Nghiên cứu khoa học

Motif trong truyện Ma lai của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn-Tây Nguyên: một vài nét so sánh


10-10-2020

1. Mở đầu

Trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân vùng Trường Sơn-Tây Nguyên (TS-TN), truyện dân gian nói chung và truyện ma lai nói riêng đã phản ánh mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên và xã hội cũng như sự tự ý thức bản thân mình. Thông qua loại truyện ma lai, những nội dung sinh hoạt của cộng đồng mang tính chất siêu linh, đậm chất huyền bí, ma quái của tín ngưỡng dân gian được phản ánh kèm theo những lệ tục đầy mê tín, dị đoan có thể gây hại đến đời sống yên lành của mọi người trong các bon, buôn, plei, sóc,… Bài viết nhằm so sánh loại truyện ma lai của một số tộc người cụ thể ở hai nhóm tộc người Mã lai Đa đảo (còn gọi là Nam Đảo, viết tắt là NĐ) và Môn Khmer (MK) nhằm tìm ra những điểm tương đồng và khác biệt. Những điểm khác biệt sẽ phản ánh những nét đặc trưng riêng của mỗi tộc người / nhóm tộc người trong sinh hoạt thực hành loại tín ngưỡng dân gian này, thông qua truyện dân gian, .

2. Tư liệu và phương pháp nghiên cứu

Trong kho tàng truyện dân gian của hai nhóm tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ NĐ và MK ở TS-TN, đều có loại truyện ma lai. Tổng cộng có 17 truyện, gồm: nhóm NĐ đảo có 7 truyện và nhóm MK có 10 truyện[1]. Cụ thể là, chúng tôi tìm thấy 7 truyện ở các tộc người NĐ: người Chăm H’roi có 1 truyện Suối Chồng Mâm và sự tích ma lai, người Êđê có 3 truyện Thần Yang Liê và sự tích ma lai, Chàng trai diệt ma lai và Bác thợ săn và cô gái đười ươi, và 3 truyện Cô gái lạc trong rừng, Cô gái ở trong rừng, Tleng Lớn của người Gia rai. Trong khi đó nhóm MK có 10 truyện, gồm các truyện: người K’ho có 2 truyện Chàng trai và mụ ma laiSự tích ma lai, người Mạ có 1 truyện Quỷ giã gạo làm men, người M’nông có 3 truyện Truyện ma laiChuyện kể về ma laiN’Krăh đánh nhau với làng dân ma lai, người Tà Ôi có 1 truyện  Hai bố con, và người Xtiêng có 3 truyện Chuyện ăn thịt ngườiCon ma laiChuyện Ó ma lai.

Trong nghiên cứu này chúng tôi sử dụng phương pháp so sánh loại hình lịch sử; so sánh motif trong truyện ma lai giữa hai nhóm tộc người NĐ và MK để thấy được những nét tương đồng và khác biệt về quan niệm tín ngưỡng dân gian trong đời sống tâm linh của hai nhóm tộc người này.

3.  Vài nét về truyện ma lai của các dân tộc thiểu số ở TS-TN

3.1. Khái niệm ma lai

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Ma lai theo tín ngưỡng dân gian là hiện tượng ma làm hại trong nội bộ cộng đồng, phổ biến ở vùng dọc TS-TN. Người có ma lai được coi là người có phép lạ, qua lời nói hành động, có thể gây bệnh, thậm chí làm chết người cùng làng, cùng tộc. Tương truyền, đêm đến ma lai rời xác đi hút máu người bệnh, gây chết người. Dân làng nghi người có ma lai, dù là anh em cũng tìm cách giết người đó và cả gia đình họ” (Từ điển bách khoa Việt Nam, Tập 2, 2002, tr.805).

Nguyễn Định (Phú Yên) nhận định: “Một số dân tộc thiểu số cho rằng, trong thế giới ma quỷ, có một loại ma gọi là ma lai chuyên rút ruột người qua việc ăn phân người. Con người tin và thờ thần thánh là tiền đề dẫn tới tín ngưỡng và tôn giáo, ngược lại, quan niệm có ma quỷ, sợ ma quỷ là con đường dẫn tới mê tín dị đoan. Mê tín dị đoan là hiện tượng có tính chất xã hội” (Viện nghiên cứu văn hóa, 2011, tr.42-43).

Theo Tạ Chí Đại Trường có một loại ó ma lai được cư dân Khánh Hoà cúng vái gần núi rừng… Theo Từ điển Việt-Chăm thì quỷkamưlaima quỷbhut kamưlai… Người Ra Glai gọi là kamalai…Người M’Nông gọi là km’lai, ka mlai, còn người Mạ và K’ho là ca malai, chà malai, ómalai, là kẻ ăn người, thậm chí mang lốt người (Dẫn theo Lê Hồng Phong, 2006, tr.109-111).

Theo Cửu Long Giang và Toan Ánh, “Ma lai do tiếng K’Mlai (KéMé Lai) của người Rơglai và Churu mà ra. K’Mlai chỉ một loại người quỷ. Tiếng ÊDÊ gọi là MTÂO. Người Jarai gọi là R’NUNG (Rơ-nung). Người Banhar và người Koho gọi là SAMAT, người M’NÔNG gọi là CHIAK, người Cil gọi là Cà (Chà) (Cửu Long Giang – Toan Ánh, 1974, tr.25). Người Hrê và người Cor gọi ma lai là kiếc kanh (Phạm Nhân Thành, 2007, tr.7-91).

Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi đã khảo sát toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của tộc người Ba Na và có nhận định sau về hiện tượng ma lai: “Tai bơlai, mà người Annam nói trẹo ra ma lai, là một hạng người ăn ruột gan người đau. Người Ba-na tin rằng: Hễ thấy ai đau thì đêm khuya người tai bơlai cho hồn đi hoặc rút đầu lén đến ăn ruột, gan, phổi người ấy” (Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, 2011, tr.266-267)

Jacques Dournes trong công trình Rừng, đàn bà, điên loạn thì cho rằng ma lai mà đồng bào gọi là rӧhung - ác thần chỉ biết hủy hoại, khát máu, thích ăn thịt người. Những kẻ trong khi thụ giáo nghề phù thủy lỡ phạm vào điều cấm kỵ, hoặc bị quỉ nhập, có thể bị biến thành ma lai. Lúc đó, họ bị mọc lên một cái mồng trên đầu và chuyên đi ăn cuộc sống của người khác. Do cái mồng / mào trên đầu dễ phát hiện, ma lai bị tàn sát nên đã van xin Trời cho mất cái mồng đi[2]. Từ đó, ma lai ẩn náu trong thân xác người bình thường khó phân biệt. Về đêm, ma lailang thang đi giết người để ăn thịt, hoặc rỉa tử thi. Khi có tiếng chim lợn kêu, người ta tin đó là ma lai đang cưỡi chim lợn và làng ắt có người chết… Trong dân gian các tộc người TS-TN thường truyền tụng rằng: "ma lai" là một thứ ma không có hình thù cố định, chuyên bay đi để ăn nội tạng của người hay súc vật. Người có "ma lai" sẽ làm ra "thuốc thư". Nếu ghét ai thì sẽ bỏ cho người đó đau ốm mà chết. Người bị nghi “ma lai” bị cộng đồng xa lánh, bị đuổi ra khỏi làng, thậm chí bị giết cả nhà. Định kiến ma lai tệ hại đến mức bất cứ kẻ nào trong buôn làng bị cộng đồng tình nghi là ma lai, mọi tai họa oán thù sẽ đổ lên đầu người đó khiến số phận của họ trở nên bất hạnh khôn cùng… Trong thực tế, một thành viên của xã hội chỉ “thật sự” là rӧhung khi dư luận quần chúng có thể kết tội anh ta. A nói với B: “Hãy coi chừng N, nó là một người kép đấy!” B lặp lại điều đó (bằng lời đồn – chúng tôi nhấn mạnh)… Rồi mọi tai hoạ trong làng đều đổ lên N. Có những yếu tố khiến người ta nghi ngờ: một dáng đi kỳ dị, cái nhìn chằm chằm, tính khí hung bạo hay sự xa lạ quá mức. Có những yếu tố xác nhận: bói toán, chiêm bao và nhất là cúng hiệu nghiệm[3]… Ma lai rӧhung là một cá thể tưởng tượng chia đôi, nó nguy hiểm cho xã hội, bản sao của nó gây hại mà nó không biết; vậy nên phải vứt nó “vào rừng” (ra nước ngoài hay sang thế giới bên kia) .”(Jacques Dournes, 2002, tr.208) [4]. Theo Tô Đông Hải, người M’nông rất sợ ma lai, “Trên mặt đất có các loài quỷ dữ mà chúng ta thường quen gọi là ma lai, người Bu Nong gọi là chiak. Có hai loại chiak: chiak dữ nhất là mreo. Mreo sinh được ba đứa con, đều là chiak. Chiak là loài quỷ, ban ngày đội lốt người, ban đêm biến thành quỷ, chuyên bay đi hút máu người, đặc biệt là trẻ con, làm cho sức lực người đó bị kiệt quệ, dẫn đến chết. Người Bu Nong rất sợ chiak. Nếu biết người nào là chiak đội lốt người thì người ta có thể giết chết người đó. Điều này đã gây ra rất nhiều sự kiện bi thảm  trong các bon làng Tây Nguyên trước đây (Tô Đông Hải, 2009, tr.46).

Lê Hồng Phong (2006), trong chuyên khảo Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên- Trường hợp Mạ và K’ho, trong quan niệm của cư dân (Tây Nguyên), ma  không phải là hồn ma của người hay động vật thành tinh quái. Ma có nhiều loại với những tên gọi khác nhau, nhưng có thể quy chiếu về một thế lực được coi là hiện hữu trong tâm linh, trong thực tế ứng xử: malai… Quan niệm malai như là mặt đối lập của quan niệm về phúc thần trong tín ngưỡng bản địa… Niềm tin sai lạc về ma quỷ, ma thuật đã chi phối đời sống xã hội tộc người, chi phối cách ứng xử của cư dân đối với một số thành viên trong cộng đồng, nghi ngờ họ không phải là người mà là người-ma

               Theo quan niệm của chúng tôi, ma lai / ma cà rồng là một thực thể sinh linh mang những đặc tính khác thường tồn tại giữa người thường và ma / quỷ.  Tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc cho rằng: ma lai là loại người tồn tại trong dân gian nhờ hút máu người, rút ruột người mà sống. Cơ sở xuất hiện hiện tượng ma lai và ma lai ăn thịt người / hút máu người / rút ruột người là: trong một số gia đình có những trường hợp người thân do đau yếu kiệt sức nên bị ma quỷ ám hại trở thành tâm bệnh, điên loạn đồng lõa với chúng mà rơi vào trạng thái phân thân người – ma một cách vô thức; những số phận này ngay cả những người trong gia đình không thể nhận biết được. Hoặc đó là những người bị bùa ngải của những thầy phù thủy ác độc tu luyện lâu năm / do tư thù mà bị dùng bùa ngải trù yểm mà trở thành ma lai. Ma lai chỉ bị dân làng phát hiện với những hành động “ma lai” gây chết hàng loạt tính mạng trong cộng đồng. Thông qua các phép thử như gọi tên, mổ bụng, nhúng tay vào dầu sôi có hiệu nghiệm, dân làng sẽ phán xét và xử tội chết đối với những người bị nghi là ma lai – “máu trả bằng máu”, “mạng người đổi mạng người” vào thời xã hội còn man dã. Rất ít khi các thầy phù thủy tham gia giải oan được cho những người bị nghi là ma lai vì những chứng cứ ăn thịt, hút máu, rút ruột, bắt hồn do ma lai thực hiện. Đó là điều mê tín xưa kia đã gây ra những cái chết oan ức cho nhiều gia đình ở các dân tộc thiểu số vùng TS-TN. Vì nhân vật ma lai được kể lại trong những câu chuyện có thật xảy ra trong cuộc sống đời thường, mặc dù có dấu ấn của yếu tố hoang đường, ma quái, kinh dị mà không được thiêng hóa hoặc do câu chuyện không phải do tác giả dân gian các thế hệ trước đây bịa đặt cho nên truyện kể về nhân vật ma lai là dạng thần thoại cấp thấp suy nguyên và miêu tả về ma lai. Về loại truyện này, V.Ia. Propp cho là những truyện đời xưa phản ánh quan niệm dân gian về ma quái, về quỉ sứ, về hồn ma, về mụ phù thuỷ, thầy mo, về việc phù phép chữa bệnh,…          

   Còn khái niệm motif  được chúng tôi hiểu là yếu tố nhỏ nhất của truyện kể dân gian, có khả năng lưu truyền một cách bền vững, là một cái gì đó khác thường, tạo nghĩa và gây ấn tượng, và có hai nghĩa vừa là “hạt nhân”- công thức triển khai, vừa là “yếu tố hợp thành” của cốt truyện. 

3.2. Motif trong truyện ma lai của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên

            Motif sự tích: Sự tích là câu chuyện của thời xưa nói về nguồn gốc của cái gì, còn được truyền kể lại. Ví như, so với 14 truyện khác không có sự tích về ma lai thì 3 truyện Suối Chồng Mâm và sự tích ma lai (Chăm H’roi), Thần Yang Liê và sự tích ma lai (Êđê) và  Sự tích ma lai (K’ho) lại có nội dung chính là kể ngọn ngành các tích sự về sự xuất hiện của hiện tượng ma lai ăn thịt người.

Motif ma lai hóa thân: Hóa thân là sự biến đổi của một dạng này sang một dạng khác. Đây là motif ma lai hóa thân làm người thân quen trong gia đình để hại người. Chẳng hạn như trong chuyện người Mạ Quỷ giã gạo làm men: Hai anh em mồ côi có cha mẹ bị ông cậu ma laigiết. Ông tiếp tục tìm cách lừa bắt hai cháu để giết thịt. Vì đứa anh không nhận lấy con gái mình nên ông hóa thân là cô bạn của đứa em gái, thúc cho gà gáy sớm để rủ nhau đi giã gạo, xui cô em nhìn vào mắt mình. Biết là ma lai cô em bỏ chạy vẫn bị ông bắt lấy ăn mất đùi và chết (Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng, 2014).

Motif ăn thịt / liếm máu / bắt hồn: Motif này nhằm chỉ những cách thức gây hại và thủ tiêu của loài ma lai đối với dân làng, không loại trừ chúng có những phép thuật thần bí nhờ tu luyện. Có đến 11/17 truyện có motif này. Về motif ăn thịt có 2 truyện tiêu biểu Hai bố con (Tà Ôi), Chuyện ăn thịt người (Xtiêng); về motif liếm máu có 1 truyện Tleng Lớn (Gia rai); về motif bắt hồn cũng có truyện Chuyện kể về ma lai (M’nông).   

Motif thôi miên: Thôi miên là sự tác động lên cơ thể người và động vật, làm xuất hiện một trạng thái (như bất động, vừa tỉnh vừa ngủ), một cảm giác (như sự sợ hãi), một mối quan hệ nhất định (với đối tượng khác, với chính bản thân) hoặc thực hiện một hành động mà về nguyên tắc có thể khác hẳn với những hành động bình thường. Ví dụ trong truyện Quỷ giã gạo làm men (Mạ) ông cậu hóa thân là cô bạn của người em, thúc cho gà gáy sớm rủ cô em đi giã gạo, xui cô nhìn vào mắt mình, biết là ma lai cô bỏ chạy vẫn bị ông bắt lấy ăn mất đùi và chết.  

Motif trù yểm: Trù yểm là chôn bùa chú để phá khí thiêng hay trừ ma quỷ, theo mê tín. Trong loại truyện ma lai, motif này thường đề cập đến những trường hợp dân làng bị ma quỷ trù yểm. Đó là truyện Tleng Lớn (Gia rai).

Motif điềm triệu: Điềm triệu là những triệu chứng, những sự kiện đã xảy ra như báo mộng, gặp con vật hay sự việc nào đó, để từ đó suy đoán những sự việc sắp xảy ra theo tín ngưỡng dân gian. Có nhiều loại điềm triệu: lành, dữ, tốt, xấu. Căn cứ vào điềm lành hay điềm dữ mà con người làm hay không làm một việc đã định, nhất là những việc có ý nghĩa quan trong đối với đời sống con người. Ví dụ, truyện Tleng Lớn (Gia rai) có sử dụng motif điềm triệu là: “em gái Tleng, như được thần linh mách bảo, nằm mơ thấy điềm xấu báo với em trai phải rời bỏ làng đang bị bọn ma lai quấy phá”.  

Motif phép thử: gọi tên / mổ bụng / nhúng tay vào dầu sôi: Motif này gồm các biến thể đa dạng của phép thử theo luật tục của từng buôn làng hay tộc người. Họ dùng các cách thức này để tra hỏi, thẩm vấn có tra khảo, một số cực hình để truy xét tìm cho ra người-ma trong số các đối tượng bị nghi vấn có ma lai. Có ba trường hợp sử dụng các dạng thức của motif này, gồm: Chuyện kể về ma lai-M’nông (gọi tên), Bác thợ săn và cô gái đười ươi-Êđê (mổ bụng), Thần Yang Liê và sự tích ma lai-Êđê (nhúng tay vào dầu chai đun sôi).  

Motif sống trong rừng: Đối với các dân tộc thiểu số vùng TS-TN trước kia, khái niệm rừng nhằm chỉ một khoảnh rừng trong phạm vi đất làng và xa nơi có người ở, thường là rừng đầu nguồn. Nơi đó được coi là nơi linh thiêng của đất làng, không ai được vào hái măng, kiếm củi, đốn cây, làm rẫy và săn thú, còn được gọi là rừng cấm. Ở đây, không có rừng vô chủ vì người chủ của rừng chính là các cộng đồng cư dân buôn làng. Hơn nữa, rừng linh thiêng - không ai được xâm phạm, không ai được làm ô uế, là do đã được “chia” cho từng làng từ xa xưa, đã được Yang (Thần linh) giao cho từng làng. Rừng vốn là nơi trú ẩn riêng của các vị thần linh và các loài yêu ma, chằn tinh, phù thủy. Trong rừng rậm (sâu hơn rừng gần và rừng thưa), người ta không dám lang thang một mình – trừ khi là người đi săn. Đi vào đây phải là nhiều người đàn ông cùng nhau, nhất là để chặt cây làm nhà, đẽo quan tài, hoặc mang những khúc gỗ đẹp tạc tượng nhà mồ. Trong rừng rậm hay rừng xa, cho dù về mặt pháp lý là thuộc về mọi người, song về mặt tâm linh thì người đầu tiên nhìn thấy một cái cây vừa ý có thể chiếm hữu nó, nhưng là chiếm hữu một cách vụng trộm (cây của thần linh) và phải thực hiện một nghi lễ để xin “tạ tội” (với thần linh). Do vậy, “sống trong rừng” chỉ là những vị thần linh, những loài ma quỷ, những con người khác thường như hoang dã, lập dị, mất trí, điên loạn, tâm thần, bị ma ám, khác lạ đến mức rất gần tới tha hóa… gần gũi với thế giới thần-ma. Ví như, trong truyện Xtiêng Chuyện ó ma lai rừng là dành cho loài ma quỷ như ó ma lai.     

Motif tái sinh là những tình tiết chỉ hiện tượng sống lại của nhân vật trong truyện dân gian sau khi đã chết đi vì một lý do nào đó. Nội dung khái niệm tái sinh nhất thiết phải bao hàm hai yếu tố: (1) Chết (đã chết) + (2) Sống (sống lại). Motif tái sinh còn bao hàm một dạng của motif hóa thân, đó là sự hóa thân của nhân vật sau khi đã chết và hóa thân để sống lại. Cùng lúc, motif tái sinh lại không bao hàm chi tiết nhân vật người đội lốt vật sau đó cởi bỏ lốt và trở lại làm người. Trong 17 truyện ma lai, motif này được thấy ở truyện của người M’nông N’Krăh đánh nhau với làng dân ma lai. Đây là một dạng thức của motif tái sinh, nhân vật sống lại do tác động từ các tác nhân bên ngoài: “…Trên đường về, trâu – linh hồn của người cha, biến thành nhện, đến nhà chàng lấy nhện thổi trên đầu xác cha làm ông sống lại”.   

Motif diệt ma lai: Motif này còn có biến thể là diệt ma cà rồng là loại người-ma chuyên hút máu người, theo quan niệm mê tín của một số địa phương miền núi. Đây là trường hợp có đến 11 truyện ma lai có motif này, trong đó có các truyện như: Chàng trai diệt ma lai (Êđê), Sự tích ma lai (K’ho),…

Motif lấy ma lai: Motif này chỉ mối quan hệ sống chung như vợ chồng bị lừa gạt / ép buộc hoặc vô tình giữa người thường với loại người-ma / ma lai chuyên đi rút ruột hay hút máu người. Tuy nhiên, vì cõi người và cõi ma không thể chung lộn do trật tự trái ngược của hai thế giới người và ma cho nên hậu quả của motif này thường là sự bất thành của cuộc hôn nhân giữa ma với người. Truyện ma lai của các dân tộc TS-TN có motif này gồm các truyện: Cô gái ở trong rừng (Gia rai), Chuyện ó ma lai (Xtiêng),…

4. Những tương đồng và khác biệt về motif trong truyện ma lai của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn - Tây Nguyên

Tiếp thu những nhận định và phân tích của các nhà nghiên cứu trước đây về hiện tượng ma lai và truyện kể về ma lai, với hiện tượng chung về ma lai xuất hiện ở vùng TS-TN vào thời cận hiện đại cách nay khoảng trên 100 năm, qua khảo sát và so sánh các bảng thống kê và so sánh dưới đây, dựa trên các motif dân tộc học tạo dựng nên cốt truyện chúng tôi có một số nhận xét về những điểm tương đồng và khác biệt như sau:

4.1. Những tương đồng về motif trong truyện ma lai của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên

Bảng 1. Những tương đồng về motif giữa 2 nhóm tộc người

Motif Nhóm NĐ Nhóm MK
Sự tích 2 truyện 1 truyện
Hóa thân 2 truyện 4 truyện
Ăn thịt (liếm máu, bắt hồn…) 4 truyện 7 truyện
Thôi miên (trù yểm) 1 truyện 1 truyện
Phép thử (nhúng tay, gọi tên, mổ bụng) 2 truyện 1 truyện
Người lấy ma 2 truyện 2 truyện
Diệt ma lai 3 truyện 8 truyện

Nguồn: Xử lý tư liệu của tác giả.

Qua số liệu thống kê có thể nhận thấy:

1. 7/12 motif giống nhau ở 2 nhóm tộc người cho thấy sự tương đồng lớn giữa 2 nhóm tộc người.

2. Các motif tập trung: 1) ma lai có thể hóa thân (6/17 truyện chiếm 35,29%); 2) ma lai ăn thịt người (11/17 truyện, chiếm 64,7% ), 3) con người phải diệt ma lai (11/17 truyện, chiếm 64,7%); 4) người lấy ma lai (ở với ma) (4/17 truyện chiếm 23,5%) là các motif chủ đạo trong các câu chuyện về ma lai ở TS – TN.

Cụ thể như sau:

Truyện (A) (B) (C) (D) (E) (F) (G) (H) (I) (J) (K) (L) (M) (N) (O) (P) (Q) TC
Sự tích X X             X                 3
Hóa thân   X X           X X     X X       6
Ăn thịt, liếm máu, bắt hồn X X X       X   X X X X   X X X   11
Thôi miên                   X               1
Trù yểm             X                     1
Điềm triệu             X                     1
Thử nhúng tay   X                               1
Thử gọi tên                       X           1
Thử mổ bụng       X                           1
Sống trong rừng                                 X 1
Tái sinh                         X         1
Diệt ma lai   X X       X X X X X X X   X X   11
Lấy ma lai         X X           X         X 4

- Có 3 truyện của hai nhóm tộc người cùng kể về nguồn gốc hay sự tích của ma laiSuối Chồng Mâm và sự tích ma lai (Chăm H’roi), Thần Yang Liê và sự tích ma lai (Êđê) và Sự tích ma lai (K’ho). Hai truyện NĐ đều có cốt truyện kể sự tích ma lai có từ nguồn gốc thần linh / mang yếu tố thần thoại rõ nét với các sự kiện như các chư thần được thần Trời mời lên trời dự lễ bỏ mả con trai mình vì ăn mâm thịt người mà trở thành ma lai (truyện Chăm H’roi Suối Chồng Mâm và sự tích ma lai), cư dân miền cao được thần ác Yang Liê mời lên trời dự tiệc với mâm bát thịt người bày trong nhà dành cho kẻ giàu và gói lá thịt thú bày ngoài hiên dành cho người nghèo, số kẻ giàu được ăn mâm thịt người khi trở về trần gian bị ngứa cổ thèm ăn thịt người nên luôn đi tìm bắt người để ăn thịt và trở thành ma lai, tiếng Êđê gọi là Mtao (truyện Êđê Thần Yang Liê và sự tích ma lai). Có cùng cốt truyện về sự tích, nguồn gốc của hiện tượng ma lai và cũng sử dụng motif ma lai ăn thịt người nhưng truyện MK Sự tích ma lai của người K’ho lại mang nội dung của xã hội hiện đại, không có yếu tố thần thoại với chi tiết “chàng trai đi lính xa nhà” và hành xử của chàng trai có trí khôn của người hiện đại. Sau khi chém đứt lưỡi tên quỷ đầu đàn hóa thân người, chàng trai đã tìm đến hang của bọn quỷ. Chàng khéo lập mưu nhận cháu gái quỷ làm con nuôi đưa về nhà rồi giết đi nhằm vẫn được tên quỷ chúa xem là người thân để mời hắn đến dự cúng lễ rồi chuốc rượu cho say, lừa đi đấu với trâu để bị trâu húc chết. Về motif “ma lai ăn thịt người”, cả 3 truyện đều sử dụng nhằm mục đích giải thích thành phần các tác nhân ma lai là khác nhau ở mỗi dân tộc: các chư thần ác (Chăm H’roi), những kẻ giàu có ác độc – Mtao (Êđê), những kẻ lười biếng (K’ho).

- Về motif “hóa thân”: xuất hiện trong 6 truyện, trong đó có 2 truyện NĐ và 4 truyện MK. Motif này trong 2 truyện Êđê đều là hiệu quả của loại thuốc hóa thân / tàng hình dùng để tránh bị dân làng phát hiện bọn ma lai. Thuốc tàng hình được thần ác Yang Liê ban cho bọn ma lai bí mật đi tìm ăn thịt người-truyện Thần Yang Liê và sự tích ma lai; và thuốc tàng hình là do tên ma lai bạn của chàng trai cho để rủ chàng cùng đi tìm ăn thịt người không bị dân làng phát hiện-truyện Chàng trai diệt ma lai. Trong khi đó, ở 4 truyện MK, motif này được sử dụng với hai biến thể của cùng một dạng “biến hoá”: là biến thể “cải trang / thay hình đổi dạng” từ ma lai biến thành người nhằm mưu hại người trong 1 truyện K’ho (Sự tích ma lai), 1 truyện Mạ (Quỷ giã gạo làm men) và 1 truyện Tà Ôi (Hai bố con). Riêng ở truyện M’nông (N’Krăh đánh nhau với làng dân ma lai) motif này có tác dụng thay đổi linh hồn người cha của chàng trai bị bắt về xứ quỷ là “con trâu” hoá thành “con nhện” khi chàng trai cứu cha đưa về trần gian rồi dùng nhện xoa vào đầu cha cứu sống ông trở lại. Qua đây, ta thấy, theo quan niệm của người M’nông, hai con vật trâu và nhện là hai biểu tượng của linh hồn con người ở hai thế giới trần gian và ma quỷ: trâu là linh hồn người ở thế giới ma quỷ, nhện là linh hồn người ở trần thế.      

- Về motif “ăn thịt người”: xuất hiện phổ biến trong hầu hết các truyện về ma lai đang được khảo sát so sánh của 3 tộc người NĐ (Chăm H’roi, Êđê và Gia rai) và 5 tộc người MK (K’ho, Mạ, M’nông, Tà Ôi và Xtiêng). Trong đó có 1 truyện Chăm H’roi (Suối Chồng Mâm và sự tích ma lai), 2 truyện Êđê (Thần Yang Liê và sự tích ma laiChàng trai diệt ma lai), 2 truyện Gia rai (Cô gái ở trong rừngTleng Lớn), 1 truyện K‘ho (Chàng trai và mụ ma lai), 1 truyện Mạ (Quỷ giã gạo làm men), 2 truyện M’nông (Truyện ma laiChuyện kể về ma lai), 1 truyện Tà Ôi (Hai bố con) và 2 truyện Xtiêng (Chuyện ăn thịt ngườiCon ma lai). Riêng có 2 biến thể của motif này xuất hiện ở 3 truyện: 2 truyện Gia rai (Cô gái ở trong rừng-hút sinh khí người và Tleng Lớn-liếm máu người) và 1 truyện M’nông (Chuyện kể về ma lai -bắt hồn người). Như vậy, motif “ăn thịt người” đã phản ánh đúng bản chất ma quỷ của loại nhân vật ma lai trong hầu hết các cốt truyện thuộc loại này của tất cả 8 tộc người.   

- Về motif  “phép thử / cúng thử”: xuất hiện trong 3 truyện với 3 hình thức khác nhau (nhúng tay vào dầu chai đun sôi, gọi tên và mổ bụng), có 2 truyện NĐ dùng hình thức nhúng tay vào dầu chai đun sôi (Thần Yang Liê và sự tích ma lai-Êđê) và mổ bụng (Bác thợ săn và cô gái đười ươi-Êđê) để thử ma lai, và 1 truyện MK dùng hình thức gọi tên (Chuyện kể về ma lai-M’nông).

- Về motif “người lấy ma lai”: xuất hiện đều trong 2 truyện NĐ và 2 truyện MK. Đó là 2 truyện Gia rai Cô gái lạc trong rừng, Cô gái ở trong rừng, 1 truyện M’nông Chuyện kể về ma lai và 1 truyện Xtiêng Chuyện ó ma lai.

- Về motif “diệt ma lai”: xuất hiện trong 11 truyện, trong đó có 3 truyện NĐ và 8 truyện MK. Thuộc nhóm truyện NĐ có 2 truyện Êđê Thần Yang Liê và sự tích ma laiChàng trai diệt ma lai và 1 truyện Gia rai Tleng Lớn; thuộc nhóm truyện MK có: 2 truyện K’ho Chàng trai và mụ ma laiSự tích ma lai; 1 truyện Mạ Quỷ giã gạo làm men; 3 truyện M’nông Truyện ma laiChuyện kể về ma laiN’Krăh đánh nhau với làng dân ma lai; 2 truyện Xtiêng Chuyện ăn thịt ngườiCon ma lai. Motif này trong 11 truyện được thể hiện ở các hình thức sau: thả ruồi Daikrut từ ống tên diệt đuổi bọn ma lai (truyện Êđê Thần Yang Liê và sự tích ma lai), dùng gươm chém chết (truyện Êđê Chàng trai diệt ma lai), treo hai cô ma lai trên cột nhà mồ (truyện Gia rai Tleng Lớn), nhờ người khổng lồ Nyut giúp (truyện K’ho Chàng trai và mụ ma lai), chuốc rượu cho say lừa đi đấu với trâu bị trâu húc chết (truyện K’ho Sự tích ma lai), lập mưu giết ông cậu ma lai (truyện Mạ Quỷ giã gạo làm men), chém giết (truyện M’nông Truyện ma lai), giết theo tục lệ (truyện M’nông , Chuyện kể về ma lai), lập mưu giết cả làng ma lai (truyện M’nông N’Krăh đánh nhau với làng dân ma lai), vợ nhanh trí giết chồng ma lai trước khi bị ông ăn thịt (truyện Xtiêng Chuyện ăn thịt người), cả nhà cùng dân làng đi tìm giết ma lai phải nhờ chàng Mồ côi (truyện Xtiêng Con ma lai). Qua đây, chúng tôi nhận thấy motif này thường xuất hiện vào phần cuối câu chuyện với phần chính của truyện trước đó là nhân vật ma lai đã gây hại cho con người với motif “ăn thịt người / bắt hồn người / hút sinh khí người / liếm máu người”. Về cách thức của hành động diệt ma lai, có 3 truyện MK đặc sắc trong đó người thân của nạn nhân bị ma lai hại chết đã biết dùng mưu và cùng hợp sức tiêu diệt ma lai (1 truyện K’ho Sự tích ma lai, 1 truyện Mạ Quỷ giã gạo làm men và 1 truyện M’nông N’Krăh đánh nhau với làng dân ma lai). Các truyện còn lại của các tộc người Êđê, Gia rai (NĐ), K’ho, M’nông và Xtiêng (MK) hoặc dùng con vật kiêng sợ của ma lai, hoặc dùng đao gươm chém giết, hoặc xử theo tục lệ để diệt trừ ma lai.                       

4.2. Những khác biệt về motif trong truyện ma lai của các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên

Bảng 2. Những khác biệt về motif giữa 2 nhóm tộc người

Motif Nhóm NĐ Nhóm MK
Thôi miên   1 truyện (Mạ)
Trù yểm 1 truyện (Gia rai)  
Điềm triệu 1 truyện (Gia rai)  
Tái sinh   1 truyện (M’nông)

- Về motif “thôi miên”: chỉ có 1 truyện Mạ (Quỷ giã gạo làm men) sử dụng motif này vào trường hợp ma lai là người cậu hóa thân thành người bạn của cháu gái muốn dùng thuật thôi miên để bắt người cháu nhưng không thành.

- Về hai motif “trù yểm” và “điềm triệu”: chỉ thấy 1 truyện Gia rai (Tleng Lớn) sử dụng cùng lúc cả hai motif này. Motif trù yểm là do hai cô gái ma lai sau khi mang chiêng đến xin đổi lấy thuốc độc mãi mới được khiến còn tức giận nên đã dùng bùa ngải trù yểm chàng Tleng lớn leo cây hái xoài cho họ bị rơi va đầu vào đá chết. Còn motif điềm triệu là do em gái Tleng, như được thần linh mách bảo, nằm mơ thấy điềm xấu báo với em trai phải rời bỏ làng đang bị bọn ma lai quấy phá.

- Về motif “tái sinh”: chỉ 1 truyện M’nông (N’Krăh đánh nhau với làng dân ma lai) sử dụng motif này là do người con trai vì thương cha bị ma lai bắt hồn về xứ ma biến thành trâu (linh hồn cha nơi xứ thần ma) đã tìm đến dắt trâu về trần gian biến lại là nhện (linh hồn cha nơi xứ con người) và dùng nhện xoa vào đầu xác cha cứu sống được ông. 

4. Kết luận

Truyện ma lai là dạng thần thoại cấp thấp thuộc loại truyện đời xưa với nội dung có thật nói về ma quỷ / ma lai / ma cà rồng trong hệ thống thần thoại – tôn giáo được hình thành trong đời sống hàng ngày gần như thường xuyên có sự tiếp xúc với con người, được chuyển tải bằng một thể tài văn xuôi dân gian không được thiêng hoá. Nghiên cứu motif trong truyện ma lai cho ta thấy được những điểm tương đồng trong quan niệm về tín ngưỡng dân gian ma lai của các dân tộc thiểu số ở TS – TN: 1) ma lai ăn thịt người; 2) người lấy ma lai (ở với ma); 3) ma lai có thể hóa thân; 4) con người phải diệt ma lai, và những điểm khác biệt trong quan niệm và văn hóa của mỗi tộc người: nếu như truyện ma lai của dân tộc Mạ sử dụng motif thôi miên; dân tộc Gia rai sử dụng motif trù yểm và điềm triệu thì dân tộc M’nông sử dụng motif tái sinh. Điều này đã đặc biệt thể hiện sự đa dạng trong quan niệm và văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở TS – TN.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi (2011), Người Ba-na ở Kontum (Mọi Kontum), Nxb Tri thức, Hà Nội.
  2. Cửu Long Giang, Toan Ánh (1974), Chàng trai diệt ma lai in trong Cao nguyên miền Thượng, Nxb Sài Gòn, tr.32.
  3. Cửu Long Giang, Toan Ánh (1974)Sự tích ma lai in trong Cao nguyên miền Thượng, Nxb Sài Gòn, tr.25.
  4. Tô Đông Hải (2009), Nghi lễ truyền thống của người Bu Nông [M’Nông], Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội, tr.46.
  5. Hội Liên hiệp VHNT Phú Yên (2005), Các truyền thuyết, huyền thoại liên quan đến di tích lịch sử danh thắng Phú Yên, trang 139.
  6. Jacques Dournes (1990), Chàng trai và mụ ma lai in trong Florilège Sré (Hợp tuyển Văn học Xrê), Nxb Sudestasie, Paris, tr.115.
  7. Jacques Dournes (2002), Cô gái lạc trong rừng in trong Rừng, đàn bà, điên loạn, người dịch: Nguyên Ngọc, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr.57.
  8. Jacques Dournes (2002), Cô gái ở trong rừng in trong Rừng, đàn bà, điên loạn, người dịch: Nguyên Ngọc, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr.62.
  9. Jacques Dournes (2002), Tleng Lớn in trong Rừng, đàn bà, điên loạn, người dịch: Nguyên Ngọc, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr.221.
  10. Khoa Văn học và Ngôn ngữ (2014), Truyện ma lai trong Tài liệu sưu tầm điền dã, tại thị xã Gia Nghĩa, huyện Đăk R’Lắp, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, chưa công bố.
  11. Lê Hồng Phong (2006), Tìm hiểu truyện cổ Tây Nguyên- Trường hợp Mạ và K’ho, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.109-128.
  12. Trần Nguyễn Khánh Phong (2011), Hai bố con in trong Truyện cổ Pacô, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.240.
  13. Phạm Nhân Thành (2007), Bogẹt, Ma nập, Ngậm ngải tìm trầm, Cà rần, Kiếc Kanh, Nữ thần magan, T’reo trong sách Những tập tục kỳ lạ của một số dân tộc ít người, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, tr.7-91.
  14. Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng (2014), Quỷ giã gạo làm men in trong Truyện kể người Mạ ở Đồng Nai, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.312.
  15. Trương Thông Tuần (2010), N’Krăh đánh nhau với làng dân ma lai in trong Truyện cổ M’Nông, Nxb Trẻ, tr.99.
  16. Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập 2 (2002), Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội, tr.805.
  17. Phan Xuân Viện (chủ biên, 2015), Chuyện ăn thịt người in trong Truyện cổ Xtiêng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.446.
  18. Phan Xuân Viện (chủ biên, 2015), Con ma lai in trong Truyện cổ Xtiêng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.448).
  19. Phan Xuân Viện (chủ biên, 2015), Chuyện ó ma lai in trong Truyện cổ Xtiêng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.449).
  20. Viện nghiên cứu văn hóa (2008), Bác thợ săn và cô gái đười ươi in trong Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt NamTập 14 – Truyện cổ tích, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.414.
  21. Viện nghiên cứu văn hóa (2008), Thông báo Văn hóa 2010, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, trang 42-43.

PHỤ LỤC: Tóm tắt cốt truyện 17 truyện ma lai

(A) Suối Chồng Mâm và sự tích ma lai (Chăm H’roi): Con trai của Trời chết đột ngột, ông mang chôn nơi suối gần nhà, ngày bỏ mả Trời đặt nhiều mâm thịt chồng lên nhau, mâm trên cùng là thịt người. Các chư thần được mời đến ăn trước mâm thịt người về sau hoá thành ma lai đi lang thang khắp buôn làng rút ruột người. Do thời gian và lũ lụt các mâm đá chồng bị đổ, lệch nghiêng hay trôi gần đấy. Suối Chồng Mâm hiện thuộc thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hoà, tỉnh Phú Yên. [Motif: ma lai ăn thịt người]. (Hội Liên hiệp VHNT Phú Yên (2005), tr.139).

(B) Thần Yang Liê và sự tích ma lai (Êđê): Ác thần Yang Liê trên trời bày tiệc mời dân miền cao đến dự. Mâm thịt người có bát đặt trong nhà dành cho người giàu, mâm thịt thú gói lá bày bên ngoài dành cho người nghèo. Về trần gian, kẻ giàu thẻm thịt người ngứa cổ nên ăn nhiều người, dân làng kiện, thần bảo đó là bọn Mtao (ma lai). Thần gọi chúng lên vờ quát mắng, không trách phạt còn căn dặn nên ăn bí mật và cho thuốc hóa thân. Người vẫn chết, dân làng kiện, thần bày cho tìm giết kẻ có mào trên đầu. Bị ma lai kiện, thần bày cho chúng ném bỏ mào cho chim chào mào. Dân làng lại kiện, thần bày phép thử bằng nhúng tay vào dầu chai đun sôi. Có hai cha con đi rẫy, người cha uống rượu say phải ngủ lại nơi gốc cây, người con leo lên cây trông chừng thú dữ. Đêm đến, có đoàn Mtao tìm thấy người cha xúm lại thui ông ăn thịt và trò chuyện hỏi nhau vật đáng sợ với chúng là con ruồi đen Daikrut. Nghe lóm bí mật của chúng, người con thả ruồi Daikrut từ ống tên diệt đuổi bọn ma lai. Sáng dậy anh đưa cha về nhà được ba ngày ông đau ruột chết, người con buồn biết rằng cha đã bị bọn ma lai ăn mất linh hồn đêm qua. [Motif: ma lai ăn thịt người; hóa thân; nhúng tay vào dầu chai đun sôi thử ma lai; diệt ma lai]. (Cửu Long Giang, Toan Ánh(1974), tr.27).

(C) Chàng trai diệt ma lai (Êđê): Có đám tang, bọn ma lai rủ nhau đến ăn thịt xác chết. Một người thường được bạn ma lai cho thuốc hóa thân rủ đi cùng, đến nơi anh sợ quá leo lên sàn nhà trốn. Sáng ra, bọn ma lai no nê bỏ về, còn lại anh do thuốc phai nhạt nên bị người nhà bắt đánh định giết, anh năn nỉ xin tha mạng và giao lại ít thuốc còn sót để giết được bọn chúng. Có chàng trai nhận lời, uống thuốc được nhập bọn ma dùng gươm sắc chém chết bọn chúng. Sáng ra, nơi chém giết quỷ có nhiều đám tro đen là máu của ma lai. Cùng lúc có nhiều người trong làng và các buôn lân cận bị chết do nhiều nguyên nhân khác nhau. [Motifma lai ăn thịt người; hóa thân; diệt ma lai]. (Cửu Long Giang, Toan Ánh (1974), tr.32).

(D) Bác thợ săn và cô gái đười ươi (Êđê): Thợ săn làm ổ gà trên rẫy nghỉ trưa bị mẹ con đười ươi xé nát, bắn tên dọa đười ươi mẹ bỏ chạy, ông mang đười ươi con về nuôi. Cô gái đười ươi xinh đẹp HơBia Tô lấy Mtao làm chồng sinh bốn trai một gái, vợ lớn Mtao có ba trai một gái. Nghi dòng con HơBia Tô là ma lai, các con vợ cả đòi xử theo lệ tục, con gái út nhà vợ lớn mổ bụng anh cả nhà vợ nhỏ không thấy nồi đồng và ruột co giật nên tất cả cùng xem nhau như anh em ruột thịt. [Motif: mổ bụng thử ma lai]. (Viện nghiên cứu văn hóa (2008), tr.414).

(E) Cô gái lạc trong rừng (Gia rai): Chồng đi xa dặn em trai trông chừng chị dâu. Nàng cùng dân làng vào rừng hái hoa, bị lạc nhờ khỉ hái hoa và lấy khỉ làm chồng. Em trai giả chị dâu giết chết khỉ. Anh trai trở về nghe lời vợ đánh đuổi em, sau biết chuyện đánh đuổi vợ bỏ chạy biến vào rừng. Anh trai bỏ đi lấy nai, cóc và cua làm vợ, bị cua kẹp hạ bộ chết. [Motif: người lấy ma lai]. (Jacques Dournes (2002), tr.57).

(F) Cô gái ở trong rừng (Gia rai): Đi hái củi được voi giúp phải hứa gả con, bà mẹ về nhà sinh con gái. Voi đến đòi vợ, cô gái bỏ trốn vào rừng được bà Sơn cưu mang nhưng vẫn muốn đi tìm chồng. Đến sống với chàng Drit và bà. Nàng lại bỏ đi tìm đến làng chàng trai đẹp, làm mọi người ngủ mê, hút hết sinh khí, sống cùng chàng trai. Bị hiểu lầm là ma lai phải về với bà. Được bà chữa vết thương, bôi tro xấu người trở lại, được chàng trai nhận ra, ở lại sống với chàng. [Motifma lai hút sinh khí người; người lấy ma lai]. (Jacques Dournes (2002), tr.62).

(G) Tleng Lớn (Gia rai): Gia đình Tleng bị tai họa: gà heo không đẻ, con gái sinh con bị chết, theo lời thầy bói phải cúng dâng lễ vật. Các cô H’Bon, H’Yang, H’Ban mang chiêng đến đổi lấy cây thuốc độc, mãi rồi buộc Tleng phải nhận. Chàng tắm sông gần làng các cô gái bị hai cô chị là ma lai cùng cha trù yểm khiến anh leo cây hái xoài cho họ bị rơi va đầu vào đá chết. Hai cô chị ma lai liếm máu trên đá. Em gái Tleng nằm mơ thấy điềm xấu báo với em trai phải rời bỏ làng. H’Ban chỉ cho nhà Tleng chỗ cha giấu chiêng. Tleng nhỏ lập mộ cho anh rồi treo hai cô ma lai trên cột nhà mồ và cưới H’Ban làm vợ. [Motifma lai trù yểm người; ma lai liếm máu người; điềm triệu; diệt ma lai]. (Jacques Dournes (2002), tr.221).

(H) Chàng trai và mụ ma lai (K’ho): Chàng trai đẩy xe trâu trở về từ nhà em út, nơi chàng bị mụ ma lai dọa ăn thịt. Anh đến gặp người khổng lồ Nyut để được giúp diệt mụ ma lai. Diệt ma lai xong Nyut theo chàng về nhà được thết đãi trả ơn rất thịnh soạn, được tặng quà biếu thịt thú. Về nhà mải lo ngủ, thức dậy vợ con đã ăn hết thịt khiến Nyut tức giận đánh đập họ bỏ trốn phải sống một mình. [Motif: diệt ma lai]. (Jacques Dournes (1990), tr.115).

(I) Sự tích ma lai (K’ho): Thanh niên đi lính xa nhà được tin chị gái đau nặng chết về dự đám không kịp, quyết chết theo chị, đào huyệt bên cạnh mộ chị nằm vào. Đêm đến, có đàn quỷ hóa thân người đi quanh mộ người chị. Tên đầu đàn đọc thần chú xong thè lưỡi xuống liếm mộ bị anh dùng kiếm chém đứt lưỡi bỏ chạy kéo theo đồng bọn. Chàng nhặt gùi đá cùng chó săn đi tìm giết lão quỷ. Đến túp lều trong hang anh ném đá vào lều, gặp ông lão ra tiếp giọng nói ú ớ đổ cho bọn trẻ cho ăn mía bị đứt lưỡi. Chàng nhận cháu gái của lão về nuôi rồi giết, dụ lão đến dự đám cúng thần, chuốc rượu cho say lừa đi đấu với trâu bị trâu húc chết. Mời dân làng ăn thịt trâu cúng lễ, anh đặt gói lá thịt trâu trong nhà, gói lá thịt con gái lão ở hàng hiên. Những người siêng vào nhà ăn thịt trâu là người thường, còn những người lười biếng ăn thịt người ngoài hàng hiên là loại người “Chà”-ma lai. [Motif: hóa thân; ma lai ăn thịt người;  diệt ma lai]. (Cửu Long Giang, Toan Ánh (1974), tr.25).

 (J) Quỷ giã gạo làm men (Mạ): Cha mẹ chết vì bị ông cậu ma lai giết, hai anh em mồ côi tiếp tục bị ông cậu tìm bắt thịt. Người anh không nhận lấy con gái ông. Ông hóa thân là cô bạn của người em, thúc cho gà gáy sớm rủ cô em đi giã gạo, xui cô nhìn vào mắt mình, biết là ma lai cô bỏ chạy vẫn bị ông bắt lấy ăn mất đùi và chết. Người anh chôn cất em xong nhờ dân làng giúp lập mưu giết chết ông cậu ma lai. Người Mạ tránh bị ma lai luôn tìm hiểu kỹ tông tích con dâu con rể tương lai, không cùng dòng họ không cho lấy nhau. [Motif: hóa thân; thôi miên; ma lai ăn thịt người; diệt ma lai]. (Huỳnh Văn Tới, Phan Đình Dũng (2014), tr.312).

(K) Truyện ma lai (M’nông): Chàng trai có việc sang bon láng giềng thấy mọi người đang khiêng xác người. Thấy chàng họ liền đem giấu sau nhà, xong việc chàng được mời ở lại dự tiệc. Lúc thuận tiện, anh ra sau nhà thấy xác chết thối rữa, khiếp sợ kiếm cớ xin cáo về, đến nửa đường quay lại thấy họ ăn xác. Anh bị bắt, họ cắt thịt đùi thối rữa đắp lên đùi anh, dọa phải im lặng nếu không sẽ chết. Mãi đến cuối đời, ông ngồi vào chiếc hòm tự làm kể lại chuyện xưa, bắt đầu kể thì phần thịt đắp ở đùi cũng thối rữa. Khi nói câu “Chúng là ma lai” thì ông tắt thở. Sau, dân các bon cùng nhau diệt bon người ma lai, bị chém giết chúng chạy khắp nơi. Đến nay, người Tây Nguyên không biết ai thuộc dòng dõi ma lai. [Motifma lai ăn xác người; diệt ma lai]. (Khoa Văn học và Ngôn ngữ (2014)).

(L) Chuyện kể về ma lai (M’nông): Đàn ông lấy vợ ma lai không con. Chồng siêng vợ lười. Ả nuôi bầy con ma lai trong bụng, đêm phải đi bắt hồn ở các bon. Chồng rủ em trai phát rẫy. Chiều lòng bầy con ma lai, bà bắt hồn em chồng là con trâu. Sau đám tang, làng làm lễ bắt ma lai. Bị gọi tên bảy lần đều có bảy tiếng nổ, bà cùng bọn ma lai bị làng giết theo lệ tục. [Motif: người lấy ma lai; ma lai bắt hồn người; gọi tên thử ma lai; diệt ma lai]. (Trương Thông Tuần (2010), tr.180).

(M) N’Krăh đánh nhau với làng dân ma lai (M’nông): N’Krăh đánh thằng ma lai lấy trộm cá, bị thua bỏ chạy nó thề sẽ giết cả nhà chàng. Thay chàng đi thăm đơm, cha bị ma lai đánh bại cướp hồn, vài ngày sau chết. Chàng tìm đến làng ma lai thấy cha là trâu dắt về nhà chủ, cùng nhau lập mưu giết cả làng, nhờ chạy nhanh bà chủ sống sót. Trên đường về, trâu biến thành nhện, đến nhà chàng lấy nhện thổi trên đầu xác cha làm ông sống lại. [Motif: hóa thân; diệt ma lai; tái sinh]. (Trương Thông Tuần (2010), tr.99). 

(N) Hai bố con (Tà Ôi): Cha con vào rừng gỡ bẫy chim. Vì già yếu người cha để con trai leo cây còn mình ở dưới đốt lửa chờ nhặt chim. Ông bị bốn tên ma đến bắt làm thịt gói lại mang đi, có một tên ở lại gom số lá lót cuộn lại thật chặt, thổi vào đó hóa thân người cha. Về đến nhà, con trai dặn mẹ chăm sóc cha kỹ song một tuần sau khi lá chuối vàng thì xác người cha ốm dần và chết. Biết cha là người ma, con trai không khóc và chỉ dẫn mọi người mở nấp quan tài thấy toàn lá chuối. [Motifma lai ăn thịt người; hóa thân]. (Trần Nguyễn Khánh Phong (2011), tr.240).

(O) Chuyện ăn thịt người (Xtiêng): Gia đình có ba đứa con, người cha đi làm ăn xa, lúc làm việc bị đứt tay chảy máu ông mút thử thấy ngon. Về nhà, lần lượt ông ăn thịt hết ba đứa con, giấu xương vào cây mù u. Chim rừng mách bà vợ, bà giết ông trước khi bị ông ăn thịt. [Motifma lai ăn thịt người; diệt ma lai]. (Phan Xuân Viện (2015), tr.446).

(P) Con ma lai (Xtiêng): Mồ côi đi phát rẫy, lủi thủi trong rừng tìm trái mù u và hái măng. Một hôm, nhìn thấy con ma lai đang bế đứa con, cậu leo lên cây bưởi hái bưởi ném trúng con của ma lai rồi bỏ chạy về nhà kể cho bạn bè nghe. Có đứa bạn không tin, hôm sau đi vào rừng bị ma lai cắn chết. Cả nhà cùng dân làng đi tìm giết ma lai nhưng phải nhờ Mồ Côi mới giết được. [Motifma lai ăn thịt người; diệt ma lai]. (Phan Xuân Viện (2015), tr.448).

(Q) Chuyện ó ma lai (Xtiêng): Vợ chồng sống hoà thuận, người chồng không biết vợ mình là cái xác lắp đầu. Dân làng biết cho là con quỷ mượn hình người, đòi giết chết. Người chồng thương tình xin tha mạng cho vợ, họ bị đuổi vào rừng sâu. Từ đó, bị đau ốm dân làng cho là do con Ó Ma lai gây ra, không ai dám đi vào rừng sâu. [Motif: người lấy ma laima lai sống trong rừng]. (Phan Xuân Viện (2015), tr.449).

 

 


[1] Trong 17 truyện đó, số truyện do chúng tôi trực tiếp sưu tầm có 4 truyện (1 truyện M’nông và 3 truyện Xtiêng) và có 13 truyện được chúng tôi sưu tập từ các công trình nghiên cứu và sưu tầm và biên soạn khác đã được công bố (1 truyện Chăm H’roi, 3 truyện Êđê, 3 truyện Gia rai, 2 truyện K’ho, 1 truyện Mạ, 2 truyện M’nông và 1 truyện Tà Ôi).

[2] “Do người vẫn bị ma lai hại chết, dân làng kiện, thần bày cho tìm giết kẻ có mào trên đầu. Bị ma lai kiện, thần bày cho chúng ném bỏ mào cho chim chào mào” (truyện Êđê Thần Yang Liê và sự tích ma lai - tên truyện do chúng tôi đặt).

[3] Như A sang nhà b, hỏi mua của anh ta một con lợn; B không đồng ý, A nài nỉ, rồi thôi. Sau đó con gái của B ốm; B cúng yang, đứa con gái không lành; rồi B cúng rӧhung, đứa con gái lành. Như vậy, A hẳn phải là rӧhung. B không giận cá nhân A, mà giận cái hồn – ma lai của anh ta; tuy nhiên chính A là người bị đuổi ra khỏi làng, hay bị người ta giết chết, bởi vì không có cách gì khác để với tới được mặt tai hại của con người kia (Jacques Dournes, 2002, tr.219).

[4] Jacques Dournes, 2002, tr.206-226.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Xã hội miền Trung, Số 2 năm 2016, tr.58-71.

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020