Nghiên cứu khoa học

“SỰ TÍCH” VÀ “HÈM TỤC” TRONG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU (NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP THỜ MẪU THẦN ĐỀN HẠ, THÀNH PHỐ TUYÊN QUANG)


10-10-2020

I. Đặt vấn đề: Nằm trong loại hình nghệ thuật dân gian mang đặc trưng nguyên hợp, truyền thuyết có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với tín ngưỡng và lễ hội dân gian. Cả truyền thuyết và lễ hội cùng chịu sự chi phối của quy luật “ thiêng hóa” nhân vật liên quan đến lịch sử một dân tộc, một địa phương.

Ở một số lễ hội, trong các bước tiến hành phần lễ và phần hội, có một số phong tục, một số hành động đặc trưng. Người ta gọi đó là Hèm tục. Muốn giải mã được những nét riêng ấy, người ta phải tìm về các chi tiết được kể trong sự tích và trong mối quan hệ với tín ngưỡng, lịch sử, địa lí… dân tộc, vùng miền

Mục đích nghiên cứu của chúng tôi là tìm hiểu sự tồn tại, sự hiện diện của Tục hèm được bảo lưu trong lễ hội dân gian, mà ở đây là nhóm truyền thuyết và lễ hội trong tín ngưỡng thờ nữ thần, cao hơn là thờ mẫu thần hoặc thánh mẫu. nhưng về nguyên tắc, muốn hiểu được chi tiết, người khảo sát không thể không đặt chúng trong hệ thống, nghĩa là đặt việc nghiên cứu hèm trong diễn trình lễ hội, cắt nghĩa bằng huyền tích để xem xét, giải thích, không thể không nhấn mạnh đến lớp văn hóa ẩn sâu nhưng chi phối hết sức mạnh mẽ đến lễ hội (trong đó có Hèm) là tín ngưỡng dân gian. Nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng thú vị nhất là giải thích ý nghĩa của các tục hèm dựa trên mối quan hệ mật thiết giữa tín ngưỡng, truyền thuyết và lễ hội

Tín ngưỡng là niềm tin thiêng liêng, là sự ngưỡng vọng của con người đối với lực lượng huyền bí có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa xã hội của con người. Hạt nhân của tín ngưỡng là tính thiêng, trong đó bao gồm rất nhiều kiêng kỵ và hèm tục.

Hèm được coi là biểu hiện cao nhất của khái niệm kiêng, kỵ. Thông thường, hèm của mỗi làng, mỗi địa phương là những hành động, nghi lễ mang tính bí mật, riêng tư gắn với lai lịch vị thần làng đang thờ. Chính các nghi lễ hèm đã tạo ra dấu ấn riêng cho lễ hội và trở thành niềm tin linh thiêng mà cộng đồng dành cho các vị thần.

Bàn về gốc rễ của những hèm tục, cấm kị, James George Frazer trong tác phẩm Cành vàng nổi tiếng của mình ở chương 3 với nhan đề Ma thuật giao cảm đã phân tích một cách rất sâu sắc những nguyên lý của tư tưởng làm cơ sở cho các hành động ma thuật của người nguyên thủy. Những hành vi mang tính ma thuật được thu gọn vào hai nguyên lý: nguyên lý thứ nhất là quy luật của tương đồng và nguyên lý thứ hai là quy luật của tiếp xúc hay của sự lây truyền. Ông cho rằng nhiệm vụ của nhà khoa học, nhà triết học là bóc tách ra được một vài sợi đơn giản của cuốn chỉ rối rắm , phát hiện ra môn khoa học ẩn dấu sau lưng  những nghi lễ, hành động ma thuật.

Nghiên cứu hèm tục trong tín ngưỡng thờ Nữ thần ( hoặc thờ Mẫu) thiết tưởng ít nhiều cũng cần nhắc đến gốc rễ của nguyên lý ma thuật giao cảm và sau này, trong các thời đại tiếp theo, hèm tục nhắc nhở người ta nhớ đến nhân vật được thờ phụng vừa với niềm tin thiêng liêng, vừa có xu hướng chứng minh rằng đây là những điều có thật, có cốt lõi lịch sử

   II. Thành phố Tuyên Quang và sự hiện diện của nhiều ngôi đền thờ Mẫu

Có một điều khá ngạc nhiên đối với chúng tôi khi đến thành phố Tuyên Quang (trước đây chỉ là thị xã) là vì sao với một thành phố đất không rộng, dân số không đông (TP Tuyên Quang  diện tích 11.917,45 ha đất tự nhiên, theo thống kê năm 2010 có 110.119 người), số lượng đền phủ đến con số 18, trong đó có đến 12 ngôi đền thờ Mẫu. Có thể kể đến những ngôi đền có lịch sử lâu đời mấy trăm năm như đền Quang Kiều, đền Hạ, đền Ỷ La, đền Thượng, đền Lâm sơn Linh Từ , đền Cấm, đền Ghềnh Quýt, đền Cảnh Sanh…Điều thứ hai đáng ngạc nhiên là với hệ thống miếu, đền khá phong phú, lâu đời như vậy, hàng trăm năm trước đã từng là trung tâm hội tụ và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, Tứ phủ nổi tiếng mà chỉ gần mười năm trở lại đây, các lễ hội mới lại được chú trọng khôi phục, hồi sinh, trở lại nhộn nhịp, rộn ràng đón khách thập phương về lễ bái, du lịch tâm linh trong niềm thành kính, hân hoan như chúng tôi đã từng nghe và từng chứng kiến. Tuy vậy, việc nghiên cứu, giới thiệu thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu  và các ngôi đền ở TP Tuyên Quang chưa hệ thống và phong phú xứng tầm với sự hiện diện của nó.

Có lẽ phải giải thích sự hiện diện khá dày đặc này từ góc độ đặc điểm địa lý, lịch sử văn hóa vùng. Thành phố Tuyên Quang với địa hình khá độc đáo, nằm dọc hai bên bờ sông Lô, lại lọt vào khu vực cửa rừng, được bao bọc bởi các dãy núi cao và nhiều đồi núi thấp. Sông Lô bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam tại xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, thuộc phụ lưu tả ngạn sông Hồng. Điểm cuối nơi sông Lô đổ vào sông Hồng là Ngã ba Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Sông Lô là con sông có vị trí quan trọng trong lịch sử dân tộc. Dòng Lô nói chung và đoạn Lô giang chảy qua thành Tuyên nói riêng có thể được coi là con đường huyết mạch bằng đường thủy đã từng chứng kiến việc đội quân của các triều đại Việt Nam đánh thắng kẻ thù xâm lược. Về vị trí lịch sử, Tuyên Quang là cửa ngõ phía bắc giữ vị trí quan trọng trấn giữ miền biên ải bảo vệ kinh thành Thăng Long. Nhìn từ đặc điểm địa lý tỉnh Tuyên Quang, do vị trí đắc địa, hàng trăm năm trước đây, khi giao thông vận tải đường bộ còn hạn chế, dòng sông Lô với vị trí sát bên thành Tuyên trước đây đã từng là nơi buôn bán sầm uất, trên bến dưới thuyền. Những người cao tuổi ở đây cho biết, các chợ ở phố thị Tuyên Quang từng nổi tiếng về sự buôn bán sầm uất, hàng hóa phong phú giao lưu miền xuôi miền ngược. Thành nhà Mạc hơn 400 tuổi hẳn là nhân chứng thuyết phục việc vì sao nhà Mạc đã chọn nơi này làm cứ địa. Không ít một số ngôi đền được dựng lên bởi sự thành tâm của các nhà buôn, con nhang đệ tử đến từ trung tâm thờ Mẫu Tam phủ, tứ phủ vùng Nam Định, Hải Dương. Ngày nay, đoạn từ ngã ba Việt Trì đến cảng Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang dài 156 km, các loại tàu thuyền có tải trọng 100 đến 150 tấn vận tải có thể hoạt động được cả 2 mùa. Đoạn từ thị xã Tuyên Quang đến thị xã Hà Giang, các tàu thuyền có tải trọng nhỏ có thể tham gia vận tải được vào mùa mưa. Không gian sông, núi vừa hữu tình, thơ mộng vừa không kém phần dữ dằn, khắt nghiệt bởi nước lũ xoáy, núi lở hang sập, ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng và cuộc sống sinh hoạt của mỗi người dân thì việc nhiều ngôi đền thờ Mẫu thượng ngàn cũng như thờ Mẫu thoải hiện diện cũng là điều dễ hiểu. Người dân ở đền Hạ kể rằng, hàng năm vào mùa nước lũ, không ít thi thể người vô danh dạt về được nhân dân chôn cất, hương khói. Truyền thuyết về sự tích các ngôi đền nơi đây cũng thể hiện rõ đặc điểm địa hình đa dạng đó

 Có thể miêu thuật khái quát về các ngôi đền thờ Mẫu ở thành phố Tuyên Quang. Đền Quang Kiều (hay còn gọi là đền trình) là ngôi đền nằm ngay cửa ngõ phía nam trước khi vào thành phố Tuyên Quang thuộc phường Hưng Thành  được người dân dựng lên để thờ phụng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Thánh mẫu Thượng ngàn cùng các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ mẫu Việt Nam.

Đền Lâm Sơn (Lâm Sơn Linh Từ) thuộc tổ 2 phường Nông Tiến nằm dưới chân núi Dùm. Cửa đền quay hướng Tây Bắc nhìn ra sông Lô thơ mộng. Lâm Sơn Linh Từ thờ Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn (được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị); Chầu cũng vốn là Thiên Thai Tiên Nữ, con vua Đế Thích, cai quản sơn lâm thượng ngàn, quyền hành khắp hết 81 cửa ngàn đất Việt. Bà đã dạy cho dân biết trồng cấy, đi rừng săn muông thú, làm ruộng bậc thang, nâng cao đời sống văn hóa.

Thành phố có Đền Cấm và cả đền Cấm Sơn. Đền Cấm thuộc địa phận xã Tràng Đà, không gian thoáng đãng trên nền đất cao bên bờ sông Lô, phía sau tựa lưng vào núi Cấm, có cung chầu bà và cung sơn trang.

Đền Cấm Sơn hay còn gọi là đền Cô Chầu Mười Móc Giằng thuộc thôn Hưng Kiều 4, xã An Tường, còn có tên là Cấm Linh Từ (nghĩa là đền Cấm linh thiêng). Đền được dựng lên để thờ Cô Chầu Mười, người đã có công giúp Lê Lợi chống đoàn quân tiếp viện của giặc Minh do Mộc Thạnh chỉ huy tiến theo đường sông Lô trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Đền Cảnh sanh (đền cây Xanh) thuộc phường Minh Xuân. Theo nhận xét của một số người cho rằng đây là ngôi đền có kiến trúc độc đáo nhất ở Tuyên Quang với rất nhiều cây xanh. Theo lời người dân, điều lạ là lá vàng rất ít khi rụng vào ban ngày, họa hoằn mới có lá rụng về đêm, có lẽ vì thế mà khu đền luôn rợp mát suốt bốn mùa, rễ buông chùm cả khu đất rộng. Theo truyền thuyết. Công chúa La Bình (con gái Tản viên sơn thành) đi đến đâu, mưa tạnh, rét ngừng, muông thú ùa đến giao duyên làm bạn. Vua đã phong hiệu cho nàng là "Thượng ngàn công chúa cai quản các cõi rừng của Nam Giao". Một hôm, từ trên trời cao, Thượng Ngàn công chúa nhìn xuống Lô giang, dòng sông khúc quanh khúc lượn, ghềnh đá chênh vênh, phong cảnh hữu tình, bèn hạ giá nghỉ lại nơi đây. Đêm ấy, người dân trong làng đều mộng thấy có một thần nữ dung nhan đẹp đẽ, đầu đội mũ xanh, thắt lưng xanh, khoác áo choàng xanh lộng lẫy giáng trần. Lạ thay, sáng ra, mọi người đến thì thấy nơi đây chỉ còn lại một cây xanh, thân rễ đan xen, cành lá rủ xuống giống như động tiên thiên hình vạn trạng. Thấy sự kỳ lạ, mọi người mang hương hoa đến vái lạy, rồi lập một am nhỏ tại gốc cây. Sau đó, người dân trong vùng đã dâng lễ xin Bà chúa Thượng ngàn cho lập đền thờ trong khu vực cây xanh như hiện nay...Đền được phối thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng dân tộc đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.

Đền Mỏ Than ở phường Minh Xuân được dựng trên lưng chừng núi cũng thờ bà chúa rừng xanh và  Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tên đền Mỏ Than gắn bó với lịch sử ngôi đền. Người dân nơi đây kể rằng, trước đây thực dân Pháp bắt dân ta khai thác mỏ than nhưng một lần, sự cố sập hầm đã làm hàng chục người bị chôn vùi dưới mỏ này. Người dân đã lập ngôi đền tại mỏ than và đặt tên là đền Mỏ than để tạ lỗi với bà chúa rừng xanh và hương khói cho những người lao động bất hạnh.

Đền Gềnh Quýt thuộc xã Tràng Đà được nhân dân dựng lên vào cuối thế kỷ XIX, bên dòng sông Lô để thờ mẫu Thoải.

III. Sự tích và tục hèm trong lễ hội Mẫu thần đền Hạ

Trong mười hai ngôi đền thì ba ngôi đền là đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La dọc hai bên dòng sông Lô, đoạn chảy qua thành phố Tuyên Quang nổi tiếng nhất về sự linh thiêng. Nét đặc sắc nằm trong truyện kể sự tích ba ngôi đền liên quan đến tục rước trong lễ hội. Thực ra có thể nhận thấy nhìn chung hèm tục trong lễ hội Mẫu tam phủ, Tứ phủ không đậm nét bằng hèm tục thờ Mẫu thần thành hoàng như trong lễ hội Hai Bà Trưng, Bát Nàn, Lê Chân, Lê Hoa…. Ví dụ đồ dâng cúng trong lễ hội Hai Bà Trưng không thể thiếu bánh trôi, khi khiêng kiệu phải chú ý để cỗ kiệu quay đầu ngai, Việc đầu rồng tay ngai quay đầu trở lại và người rước kiệu đứng ở hàng đầu đi giật lùi là tục "hèm" trong lễ hội Hai Bà ở Hát Môn mà các nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian cần giải mã thêm. Các cụ cao tuổi ở trong làng giải thích rằng, người rước đầu đi giật lùi là theo tục "cha đưa, mẹ đón". Lễ cúng Mẫu Bát Nàn không thể thiếu nghi thức lễ tế cờ xanh, đồ cúng cơm nắm muối vừng. Nghi lễ này được lý giải gắn với truyền thuyết về giấc mộng: Bát Nạn tướng quân được một nữ thần vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống trao tận tay lá cờ xanh....  Lễ cúng Mẫu Lê Chân không thể thiếu bún và cua bể. Lễ vật này liên quan đến truyền thuyết về nữ tướng Lê Chân sau khi tuẫn tiết hóa đá trôi về làng An Biên báo mộng cho dân làng ra rước về thờ phụng. Nhưng kì lạ thay, đúng phiên chợ mà trong chợ chỉ còn đúng một sóc cua bể và một mâm bún, dân làng bèn mua tạm về làm lễ dâng hương án rồi cùng nhau sụp lạy, quả nhiên phiến đá dạt vào. Từ đó, cua bể và bún trở thành hai lễ vật thiêng liêng không bao giờ thiếu dâng lên Thánh mẫu trong ngày lễ. Nét riêng trong lễ hội đền Hạ trình bày ở đây không thể hiện ở đồ dâng cúng mà trong nghi thức rước kiệu. Điều này liên quan đến truyện kể về sự tích các Mẫu thần.

      Ông Nguyễn Văn Báu, Ban quản lý khu di tích đền Ỷ La kể về truyền thuyết Thánh Mẫu Ỷ La và sự tích lễ hội Mẫu thần đền Hạ như sau: Tương truyền từ thời vua Hùng, có hai nàng công chúa là Phương Dung và Ngọc Lân du thuyền trên sông, thấy cảnh vật hai bên dòng sông Lô tươi đẹp, sơn thủy hữu tình nên hai nàng rất vui lòng đẹp ý. Hai nàng quyết định ở lại nơi đây dạy dân làm ăn nâng cao đời sống. Bỗng đâu vào ngày nọ, một trận cuồng phong nổi lên làm trời mây mù mịt, sóng to gió lớn. Sau cơn dông, hai nàng đã hóa về trời. Dân chúng thương tiếc, nhớ ơn nên đã lập đền thờ hai nàng ở hai bên bờ sông. Đền thờ hai nàng liên quan đến ba ngôi đền là đền Hạ, đền Thượng, và đền Ỷ La.

Đền Hạ (còn có tên là Đền Tam cờ) thuộc tổ 3, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang thờ công chúa Phương Dung (Mẫu chị). Đền được xây dựng vào năm 1738 và được trùng tu lần thứ nhất tháng 6 năm 1878. Đền Hạ có không gian rộng rãi, thoáng đẹp, hướng chính Đông nhìn thẳng ra sông Lô. Nghệ thuật kiến trúc nổi bật của Đền Hạ đã được Nhà nước xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đền vẫn còn giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị.

Đền Thượng (đền Mẫu Dùm) thuộc xã Tràng Đà, thành phố Tuyên Quang, được dựng sau năm 1738 ( sau đền Hạ), có sắc phong sớm nhất vào 1744. Điều thú vị là nếu đền Hạ thờ Phương Dung công chúa ( Mẫu chị) ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La thì nhân dân dựng đền thờ Mẫu em ( đền thờ Ngọc Lân công chúa) ở phía tả ngạn sông Lô. Hai ngôi đền được cho là có nhiều linh ứng nên theo ý kiến một số nhà nghiên cứu có thể khi tín ngưỡng Tam phủ, Tứ Phủ mở rộng và phát triển, hai công chúa được thờ tại đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La được Mẫu hóa trở thành những vị Mẫu thần của tín ngưỡng này.

Chính giữa gian tiền tế điện thờ đền Thượng đặt Ban thờ Công đồng Ngũ vị tôn ông và nhang án, bát bửu, kiệu bát cống. Bên trái gian tiền tế đặt tượng cô Bơ; bên phải đặt tượng ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười cùng các tượng chầu. Hệ thống điện thờ có Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thoải cùng Ngọc Hoàng, Long Vương, Quan Hoàng. Trong hậu cung, tượng Mẫu Thượng Thiên mặt đỏ, áo đỏ và Mẫu Thoải mặt trắng, áo trắng. Trước mặt đền Thượng là dòng sông Lô chảy hiền hoà, phía sau là những dãy núi trùng điệp tạo sự linh thiêng huyền bí. Đến đền Thượng, du khách tâm linh vừa đi lễ vừa có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của sông nước, núi rừng nơi đây.

Đền Mẫu Ỷ La thuộc phường Ỷ La thành phố Tuyên Quang. Vì sao lại có đền Ỷ La trong hệ thống thờ hai vị mẫu thần này? Có văn bia ghi lại: Triều vua nhà Nguyễn, nghe tin có một đảng loạn sắp tràn vào, dân chúng đã đưa tượng Mẫu từ đền Hạ chạy vào thôn Gốc Đa, xã Ỷ La. Họ vừa kịp giấu pho tượng vào rừng cây thì quân giặc tới nhưng chúng không phát hiện ra. Sáng hôm sau, thay vào chỗ bức tượng là một đống mối đùn lớn, dân làng cho là điềm báo ứng nên đã cùng nhau xây một ngôi đền mới thờ Thánh Mẫu ngay trên mảnh đất đó. Chính vì thế, đền Mẫu Ỷ La được gọi là nơi Tỵ thần (nơi thần lánh) và được chọn làm nơi khởi kiệu. Đền Hạ là nơi hợp tế đều có những nguyên do lịch sử

Ông Báu giải thích rằng có lẽ vì là nơi cất dấu cho tượng thần lánh nạn nên đền Mẫu Ỷ La lưu giữ được nhiều bảo vật: Ba mươi hai pho tượng; bốn sắc phong cùng nhiều đồ vật quý giá như quả chuông, chân đèn, lư hương, lục bình, hoành phi, câu đối, long ngai,  bài vị, hạc đồng, khám thờ, bát bửu, lọng…Tại đền Ỷ La hiện nay, một gốc đa cổ thụ nhiều nhánh lớn sững sững hiện hữu tạo nên vẻ đẹp linh thiêng của ngôi đền, rất gắn với tên cũ của làng là làng Gốc Đa.

Tích truyện trên là nguyên cớ để giải thích hành động rước Mẫu độc đáo mang tính chất hèm tục không thể thiếu trong lễ hội Mẫu thần đền Hạ. Rước Mẫu là một sinh hoạt lễ hội lớn nhất từ hàng trăm năm trước kéo dài đến thời gian đầu kháng chiến chống thực dân Pháp mới vắng bóng. 60 năm sau, năm 2006 lễ rước Mẫu lại trở về với xứ Tuyên trong niềm hân hoan của nhân dân. Theo truyền thống xa xưa, từ ngày 12 đến 17 tháng Hai ÂL và tháng Bẩy là lễ hội lớn nhất trong năm. Lễ hội tháng 7 tổ chức giống với lễ hội tháng 2. Theo quan niệm dân gian, mỗi năm hai Mẫu gặp nhau hai lần rồi cùng cáo lên trời. Trước ngày lễ quan trọng này, cả ba đền Thượng, Hạ, Ỷ La phải sắm lễ chay, lễ mặn và làm lễ mộc dục bài vị, kiệu, chuẩn bị kiệu rước (kiệu bát cống và kiệu võng); các đồ cờ, quạt, bát bửu; thủ từ chuẩn bị giá văn, bảng chúc văn cho chủ tế.

 Tối ngày 11 tháng 2 khi mọi việc chuẩn bị chu tất, chủ tế xin âm dương để được phép rước Mẫu đi. Ngày 11 rước kiệu cùng bài vị Mẫu chị từ đền Ỷ La ở hữu ngạn sông Lô về đền Hạ ( Đền Hạ là nơi trung tâm tổ chức lễ hội). Ngày 12 rước kiệu cùng bài vị Mẫu em từ đền Thượng ở tả ngạn sông Lô cũng tập kết về đền Hạ. Đây là ngày hai chị em Mẫu được xum vầy, gặp gỡ và cùng hưởng sự cung phụng của dân làng và khách thập phương.  Lễ hợp tế diễn ra trong đêm 12. Khi đoàn rước kiệu đền Thượng và đền Ỷ La gặp nhau ở cổng đền Hạ, hai bên cúi chào nhau, rồi cùng tiến vào đền. Chủ tế ở đền Hạ ra nghênh đón. Theo thứ tự kiệu Mẫu chị (rước từ đền Ỷ La về) vào trước rồi đến Mẫu em (rước từ đền Thượng về ) vào tiếp theo. Sau khi đồng tế, hai Mẫu được rước vào hậu cung ở đền Hạ. Tượng Mẫu Ỷ La được đặt ở bên phải, tượng Mẫu đền Thượng đặt ở bên trái và cửa hậu cung được khóa lại.

Đoàn rước Mẫu đi đầu là đội múa lân gồm trống, chiêng, cờ quạt, đội múa, bát âm xênh tiền,.... Tiếp đến là các tàn lọng và bộ bát bửu (đao, kiếm...). Nhang án gồm mâm ngũ quả và 1 bát hương đồng to. Nhang án gồm 4 người khiêng (nam - những thanh niên chưa lập gia đình) mặc áo xanh lam, khăn xanh, đai đỏ.

Theo sau là kiệu bát cống (rước Mẫu). Trên long ngai đặt bài vị, Mẫu ở đền Ỷ La mặc áo màu đỏ, Mẫu ở đền Thượng mặc áo màu trắng. Kiệu Mẫu gồm 8 người nữ đồng trinh khoảng từ 18 đến 20 tuổi, mặc quần trắng, áo đỏ, đai vàng, đội khăn xếp đỏ khiêng. Sau kiệu rước bát cống là đội tế mặc quần áo tế. Đội tế đền Ỷ La mặc màu đỏ, đội tế đền Thượng mặc màu xanh và cả đội múa hát cô đồng.

Cuối cùng là kiệu võng, các thanh đồng đạo quan ăn mặc như khi hầu đồng, các cụ già và người dân bản xứ. Một điều quy định là chỉ dân bản xứ mới được rước kiệu. Điều này khiến người dân cảm thấy tự hào về nghĩa vụ và trách nhiệm thiêng liêng của họ.

Tổng số người tham gia rước kiệu Mẫu trong lễ hội thường lên đến khoảng 200 người. Từ ngày 13 đến ngày 15 phần hội diễn ra náo nhiệt, vui vẻ gồm các nghi lễ hát chầu văn hầu bóng, các trò chơi như tổ tôm, vật, kéo co, đu dây, đua thuyền, chọi gà...

Đến ngày 16, lễ tế tạ tại đền Hạ được tổ chức và lễ rước Mẫu hoàn cung. Các Mẫu đền nào trở về đền đó. Đoàn rước đến thế nào thì khi rước về cũng như thế. Đi đến đầu cầu Nông Tiến, hai kiệu Mẫu quay 3 vòng, đến vòng thứ 3 hai kiệu chạm vào nhau để chia tay, kiệu Mẫu đền Thượng đi đường cầu Nông Tiến về, kiệu Mẫu đền Ỷ La đi đường Tân Trào về đền Ỷ La. Khi tham gia lễ hội, người dân ai cũng muốn chui qua kiệu với mong muốn gặp những điều tốt lành, có lộc tiền tài, sức khoẻ... Khi kiệu đi qua, những người dân đặt tiền lên kiệu để dânh Mẫu và lấy khước.

Lời kết: Nếu như ở Phủ Dày Nam Định và đền Sòng Thanh Hóa có nghi lễ kéo chữ Mẫu nghi thiên hạ đặc trưng trong ngày lễ hội liên quan đến sự tích  Mẫu Liễu và bà chúa Ngọc Đài thì hèm tục ở Lễ hội Mẫu thần đền Hạ Tuyên Quang đem tới cho người tổ chức và người tham dự một niềm tin linh thiêng về sự hiện hữu của các Mẫu qua tục hèm rước Mẫu rất đặc trưng liên quan đến truyện kể về sự tích các Mẫu mà người dân phố thị Tuyên Quang tin tưởng và tự hào

Điều khiến chúng tôi lưu ý là rất nhiều truyện kể về các nữ thần được thờ ở Bắc Ninh, Bắc Giang hay nhắc đến nhân vật công chúa Phương Dung, chỉ có điều không rõ đó là các công chúa thuộc đời vua nào. Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn hay mẫu Thoải thường không lưu giữ được thần tích mà chỉ có sắc phong. Theo các vị ở ban quản lý di tích đền Hạ thì các đền ở nơi đây cũng nằm trong tình trạng đó.

Lễ hội đền Hạ mang tính quy mô toàn tỉnh, thu hút lượng du khách đến rất đông. Báo Tuyên Quang thông tin đầu năm 2015 hàng vạn lượt khách đến hương khói trình Mẫu tấp nập, rộn ràng trong niềm hào hứng. Đền Hạ được coi là nơi thờ phụng thiêng liêng trong tâm thức của người dân trong vùng và con nhang đệ tử thập phương từ xa xưa. Các lễ hội được tổ chức tại đền đều mang tính cộng đồng cao; người dân đến đây để bày tỏ khát vọng của mình trong cuộc sống ngày thường, họ cầu mong cho cuộc sống đủ đầy hơn, mưa thuận gió hòa để mùa màng được tốt tươi.

Tuy nhiên việc nghiên cứu về truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội chưa được chú ý. Vẫn còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về việc xác định thần chủ một vài đền là Mẫu Thượng Ngàn hay Mẫu Thoải, Mẫu Cửu Thiên? Tác giả Tôn Thu, trong bài Thành phố Tuyên Quang: dấu ấn trong lòng du khách thứ 2 ngày 27 tháng 1 năm 2014) cho rằng Đền trình ( đền Quang Kiều), đền Hạ, đền Thượng nằm trong cụm đền thờ mẫu Thoải nhưng trưởng phòng văn hóa thông tin TP Tuyên Quang Trương Đức Tiến cho rằng đền Trình Quang Kiều là di tích tín ngưỡng thuộc loại hình di tích lịch sử - văn hóa được người dân dựng lên để thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Thánh Mẫu Thượng ngàn cùng các vị thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam (2)

Truyền thuyết chỉ lưu truyền cách kể sơ lược về câu chuyện hai nàng công chúa đi du thuyền rồi bị trận cuồng phong cuốn đi và hóa, từ đó hai nàng rất linh thiêng, được dân lập miếu thờ, tổ chức lễ hội trọng thể. Nguồn truyền thuyết ít ỏi và mơ hồ ấy cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc nghiên cứu mối quan hệ giữa truyền thuyết, tín ngưỡng và lễ hội Mẫu thần đền Hạ Tuyên Quang có phần khó khăn, hạn chế. Cần đặt truyền thuyết đền Hạ trong mối quan hệ với các truyền thuyết về hai nàng công chúa có công với dân trên suốt dọc các con sông từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Việt Trì, Tuyên Quang…( có nhiều nhân vật cũng tên là Phương Dung công chúa) đồng thời đặt việc nghiên cứu truyền thuyết Mẫu thần đền Hạ với truyện kể dân gian Truyên Quang…Có thể chúng ta sẽ có nhiều căn cứ để hiểu thêm về tín ngưỡng thờ Mẫu của một vùng văn hóa trong tính thống nhất và đa dạng của tín ngưỡng thờ Mẫu cả nước./.

P.T.Y

1. Đền Thượng, Báo Tuyên Quang/ www.baotuyenquang.com.vn/tuyen-quang-dat-nguoi/ve-dep-nguoi-tuyen/

2. Trương Đức Tiến ( 22/4/ 2015) Thành phố Tuyên Quang, linh thiêng đất Mẫu/ www.tuyenquang.gov.vn/DetailView/4382/8/Thanh-pho-Tuyen-Quang

3. BáoMới.com / Đền mẫu Ỷ La (Tuyên Quang).

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020