Như một quy luật, càng tiếp cận và xử lý thông tin từ những hiện tượng riêng lẻ, các nhà khoa học nhận ra rằng họ càng xa rời hơn những qui ước làm việc ban đầu và mọi nỗ lực phân loại càng tiến gần hơn một sự thật đầy mai mỉa rằng đó chẳng qua là việc cố tình gắn lên đối tượng nghiên cứu những nhãn hiệu do tham vọng chốt chặt các lằn ranh mỏng manh của thế giới. Văn học dân gian, trước khi trở thành một đối tượng nghiên cứu chuyên biệt, là một thành phần của “hỗn hợp” văn hoá dân gian và việc nghiên cứu văn học dân gian, trước khi trở thành một ngành khoa học độc lập, thuộc địa hạt của dân tộc học. Năm 1971, Dan Ben-Amos (03-9-1934), nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, giáo sư đại học Pennsylvania, Philadelphia (Hoa Kỳ), chỉ ra một thực tế khá trớ trêu trong nghiên cứu folklore khi ông cho rằng đối với các nhà nhân học và nhà nghiên cứu văn học “folklore trở thành một chủ đề ngoại lai, một đám cỏ xanh bên kia hàng rào rất hấp dẫn họ nhưng, than ôi, không nằm trong lĩnh vực của họ” và “trong khi các nhà nhân học coi folklore là văn học, thì các nhà nghiên cứu văn học lại định nghĩa nó là văn hoá” [6]. Trước đó một phần tư thế kỷ, nhà cấu trúc luận người Nga, Vladimir. Ia. Propp, trong bài nghiên cứu Đặc tính của folklore (1946) cho rằng “xét về cội nguồn thì folklore cần phải gần, không phải với văn học mà với ngôn ngữ”. Ở một đoạn khác, ông lại nhấn mạnh: “Tách khỏi dân tộc học thì không thể có cách tiếp cận duy vật đối với việc nghiên cứu folklore” [14] … Ở Việt Nam, PGS Đỗ Bình Trị cho rằng sự thiếu nhất quán và lúng túng trong cách tiếp cận văn học dân gian là do “tình trạng dở dang, không dứt điểm trong việc nghiên cứu những vấn đề lý luận và sự phân tán ý kiến trong quan niệm về những vấn đề phức tạp của lý luận và phương pháp luận nghiên cứu folklore” [4]. Theo nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên, “sự dao động trong quan niệm lý thuyết về đối tượng và chức năng của folklore học hiện nay thực chất là sự dao động giữa quan niệm folklore là folk culture được tiếp cận dưới giác độ thẩm mỹ với quan niệm folklore là một bộ phận trong văn hoá nói chung,…” [3]. Thực tế cho thấy, sự phát triển chuyên ngành hẹp trong khoa học, một mặt khẳng định tư cách phát triển độc lập của từng lãnh vực nghiên cứu nhưng đồng thời càng thúc đẩy sự quan tâm sâu sắc việc thắt chặt hơn nữa mối quan hệ liên ngành để tiến gần hơn các mục tiêu khoa học. Là một sản phẩm nghệ thuật ngôn từ của dân chúng, văn học dân gian không xa lạ với lĩnh vực giao tiếp của con người trong sự tổng hoà các mối quan hệ của đời sống xã hội - văn hoá. Nếu làm một sự tổng kết sơ bộ các đường hướng nghiên cứu văn học dân gian, cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta nhận thấy ngôn ngữ học, nhân học văn hoá và tâm lí học hành vi là một sự phối hợp thích hợp cho những kì vọng đi đúng hướng và đạt những hiệu quả thiết thực trong lĩnh vực nghiên cứu này.
1. Folklore học và ngôn ngữ học: những hiện tượng song song
Trong số những thế lưỡng phân trứ danh của nhà ngôn ngữ học Thụy SĩFerdinand de Saussure (1857-1913), các nhà folklore học chú ý nhiều nhất đến cặp đôi đối lập “ngôn ngữ / lời nói”. Trong Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (1916), Saussure định nghĩa ngôn ngữ (langue) là toàn thể những quy ước được một cộng đồng chấp nhận để đảm bảo sự thấu hiểu lời. Mỗi ngôn ngữ (langue) bao gồm một hệ thống ngữ âm, từ pháp, cú pháp,… tồn tại khách quan ở dạng tiềm năng, là tài sản chung của mọi người. Lời nói (parole) là ngôn ngữ đang hoạt động, là sự vận dụng, sự hiện thực hoá ngôn ngữ của cá nhân trong từng tình huống giao tiếp xã hội cụ thể. Ông xác định đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học chính là ngôn ngữ (langue), một kết cấu tinh thần trừu tượng, khái quát, tiên nghiệm và bất biến, là bản thể xã hội, thuộc về cộng đồng, là sản phẩm của xã hội kết đọng lại trong óc của mỗi người chứ không phải lời nói (parole). Chuyển sang lĩnh vực folklore, Petr Bogatyrev và Roman Jakobson trong bài viết Folklore với tính cách một hình thức sáng tạo đặc biệt (1929) cho rằng tương tự như langue, tác phẩm folklore ở ngoài cá nhân và chỉ có một sự tồn tại tiềm tàng. Nó chỉ là một tập hợp những chuẩn mực và xung lực nhất định, một phác thảo của truyền thống sống động mà người trình diễn làm cho sinh động bằng những sự tô điểm của sáng tạo cá nhân, giống như việc những người chủ nhân của parole làm đối với langue. Theo các tác giả này, phương thức tồn tại của một tác phẩm nghệ thuật là một trong các dấu hiệu phân biệt chủ yếu giữa folklore với văn học: “từ quan điểm người trình bày tác phẩm folklore, thì mỗi tác phẩm này là một sự kiện của langue, tức là một sự kiện ngoài cá nhân, độc lập đối với người trình diễn còn đối với tác giả một tác phẩm văn học, thì tác phẩm đó là một sự kiện của parole” [9].
Trong giai đoạn đầu của folklore học, do yêu cầu xây dựng một hệ thống lý thuyết làm nền tảng cho việc phân loại, nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian, các nhà folklore học tập trung chủ yếu vào việc khám phá cấu trúc tĩnh tại, bất biến của văn bản, loại trừ tất cả các yếu tố ngẫu nhiên, cá thể, cụ thể của diễn xướng và giao tiếp nhằm hướng tới những phác đồ cấu trúc khái quát, những mô hình phi thời gian, những thuộc tính bản chất của folklore nói chung. Ở Nga, người mở đường xuất sắc cho hướng nghiên cứu này là nhà folklore học thuộc trường phái Lý thuyết chức năng Alexander Nikolayevich Veselovsky (1838-1906) thông qua việc xác định motif là đơn vị nhỏ nhất, là yếu tố bất biến, cố định cấu thành cốt truyện đồng thời có mối quan hệ biện chứng với cấp độ cao hơn (type) trong cơ chế sản sinh và truyền bá truyện cổ tích. Đi xa hơn, Vladimir Yakovlevich Propp (1895-1970) xác định cấp độ nhỏ hơn của mô-típ là các hành động chức năng của nhân vật để trên cơ sở đó, xác lập một mô hình chung cho mọi truyện cổ tích (thần kỳ). Ở Phần Lan, từ những thập niên cuối thế kỷ XIX, giáo sư văn học Julius Leopold Fredrik Krohn (1835-1888) khởi xướng phương pháp nghiên cứu địa lý - lịch sử (Historic - georaphic Method) trong nghiên cứu truyện dân gian. Sau đó, con trai ông là Kaarle Krohn (1863-1933), giáo sư ngành folklore học so sánh thuộc đại học tổng hợp Helsinki, cùng người học trò của hai ông làAntti Amatus Aarne (1867-1925) tiếp sức phát triển và hoàn thành mục tiêu xây dựng các bảng tra cứu dưới dạng danh mục các thể loại văn học dân gian như là một hồ sơ lịch sử về dị bản của truyện kể dân gian Phần Lan và Bắc Âu trong hai thập niên đầu của thế kỷ XX . Trên cơ sở kế thừa những thành tựu học thuật của những người thầy thuộc trường phái Phần Lan, nhà folklore học người MỹStith Thompson (1885-1976) lần lượt mở rộng phạm vi phủ sóng của các bảng tra cứu type và motif truyện dân gian sang khu vực Nam Âu rồi vượt ra ngoài Châu Âu sang Châu Á, đặc biệt là Ấn Độ... Những thành tựu nói trên đã đóng góp cho folklore học các hệ thống phân loại có tính thực tiễn cho việc tổ chức các tuyển tập lưu trữ (archival collections) và các văn bản đã công bố.
Trên cơ sở sự đối lập “ngôn ngữ / lời nói” trong quan điểm của Saussure, năm 1943, trong công trình Diễn ngôn (Discourse), Sara Mills sử dụng diễn ngôn (discourse) như một khái niệm chuyên môn đối lập với khái niệm văn bản (text). Trong khi văn bản (text) là cấu trúc ngôn ngữ mang tính chất tĩnh, diễn ngôn (discourse) là cấu trúc lời nói mang tính chất động. Tác giả cho rằng diễn ngôn (discourse) là thuật ngữ có phạm vi nghĩa khả hữu rộng nhất so với bất cứ thuật ngữ nào khác thuộc lý luận văn học và văn hoá. Và nửa thế kỷ sau, ở mục từ Discourse của cuốn Bách khoa toàn thư lý thuyết văn chương đương đại (Encyclopedia Contemporary Literary Theory) (1993), Marie Christine lại khẳng định phạm vi phủ sóng rất rộng của thuật ngữ diễn ngôn khi bà cho rằng nó đi ngang qua ranh giới của các lĩnh vực và tham gia vào một sự tái tổ chức tri thức nói chung đang diễn ra trong khoa học xã hội và nhân văn hiện nay. Mikhail Mikhailovich Bakhtin(1895-1975) phê phán ngôn ngữ học hàn lâm dành hết mọi sự tập trung cho việc nghiên cứu cấu trúc trừu tượng và khép kín mà bỏ qua bình diện sinh thành của ngôn ngữ và trở thành người đi tiên phong, đề xướng một truyền thống mới trong nghiên cứu diễn ngôn xem xét ngôn ngữ như một thực thể đa dạng, sống động, mang tính lịch sử. Tiểu luận Vấn đề các thể loại lời nói (1952-1953) thể hiện tập trung nhất hướng tiếp cận phong cách học về diễn ngôn của ông được xây dựng trên cơ sở đối lập với quan điểm của Saussure về ngôn ngữ. Cao điểm của sự đối lập giữa văn bản (text) và diễn ngôn (discourse) vào những năm 1960 đã đưa ngôn ngữ học rẽ sang hai hướng nghiên cứu. Tình hình cũng xảy ra tương tự trong folklore học. Với chủ trương nghiên cứu folklore theo đường hướng mới từ lúc giữ vị trí biên tập tờ Tạp chí Folkore Hoa Kỳ (Journal of American Folklore) (1908), năm 1940, Franz Boas cùng các học trò tiến hành nhiều nghiên cứu, sưu tập truyện kể dân gian của người da đỏ Bắc Mỹ. Ông quan tâm cả bình diện phong cách văn bản lẫn hình thức diễn ngôn trong sinh hoạt thực hành của truyện kể trong môi trường cụ thể. Mười lăm năm sau, trong tình thế sự phân chia lãnh địa nghiên cứu giữa các nhà ngữ văn dân gian và các nhà nhân học đi đến chỗ đối lập gay gắt và mất tiếng nói chung, William Bascom đề nghị thay thế thuật ngữ folklore bằng thuật ngữ nghệ thuật ngôn từ (verbal art) nhằm xác định cách nhìn nhận tác phẩm văn học dân gian không chỉ là những lát cắt tĩnh tại, những vật thể tồn tại của quá khứ trên các văn bản mà với tư cách những hoạt động lời nói, từ góc độ hoạt động giao tiếp trong mối tương quan đồng đại với vô vàn các mối dây liên hệ, những yếu tố ngẫu nhiên, những chế ước của môi trường diễn xướng cụ thể. Từ sau khi khái niệm nghệ thuật ngôn từ (verbal art) được William Bascom đề xuất (1955), làn sóng phản đối việc ghi chép văn bản folklore tách rời bối cảnh ngôn ngữ, hành vi, giao tiếp, biểu đạt và diễn xướng nổi lên mạnh mẽ và quyết liệt. “Trào lưu bối cảnh” (Contextual movement - chữ dùng của Richard Mercer Dorson (1916-1981)) do các nhà folklore học trẻ nhiệt huyết ở Hoa Kỳ như Dan Ben-Amos, Alan Dundes, Robert Georges… khởi xướng đã tạo nên một cuộc tranh luận “văn bản-bối cảnh” kéo dài 2 thập kỷ (1965-1979) trong giới folklore học ở nước này. Từ những năm 1980 đến nay, trong các nghiên cứu như The ethnography of genre in a Mexican market: form, function, variation (1993), Genre (2000), A World of Others’ Words: Cross-Cultural Perspectives on Intertextuality (2004)…, Richard Bauman đề nghị một sự tái định dạng (reconfiguration) đối với khái niệm thể loại trong nghiên cứu văn học dân gian, xem nó như một phong cách lời nói (speech style) đầy tính năng động (mobilized) và vì thế, thể loại là một hệ thống mở, một khung định hướng quy ước cho sự sản sinh và tiếp nhận diễn ngôn (a conventionalized orienting framework for the production and reception discourse) hơn là một phạm trù phân loại (a category of classification) như hàm nghĩa truyền thống của từ này. Đề nghị hướng tiếp cận tác phẩm văn học dân gian theo đúng bản chất tồn tại của nó như là nghệ thuật ngôn từ gắn liền với hoạt động giao tiếp và tương tác xã hội bằng ngôn ngữ đồng nghĩa với việc xem diễn xướng cũng là một “trò chơi ngôn ngữ” (language game)[1] với các yếu tố tham gia vào giao tiếp: người phát, người nhận, mã, thông điệp, vật quy chiếu, ngữ cảnh và “quy tắc trò chơi” mà trong đó, các quy tắc mã hoá cùng các điều kiện giải mã diễn ngôn do cộng đồng quy ước và do chủ thể sáng tạo cùng với chủ thể tiếp nhận thỏa thuận với nhau. Theo đó, mọi hình thái phát ngôn trừu tượng (văn bản) sẽ không còn cơ sở tồn tại.
Hướng tiếp cận bối cảnh (context-based approach) là một hệ quả tất yếu của sự chín muồi và thành hình sống động một nhận thức về bản chất đích thực của tác phẩm văn học dân gian vốn thường trực trong ý thức của hầu hết các nhà nghiên cứu folklore từ trước khi ngành học này chính thức ra đời và khẳng định vị trí độc lập. Các nhà nhân học là những người đi tiên phong trong đường hướng nghiên cứu mới mẻ này.
2. Hướng áp dụng nhân học văn hoá và tâm lí học hành vi trong nghiên cứu văn học dân gian
Với tính chất một bộ môn liên ngành, nhân học là một ngành học toàn diện, trên cơ sở vận dụng những khám phá của các ngành khoa học khác nhau và cố gắng kết hợp chúng với những dữ kiện riêng của mình để nghiên cứu về bản chất tự nhiên, bản chất xã hội và quá trình lịch sử của con người. Bối cảnh (context) là một khái niệm cơ bản trong nhân học. Nghiên cứu bối cảnh là đặt đối tượng trong những mối liên hệ và quan hệ khác nhau với các đối tượng khác cũng như các yếu tố môi trường xung quanh. Phương pháp chính của nhà nhân học - những người làm điền dã (field workers) - là quan sát - tham dự (participant observation): tham gia trực tiếp vào thế giới thực tiễn (empirical world), lấy thông tin từ các tình huống cụ thể, các bối cảnh xã hội (social contexts) để hiểu biết cuộc sống của đối tượng nghiên cứu theo cách nhìn của chính đối tượng nghiên cứu (inside). Thông tin mà họ hướng tới không phải là bức tranh về cộng đồng mà là bức tranh về cuộc sống của cộng đồng theo cách mà cộng đồng đó đang sống (life as lived) với các mối quan hệ (social relations) và sự tương tác xã hội (social interaction) và các yếu tố, các vấn đề sâu xa ẩn dưới các mối quan hệ và tương tác này, nói chung là các động lực xã hội tác động đến hành vi con người. Đặc thù của nghiên cứu nhân học là cách tiếp cận mở nên phải liên tục điều chỉnh khung lí thuyết cho phù hợp với các phát hiện trên thực địa. Một trường hợp thực tế không đại diện cho bức tranh tổng thể về lĩnh vực nghiên cứu. Do đó, việc tăng số lượng đối tượng nghiên cứu không giúp đưa ra bức tranh đại diện hơn về cộng đồng.
Nói chung, các phương pháp của nhân học văn hoá (còn được gọi là dân tộc học) được áp dụng trong nghiên cứu folkore từ khá sớm. Những phát sinh từ khảo sát thực địa (empirical investigation) và điền dã dân tộc học liên tục đặt ra yêu cầu nhận thức lại đầy đủ về bản chất của đối tượng nghiên cứu của folklore học. Năm 1897, các nhà folklore học Mỹ đã đề xuất thuật ngữ folklife đối trọng với thuật ngữ folklorecó tuổi đời nửa thế kỷ. Nếu tính từ thời kỳ Franz Boas giữ vị trí biên tập tờ Tạp chí Folkore Hoa Kỳ (1908) và chủ xướng đường hướng nghiên cứu văn học dân gian theo phương pháp điền dã dân tộc học đến nay thì hướng nghiên cứu văn học dân gian dựa trên lý thuyết nhân học có tuổi đời hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, trước khi trường phái nghiên cứu “bối cảnh” ra đời ở Mỹ vào thập niên 60 của thế kỷ XX, văn học dân gian chủ yếu được đặt trong bối cảnh chung của văn hoá các dân tộc, trong đó, hoàn cảnh diễn xướng được đề cập một cách sơ lược, gián tiếp nhưng những chỉ dẫn đi kèm các dị bản tác phẩm được sưu tầm. Đóng góp lớn của các nhà folkore học giai đoạn này là tái dựng những phong tục xa xưa bị thời gian vùi lấp để hỗ trợ cho việc lí giải nội dung ẩn sau những chi tiết thể hiện trên bề mặt ngôn từ của tác phẩm. Các nghiên cứu kinh điển của nhà nhân học theo quan điểm tiến hoá người Anh James George Frazer (1854-1941) xoay quanhmối tương liên giữa huyền thoại và nghi lễ, cụ thể là sự kết nối giữa huyền thoại với tư duy ma thuật (gồm ma thuật bắt chước và ma thuật lây nhiễm). Với kỳ công nghiên cứu suốt vài ba thập kỷ, tác giả đã tin rằng mình đã tìm ra chìa khoá tư duy ma thuật của các dân “hoang dã”, tức là nắm được quy trình vận hành của nó cũng như đã chọc thủng bí ẩn về của các nghi thức ma thuật. Những khám phá của Frazer trở thành những di sản quý giá cho cả hai lĩnh vực nghiên cứu: nhân học và thần thoại học. Sau khi đề xuất mô hình cấu tạo đầy đủ của một truyện cổ tích với 31 hành động chức năng của 7 loại nhân vật, Vladimir Yakovlevich Propp (1895-1970) đi tiếp đến “Những gốc rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kỳ” - những nghiên cứu về mối quan hệ biện chứng giữa truyện cổ tích với nghi lễ, phong tục và tư duy nguyên thủy - để cung cấp những chỉ dẫn dân tộc học giúp cho việc hiểu những thông tin “mơ hồ” hoặc “bí truyền” trong truyện cổ tích đồng thời đưa ra những giả định khoa học để phác hoạ cơ chế chuyển hoá ở bề sâu của những dữ liệu dân tộc học thành dữ liệu folklore… Có một điều đáng lưu ý là ngay cả các nhà nghiên cứu folklore theo truyền thống ngữ văn điển hình nhất như Stith Thompson, cuối cùng để đạt đến sự trọn vẹn của mục tiêu khoa học mà mình theo đuổi, vẫn tìm đến với nhân học văn hoá. Chính vì vậy, ông không chỉ vượt qua giới hạn nghiên cứu truyện cổ tích từ góc độ cấu trúc ngôn từ (type, motif) đến góc độ nguyên tắc tổ chức văn bản (tự sự học) mà, trong một chừng mực nào đó, còn chạm đến phương diện văn hoá học và ngoài mục tiêu trước hết là trình bày truyện cổ tích như là một nghệ thuật quan trọng, cần cho mọi tộc người, ông còn giúp độc giả làm quen với những truyện cổ tích nổi tiếng thế giới, không chỉ để thỏa mãn hứng thú của họ đối với truyện cổ tích mà còn làm quen với các thành tố quan trọng của văn hoá.
Sự điều chỉnh của Bascom trước tình hình “xung khắc” về quan điểm giữa các nhà nhân học và các nhà nghiên cứu ngữ văn dân gian thông qua thuật ngữ nghệ thuật ngôn từ (verbal art) vào năm 1955 có ý nghĩa thúc đẩy hướng tiếp cận văn học dân gian trong môi trường diễn xướng, đặc biệt là từ góc độ hoạt động giao tiếp. Năm năm sau, từ chỗ xác định nội hàm cho thể loại sử thi thông qua việc thay đổi tên gọi từ sử thi dân gian (folk epic) thành sử thi truyền miệng (oral epic), trong lý thuyết công thức truyền miệng (oral formulaic theory), Milman Parry và Albert Lord đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức tác phẩm trong quá trình diễn xướng bằng miệng hơn là bản thân hình thức truyền miệng. Bước sang thập niên 60, Alan Dundes là người mở đầu hết sức bài bản cho hướng nghiên cứu bối cảnh thông qua mô hình ba cấp độ: Văn bản - Kết cấu - Bối cảnh (Text, Texture and Context) [10]. Theo ông, chính bối cảnh là cơ sở phân biệt thể loại, giải thích lí do tồn tại của các văn bản cũng như tính ích dụng xã hội cụ thể của tác phẩm văn học dân gian. Sự phân tích toàn diện cấu trúc của từng cấp độ trên cơ sở những ghi chép điền dã tỉ mỉ và trung thực thông tin của các tình huống giao tiếp cụ thể sẽ mang lại những kết quả nghiên cứu có giá trị thực tiễn. Dan Ben-Amos gây nên một làn sóng tranh luận mạnh mẽ khi ông tuyên bố sai lầm của các nhà nghiên cứu đi trước nằm ở quan niệm của họ về tác phẩm văn học dân gian như một bộ sưu tập những vật thể (an aggregate of things, common set of material) được gán cho các thuộc tính bất biến của truyền thống (tradition) và truyền miệng (oral transmission) trong khi bản chất chúng là một quá trình giao tiếp (a communicative process), đặc biệt là sự giao tiếp nghệ thuật trong nhóm nhỏ (artistic communication in small groups). Từ đó, ông định nghĩa folklore là “một hành động nghệ thuật” (artistic action), “một sự tương tác xã hội” (social interaction), “một quá trình hiện thực, nghệ nghuật và giao tiếp” (a definite realistic, artistic and communicative process) [6]. Cũng vào thời gian này, A. Robert Georges khẳng định các sự kiện kể chuyện (storytelling events) là “hành động phi văn tự hay tiền văn tự” (the actions of nonliterate or the preliterate), là “một loại sự kiện giao tiếp” (communicative event) và “kinh nghiệm xã hội” (social experience) của con người mà những ai tham dự vào bối cảnh của nó phải thiết lập “các bản sắc xã hội” (social indentities) [12] với vai trò những người nói và những người nghe. Theo ông, nghiên cứu văn bản truyện cổ không khác gì nghiên cứu sự diễn đạt bằng văn tự một bình diện của thông điệp của các sự kiện giao tiếp phức tạp. Đặc biệt, trong bài viết Truyện ngụ ngôn trong bối cảnh: Một phân tích có tính tương tác xã hội về diễn xướng kể chuyện (1975), Barbara Krishenblatt – Gimblett đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng một tình huống diễn xướng truyện ngụ ngôn trong giao tiếp đời thường. Bà đã chỉ ra cơ chế tương tác giữa các vai giao tiếp mà ở đó, câu chuyện góp mặt như một thành tố có quan hệ hữu cơ trong việc tạo ra thông điệp của giao tiếp, và quan trọng hơn có chức năng hiệu chỉnh, tái lập cân bằng cho các sự cố phá vỡ chuẩn mực của xã hội.
Đối lập với hướng nghiên cứu ý thức con người, tâm lí học hành vi nổi lên như một phân nhánh thứ ba của tâm lý học thế kỷ XX, bên cạnh tâm lý học phân tích và tâm lý học nhận thức, với những đại biểu xuất sắc: J Watson (1878-1958), E.Tolmen (1886-1959), E.L.Toocdai (1874-1949), B.Ph.Skinnơ (1904-1990)… Đi theo đường hướng của chủ nghĩa thực chứng của triết gia Pháp Isidore Auguste Marie François Xavier Comte (1798-1857), các nhà tâm lý học hành vi chọn đối tượng nghiên cứu khách quan là các hành vi quan sát được từ thực tế.
Trong công trình Dẫn nhập về folklore và đời sống dân gian, Richard M. Dorson nhận định rằng với nỗ lực làm cho folklore học trở thành một ngành khoa học chính thống, các nhà nghiên cứu trẻ thuộc trường phái “bối cảnh” đã chuyển hướng quan niệm tác phẩm folklore như những vật thể hay những văn bản sang một loại hành vi và sự giao tiếp của con người. A. Robert Georges, trong bài viết Để tìm hiểu về các buổi kể chuyện, đã xác lập những nguyên tắc hành vi của những sự tương tác kể chuyện, đồng thời, ông cũng chỉ ra sự khác biệt giữa văn bản và hành vi cũng như vai trò của chúng đối với sự cấu thành thông điệp của sự kiện giao tiếp - kể chuyện. Richard Bauman phát triển lý thuyết về nghệ thuật ngôn từ (verbal art) của Bascom thông qua sự diễn giải sâu sắc nội hàm của các khái niệm có liên hệ chặt chẽ: “nghệ thuật ngôn từ” (verbal art), “sự diễn xướng” (performance), “hành vi ngôn từ” (verbal behaviour), “cách thức nói” (the way of speaking) [8]. Theo ông, cách hiểu truyền thống về diễn xướng (performance) đã cô lập tác phẩm folklore trong các hình thức biểu diễn đặc thù của những thể loại mang tính thẩm mỹ trong khi với tư cách là một cách thức nói (the way of speaking), bản chất của nghệ thuật ngôn từ (verbal art) chính là hoạt động giao tiếp bao gồm những phạm vi khác nhau của hành vi ngôn từ (verbal behaviour).
Là người có nền tảng tri thức tâm lý học từ cuối thập niên 50, Hasan El-Shamy nhận ra lĩnh vực tâm lý, cụ thể là tâm lý học hành vi nằm trong quỹ đạo tiếp cận liên ngành mà các nhà nhân học vận dụng trong folklore học. Năm 1967, ông đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài Hành vi luận trong folklore học: một lý thuyết để nghiên cứu tính năng động của văn hoá truyền thống. Trên cơ sở mô hình tương tác giữa kích thích (S: stimulus) và phản ứng (R: reaction) trong tâm lý học hành vi, ông phác hoạ một sơ đồ khái quát cơ chế tạo nên một tình huống diễn xướng cụ thể đi từ tác nhân gợi ý dẫn đến hành vi kể chuyện, sự tương tác giữa các yếu tố bối cảnh làm nảy sinh những tình tiết, những hành động đối phó và kết quả của sự diễn xướng. Mô hình này được ông vận dụng vào việc phân tích hai tình huống thực tế được ghi chép tỉ mỉ bằng phương pháp quan sát - tham dự. Thông qua sự phối hợp các phương pháp nghiên cứu liên ngành: ngôn ngữ, dân tộc học, xã hội học, tâm lý học hành vi, đặc biệt là sự vận dụng khá linh hoạt các khái niệm của tâm lí học, Hasan El-Shamy đã đưa ra những minh chứng khả thi cho một đường hướng nghiên cứu mới mẻ còn đang gây tranh cãi.
Như vậy, ngôn ngữ học, nhân học văn hoá và tâm lý học hành vi là ba lĩnh vực hỗ trợ đắc lực cho folklore học trong việc tái xác định đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu. Cần thấy rằng phương pháp nghiên cứu liên ngành không phải là một phép cộng của các ngành học mà là một sự tổng - tích hợp và đồng quy các cách tiếp cận theo ý nghĩa xuyên ngành để có thể nhận thức đối tượng nghiên cứu một cách đầy đủ và toàn diện. Với những thành quả bước đầu trên cả phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn, hướng nghiên cứu bối cảnh góp phần làm hồi sinh chất sống, giữ gìn vẻ đẹp và giá trị vốn có của tác phẩm văn học dân gian. Tuy nhiên, vốn liếng nghiên cứu truyền thống đã thực sự trở thành tài sản quý giá cho ngành khoa học còn khá non trẻ này. Thực tế cho thấy, mọi sự cực đoan trong việc áp dụng cứng nhắc một phương pháp nào đều tạo ra nguy cơ hủy hoại chính bản thân đối tượng nghiên cứu. Hy vọng rằng sự thiếu cân đối trong bức tranh học thuật về folkore sẽ được khắc phục trong một tương lai không xa.
NHN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thị An (2008); “Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif – Những khả thủ và bất cập”; Nghiên cứu Văn học, (7).
2. Cành vàng – Bách khoa thư về văn hoá nguyên thủy. Nxb Văn hoá Thông tin, Tạp chí Văn hoá - Nghệ thuật, H, 2007.
3. Chu Xuân Diên (2004). Mấy vấn đề văn hoá và văn học dân gian Việt Nam. Nxb Văn Nghệ Tp.HCM, tr.226.
4. Đỗ Bình Trị (1982). “Mấy vấn đề hiện nay của nghiên cứu folklore”, Văn hoá dân gian, tr.27.
5. Tuyển tập V. Ia. Propp, tập I, II. Nxb Văn hoá dân tộc, Tạp chí Văn hoá - Nghệ thuật, H, 2003, 2004.
6. Ben-Amos, Dan (1971), “Tiến tới một định nghĩa về văn hoá dân gian trong ngữ cảnh” (“Toward a Definition of Folklore in Context”). Journal of American Folklore, (84), tr.3-15.
7. Bascom, William (1955), “Nghệ thuật ngôn từ” (“Verbal Art”). Journal of American Folklore (68), tr.4-27.
8. Bauman, Richard (1975), “Nghệ thuật ngôn từ truyền miệng như một hình thức diễn xướng” (“Verbal Art as Performance”). American Anthropologist (77), tr.290-311.
9. Bogatyrev, Petr and Roman Jacobson (1929), “Folklore với tính cách một hình thức sáng tạo đặc biệt” (“Folklore as a Special Form of Creativity”). The Prague School: Selected Writings 1929- 1946. Ed. Peter Steiner. (Austin: University of Texas Press, 1982), tr.32-46.
10. Dundes, Alan (1964), “Kết cấu, văn bản và bối cảnh” (“Texture, Text and Context”). Southern Folklore Quarterly (28), tr.251-265.
11. El-Shamy, Hasan (1967), Hành vi luận trong folklore học: một lý thuyết để nghiên cứu tính năng động của văn hoá truyền thống(Folkloreic Behavior: A Theory for the Study of the Dynamics of Traditional Culture), luận án tiến sĩ, Folklore Institute, Indiana University.
12. Georges, Robert A. (1969), “Để tìm hiểu các sự kiện kể chuyện” (“Toward an Understanding of Storytelling Events”), Journal of American Folklore (82), tr.313-328.
13. Lemon, Lee T., Reis, Marion J. (dịch và viết lời giới thiệu) (1965), “Lời giới thiệu” (“Introduction”), Regents Critics Russian Formalist Criticism: Four Essays, University of Nebresaka Press, tr.xi-xvii.
14. Propp, Vladimir. Ia. (1946), “Đặc tính của Folklore” (“The Nature of Folklore”). Theory and History of Folklore, ed. Anatoly Liberman. (Minneapolis: University of Minnesota Press, 1984). tr.3-15.
[1] Khái niệm trò chơi trên ngôn ngữ do Johan Huizinga khởi xướng vào năm 1955, sau đó được triết gia Ludwig Wittgenstein thiết lập như một khái niệm then chốt và đặc biệt phức tạp, sau đó, nó lại được Jean-Francois Lyotard vận dụng để biện luận về đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2013