Nghiên cứu khoa học

Tục thờ nước của người Việt ven sông Hồng


10-10-2020

Nhìn từ quá khứ chúng ta sẽ thấy sự di chuyển của người Việt từ miền núi qua vùng châu thổ tới biển là một quy luật tất yếu. Chính tại quá trình di chuyển này, người Việt đã lựa chọn cây lúa nước làm nguồn cung cấp lương thực chủ đạo, thay thế cho cây lúa nương có năng suất rất thấp. Yếu tố nước vốn đã rất cần thiết trong đời sống con người càng trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng sau sự lựa chọn đó. Nhưng ở vùng châu thổ thấp, người Việt phải đối mặt với nạn lụt lội. Vì thế, một hệ quả tất yếu được đặt ra đối với người Việt khi khai thác châu thổ thấp là phải nghĩ tới việc trị thuỷ và thuỷ lợi. Yếu tố nước, với tính chất hai mặt và khó có thể khống chế đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong tâm thức người Việt. Các lễ hội phản ánh tục thờ nước của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội vì vậy mà chủ yếu xoay quanh hai nhóm chính: nhóm lễ hội mang ý nghĩa cầu nước và nhóm lễ hội thể hiện khát vọng trị thuỷ. Tuy hai nhóm có nhiều nét khác biệt kể từ truyền thuyết đến lễ hội nhưng chúng vẫn gắn kết xoay quanh những tương đồng chung của toàn hệ thống. Một trong những nét tương đồng rất dễ nhận thấy là cả hai nhóm lễ hội này đều chịu ảnh hưởng của các tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo ngoại lai khác.

1.Tục thờ nước trong quan hệ với các tín ngưỡng dân gian

Lễ hội cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội trong quan hệ với tục thờ Đá

Đây là hình thức tín ngưỡng dân gian có ảnh hưởng khá rõ trong hai nhóm lễ hội liên quan đến yếu tố nước. Điều này có cơ sở từ vai trò và ý nghĩa của Đá trong tâm thức dân gian. Với tính chất cứng rắn, đá luôn được cho là biểu tượng của sự hiện diện của thần linh, tạo nên sức mạnh. Đối với nhiều cộng đồng trên thế giới, các công cụ bằng đá không chỉ đơn thuần là vật dụng lao động, nó là vật thiêng mang ý nghĩa ma thuật. Đá còn là đặc trưng cơ bản của núi. Hình dáng sừng sững của núi lại thường được xem như trục vũ trụ, thông linh giữa trời và đất, đá vì thế có thể là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên khác. Và đương nhiên, có một mong muốn rất mãnh liệt mà con người đã từng gửi gắm vào đá: đá có thể mang sức mạnh điều chỉnh nguồn nước theo khẩn nguyện của con người. Hiện tượng đá cầu mưa phổ biến trên thế giới là minh chứng về lớp ý nghĩa chuyển tải khát vọng trần thế của con người qua đá. Tượng nữ thần Nước của người Azteque vì vậy mà được tạo dựng với một tấm che ngực có bốn chuỗi hạt bằng đá xanh.(1)

 

Những ý nghĩa căn bản của đá đều có thể tìm thấy trong cả hai nhóm lễ hội cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội. Tục thờ Tứ Pháp ở chùa Sét trong quan hệ với đức Thạch Quang Phật phần nào cho thấy: đá trong lễ hội này đã mang ý nghĩa của một sinh thực khí. Thạch Quang Phật (hiện được thờ ở chùa Dâu) là bức tượng đá mang ý nghĩa truyền sinh lực và pháp thuật tạo mưa của  nhà sư Khâu Đà La cho Tứ pháp đã giữ vai trò sinh tạo. Bản thân hình dáng pho tượng giống như một sinh thực khí nam đã nhấn mạnh rõ hơn điều này. ý nghĩa sinh tạo này còn được tìm thấy trong bản kể về nguồn gốc Thánh Gióng ở Bộ Đầu (Thường Tín). Chi tiết bà mẹ nằm nghỉ trên một phiến đá sạch sẽ, chân chạm vào một vết lõm trên đó, về nhà mang thai là sự huyền thoại hoá năng lực phồn thực của đá.

 

Với vai trò của một  thực thể chứa đựng linh hồn thiêng liêng, phiến đá mà Linh Lang Đại Vương gối lên khi hoá, thờ trong đền Voi Phục đã gắn kết quan hệ giữa đá thiêng với con giao long dài trăm trượng trườn xuống Hồ Tây. Trong lần giáng độ cứu đời, đức Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thần trị thuỷ, đã để lại vết chân ở tảng đá lớn trên đỉnh núi Sái. Núi Sái vì vậy trở thành núi thiêng, là nơi tu hành của người có công giúp vua Thục ngăn nước, xây thành.

 

Đức Bạch Hạc Tam Giang có nguồn gốc thuỷ thần khi chưa được rước về Yên Nội đã phối thờ cùng Thạch Khanh tướng quân ở đền Bạch Hạc. Thạch Khanh chính là Thần Đá. Trong mối quan hệ cặp đôi này, người ta nhận thấy núi và nước cho đến tận vùng đất ngã ba sông này vẫn chưa bị thể hiện thành hai sự đối lập. Cả hai đều được sinh từ bọc trứng mà rồng thần ban tặng, cùng từ nước sinh ra.

 

Phổ biến hơn hết, trong các lễ hội cầu nước và trị thuỷ ven sông Hồng vùng Hà Nội, đá được thể hiện trong vai trò là núi.  Núi hội tụ được cả hình thể kì vĩ, tính chất cứng rắn và cả tư thế đối lập với nước khiến nó trở thành yếu tố xuất hiện quen thuộc trong nhóm lễ hội mang ý nghĩa trị thuỷ. Quan hệ bản chất giữa đá và nước đã  trở thành lưỡng phân, thành đối kháng. Nó thể hiện qua hình ảnh người Khổng Lồ. Người Khổng Lồ là một sản phẩm của tư duy thần thoại, khi đó, con người mới bắt đầu có ý niệm về ý thức vật chất. Dần dần, người Khổng Lồ đã mang nguồn gốc và được gắn với một hình dạng so sánh cụ thể.  Trong nhu cầu của sự so sánh ấy, rất tự nhiên, hình ảnh núi luôn được sử dụng. Núi đã không còn chỉ là nơi in dấu vết người Khổng Lồ khi di chuyển, núi là chính người Khổng Lồ đang tồn tại. Núi được đồng nhất với người Khổng Lồ bởi cùng chung tính chất kì vĩ, chung tính chất bắc cầu từ thế giới siêu nhiên đến nơi trần thế. Sơn Tinh là biểu tượng đã được tạo nên trong quá trình phát triển như thế của tư duy nguyên thuỷ. Lực lượng đại diện cho thiên nhiên hay cho khả năng chinh phục thiên nhiên đều được nhân lên theo sức mạnh của tự nhiên. Thánh Chèm, Sơn Tinh, Thánh Gióng, Linh Lang, Huyền Thiên Trấn Vũ, thành hoàng Lệ Mật... tuy mang tính chất khổng lồ khác nhau nhưng suy cho cùng đều thể hiện dấu vết của tục thờ Núi, thờ Đá trong quan hệ với mục đích điều hoà nguồn nước của người Việt cổ. Tên gọi Phù Đổng, vì thế, thực chất chỉ mang nghĩa là núi đá(2).

 

Lễ hội cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội trong quan hệ với tín ngưỡng phồn thực

Tín ngưỡng phồn thực tuy được hiểu đơn giản là sự sùng bái việc sinh nở của muôn loài nhưng những biểu hiện của nó thì lại rất đa dạng, bởi suy cho cùng, đó chính là mục đích cao nhất của cuộc sống. Tuy nhiên, dạng biểu hiện được cho là phổ biến nhất của tín ngưỡng này là việc phụng thờ sinh thực khí, hành vi giao phối và các hình thức liên quan đến nghi lễ nông nghiệp, cầu được mùa. Lễ hội cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội có quan hệ khá mật thiết với những dạng biểu hiện này.

 

Mô típ sinh nở thần kì trong nguồn gốc các nhân vật trung tâm của hai nhóm lễ hội này đều cho thấy sự liên quan tới một con vật rất phổ biến, mang ý nghĩa biểu tượng cho nguồn nước là con rắn (mẹ Linh Lang bị rồng quấn, mẹ Sơn Tinh thấy rồng phun chu tinh, mẹ đức Bạch Hạc Tam Giang mộng thấy rồng cho 5 quả trứng...). Đây là con vật đặc biệt, có rất nhiều biến thể và mang nhiều ý nghĩa. Một trong những ý nghĩa khá nổi bật được gắn với rắn: nó được coi là biểu tượng của tính lưỡng trị giới tính... biểu lộ ở chỗ nó vừa là tử cung, vừa là dương vật(3). Nét ý nghĩa này của rắn một phần xuất phát từ chính hình thể của chúng nhưng phần khác, do vai trò đem lại sự sống của hình tượng. Con rắn huyền thoại tạo nên sự sinh sôi nảy nở đã khiến nó được hình dung thành một linga của trời cắm sâu vào lòng đất (cầu vồng). Sự giao hợp thiêng liêng này bao giờ cũng đi kèm với những cơn mưa, nguồn tinh quý báu khởi đầu sự sống. Lớp ý nghĩa này đã đồng nhất rắn = dương vật = nước mà sự chuyển hoá vai trò thì không thể lúc nào cũng phân biệt rõ ràng được.

 

Giống như một sinh thực khí, rắn còn là hiện thân của nhục dục, tức là hiện thân của nguồn năng lực sinh sản, mang lại công năng đầy đủ cho một dương vật sung mãn. Trong đạo Mật tông, đấy là Kundalini, cuộn khúc ở chân cột sống, trên luân xa của trạng thái ngủ, nó dùng miệng mà ngậm bít lấy đầu dương vật lại. Khi thức dậy, rắn rít lên và cứng người lại, liên tiếp leo lên các luân xa: đấy là dục năng dâng lên, là sự sống tái hiện(4). Bởi vậy, hiện tượng rắn phối ngẫu để sinh ra con người không phải chỉ riêng gặp trong huyền thoại người Việt. Đó là hiện tượng mang tính đồng nguyên văn hoá.

 

Chúng tôi tìm thấy sự tương đồng trong huyền thoại về sự ra đời của các vị thần liên quan đến yếu tố nước từ một motíp của người Choang. Việc Bố Lạc Đà vốn mang tính rồng (rắn) đang bơi trên biển, ngậm một ngụm nước phun thẳng vào rốn của Mễ Lục Giáp, để rồi nàng trở về nhà, cái bụng cứ mỗi ngày một to dần lên, và chín tháng sau, nàng sinh ra một ổ con... là tổ tiên người Choang(5) mang ý nghĩa giống như việc đức thánh Linh Lang Đại Vương ra đời. Hình ảnh rồng phun chu tinh còn được gặp ở sự ra đời của Sơn Tinh, Xà Nương công chúa (đền Đồng Nhân, xã Hải Bối, Đông Anh). Trong mối liên hệ gián tiếp, việc nằm mơ thấy rồng, rắn hay sinh ra một bọc như trứng rắn trong sự ra đời của Bạch Hạc Tam Giang, Thánh Gióng ở Bộ Đầu, ông Đống, ông Vực ở làng Ruộng (xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh)... cũng đều cho thấy mối liên hệ với một yếu tố mang vai trò công cụ sinh sản, khởi đầu sự sống là rắn. Vì vậy, xét trong quan hệ với lớp nghĩa phổ quát này, hình tượng bố Rồng mẹ Tiên của người Việt cũng không phải là hiện  tượng độc đáo.

 

Nếu như các lễ hội cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội có quan hệ với tục thờ sinh thực khí trong tín ngưỡng phồn thực là hiện tượng còn phải giải mã trong mối so sánh với khu vực, thì việc nhóm lễ hội này gắn bó với các nghi lễ nông nghiệp khác là điều rất dễ dàng nhận thấy. Tới mức, tác giả E.P. Maspero(6) đã xếp lễ hội thờ nước vào nhóm lễ hội nông nghiệp. Sự gắn bó này trước hết thể hiện ở chính thời điểm tổ chức lễ hội.

 

Lễ hội truyền thống vùng châu thổ sông Hồng nói chung thường được tổ chức vào mùa thu và mùa xuân theo lịch sản xuất nông nghiệp. Điều này cho thấy, về bản chất, các lễ hội dân gian truyền thống của người Việt, hầu hết, đều mang ý nghĩa cầu mùa. Lễ hội cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội, do tính chất cụ thể trong ý nghĩa của việc tổ chức hội, càng thể hiện mối liên quan chặt chẽ đó. Việc rước tượng Tứ Pháp qua bốn ngôi chùa hàng tổng là: chùa Sét, chùa Pháp Vân, chùa Yên Duyên, chùa Dâu để cầu mưa, phục vụ sản xuất là nghi thức quen thuộc mà trước Cách mạng tháng 8, do tính chất di chuyển gần gũi bằng đường sông, các làng vẫn thường làm. Nhà Lê vẫn có tục đến chùa Vua làm lễ cầu mưa trong dịp đầu năm. Những lễ hội được tổ chức vào tháng 3, 4, 5, 8,  tuy không nhiều, và có vẻ như không gắn bó với lịch sản xuất nông nghiệp, nhưng chính thời điểm tổ chức này lại thể hiện tính khác biệt cho nhóm lễ hội liên quan đến nước ven sông Hồng vùng Hà Nội. Hội đình Chèm được tổ chức vào tháng 5, hội Dóng vào tháng 4, hội chùa Hàng Khoai, hội làng Lệ Mật là tháng 3, hội đền Và tháng 8, những lễ hội này đều nằm trong nhóm thể hiện khát vọng trị thuỷ. Thời điểm tổ chức lễ hội như vậy là đã khá tương khớp với mùa con nước từ thượng nguồn sông Hồng. Tháng 3 âm lịch đã có những cơn mưa lớn, tháng 4 gắn với lũ tiểu mãn, tháng 5, 6 là lũ về thường xuyên, tháng 7, 8 là đỉnh lũ. Việc tổ chức lễ hội về các nhân vật anh hùng có công trấn diệt loài thuỷ tặc vào những thời điểm không phổ biến như trên, chắc chắn cho thấy mối quan hệ của lễ hội với nỗi sợ hãi con nước của cư dân nông nghiệp. Sự cầu mong điều hoà nguồn nước không thể mang ý nghĩa khác với mục đích cầu mong cho con người và vạn vật sinh sôi.

 

2 Tục thờ nước trong quan hệ với các tôn giáo ngoại lai

Tục cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội trong mối quan hệ với Phật giáo

Mang theo hệ tư tưởng hoà bình và giải thoát, Phật giáo đã tìm thấy sự hoà hợp hiếm thấy với các tín ngưỡng dân gian bản địa. Trên thực tế, các hình thức tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt đều chứa đựng dấu ấn Phật giáo, mang màu sắc Phật giáo. Nói theo cách của những nhà văn hoá học, Phật giáo vào Việt Nam chủ yếu bằng con đường tiếp xúc tự nguyện.

 

Tục cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội cũng không thể nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Thậm chí, do vị trí liền kề với trung tâm Phật giáo Luy Lâu, do là kinh đô nhiều đời, sự ảnh hưởng của Phật giáo đến văn hoá Thăng Long còn được xem là mạnh hơn các khu vực khác.

 

Ngay từ trong những thần tích về các nhân vật thời đại Hùng Vương, thời đại mà có lẽ không thể có liên hệ gì với Phật giáo, dấu ấn của tôn giáo này đã được ghi rất đậm. Đương nhiên, điều đó là do vai trò của các nhà Nho sau này khi định văn huyền thoại, nhưng vẫn được người dân chấp nhận, khẳng định ảnh hưởng của Phật giáo không thể phân định được bằng mốc thời gian chính xác. Thánh Gióng ở Bộ Đầu (trong vai trò là người giúp dân chống lụt trước khi bay về núi Sóc để hoá) được sinh ra từ một chiếc bọc hình hoa sen bởi một bà mẹ tu theo đạo Phật. Sau khi được chính con mình cứu khỏi thuỷ tặc, bà mẹ đã hoá ngay trên tay đức Thánh thành một ngôi tháp. Hiện nay, tượng Thánh Gióng ở Bộ Đầu vẫn được tạc trong tư thế đứng trên bệ sen có hình hai con giải, tay chống kiếm, tay kia nâng bảo tháp là linh hồn bà mẹ tụ lại. Trong tư thế này, Thánh Gióng giống như một Phật tử đã quy y Phật pháp, tôn vinh hai biểu tượng thiêng liêng của nhà Phật.

 

Những biểu hiện cơ bản của tín ngưỡng  sùng bái các hiện tượng tự nhiên của người Việt tụ trong tục thờ Tứ Pháp cũng đã được Phật giáo hoá. Một nghi thức cầu nước điển hình của người Việt đã được thực hiện tại chùa. Cho dù ở vùng Hà Nội, ý nghĩa cầu nước vẫn được nhấn mạnh rất rõ qua mĩ thuật tạo tượng và việc phụng thờ Tứ Pháp, thì chiếc mũ tì lư trên đầu pháp Điện (chùa Sét) đã trở thành vòng "Kim cô", ấn định phạm vi ảnh hưởng của Bà vẫn phải trong tầm kiềm toả của Phật giáo.

 

Như vậy, con đường chính để Phật giáo đi vào những lễ hội nước của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội là khẳng định dấu ấn ngay từ sự ra đời của nhân vật. Đây gọi là lối ảnh hưởng bao trùm, bởi, khi nguồn gốc đã mang màu sắc Phật giáo, những công trạng tiếp theo trong cuộc đời mặc nhiên sẽ góp phần tích cực tôn vinh Phật pháp. Huyền Thiên Trấn Vũ tài ba pháp thuật nhưng nguồn gốc cũng đã là Phật tử, vị thần mang đậm màu sắc Đạo giáo này - chỉ cần bằng cách kéo dài nguồn gốc - đã trở thành hiện thân cho thuyết luân hồi và khả năng thu phục của Tam Bảo.

 

Tục cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội trong mối quan hệ với Đạo giáo

Niềm tin vào sự mầu nhiệm của những phép thuật trong Đạo giáo, đặc biệt là Đạo giáo phù thuỷ, đã nhanh chóng tìm thấy nền tảng tương đồng trên đất Giao Châu ngay từ những thế kỉ đầu công nguyên.

 

Đến thế kỉ thứ VII, Đạo giáo phù thuỷ đã rất thịnh hành. Việc Lý Thường Minh đời Đường cho dựng quán Tam Thanh để tạ ơn đức Bạch Hạc Tam Giang phù giúp ông ta đánh giặc Ai Lao chứng tỏ Đạo giáo đã được chính quyền Trung ương thừa nhận. Thuỷ thần Tam Giang bảo trợ cho cư dân Việt cổ trên con đường tiến xuống đồng bằng đã được khoác một tấm áo mới, áo của đạo sĩ Trung Hoa.

 

Tại một điểm dừng chân khác, dấu ấn của một vị thần đá trị thuỷ, giúp Thục Phán chống lụt ở Cổ Loa tiếp tục được mang phép thuật của Đạo giáo. Lần này, sự hiện diện của vị đạo sĩ được khắc hoạ rõ nét hơn. Từ tên gọi (Huyền Thiên Trấn Vũ), hình dáng (người khổng lồ), trang phục (áo đen, tóc xoã, tay cầm kiếm) đến hình thức xuất hiện (ông già trên núi, chống gậy) và phép thuật (diệt kim kê, cho móng rùa..), Huyền Thiên trở thành một vị thánh Đạo giáo điển hình trong tâm thức người Việt. Dọc sông Hồng, người Việt tiếp tục mở đất. Cách thức đắp tường thành, mà thực chất là đắp đê ngăn lũ của Thục Phán ở Cổ Loa được lặp lại khi người Việt đắp thành Đại La, có điều, thành Đại La đã đánh dấu một lần chuyển đê mới, rộng hơn ra mà thôi. Các lần chuyển dời sau đó liên tiếp được đánh dấu bằng sự xuất hiện của những nhân vật mang phép thuật đặc biệt. Do đặc điểm địa lí sông Hồng vùng Hà Nội, các nhân vật mang màu sắc Đạo giáo đậm nét này thường được gắn liền với công trạng điều hoà nguồn nước, trị thuỷ, chống lầy, chống lụt của những vị thần trong tín ngưỡng dân gian. ở phía cuối của con sông Hồng khi chảy qua vùng Hà Nội, Chử Đạo Tổ cũng được xây dựng theo hướng đi ấy. Một mặt, điều này phản ánh tính chất khốc liệt của cuộc giành giật, vật lộn với tự nhiên và con sông Hồng hung dữ để người Việt chiếm lĩnh đồng bằng, ở đó, con người không thể không cầu viện vào sự giúp đỡ của những điều thần bí, kì diệu; mặt khác cũng phản ánh hệ quả tất yếu của quá trình định văn huyền thoại khá muộn sau này, khi đó, Đạo giáo đã có đến hàng chục thế kỉ ảnh hưởng.

 

Tục cầu nước và trị thuỷ của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội trong quan hệ với Nho giáo

Theo dấu chân của kẻ xâm lược, Nho giáo khó tìm được con đường hòa nhập thực sự trong xã hội Việt Nam hơn các tôn giáo khác. Từ thế kỉ X, nước Việt độc lập, các triều đại cần một tập hợp dân chúng ủng hộ mình nên phải chú ý ít nhiều đến đời sống của họ, đặc biệt là đời sống tinh thần... đòi hỏi người cầm đầu phải mượn mô hình duy lí của Khổng giáo(7). Hàng loạt tài liệu do các nho sĩ chép lại những sự kiện lịch sử mang màu sắc huyền bí, những thần linh phụng thờ trong dân gian được các ông vua đặc biệt quan tâm. Vai trò này của các nho sĩ đã khiến cho huyền thoại khi được định văn đã bị nhuộm thêm một lớp màu. Nho giáo ảnh hưởng trong các lễ hội nói chung, lễ hội cầu nước và trị thuỷ ven sông Hồng vùng Hà Nội nói riêng là hiện tượng tất yếu.

 

Biểu hiện đầu tiên và bao trùm của Nho giáo lên các nhân vật trong nhóm lễ hội thờ nước là xu hướng lịch sử hoá, truyền thuyết hoá nhân vật thần thoại. Nhân vật được phụng thờ ban đầu vốn là các thuỷ thần hoặc các nhân vật chế ngự được thuỷ tai nhưng đều trở thành những bộ tướng phò vua diệt giặc. Linh Lang Đại vương hay Uy Đô Linh Lang vốn gốc thuỷ thần đều quy thuận vương quyền. Năm anh em đức Bạch Hạc Tam Giang đều là thuỷ thần do Long vương phái xuống phò vua. Thánh Gióng vốn là con ông Đổng, mang ý nghĩa như một thần linh vừa có khả năng mang lại những cơn mưa giông, vừa có dáng vóc của vị thần trị thuỷ. Vị thần xuống đời đã được định văn trong tư thế của người anh hùng giúp vua đuổi giặc. Thần núi Sơn Tinh phò vua Hùng, Chử Đồng Tử với phép thuật và sức mạnh cũng vẫn trốn khỏi cuộc đụng đầu với quân lính của vua Hùng đuổi theo, chàng trai Lệ Mật cuối cùng cũng làm quan trong triều... Trong hệ thống lễ hội này, đằng sau mọi hành động trị quốc của vua đều có sự yểm trợ của các thiên thần được Trời ban xuống. Không chỉ quy thuận biểu tượng quyền lực cao nhất là con trời, dấu ấn Nho giáo còn thể hiện ở sự quy phục của Thần quyền vào một nhà Nho, bề tôi của vua như hiện tượng thờ thuỷ thần Linh Đàm. Điều này càng khẳng định rõ hơn, vai trò của Nho giáo đối với các tín ngưỡng bản địa.

 

Không chỉ nhuộm màu cho thần tích, hầu hết các hành vi nghi lễ trong các lễ hội cầu nước và trị thuỷ đều mô phỏng cho một đàn tế của triều đình thu nhỏ. Dường như  qua những nghi thức lập đàn cầu đảo do triều đình tổ chức, gắn với việc vua tự chấn chỉnh những việc làm của mình, sau đó trời thường sẽ có mưa hoặc tạnh, mối liên hệ thần bí giữa vua và Trời càng được nhân lên. Trong các nghi thức ấy, thầy cúng (hoặc có khi là chính nhà vua) tế Trời như nghi thức bề tôi tế vua. Quan sát môt cuộc tế Phụng nghinh, nghi thức tế mở đầu ở đền Và sẽ thấy bóng dáng buổi chầu trong triều đình xưa vẫn còn in rất đậm. Kì tế Đại hội ở đình Nhật Tân năm 2005 vừa qua (được cho là tổ chức lớn nhất trong gần 100 năm trở lại đây) vẫn cho thấy, mọi nghi thức đều được tiến hành chậm rãi, trong hiệu lệnh điều khiển của đông và tây xướng. Lời văn cũng bằng chữ Nho. Tất cả nghiêm cẩn như một buổi thiết triều.

 

Trong dòng chảy chung của văn hoá, hiện tượng tiếp xúc và ảnh hưởng giữa các sinh hoạt tâm linh luôn được xem là tất yếu. Hiện tượng này, mặt nào có thể so sánh với dòng chảy của các con sông trên bề mặt châu thổ. Chúng đan xen vào nhau đến mức khó có thể nhận biết đâu là chặng khởi đầu. Tuy nhiên, bóc tách các lớp bồi tụ mới, sự phát hiện ra những dòng chảy chính sẽ mang lại sự hấp dẫn lí thú. Việc tìm hiểu mối quan hệ giữa tục thờ nước của người Việt ven sông Hồng vùng Hà Nội với các tín ngưỡng và tôn giáo khác một mặt khẳng định sức trường tồn của một sinh hoạt tâm linh điển hình vùng châu thổ này nhưng hơn hết là nhận thấy sự uyển chuyển linh hoạt trong quá trình dung hội các tôn giáo và tín ngưỡng của người Việt. Đặc tính uyển chuyển linh hoạt, lưu động như nước đó của dân tộc đã được cố Giáo sư Cao Xuân Huy xem là nguyên nhân để thắng được cái sức đồng hoá kinh khủng của một dân tộc khổng lồ(8).

 

Chú thích

(1) Jean Chevalier & Alain Gheerbrant (chủ biên  1997). Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới. Bản dịch của Phạm Vĩnh Cư chủ biên, Nxb. Đà Nẵng, tr.710

(2) Tạ Chí Đại Trường (1989). Thần, người và đất Việt. Văn nghệ, California, tr. 3-10.

(3) Jean Chevalier & Alain Gheerbrant (chủ biên  1997), sđd, tr. 769.

(4) Jean Chevalier & Alain Gheerbrant (chủ biên  1997), sđd, tr. 763.

(5) Liêu Minh Quân (2000), Tộc người Choang với tục sùng bái nước và năng lực phồn thực của nước. Bản dịch của Kiều Thu Hoạch. Tạp chí Văn hoá dân gian, số  2, tr. 85-93.

(6) E.P. Maspero (1964). Lễ thức nông nghiệp của người Cămpuchia. Paris Mouton & Co La Haye (3 tập) . Bản tiếng Pháp.

(7) Tạ Chí Đại Trường, sđd, tr. 19.Cao Xuân Huy (1995), Tư tưởng phương Đông, gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học, tr. 363

Nguồn: hoidantochoc.org.vn (12/05/06)

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020