Nghiên cứu khoa học

THẾ GIỚI KỲ ẢO trong Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường từ cái nhìn văn hoá


11-10-2020

Trước hết, cuốn tiểu thuyết không phải dày dặn song lại có một cái tên hết sức hấp dẫn, một tiêu đề gợi mở nhiều suy tư triết lý. Loại tác phẩm có tiêu đề gợi mở triết lý như vậy không nhiều. Hiển nhiên, cứ không phải có tiêu đề hay là nội dung tác phẩm hay, cuốn tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma vượt qua được cái khó đó mà chứng cứ là nó đã được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn, được tái bản nhiều lần và đã được dịch và xuất bản ở nước ngoài, được chuyển thể thành kịch bản phim.

          Cái tạo ra giá trị của tác phẩm ngoài nội dung hiện thực gắn với một thời kỳ khó khăn của đất nước còn là thế giới kỳ ảo mà tác giả đã dụng công xây dựng với các yếu tố kỳ ảo rất đặc trưng, đó là môtip cái chết đi liền với môtip ma hiện hồn . Câu chuyện gắn liền với những sự kiện xảy ra tại một làng nhỏ “tính từ phía bắc xuống là địa danh cuối cùng của đất trung du” với một kiểu không gian rất lạ kỳ. Đó là phía bắc và phía nam của làng vẫn còn “cổng tiền cổng hậu như hai ụ súng”, như là một ranh giới bất khả xâm phạm. Không gian đó có chiều cao là núi Ông Bụt còn chiều sâu là cái giếng Chùa  mà cả hai gắn liền với một lời nguyền của cái thế đất “vượng nhưng nghịch” mà :

“Ai may được ngọc Giếng Chùa,

Rủi ai núi Bụt thả bùa ma trêu”.

          Nhưng rồi theo năm tháng chiều cao ấy cứ thấp dần đi vì “núi Ông Bụt bị phạt trụi để lấy gỗ, bị đào bới để tìm đá ong, lấy đất sét nung gạch”, còn cái Giếng Chùa thì cũng cạn ráo. Cho nên, không còn chiều sâu để tạo nên cái bí ẩn đầy đe doạ, không còn chiều cao thiêng liêng để được tôn thờ, mọi thứ đã bị dàn đều trên một mặt phẳng, thế giới của ma không còn, ma tràn vào làng, trà trộn biến hoá thành mọi dạng ma quái sống nhởn nhơ đủ loại. Cái không gian có chiều kích ấy tạo nên mô hình không gian điển hình của làng xã chúng ta với cái lệ làng vượt trên phép nước với “đường làng được lát bằng những niềm hạnh phúc, sự kiêu hãnh về chức danh, và được lát bằng cả những nỗi khổ đau ê chề của cả những mảnh đời”. “Nơi vùng quê bề ngoài rất yên tĩnh này, vừa có những người ngơ ngác dại khờ, những người thật thà như đếm; nhưng lại cũng có những kẻ đủ mưu ma chước quỷ, không mấy lúc ngồi yên, và cũng chẳng để cho người khác ngồi yên”. Ở đó cách ứng xử cũng khác thường: “Kể cả những người không yêu không ghét, xưa nay không có xích mích gì, nhưng thấy một nhà phong lưu bị sa xảy, thì họ vẫn cứ thích!”Tất cả đều mang màu sắc văn hoá đặc thù của làng xã Việt Nam.

          Hoàn cảnh đặc thù xuất hiện trong không gian cũng rất đặc thù ấy. Đó là “cái đói giáp hạt này lại có đủ móng vuốt nhảy xổ vào cả cái xóm Giếng Chùa, xóm vẫn quen đứng đầu về cái sang cái giàu toàn xã”. Cái ăn được đặt ra liên quan tới sự tranh giành quyền lực mà thực chất cũng là một đặc điểm truyền thống theo kiểu “miếng giữa làng bằng sàng xó bếp”.Cái ăn liên quan tới tất cả, không loại trừ một ai. 

          Nhân vật của thế giới kỳ ảo ấy hiện ra qua hai khuôn mặt có thể nói là rất đặc trưng của cái xóm ấy : lão Quềnh và cô thống Biệu và đều gắn với ma – loại cư dân của thế giới bên kia. Lão Quỳnh với “tuổi mười bảy. Mặt mũi thô vụng thật thà” đã biến thành Quềnh bởi một mối tình với ma. Còn cô thống Biệu làm nghề thầy cũng thì “đi đứng ẽo ợt, nói giọng kim, râu ria chả có và cái ăn cái uống cũng giống đàn bà con gái hơn là đấng mày râu”, “bộ mặt nhỏ và nhọn như mặt chim, nước da mai mái”nhưng lại là người thấy được ma, giao tiếp được với ma, tới mức hôm đi nhận ruộng cô thống “nhìn chả thấy người đâu, toàn  ma!”.Hai nhân vật này sẽ đảm đương nhiệm vụ hướng dẫn viên đưa ta đi du lịch trong cái xóm Giếng Chùa nổi tiếng ấy, bằng cách riêng của họ.

          Thế giới kỳ ảo ấy được đan kết bằng các mối quan hệ tình yêu có thể nói là bất thường. Trước hết là mối tình giữa cậu cả Quỳnh với con ma dưới gốc si già mà mỗi lần họ đến với nhau thì “bầy đom đóm cứ chao lượn theo hai bóng người” tạo nên một bối cảnh kỳ ảo vừa thực vừa hư, vừa giông với Liêu Trai nhưng lại cũng rất khác với Liêu Trai. Đây là tình yêu siêu thường mà yếu tố kỳ ảo là cách thức giải thích số phận cuộc đời éo le này. 

Tình yêu thứ hai là tình yêu vượt ngưỡng của ông giáo Phúc và bà Son với một sự đam mê giữa một người đàn ông đã có “một vợ một con” theo luật gia đình nghĩa là cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy “nhưng vẫn phong tình lắm” với một “cô Son đẹp nhất làng” với “mặt hoa da phấn, thắt đáy lưng ong” với “cặp mắt lá răm vừa đen vừa sắc”. Nhưng rồi mối tình đó không thành vì  ông Phúc không đủ dũng cảm để vượt qua thói nhà, còn cô Son lại phải lấy anh Hàm “người không được hào hoa phong nhã như cậu giáo Phúc” nhưng “nhiều hoa tay, làm cái gì cũng khéo” với một đám cưới có thách có cheo “phân miêng tử tế” dẫn tới đám cưới có “đêm động phòng có mùi vị địa ngục” khiến cho mối thù riêng giữa Hàm và Phúc gắn liền với mối thù của hai giòng họ đã một thời tranh chấp nhau cái ghế lý trưởng để làm kẻ cả trong làng. Gắn liền với mối tình này là một yếu tố kỳ ảo đóng vai trò tiên tri dự báo cho cái chết bất hạnh của bà Son: Chiều tà dạo mát bờ sông

                                 Thấy cái nón trắng mà không thấy người

                                      Ngỡ là có đám chết trôi

                               Hoá ra trong bụi có đôi tính tình !...

Tiếp đó là mối tình tự nguyện một cách khác thường, táo tợn tới mức dữ dội giữa chị Bé và ông Hàm ngay sau khi bà Son vừa được chôn cất.Tự nguyện bởi chị Bé ở vào cảnh tứ cố vô thân, bằng mọi giá “phải giành được sự sống đang chơi vơi lơ lửng như cánh diều trước gió chỉ chực bay tuột mất khỏi đôi tay khẻo mạnh của chị”. Do đó “bóng đêm càng làm cho cái chất táo tợn của người đàn bà lồng lên như ngựa”.Mối tình tự nguyện này bất chấp mọi luật lệ gia phong vốn được giòng họ thờ ông ba mươi này tôn thờ nhưng lại có tính chất nhấn mạnh cái bi kịch của giòng họ và gia đình này.Bởi vì giòng họ này sẽ có thêm một công cụ tự nguyện có thể nói là đắc lực mà giúp cho dòng họ đi lên thì ít mà đẩy giòng họ Trịnh Bá vào sâu hơn trong con đường hầm thì nhiều.

 

Một mối tình bất thường khác giữa Thủ bây giờ là bí thư đảng uỷ xã, người to quyền nhất xã, người được coi là “đẹp trai lồng lộng” với Luyến có “bộ mặt rỗ hoa” và “nước da bánh mật” mà “da bánh mật thì không thể bì với da bánh trôi được” mà khi cả hai khi đã thành vợ thành chống thì bố mẹ Luyến “cứ ngơ ngẩn như đánh tuột khỏi tay nồi thóc giống”. Bất thường là vì anh chàng Thủ chắc cũng chỉ “không nỡ để phí của giời”, cũng định “léng phéng cải thiện cho vui”. Song như nhận định của cánh thanh niên cùng xã thì “quá mù ra mưa” mà hơn nữa Thủ lại đang thuộc diện cảm tình, phát triển đảng của đảng bộ địa phương. Bài toán cơ hội được đặt ra mà người phải đưa ra đáp số cuối cùng là Thủ và thế là cô Luyến có chồng bất chấp cái  mặt rỗ hoa của mình. Đám cưới của ông Hàm với bà Son trang trọng bao nhiêu như để thách thức kẻ tình địch Vũ Đình Phúc thì đám cưới của chú em Thủ với cô Luyến mặt rỗ hoa đơn giản bấy nhiêu, cũng gợi cho ta cảnh đám cưới chạy làng mà làng quê nào cũng có.

Một mối tình khác cũng thuộc dạng bất hạnh giữa trung tá Chỉnh với cô Lạc “không đẹp, người ta, mặt to, mũi to. Nhưng được cái trắng, trắng như cạo!” và “hay cười. Cười to, cười giòn, cứ như cả một chảo ngô rang đang nổ tung trên lửa”. “ Lạc càng phốp pháp, da thịt càng rời rợi, chưa mó vào đã thấy mát như thạch đông! Cặp mắt hình lá khoai, đuôi kéo dài. nhỏ sắc, cười cứ tít như sợi chỉ se nhấp nhánh ướt”. Con người này sẽ tự nguyện chấp nhận phá vỡ gia đình để không làm tổn hại tới Chỉnh, vì cô thuộc loại vô sinh và cô quan hệ với người này người kia cũng như một nhu cầu cần ăn cần uống vậy. Đây là con người không vụ lợi trong cái thế giới của những kẻ vụ lợi trong xóm Giếng Chùa.

Còn tình yêu cuối cùng là tình yêu giữa Đào, con gái ông Hàm với Tùng, con bà Sang thuộc dòng họ đối lập. Mối tình này trôi nổi trong sóng gió giữa các cuộc trả thù giữa hai giòng họ, giữa một bên là Đại- Sang -Phúc –Quý- Lộc -Tài và bên kia là Hoành- Hàm- Long -Thủ –Ngọc- Báu. Cuộc trả thù này có lập trường quan điểm rõ ràng. Một bên là quan điểm của Phúc với sự khẳng định gần như chắc chắn và dứt khoát : “Mà không có cái chân Đảng viên thì cả họ nhà này chúng nó cho ăn bùn”. Câu tuyên bố gợi cho ta lời nói của Đội Tảo khi hắn có mặt chứng kiến cái chết của Bá Kiến: “Thằng bố chết, thằng con lần này không tránh khỏi người ta cho ăn bùn”.Còn quan điểm của Hàm thì hết sức rõ ràng trong lời khẩn cầu thiên la địa võng: “ bắt họ Vũ phải chịu:

                   Ba đời tuyệt tự,

                     Hữu nữ vô nam

                     Hữu sinh vô dưỡng…”

Mối tình này có vẻ mang dáng dấp Rômêô và Juyliet, nhưng bị đặt trong hoàn cảnh đặc thù như vậy, cả hai cũng chẳng làm được gì ngoài giận dữ và khóc lóc ở Đào hay dự định đi xuất khẩu lao động của Tùng. Hơn thế giữa họ còn có Minh tồ xuất hiện và cũng với một tình yêu nồng nàn cho dù chưa vượt ngưỡng giữa cô ta và Tùng vốn đang bị đặt vào một tình thế éo le.Rômêo và Juyliet còn dám cưới nhau cho dù chỉ là đám cưới bí mật. Còn giữa Tùng và Đào thì không thể có chuyện đó. 

Các mối tình này được đặt trong khuôn khổ của những cái chết. Cái chết mở đầu là cái chết của ông Vũ Đình Đại , bố của Phúc, người phải ra đi sau khi trở về ở với vợ chồng Phúc không lâu vì trước đó là chuyện cha con từ nhau vì việc Phúc đã đâú tố cha mình trong cải cách ruộng đất. Cái chết thứ hai là cái chết của một đứa trẻ , con của chị Bé bất hạnh mà cảnh đứa bé đã chết tự nhiên bật dậy khi có con mèo chạy qua đã làm khiếp đảm mọi người. Cái chết thứ ba là cái chết của lão Quềnh, một cái chết bi thảm : đứt ruột mà chết.Cái chết thứ tư là cái chết của bà Son cũng bất hạnh không kém bởi sự thức tỉnh của lương tâm và ý thức không muốn trở thành công cụ trả thù cho dòng họ Trịnh Bá. Cái chết thứ năm là cái chết của cô thống Biệu và cũng đồng thời là  “người cao niên nhất cuối cùng của làng chuyên sống bằng yểm tà trị quỷ có tới non một nửa thế kỷ, nhưng bây giờ phải tự nhận là hết phép, là bất lực trước những con “ma sống” đã chính thức vĩnh biệt Giếng Chùa!”.

 Năm cái chết trải dài trên tiến trình thời gian, gắn với những sự kiện đang diễn ra lúc công khai lúc ngấm ngầm trong cái xóm Giếng Chùa đã không còn chiều cao và chiêù sâu ấy.Với tư cách là một biểu tượng, một môtip kỳ ảo quan trọng cái chết chỉ ra phần có thể mất đi, có thể bị huỷ hoại của sự sống. Nhưng nó cũng là kẻ dẫn người ta vào các thế giới chưa biết đến của Địa ngục hay Thiên đường của các quan niệm tôn giáo và thường gắn liền với các nghi lễ thiêng liêng. Sự huyền bí của cái chết theo kiểu sinh hữu hạn, tử bất kỳ hoặc sinh ký tử quy, từ lâu vẫn được cảm thụ như là nỗi kinh hoàng và được biểu thị bằng những nét gây khiếp đảm. Đây là sự kháng cự được đẩy lên mức tối đa, chống lại sự đổi thay và một hình thức sinh tồn chưa biết đến, nhiều hơn là nỗi sợ bị diệt trừ trong thế giới hư vô. Cái chết dẫn xuất đến một nền văn hoá về cái chết và luôn luôn được mọi tín ngưỡng quan tâm. Môtip về “cái chết” thường được sử dụng với môtíp “ma hiện hồn” vốn rất phổ biến trong loại hình văn học kỳ ảo , chúng tham gia tạo dựng và dẫn dắt cốt truyện. 

Xét trong tổng thể, các cái chết được miêu tả trong Mảnh đất lắm người nhiều ma đều là những cái chết không bình thường. Cái chết của ông Vũ Đình Đại chấm dứt mối hận thù cha con có từ thời cải cách thì lại dẫn tới sự trả thù diễn ra quyết liệt giữa hai dòng họ Trịnh Bá và Vũ Đình, dẫn tới khung cảnh nháo nhác, náo động cả một vùng thôn quê. Cái chết vốn gắn liền với các quan niệm về văn hoá tâm linh, vốn rất thiêng liêng nhưng ở đây cái chết này với một lễ trang trọng thể với đội kèn đám ma cũng biết lợi dụng cơ hội với hai lần đưa đò rất trọng thể, một đám ma để khoe với làng với nước trong thời buổi đói dắt đói deo. Văn hoá tâm linh được sử dụng triệt để ở đây như là một cơ hội để hận thù giữa hai dòng họ bùng lên vì đòi cụ Cố là chuyện tranh chấp đất đai với nhà Trịnh Bá, còn đời Vũ Đình Phúc thì lại là chuyện tình, là chuyện nẫng tay trên người khác. Do đó: “Hôn nhân, điền thổ, vạn cố chi thù” diễn ra và cái chết được triệt để tận dụng, lợi dụng để củng cố quyền lực hoặc phô trương quyền lực.

 Cái chết của đứa con chị Bé cũng là bi thảm bởi nó chết do không có điều kiện chăm sóc, cả nó và mẹ nó đều bị đuổi ra khỏi nhà, đều bị tước đoạt quyền sống, nhưng cái chết đó lại mở đường cho mẹ nó ở lại xóm Giếng Chùa, để diễn tiếp tấn bi hài kịch trong gia đình ông trưởng họ Trịnh Bá.Cảnh đứa bé bị dựng dậy do con mèo chạy qua cũng tạo ra một ma lực làm tang thương thêm hoàn cảnh của hai mẹ con và cũng phủ lên và báo trước màu tang tóc cho xóm Giếng Chùa.Nó đến Giếng Chùa khi đã ngừng thở và nó cũng đi ra khỏi xóm này một cách lặng lẽ không trống không kèn, không người đưa tiễn. 

Cái chết của Quềnh, con người lạc loài vì đã trót đi yêu một con ma cho thấy tình người xuống cấp. Việc chôn cất không kéo dài rề rà, cũng chẳng có kèn trống hay đoàn người đưa rước như đám ma cụ Đại mà “Quàng quyết định chôn anh mình thật nhanh. Con ma keo kiệt trong người Quàng làm một việc táng tận. Hắn chôn ông anh khốn khổ bằng chiếu.”Con người khốn khổ này chịu một cái chết khốn khổ nhưng cho dù chết một cách khốn khổ thì lão  chết cũng không được yên. Lão sau khi đã được chôn lại bị đào lên để được đặt vào bộ áo quan mà thằng em khốn nạn khống dám bỏ tiền ra mua mà “xã chi tiền để mua một bộ áo quan” nhưng theo cách Thủ, bí thư đảng uỷ xã nói thì là để “bịt được những cái mồm xấu hay xúc xiểm”. Thế là lão Quềnh phải chết hai lần để phục vụ cho quyền lợi của những người sống. Cái chết này cũng không kèn không trống, chẳng có người rước người đưa. Lão bị sinh ra như một tội nợ. Lão chết cũng như là một gánh nặng mà đứa em của nó phải nhanh chóng quẳng đi. Văn hoá về cái chết với đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận” đã phải nhường bước cho sự tha hoá của nhân cách con người. Giọt nước mắt duy nhất nhỏ trên mộ lão là giọt nước mắt của một người đàn bà tứ cố vô thân, xa lạ, đang tha phương cầu thực, đang rơi vào hoàn cảnh chưa biết gửi thân gửi phận vào đâu.Từ đấy, “chị khóc cho người mới gặp tình cờ, chị khóc cho con, chị khóc cho mình”.

Cái chết của bà Son chấm dứt cuộc tình duyên ép buộc, chấm nỗi đau của tình yếu khát vọng không thành, chấm dứt cả tình trạng sống lay lắt buồn tủi theo nghĩa vụ của bà. Đây là một cái chết buồn thảm định mệnh đã được dự báo từ trước bằng một bài ca dao có vần có vè mà kẻ đã đẩy bà vào con đường cùng quẫn đó không phải là ai khác mà chính là Thủ và đám anh em Trịnh Bá.Bà là người khi trẻ thì đam mê mãnh liệt , khi có chồng thì chịu phận tôi đòi, sống như cái bóng thì chết cũng là cái chết nổi nênh. Nơi gặp gỡ của mối tình đầu nơi bà trao thân gửi xác cũng chính là nơi bà trút bỏ linh hồn. 

Cái chết của bà Son gắn với môtip ma hiện hồn tiêu biểu. Đó là cảnh ma nhập vào chị Bé, cho dù là giả tạo những nó cũng có chức năng kéo dài cốt truyện. Bằng hình thức ma hiện hồn chị Bé đã đạt được mục đích kéo dài sự tồn tại của mình, trở thành người thay thế bà Son để ông Hàm thực hiện những nhát đục bản năng theo chu kỳ của ông ta.

Cái chết của cô thống Biệu cũng mở đường cho chị Bé trở thành người thay thế nhưng chắc là không phải để trị ma quỷ của thế giới bên kia mà chỉ để trị hay trở thành đồng loã của đám ma sống đang nhởn nhơ khắp cái xóm Giếng Chùa. 

Các câu chuyện về cái chết có những người chết thật nhưng xét một mặt nào đó thì người chết lại hoá ra không chết, tạo ra những cơn lốc cuộc đời cứ xoay tròn trên cái xóm Giếng Chùa, tạo ra thế giới kỳ ảo tưởng như hoang đường song lại có khả năng khắc hoạ hiện thực rất sâu sắc. Văn hoá tâm linh, văn hoá về cái chết được các thế lực đối đầu trong cái xứ sở bé bằng bàn tay ấy triệt để lợi dụng. Điều đó cho thấy một hiện thực dữ dằn mà những người có lương tâm đều phải suy nghĩ. Các biểu hiện khác nhau của văn hoá cũng xuất hiện : Văn hoá lịch sử được cụ thể hoá bằng cuộc con đấu tố cha giữa thời cải cách, bằng nghị quyết O4, bằng cuộc đi thăm của ông Đáng, bí thư đảng uỷ cũ, tham quan Quỳnh Lưu và Định Công để biến “mỗi huyện thành một pháo đài về quân sự và kinh tế”; văn hoá ẩm thực diễn ra qua tiệc cưới bà Son và ông Hàm, qua cuộc tiếp đãi bí thư huyện uỷ Luân tại nhà riêng của chủ tịch xã Trần Văn Sửu, cảnh đánh chén thịt chó tại nhà ông Khừu, cảnh đánh chén tại nhà Phúc trong tang lễ. Văn hoá ẩm thực ở đây không có tính chất cao quý của nó mà chỉ là phương tiện công cụ để các mưu mô lại tiếp tục hoành hành.Văn hoá cưới xin tang lễ cũng tạo nền cho thế giới kỳ ảo ấy, nhưng nó cũng không còn tính chất thiêng liêng nữa mà đều được trần tục hoá nhằm phù hợp với kiểu nhân vật ở đây.Các yếu tố văn hoá này đan cài vào nhau dẫn tới việc táI hiện các phong tục . Chúng giúp cho các phong tục trở nên sắc nét hơn, rõ ràng hơn và sự biến dạng của các phong tục cũng cho thấy tính chất phức tạp của thời đại mới.Từ đấy tính chất tiểu thuyết phong tục xuất hiện.

 Điều đặc biệt là các cuộc tình và các cái chết đều được đặt lồng trong bối cảnh các cuộc họp. Đủ các loại họp: họp to họp nhỏ, họp kín họp hở, họp xóm, họp gia đình. Có thể coi tiểu thuyết này thuộc loại khá điển hình cho các loại họp .Từ cuộc họp chi bộ vốn rất trang nghiêm nhưng chi bộ thảo nghị quyết chưa xong thì quần chúng đã biết tuốt, đến các cuộc họp tay đôi giữa Thủ  và vài nhân vật khác theo lối phân công công việc cụ thể. Từ những cuộc họp to mồm lắm miệng cho tới những cuộc họp chỉ thầm thì, chỉ đủ hai người nghe thấy. Trong số đó các cuộc họp gia đình, hay chi bộ dòng họ là quan trọng nhất với đủ các âm mưu được bày đặt. Các cuộc họp này là hình thức sinh hoạt mới trong làng xã nhưng vì nằm trong bối cảnh Giếng Chùa nên các cuộc họp đó dù to dù nhỏ vẫn không tạo ra tính chất mới mẻ thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng 

Thế giới kỳ ảo này hiện ra các nhân vật với những khuôn mặt nếu không nói là dị dạng thì cũng rất khác lạ, như là kiểu nhân vật mất nhân hình nhân dạng như ta đã gặp trong AQ chính truyện của Lỗ Tấn.  Chẳng hạn, nhân vật Hàm được miêu tả là “xấu mã, người lùn và to ngang, đó là dáng điệu của gấu.Chân tay ngắn, mặt ngắn, trán cũng ngắn choằn”, ông thuộc cái tướng pháp mà người xưa gọi là ngũ đoản. Còn vợ Phúc thì “răng đen hạt na, tóc vấn trần, vừa gầy vừa khô” mà theo dân gian thì “Khô chân gân mặt, đắt tiền cũng mua”, cũng là một cách nhận dạng theo kiểu tướng pháp như là một truyền thống trong kho tàng kinh nghiệm dân gian. Còn “thằng Đãi, cái thằng đen như củ tam thất với hai con mắt lồi như mắt cua, trợn trừng trợn trạo”cho thấy quan hệ nhân quả theo kiểu “rau nào sâu nấy, cha nào con nấy”…Thế giới nhân vật khác thường này rất phù hợp , bằng phương thức đặc tả , đối với thế giới kỳ ảo dẫn tới sự xuất hiện của cách thức ứng xử phần nào mất nhân tính trong cái thế giới đó.

Tác phẩm mở đầu bằng một không khí ảm đạm bởi cái đói giáp hạt đang bao trùm. Cái ảm đạm đó được gia tăng bằng nhiều tiếng khóc cộng thêm nhiều tiếng cười nửa chua chát nửa ngậm ngùi, của nhiều thế hệ hoặc già hoặc trẻ trong cái xóm Giếng Chùa ấy. Tác phẩm kết thúc bằng một tiếng khóc : “Em khóc” , em ở đây là Minh tồ với “bộ ngực tấn công và bộ mông phòng ngự”. Nhưng sao Minh lại khóc ? Khóc vì mối tình vô vọng với Tùng và không thể tranh chấp với Đào vì là Đào là bạn Minh chăng, hay là khóc vì mối tình Đào – Tùng sẽ không thành bởi mối thù hai họ không bị lấp đi mà lại bị khoét sâu hơn qua những sự việc đã diễn ra ? Đây là khóc vui hay khóc buồn ? Kết thúc mở này cho thấy cái thế giới kỳ ảo được tạo ra bởi các sự kiện bất thường trong xóm Giếng Chùa vẫn chưa đến hạ hồi phân giải. Bởi lẽ cái gốc rễ của sự phá hoại cái yên bình vẫn còn. Một kết thúc như vậy là cần cho sự thức tỉnh của lương tri. Yếu tố cốt truyện của cuốn tiểu thuyết này vẫn còn tuy nó đã được giản lược rất nhiều, sự kiện bề bộn hơn, nhân vật cũng được đặt trong mối quan hệ nhiều chiều hơn nhưng cũng đang dừng ở mức độ bên ngoài mà chưa có độ sâu cần thiết ngoài quan hệ giòng họ . 

Thế giới kỳ ảo với các loại nhân vật dị thường kia được đặt trong mối quan hệ của các cuộc tình khác nhau tạo nên chiều sâu triết lý cho tác phẩm và đó cũng là sức sống lâu bền của nó.Qua thế giới kỳ ảo đó những nét riêng của bản sắc văn hoá dân tộc hiện ra giúp chúng ta nhìn nhận thấu đáo hơn về chính mình. Đồng thời cũng khẳng định tính chất tiểu thuyết phong tục của nó thể hiện qua việc miêu tả các sự kiện liên quan tới điều kiện sống, điều kiện tồn tại của con người. Đây cũng là một nét tạo nên thành công của Mảnh đất lắm người nhiều ma.Chắc chắn , tác phẩm này sẽ có một vị trí xứng đáng trong nền văn học dân tộc của những thập niên chín mươi như là một dấu mốc trên con dường phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại./.

 (Lê Nguyên Cẩn)

Tài liệu tham khảo:

Nguyễn Khắc Trường : Mảnh đất lắm người nhiều ma.- NXB Văn học Hà Nội.- 2003.(Các trích dẫn trong bài viết đều lấy từ bản in này).

Tóm tắt :

Thế giới kỳ ảo trong Mảnh đất lắm người nhiều ma với các yếu tố kỳ ảo đặc trưng, đó là môtip cái chết đi liền với môtip ma hiện hồn tạo ra một giá trị đặc biệt. Thế giới kỳ ảo ấy được đan kết bằng các mối quan hệ tình yêu có thể nói là bất thường với một đội ngũ đông đảo các nhân vật   nếu không nói là dị dạng thì cũng khác thường. Các mối tình này được đặt trong khuôn khổ của những cái chết. Cái chết dẫn xuất đến một nền văn hoá về cái chết và luôn luôn được mọi tín ngưỡng quan tâm. Cái chết được triệt để tận dụng, lợi dụng để củng cố quyền lực hoặc phô trương quyền lực. Năm cái chết trải dài trên tiến trình thời gian, gắn với những sự kiện đang diễn ra lúc công khai lúc ngấm ngầm trong cái xóm Giếng Chùa, tạo nên tính chất tiểu thuyết phong tục thể hiện qua việc miêu tả các sự kiện liên quan tới điều kiện sống, điều kiện tồn tại của con người, mang đậm màu sắc văn hoá dân tộc./.

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020