Nghiên cứu khoa học

Nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh


10-10-2020

1.Việc nghiên cứu nghĩa của tục ngữ và nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh tại Việt Nam

Tục ngữ là một trong những đối tượng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Theo thống kê, có khoảng 249 công trình nghiên cứu về tục ngữ Việt Nam ra đời từ 1975 đến 2010[1]. Phân loại theo phương thức tiếp cận, tục ngữ đã được soi chiếu dưới cái nhìn của nhiều ngành khoa học: xã hội học, ngữ văn học, ngôn ngữ học, lịch sử học, địa lý học, triết học, folklore học… Các hướng tiếp cận này, nhìn chung nghiên cứu tục ngữ và vấn đề nghĩa của tục ngữ ở hai dạng thức: tĩnh (trên văn bản) và động (trong thực tế sử dụng). Trong đó, chiếm đa số vẫn là nghiên cứu nghĩa của tục ngữ trong trạng thái tĩnh tại, tức trên văn bản, tiêu biểu như: Chu Xuân Diên và công trình Tục ngữ Việt Nam (1975), Hoàng Tiến Tựu và Văn học dân gian Việt Nam (1998), Phan Thị Đào và Tìm hiểu thi pháp tục ngữ Việt Nam (2001), Triều Nguyên và Khảo luận về tục ngữ người Việt (2006), Nguyễn Đức Dân và bài viết “Đạo lý trong tục ngữ” (1987)… Các công trình này đặt ra vấn đề các loại nghĩa của tục ngữ: nghĩa đen, nghĩa bóng; nghĩa cụ thể, nghĩa khái quát, nghĩa tượng trưng… Đặt vấn đề nghiên cứu nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh sử dụng, cho đến nay chỉ thấy ở hai nhà nghiên cứu: Nguyễn Xuân Đức với ba bài báo: “Về nghĩa của tục ngữ” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, năm 2000), “Về tính nhiều nghĩa của tục ngữ” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, năm 2002), “Trở lại vấn đề tính một nghĩa trong phát ngôn của tục ngữ” (Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5, năm 2003); trong đó quan điểm cơ bản của tác giả là: “Không nên nói tục ngữ có nhiều nghĩa, lại càng không nên nói tục ngữ là đa nghĩa”, “tục ngữ xét trên văn bản có từ một đến hai nghĩa nhưng xét trong môi trường ứng dụng, tức là môi trường lưu truyền và tồn tại đích thực thì với mỗi lần phát ngôn chỉ có một nghĩa (có thể là nghĩa đen hay nghĩa bóng), tức là nghĩa đang được ứng dụng theo mục đích phát ngôn”[2]. Nếu như Nguyễn Xuân Đức dừng lại ở việc đặt vấn đề về mặt lí thuyết thì Nguyễn Văn Nở trong công trình Biểu trưng trong tục ngữ người Việt (2010) tiến hành khảo sát cách tục ngữ được vận dụng trong ngữ cảnh trên hai phương diện: hình thức và nghĩa biểu trưng. Về hình thức, bên cạnh phần lớn được sử dụng nguyên dạng, nhiều câu tục ngữ được cải biến, bao hàm cải biến về ngữ âm, từ vựng và cấu trúc. Về nghĩa biểu trưng, tác giả so sánh sự dị biệt giữa biểu trưng của văn bản tục ngữ với biểu trưng của tục ngữ trong ngữ cảnh, để đi đến kết luận về khả năng mở rộng nghĩa của tục ngữ cũng như nghĩa biểu trưng tiềm tàng của nó.

Các cứ liệu ngữ cảnh được Nguyễn Văn Nở rút tách từ nhiều văn bản thuộc nhiều phong cách ngôn ngữ khác nhau: phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (qua đối thoại của các nhân vật trong các tác phẩm văn chương), phong cách ngôn ngữ chính luận, báo chí, khoa học.

Khái niệm “context” (bối cảnh) có nhiều cách hiểu, tùy thuộc vào tình huống sử dụng. Có những cách hiểu rất rộng như: bối cảnh lịch sử, bối cảnh xã hội, bối cảnh văn hóa… Lại có những cách hiểu rất hẹp như “một trích đoạn văn bản có chứa đơn vị được xác định để phân tích[3]. L.T. Helen trong tác phẩm Language and Context: A Functional linguistic theory register đã tổng kết lại ba mức độ bối cảnh, đó là bối cảnh văn hóa (Context of Culture), bối cảnh tình huống (Context of Situation) và bối cảnh văn bản (Textual Context)[4]. Như vậy “context” mà Nguyễn Văn Nở nghiên cứu thuộc cấp độ hẹp nhất của bối cảnh, tức “bối cảnh văn bản” hay “ngữ cảnh”/“văn cảnh”[5].

Ở đây, chúng tôi đề xuất hướng nghiên cứu nghĩa của tục ngữ trong một bối cảnh rộng hơn là “bối cảnh tình huống”. Theo đó, “bối cảnh” sẽ là tình huống mà một cá nhân hay nhóm người rơi vào, từ đó nảy sinh những giao tiếp có sử dụng tục ngữ. Nghiên cứu bối cảnh tình huống cho phép chúng ta thấy một đơn vị folklore nói riêng và một đơn vị tục ngữ đã sống đời sống thực sự của mình như thế nào. Đây cũng là quan điểm cơ bản của trào lưu “bối cảnh” - một khuynh hướng nghiên cứu nổi lên tại Hoa Kì vào những năm cuối TK20 - đặt trọng tâm nghiên cứu đến môi trường hoạt động của folklore, nhằm thiết lập lại sự cân bằng trong truyền thống nghiên cứu folklore vốn đặt nặng vấn đề văn bản[6].  

2.Công thức xác định nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh của Barbara Kirshenblatt-Gimblett

Barbara Kirshenblatt-Gimblett sinh năm 1942, là giáo sư nghiên cứu trình diễn tại đại học New York từ năm 1981 đến nay. Bà nổi tiếng với những nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, bao gồm các nghiên cứu liên quan đến người Do Thái, cũng như lí thuyết và lịch sử về bảo tàng, du lịch và vấn đề di sản. Bà nhận bằng tiến sĩ về folklore học tại đại học Indiana năm 1972; từng là chủ tịch Hội Folklore học Hoa Kì (the American Folklore Society - AFS) từ năm 1988 đến 1992. Bà nằm ban biên tập của rất nhiều tạp chí về nghiên cứu di sản, bảo tàng, nhân học, văn hóa, người Do Thái, v.v.., trong đó có các tạp chí về folklore học như Journal of Folklore ResearchText and Performance: A Journal of Performance StudiesJewish Folklore and Ethnography…

Là một người chia sẻ quan điểm của trường phái “bối cảnh”, Kirshenblatt-Gimblett có một số bài viết nghiên cứu trên lập trường của hướng tiếp cận này, chẳng hạn như “Truyện ngụ ngôn trong bối cảnh: Một phân tích có tính tương tác xã hội về diễn xướng kể chuyện”[7]tham dự hội thảo do AFS tổ chức vào năm 1969 tên gọi Folklore và Giao tiếp. Liên quan đến nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh, bà có một bài viết rất đáng lưu ý - “Hướng tới một lí thuyết về nghĩa của tục ngữ” (Toward a Theory of Proverb Meaning)[8]. Theo Kirshenblatt-Gimblett, khi nhắc đến nghĩa của tục ngữ, chúng ta cần phân biệt hai loại, hay chính xác hơn là hai cấp độ nghĩa:

- Thứ nhất là nghĩa cơ bản (base meaning). Một câu tục ngữ có thể có nhiều nghĩa cơ bản (multiple base meanings). Nghĩa cơ bản này có thể được xác định bởi các yếu tố: (1) Đối tượng ẩn dụ của câu tục ngữ là gì? (2) Tư tưởng cơ bản của ẩn dụ là gì? (3) Đánh giá tư tưởng cơ bản ấy như thế nào (tích cực hay tiêu cực)? (4) Nếu cú pháp mơ hồ thì hiểu như thế nào? (5) Nếu từ vựng mơ hồ thì hiểu như thế nào? (6) Các “chìa khóa” khác (nghiêm túc, châm biếm, v.v.).

Để minh họa, Barbara đã dẫn chứng bằng hai câu tục ngữ: “A rolling stone gathers no moss” (Hòn đá lăn thì không bám rêu) và “A friend in need is a friend indeed (in deed)” (Một người bạn lúc cần là một người bạn thật sự/ Một người bạn khi cần là một người bạn giúp đỡ ta bằng những hành động cụ thể). Khi được đề nghị giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ thứ nhất, 80 sinh viên Texas đã trả lời theo ba hướng sau: (1) Hòn đá lăn không bám rêu giống như cái máy chạy liên tục sẽ không bao giờ han rỉ và hư hỏng; (2) Hòn đá lăn giống như người thường xuyên di chuyển, không bao giờ sống cố định ở một chỗ, và vì vậy không bao giờ đạt được gì cả; (3) Hòn đá lăn giống như ngưởi thường xuyên di chuyển và vì vậy mà tự do, không phải mang gánh nặng gia đình và tài sản, và không bị rơi vào một cuộc sống buồn tẻ, nhàm chán. Như vậy tính đa nghĩa của câu tục ngữ được hình thành từ việc (1) Hiểu đối tượng ẩn dụ của câu tục ngữ (hòn đá lăn) là gì? (cái máy chạy liên tục/ người thường xuyên di chuyển, v.v.); Hiểu tư tưởng cơ bản của câu tục ngữ như thế nào? (sự vận động tạo nên thành tựu hay sự vững chắc tạo nên thành tựu?); Đánh giá tư tưởng đó như thế nào? (thành tựu về vật chất, về đời sống tình cảm là tốt hay sự tự do là tốt?).

- Thứ hai là nghĩa sử dụng (Performance Meaning). Nghĩa cơ bản chỉ là một trong ba nguồn hình thành nên nghĩa sử dụng. Hai nguồn còn lại là sự đánh giá tình huống và chiến lược giao tiếp của người sử dụng tục ngữ.

 

Nghĩa sử dụng của tục ngữ

(Proverb Performance Meaning)

= Đánh giá tình huống của người tham dự

+ Cách người tham dự hiểu nghĩa cơ bản  của câu tục ngữ (Proverb’s Base Meaning)

+ Chiếc lược giao tiếp của người sử dụng tục ngữ

Barbara đã minh họa cho nghĩa sử dụng này bằng việc liệt kê 8 khả năng sử dụng trong thực tế của câu tục ngữ “Money talks” (Đồng tiền nói chuyện). Trong 8 khả năng này, nghĩa cơ bản (base meaning) của câu tục ngữ không thay đổi, trong khi đó những nhân tố của giao tiếp (tức tình huống, đánh giá tình huống, chiến lược giao tiếp của người nói) thì rất đa dạng. Sau đây là 3 trong số 8 tình huống.

Tình huống thứ nhất: John buồn phiền vì thất bại khi xin việc. Anh kể với bạn mình là Harry rằng ngay cả hợp đồng béo bở do bố anh đề xuất với công ty cũng không thuyết phục được người lãnh đạo công ty tiếp nhận anh. Tiền không thuyết phục và không có cơ sở để thuyết phục rằng nó thuyết phục được.

Tình huống thứ tư: John nhận được việc làm nhờ vào chính năng lực của anh ta, không phụ thuộc vào việc bố anh đã mang đến cho công ty một hợp đồng béo bở. Harry không chịu thừa nhận rằng John có năng lực hơn mình mà tin rằng hợp đồng đó chính là lý do John nhận được việc làm. Tuy nhiên, bởi vì bây giờ John đã có một vị thế có thể giúp Harry vào làm ở công ty, nên Harry không phát biểu ý nghĩ của mình để tránh chọc tức John. Tiền không tự nói và ngay cả nếu như có một đương sự nghĩ rằng tiền có nói, thì khẳng định điều đó chẳng phải là điều quan tâm của anh ta.

Tình huống thứ sáu: John được nhận vào làm việc là nhờ có hợp đồng của bố anh. Song anh lại nghĩ rằng anh được nhận vào làm việc là do khả năng của chính anh. Harry bạn anh cũng được đào tạo tốt, và cố gắng để được nhận vào cùng chỗ làm, đã thất vọng vì thất bại. John an ủi Harry rằng sự thất bại của anh không phải do năng lực của anh mà là do hoàn cảnh. Khi an ủi Harry, John cố gắng liên hệ thành công của anh với tiền bạc. Anh nói: “Đồng tiền nói chuyện” (Money talks). John không nghĩ rằng đồng tiền nói chuyện, nhưng anh nói vậy để an ủi Harry.

Trong cả 8 thí dụ được tác giả dẫn ra, nghĩa cơ bản (base meaning) của câu tục ngữ tương đối ổn định (bất biến): “Nếu anh cho ai tiền, người đó sẽ cố gắng thỏa mãn ý muốn của anh”. Những dị bản có thể là (a) Tiền bạc trong thực tế có mang lại hiệu quả hay không? (b) Có ít nhất một trong số những người tham gia giao tiếp nghĩ như thế hay không? (c) Sự khẳng định câu tục ngữ có phù hợp với mục đích mà người tham gia giao tiếp mong muốn đạt tới hay không? Ba dị bản trông có vẻ độc lập với nhau đó có thể được phối hợp với nhau thành tám cách, theo bảng dưới đây:

 

 

Thực tế, tiền bạc có hiệu quả tích cực

Người sử dụng câu tục ngữ nghĩ rằng tiền bạc có hiệu quả tích cực

Đối với người sử dụng câu tục ngữ, sẽ có lợi khi khẳng định tiền bạc có hiệu quả tích cực

Thí dụ 1

-

-

-

Thí dụ 2

-

-

+

Thí dụ 3

-

+

+

Thí dụ 4

-

+

-

Thí dụ 5

+

+

+

Thí dụ 6

+

+

-

Thí dụ 7

+

-

-

Thí dụ 8

+

-

+

Qua bảng trên, chúng ta có thể thấy rằng câu tục ngữ có thể được sử dụng hoặc không được sử dụng, bất chấp việc tiền có thật sự có hiệu quả hay không và bất chấp việc người tham gia giao tiếp có nghĩ rằng như vậy hay không. Sự sử dụng đa dạng và nghĩa mang tính tình huống xã hội của câu tục ngữ, như ví dụ trên, không phải là do sự mơ hồ trong ẩn dụ của câu tục ngữ, hay do nghĩa cơ bản đa dạng, mà do sự hội tụ của những tình huống xã hội đa dạng, sự đánh giá tình huống của người tham dự và chiến lược giao tiếp. Ba nhân tố này (đánh giá tình huống của người tham dự, cách hiểu của người tham dự về nghĩa cơ bản của câu tục ngữ và chiến lược giao tiếp) phối hợp với nhau mới tạo nên nghĩa sử dụng của tục ngữ (Proverb Performance Meaning).

Từ đó, Kirshenblatt-Gimblett nhấn mạnh, cái chính mà chúng ta cần quan tâm không phải là nghĩa tự thân (hay nghĩa cơ bản) của tục ngữ, mà là nghĩa sử dụng của nó. Bởi vì trong cuộc sống hàng ngày, nghĩa của tục ngữ chỉ tồn tại dưới hình thức nghĩa sử dụng (Performance Meaning), hay còn gọi là nghĩa có tính tình huống xã hội (socially situated meaning) mà thôi. Việc tìm ra những nghĩa cơ bản của tục ngữ chỉ là bước đầu tiên, cung cấp cho người nghiên cứu những cơ sở để khảo sát khi nghĩa cơ bản được sử dụng trong đời sống xã hội thì nó sẽ được hiểu ra sao.

3.Thử vận dụng công thức xác định nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh của Barbara Kirshenblatt-Gimblett

Thử vận dụng mô hình trên của Barbara, chúng tôi dùng một trích đoạn đối thoại trong tiểu thuyết Đôi bạncủa Nhất Linh. Việc sử dụng các đối thoại trong tác phẩm văn học để nghiên cứu bối cảnh, theo chúng tôi là khả dĩ, với các lí do sau: Thứ nhất, tác phẩm văn học là sản phẩm của trí tưởng tượng nhà văn, nhưng nó vẫn là những “scene” (cảnh huống) của đời sống hằng ngày. Đối thoại trong tác phẩm văn học do nhà văn sáng tạo nên nhưng cũng dựa trên những trải nghiệm đời sống của chính nhà văn. Thứ hai, văn đối thoại là một dạng của lời văn nghệ thuật, để tạo nên lời văn đối thoại, nhà văn vận dụng toàn bộ khả năng và phương tiện của ngôn ngữ toàn dân. Thứ ba, theo Alan Dundes - một nhà nghiên cứu thuộc trường phái “bối cảnh” nêu trên - dù “tốt nhất là người sưu tầm nên tự mình quan sát bối cảnh các văn bản mình ghi”, nhưng ông cũng nhận xét: “Tuy nhiên trong thực tế thường có một bối cảnh giả tạo mà trong đó người cung cấp tài liệu nói chuyện với người sưu tầm… Như vậy nhà nghiên cứu folklore chuyên nghiệp có nhiệm vụ moi ra bối cảnh ở những trường hợp bối cảnh không được anh ta quan sát trực tiếp bằng kinh nghiệm. Một kỹ thuật tốt là yêu cầu người cung cấp tài liệu cấu thành một tình huống (LTTV nhấn mạnh) mà trong đó tục ngữ có thể được dẫn một cách thích hợp”[9]. Các trích đoạn trong tác phẩm văn học là những “tài liệu cấu thành tình huống” như vậy.

Trong tiểu thuyết Đôi bạn (Nhất Linh), có đoạn nói về việc nhân vật Trúc ra trước gương, khoác chiếc áo của nhân vật dũng Dũng, ngắm nghía rồi nói:

“- Vừa như in. Thế mới biết trời sinh voi trời sinh cỏ.”[10]

 Câu tục ngữ trên có nghĩa bóng thường được hiểu là: Tạo hóa đã tạo ra muôn vật trong cuộc đời thì tạo hóa phải tạo điều kiện cho nó được sống, trời không tuyệt đường sống với ai bao giờ. Tuy nhiên, trong bối cảnh vừa rồi, Trúc đã phát hiện ra một nét nghĩa mới: mọi vật tồn tại trong cuộc đời đều có lý do của nó, không có gì là thừa thãi, vô dụng; đồng thời, cụ thể hóa nó vào mối quan hệ của anh và Dũng qua lời giải thích kèm theo: “Tôi là voi mà anh là cỏ. Nếu trời không sinh tôi ra thì lấy ai mặc áo của anh. Thế cho nên tôi sinh ra không phải là một người thừa. Vả lại, Đức Khổng Tử có nói: “Nhân chi kỳ ý, bất nhi đắc kỳ hề”. Cũng là nói theo ý ấy vậy”[11].

Thì Proverb’s Base Meaning (Nghĩa cơ bản của tục ngữ theo cách hiểu của người nói) sẽ là: “mọi vật tồn tại trong cuộc đời đều có lý do của nó, không có gì là thừa thãi, vô dụng”. Đánh giá tình huống của người tham dự - tức nhận xét của Trúc về tình huống mà anh đang có mặt là: Trúc và Dũng đang ở trong phòng riêng của Dũng; Dũng đang cảm thấy khó chịu vì khi về nhà được người vú già báo lại là cha Dũng đang cho người đi tìm anh để sắp xếp chuyện cưới xin cho anh với một người con gái mà anh không yêu. Đứng trước tình huống đó, “chiến lược giao tiếp” hay mục đích giao tiếp mà Trúc muốn đạt được là phá vỡ bầu không khí nặng nề, xốc dậy tinh thần của người bạn thân, cho nên anh đã làm một hành động có vẻ như không liên quan gì là ướm thử chiếc áo, và giải thích hành động của mình bằng một câu tục ngữ theo một ý nghĩa hài hước nhưng không phải là không có lý. Cách giải thích của Trúc cũng ngầm ý thể hiện sự thân mật trong tình cảm đằm thắm giữa hai người: gắn bó, không thể không có nhau, không thể thiếu một trong hai người. Và Trúc đã thành công trong hoạt động giao tiếp này, đạt được mục đích giao tiếp của mình khi Dũng đã không thể nén cười trước cách nói năng hài hước của anh bạn thân, và gắt một cách thân mật: “Anh nói cái gì thế. Mau lên mà sang không đói lắm rồi và khẽ mồm chứ. Ông cụ biết tôi về thì đừng có hòng ăn ngon”[12]. Như vậy tổng hợp lại ba yếu tố: Cách hiểu của người tham dự về nghĩa cơ bản của câu tục ngữ, đánh giá tình huống và chiến lược giao tiếp của người tham dự, chúng ta sẽ có được nghĩa sử dụng của câu tục ngữ “Trời sinh voi trời sinh cỏ” trong bối cảnh này là: Trời sinh ra đôi bạn thân - tôi và anh - cũng như sinh ra voi và cỏ, chúng ta tồn tại cho nhau, gắn bó với nhau, không thể tách rời; và qua mối quan hệ này, chúng ta thấy cuộc đời vui tươi, có ý nghĩa, đáng sống.

4.Đôi điều nghĩ thêm 

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều từ điển tục ngữ xuất hiện, đi kèm với nó là những tranh luận về tính chính xác trong xác định tục ngữ vốn dễ bị lẫn lộn với thành ngữ, trong việc định nghĩa một câu tục ngữ…[13], thì nghiên cứu nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh cũng gợi nghĩ cho chúng tôi đến công việc của những nhà biên soạn từ điển tục ngữ. Hầu như trong các trường hợp, khâu cuối cùng của thao tác xác định nghĩa của một câu tục ngữ trong tư duy người nói luôn là cụ thể hóa câu tục ngữ vào tình huống của bản thân mình mà mình đang tham dự vào. Việc ghi nhận tất cả những nghĩa cụ thể của tục ngữ (hay nghĩa sử dụng của tục ngữ - Prover Performance Meaning - theo cách gọi của Barbara Kirshenblatt-Gimblett) là vượt quá khả năng của những người biên soạn từ điển và sự chi tiết quá mức đó cũng không thật sự cần thiết đối với một cuốn từ điển. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người biên soạn không tham khảo các tình huống đời sống có sử dụng tục ngữ, không đọc trong các tài liệu, tác phẩm văn học để tìm hiểu sự sử dụng thực tế của tục ngữ. Nguồn tư liệu này sẽ giúp người biên soạn ghi nhận nghĩa của tục ngữ trong những trường hợp mà người sử dụng mở rộng nghĩa của tục ngữ theo cách hiểu của riêng mình, như nhân vật Trúc hiểu câu “trời sinh voi trời sinh cỏ” trong ví dụ trên. Không cần phải làm việc đến khâu nghĩa sử dụng/ sự cụ thể hóa nghĩa, công việc của người biên soạn từ điển tục ngữ phải đạt được dừng lại ở việc ghi nhận nghĩa cơ bản (base meaning) càng nhiều càng tốt. Base meaning này được xác định bởi 6 yếu tố như đã trình bày ở trên: (1) Đối tượng ẩn dụ của câu tục ngữ là gì? (2) Tư tưởng cơ bản của ẩn dụ là gì? (3) Đánh giá tư tưởng ấy như thế nào (tích cực hay tiêu cực)? (4) Nếu cú pháp mơ hồ thì hiểu như thế nào? (4) Nếu từ vựng mơ hồ thì hiểu như thế nào? (6) Các “chìa khóa” khác (nghiêm túc, châm biếm…). “Base meaning” chính là cách diễn đạt bao quát của nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa khái quát, nghĩa tượng trưng.

Chẳng hạn như với câu tục ngữ “Hoa thơm ai chẳng muốn vin”, chỉ cần xác định nghĩa cơ bản một cách khái quát là “Những người có phẩm chất đặc biệt, tốt, quý thì ai cũng muốn gần gũi”, dựa trên cách hiểu “hoa thơm” ẩn dụ cho “những người có phẩm chất đặc biệt, tốt, quý”, “vin” ẩn dụ cho sự “gần gũi”. Khi cần nghiên cứu nghĩa sử dụng của câu tục ngữ, chúng ta sẽ áp dụng mô hình của Barbara Kirshenblatt-Gimblett để chỉ ra trong tình huống sử dụng cụ thể, câu tục ngữ mang ý nghĩa gì. Ví dụ, lời nói của ông chủ quán trọ trong tiểu thuyết Lều chõng (Ngô Tất Tố) kể với khách về việc có một cậu học trò trêu ghẹo một cô hàng xén xinh đẹp bị hai cha con cô ấy sỉ vả giữa phố:

“Đến trưa hôm nay, có ông học trò vào hàng hỏi mua giấy bút. - Cứ nhiều người nói lại là ông đó hãy còn trẻ tuổi, chưa rõ quê quán ở đâu, cũng là số người hỏng kỳ đệ tam và còn ở đây chờ bảng tú tài - Trong khi mặc cả, ông này có nói bông đùa sao đó. Cái đó kể ra cũng là sự thường. Bởi vì “hoa thơm ai chẳng muốn vin”, có phải thế không, thưa các ngài”[14].

Trong tình huống trên, nghĩa sử dụng của câu tục ngữ theo mô hình của Kirshenblatt-Gimblett sẽ là: “Người con gái đẹp thì ai cũng muốn trêu ghẹo”.

Hay như với câu tục ngữ “Bụt chùa nhà không thiêng”, trong một cuốn từ điển tục ngữ, chúng ta chỉ cần ghi nhận nghĩa cơ bản một cách khái quát là: “Người tuy cao quý như gần gũi quá thì thường không có ảnh hưởng/ tác dụng đến người khác”. Trong tiểu thuyết Sống nhờ (Mạnh Phú Tư), đó là câu tục ngữ mà người cậu nói với mợ khi thấy mợ nấu cơm cho đứa cháu ăn khi đứa cháu đi chơi về muộn giờ cơm: “Gạo đâu mà lắm thế. Kệ đời nhà nó. Nó về với bà nội nó. Rõ chỉ bụt chùa nhà không thiêng[15]. Khi nghiên cứu trong tình huống này, nghĩa sử dụng của câu tục ngữ là: “Bà nội không nuôi nổi cháu nội mà phải để cháu nội sang ở nhờ nhà ngoại”.

Tục ngữ là một vấn đề văn hóa đa diện, đa dạng, vì vậy vấn đề nghĩa của tục ngữ đã được lí giải dưới nhiều góc nhìn, đặc biệt là góc nhìn của ngôn ngữ học. Bài viết trên khởi đi từ một góc nhìn khác - góc nhìn của các nhà folklore học, trên cơ sở hướng tiếp cận “bối cảnh” - một hướng nghiên cứu rất thịnh hành ở Hoa Kỳ những năm cuối TK20. Công thức xác định nghĩa của tục ngữ trong bối cảnh của Barbara Kirshenblatt-Gimblett là một công thức gọn ghẽ, dễ thao tác, và ưu điểm lớn nhất của nó là cho chúng ta thấy được vai trò của bối cảnh, môi trường hoạt động và các nhân tố tham gia giao tiếp đến việc xác định nghĩa của tục ngữ. Qua đó, việc nghiên cứu folklore ngày càng chạm gần hơn đến đối tượng đích thực của nó.  

..................................................................................................................................................................

[1]Phan Thị Phương Thảo (2010), Tìm hiểu những công trình nghiên cứu về tục ngữ Việt Nam từ 1975 đến nay, Luận văn Thạc sĩ Văn học, trường ĐH Sư phạm TP. HCM.

[2]Nguyễn Xuân Đức (2002), “Về nghĩa của tục ngữ”, tạp chí Văn hóa dân gian, H, số 4, tr.52.

[3]Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1996), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb. Giáo dục, H, tr.178.

[4]Dẫn lại theo Đỗ Thị Bích Lài, Ngữ cảnh, bối cảnh giao tiếp và vấn đề ngôi, số trong tiếng Việt (khảo sát qua lớp từ xưng hô), http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=441:ng-cnh-bi-cnh-giao-tip-va-vn-ngoi-s-trong-ting-vit-kho-sat-qua-lp-t-xng-ho&catid=71:ngon-ng-hc&Itemid=107

[5]Nguyễn Đức Dân, Chu Xuân Diên và các nhà nghiên cứu khác khi nghiên cứu về tục ngữ, chẳng hạn như phần tiểu luận cuốn Tục ngữ Việt Nam của Chu Xuân Diên, bài viết “Ngữ nghĩa thành ngữ và tục ngữ - sự vận dụng”  của Nguyễn Đức Dân cũng có trích dẫn các câu văn có sử dụng tục ngữ, chẳng hạn như các bài viết của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên sự quan tâm của các tác giả vẫn là bản thân câu tục ngữ. Câu tục ngữ là đối tượng của tác giả để nghiên cứu về vấn đề tục ngữ là một hiện tượng ý thức xã hội (Chu Xuân Diên); hay về nghĩa biểu trưng, về quy luật biến thể của tục ngữ (Nguyễn Đức Dân). Vì vậy đó vẫn là hướng tiếp cận trên phương diện văn bản.

[6]Xem thêm Lê Thị Thanh Vy (2011), “Hướng tiếp cận “bối cảnh” trong folklore học - một hướng tiếp cận liên ngành”, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số chuyên đề Bình luận văn học, tr.181-187.

[7]Bản dịch tiếng Việt trong: Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (chủ biên) (2005), Folklore thế giới - một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb Khoa học xã hội, H, tr.663-698.

[8]Kirshenblatt-Gimblett, Barbara (1994), “Toward a Theory of Proverb Meaning” (Hướng tới một lý thuyết về nghĩa của tục ngữ), in trong: Mieder, Wolfgang và Dundes, Alan (chủ biên), The wisdom of many: Essays on the Proverb (Trí khôn của nhiều người: Những tiểu luận về tục ngữ), University of Wisconsin Press, tr.111-121.

[9]Dundes, Alan (1964), “Texture, Text, anh Context” (Kết cấu, văn bản và bối cảnh), Southern Folklore Quaterly, số 28-1964. Bản dịch tiếng Việt trong: Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan (chủ biên) (2005), Folklore thế giới - một số công trình nghiên cứu cơ bản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.516.

[10]Nhất Linh (2009), Đôi bạn, Nxb Văn học, H, tr.60.

[11]Nhất Linh, sđd, tr.60. 

[12]Nhất Linh, sđd, tr.60.

[13]Chẳng hạn như cuốn Từ điển tục ngữ Việt của Nguyễn Đức Dương (Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2006) và bài tranh luận của Hoàng Tuấn Công “Ai làm hỏng “di sản tục ngữ”?” trên Tạp chí Văn hóa dân gian, số 4, tháng 8/2013.

[14]Ngô Tất Tố (2012), Lều chõng, Nxb. Văn học, H, tr.232.

[15]Mạnh Phú Tư (1983), Sống nhờ, Nxb. Văn học, H, tr.98.  

.....................

Nguồn: Tạp chí Văn học 

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020