Nghiên cứu khoa học

NGHIÊN CỨU ĐỜI SỐNG DÂN GIAN


10-10-2020

Nghiên cứu về đời sống dân gian có lịch sử khá lâu đời, chịu ảnh hưởng sâu sắc của các lý thuyết lịch sử, xã hội và văn hóa của mỗi quốc gia. Phương pháp tiếp cận nghiên cứu của ngành học này có những biến đổi gắn với tư tưởng chính trị, sự phức tạp trong bối cảnh văn hóa như: nhận diện các hình thức riêng biệt của văn hóa dựa trên cơ sở chủ nghĩa dân tộc châu Âu nhằm đề cao bản sắc dân tộc, nghiên cứu khu vực văn hóa như là trung tâm của hành động phân loại các yếu tố văn hóa vật chất của vùng, nghiên cứu có tính lịch sử song song với nghiên cứu đời sống dân gian trong các phạm vi biến đổi của văn hóa đương đại (bao gồm đời sống thành thị, những động lực của các tầng lớp xã hội và sự biến đổi văn hóa do quá trình nhập cư và di cư)…

1. Khái niệm đời sống dân gian

Khái niệm đời sống dân gian khá phức tạp. Nhiều quan điểm cho rằng, “đời sống dân gian là một thuật ngữ thường miêu tả văn hóa mà không phải là sự hiện đại. Vì đời sống dân gian luôn luôn thay đổi và phát triển ở bề mặt của tính chất hiện đại, mỗi cuộc cách mạng công nghệ mới sinh ra những hình thức mới của đời sống dân gian ở từng khu vực” (1). Dưới ảnh hưởng của hiện đại hóa, các khái niệm về đời sống dân gian đã có thêm những nội dung và khuôn khổ mới trong tầm nhìn khu vực. Bên cạnh đó, việc sử dụng văn hóa vùng ở châu Âu và Mỹ đã tạo ra bản sắc quốc gia, đó chính là yếu tố chi phối không ít đến khái niệm đời sống dân gian.

Theo cách hiểu đơn giản nhất, đời sống dân gian là truyền thống sinh hoạt đang được thực hiện và thông qua bằng lời nói, sự bắt chước và quan sát theo thời gian, không gian trong các nhóm, chẳng hạn như gia đình, dân tộc, giai cấp xã hội, khu vực và những cộng đồng khác. Tất cả mọi người và mỗi cộng đồng đều có đời sống dân gian (2).

Ở một quan niệm khác, đời sống dân gian là toàn thể cách sống của cộng đồng, “bao gồm những đồ vật nhân tạo, nghệ thuật, thủ công, kiến trúc, tín ngưỡng, phong tục tập quán, phong cách ẩm thực, trang phục, truyện kể, vũ điệu và bài hát cùng những biểu cảm văn hóa khác” (3). Các học giả Hoa Kỳ cho rằng, văn hóa được phân chiathành ba loại: tinh hoa, đại chúng, dân gian... Văn hóa dân gian, được học bằng cách truyền miệng, quan sát, bắt chước và thực hành trong môi trường phi chính thức như các gia đình, câu lạc bộ, hoặc một nhóm đồng đẳng (4). Theo quan điểm này, đời sống dân gian là một khái niệm có ý nghĩa rộng mở, đôi khi thay thế cho văn hóa dân gian. Thuật ngữ này được các học giả nghiên cứu văn hóa dân gian như Don Yoder, Warren Robert (Hoa Kỳ) sử dụng từ những năm 1950. Các học giả sử dụng thuật ngữ đời sống dân gian nhằm tiếp cận sâu hơn các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày.

         2. Nghiên cứu đời sống dân gian

Nghiên cứu đời sống dân gian “dùng để chỉ một ngành học hay hoạt động học thuật và sự nhạy cảm của nó đối với việc đánh giá văn hóa của cuộc sống thường nhật ở các xã hội phức tạp… Đời sống dân gian đặc biệt nhấn mạnh tới sự cần thiết phải hướng các chú ý học thuật vào tất cả các nền văn hóa trong phạm vi bối cảnh địa phương” (5). Qua nghiên cứu, các giá trị văn hóa của nhân loại được tìm hiểu, lưu giữ, bảo tồn và khai thác hiệu quả hơn, từ đó góp phần duy trì bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi cộng đồng.

Tại châu Âu, đặc biệt là Anh, Ireland và các quốc gia vùng Scandinavia, nghiên cứu đời sống dân gian được gọi là dân tộc học châu Âu, chủ yếu được thực hiện bởi các bảo tàng dân gian. Nền tảng cơ bản của ngành nghiên cứu đời sống dân gian ở châu Âu là mối quan tâm của các tầng lớp xã hội với các cổ vật, đồ quý hiếm liên quan đến giá trị chính trị và kinh tế. Những tư liệu minh chứng cho điều này được thể hiện qua Truyện kể về người Đan Mạch (TK XIII)Lịch sử các dân tộc phương Bắc (Thụy Điển, TK XVI)… Những tư liệu này đánh dấu việc ghi chép văn hóa khu vực trong lịch sử và đương đại, với ý tưởng rằng phong tục đặc biệt có ý nghĩa với môi trường và đời sống vật chất (6).

Nghiên cứu đời sống dân gian ở châu Âu bị chi phối bởi chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa dân tộc. Bên cạnh đó, nghiên cứu đời sống dân gian ở một số quốc gia châu Âu đầu TK XX chịu ảnh hưởng của các lý thuyết về lịch sử và văn hóa, cụ thể là sự biến đổi văn hóa trong bối cảnh mới, nhấn mạnh việc diễn giải hoạt động và lan truyền văn hóa, hình thành các bản đồ văn hóa – “một dấu xác nhận tiêu chuẩn cho phương pháp luận đời sống dân gian châu Âu” (7).

Nghiên cứu đời sống dân gian ở châu Âu đầu TK XX chịu ảnh hưởng của ngành dân tộc học. Sau thế chiến lần thứ hai, dưới ảnh hưởng của thuyết chức năng, các học giả nghiên cứu về đời sống dân gian đã chuyển mối quan tâm sang bối cảnh văn hóa phức tạp. Trong giai đoạn hiện nay, một số nhà nghiên cứu người Đức đã cho rằng, đây là một ngành học nghiên cứu sự phong phú các truyền thống, đặc biệt là các vấn đề đương đại như tác động của phương tiện truyền thông đại chúng, tính xác thực và việc diễn giải truyền thống, du lịch, tộc người và văn hóa của cuộc sống hàng ngày.

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu Anh, Mỹ, có sự phân biệt giữa đời sống dân gian và văn hóa dân gian. Nếu như văn hóa dân gian chú trọng việc nghiên cứu các hình thức truyền khẩu, nhất là truyện kể và bài hát, trong khi việc nghiên cứu văn hóa vật chất bị gạt ra ngoài mối quan tâm của học thuật thì đời sống dân gian tập trung vào các truyền thống phong phú của văn hóa vật chất, tín ngưỡng tôn giáo, y học, phong tục, lễ hội, thực phẩm, trang phục…

Tiêu biểu cho sự khởi đầu nghiên cứu đời sống dân gian ở Mỹ là Don Yoder (1921 - 2015) và Alfred L. Shoemaker (1913 - ?). Với quan điểm của mình, các học giả đã bổ sung những chiều cạnh mới cho nghiên cứu lịch sử của Mỹ và bảo tồn di sản bản địa (8). Cách tiếp cận này mang tính chất dân tộc học lịch sử và đương đại Mỹ.

Thuật ngữ đời sống dân gian phổ biến trong nghiên cứu các lễ hội đời sống dân gian ở Mỹ, với âm nhạc, múa, kể chuyện, hàng thủ công, trang phục, chế biến thức ăn, nghi lễ vòng đời và kỹ năng nghề nghiệp... Đời sống dân gian cũng bao gồm việc nghiên cứu hệ thống các niềm tin, tôn giáo, y học và tín ngưỡng dân gian. “Sự chú trọng của đời sống dân gian Mỹ vào tất cả các yếu tố của văn hóa và môi trường bản địa với tư cách là chiếc chìa khóa giúp hiểu được bức tranh tổng thể của nền văn minh Mỹ đã tác động đến việc nghiên cứu về địa lý, lịch sử nghệ thuật, lịch sử, bảo tàng nhân học, tôn giáo, bảo tồn lịch sử và nghiên cứu Mỹ” (9).

Hiện nay, trên thế giới, việc nghiên cứu đời sống dân gian khá phổ biến. Các hoạt động nghiên cứu này được tiến hành thông qua các viện nghiên cứu, trường đại học, bảo tàng. Ấn phẩm của các công trình nghiên cứu được giới thiệu trên nhiều sách tham khảo, bài giảng và các tạp chí chuyên ngành. Bên cạnh đó phải kể đến sự ra đời của các hiệp hội, các câu lạc bộ, các tổ chức tình nguyện. Ngoài các ấn phẩm được xuất bản, điểm mạnh của đời sống dân gian là các cuộc trình diễn giới thiệu các di sản văn hóa do chính chủ thể văn hóa đảm nhiệm.

         Nghiên cứu đời sống dân gian ở Việt Nam

 

Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, chữ viết, kiến trúc, ẩm thực, trang phục, các ngành nghề thủ công, ca dao, tục ngữ… đã xuất hiện từ những năm đầu TK XX. Tuy các học giả không sử dụng thuật ngữ đời sống dân gian như phương Tây và Mỹ, nhưng đối tượng, nội dung nghiên cứu của các công trình này vẫn chính là những thể loại của đời sống dân gian.

Các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian ra đời, cung cấp nhiều tư liệu quý về phong tục tập quán người Việt Nam xưa gắn với đời sống văn hóa làng xã nông nghiệp lúa nước, nhiều tập tục đã mai một qua thời gian nhưng cũng nhiều lễ tục được thay đổi, tiếp biến để phù hợp với bối cảnh đời sống hiện đại. Việc thờ cúng tổ tiên, lễ tết, hội hè, cầu an, học hành thi cử, luật tục tang ma, cưới hỏi cho đến bài bạc, bói toán… được mô tả đơn giản, dễ hiểu trong An Nam phong tục sách và Tiểu học bản quốc phong tục sách của tác giả Mai Viên Đoàn Triển. Bên cạnh đó, không thể không kể đến Phan Kế Bính với tác phẩm biên khảo Việt Nam phong tục viết năm 1915, ông đã tìm hiểu và ghi chép các hình thức đời sống dân gian theo quan niệm của phương Tây và Mỹ. Đây là công trình nghiên cứu nghiêm túc, có tính phản biện về thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Một dấu mốc trong việc nghiên cứu các khía cạnh đời sống dân gian ở Việt Nam phải kể đến 2 học giả Đào Duy Anh và Nguyễn Văn Huyên. Đào Duy Anh với tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương đã bao quát các khía cạnh sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội và tri thức trên cơ sở quan niệm văn hóa là sinh hoạt. Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến sự biến đổi của văn hóa Việt Nam trong quá trình Âu hóa với những xu hướng của các giá trị văn hóa cũ và mới. Việt Nam văn hóa sử cương được đánh giá là một trong những công trình đặt nền tảng cho sự hình thành ngành văn hóa học Việt Nam hiện đại. Còn tác giả Nguyễn Văn Huyên, ông đã sử dụng phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận theo hướng nhân học, nêu ra các đặc trưng về tinh thần dân tộc Việt Nam từ các nghiên cứu trường hợp lễ hội truyền thống, kiến trúc, cấu trúc giai tầng trong xã hội…

Từ những năm cuối TK XX đến nay, ở nước ta có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán, kiến trúc, ẩm thực, trang phục, văn học dân gian, nghề thủ công truyền thống… của các dân tộc Việt Nam từ Bắc đến Nam. Nhiều viện nghiên cứu, hiệp hội, trường học… liên quan đến nghiên cứu văn hóa được thành lập. Rõ ràng, các đối tượng nghiên cứu, nội dung nghiên cứu về các khía cạnh của đời sống dân gian không xa lạ với các học giả Việt Nam, tuy nhiên thuật ngữ này không được sử dụng phổ biến.

Đời sống dân gian là một ngành khoa học độc lập, khi nhìn nhận đời sống dân gian không phải là hỗn hợp của những ngành khác nhau liên quan đến nghiên cứu văn hóa khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế, đời sống dân gian không trở thành một ngành khoa học độc lập về lý thuyết. Việc nghiên cứu đời sống dân gian dựa vào một số ngành khoa học như: nghiên cứu văn hóa, dân tộc học/nhân học, địa lý học, ngôn ngữ học, khoa học lịch sử, âm nhạc học, xã hội học, văn học… Từ những năm giữa TK XX đến nay, nhận thức về đời sống dân gian đã được đẩy mạnh trên cơ sở biến đổi của xã hội và nhu cầu gìn giữ các giá trị cuộc sống. Đời sống dân gian cùng các giá trị truyền thống không bất biến mà luôn được điều chỉnh để tồn tại với sự biến đổi của xã hội, để giải quyết các cuộc khủng hoảng văn hóa, xã hội và sinh học. Truyền thống được dung hòa trong tương quan giữa quá khứ và hiện tại, giữa cũ và mới.

Hơn một thế kỷ qua, đời sống dân gian đã phản ánh sự thay đổi các xu hướng văn hóa, chính trị, kinh tế và đến nay, vấn đề nổi bật trong nghiên cứu đời sống dân gian là các sáng tạo nhấn mạnh kế hoạch văn hóa và biểu đạt văn hóa trong các cộng đồng đương đại. Kết thúc bài viết này, tôi xin trích dẫn câu nói của các học giả ở Trung tâm Nghiên cứu Đời sống dân gian Louisiana, Hoa Kỳ về đời sống dân gian: “Giống như cá không biết gì về nước, con người đôi khi gặp khó khăn trong việc xác định đời sống dân gian bởi vì họ đang đắm mình trong đó” (10).

_______________

1. Mary Hufford, Folklore and Folklife, University of Pennsylvania, USA, 2000, tr.843.

2. Paddy Bowman, Sylvia Bienvenu, Maida Owens, What is Folklife and why study it?, Louisiana Voices Educator’s Guide, USA, 2005, tr.5.

3, 5, 6, 7, 8, 9. Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan chủ biên, Folklore – Một số thuật ngữ đương đại, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005, tr.93,92,93, 96,100,100-101.

4. Louisiana Folklife Center, The program in Folklore Studies, University of Louisiana, USA, 2012, tr.4.

10. Louisiana Folklife Center, The program in Folklore Studies, University of Louisiana, USA, 2012, tr.1.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 379, tháng 1-2016

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020