Nghiên cứu khoa học

TÌM HIỂU KIỂU TRUYỆN SỰ TÍCH ĐỊA DANH TRONG TRUYỆN CỔ DÂN GIAN DÂN TỘC THÁI


10-10-2020

Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu: “Sự” có nghĩa là: việc, câu chuyện. “Tích” có nghĩa là: dấu chân, dấu vết hoặc những gì người xưa để lại. Từ đó, “sự tích” có thể hiểu là chuyện kể về nguồn gốc, vết tích xa xưa của sự vật, hiện tượng.

 Truyện kể sự tích thuộc về nhóm tự sự dân gian và có thể là truyện Thần thoại, Truyền thuyết hay Truyện cổ tích…tùy theo đặc điểm thi pháp của từng truyện. Nó hướng đến việc giải thích, cắt nghĩa nguồn gốc xuất hiện hay lý giải nguyên do về một đặc điểm nào đó của sự vật, hiện tượng, được tác giả dân gian kể lại thông qua trí tưởng tượng phong phú với những hình tượng nghệ thuật hư cấu độc đáo, tồn tại bền lâu trong quan niệm truyền thống dân gian, và chuyển tải những ý nghĩa văn hóa, thẩm mĩ to lớn đến cho cộng đồng. Truyện kể sự tích thường được phân ra thành bốn nhóm: truyện sự tích địa danh, truyện sự tích phong tục, truyện sự tích các sản vật, loài cây, con vật, đồ vật và truyện sự tích các dòng họ. Ngoài ra nhóm truyện giải thích căn nguyên xuất hiện và ý nghĩa nội dung của các câu tục ngữ, thành ngữ cũng có thể coi là một nhóm truyện sự tích “đặc biệt”, tuy nhiên chúng xuất hiện với số lượng ít ỏi[1].

Trong bài viết này chúng tôi tìm hiểu về kiểu truyện sự tích địa danh trong truyện kể dân gian dân tộc Thái. Chúng tôi nhận thấy kiểu truyện sự tích của người Thái khá phong phú, hấp dẫn, và bao trọn cả 4 nhóm chủ đề nói trên. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi chỉ xin trình bày kết quả nghiên cứu của mình về nhóm truyện sự tích địa danh, các nhóm truyện còn lại xin để một dịp khác sẽ bàn tới.

Qua khảo sát[2], chúng tôi tìm được 25 truyện sự tích địa danh của người Thái. Chúng tôi tiến hành nhận diện kiểu truyện trên hai phương diện chính: các chủ đề nội dung của kiểu truyện và khung quy ước về mặt hình thức của kiểu truyện.

I. Các chủ đề nội dung của kiểu truyện sự tích địa danh người Thái

Từ tư liệu khảo sát, chúng tôi lập bảng thống kê về các chủ đề nội dung của kiểu truyện sự tích địa danh người Thái như sau:

TRUYỆN

NỘI DUNG

ĐỊA DANH

ĐỊA PHƯƠNG

Truyện về nhân vật thần thoại, dũng sĩ

Sự kiện lịch sử

Tình yêu trai gái

Mâu thuẫn gia đình – xã hội

Mường, bản, thửa ruộng, thung lũng

Núi, đá

Suối, mỏ nước, hồ, mương, ao

Đền, miếu và các địa danh khác

Sơn La

Điện Biên

Lai Châu

Yên Bái

Nghệ An

Nhiều địa phương

Ông bà Ải Lậc Cậc

x

     

x

               

x

Sự tích Mường Then

x

     

x

       

x

       

Suổi nước mắt

   

x

     

x

       

x

   

Sự tích suối Hát bản Hát

   

x

     

x

       

x

   

Người diệt Quỷ Nhai

x

     

x

               

x

Vua Lúa

     

x

x

       

x

       

Mỏ nước nguồn Bó Bua

   

x

     

x

 

x

         

Bản Nã Cã

     

x

x

     

x

         

Sự tích Nong Kheo

   

x

     

x

             

Phai Đá Suối Vì

x

         

x

         

x

 

Nóng Bua (bàu Sen)

   

x

                 

x

 

Hòn đá voi

x

       

x

           

x

 

Ngôi đền bên bờ sông Hiếu

     

x

     

x

       

x

 

Bản Ná Ca

     

x

x

         

x

     

Mường Quái

x

     

x

         

x

     

Núi Chộng Cha

   

x

   

x

           

x

 

Pu Té

x

       

x

             

x (Thanh Hóa)

Chàng thuồng luồng ở Mường Phe

   

x

     

x

         

x

 

Nàng Han

 

x

     

x

x

     

x

     

Sự tích Búng Bát

x

         

x

     

x

     

Sự tích Nặm Xo

x

         

x

     

x

     

Truyền thuyết Dá Tai nao

   

x

   

x

       

x

     

Truyền thuyết Khum Bon

 

x

   

x

         

x

     

Câu chuyện Bẵng Tong

   

x

     

x

 

x

         

Ải Chết Hay (Chàng Bảy Hông Xôi)

     

x

 

x

           

x

 

Tổng

9

2

10

5

8

6

10

1

4

2

7

2

7

3

Qua bảng thống kê có thể nhận thấy, kiểu truyện Sự tích địa danh của người Thái bao gồm 4 nhóm chủ đề: truyện về nhân vật thần thoại, dũng sĩ (thuộc thể loại Thần thoại) gồm 9 truyện; truyện về sự kiện lịch sử (thuộc thể loại Truyền thuyết) gồm 2 truyện; 2 nhóm còn lại: truyện về tình yêu trai gái; và truyện về mâu thuẫn gia đình xã hội thuộc thể loại Truyện cổ tích gồm 15 truyện.  

Các truyện đều hướng đến nội dung giải thích, cắt nghĩa nguồn gốc hình thành địa danh hay lý giải nguyên do, ý nghĩa tên gọi của địa danh, trong đó nhiều nhất là các địa danh liên quan đến Nước như Suối, mỏ nước, hồ, mương, ao gồm 10 truyện, tiếp đến là các địa danh Mường, bản, thửa ruộng, thung lũng gồm 8 truyện, một số địa danh là ngọn núi, hòn đá gồm 6 truyện, và 1 truyện kể về địa danh đền, miếu của người Thái (truyện Ngôi đền bên bờ sông Hiếu). Điều này là hợp lý và đã phản ánh chính xác thực tế xã hội – lịch sử khi mà từ trước đến giờ người Thái đều tập trung sinh sống ở các con suối, mỏ nước lớn và rất có kinh nghiệm trong việc đắp mương, đào phai, dựng con, bắc máng lấy nước làm ruộng lúa nước, tự tay “vẽ lên” các tên suối, tên mương, thung lũng, mường bản cho quê hương của mình.

Các địa danh đều có mặt ở hầu hết các địa phương nơi người Thái sinh sống, trong đó địa danh ở Sơn La là 4 truyện, ở Điện Biên là 2, ở Lai Châu là 7, ở Yên Bái là 2, ở Nghệ An là 7, ở Thanh Hóa là 1 và có 2 truyện liên quan đến địa danh người Thái sinh sống ở nhiều tỉnh lân cận nhau (truyện Ông bà Ải Lậc Cậc và truyện Người diệt Quỷ Nhai). Tên gọi các địa danh cũng đều là tên Thái, tiếng Thái. Bởi vậy dấu ấn văn hóa tộc người trong kiểu truyện này có thể nói là khá đậm nét.

Sau đây, chúng tôi xin đi vào tìm hiểu cụ thể từng nhóm chủ đề nội dung trong kiểu truyện sự tích địa danh của người Thái:

1.  Nhóm truyện về nhân vật thần thoại, dũng sĩ

Nhóm truyện này thuộc thể loại Thần thoại, gồm 9 truyện, có thể chia làm 2 tiểu nhóm:

- Truyện Ông khổng lồ

Một tiểu nhóm truyện thần thoại giải thích lý do ra đời của nhiều địa danh nơi người Thái sinh sống bằng việc “quy về” chiến công lao động của các nhân vật khổng lồ được Then cử xuống trần gian để giúp đỡ con người buổi khai thiên lập địa, gồm 4 truyện tiêu biểu: Ông bà Ải Lậc Cậc, Sự tích Mường Then, Pu Té, Hòn đá voi. Trong truyện Ông bà Ải Lậc Cậc, người Thái cho rằng chính ông bà khổng lồ này đã “vung tay đá chân san bạt đồi núi thành những cánh đồng bồn địa và cao nguyên bằng phẳng khu vực nam Vân Nam, bắc Đông Dương như nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc và cao nguyên Mộc Châu, Tà Pình, Bình Lư”. Bà Ải Lậc Cậc đã “dùng cây gỗ lớn cứng như sắt dũi đất thành chín con sông: Nậm Công (Mê Công), Nậm Ma (sông Mã), Nậm Ta (sông Đà), Nậm Tao (sông Thao), Nậm U, Nậm Nua, Nậm Na, sông Lan Thương, sông Irôati (Vân Nam) và nhiều suối như Nậm Rốm, Nậm Tung, Nậm Thia, Nậm Luông, Nậm Thà, Nậm Thi…”. Rồi ông bà dạy dân Thái ở khắp nơi đắp bờ, làm mương, phai, làm ruộng bậc thang, ruộng lòng chảo, cấy lúa nương, lúa nước. Để cực tả sự khổng lồ của ông bà, nhân dân kể rằng trong lúc ông bà làm việc ở Mường Lò – Nghĩa Lộ - Yên Bái, có một con voi to lớn từ trên trời xuống giẫm đạp giày xéo phá hoại ruộng lúa, ông bà đã bới đất đá ném chết, con voi hóa thành núi Pú Chạng ngày nay, còn một loạt các đồi núi trùng điệp như bát úp ở Tây Bắc (Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) chính là “thứ đất đá dính ở kẽ ngón chân ngón tay, trong móng của ông bà rũ bỏ vung ra”. Rồi khi đi xúc cá, ông khùa chân vào một ghềnh khua cá, dính một cái dằm, mà chỉ riêng cái dằm đã là một cây gỗ lớn, đục đẽo được cái thuyền độc mộc bảy tay chèo mười tay lái, ngày nay chỗ ấy chính là hang Thẩm Lé – Mường Lò – Văn Chấn, Yên Bái. Tiếp đó, nhân dân còn kể rằng vì là khổng lồ nên ông bà cũng đã trồng nên những giống lúa gạo khổng lồ ở Mường Thanh, hạt lúa nếp to như đầu voi, hạt lúa tẻ to như đầu trâu. Then lớn xuống thăm cũng phải trầm trồ thán phục, rồi Then quyết định biến Mường Thanh thành cánh đồng mường trời cung cấp hạt lúa giống cây khổng lồ cho cả trần gian các mường. Từ đó Mường Thanh được đổi tên thành Mường Then (truyện Sự tích Mường Then). Cũng dùng motype “người khổng lồ tạo ra những cánh đồng lớn”, đồng báo Thái ở bản Hin, mường Khoòng (Bá Thước, Thanh Hóa) đã giải thích về xự xuất hiện của những cánh đồng lúa tốt nhất ở La Hán, bản Cốc, bản Cao là do công sức của người khổng lồ tên là Pu Té: “Pu Té phát rẫy trồng sắn trồng ngô ở Pái Pui…Ông lấy phân từ tận mường Lỵ, mường Lát về bón cho nương rẫy. Khi đi qua các vùng Cha Kỷ, mường Lâu, mường Khoòng, Pu Té vấp chân phải một hòn đá, phân từ trong sọt văng ra rơi rải rác trên các cánh đồng La Hán, bản Cốc, bản Cao, từ đấy các cánh đồng này trở nên tốt nhất vùng”. Rồi Pu Té còn muốn “ngăn sông Mã đem nước qua mường Khoòng đưa về Pái Pui khai ruộng”. Nhưng công việc chưa hoàn thành thì ông đã chết. Dấu tích của việc này còn lại chính là “ngọn núi đá Chẩu Ngâu và vũng nước Quan Pế ở mường Ánh, thuộc xã Phú Lệ, Quan Hóa còn lưu dấu dao chém đá và thành đá ngăn đập trên dòng sông Mã của Pu Té” (truyện Pu Té). Đôi khi những người khổng lồ tạo ra địa danh không có tên tuổi mà chỉ được hình dung là “to như núi, lớn như biển”Như đồng bào Thái ở Nghệ An đã lý giải vì sao “ở bến gỗ gần thị trấn Con Cuông có hòn đá Voi nằm giữa sông Lam” chính là vì nơi đây trước kia đã diễn ra cuộc giao tranh ác liệt giữa Thần Núi và Thần Biển. Vốn là Thần Núi đã để ở miền núi Nghệ An hai mỏ quý là mỏ vàng mỏ bạc cho con người tha hồ lấy về dùng. Thần Biển thèm thuồng, đem quân lên cướp của con người khiến con người phải cầu cứu Thần Núi. Được tin thần vội “bước những bước chân khổng lồ từ đỉnh núi nọ qua đỉnh núi kia trở về”. Thần dùng đàn voi khổng lồ của mình để đánh cho lũ quân của Thần Biển thua tan tác, phải quay đầu theo dòng sông Lam xuôi ra biển. Thắng trận rồi, Thần Núi còn “cắm” một phần đàn dũng sĩ của mình ở giữa sông Lam (mà ngày nay chính là Hòn đá Voi ở thị trấn Con Cuông) để hàng năm chống trả với Thần Biển khi Thần Biển đem quân lên đánh báo thù và cướp vàng bạc (truyện Hòn đá Voi). Tóm lại, dùng nhân vật khổng lồ để giải thích sự kiến tạo địa danh buổi đầu là một hình tượng thẩm mỹ độc đáo, đẹp đẽ của tác giả dân gian Thái. Sự khổng lồ của các nhân vật này chính là sự hình tượng hóa cái khổng lồ của vũ trụ, của địa lý tự nhiên núi non trùng điệp nơi người Thái sinh sống, đồng thời là biểu tượng cho tinh thần khai phá thiên nhiên và sức mạnh khổng lồ của con người trong công cuộc chinh phục tự nhiên, từ giã thời kỳ dã man và bước vào thời kỳ văn minh lúa nước.

- Truyện dũng sĩ

Tiểu nhóm thứ hai gồm 5 truyện: Người diệt Quỷ Nhai, Phai Đá Suối Vì, Mường Quái  Sự tích Nặm Xo, Sự tích Búng Bát. Cũng giải thích nguồn gốc ra đời của các địa danh từ thủa khai sinh lập địa, kiến tạo thế giới nhưng những truyện này có lẽ xuất hiện muộn hơn và “quy” chiến công thuộc về con người – những dũng sĩ thần thoại trong cuộc chiến đấu với tự nhiên để giành giật sự sống và đem lại sự bình yên cho con người. Ở truyện Người diệt Quỷ Nhai, các địa danh người Thái sinh sống mang tên “Nhai” như Quỳnh Nhai ở Sơn La, Bảo Nhai, Võ Nhai ở Văn Bàn, Lào Cai và Lũng Nhai ở Thanh Hóa đều được cho là gắn với sự tích người dũng sĩ Lường Chiến giết Quỷ bốn mồm Đá Nhai (hình tượng xuất hiện nhiều trong truyện cổ Thái: một dãy núi đá nhai liên mồm, vật và người đi qua đều bị nó nghiền nát). Cái tên Mường Chiến ở Than Uyên, Lai Châu cũng là do đồng bào Thái ghi nhớ công ơn của dũng sĩ Lường Chiến mà đặt cho tên mường. Ở truyện Mường Quái, tên gọi của các địa danh như Mường Quái – mường Trâu, Thẳm Quái – hang Trâu, mường Húa – mường Đuổi, bản Ta Cân - mắt trâu to bằng một cân… ở Tuần Giáo – Lai Châu đã được gắn với sự tích hai dũng sĩ tài ba, dũng cảm tiêu diệt một con trâu dữ từ trong hang Trâu đi ra, thường xuyên phá hại ruộng lúa và húc chết con người. Các truyện Phai Đá suối Vì, Sự tích Búng Bát  Sự tích Nặm Xo thì đều kể về một tục lệ cổ xưa – con người, con vật phải cúng tế“nộp thuế” cho Then và thần linh. Truyện Sự tích Nặm Xo cho rằng vì Mường Lay nộp thuế lớn cho Then nên được Then ban cho Nặm Tẹ (sông Đà), còn Mường Xo dâng lễ nhỏ hơn nên được Then ban cho con suối Nặm Xo (Lai Châu). Truyện Sự tích Búng Bát lại kể về việc con người đã đắc tội với Vua Thuồng Luồng, dùng hạt mã tiền (mák bát) để giết chết mất đôi cá thần là con cháu của Vua Thuồng luồng, nên Vua đã tức giận dâng cơn lũ to cuốn trôi tất cả, con người phải tổ chức lễ tế để tạ tội thì nước mới chịu rút, từ đó tạo thành vũng nước to nằm trên con suối Nặm Lụm mang tên là Búng Bát (vũng hạt mã tiền). Còn ở truyện Phai Đá Suối Vì thì kểnhà Rồng ở khúc suối Nậm Vì – mường Chỏng (nay là bản Vạn, Châu Sơn, Quỳ Hợp, Nghệ An) không có gì nộp thuế cho Then nên bị Then cho thần Sấm Sét lao xuống trị tội, một chàng thợ săn dũng cảm đã cùng Rồng chống trả lại Thần Sét và giúp Rồng thắng cuộc. Để trả ơn chàng, Rồng đã nhào vụn đá đắp năm con phai chặn dòng Nậm Vì, Nậm Huống, rồi rạch đá thành năm con mương liền dẫn nước tưới cho ruộng Nà Nguộc, Nà Vì, Nà Cá, Nà Pỏng, Nà Pánh. Rồng còn đào hang núi Tạt lấy nước cho mường Chỏng, chỗ đánh nhau giữa người, Rồng và Sấm Sét thành ao nước Bò Manh (hồ lớn) trữ nước từ đầu nguồn từ đời này qua đời khác. Như vậy, ở các câu chuyện này, màu sắc cổ tích đã bắt đầu xuất hiện, mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên đã được hình tượng hóa, con người đã tìm cách chống trả lại “luật lệ” khắc nghiệt của tự nhiên, các nhân vật dũng sĩ chính là hiện thân cho các anh hùng văn hóa trong thời kỳ khai thiên lập địa, tạo lập vùng đất đai sinh sống cho con người.

2. Nhóm truyện về các sự kiện lịch sử

Nhóm này thuộc thể loại Truyền thuyết. Trong khi ghi chép lại các sự kiện lịch sử liên quan đến các anh hùng văn hóa, anh hùng chiến trận của cộng đồng, người Thái đã gắn kết nó với các câu chuyện giải thích tên gọi của địa danh –nơi người anh hùng sinh ra, lớn lên, hành trạng, hi sinh hay là các địa danh có liên quan đến sự kiện. Ví dụ, người Thái ở Sơn La có nhiều các truyện kể địa danh liên quan đến các vùng đất, mường bản ở Sơn La, ghi lại quá trình họ thiên di vào Tây Bắc Việt Nam và giao tranh với người Xá (người Khơ Mú) thông qua hai con đường hoặc hôn nhân hoặc chiến trận để chiếm đất, dựng mường, chung sống hòa bình. Truyện Chẩu Lạn Chượng kể về ông tổ Lạn Chượng đã thu phục và khai phá mở mang xứ xở từ Mường Lò qua Mường Muổi, Mường Mụa, Mường La đến tận Mường Thanh từ thế kỉ 11 - 12, truyện Chẩu Lò Lẹt kể về ông tổ Lò Lẹt (cháu 12 đời của Lạng Chượng), vốn là dòng máu hòa hợp của một ông bố là Tạo Thái và một bà mẹ là Nàng Xá, có nhiều chiến tích oai hùng như tay không bắt rắn hổ mang khi mới 10 tuổi (từ đó có biệt hiệu là Ngũ Háu) và phát triển Mường Muổi trở thành trung tâm của người Thái. Về cuối đời, có lần ông cưỡi hổ từ Mường Muổi đi thăm nhân tình ở Mường Lay. Bà vợ cả ghen tuông mới tiến hành cầu đảo biến hổ của ông thành hồ rộng mênh mông, khiến cho ông chết chìm ở trong đó. Ngày nay ở Mường Muổi, Thuận Châu còn có cái hồ mang tên là Hồ Chồng (hồ xưa chồng tức là hồ hổ đực) được coi là vết tích của sự việc đó… Ngoài ra còn có truyện Sự tích mường Sang ở Mộc Châu gắn với nhân vật Chẩu Phạ Nhọt Chom Cẵm, với hòn đá Chiềng đi, với vách đá Pha Khỉ Xút còn sừng sững ở đó. Truyện kể rằng khi Chẩu Phạ Nhọt Chom Cẵm đưa người Thái xuống đến Mường Sang (Mộc Châu) thì hòn ngọc mang theo rơi xuống đất, nói lên rằng “Đi” (tốt) và vụt to lên không sao khiêng nổi mang đi tiếp nữa. Chẩu mới nghĩ rằng Then đã cho mình đất này nên ở lại đó lập mường. Nhưng khi ấy đất Mường Sang đã có chủ là người “Xá lếm, Xá lé” (chi nhánh của người Khơ Mú). Hai bên mới bày ra chuyện thi bắn cung nỏ vào vách đá ở bản Nàng Cẩu (đầu cầu), nếu tên của bên nào cắm chặt vào vách đá không rơi thì bên đó làm chủ đất, vì thần linh bảo thế. Cung của người Xá cánh cứng, đầu tên có mũi bằng đồng bằng sắt, bắn phát nào tên gặp đá tóe lửa nhưng đều bật ra rơi xuống đất. Nỏ Thái cánh mềm, đầu tên bịt cục sáp ong to, bắn trăm phát sáp ong đều gắn tên vào đá không rơi cái nào. Người Thái làm chủ đất Mók (có nghĩa là xứ mây mù, sau biến âm thành Mộc) từ đấy, và cũng từ đấy vách đá có tên là Pha Khỉ Xút (vách đá sáp ong hoặc sáp ong con tò vò)…

Trong nhóm tư liệu mà chúng tôi tiến hành khảo sát (Phần Phụ Lục), chỉ có hai truyện thuộc thể loại Truyền thuyết là truyện Nàng Han và Truyền thuyết Khum Bon trong cuốn Truyền thuyết và truyện cổ dân gian người Thái Mường Xo. Cả hai truyền thuyết này đều kể về chiến công “đánh giặc bên kia biên giới” như giặc Cờ Vàng, Cờ Đỏ…đến cướp của, giết người, quấy nhiễu cuộc sống đồng bào Thái của những người anh hùng dân tộc như Nàng Han, Chàng Xương. Chiến công chiến trận lịch sử của mỗi anh hùng đã đặt tên, ghi danh, khai sinh cho các vùng đất, con suối, con sông, ngọn núi…nơi các anh hùng đi qua, hành trạng hay hy sinh..v..v. Trong truyền thuyết Nàng Han, khi quân giặc đến ngọn đồi chúng đóng được gọi là Pom Hán (Đồi Hán), ngọn đồi quân nàng Han đóng được gọi là Pom Keo (Đồi Kinh – do Nàng Han đưa nghĩa quân người Kinh lên để giúp dân đánh đuổi quân giặc); chỗ hai bên quân lính giao tranh ác liệt, máu chảy nhiều nhuộm đỏ cả một quả núi, về sau gọi là Pụ Đán Đeng (Núi Đá Đỏ), chỗ nàng Han hy sinh bỗng chảy ra một mó nước mát lành, nhân dân gọi là Bó Nạng Han (mạch nước Nàng Han), chỗ con voi chiến của nàng bị chết và hóa thành gò đất, thì bỗng dưng xuất hiện một cái ao to, mọc rất nhiều cây bon vây xung quanh gò đất hình con voi, được gọi là Noong Loọng Chạng (Đầm Ao Voi). Tất cả các địa danh này đều thuộc về mường Xo, xã Mường Xo, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Nhân dân Thái ở đây hàng năm vẫn có phong tục lễ tế nàng Han ở Khổng Lào. Trong truyền thuyết Khum Bon, hai bản Khum Bon (thung lũng cây bon) và Pom Bê cũng ở xã Mường Xo đã được “đặt tên” sau khi người anh hùng - chàng Xương dũng cảm hy sinh trong trận chiến với lũ giặc tại đó. Như vậy, giống như đặc điểm thi pháp của bao truyện truyền thuyết khác, mỗi địa danh trong các truyền thuyết Thái đều thuộc về cái tự nhiên “thứ hai”, tự nhiên được đặt tên lại một lần nữa trong lịch sử bằng kỳ tích và chiến công chống giặc ngoại xâm của con người.

3. Nhóm truyện thuộc thể loại truyện cổ tích hướng đến việc giải thích nguồn gốc địa danh ở hai mảng chủ đề nội dung: tình yêu trai gái, và mâu thuẫn gia đình xã hội.

3.1. Chủ đề Tình yêu trai gái

Trên cơ sở cứ liệu có được chúng tôi xây dựng ba sơ đồ kết cấu cốt truyện như sau:

Sơ đồ 1Chàng trai và cô gái yêu nhau thắm thiết bên sàn hạn khuống -> hẹn ước, thề nguyền -> bị bố mẹ ngăn cấm hoặc xa cách, cản trở -> chàng trai hoặc cô gái bỏ vào rừng sâu hoặc đi lên núi -> chàng trai hoặc cô gái chết, nước mắt họ khóc cho nỗi bất hạnh của mình trong nhiều ngày hóa thành dòng suối nước mắt.

Sơ đồ này có ở 2 truyện tiêu biểu: Suối Nước Mắt (suối Nậm Thia – Mường Lò) và truyện Sự tích suối Hát bản Hát ở núi Tà Đăng, huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Các câu chuyện này đều giống như một bài thơ trữ tình được viết bằng văn xuôi, tình tiết không nhiều, không gay cấn, các lời thoại của nhân vật đều là những lời thơ, lời hát của họ dành cho nhau. Bởi vậy, đọc truyện người đọc có một cảm giác dịu dàng và cảm động. Hình ảnh dòng suối nước mắt ở kết truyện có ý nghĩa biểu tượng lớn. Nó là chứng nhân vượt qua thời gian về tình yêu bền bỉ của hai nhân vật, là tiếng khóc của núi rừng, của quê hương dành cho bi kịch tình yêu của họ. Truyện Suối Nước Mắt (nước mắt của cô gái hóa thành suối) còn kể rằng mái tóc của nàng trôi theo dòng suối biến thành rêu đá quanh năm xanh mướt, mỗi dịp Tết đến xuân về nhân dân đều đến lấy rêu đá để xài lơ (quấn khăn) và nhắc nhở nhau về mối tình chung thủy của họ. Truyện Sự tích suối Hát bản Hát (nước mắt của chàng trai biến thành suối) thì kể dòng suối nước mắt ấy chứa đầy tiếng khèn tiếng hát gầu plềnh của chàng trai (chàng trai H’mông yêu cô gái người Thái), lúc nào cũng ngân nga không bao giờ dứt. Đàn cá nghe tiếng hát ngọt ngào kéo về đầy suối, con chim uống nước suối giọng hát càng trong trẻo hơn, con vượn uống nước suối kêu càng hay hơn, người thợ rừng nào qua đây uống nước suối, tắm suối trở về tự nhiên biết thổi khèn và say sưa hát gầu plềnh nếu là người Mông, hát khắp báo sao nếu là người Thái… 

Sơ đồ 2: truyện tình yêu trai gái gắn với nhân vật thuồng luồng

Chàng thuồng luồng (rắn) hóa thành chàng trai đẹp đẽ, tài năng đến tán tỉnh một cô gái xinh đẹp ở mường người -> Cô gái bị mê hoặc, cố ý hoặc vô thức đi theo chàng trai về mường nước -> cha mẹ và dân làng theo dấu vết đuổi theo, đào đất núi để giết thuồng luồng -> thuồng luồng giãy chết làm đất đá sụt xuống thành hồ nước lớn.

Motype thuồng luồng xuất hiện đậm nét trong văn hóa, văn học dân gian Thái. Chỉ riêng ở kiểu truyện sự tích địa danh của người Thái đã có rất nhiều truyện liên quan đến thuồng luồng, và gắn với chủ đề tình yêu trai gái. Một vài ví dụ cho kiểu truyện này như truyện: Mỏ nước nguồn Bó Bua, Sự tích Hồ xanh Nong Kheo, Câu chuyện Bẵng Tong –  (ở Mường Tranh, Sơn La); truyện Nóng Bua (Bàu Sen) ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An; truyện Chàng thuồng luồng ở mường Phe (Quế Phong, Nghệ An)… Đây là những câu chuyện ấn tượng, cảm động về tình yêu giữa một cô gái với chàng trai ở một thế giới khác – thế giới thuồng luồng. Có câu chuyện cô gái bị thuồng luồng mê hoặc và bắt đi (có một biến thể ngược lại là chàng trai bị cô gái thuồng luồng bắt, trong Câu chuyện Bẵng Tong) – đó là nỗi ám ảnh một thời của tộc Thái khi mà địa bàn nơi họ sinh sống thường có những vực nước sâu, những hang mỏ nước như một lòng chảo khổng lồ, không nhìn thấy đáy, nước xoáy cuộn như vòi rồng, vòi thuồng luồng hút tất cả xuống đáy sâu. Họ đã tưởng tượng ra những câu chuyện về thuồng luồng trong hang bò ra bắt người để cảnh báo những cô gái nhẹ dạ vì tình, thậm chí họ còn chỉ cho con cháu thấy “nhân chứng – vật chứng” còn đó như là để tăng thêm sức mạnh của những lời răn đe. Chẳng hạn như đồng báo Thái ở Mường Tranh còn chỉ cho cón cháu thấy ở cửa hang nước Bó Bua có tấm phản gỗ lim (chỉ đục những lỗ nhỏ để nước thoát ra) mà ông cha trước kia đã làm để ngăn không cho thuồng luồng ra bắt người, họ cũng chỉ cho con cháu thấy hồ Nong Kheo (hồ xanh) sâu thăm thẳm, nước xanh ngắt quanh năm chính là nơi đã chôn dấu bao xác chết của các chàng trai, dân làng trong cuộc đấu với thuồng luồng để giải cứu cô gái. Nội dung của những câu chuyện này phảng phất dấu ấn của chủ đề thần thoại - cuộc chiến giữa con người với tự nhiên. Loài thuồng luồng có sức mạnh đào núi lấp vực, bơi lặn tài giỏi, biến hóa khôn lường, mơ ước chiếm được cái đẹp của con người nhưng cuối cùng vẫn phải chịu thua sức mạnh của con người và hiện nguyên hình là loài bò sát. Tuy nhiên cũng có những câu chuyện lại hướng đến việc ngợi ca tình yêu chung thủy, vượt qua mọi khác biệt của đôi trai gái Người – thuồng luồng như truyện Nóng Bua (Bàu Sen) của người Thái, Nghệ An. Bị dân làng đuổi theo chém giết, cô gái đã nguyện chết theo người yêu – rắn, thuồng luồng của mình. Tình yêu của họ đã cảm động đến cả trời, nước mắt của trời rơi xuống thành ao lớn, xác chàng và nàng nổi lên thành hai bông hoa sen đẹp đẽ trên mặt ao, từ đó ao lớn có tên là Nóng Bua – bàu sen thơm ngát. Truyện Chàng thuồng luồng ở mường Phe thì ca ngợi tình yêu giữa chàng thuồng luồng – tạo Ngược, con vua mường Nước với nàng Toòng ở mường Phe. Tình yêu của họ đã thuyết phục được con người, vì vậy khi Tạo thuồng luồng mường Hy (ở Sầm Tớ, thượng nguồn sông Chu) định cướp nàng Tòong thì con người đã giúp đỡ Tạo thuồng luồng mường Phe chiến thắng. Để trả ơn, Tạo thuồng luồng mường Phe đã trườn một vòng qua chân núi tới các nương rẫy, tạo thành một con mương lớn, nước chảy quanh năm cho con người đến lập bản. Nhân dân lấy tên nàng Toòng để đặt cho tên bản, chính là bản Na Toòng, ở xã Chân Thôn, Quế Phong ngày nay…Phải thế chăng mà trong văn hóa Thái, hình tượng thuồng luồng cũng là biểu tượng cho tình yêu say đắm. Người ta nói “rồng bay có đôi, thuồng luồng đi ở có bạn”, và thể hiện các hình ảnh cách điệu của chúng trên chăn lứa đôi, tổ ấm gia đình, các tấm dệt “khẳm khép” (gấm, thổ cẩm)…[3]

Sơ đồ 3:

Chàng trai và cô gái yêu nhau thắm thiết -> gia đình cô gái cấm ngăn, đặt ra thử thách với chàng trai -> họ quyết tâm vượt qua thử thách -> một trong hai người chết hoặc cả hai cùng chết -> Họ chết nơi một ngọn núi hoặc hóa thành một tảng đá, ngọn núi -> Núi, đá được đặt tên

Hai truyện tiêu biểu cho sơ đồ này là truyện Núi Chộng Cha của người Thái Nghệ An và truyện Truyền thuyết Dá Tai Nao của người Thái Mường Xo, Lai Châu. Ở truyện Núi Chộng Cha, chàng trai và cô gái phải vượt qua thử thách: chàng trai phải cõng cô gái đi qua cái đèo vừa cao vừa dài, cheo leo hiểm trở, một bên là vách đá, một bên là vực sâu mà tuyệt đối không được dừng lại uống nước. Tình yêu đã làm cho họ nảy ra trí khôn, họ nghĩ ra một kế: sáng sớm cô gái gội đầu thật kỹ rồi để mái tóc dài, dày và mượt của cô thật đẫm nước. Với sức mạnh của tình yêu, chàng trai đã cõng cô gái vượt qua cái đèo. Cứ khi nào khát, cô gái lại vắt tóc, mái tóc nhỏ ra vài giọt nước để người thương thấm miệng. Nhờ thế mà chàng trai đã làm được một việc mà tưởng như người trần không làm nổi. Quá sung sướng, chàng trai để cô gái ngồi lại nghỉ bên chân đèo rồi chạy về nhà gọi bố mẹ, bà con đến rước dâu, nào ngờ khi chàng trai quay lai thì không thấy cô gái đâu, lần theo dấu vết xuống vực, chàng chỉ thấy một con trăn to, bụng trương phình đang cuộn tròn ở đó. Máu giận sôi trào, chàng trai rút dao đeo bên mình, lội xuống vực, xông vào đánh nhau với con trăn. Chàng giết chết được con trăn, rạch bụng nó, nhưng ngươi yêu chàng đã tắt thở. Từ đó, con đèo hiểm trở nơi chàng trai, cô gái leo qua có tên là Pù Chộng Cha (đọc chệch của từ Chủng Chà, nghĩa là dắt đi, dẫn đi[4]). Khách đi từ mường Nọc qua Châu Thôn để vào mường Quang hay lên mường Chè Lè đều phải vượt qua cái đèo này. Bà con thường không dám qua đèo một mình mà thường đi từ hai đến ba người để dẫn dắt nhau, giúp đỡ nhau qua đèo.

Cũng là một câu chuyện cảm động khác về tình yêu liên quan đến địa danh là truyện Truyền thuyết Dá Tai Nao của người Thái Mường Xo, Lai Châu. Đôi trai gái thuộc hai dòng họ khác nhau, có tục lệ ngăn cấm kết hôn với nhau, nhưng họ lại yêu nhau thắm thiết. Họ rủ nhau trốn đi nhiều lần nhưng đều thất bại, bị bắt về, bị nhốt, và bị đánh đập tàn tệ. Họ vẫn quyết tâm đến với nhau. Có một cụ già mách họ hãy tìm đến chỗ Dá Tai Nao, đến được với Dá Tai Nao thì họ sẽ ở bên nhau mãi mãi, không có gì cản trở được họ. Đôi trai gái dìu dắt nhau lên đường, họ vượt qua nhiều đèo dốc hiểm trở của dãy núi Pụ Khọ Lộng (dãy núi Cổ Rồng, chính là dãy Hoàng Liên Sơn bây giờ). Họ cứ thế đi mãi, đi mãi, qua bao không gian và thời gian, từ đôi trai trẻ họ đã trở nên thành hai cụ ông cụ bà tóc bạc da mồi mà vẫn không tìm thấy Dá Tai Nao. Cuối cùng họ bèn ngồi xuống một tảng đá, ôm lấy nhau mong truyền hơi ấm cho nhau. Tuyết rơi xuống, phủ lên hai người. Họ chết rét, hóa thành một tảng đá hình một nam một nữ ôm chặt lấy nhau không rời. Để ghi nhớ câu chuyện của họ, tảng đá được người sau đặt tên là Dá Tai Nao, cũng có nghĩa là “già chết rét”. Câu chuyện chuyển tải một thông điệp: ở với nhau trọn đời, đi bên nhau vượt qua bao khó khăn và cùng chết bên nhau, chính tình yêu của họ đã làm nên tảng đá Dá Tai Nao huyền thoại chứ không cần phải tìm ở đâu xa nữa. Tảng đá nằm ở chỗ Trạm Tôn (ranh giới giữa tỉnh Lào Cai và Lai Châu bây giờ). Người dân Thái coi đó là biểu tượng của tình yêu, họ rất tôn trọng tảng đá, khi đi qua bao giờ cũng phải ngả mũ nón, vái lạy, cầu chúc cho họ mãi bên nhau như nguyện ước và không dám nói chuyện vì sợ mất giấc ngủ của hai người[5].

Tóm lại, dùng câu chuyện thơ mộng, cảm động về tình yêu trai gái để giải thích ý nghĩa tên gọi của một địa danh là cách làm thường thấy của đồng bào Thái – tộc người vốn rất lãng mạn, giàu tình cảm và chan chứa cảm xúc yêu đương. Phong cảnh tự nhiên nơi người Thái sinh sống không chỉ giàu có mà còn đẹp hơn, thơ mộng hơn, ý nghĩa hơn nhờ vào sức tưởng tượng vô bờ bến ấy, vừa góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương của đồng bào, vừa là lời mời gọi hấp dẫn du khách thập phương đến với quê hương của họ.

3.2. Truyện về mâu thuẫn gia đình, xã hội

Nội dung giải thích tên gọi địa danh ở truyện cổ tích Thái cũng còn được phản ánh trong các câu chuyện có chủ đề về quan hệ thế tục, mâu thuẫn gia đình – xã hội. Một số truyện tiêu biểu được chúng tôi thống kê như sau:

BẢNG THỐNG KÊ số 2: Truyện sự tích địa danh phản ánh mâu thuẫn gia đình, xã hội

STT

Truyện

Phản ánh mâu thuẫn giữa con người với lực lượng thần lỳ

Phản ánh mâu thuẫn giữa con người với con người

Địa danh

Dân bản - chúa đất

Dì ghẻ - con riêng

Anh - em

Vợ - chồng

1

Vua Lúa

   

x

   

Mường Then – Điện Biên

2

Bản Nã Cã (bản Mắc Kẹt)

       

x

Mường Tranh – Sơn La

3

Ngôi đền bên bờ sông Hiếu

 

x

     

Ngôi đền ở Phủ Quỳ - Nghệ An

4

Bản Ná Ca (ruộng quạ)

     

x

 

Bản Ná Ca, xã Lay Nưa, Mường Lay, Lai Châu

5

Ải Chết Hay (chàng bảy hông xôi)

x

       

Núi đá Phá Lai ở bản Na Tỉ, Châu Thôn, Quế Phong, Nghệ An. Núi Cơ Tún ở bản Nặm Tột, Chơ Le, Quế Phong, Nghệ An. Sông Nậm Quàng, Quế Phong, Nghệ An.

Trong thế giới của truyện cổ tích thần kỳ Thái, có nhiều truyện phản ánh cuộc tranh đấu giữa chàng trai khỏe, chàng trai tài với các lực lượng thần kỳ, ảnh chiếu lực lượng xã hội. Truyện Ải Chết Hay (chàng bảy hông xôi) là một truyện như vậy. Câu chuyện phản ánh cuộc chiến tài ba, thú vị giữa các chàng trai có tài độc đáo như Ải Chết Hay (ăn hết một lúc 7 hông xôi, có sức khỏe như một người khổng lồ); chàng Kéo Mây 20 sải, 100 dây; chàng Chống bè trong rừng bắt sóc; chàng Dùng trán đóng cọc – với các kẻ thù là những lực lượng thần kỳ như Con Dế khổng lồ Chỉ Hỏ Nai, con cá lớn Xàm Xộc, bà già quỷ cái Nhả Háng có cây gậy đầu sống đầu chết và con quỷ đực Pủ Chu Chi bốn mũi năm mồm. Chiến thắng đều thuộc về các chàng trai khỏe mạnh, tài ba. Sau các cuộc chiến, Ải Chết Hay lại trở về chăn trâu cho mẹ. Trâu của Ải Chệt Háy đi ăn lúa của người Mường Keo ở cuối nguồn, Chệt Háy cầm cả cục xôi nướng ném theo, không ngờ bị vấp ngã chết. Cục xôi cháy văng ra hóa thành ngọn núi đá Phá Lai ở bản Na Tỉ, Châu Thôn, Quế Phong, Nghệ An, người Chệt Háy hóa thành ngọn núi Cơ Tún ở bản Nặm Tột, Chơ Le, Quế Phong, Nghệ An. Và người mẹ nghe tin Chệt Háy chết, chạy ra ôm lấy con khóc, nước mắt chảy thành sông Nậm Quàng, Quế Phong, Nghệ An.

Trong nhóm truyện phản ảnh mâu thuẫn giữa con người với con người cũng có những truyện giải thích nguồn gốc xuất hiện của một địa danh nào đó. Truyện Ngôi đền bên bờ sông Hiếu phản ánh cuộc đấu tranh giữa dân bản với tên chúa bản tham lam độc ác hay cướp nương rẫy của bà con. Có hai cha con chàng thợ săn tài ba đã giết chết tên chúa đất, trả lại ruộng đất cho dân bản. Ngoài ra hai cha con còn giúp dân bản diệt rất nhiều thú dữ đến quấy nhiễu nương rấy. Trong một lần chiến đấu với thú dữ, hai cha con đã anh dũng hy sinh, chính vì vậy nhân dân đã lập cổ miếu bên bờ sông Hiếu (vùng Phủ Quỳ, Nghệ An) để thờ hai cha con. Hiện nay,cổ miếu vẫn còn và rất linh thiêng, người và vật đều kính sợ.

Một cách giải thích khác về tên gọi Mường Then (Điện Biên) xuất hiện trong truyện cổ tích Vua Lúa. Truyện phản ánh mâu thuẫn gia đình, giữa người dì ghẻ và đứa con mồ côi. Người dì ghẻ dẫn con chồng đến hang núi đá để bỏ mặc cho chết, nào ngờ chính cửa hang đó lại dẫn chàng trai đi lên Mường trời, và nhờ đó chàng mang được giống lúa trời về hạ giới, gieo trồng ở Mường Thanh. Mường Thanh trở thành vựa lúa khổng lồ, và được đổi tên thành Mường Then (cấy giống lúa mang từ trời về). Mụ dì ghẻ độc ác thì bị trâu húc chết. Truyện Ná Ca (ruộng quạ) thì phản ánh mâu thuẫn giữa người anh cả và người em út. Người anh keo kiệt, khoác lác, người em thì hào phóng, khiêm nhường. Đến vụ cấy, người anh đến nhờ bà con đến cấy hộ mình và định sẽ rang vừng trả công cho người cấy hộ, nhưng lại cố tình nói lái là sẽ mổ bò tạ ơn. Ngược lại người em định sẽ mổ bò tạ ơn nhưng lại nói lái một cách khiêm nhường là sẽ rang vừng trả công (trong tiếng Thái “khủa ngá” – rang vừng nói lái là “khả ngúa” – mổ bò). Rất đông người đến giúp người anh, nhưng họ lại vỡ lở ra về sự khoác lác của anh ta, họ tức giận nên chỉ cấy hờ, vài ngày sau thì mạ nổi lên lềnh bềnh. Ở ruộng người em thì chỉ có vài người đến cấy hộ, người em mổ bò mà không có nhiều người ăn, không có nhiều người cấy hộ mạ. Buồn quá, người em liền băm nhỏ thịt bò ra thành từng miếng rồi nhét vào các gié mạ quăng ra thửa ruộng định cấy. Lũ quạ bay qua đánh hơi thấy mùi thịt bò liền xà xuống mổ, nhưng khi chúng mổ vào miếng thịt cũng là lúc chúng nhấn luôn gốc mạ xuống bùn. Chúng bực tức càng ra sức mổ mạnh thì gốc mạ càng cắm xuống sâu, chả bao lâu chúng đã cắm hết mạ xuống ruộng. Đến vụ thu hoạch, ruộng người em thu gấp đôi người anh. Cũng từ đấy, ruộng người em có tên là Ná Ca (ruộng quạ), nay là bản Ná Ca, xã Lay Nưa, Mường Lay, Lai Châu. Truyện cổ tích Bản Nã Cã (Bản Mắc Kẹt) thì giải thích tên gọi của nhiều địa danh ở Mường Tranh, Mai Sơn, Sơn La thông qua một câu chuyện giáo huấn đạo nghĩa vợ chồng, tình cảm thủy chung. Có một anh chồng trong một lần đi vào rừng đã phát hiện ra trong rừng có hai dòng suối lạ, nước một dòng có thể làm cho mọi thứ dính chặt vào nhau không gỡ ra được, nước dòng kia lại có thể dễ dàng gỡ các thứ dính chặt ra. Anh ta mới chặt tre làm ống nứa đưa hai thứ nước lạ về nhà. Biết vợ ngoại tình, anh ta liền giả vờ ân ái với vợ rồi lén bôi nước dính vào chỗ kín của vợ. Hôm sau anh nói dối vợ là đi một chuyến buôn xa, cô vợ liền hí hửng đưa nhân tình về nhà. Quả nhiên, sau khi ân ái thì đôi nhân tình bị dính chặt “của quý” vào nhau không tài nào mà gỡ ra được. Hai người đành ôm nhau ra suối xa ở bản khác để cùng ngâm trong nước nhưng cũng không ăn thua. Họ lại bế nhau lên quả đồi chui vào bụi rậm mà náu. Một anh thợ săn đi ngang qua, thấy đôi nhân tình van nài cứu giúp mới thử lấy tay sờ mó xem chỗ dính thế nào, nào ngờ cũng không rút tay ra được nữa. Ba người đành chờ trời tối hẳn mới dám dắt díu nhau trở về bản Nã Cả, trốn trong một thửa ruộng to rìa bản. Một cụ già râu trắng như cước gặp ba người trong tình cảnh như vậy, thấy lạ quá mới ngó xuống xem là cái thứ nhựa gì mà dính chặt thế. Chẳng ngờ một làn gió thổi, râu ông cụ dính vào luôn, không tài nào bứt ra được nữa. Đến lúc này thì người chồng đi theo quan sát đã lâu mới nhảy ra, mắng cho đôi nhân tình một trận, phạt vạ bọn họ và giải thoát cho đám người bằng thứ nước gỡ mà anh mang theo. Nơi xảy ra các sự việc trên đã trở thành tên riêng. Chỗ có nước Chàm gọi là Bản Hỏm (bản Chàm). Bản mà người vợ và gã trai dính kẹt vào nhau gọi là Bản Nã Cã (bản Mắc Kẹt). Bản có con suối hai người ra ngâm gọi là Bản Chè (bản Ngậm). Bản có ngọn đồi khi anh chàng đi săn sờ vào hai người, gọi là bản Chẵm (bản Sờ Mó). Thửa ruộng mà ông cụ bị râu dính vào gọi là Haừ Pú muốt (Thửa Cụ râu dài)…

Mục đích cuả những truyện cổ tích phản ánh mâu thuẫn thế tục không chỉ dừng lại ở việc tái hiện, khắc họa tính chất điển hình của mâu thuẫn mà còn hướng đến các bài học giáo huấn đạo đức liên quan đến nội dung của câu chuyện. Với riêng những truyện cổ tích phản ánh mâu thuẫn thế tục có gắn với nội dung giải thích tên gọi địa danh thì các mục đích này dường như là được tăng hiệu quả lên gấp nhiều lần, khi mà “chứng tích” của câu chuyện vẫn còn “sờ sờ” ở đó, như nhắc nhở, răn đe con người hãy sống thiện và đừng bao giờ làm điều ác nếu không muốn gánh chịu hậu quả.

Tóm lại, qua việc thống kê các tiểu nhóm chủ đề nội dung của kiểu truyện sự tích địa danh người Thái trên đây, chúng ta nhận thấy trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của tác giả dân gian Thái thật đáng khâm phục. Từ một địa danh vô tri vô giác, khách quan tồn tại trong tự nhiên, người Thái đã thổi hồn vào nó, cung cấp cho nó một sức mạnh linh thiêng và sâu sắc dựa trên những câu chuyện tưởng tượng của mình. Không biết tự bao giờ người Thái tin những câu chuyện đó là có thật, nó có thật như chính cái địa danh mà nó kể đến bây giờ vẫn còn đó, vẫn mang tên đó trong đời sống của cộng đồng. Niềm tin đó đến với con người một phần nhờ vào những ý nghĩa sâu sắc trong nội dung của câu chuyện như đã trình bày trên đây, một phần khác lại nhờ vào các yếu tố hình thức lặp đi lặp lại trong các chuyện kiểu này, có giá trị làm tăng thêm sức mạnh của niềm tin. Nếu nói theo lý thuyết “tái định hướng thể loại folklore” thì có thể xem đó như “một khung định hướng quy ước các yếu tố hình thức” của kiểu truyện sự tích địa danh người Thái, bởi vậy phần tiếp theo của bài viết chúng tôi xin đi vào nhận diện các yếu tố này.

II. Các yếu tố hình thức đáng lưu ý của kiểu truyện sự tích địa danh người Thái

Mô hình lý tưởng của kiểu truyện sự tích địa danh người Thái là bắt đầu với “ngày xửa ngày xưa có”, “xưa có”, “thưở xưa có”… và kết thúc bằng: “Từ đó, mường/bản/ suối/ núi…(địa danh) có tên là/ra đời để ghi nhớ sự việc này” hoặc “Chỗ đó (về sau) được gọi là/chính là…bây giờ”.

Ví dụ: Truyện Mường Quái bắt đầu bằng: “Ngày xưa, nơi có quả núi đá to mọc lên giữa cánh đồng (thuộc xã Chiềng Sinh ngày nay) bỗng có một con trâu kỳ lạ xuất hiện” và kết thúc bằng “Nơi đó người ta đặt tên cho là mường Quái (mường Trâu) và trong nhân dân vẫn gọi Tuần Giáo bằng cái tên Mường Quái cho đến ngày nay. Còn chỗ hai chàng trai đánh đuổi trâu người ta gọi là mường Húa – nghĩa là Đuổi - mường Đuổi”.

Truyện Bản Ná Ca  mở đầu bằng: “Ngày xưa, có hai anh em trai nhà nọ…” và kết thúc bằng: “Cũng từ đấy dân bản đặt tên ruộng của người em là Ná Ca (ruộng quạ) và khi người ta lập bản ở đó, mọi người đã lấy sự tích trên đặt tên cho bản” (bản Ná Ca, xã Lay Nưa, Mường Lay, Lai Châu).

Một sự tích/một địa danh hoặc một sự tích/ nhiều địa danh

Một sự kiện/sự việc đã xảy ra có thể dẫn đến sự xuất hiện hay làm mới tên gọi cho một địa danh hoặc nhiều địa danh gần nhau hay có liên quan với nhau. Ở loại thứ hai, mỗi chỗ diễn ra một sự kiện/một hành động trong chuỗi sự kiện, hành động của câu chuyện hay sự phân chia bộ phận cơ thể của nhân vật…có thể giải thích tên gọi của một địa danh, thường được đánh dấu bằng dấu hiệu hình thức như “chỗ mà… được gọi là…; còn chỗ… thì người ta gọi là…”

Ví dụ: truyện Người diệt Quỷ Nhai: “Bốn nơi mồm Quỷ Nhai bị cháy nổ chết tương truyền là Quỳnh Nhai ở Sơn La, Bảo Nhai, Võ Nhai ở Văn Bàn – Lào Cai và Lũng Nhai mà Lam Sơn mở hội thề ở Thanh Hóa. Người anh hùng Lường Chiến được đồng bào Thái Xá ghi nhớ đặt tên cho một mường tương truyền là Mường Chiến ở Than Uyên”.

- Quy ước “chú thích” về địa điểm của địa danh

Các địa danh được tác giả dân gian Thái “chọn” đưa vào lý giải trong kiểu truyện sự tích đều là các địa danh có thật, hầu như còn tồn tại và giữ nguyên tên gọi từ đó đến giờ (chỉ có một vài trường hợp đặc biệt như tảng đá Dá Tai Nao đã bị phá hỏng khi người ta mở đường quốc lộ). Nhiều thông tin “chú thích” về địa điểm của địa danh còn được gia giảm trong câu chữ văn bản nên hiệu quả tạo lập niềm tin cho người đọc được tăng lên rất nhiều. Ví dụ về hình thức của kiểu chú thích này như: “Nước mắt cuả nàng ràn rụa đẫm chín cánh rừng chảy thành dòng suối nước mắt qua Mường Lò đổ ra sông Thao. Suối nước mắt ấy, tiếng Thái gọi là Nậm Thia (Thia có nghĩa là mắt)” (truyện Suối Nước Mắt); “Từ ấy bản Hát của người Thái và suối Hát trên núi Tà Đăng có tên trên bản đồ của huyện Trạm Tấu” (truyện Sự tích suối Hát bản Hát); sở dĩ ở bến gỗ gần thị trấn Con Cuông có “hòn đá Voi” nằm giữa sông Lam cũng là do thần núi muốn cắm một phần đàn dũng sĩ của mình ở đó để chống trả với thần biển khi thần biển đem quân lên đánh báo thù và cướp vàng bạc” (truyện Hòn đá Voi); “Xưa kia, sống trong một cái vũng nước không tên thuộc con suối Nặm Lụm, bắt nguồn từ dãy núi Hoàng Liên chảy xuống vùng Mường Xo có một đôi cá chày rất to, nom đẹp tựa như một đôi rồng dưới nước…Cô chú của đôi cá chày thì cai quản khu vực Ao Bú (Noong Bú); ông bà thì cai quản ở vùng Ao Thăng (Noong Thăng) Mường Than; bác bá thì cai quản khu vực Ao Vàng, Ao Bạc (Noong Ngựn, Noong Khặm) Mường Lự…” (truyện Sự tích Búng Bát). Búng Bát là tên gọi một vũng nước nằm trên con suối Nặm Lụm, cách chợ Mường Xo hiện nay khoảng 500m ngược về phía thượng nguồn. Nặm Lụm là tên gọi của nhánh suối chảy từ phía Bản Lang (Phong Thổ) xuống, Nặm Lụm nhập vào với Nặm Xo ở gần khu vực chợ Mường Xo hiện nay. Noong Bú là tên gọi trước đây của khu suối nước nóng Vàng Bó (Phong Thổ) hiện nay (tr 188 Truyền thuyết và truyện cổ dân gian người Thái Mường Xo).

- Quy ước “chú thích” về “chức năng”/ “phép thiêng”/ “phong tục” liên quan đến địa danh từ sau sự tích xảy ra

Để tăng thêm tính xác thực, chứng cứ và mối liên hệ với thực tại cho sự tích được kể, tác giả dân gian Thái còn gia giảm trong câu chữ của kiểu truyện sự tích những “chú thích” về “chức năng”/ “phép thiêng”/ “phong tục” liên quan đến địa danh từ sau sự tích xảy ra.

Ví dụ kiểu chú thích về chức năng/phép thiêng của địa danh:

“Trong bảy ngày khóc nước mắt của chàng tuôn ra thành một dòng suối dọc núi Tà Đăng đổ xuống lượn vòng một thung lũng cỏ cây um tùm. Dòng suối ấy chứa đầy tiếng khèn tiếng hát gầu plềnh của chàng họ Thào, lúc nào cũng ngân nga không bao giờ dứt. Đàn cá nghe tiếng hát ngọt ngào kéo về đầy suối, con chim uống nước suối giọng hát càng trong trẻo hơn, con vượn uống nước suối kêu càng hay hơn, người thợ rừng nào qua đây uống nước suối, tắm suối trở về tự nhiên biết thổi khèn và say sưa hát gầu plềnh nếu là người Mông, hát khắp báo sao nếu là người Thái…” (Sự tích suối Hát bản Hát)

- “Ngày ngôi đền làm xong, để tượng trưng và luôn luôn tưởng nhớ hai cha con người đi săn dũng cảm, tài ba, đã vì quyền lợi của dân bản mà bỏ mình, bà con đặt hai cây cung và đôi kiếm trên bàn thờ rồi kính cẩn cúng vái. Trong khi đó, thú dữ tưởng là không còn ai trị được mình, hung hăng ngang nhiên kéo nhau đến các nương rẫy phá hoại. Bỗng từ trong ngôi đền, tên bắn ra như mưa, đôi kiếm bay vút lên trên không rồi sà xuống chém bầy thú dữ. Thú dữ chết như rạ. Khi không còn một con nào sống sót, thì đôi cung ngừng lao tên ra và đôi kiếm lại bay về chỗ cũ...” (truyện Ngôi đền bên bờ sông Hiếu – Phủ Quỳ, Nghệ An)

“Về sau người đời nhìn thấy, đặt tên cho tảng đá đó là Dá Tai Nao (già chết rét). Mỗi khi đi qua hòn đá này, người ta thường đến vái, và cầu chúc cho họ mãi mãi bên nhau như ước nguyện” (truyện Truyền thuyết Dá Tai Nao)

Ví dụ kiểu chú thích về phong tục ở địa danh sau khi sự tích xảy ra:

- “Tương truyền mái tóc của nàng trôi theo dòng suối biến thành rêu đá quanh năm xanh mượt. Ngày Tết năm mới, trẻ em đến Nậm Thia lấy rêu đá xài lơ (quấn khăn) lại nhớ đến bi kịch tình yêu cảu nàng Ủa” (phong tục người Thái lấy rêu đá ở suối Nậm Thia, Mường Lò).

- “Câu chuyện này lan ra, dân các bản mường ở hai bên đèo mỗi khi có việc phải đi qua đèo càng cẩn thận hơn. Bà con không dám đi một mình mà đi hai ba người trở lên, để dẫn dẵn nhau, giúp đỡ nhau, bảo vệ cho nhau mỗi khi qua đèo. Cái tên Pù Chộng Cha do đó mà ra đời” (truyện Núi Chộng Cha – Chộng Cha là nói lái của từ Chủng chà nghĩa là dắt đi, dẫn đi).

- “Từ đó, hằng năm, cứ từ mùng ba cho đến mùng năm tết là mọi người lại tập trung đến hợn xẹ tớng ở Khổng Lào, cùng nhau vui chơi, múa hát để tưởng nhớ Nàng Han. Còn lễ tế nàng Han chính thức thì được tổ chức vào ngày mười lăm tháng ba âm lịch” (Truyền thuyết Nàng Han).

Ngoài ra còn có thể kể ra một vài dấu hiệu hình thức khác như sự lặp lại của một số motype thường thấy: nước mắt chảy -> hóa thành Suối; Thuồng luồng chết (hoặc đào) -> thành khe mương, sông suối, ao hồ; Đất đá do ông khổng lồ làm rơi ra (hoặc thân thể nhân vật khổng lồ chết đi) -> hóa thành Núi...

PGS.TS Trần Thị An trong bài viết giới thiệu về lý thuyết tái định hướng thể loại đã nhấn mạnh nhứng giá trị của khung quy ước hình thức thể loại như sau: “Với một cái khung định hướng này, những người tham dự vào câu chuyện thoả sức thêu dệt trí tưởng tượng, tha hồ thêm bớt, thay đổi sự kiện sao cho phù hợp với ý đồ của người kể và thị hiếu của người nghe” và “điều này trong lí thuyết định hướng thể loại được gọi là tầm đón đợi”; “về mặt hình thức, nó mở ra những gì tiếp theo sau cái công thức mở đầu, nó hình dung tới những gì tiếp theo của một diễn ngôn, nó hướng tới kết thúc mà người kể và người nghe đều chờ đợi”; “trong hoạt động giao tiếp, tầm đón đợi này tạo ra sự thông hiểu chung giữa người nói và người nghe, là yếu tố cần thiết để triển khai hoạt động giao tiếp”; còn về mặt văn bản, “tầm đón đợi cấu thành một cái khung cho việc văn bản hoá, nghĩa là, cho việc tổ chức diễn ngôn với đặc tính văn bản: tính giới hạn, khuynh hướng kết hợp nội tại, tính chặt chẽ, tính sẵn sàng cho việc giải văn bản hoá và tái văn bản hoá...”[6]. Chúng tôi trích dẫn những nhận xét trên ở đây nhằm thay lời khẳng định những ý nghĩa, giá trị của “khung quy ước các yếu tố hình thức kiểu truyện địa danh người Thái” mà chúng tôi đã chỉ ra.

Vài lời Kết luận

Chỉ trong khuôn khổ một bài báo thì không thể nói hết được cái hay, cái đẹp của kiểu truyện sự tích nói chung và sự tích địa danh nói riêng của người Thái. Tuy nhiên sự mô tả về các chủ đề nội dung cũng như các yếu tố hình thức trên đây phần nào đã cho chúng ta một sự nhận diện chung về kiểu truyện này. Đây là một nhóm truyện độc đáo, hấp dẫn, chuyển tải nhiều ý nghĩa sâu sắc và đặc biệt là mang hơi thở văn hóa tộc người đậm nét. Nhóm truyện này cùng với nhóm truyện sự tích về phong tục, truyện sự tích về các sản vật, loài cây, con vật... có thể được ví như những “bảo bối” của người Thái, hay như là những “đặc sản” riêng của đồng bào trong việc lý giải nguồn gốc mọi sự vật, hiện tượng xung quanh họ, khiến cho sự tồn tại của thế giới này quả thật là ý nghĩa.

.......................................HẾT....................................................

PHỤ LỤC: 8 tư liệu khảo sát của bài viết:

1. Truyện cổ dân tộc Thái, Ty Thông tin Văn hóa Sơn La xuất bản, 1976.

2. Truyện cổ Thái, Ninh Viết Giao, Phan Kiến Giang, Hoàng Tam Khọi, Lò Văn Sĩ, Bùi Tiến sưu tầm, biên soạn, NXB Văn Hóa, HN.1980.

3. Truyện dân gian Thái, quyển 1, Cầm Cường sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý và biên soạn, NXB Khoa học xã hội, HN.1986

4. Truyện dân gian Thái, quyển 2, Cầm Cường, Cầm Kỷ, Hà Thị Thiệc sưu tầm, nghiên cứu, chỉnh lý và biên soạn, NXB Khoa học xã hội, Trường Đại học Tổng Hợp, HN.1987

5. Truyền thuyết và truyện cổ dân gian người Thái Mường Xo, Đỗ Thị Tấc chủ biên, Vương Thị Mín sưu tầm, biên soạn, NXB Văn hóa dân tộc, HN.2011

6. Truyện cổ người Tày, người Thái tỉnh Yên Bái, Hà Đình Tỵ, NXB Văn Hóa thông tin, 2012.

7. Truyện cổ Thái, Lê Quốc Hùng sưu tầm và biên soạn, NXb Kim Đồng, HN2013.

8. Tư liệu điền dã, sưu tầm (truyện Ải Chết Hay do ông Sầm Văn Bình cung cấp, ông Vi Đình Chính và Vi Đình Trung, bản Mở, Châu Thôn, Quế Phong, Nghệ An kể).

 


[1] Ví dụ như truyện “Nọng Pì cắp cù phưỡng” (Anh em và bè bạn) giải thích nguồn gốc xuất hiện câu tục ngữ “Pi nọng lảu khôm, cọ mĩ/ Nọng pì lôm nâu, hak mí” (Anh em bè bạn, rượu đắng, rượu ngọt, mới có/ Anh em ruột thịt, ngửi thối rữa, khắc có) trong cộng đồng Thái; truyện “Kỗn,lĩnh, xưa tốc khum heo điêu” (Người, Khỉ, Hổ cũng ngã một vực sâu) kể về “sự tích” xuất hiện câu tục ngữ “Chòi sắt, sắt chứ ơn, chòi kỗn, kỗn tào khả chẩu” (Cứu vật, vật trả ơn, cứu người, người trả oán) trong cộng đồng Thái.

[2] Chúng tôi dựa trên 8 nguồn tư liệu chính [xin xem Phụ lục 1]. Các số liệu chỉ dựa trên tư liệu chúng tôi có được.

[3] Xem thêm: Cầm Cường, Truyện dân gian Thái, quyển II, NXB KHXH, HN 1987, tr 7

[4] Điều này chúng tôi đã trao đổi với những người con của dân tộc Thái là Sầm Văn Bình, Lò Khánh Xuyên (người kể chuyện này cho Ninh Viết Giao ghi), và được hai ông cho biết như vậy. Ông Sầm Văn Bình còn cho biết thêm, hiện nay đồng bàoThái vẫn gọi tên ngọn đèo là Pù Chộng Cha, ông cũng đã có dịp đi qua đó. Nhân đây xin được cảm ơn hai ông đã cho biết thông tin.

[5] Tiếc rằng, về sau khi mở đường quốc lộ người ta đã phá mất tảng đá này [xem Truyền thuyết và truyện cổ dân ngian Thái Mường Xo, tr 269].

[6] Xem bài viết Tái định hướng thể loại folklore, PGS.TS Trần Thị An, TC Nghiên cứu Văn học, sô 1.2005

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020