Nghiên cứu khoa học

Mayakovsky và Trần Dần - từ những tương đồng đến những dị biệt


11-10-2020

V. Mayakovsky[1] tự sát, qua đời khi Trần Dần mới 4 tuổi. Trần Dần nếu sớm được tiếp xúc với Mai a, phải là vào khoảng 1939 trở đi qua những bản dịch Pháp văn của E.S.L.(Editions sociales internationales) trong đó có cuốn Mai acovski, poète russe của Elsa Triolet. Trong và sau cuộc chiến chống thực dân Pháp, khi Mayakovsky đã trở nên quá quen thuộc với công chúng Việt Nam bởi các bản chuyển ngữ của Hoàng Trung Thông như tiểu luận Làm thơ như thế nào? (1951) và Sáu bài thơ Maiak«pxki (1954) thì mối quan hệ với Mayakovsky của Trần Dần có lẽ, chỉ dừng lại ở sự chia sẻ trong đơn độc những quan niệm cách mạng táo bạo và độc đáo về nghệ thuật và thơ ca mà thôi. Bởi vì, hai nhà thơ, tuy có điểm chung là đều mang một bầu nhiệt huyết thật lớn đối với Cách mạng vô sản và đấu tranh cải tạo xã hội, nhưng số phận văn học riêng của mỗi người lại có những điểm thật khác nhau:

Mai a từng là cây bút trụ cột của trường phái thơ vị lai, tác giả của trường ca mang cái tên lập dị: Đám mây mặc quần. Tuy nhiên sau Cách mạng tháng Mười ông đến với công chúng khá dễ dàng, gặt hái nhiều vinh quang, được coi là một cây bút sống với công chúng, vì công chúng và nhờ công chúng.

Trần Dần không có được niềm hạnh phúc đó, ông từng ở trong nhóm Dạ đài, viết Tuyên ngôn tượng trưng và khi kết thúc chiến tranh cũng đã mang cả một bầu máu nóng đến với cuộc sống mới. Vậy mà, về con người, trong thời gian nhà thơ còn bị hiểu nhầm, ngộ nhận, ông Huy Vân, trên báo Nhân Dân số ra ngày 25/4/1958 gọi Trần Dần là “một tâm hồn đồi trụy”, về thơ ca, cũng chính ng­êi viÕt nói trên, phán rằng ông là kẻ mang “những quan điÓm nghệ thuật sa đọa”. Với một gia tài thơ gần ba mươi năm bị niêm phong, Trần Dần khó đến được với công chúng và thực ra, thơ Trần Dần, công chúng nói chung không dễ tiếp nhận. Công chúng, trừ một số ít, phần lớn, không biết về ông, hoặc biết đến ông quá muộn.

Tuy nhiên, đó không phải là mục tiêu của bài viết này. Trần Dần từng bị mang tiếng là kẻ coppy Mai a. Hễ nhắc đến Trần Dần là người ta nghĩ ngay đến thơ bậc thang và liên hệ ông với Mayakovsky. Hoàng Cầm, một thi hữu có những năm tháng trải qua hoạn nạn như ông đã có lần trách Trần Dần về chuyện ảnh hưởng Mai a. Vµ Dương Tường, một v¨n h÷u thân thiết của các nhà thơ trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm cũng cho rằng từ Mùa sạch (1964-1965) trở đi, Trần Dần mới thực sự và “dứt khoát rũ bỏ ảnh hưởng của thơ bậc thang và khẩu khí Mayakovsky”[1]. Chính Trần Dần cũng từng thừa nhận mình chịu ảnh hưởng Mai a, nhưng ông khẳng định rằng “tâm hồn có giống nhau thì mới ảnh hưởng nhau sâu sắc được” và, điều ông muốn nhấn mạnh là ông chịu ảnh hưởng thực tế Cách mạng Việt Nam. Dù sao, trong một bầu khí quyÓn mà ở đó người ta cho rằng “ảnh hưởng” là hai từ chẳng vinh dự gì thì những nhận xét nói trên, trong cách nhìn nào đấy có thể là một khổ lụy đối với người cầm bút, dẫu cho, với Trần Dần, vinh quang hay khæ lụy, thực ra chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Điều chúng tôi quan tâm là ở vấn đề thơ bậc thang này, Trần Dần có thể bị thu hút bởi Mai a tới đâu, ông đã có những cố gắng nào đÓ thoát khỏi từ trường của Mai a và, trong tư cách là những nghệ sĩ có nhiều điÓm chung về khí chất, hai cây bút này đã có những ứng xử như thế nào trước những hằng số nghệ thuật của thời đại họ?

Mai a đến với công chúng Việt Nam theo như ấn tượng của Hoàng Ngọc Hiến ghi trong cuốn Mayak«pxki con người, cuộc đời và thơ là qua những vần thơ nóng bỏng những câu thơ nảy lửa và với một giọng thơ rất khác thường, hồn nhiên, sôi nổi và mãnh liệt.

Ngay lập tức, Mayakovsky được một thế hệ những người cầm bút trẻ tuổi trưởng thành trong Cách mạng và kháng chiến đón nhận nồng nhiệt, chân thành.

 Quả vậy. Làm sao không bị hấp dẫn bởi một cái Tôi mạnh mẽ, ngang tàng như thế qua những lời tuyên bố về tình yêu:

          Yêu nghĩa là

                   chạy thốc vào sân

                            Vung búa rìu

                                      Ra tay bổ củi

                                                     (Thư gửi đồng chí Kôxtrốp)

Hay

           Yêu là đánh ghen

                   với Côpécních

                             Không đánh ghen

                                      với người tình địch

                                                gã làm chồng cô ả Mari

Trần Dần thích Mai a, học theo lối thơ Mai a trước hết có lẽ, về khí chất, Trần Dần cũng có một cái gì tương tự.

Và đương nhiên, cả hai cây bút này đều không né tránh diễn đạt những điều trần trụi:

Mai a khinh miÖt, c«ng kÝch vµ không tiếc lời mạt sát những người viết lách cẩu thả:

               Họ mấp máy môi

                          họ dùng ngòi bút

                                         họ mửa lên

                                                  những trang giấy mịn màng

               nhà thơ

                         chẳng khác gì con đĩ rẻ tiền,

                                                  vớ được chữ nào

                                                       cũng ăn nằm chung chạ.

                                                                                   (Veclen và Xêdan)

Cùng chung một ý tưởng, một thái độ như Mai a, Trần Dần kiêu hãnh tuyên bố: 

                     ...đi mãi

                            chẳng bao giờ thỏa

                 Tôi có thể mắc nhiều

                                                tội lỗi

                 chẳng bao giờ quá ngu si

                                       mắc tội: nằm ì...

                 Tôi có thể mặc thây

                            ngàn tiếng chửi tục tằn

                 trừ tiếng chửi: -

                          “ Sống không sáng tạo!”

Tuy nhiên, nếu Mai a thích dùng lối nói trực tiếp kiểu:

          Chúng mày nghe, tao nói thẳng vào mặt,

                   mặt dày hơn

                             mặt lợn sề quái vật

                   mặt tròn xoe

                             như đĩa món cao lâu,

                                                 (Chương14, trường ca Tốt lắm

hoặc:

          Nhiều người tưởng

                   tôi muốn làm

                             viện sĩ đít to

          chốn rừng rậm thơ

                   một mình ta cao đạo

                                            (Gửi những nhà thơ vô sản)

thì Trần Dần thích một cách diễn đạt nhiều suy tư hơn:

          Tôi khóc những chân trời

                   không có người bay

          Lại khóc những người bay

                   không có chân trời

                                         (Thơ mini 1988)

hoặc

          Tôi đau ở...

          mỗi người là một vụ án

          mỗi người

          chôn

          sống - một chân mây

                                    (Sổ bụi 1988)

          Mai a chủ trương thơ phải đầy ắp chất nổ tư tưởng chính trị, phải hấp dẫn bằng sự mới mẻ thường xuyên về tư liệu, bằng sự đột phá về hình ảnh; tuy nhiên, những tìm tòi về hình ảnh và ý tưởng trong thơ ông không chiếm một tỉ lệ thật lớn. Người ta khó quên, dĩ nhiên, những cách nói riêng biệt của Mai a kiểu: Cối trong đầu xay tư duy mẻ cuối, tôi nhổ mặt trời cao, ngọn sóng tình cờ đú đởn hoặc chiếc búi tó thời gian, thái sơn lồng ngực, rừng già mái tóc, động cơ tim...

Nhưng đọc Trần Dần ta mới thực sự được sống với những ấn tượng mãnh liệt, trước hết, ở cách dùng những động từ cực mạnh theo thói quen tư duy của cư dân vùng nông nghiệp, kiÓu như:

               ...mưa băm nát mặt, lửa hè đánh trộm sau lưng, gió sương đầu độc, vầng nhật thui, dĩ vãng đè trên lưng hiện tại, bóng tối đau như máy chém, lời ca đứt cổ bị bêu đầu, mưa đông phục kích, cỏ hoa làm chứng, cờ đỏ cãi cho tôi, phổi xâu xé lời thơ, đóng những câu thơ như người thợ đóng tàu...

                                                                                        (Bài thơ Việt Bắc)

              Đất níu chân đi, gió cản áo bay về, nắng lụi, trời quật, bão gào, thơ khua bão gió...

                                                                                       (Nhất định thắng)

Tôi cắn chết nhiều ngày mưa, Tình yêu xích tên rồ kia lại, vồ một phố đèn lên, mưa thui lòng ngõ hẹp, Vỡ tuổi thơ, chữ nhảy như trong nhà điên, đồng hồ đấm những đấm tích tắc lòi tim, Tôi đánh vỡ của mọi người một mảnh sống: đời tôi. Tôi đổ bớt tôi đi, người đi vênh phố dốc, đồng hồ cổ kề cà cưa tích tắc/ ngọn đèn mồ chảy mủ phố về khuya...

                                                                                        (Cổng tỉnh)

Trần Dần có những cách định danh sự vật theo quan sát và cảm nhận của riêng mình, có thể được gợi hứng từ Mayakovsky nhưng phần nhiều là từ những trải nghiệm của cá nhân:

                Thì hãy lấy mùi soa đêm chùi đôi mắt khổ

                Hơn là mỏi răng nhai ràu rạu vỉa hè

                                                                  (Cổng tỉnh)

Những cách gọi tên táo bạo kiểu mùi soa đêm xuất hiện đầy rẫy trong thơ Trần Dần với những: đề lao tim, va li tim, chấn song tôi, mũi kiếm heo may, con rắn lưỡi, ngọn hải đăng con mắt, thiêm thiếp đèn chiều, huyệt đêm, hầm hập bồ hôi cơn sốt phố, nham nhở gió, khô nỏ một chiều vàng, cô đơn lòng ngõ rỗng, xà lim lớp học, cho đến he hé lay ơn, dày dạy rạng đông, hom hem đèn lửa, sương mù rơm rớm ngã tư xưa...

Cách so sánh của Trần Dần thường tạo những ấn tượng bất ngờ, gây sốc:

Gió thổi kèn ma mưa thui lòng ngõ hẹp

ò...ò đi như một cỗ quan tài

  và

 

Ngày và đêm như lũ trẻ mồ côi

Lũ lượt dắt nhau đi buồn bã...

Dẫu sao, những năm tháng sống tách biệt với xã hội và văn học đã khiến ông, một người nhiệt huyết với đấu tranh cải tạo xã hội và với đổi mới thơ ca, chỉ còn cách rút sâu vào nội tâm và, trong một tập quán mà ở đó, nhà văn dường như chỉ tìm cách thỏa hiệp với công chúng còn nhà phê bình lại tìm cách thỏa hiệp với nhà văn thì Trần Dần, vì những tai nạn của mình đã chỉ có thể chấp nhận cách thế tồn tại của một cá thể sáng tạo trong cô độc[2] để là, và luôn luôn là một cá biệt, một giá trị.  

 

Trước khi là nhà thơ, Mai a là một họa sĩ. Chính người họa sĩ trong Mayakovsky đã đề nghị hình thức thơ bậc thang thâm nhập vào thơ ca như một cách chia sẻ của nghệ thuật thị giác nhưng điều hệ trọng hơn, theo quan niệm của Mayakovsky, sự ngắt đoạn, tách câu thơ thành nhiều phần sẽ khiến cho dòng ngữ lưu “không có sự nhập nhằng về nghĩa cũng như về nhịp” mà mục đích là để “xây dựng câu thơ tiết kiệm và cô đọng, vứt đi những từ và âm tiết trung gian”[3].

Vì chính Trần Dần từng là người vẽ tranh minh họa (có nhiều lúc theo lối lập thể) trên các tờ báo Sông Đà, Giải phóng Tây Bắc, Giải phóng Biên Giới...trong khoảng từ 1946-1949 và sau này, tiếp tục để lại nhiều tranh đủ cỡ mà có người do yêu Trần Dần đã nói quá lên là một “tiếp nối vào école de Paris của những thập niên đầu thế kỷ 20” cho nên có lẽ ông đã tìm thấy ở hình thức thơ bậc thang của Mai a một cơ hội để tiến hành cuộc cách mạng trong nghệ thuật mà mình đang thực sự quan tâm. Thế là không hẹn mà gặp, con người họa sĩ trong Trần Dần gặp con người họa sĩ trong Mai a song hành cùng con người khao khát cách tân thơ ca trong Trần Dần với con người cách tân trong Mai a. Nhưng ta cũng có thể thấy, cuộc hội ngộ này là rất chóng vánh. Đúng là khi tìm đến hình thức thơ bậc thang kiểu Mai a, Trần Dần đã rập theo con đường của nhà thơ cộng sản nổi tiếng người Nga. Chẳng hạn ở cách ngắt đoạn ấn định nhịp vừa để phát huy hết các tiềm lực của thanh âm vừa phân bố lại hình thức câu thơ tạo thêm nhiều khoảng trắng trên các dòng thơ cấp thêm một vẻ đẹp mới cho thị giác trong Nhất định thắng, Bài thơ Việt Bắc:  

          A tiếng kèn vang

                   quân đội anh hùng

          Biển súng

                   rừng lê

                             bạt ngàn con mắt

                                            (Nhất định thắng)

          tôi sẽ nổ tung

                   ngàn kho đạn tiếng kêu

          tan xác pháo

                    mọi cái gì cũ rích

                                                       (Bài thơ Việt Bắc)

Bên cạnh những liên quan mà ai cũng có thể thấy như thế, đọc những sáng tác của Trần Dần ta lại nghĩ, thực ra, ông chỉ ảnh hưởng Mai a ở hình thức câu thơ điện tín với tiết tấu nhanh, hàm súc, chính xác. Còn tư thế trữ tình đích thực của hai ông, trên thực tế hoàn toàn khác nhau. Mai a hướng ra bên ngoài, Trần Dần hướng vào bên trong. Mai a khẳng định cái Tôi như một khách thể, để bộc lộ, thu hút và để chiêm ngưỡng; Trần Dần khẳng định cái Tôi như một chủ thể, đÓ vì mình, cho mình. Do đó, Mai a hướng tới cái tân hiện đại[4] từ việc khai thác cái cái đương đại, ngược lại, Trần Dần hướng tới cái tân hiện đại từ việc chọn lọc, lạ hóa cái truyền thống.

Đó có thể cũng là lý do giúp ta hiểu vì sao vị họa sĩ trong Mai a luôn luôn nhường chỗ và sẵn sàng phục vụ ý đồ chiếm lĩnh đại chúng cho ông nhà thơ trong Mai a, hay nói cách khác, với Mai a, hội họa phải chấp nhận một sự phản bội để ông này biến câu thơ với những khoảng trắng do sự ngắt quãng bậc thang thành câu thơ đơn thuần mang ngữ điệu khẩu ngữ, có khả năng tác động trực tiếp, thậm chí đạt được những ấn tượng thính giác tuyệt đối nếu như được gào lên, hét lên trên quảng trường thì ở Trần Dần tình hình có vẻ ngược lại: thơ và họa và sau này là nhạc sẽ từng bước chấp nhận một hôn phối kỳ lạ, sẽ phải cùng chung một hành trình và dấn thân vào một phiêu lưu để cùng đi tới cái chưa biết. Con đường đó là một khổ hạnh. Đầy gian nan và nguy hiểm. Nó được bắt đầu bằng cách đưa màu sắc vào những ký ức buồn:

          Tôi một tên nô lệ vàng...

          ...Tôi cô đơn trời xanh cô đơn trời tía

          Cô đơn nắng đào cô đơn mưa tái nhợt đầu ô

          Cô đơn lang thang trong các đám đông

          Trên quảng trường nham nhở gió...

                                                       (Cổng tỉnh)

          Nhưng đêm quảng trường sương trắng xuống từ lâu...

          Tôi đến bì bõm đen rãnh cống

          Tôi vảy mảnh trời xanh trong vũng nước đục ngầu

                                                       (Cổng tỉnh)

cùng với những sắc màu còn là những đường nét:

          Tôi vẫn thế! Vết nhăn bổ dọc trán

          Chìm một đêm dâm môi ướt mượt môi đèn

          Khô nỏ một chiều vàng cong lá đỏ con tim...

                                                     (Cổng tỉnh)

Cho đến khi con người hội họa lấn át, nhà thơ trong Trần Dần dường như chỉ tập trung vào việc tô đậm đường nét và dáng hình:

          Em dài man dại

          Em dài quên che đậy

          Em dài tê tái

          Em dài quên cân đối

          Em dài bối rối

          Em dài vô tội

          Em dài - khổ tâm...

Nhiều người đã nhận thấy trong bức hình họa này Trần Dần tạo tác chân dung một phụ nữ khước từ những tiêu chuẩn của thẩm mỹ cổ điển. Tác giả nhấn mạnh nét không hài hòa trên cơ thể người con gái bằng hàng loạt những điệp từ nhưng đồng thời lại làm toát lên từ đó một sức quyến rũ, gợi cảm bí ẩn, bất ngờ và rất hiện đại. Cả trong việc vừa sáng tạo vừa bình giá bức chân dung sau đây ta cũng sẽ thấy thái độ đó chỉ có thể có ở Trần Dần:

          Đáng lý em không nên đẹp

          Đùi len mã vĩ

          Triển lãm vườn hoa lõa thể

          Anatomie lá hẹ

          Ôi chao! Ngón chân thường lệ!...

          Mông non phi lý

          mang chức năng bé tí... 

                                     (Thơ 63-64)

Theo dõi tranh vẽ và thơ của Trần Dần trong khoảng đầu những năm 60 người ta dễ có cảm giác này: ông đang tích cực phủ định cái đẹp mang tính lãng mạn, trữ tình trong cả thơ và hội họa để hướng người đọc thơ và người thưởng thức hội họa (trong tưởng tượng) tới một vẻ đẹp mới, hiện đại hơn, tạo cho họ cái cơ hội được nhìn thế giới và con người theo một lăng kính khác, qua đề nghị của cá nhân ông.    

 

Rốt cuộc thì, dù có chia sẻ với hội họa tới mức nào, trong căn cốt, Trần Dần là một nhà thơ. Gọi thế chưa đủ, ông là một nhà thơ luôn luôn đi tìm Cái Mới. Cái Tôi nghệ sĩ mang phẩm chất tự do và nồng nhiệt, mạnh mẽ và ngang tàng ấy chỉ khao khát được bộc lộ những ý tưởng của riêng mình bằng cách nói của chính mình. Do đó, để không bị “Mai a hóa”, ông còn phải tiếp tục cuộc hành trình nơi Mai a đã dừng chân và để làm giàu thơ Việt, ông phải dấn sâu vào những thể nghiệm theo cái nguyên tắc “xây dựng một tập thơ là phá một ngục tù”.

Lục trong di cảo của Trần Dần người ta thấy có nhiều cuốn sổ trong đó những con chữ, những câu thơ được vẽ với rất nhiều hình thái khác nhau cùng sự tham gia của các dấu chấm, dấu phẩy được phóng đại cùng các đường thẳng, đường cong được sắp xếp theo một trật tự nào đó của Trần Dần nhưng điều lạ lùng là tất cả như vẫn đang tồn tại và sinh sôi nảy nở trong một thế giới riêng có đủ những vẫy gọi của bí ẩn, lạ lùng, quyến rũ, phồn thực, đồng dao, nguyên sơ nhưng chắc chắn không dễ thấu hiểu và chia sẻ.

Chỉ riêng kênh chữ trong thơ ông với những Mùa sạch, Jờ Joạcx, 36 - Thở dài - Tư Mã dâng sao...nhiều khi đã là những thách đố với tất cả những ai quen đọc thơ đơn nghĩa. Thậm chí chỉ đọc thơ với nghĩa là thơ thôi theo cách truyền thống, một người đọc “bình thường” như lời một người viết tự nhận trên mạng Tiền vệ, đã phải kêu lên rằng Trần Dần khó hiểu, chẳng có gì, nhàm chán, lập dị.

Tôi thấy lập dị, khó hiểu (và xa lạ nữa) ở Trần Dần chỉ là cảm giác ban đầu. Nếu chủ động đi vào thơ ông, sớm muộn ta sẽ nhận ra những nét quen thuộc. Chẳng hạn trong Mùa sạch, Trần Dần muốn tạo dựng tác phẩm theo cấu trúc của nhạc giao hưởng và đúng như tác giả đã tuyên bố ông “ cho chạy một basso ostinato (bè trầm trì tục) suốt tập thơ. Theo chỉ dẫn của Dương Tường, với việc lấy bốn từ trong - sạch - sáng - mùa làm chủ đề chính, tổ khúc giao hưởng Mùa sạch đã “ khơi dậy biết bao nỗi niềm, biết bao xao xuyến, biết bao khao khát”[5]. Tại sao? Bởi trong kiến trúc vi thể, Trần Dần đã lấy đồng dao làm chất liệu. Đọc những câu thơ:

           Đồng tiền xuân lum lúm má xuân

          Lúa xuân dươn dướn vè xuân

          Khói xuân hơn hớn bếp xuân

          Nhịp càu xuân run rún ghính xuân

          Đom đóm xuân lởn vởn ngõ xuân

          Gái xuân con cón quê xuân...

ta nhớ những câu hát đồng dao phụ họa trò chơi của con trẻ:

          Chuyền chuyền một, một đôi

          Chuyền chuyền hai, hai đôi

          Chuyền chuyền ba, ba đôi

          Chuyền chuyền tư, tư đôi...

Cái đẹp vô danh, cái đẹp không biết bao giờ ta mới có thể gọi đúng tên được của những câu hát đồng dao là điều không ai có thể phủ nhận. Vậy sao ta yêu đồng dao dân gian mà lại ngoảnh mặt với việc Trần Dần hiện đại hóa đồng dao? Ngoài ra, ông còn phải được tính công do chỗ đã ươm những nụ, những búp chữ non tơ như: lum lúm, dươn dướn, hơn hớn, run rún, con cón... mà trong Mùa sạch, những sáng tạo như thế là vô vàn, không thể nào thống kê hết. Tất cả, đã tạo cho Mùa sạch một vẻ đẹp thật truyền thống mà cũng thật hiện đại.

Cũng như thế, trong Jờ joạcx, Trần Dần vừa kiến tạo những câu thơ thị giác vừa vận dụng âm hưởng của nhạc jazz để, qua cái ồn ào, ầm ĩ bề ngoài, chuyên chở cái buồn bã, sâu lắng bên trong rồi thỉnh thoảng ngẫu hứng, cấy vào một nét nhạc đồng quê tươi thắm và cả không tươi thắm?... một bát sẹo, một lẹo vú, một bú đít, một lít nách, một jạch tóc, một móc họng, một nọng thở, một hở jốn, một nọm nín, một mím ngực, một chực cắn, một nắn thẹn, một đẹn kén, một nén xác, một es píc, một híc bẹn, một lẹm nguýt, một quýt háng, một jạng sáng, một tháng hóc, một jọc đùi, một mùi môi... Đọc những câu liệt kê theo kiểu Trần Dần, người ta thực sự ngạc nhiên bởi cách gọi tên đầy táo bạo và mới mẻ của ông. Nhưng đấy là học từ dân gian: Ông ®Õm c¸t, «ng t¸t bÓ, «ng kể sao, ông đào sông, ông xây rú, ông trụ trời...

Tuy nhiên, không phải bao giờ ta cũng dễ dàng nhận được những thông điệp của nhà thơ. Với đoạn thơ sau, chắc chắn sẽ không ít người phân vân với câu hỏi: Liệu đây có phải là thơ? 

          “ Thấp thoáng sẹo

          nằm trong ký ức.....tôi vừa đi vừa jũ sẹo đại lộ sạch”.

          ..............

          “ mà chu vi tường truồng lằn lặn jạng sáng làm bàn ghế tủ pha đặc cả tôi vào không còn vết sẹo nào jớm tí máu sớm ngoài chiếc đĩa sẹo mặt trời lèo lẹo ngậm bầu phùn.

          .gà gáy lần 3.

           sẹo nằm

          hôm ấy là ngày hết của lương thực tháng cuối.

          .tội lỗi của bình minh

          là

          tứ phía sẹo - người đi...”

                                        (Jờ joạcx)

Câu thơ dường như đã bị triệt tiêu. Chỉ còn những dòng thơ. Nhưng trên các dòng thơ, những con chữ tồn tại cạnh nhau không theo mối quan hệ tạo nghĩa như ta thường gặp ở những bài thơ bình thường khác. Tất cả có vẻ như được tác giả ném lên trang giấy một cách ngẫu nhiên tạo nên một nền âm - chữ siêu ngữ nghĩa đúng như nhận xét của Dương Tường. Tuy nhiên, người đọc chưa h¼n đã phải bó tay trước mớ ngôn từ rối rắm, phức tạp ấy. Bởi, bên cạnh những con chữ mở ra những hư vô, những con chữ mở ra một thế giới hỗn mang, lạ lẫm, có những con chữ của Trần Dần mở ra thật nhiều nghĩa, thật nhiều vẻ thơ, chất thơ ta chưa từng biết tới. Tất nhiên, nó chỉ thực sự là thơ cho những người đọc nào không chấp nhận tồn tại trong cũ kỹ, sáo mòn và luôn luôn đi tìm Cái Mới, Cái Khác.

                                                                                          Hà Nội tháng 4/2004 

                                                                               TS. Nguyễn Văn Phượng

_______________

Chú thích:

[1] Lời bạt Mùa sạch, NXB Hội Nhà văn 1994.

[2] Trần Dần đã liên tục viết trong suốt 30 năm không dưới 30 tác phẩm, trong đó có thể kể tên: Chiều mưa trước cửa (1943), Hồn xanh dị kỳ (1944), Dạ đài (1946), Tiếng trống tương lai (1954), Người người lớp lớp (1954), Nhất định thắng, Cách mạng tháng Tám (1955), Bài thơ Việt Bắc (1957), 17 tình ca (1957-1958 nằm), Cổng tỉnh (1960/1994xb), Đêm núm sen (1961, tiểu thuyết, nằm), Những ngã tư và những cột đèn (1964, tiểu thuyết, nằm), Mùa sạch (1964 -1965/1998xb), Một ngày Cẩm Phả (1965, tiểu thuyết, nằm), Con trắng (1967, thơ hồi ký, nằm), 177 cảnh (1968,hùng ca lụa, nằm), Động đất tâm thần (1974), Thơ không lời - Mây không lời (1978), Thiên thanh -77 - Ngày ngày (bộ tam,1979), 36 - Thở dài - Tư mã dâng sao (bộ tam, 1980), Thơ mini (1987)... cïng nhiÒu tranh vÏ ph¸c th¶o, tất cả được soạn gộp trong 186 hồ sơ, đánh số thứ tự, đựng trong 24 cặp lớn.

[3] Maiak«pxki con người, cuộc đời và thơ NXB ĐH&THCN Hà Nội,1976 tr. 469.

[4] Thuật ngữ này chỉ là một đề nghị của riêng tôi.

[5] Chữ dùng của Dương Tường, tài liệu đã dẫn.

 

 


[1] Ở Việt Nam, hiện tồn tại nhiều cách phiên âm tên của nhà thơ: theo tiếng Nga, tiếng Pháp, hoặc tiếng Anh. Theo đó có các phiên bản: Mai-a-cốp-xki, Mai acovski, Mayakovsky... Chúng tôi mạn phép tác giả viết tên của Mayakovsky theo tiếng Anh. Tuy vậy, ở Việt Nam, một thời kỳ dài, nhà thơ được gọi dưới cái tên thân mật Mai a, nên chúng tôi vẫn giữ cách viết này của tác giả. - eVăn.

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020