc ba lô gió sương đã gội

Gia tài cha tặng mẹ… chỉ thế thôi[11]

Khi một cựu chiến binh Mỹ viết về một ông già xích lô Việt Nam:

Đôi chân già này đã đi bao dặm đường

Chúng đã bước trên những lối mòn rừng rậm mấp mô ở Việt Bắc cùng Bác Hồ những năm 40

Chúng đã vượt qua những dãy núi mù sương quanh Điện Biên Phủ cùng Võ Nguyên Giáp những năm 50

Chúng đã lên đèo xuống dốc trên đường Hồ Chí Minh với Quân Đội Nhân Dân những năm 60 và 70

Chúng đã chống đữ những bao xi măng trên đường từ Hải Phòng lên những năm 80

Đôi chân già này đã đi bao dặm đường

Mỗi sáng chúng cứng đơ như khúc gỗ

Chúng kêu răng rắc như tre nổ

Chúng quá mệt vì đi quá nhiều nơi

Lẽ ra chúng phải được nghỉ ngơi

Đôi chân già này đã đi bao dặm đường

Nhưng giờ đây tôi phải đạp xích lô đưa khách

từ Nhật, Pháp, Mỹ sang

đi vòng quanh các phố phường chật hẹp của Hà Nội

Đôi chân già này đã đi bao dặm đường[12]

thì thơ viết về chiến tranh bây giờ đã khác. Một nền thơ đánh giặc đã hoàn thành nhiệm vụ. Bây giờ thơ không phục vụ cho việc đánh giặc nữa, mà thơ suy ngẫm cái giá thương đau mất mát để có chiến thắng, để ngăn chặn chiến tranh đừng bao giờ xảy ra dẫu có kết thúc vinh quang. Nói như một nhà thơ từng ra trận hồn nhiên trong trẻo trở về vẹn nguyên nhưng bây giờ anh hình dung cái chết của mình:

          Nếu tôi chết, tốt hơn đừng chết

          Ai sẽ phục sinh em trong những tối không chồng[13]

          Có một thế hệ thơ mới đã lên tiếng, đã khác thế hệ thơ chống Mỹ để tiếp tục nói về cuộc chiến hôm qua, và bắt đầu nói về cuộc sống hôm nay. Đừng sợ nói đến sự bàn giao và chuyển tiếp. Bởi ai cũng đã từng trẻ và cũng sẽ đến già. Những giá trị thì còn lại. Nhưng những lớp người thì ra đi và lại đến.

 

Hà Nội xuân – hè 2004

 


[1] Báo Quân Đội Nhân Dân, ra ngày thứ Sáu, 31/10/2003.

[2] Thơ chống Mỹ cứu nước 1965 – 1967, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1968, tr. 10.

[3] Thơ Tây Ban Nha chiến đấu, Đào Xuân Quý dịch và giới thiệu, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1972, tr. 46.

[4] Lưu Quang Vũ. Thơ và đời (Lưu Khánh Thơ biên soạn), Nxb Văn Hóa – Thông tin, Hà Nội, 1997.

[5] Chế Lan Viên. Di cảo thơ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1992, tập 1, tr. 227.

[6] Chế Lan Viên. Di cảo thơ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 2, tr.79.

[7] Tạp chí Văn, Paris 1992.

[8] Dẫn theo Trần Tuấn Kiệt. Thi ca Việt Nam hiện đại (1880 – 1965), Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn 1968, tr. 961 – 962.

[9] Dẫn theo Trần Tuấn Kiệt. Sđd, tr. 1039

[10] Phạm Việt Tuyền. Tôi đọc thơ, Phong Trào Văn Hóa xuất bản, Sài Gòn 1973, tr. 179 – 196.

[11] Đoàn Ngọc Thu. Muộn, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2001, tr. 33

[12] Larry Rottman. Voices from the Ho Chi Minh Trail. Ngân Xuyên dịch.

[13] Hoàng Nhuận Cầm. Xúc xắc mùa thu, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội 1992.

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020