Nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu văn học dân gian ở Hoa Kỳ - một số quan sát bước đầu


10-10-2020

1. Sơ lược lịch sử nghiên cứu folklore và nghiên cứu văn học dân gian ở Hoa Kỳ

 

Ngành nghiên cứu folklore Hoa Kỳ được hình thành vào cuối thế kỉ XIX, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống nghiên cứu folklore châu Âu đã được bắt đầu bằng những bài giảng, những công trình nghiên cứu văn học dân gian. Sự phát triển của folklore học, trong đó có việc nghiên cứu văn học dân gian Hoa Kỳ gắn liền với sự ra đời và phát triển của Hội Folklore Hoa Kỳ (American Folklore Society) vào năm 1888. Trong thời gian đầu mới thành lập, ngành nghiên cứu folklore đi theo hướng văn học dân gian và đại diện tiêu biểu chính là vị chủ tịch Hội đầu tiên Francis James Child (1825-1896), giáo sư trường đại học Harvard. Quan tâm đến văn học dân gian châu Âu, Child đã có bộ sách 8 tậpNhững ballad dân gian Anh và Xcotlen được xuất bản từ năm 1888 đến năm 1898. Đồng thời, ông giảng chuyên đề cùng tên ở trường Harvard hai năm cuối đời mình (1894-1895 và 1895-1896), nó được coi là những chuyên đề có định hướng thể loại đầu tiên trong các trường đại học Hoa Kỳ. Sau khi ông mất, chuyên đề này vẫn tiếp tục được hai học trò của ông là G. L. Kittredge giảng dạy ở Harvard và William M. Hart ở trường đại học California, Berkeley(1). Sau khi thành lập Hội Folklore Hoa Kỳ một năm, vào năm 1889, Tạp chí Folklore Hoa Kỳ (Journal of American Folklore) ra đời và văn học dân gian là một trong những đối tượng được quan tâm. Định hướng khởi đầu có chiều hướng nghiêng về ngữ văn dân gian rõ ràng có liên quan đến việc xác định đối tượng nghiên cứu của Hội và liên quan đến người đứng đầu tổ chức chuyên ngành đầu tiên về folklore ở nước Mỹ(2). Đầu thế kỉ XX, Hội Nhân học Hoa Kỳ và Hội Ngôn ngữ hiện đại ra đời, và việc giữ vị trí biên tập tờ Tạp chí Folklore Hoa Kỳ 31 năm liền từ 1908 đến 1939 của hai thầy trò Franz Boas khiến cho việc tiếp cận folklore có nhiều thay đổi. Trong khi các nhà nghiên cứu văn học dân gian vẫn có chiều hướng tiếp cận folklore theo kinh nghiệm của truyền thống nghiên cứu folklore châu Âu bằng việc sưu tầm, nghiên cứu folklore của những người da trắng di cư đến Mỹ thì các nhà nhân học lại hướng sự quan tâm tới đời sống folklore của người da đỏ bản địa ở Mỹ mà việc sưu tầm đòi hỏi phải được tiến hành theo phương pháp điền dã dân tộc học. Hướng nghiên cứu này chiếm lĩnh diễn đàn của Tạp chí Folklore Hoa Kỳ trong gần một phần ba thế kỷ. Tuy nhiên, song song với sự lãnh đạo của các nhà nhân học đối với tờ tạp chí folklore thì từ giữa những năm 1920 đến những năm 1930, vị trí chủ tịch Hội Folklore Hoa Kỳ chuyển sang cho một số nhà nghiên cứu “phi-nhân học” (non-anthropologist: thuật ngữ chỉ các nhà nghiên cứu folklore theo hướng ngữ văn vào thời đó) như là Stith Thompson (1885-1976), giáo sư tiếng Anh của trường đại học Indiana, là học trò của George Lyman Kittredge ở trường Harvard (đã nói ở trên), người chịu ảnh hưởng sâu sắc của trường phái địa lí - lịch sử Phần Lan, người say mê văn học dân gian và ưa thích tiếp cận folklore từ các văn bản được sưu tầm. Do vậy, song song với hướng tiếp cận nhân học bằng việc điều tra dân tộc học các bộ tộc người da đỏ Mỹ và người da đen châu Phi định cư ở Mỹ, hướng tiếp cận ngữ văn dân gian vẫn đạt được nhiều thành tựu. Vào những năm 1920 và 1930, Stith Thompson cùng các đồng nghiệp là Archer Taylor (1890-1973), Louise Pound (1872-1958) đã xuất bản nhiều công trình về truyện cổ tích, tục ngữ và ballad. Để dung hòa hai hướng tiếp cận, Stith Thompson đã đề xuất một hướng nghiên cứu kết hợp như sau: “Một nhà dân tộc học khó mà hy vọng có thể hiểu được con người nếu như anh ta không để ý đến một phần rất quan trọng trong cuộc sống của họ như truyện cổ tích và thần thoại, các bài ca và các điệu nhảy, các nghi lễ và các bài khấn. Tương tự như vậy, nhà nghiên cứu folklore cần những kinh nghiệm và những kĩ năng của một nhà dân tộc học được đào tạo để lập ra những mô hình cho nghiên cứu của họ”(3). Cũng chính Stith Thompson đã nỗ lực thúc đẩy sự hình thành một ngành nghiên cứu folklore độc lập, thoát khỏi sự chi phối và hoà tan vào dân tộc học và nhân học. Kết quả của sự nỗ lực ấy là việc thành lập Viện Folklore đầu tiên ở nước Mỹ thuộc trường đại học Indiana năm 1942, nơi rồi đây sẽ là trung tâm nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành folklore cho nước Mỹ và thế giới, gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà khoa học nổi tiếng của ngành nghiên cứu folklore với tư cách là một ngành nghiên cứu độc lập và trưởng thành. Việc ra đời của Viện Folklore ở trường Indiana được coi là một cái mốc quan trọng trong giai đoạn mở đường của lịch sử folklore học Mỹ, một chặng đường được nhận định là “được mở ra bằng sự thành lập Hội folklore Mỹ, được khép lại bằng việc bắt đầu một ngành nghiên cứu tách biệt liên quan đến việc thành lập Viện Folklore đầu tiên tại trường đại học Indiana. Mốc thời gian này còn đánh dấu trình độ cao của các cách tiếp cận với nỗ lực hệ thống hoá folklore trong thời gian và không gian”(4). Trong sự phát triển và trưởng thành của Viện Folklore, nghiên cứu văn học dân gian có một chỗ đứng của nó, tuy rằng cách tiếp cận không ngừng thay đổi theo thời gian. 

2 . Vấn đề thuật ngữ

Đến đây, cần phải tìm hiểu đôi nét về quan niệm về văn học dân gian trong các nhà nghiên cứu folklore Hoa Kỳ. Văn học dân gian trong quan niệm của các nhà folklore học Hoa Kỳ có nhiều tên gọi và mỗi tên có một nội hàm khác nhau. Có thể hình dung khá rõ nét sự xuất hiện và thay đổi thuật ngữ này trong lí thuyết công thức truyền miệng (oral-formulaic theory) của Milman Parry và học trò của ông là Albert Lord, hai giáo sư trường Harvard, khi nghiên cứu về sử thi(5). Theo hai ông, khái niệm truyền miệng mà họ dùng cho sử thi đã từng có nhiều tên gọi, đều nhằm khu biệt bộ phận sáng tác này với văn học thành văn. Trước hết là tên gọi sử thi dân gian (folk epic),một thuật ngữ mà ở nhiều nước mang sắc thái hơi bị coi thường, đồng nghĩa với nông dân (peasant) và xã hội nông thôn. Hai ông phân tích rằng, đúng là xã hội nông thôn lưu giữ những gì chưa được ghi chép tốt hơn thành thị, sử thi đúng là sống lâu nhất với nông dân nhưng điều đó không có nghĩa chúng là sáng tác của nông dân, ngược lại, loại thơ tự sự này thường mang tính chất quý tộc và cung đình hơn là dân gian. Nó được trình diễn trong những lễ nghi quan trọng. Còn với truyện cổ tích, theo A. Lord, từ dân gian (folk) gợi đến ý nghĩ rằng, nó là sáng tác của những người nông dân lạc hậu chỉ chuyên kể chuyện cho trẻ em, song thực ra, ý nghĩa biểu tượng của truyện cổ vượt xa khỏi phạm vi của những câu chuyện dành cho trẻ con. Vì vậy, từ dân gian có thể miêu tả sai lạc đối tượng và làm chúng ta rời xa đối tượng. Ở chỗ khác, người ta đã dùng thuật ngữ bình dân(popular). Thuật ngữ này tránh được việc ám chỉ tới người nông dân lạc hậu nhưng lại có ngụ ý về những sản phẩm có chất lượng kém, vì vậy, nó được dùng để chỉ cả cho văn học thành văn. Có khi bộ phận sáng tác dân gian này lại được dùng với tính ngữ dân tộc (national) vì theo A. Lord, cơn sốt chủ nghĩa dân tộc thế kỉ XIX dẫn đến việc sử dụng sử thi truyền miệng cho việc tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc. Theo Lord, nhãn hiệu dân tộc được gán cho những bài thơ vinh danh những người anh hùng của dân tộc là không chính xác và là một sự mạo danh xảo quyệt. Có người dùng thuật ngữ nguyên thuỷ (primitive), một thuật ngữ mượn của nhân học, để thay thế. Thuật ngữ này muốn hướng tới một giai đoạn xã hội đã lùi xa trong quá khứ để nói rằng, sáng tác dân gian xuất hiện trước sáng tác thành văn nhưng thuật ngữ này cũng tỏ ra không ổn vì nó thể hiện một sự mơ hồ rõ rệt. Cuối cùng, hai nhà nghiên cứu này đã đi đến việc dùng thuật ngữ sử thi truyền miệng (oral epic) với nội hàm là kĩ thuật sáng tác, nó cắt nghĩa được việc là tại sao nhiều người lại có thể cùng sáng tác một bài thơ. Toàn bộ công trình của Albert Lord là để phát triển ý tưởng được nêu ra trong công trình bỏ dở của thầy mình, ý tưởng đó là: “mục đích của nghiên cứu là khẳng định chắc chắn hình thức của thơ truyền miệng để nhận ra nó khác với hình thức (in nghiêng trong nguyên văn) truyện thơ thành văn ở điểm nào. Phương pháp của nghiên cứu này là quan sát nghệ nhân diễn xướng một số lượng phong phú các bài ca chưa được ghi chép để nhận ra bằng cách nào mà các bài ca này lưu giữ được những gì chúng có để học và thực hành chúng mà không cần phải đọc hay viết”(6). Lí thuyết công thức truyền miệng của Milman Parry và Albert Lord tập trung vào hai điểm có thể nói là mấu chốt trong nghiên cứu văn học dân gian, một là xác định đặc trưng hình thức thơ truyền miệng (phần hiển ngôn trong một bài thơ) để phân biệt với thơ thành văn, hai là xác định cách thức sáng tạo (phần tàng ngôn) một bài thơ truyền miệng, một bài thơ được nhiều người cùng sáng tác, được lưu truyền từ đời này sang đời khác không bằng việc viết và đọc mà vẫn có thể lưu giữ được cốt lõi nghệ thuật của mình, và theo đoán định của các ông, hẳn là trong quá trình sáng tạo phải có một cách thức sáng tạo rất đặc biệt và cách thức đó (cái mà A. Lord gọi là vấn đề kĩ thuật), ở phần chìm, đã được lưu truyền cùng với câu chữ, nội dung, là phần nổi của bài thơ. Như vậy, lí thuyết công thức truyền miệng của Parry-Lord đã thâm nhập vào cả hai lĩnh vực rất đặc trưng của sáng tác dân gian đó là hình thức tác phẩm và thế giới sáng tạo của nghệ nhân với kì vọng tìm ra nét đặc trưng loại biệt của cả hai phương diện này.

Để xác định đặc trưng của bộ phận thơ dân gian này, như đã nói ở trên, Parry-Lord đã phân tích và loại dần các khái niệm dân gian, bình dân, dân tộc và nguyên thuỷ để tìm đến định danh truyền miệng cho nó. Để từng bước làm sáng tỏ thuật ngữ mới, hai ông đã loại bỏ các khái niệm liên quan như học thuộc lòng và ứng tác. Theo hai ông, quan niệm cho rằng nghệ nhân trình diễn một bài thơ đơn thuần chỉ là việc nhắc lại một cách máy móc những bài hát học thuộc lòng của các nghệ nhân trước đó hay việc trình diễn hoàn toàn là sự ứng tác là hiểu không đúng quy trình đặc biệt của sáng tác truyền miệng. Albert Lord đã viết rõ rằng: “Sự thật là sử thi truyền miệng được truyền khẩu từ nghệ nhân này sang nghệ nhân khác nhưng nếu chúng ta hiểu rằng, việc lưu truyền một văn bản cố định hay dạng lưu truyền mà trong đó A nói với B những gì xảy ra, rồi B nói với C và vv…với tất cả sự sai lạc tự nhiên của trí nhớ, với sự phóng đại hoặc xuyên tạc thì chúng ta cũng sẽ không thấu hiểu việc truyền khẩu một sử thi truyền miệng là gì. Với thơ ca truyền miệng, chúng ta làm việc với một quá trình đặc biệt và cụ thể mà trong đó, việc học theo lối truyền khẩu, sáng tác truyền khẩu và lưu truyền bằng miệng hoà trộn với nhau; chúng có vẻ như là những khía cạnh khác nhau của cùng một quá trình” (Albert Lord, tr. 5). Để làm rõ hơn khái niệm truyền miệng trong quan niệm của mình, ông viết: “Truyền miệng, tuy nhiên, không có nghĩa là trình diễn bằng miệng. Sử thi truyền miệng được diễn xướng bằng miệng, điều đó đúng, nhưng các bài thơ khác cũng được trình diễn bằng miệng. Điều quan trọng không phải là việc diễn xướng bằng miệng mà là việc tổ chức tác phẩm trong quá trình diễn xướng bằng miệng” (Albert Lord, tr.5). Lí thuyết truyền miệng của hai ông được triển khai trên các văn bản và việc điều tra dân tộc học diễn xướng sử thi nhưng cũng có thể áp dụng được trong việc cắt nghĩa hoạt động sáng tạo văn học dân gian, đồng thời, qua đó có thể hiểu được xuất xứ của việc sử dụng khái niệm văn học truyền miệng ở Hoa Kỳ.

 Việc nghiêng về nghiên cứu văn học truyền miệng thời gian đầu ở Mỹ đã dẫn đến đòi hỏi phải nhận thức lại thuật ngữ folklore. Vốn có truyền thống mạnh về điều tra dân tộc học, nghiên cứu folklore Hoa Kỳ buổi đầu đã sớm tiếp thu những thành tựu của dân tộc học châu Âu và tách khỏi những ảnh hưởng của truyền thống nghiên cứu ngữ văn dân gian của châu lục này. Để nhấn mạnh sở trường, khi theo dõi lịch sử nghiên cứu folklore, các tác giả Mỹ đã khẳng định những sáng tạo bản địa của mình. “Các nhà nghiên cứu tín ngưỡng, phong tục và truyền thống Mỹ có chiều hướng chịu ảnh hưởng bởi quan niệm về folklore của các nhà nghiên cứu người Anh, mặc dầu khuynh hướng tán thành sâu sắc quan niệm của các học giả Đức về Volkskunde chiếm ưu thế ở Pensylvania như là kết quả của hứng thú về nền học thuật Đức được khích lệ bởi di sản Đức ở vùng này. Tuy nhiên, nghiên cứu folklore không phải là hiện tượng nhập ngoại. Một cơ sở nghiên cứu người Anh-điêng ở Mỹ với tên tuổi của Henry Rowe Schoolcraft (1793-1864) đã khuấy động hứng thú của các học giả đối với tinh thần Mỹ bản địa vào năm 1839 bằng ấn phẩm Nghiên cứu Algic. Vào năm 1842, ông giúp đỡ để thành lập Hội Dân tộc học Mỹ”(7).Quán triệt ưu thế nghiên cứu theo hướng dân tộc học, các nhà nghiên cứu folklore Mỹ luôn cảnh báo nguy cơ về sự lấn át của nghiên cứu nghệ thuật ngôn từ trong folklore học. Ngay từ giai đoạn đầu, các nhà nghiên cứu folklore Mỹ đã đề xuất một thuật ngữ mới folklife (đời sống dân gian) để đối trọng với thuật ngữfolklore được đề xuất bởi học giả người Anh Uyliam Thoms. Ngay sau khi thành lập Hội folklore Mỹ bốn năm, năm 1892, nhà dân tộc học Walter Hough ở Bảo tàng Dân tộc Mỹ đã hướng Hội folklore Mỹ vào “đời sống dân gian ở thủ đô”. Năm 1897, Tạp chí Folklore Hoa Kỳ đã đăng bài Đời sống dân gian châu Phi của Heli Chatelain, và Willian Greenough cho ra mắt bài viết Đời sống dân gian và folklore của người Canada(8). Theo Richard M. Dorson, “trong những năm gần đây, một thuật ngữ khác là folklife (đời sống dân gian) xuất hiện ganh đua với sự lấn lướt của thuật ngữ folklore. Những người ủng hộ việc nghiên cứu đời sống dân gian kiến nghị rằng, các nhà nghiên cứu folklore đã thu hẹp phạm vi của folklore vào các hình thức ngôn từ mà phớt lờ những sản phẩm vật chất của nghệ thuật dân gian”(9). Cũng trong sách này, Richard M. Dorson chia folklore hoặc folklife thành bốn nhóm sau: Văn học truyền miệng, Văn hoá vật chất, Phong tục dân gian và Nghệ thuật diễn xướng dân gian. Trong bảng phân loại này, chúng ta thấy, văn học truyền miệng được xếp thành một loại lớn của folklore, tuy nhiên, với sự phản ứng trên đây, có thể dễ dàng thấy rằng, các hình thức ngôn từ folklore không trở thành một đối tượng độc lập nằm trong tâm điểm nghiên cứu của các nhà folklore Mỹ.

Sự phát triển theo hướng chuyên sâu đã tách folklore học ra khỏi nhân học, sự kiện này được đánh dấu bởi việc Ruth Benedict, nhà nhân học nổi tiếng của Mỹ, một học trò xuất sắc của Franz Boas, từ chối vai trò biên tập tờ Tạp chí Folklore Hoa Kỳ vào năm 1939(10) và sau đó là sự thành lập Viện Folklore tại trường Indiana như đã nói ở trên. Các nhà nhân học vẫn tiếp tục khảo sát các nền văn hoá không có chữ viết, mọi truyền thống ở tình trạng truyền miệng, còn các nhà nghiên cứu ngữ văn dân gian vẫn sử dụng các tài liệu văn bản làm cơ sở khảo sát chính của mình, vì vậy, giữa họ dần dần không có tiếng nói chung. Người đóng vai trò trung gian hoà giải, người muốn tạo một chiếc cầu nối các thành tựu của hai ngành nghiên cứu đang dần tách xa nhau là William Bascom. Ông đề nghị không dùng thuật ngữ folklore vốn có nội hàm tương đối rộng cho văn học dân gian mà chuyển sang dùng thuật ngữ nghệ thuật ngôn từ (verbal art)(11), không chỉ với nghĩa là sự tồn tại của quá khứ (trên các văn bản) mà được coi là những thực thể sống của hiện tại (trong môi trường diễn xướng), vì vậy, không thể chỉ xem xét chúng như những lát cắt tĩnh tại về mặt lịch đại mà phải nghiên cứu nó trong sự hoạt động, trong mối tương quan đồng đại với vô vàn mối dây liên hệ trong hoạt động giao tiếp. Các tác phẩm nghệ thuật ngôn từ folklore giờ đây tồn tại với tư cách là những hoạt động lời nói, chịu quy định của môi trường diễn xướng, quy ước giữa người diễn và khán giả, quy ước giữa truyền thống và sáng tạo và cả những yếu tố ngẫu nhiên trong từng thời điểm và không gian diễn xướng cụ thể. Sự điều chỉnh của Bascom có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hướng nghiên cứu mới của ngành folklore học, cách tiếp cận văn học dân gian từ môi trường diễn xướng, từ góc độ hoạt động giao tiếp.

Việc thay đổi hướng tiếp cận này thịnh hành vào những năm 60 của thế kỉ trước với việc thay đổi định hướng từfolklore tư liệu (folklore-as-materials) sang folklore giao tiếp (folklore-as-communication), từ cách tiếp cận lấy văn bản làm trung tâm (text-centered) đến lấy bối cảnh làm trung tâm (context-centered). Vào năm 1965, Francis Lee Utley, trong một bài viết đã dùng thuật ngữ văn học dân gian (folkl literature) - một thuật ngữ hoàn toàn khác với các nhà nghiên cứu trước đó - nhưng thực ra, cách quan niệm của ông cũng không có gì khác với quan niệm của W. Bascom khi ông này đề xuất việc sử dụng thuật ngữ nghệ thuật ngôn từ (verbal art)(12). Một nhà nghiên cứu ở giai đoạn sau này đã phát triển lí thuyết về nghệ thuật ngôn từ của Bascom trong hàng loạt các công trình của mình là Richard Bauman, nay là viện trưởng Viện Folklore tại trường Indiana. Trong công trình Nghệ thuật ngôn từ như là sự diễn xướng (Verbal Art as Performance), khi nói về hướng tiếp cận cũ, tức là cách tiếp cận từ góc độ văn bản, Richard Bauman đã nói rằng: “Tất nhiên có thể chuyển từ văn bản mang tính nghệ thuật được nhận dạng trong những thuật ngữ chính thức và những thuật ngữ khác sang diễn xướng đơn giản bằng cách quan sát xem những văn bản như vậy đã được trình diễn như thế nào từ phương diện hoạt động…Như chúng ta sẽ thấy, những văn bản văn học truyền miệng, mặc dù chúng có thể đáp ứng được những chuẩn mực hình thức của nghệ thuật ngôn từ, có thể được ghi chép lại tỉ mỉ, có thể biểu lộ những liên kết mạnh mẽ với diễn xướng trong bối cảnh mang tính quy ước của chúng, tuy nhiên chúng vẫn không phải là sản phẩm của diễn xướng mà chỉ là sản phẩm của sự trình diễn trong những hình thức giao tiếp khác. Có bao nhiêu văn bản trong bộ sưu tập của chúng ta đại diện cho việc ghi chép, cho những tóm tắt, tóm lược về người cung cấp thông tin, hoặc chỉ là việc kể về diễn xướng và các hình thức diễn xướng chứ không phải là diễn xướng thực sự?”(13). Và theo ông, “diễn xướng, như là chúng ta nhận thức về nó và như những thí dụ chúng tôi dẫn ra đây để minh hoạ là sợi chỉ thống nhất nối những thể loại mang tính thẩm mỹ đang ở tình trạng cô lập và những phạm vi khác của hành vi ngôn từ (verbal behaviour) trong một quan niệm thống nhất tổng thể của nghệ thuật ngôn từ với tư cách là một cách thức nói (the way of speaking). Nghệ thuật ngôn từ có thể hiểu vừa là cách kể thần thoại vừa là lời nói của một thành viên nào đó trong một lĩnh vực văn hoá đặc thù và những cách thức khác nhau, những cách thức đó chỉ có thể phát hiện được bằng điều tra dân tộc học trong từng nền văn hoá và trong từng cộng đồng”(14). Có thể thấy rõ ở đây sự thay đổi của quan niệm về sự tồn tại của văn học dân gian ở Mỹ, đi từ chỗ các văn bản được ghi chép hoàn chỉnh, qua những bản ghi chép (tóm tắt, tóm lược) từ diễn xướng, đến chính bản thân hoạt động giao tiếp. Với quan niệm mới này, nhà nghiên cứu văn học dân gian không thể chỉ bằng lòng với các câu chuyện được biên soạn hoàn chỉnh, với các ghi chép về các cuộc diễn xướng của người khác mà phải triển khai dựa chủ yếu vào sự điều tra dân tộc học của chính mình về một hoạt động giao tiếp (việc kể, việc hát…) với vô vàn yếu tố tham gia và chi phối, với đầy rẫy những bất ngờ của từng bối cảnh cụ thể mà các tài liệu trên chỉ đóng vai trò tham khảo thứ yếu. Quan niệm mới này đòi hỏi nhà nghiên cứu văn học dân gian nhất thiết phải trang bị cho mình tri thức về các lĩnh vực nghiên cứu liên ngành mà trong đó, tri thức về ngôn ngữ học và nhân học là những thứ không thể thiếu được.

3. Việc nghiên cứu thể loại văn học dân gian

Trong giai đoạn đầu của ngành nghiên cứu folklore, với mục đích nhận diện và phân loại đối tượng, thể loại là một trong những vấn đề được quan tâm trong giảng dạy đại học và các bộ sưu tập văn học dân gian Hoa Kỳ. Như đã nói ở trên, giáo sư Francis James Child ở trường đại học Harvard, vị chủ tịch Hội Folklore Hoa Kỳ đầu tiên, là người đầu tiên đưa các bài giảng về thể loại vào trường đại học. Theo điều tra của Richard M. Dorson về sự phát triển của các chuyên đề folklore trong các trường đại học thì “thể loại được coi là nguyên tắc chỉ đạo để tổ chức những bài giảng về folklore dân tộc hay folklore vùng. Chẳng hạn, Alfred L. Schoemaker trình bày chuyên đề Văn học dân gian Pensylvania theo chuẩn mực Đức trong bảng phân loại của trường phái Franklin & Marshall như sau: “Nghiên cứu về ballad, dân ca, tâm linh, tục ngữ, câu đố và văn học đại chúng được lưu truyền bằng những tờ báo, những quyển sách, những quyển sổ tay của người Đức ở Pensylvania”(15). Còn theo Dan Ben-Amos, “thể loại có chức năng tạo thành hệ thống xuất bản hơn là chương trình giảng dạy. Chỉ cần nhìn lướt qua các tạp chí folklore và thư mục tham khảo thì thấy rằng, nguyên tắc thể loại là cơ sở của nhiều bộ sưu tầm văn bản, nhiều tuyển tập và bảng tra cứu. Một tập sách về truyện cổ tích ít khi bao gồm trong nó ballad, tục ngữ, hoặc một quyển sách về câu đố không có những văn bản về truyền thuyết. Cũng như vải len và vải sợi không thể dệt vào nhau, tự sự và trữ tình là những mảng tách biệt trong các xuất bản phẩm về văn học truyền miệng”(16).

Thể loại folklore đã được nghiên cứu từ rất nhiều góc độ, gắn liền với cách thức tiếp cận folklore của từng trường phái nghiên cứu. Có thể thấy rằng, việc lấy thể loại làm tiêu chí để phân loại folklore là một ý tưởng xuất phát từ các học giả châu Âu mà người có công đi đầu trong xu hướng này là anh em Grimm. Sự phân biệt bước đầu ba thể loại thần thoại, truyền thuyết, cổ tích được coi là ba thể loại chính của tự sự dân gian trong bộ sưu tập của anh em Grimm trongThần thoại Đức đã được các nhà nghiên cứu ngữ văn dân gian coi như có tính chất hướng đạo trong một thời gian dài. Đây là sự phân biệt giữa thần thoại và cổ tích: “Thông thường, tất cả những truyện cổ tích đều là những vết tích của một tín ngưỡng thời tối cổ và được thể hiện trong những khái niệm tu từ về những gì siêu cảm giác. Những yếu tố thần thoại là những mảnh vụn của một chuỗi ngọc bị vỡ ra nằm trên đất, bị phủ kín bởi hoa cỏ và chỉ có những đôi mắt tinh tường mới nhận ra được. Ý nghĩa của yếu tố huyền thoại này đã bị tản mát, tuy nhiên, có thể tìm thấy chúng trong truyện cổ tích, đồng thời làm thoả mãn tình cảm tự nhiên trong những điều huyền diệu. Chúng chắc chắn không phải là vật trang trí cho những trí tưởng tượng lười biếng”(17). Và đây là sự phân biệt giữa cổ tích và truyền thuyết: “Có nhiều lí do thích đáng để phân biệt truyện cổ tích với truyền thuyết dân gian mặc dù chúng luân phiên kết nối với nhau. Lỏng lẻo hơn và ít bị giới hạn hơn truyền thuyết, truyện cổ tích thiếu đi tính địa phương vốn đóng khung truyền thuyết và làm cho truyền thuyết chất phác hơn. Truyện cổ tích thì bay, truyền thuyết thì đi và gõ vào cửa từng nhà. Một bên thì có thể nối thẳng với sự phong phú của thi ca, còn bên kia thì lại gần như có uy quyền với lịch sử”(18). Sự phân biệt này có ý nghĩa hình thành những khái niệm có tính chất nền tảng để từ đó, các nhà nghiên cứu đi sau triển khai cụ thể hơn. Việc phân loại truyện cổ dân gian được tiến hành triệt để hơn với các nhà nghiên cứu thuộc trường phái địa lí-lịch sử Phần Lan bắt đầu từ cuối thế kỉ XIX, thịnh hành vào đầu thế kỉ XX và ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà nghiên cứu folklore Mỹ và những năm 1920. Bằng những nghiên cứu công phu của mình, Stith Thompson đã có những đóng góp lớn lao cho việc nghiên cứu truyện cổ dân gian Hoa Kỳ và ngành cổ tích học thế giới. Các công trình của ông lần lượt từ Bảng tra motif văn học dân gian (6 tập, 1932-1936), Truyện cổ tích (1946), Truyện kể về người chồng là vì sao (1953) và Type truyện dân gian(1960) là sự kiên trì ứng dụng phương pháp địa lí-lịch sử Phần Lan vào việc nghiên cứu truyện cổ tích nói chung, văn học dân gian nói riêng. Cùng thời gian này, một hướng quan tâm khác về vấn đề thể loại truyện dân gian được thể hiện trong các bộ sưu tập truyện dân gian người da đỏ của Franz Boas và các học trò của ông. Các công trình của Boas thể hiện một cách song hành hai hướng quan tâm: một mặt, ông vẫn chủ trương sưu tập thật nhiều các thể loại ngôn từ bởi vì nó mang những nét phong cách đặc biệt, nhưng mặt khác, ông cho rằng, chính hình thức diễn ngôn mới là những nguyên tắc hình thành các kiểu mẫu trong việc tổ chức và lưu truyền các cấu trúc ngôn ngữ, vì vậy, ông chú ý đến sự có mặt hay vắng mặt các thể loại ngôn từ cụ thể trong những nền văn hoá để kiểm chứng các lí thuyết toàn cầu về nguồn gốc và sự phát triển của văn học. Như vậy, thông qua khảo sát truyện kể dân gian của người da đỏ Bắc Mỹ, Boas đã xây dựng lí thuyết thể loại bằng việc vừa chú ý đến chủ đề và motif truyện trong sự lưu truyền, trong sự kết hợp với các yếu tố mới, vừa chú ý đến việc thực hành chúng trong các môi trường cụ thể. Ông đã phân biệt hai loại truyện dân gian như sau: “Luôn luôn tồn tại sự phân biệt rõ ràng hai loại truyện cổ. Một nhóm liên quan đến những sự kiện xảy ra vào thời gian mà thế giới chưa có hình dạng như bây giờ và loài người chưa sở hữu những phong tục hay nghệ thuật như chúng ta ngày nay. Nhóm kia thì bao gồm những truyện kể của thời đại chúng ta. Nói cách khác, truyện kể của nhóm thứ nhất được gọi là thần thoại, còn truyện kể của nhóm thứ hai thì được gọi là lịch sử”(19). Những học trò tiêu biểu của Boas trong lĩnh vực này như Paul Radin, Reichard đã tiến hành điều tra các cộng đồng khác, tiến hành sưu tập tư liệu và dựa vào đó, bổ sung thêm lí thuyết thể loại của ông.

Các nhà chức năng luận đã nghiên cứu thể loại từ chức năng xã hội của từng thể loại. Người tạo nền móng cho quan điểm nhìn nhận thể loại từ góc độ chức năng luận là Bronislav Malinowski. Ông không lí giải các “tàn dư” quá khứ như cách làm của các nhà tiến hoá luận mà tập trung nghiên cứu sự sống sót của các nhóm xã hội một cách tổng thể. Mỗi thành tố văn hoá, thể loại là một ví dụ, đều là một nhân tố có chức năng duy trì và tiếp tục sự tồn tại của nhóm xã hội đó. Chẳng hạn, “thần thoại thể hiện, củng cố, mã hoá những tín ngưỡng; nó bảo vệ và cưỡng chế đạo đức; nó bảo đảm tính hiệu lực của nghi lễ và chứa đựng những quy định thực hành có tính hướng đạo cho con người. Thần thoại, vì vậy, là một thành tố của văn minh nhân loại; nó không phải là những câu chuyện vu vơ, thiếu căn cứ mà là một lực lượng hoạt động tích cực; nó không phải là một sự giải thích thông thái hay một tưởng tượng mang tính nghệ thuật, mà là một nghị định thực tế của niềm tin sơ khởi và một sự trải nghiệm có ý nghĩa đạo đức”(20). Vì vậy, trong quan niệm của Malinowski, thể loại có mục đích thoả mãn những nhu cầu tinh thần và xã hội của con người, chúng có chức năng duy trì xã hội theo từng loại chuẩn mực mà mỗi thể loại định ra, vì vậy, nghiên cứu thể loại folklore là nghiên cứu chức năng của chúng. Theo Malinowski, chức năng có tính toàn cầu, vì vậy, nghiên cứu hệ thống thể loại cần nghiên cứu chức năng mang tính toàn cầu của chúng và sơ đồ thể loại cần phải có tầm bao quát tư liệu văn học truyền miệng trên phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, sự khảo sát bối cảnh của từng nền văn học dân gian cụ thể cho thấy, chức năng thể loại là rất đa dạng, chúng không giống nhau trong những cộng đồng khác nhau, thậm chí, chúng không giống nhau trong quan niệm của các thành viên trong cùng một cộng đồng. Do vậy, để dung hoà các sự khác biệt trong quan niệm về thể loại, William Bascom, người chịu ảnh hưởng sâu sắc của Malinowski, đã đề nghị một bảng phân loại ba phần đối với tự sự dân gian dựa như sau: “Thần thoại, truyền thuyết và truyện cổ tích không được xếp vào những bảng phân loại mang tính chất toàn cầu nhưng những khái niệm mang tính phân tích của chúng lại được ứng dụng rộng rãi xuyên văn hoá ngay cả đối với những bảng phân loại địa phương mang tính vùng đậm đặc. Chúng được phân chia thành b phần và được đề xuất bởi các nhà nghiên cứu folklore châu Âu và chúng phản ánh những bảng phân loại bản địa của folklore châu Âu; nhưng chúng cũng dễ dàng rút gọn lại thành bảng phân loại hai phần trong những xã hội ấy, như chúng ta sẽ thấy, nhóm thần thoại và truyền thuyết được xếp vào cùng một bảng thần thoại-truyền thuyết và chúng được phân biệt với cổ tích là những truyện hư cấu”(21). Phát triển những quan niệm của Malinowski, Bascom đã nhận thấy mối liên hệ giữa chức năng của folklore với thể loại, chẳng hạn, chức năng duy trì tính hiệu lực văn hoá gắn với thể loại thần thoại, chức năng giáo dục gắn với cổ tích, chức năng củng cố các kiểu mẫu hành vi gắn với thể loại tục ngữ…(22)

Một hướng nghiên cứu thể loại khác là của các nhà hình thái học-cấu trúc với vai trò khởi xướng của Vladimir Ia. Propp (1895-1970). Gọi là cách tiếp cận hình thái học-cấu trúc bởi vì Propp không phải là một nhà cấu trúc học, công trình đầu tay của ông có nhan đề Hình thái học truyện cổ tích (1928) là sản phẩm của trào lưu Hình thức chủ nghĩa Nga nhưng nó có những tiền đề của cái nhìn cấu trúc luận(23). Khảo sát truyện cổ tích thần kì Nga, Propp phát hiện những yếu tố khả biến (ông gọi là biến số) của truyện dân gian như nhân vật, tặng vật, chúng rất đa dạng trong truyện cổ tích, còn bản thân hành động nhân vật thì chỉ có một số ít và không thay đổi (ông gọi là hằng số). Hành động của nhân vật được Propp gọi là chức năng nhân vật, trong truyện cổ tích thần kì (mà ông khảo sát qua bộ sưu tập của A. N. Afanaxiev) ông tìm ra được ba mốt chức năng nhân vật. Những chức năng này có một trình tự chặt chẽ, nếu thay đổi trật tự thì nội dung truyện cũng sẽ thay đổi. Đó là những gì nằm ở bề sâu cấu trúc, chúng quy định kết cấu bề mặt và những tình tiết hiển ngôn của một truyện cổ tích thần kì. Về mặt lí thuyết, từ ba mốt chức năng này, có thể tạo ra vô vàn truyện cổ tích, trong các truyện có thể sẽ vắng mặt một số chức năng nào đấy. Ba mươi năm sau khi ra mắt ở Liên Xô, năm 1958, công trình của ông đã được Svatava, một nhà nghiên cứu văn học Slave ở trường đại học Harvard dịch ra tiếng Anh. Ngay lập tức công trình này gây được tiếng vang rất lớn đối với giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phương Tây, trong đó có văn học dân gian. Chỉ ít lâu sau, Alan Dundes, một nhà nghiên cứu folklore nổi tiếng của Mỹ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại trường đại học Indiana với nhan đề Hình thái học truyện cổ tích người da đỏ ở Bắc Mỹ. Luận án này được xuất bản vào năm 1964. Cùng với đồng nghiệp Robert Georges, Alan Dundes ứng dụng phương pháp cấu trúc vào nghiên cứu folklore với những đề xuất về nghiên cứu thể loại. Alan Dundes cho rằng: “Yêu cầu đầu tiên của folklore học, với tư cách là một ngành khoa học, là phân tích cấu trúc của tất cả các thể loại folklore”(24). Robert Georges nhấn mạnh rằng: “Một nhiệm vụ cấp bách của phân tích cấu trúc trong folklore là định nghĩa các thể loại folklore. Một khi mà những thể loại này được định nghĩa trên phương diện đặc trưng hình thái học nội tại thì có thể chuyển sang nghiên cứu những vấn đề thú vị khác của folklore như chức năng của các hình thức folklore trong các nền văn hoá cụ thể”(25). Ra đời từ những năm 1920, phát triển vào những năm 1950, chủ nghĩa cấu trúc nở rộ vào những năm 1970. Năm 1974, Alan Dundes cho rằng: “trong vài thập kỉ qua, không có một khuynh hướng lí thuyết nào có một ảnh hưởng sâu sắc đến khoa học xã hội và nhân văn như là chủ nghĩa cấu trúc”(26). Trường phái này có nhiều bộ phận gắn liền với tên tuổi của các nhà khoa học lừng danh(27) và ngoài ảnh hưởng của thuyết hình thái học-cấu trúc của Propp ra, dân tộc học-cấu trúc của Levi-Strauss, cụ thể là cấu trúc thần thoại, cũng ảnh hưởng rất nhiều tới nghiên cứu folklore Hoa Kỳ và thế giới.

Trên đây là việc nghiên cứu thể loại từ một số góc độ mà giới nghiên cứu folklore Hoa Kỳ đã tiếp thu thành tựu lí luận châu Âu để khảo sát thực tế tài liệu folklore châu Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, có một thực tế là, trong nghiên cứu folklore Hoa Kỳ, rất ít các công trình lấy lí thuyết thể loại cũng như sự khảo sát folklore từ góc độ thể loại làm đối tượng nghiên cứu chuyên biệt của mình. Các quan niệm về thể loại nói trên chỉ là những nhận xét được rút ra trong quá trình nghiên cứu của họ, từ việc khảo sát các hiện tượng folklore cụ thể hoặc từ việc đề xuất một hệ thống lí thuyết. Từ một số không nhiều các công trình nghiên cứu lý thuyết thể loại, có thể thấy tình hình nghiên cứu các thể loại folklore cụ thể ở Hoa Kỳ như sau:

Thông thường, trước khi phân loại, folklore được chia ra thành các nhóm. Richard M. Dorson cho rằng, folklore bao gồm bốn nhóm: văn học truyền miệng, văn hoá vật chất, phong tục dân gian và nghệ thuật biểu diễn(28). Elliott Oring cũng cho rằng, folklore bao gồm nhiều nhóm, trong mỗi nhóm lại có các thể loại. Các nhóm ông đưa ra gồm: dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, trẻ em, tự sự dân gian, ballad và dân ca, tục ngữ và câu đố(29). Trong nhóm văn học truyền miệng (có khi được gọi là folklore truyền miệng), có một nhóm được tập trung nghiên cứu là tự sự dân gian (folk narrative) vì sự phong phú của chúng, vì ảnh hưởng của chúng tới văn học thành văn. Tự sự dân gian thường được chia thành ba thể loại lớn, nói chung là khá thống nhất, là thần thoại, truyền thuyết và cổ tích hoặc thần thoại-truyền thuyết và cổ tích. Quan niệm này, như đã trình bày ở trên, thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thống nghiên cứu châu Âu đối với các nhà nghiên cứu folklore Hoa Kỳ. Các thể loại khác của folklore là: tục ngữ, câu đố và dân ca, sử thi(30).

Việc nghiên cứu các thể loại văn học dân gian cụ thể ở Hoa Kỳ đều đạt được nhiều thành tựu to lớn. Thần thoại học, dù được xếp vào khung tự sự dân gian nhưng từ lâu đã vượt khỏi ranh giới một thể loại folklore và trở thành một ngành khoa học với sự góp mặt của một lực lượng hùng hậu các nhà nghiên cứu trên thế giới. Có thể tạm hình dung đóng góp của các nhà thần thoại học Hoa Kỳ qua ba thế hệ tiêu biểu. Thế hệ đầu tiên là những nhà thần thoại học theo quan điểm nhân học mà tên tuổi nổi bật là Franz Boas. Với những điền dã dân tộc học kỹ lưỡng các bộ lạc da đỏ Bắc Mỹ, Franz Boas đã để lại một khối lượng tài liệu đồ sộ về tư liệu truyện cổ người da đỏ cho các nhà nghiên cứu đi sau. Hai công trình nổi tiếng của ông về lĩnh vực này là Truyện cổ người Kwakiut (Kwakiut Tales, 1910) do trường đại học Columbia xuất bảnvà Thần thoại người Tsimshian (The Tsimshian Mythology, 1916) do Vụ Dân tộc học Hoa Kỳ xuất bản. Sự nghiệp của ông được tiếp sức bởi các học trò  như Melville Herskovits (1895-1963) với việc nghiên cứu người da đen ở Mỹ và mối quan hệ của họ tới những cội rễ châu Phi trong công trình nổi tiếng Thần thoại của người da đen trong quá khứ (1941) và Ruth Benecdict (1887-1948), nhà nhân học nữ đầu tiên, giáo sư trường đại học Columbia nghiên cứu người da đỏ tây nam nước Mỹ trong công trình nổi tiếng Thần thoại của người Zuni(31). Thế hệ nghiên cứu thần thoại thứ hai là các nhà chức năng luận mà người khởi xướng là Bronislaw Malinowski (1884-1942). Khác với Franz Boas, Malinowski chỉ đến Mỹ vào những năm cuối đời. Sinh ra, lớn lên và đỗ tiến sĩ triết học, vật lí ở Balan lúc 22 tuổi. Sau đó, ông học thêm tâm lý học, triết học ở đại học Leipzig và sau đó sang London năm 26 tuổi để theo học ngành nhân học. Chỉ ít lâu sau, Đại chiến I nổ ra, ông rời Anh sang Úc và chính trong khoảng thời gian này (1914-1918), ông đã có những chuyến khảo sát vùng Tân Guinea và kết quả là hàng loạt công trình nổi tiếng về thần thoại dựa trên tư liệu về con người, văn hóa và cuộc sống thổ dân ở đây. Các công trình đó là Người dân đảo Trobriand (The Trobriand Islands, 1915), Thần thoại trong tâm lí học nguyên thủy (Myth in Primitive Psychology, 1925) và Ma thuật, tôn giáo và khoa học(Magic, Science, and Religion, 1926). Các công trình này đều hoàn thành từ trước khi ông đến Mỹ (ông sang Mỹ năm 49 tuổi và qua đời sau đó 9 năm) nhưng những công trình ấy có một ảnh hưởng to lớn tới các nhà nghiên cứu folklore Hoa Kỳ. Nói tới  Malinowski là nói tới lí thuyết về chức năng. Ảnh hưởng thuyết chức năng của Durkheim, Makinowski đã nghiên cứu folklore từ góc độ chức năng. Theo ông, thần thoại là một phương cách để duy trì tính tổng thể của xã hội, có nhiệm vụ là một sự bảo đảm, một nghị định hay thậm chí là những hướng dẫn thực hành các hoạt động xã hội. Thần thoại đóng vai trò như là một sự bảo đảm chứng thực cho tính hợp pháp của xã hội và duy trì sự xếp đặt trong xã hội đó, nó là “xương sống của văn hoá nguyên thuỷ” (Thần thoại trong tâm lí học nguyên thuỷ, Myth in Primitive Psychology). Lí thuyết về chức năng duy trì hệ thống xã hội của thần thoại trong các công trình của Malinowski vẫn phát huy ảnh hưởng trong nghiên cứu folklore ở Hoa Kỳ ngày nay. Thế  hệ  thứ  ba là  các nhà  tâm lí  học trong  nghiên cứu thần thoại mà đại biểu sáng giá là Joseph Campbell (1904-1987). Sinh ra, lớn lên ở New York, sau khi nhận học vị M.A. (1927) ở trường đại học Columbia, ông nhận được một học bổng hai năm học tại trường đại học tổng hợp Munich (1928-1929). Hai năm sống ở châu Âu đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới hướng nghiên cứu lâu dài của Campbell. Trong chuyên khảo đầu tiên Người anh hùng có hàng nghìn gương mặt (The Hero with a Thousand Faces, 1949), Campbell đã hướng sự chú ý vào một điểm quan trọng của thần thoại là nhân vật anh hùng, khảo sát hành trình của nhân vật anh hùng (xuất phát, hành trình, trở về) và chu trình mang tính vũ trụ của nhân vật anh hùng (sinh, tử) để từ đó xác định những kiểu nhân vật anh hùng liên văn hoá và mẫu gốc (archetype) mang tính toàn cầu trong thần thoại các dân tộc. Trong các công trình tiếp theo, Campbell đã thể hiện ảnh hưởng sâu sắc từ Carl Jung trong việc nghiên cứu biểu tượng thần thoại từ góc độ tâm lí. Quan điểm về thần thoại của ông đã được tóm tắt lại như sau: xã hội hiện đại đang ở trong tình trạng rối loạn do con người hiện đại cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa, có tình trạng đó là vì họ đánh mất thần thoại, bởi khoa học đã giới hạn phạm vi của thần thoại trong nghĩa đen, trong khi nó có ý nghĩa biểu tượng. Nghĩa biểu tượng của thần thoại là nghĩa tâm lí theo cách lí giải của Jung. Theo cách lí giải này, thần thoại có thể tương hợp với khoa học và nó được người hiện đại chấp nhận, nó lại có thể cung cấp ý nghĩa cho cuộc sống và sự bình ổn cho xã hội(32). Với hàng loạt các công trình nổi tiếng: Người anh hùng có hàng nghìn gương mặt (The Hero with a thousand faces, 1949), bộ bốn cuốn gồm: Mặt nạ của thần (The Marsks of God): Tập 1: Thần thoại nguyên thuỷ (Primitive Mythology, 1959), Tập 2: Thần thoại phương đông(Oriental Mythology, 1962), Tập 3: Thần thoại phương tây (Occidental Mythology, 1964), Tập 4: Thần thoại sáng tạo(Creative Mythology, 1968), rồi Thần thoại, giấc mơ và tôn giáo (Myth, Dream and Religion), Joseph Campbell đã được liệt vào hàng ngũ những nhà nghiên cứu thần thoại xuất sắc của thế kỉ XX. Người kế tục quan điểm này và có những nghiên cứu thành công về thần thoại là Alan Dundes. Ngoài ra, không thể không kể đến bộ sách đồ sộ 13 tập Thần thoại các chủng tộc trên thế giới do tập thể các nhà khoa học trên thế giới cùng biện soạn dưới ý tưởng của các nhà folklore Hoa Kỳ và đã được xuất bản ở Boston, Massachusetts từ năm 1916. Bộ sách đồ sộ này là nguồn tư liệu văn bản vô cùng quý giá trong việc nghiên cứu, tham khảo, biên soạn từ điển về thần thoại thế giới mà cho đến nay, một bộ sách thứ hai như thế vẫn chưa có.

Cổ tích học Hoa Kỳ được triển khai theo hai hướng tiếp cận chủ yếu trong nghiên cứu cổ tích thế giới do các nhà folklore châu Âu khởi xướng. Hướng thứ nhất là tiếp cận so sánh chịu ảnh hưởng  của trường phái địa lý-lịch sử Phần Lan mà đại diện tiêu biểu là Stith Thompson với các công trình: Bảng tra motif văn học dân gian (6 tập, 1932-1936), Truyện cổ tích (1946), Truyện kể về người chồng là vì sao (1953) và Type truyện dân gian (1961). Hướng tiếp cận thứ hai chịu ảnh hưởng trường phái chức năng do V. Propp khởi xướng do Alan Dundes thực hiện trong luận án tiến sĩ của mình, đó là công trình Hình thái học truyện cổ tích của người da đỏ Bắc Mỹ (1964). Dù không đề xuất lý thuyết mới nào về cổ tích nhưng sự ứng dụng thành công này đã thể hiện sự thích ứng nhanh nhạy của các nhà cổ tích học Hoa Kỳ trong việc tiếp cận thành tựu nghiên cứu cổ tích thế giới. Còn có thể đề cập đến hướng nghiên cứu truyện cổ/cổ tích thứ ba, một hướng nghiên cứu thoát ly khỏi ảnh hưởng của các bảng phân loại châu Âu để tiến tới xác lập hệ thống bản địa truyện kể dân gian của mình, đó là hướng sưu tầm và khảo cứu truyện dân gian người da đỏ châu Mỹ của nhà nhân học nổi tiếng Franz Boas đã nói ở trên. Với những khảo sát kỹ lưỡng của mình, các nhà cổ tích học Hoa Kỳ xứng đáng là những nhà cổ tích học hàng đầu thế giới.

Việc nghiên cứu truyền thuyết ở Hoa Kỳ bắt đầu từ những năm 1960 khi mà Linda Dégh từ Hungary chuyển đến Mỹ. Với những kinh nghiệm từ chuyên môn dân tộc học và từ việc nghiên cứu truyền thuyết Hungary, Linda Dégh đã nhanh chóng bắt nhịp với những yêu cầu đặt ra từ thực tế tư liệu folklore Hoa Kỳ để định ra một hướng nghiên cứu mới cho truyền thuyết. Với sự say mê và những nỗ lực vượt bậc, Linda Dégh đã tạo nên một trường phái mới trong nghiên cứu truyền thuyết Mỹ, trường phái Indiana, về một bộ phận truyền thuyết không phải của nông dân mà của dân thành thị, không phải của người già mà hầu hết là các vấn đề của lớp trẻ, không phải là truyền thống mà hoàn toàn mởi mẻ, thậm chí đang trong giai đoạn thành hình. Những tìm tòi của các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ khởi từ Linda Dégh là sự cố gắng bứt phá, thoát ra khỏi ảnh hưởng của truyền thống nghiên cứu truyền thuyết châu Âu, từ bóng trùm rợp của hai anh em Grimm. Với các bộ sưu tập công phu về vô số các bản kể truyền thuyết đương đại (còn gọi là truyền thuyết đô thị), với các công trình nghiên cứu kĩ lưỡng, với hội thảo đột phá vào năm 1969, các tên tuổi Linda Dégh, Jan Harold Brunvand đã được thế giới biết đến như phát hiện của nước Mỹ về những khám phá mới mẻ, những sáng tạo không ngừng trong việc tìm kiếm thế giới bí ẩn không cùng của đời sống tâm linh con người. Có thể kể tên một số công trình tiêu biểu như:Jan H. Brunvand, 1981: Người khách quá giang, Linda Degh, 2001: Truyền thuyết và niềm tin - Phép biện chứng của một thể loại folklore, Jan Harold Brunvand, 2001: Từ điển bách khoa về truyền thuyết đô thị, Wayland D. Hand, 1971: Truyền thuyết dân gian Mỹ: Kỉ yếu hội nghị.

Sự tìm tòi của các nhà nghiên cứu truyền thuyết Hoa Kỳ đã gây một hiệu ứng mạnh mẽ tới các nhà nghiên cứu truyền thuyết châu Âu. Năm 1982, tại trường đại học Sheffield của nước Anh, một hội nghị quốc tế về truyền thuyết đương đại được tổ chức. Tại hội nghị này, các nhà khoa học châu Âu và Hoa Kỳ đã cùng bàn bạc sâu về truyền thuyết đương đại. Kỷ yếu hội nghị được xuất bản sau đó hai năm, năm 1984. Từ sau hội nghị này, truyền thuyết đương đại nhận được sự quan tâm rộng rãi và đó là tiền đề cho sự ra đời của Hội nghiên cứu truyền thuyết đương đại quốc tế (International Society for Contemporary Legend Research) vào cuối thập niên 80 và cơ quan ngôn luận của nó, tờTruyền thuyết đương đại (Contemporary Legend) (mà số lượng các nhà khoa học Hoa Kỳ trong Ban biên tập là 5/12) ra số 1 vào năm 1991. Có thể nói, kết quả nghiên cứu truyền thuyết là những đóng góp đặc sắc của các nhà nghiên cứu folklore Hoa Kỳ - nó thể hiện lối làm việc độc lập và khả năng của họ nắm bắt nhanh nhạy những vấn đề mới nảy sinh trong đời sống đương đại.

Về tục ngữ và câu đố, ngành nghiên cứu folklore Hoa Kỳ cũng có một đại biểu xuất sắc mang tầm cỡ thế giới, đó là Archer Taylor (1890-1973). Ứng dụng phương pháp của trường phái Phần Lan, ông đã khảo sát rất nhiều dị bản và cố gắng xác lập những đặc điểm xưa nhất của chúng. Những công trình Tục ngữ (The Proverb, 1931), Bảng tra cứu tục ngữ(An Index to “The Proverb”, 1934), Câu đố mang tính văn học trước 1600 (The Literary Riddle before 1600, 1948), Câu đố truyền miệng Anh (English Riddles from oral tradition, 1951), Bộ sưu tập câu đố Ailen (A collection of Irish Riddlé, 1955), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Hoa Kỳ (A Dictionary of American Proverbs and Proverbian Phrases, 1958) và nhiều công trình khác đã khẳng định vị trí số một của ông về việc nghiên cứu tục ngữ và câu đố trong giới nghiên cứu folklore Hoa Kỳ.

Việc nghiên cứu sử thi và thơ ca dân gian đạt được những thành tựu rực rỡ ở Hoa Kỳ. Lĩnh vực nghiên cứu này gắn liền với các giáo sư của trường đại học Harvard, nên cũng có thể gọi đó là trường phái Harvard. Bắt đầu từ giữa thế kỉ XIX, năm 1856, việc nghiên cứu văn học truyền miệng ở Harvard đã được bắt đầu. Cho đến nay, người ta thường nói tới bốn thế hệ nghiên cứu văn học truyền miệng ở đại học Harvard: Francis James Child, Georges Lyman Kittredge, Milman Parry và Albert Lord. F. J. Child, như chúng ta đã biết, là vị chủ tịch đầu tiên của Hội Folklore Hoa Kỳ, người say mê nghiên cứu ballad của người Anh và người Xcotlen, ông đã có nhiều chuyên đề về ballad ở đại học Harvard và bộ sách 8 tập về những ballad này. Sau khi ông mất, học trò của ông, Kittredge đã hoàn thành nốt tập sách cuối cùng còn dang dở của thầy và tiếp tục giảng các chuyên đề về ballad ở trường Harvard. Thế hệ thứ ba của Harvard là Milman Parry. Nếu như Child được truyền cảm hứng nghiên cứu ballad châu Âu từ việc nghe các bài giảng của Grimm hai năm trời ở trường đại học Berlin từ năm 1849-1951 thì Milman Parry cũng được truyền cảm hứng nghiên cứu Homer trong ba năm học triết học ở trường Sorbonne từ 1925-1928. Parry đã tập trung nghiên cứu Homer và đã phát hiện ra công thức truyền miệng là điểm phân biệt thơ dân gian với thơ thành văn. Với hai bài nghiên cứu dài hơi Nghiên cứu kĩ thuật sáng tác khổ thơ truyền miệng của sử thi: I. Homer và phong cách Homer, Nghiên cứu kĩ thuật sáng tác khổ thơ truyền miệng của sử thi: II. Ngôn ngữ Homer với tư cách là ngôn ngữ thơ truyền miệng, Parry đã thực sự trở thành một chuyên gia nghiên cứu thơ truyền miệng với việc sáng tạo ra lí thuyết công thức truyền miệng (oral-formular theory). Trong hai năm 1934-1935, Parry hướng việc nghiên cứu thơ truyền miệng sang bộ phận sử thi Nam Tư. Bộ sưu tập văn học truyền miệng nam Slave của ông có tới 12.000 văn bản và hơn 3.500 băng ghi âm. Đây là những sử thi dài nhất, hoàn chỉnh nhất thế giới đã được sưu tầm trực tiếp và hoàn chỉnh, bao gồm hơn 13.000 trường đoạn thơ. Những tài liệu này đang được lưu giữ tại thư viện trường Harvard. Thế hệ thứ tư của trường phái Harvard gồm nhiều giáo sư tiếp tục con đường nghiên cứu văn học truyền miệng của các bậc tiền bối. Nổi bật trong số họ là Albert Lord, học trò của Parry, người đã hoàn thành công việc dang dở của thầy mình khi ông mất đột ngột vào năm 1935, với thành quả là công trình Nghệ nhân của câu chuyện. Trong công trình này, lí thuyết công thức truyền miệng được củng cố và phát triển hoàn thiện hơn trên cơ sở tư liệu sử thi Nam Tư. Lí thuyết công thức truyền miệng của trường phái Harvard có ảnh hưởng to lớn với việc nghiên cứu văn học truyền miệng trên thế giới, nó xuất phát từ việc xác định thế nào là văn học truyền miệng để phân biệt nó với  văn học thành văn và đi tới cái đích cuối cùng là khẳng định rằng, không một hình thức nào có thể hiểu cặn kẽ được nếu thiếu hình thức kia. Việc nghiên cứu thơ ca dân gian ở đây, có thể nói, đã vượt qua giới hạn bó hẹp của việc nghiên cứu một thể loại mà vươn tới nhiều giới hạn mở khác như nghiên cứu diễn xướng, nghiên cứu bối cảnh, nghiên cứu phong cách ngôn ngữ, nghiên cứu quá trình sáng tác truyền miệng, nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học thành văn…và nói chung là nghiên cứu các vấn đề của sáng tạo nghệ thuật, sáng tạo văn hoá của con người.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nghiên cứu folklore, việc tổ chức bài giảng, sắp xếp tài liệu sưu tầm và nghiên cứu theo thể loại đã không nhận được sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu, đặc biệt vào những năm 1960, 1970, khi phương pháp tiếp cận theo diễn xướng ra đời và thịnh hành. Có điều này bởi vì, việc nghiên cứu thể loại chủ yếu dựa vào văn bản và thường hướng tới những bảng phân loại địa phương hoặc quốc tế trong khi nghiên cứu diễn xướng coi văn bản là hết sức thứ yếu và các bảng phân loại không phải là mục đích nghiên cứu của họ, có xuất hiện chăng cũng chỉ là để miêu tả sự tồn tại của thực trạng folklore tại thời điểm đó và tại địa điểm đó mà thôi. Người cực lực phản đối việc nghiên cứu thể loại và  phân loại là Alan Dundes. Quan điểm của ông được thể hiện ở mấy ý sau: 1 - các thuật ngữ định danh thể loại không có một nội hàm xác định chuyên biệt mà thường lẫn lộn với các từ thường được dùng hàng ngày. 2 - hệ thống thể loại quy ước (thần thoại, cổ tích, trò chơi…) không bao trùm hết tư liệu folklore nên các nhà nghiên cứu thể loại lâm vào tình trạng sửa chữa tư liệu và chỉ chú mục vào một số thể loại nào đó và lờ các thể loại khác đi. 3 – quan niệm về từng thể loại cụ thể là không giống nhau giữa các nước, vì vậy, thường tồn tại hai bảng phân loại khác nhau ngay trong một nền văn hoá, đó là bảng phân loại phân tích (analytic category) và bảng phân loại bản địa (native category)(33). Hơn nữa, việc xác định đặc trưng thể loại và hệ thống phân loại vào thời kì đầu đó và một thời gian dài sau này, cho đến tận bây giờ ở nhiều nơi vẫn dựa triệt để vào văn bản, các đơn vị ngôn từ folklore đã được sưu tầm, chỉnh lí, biên soạn và in ấn. Theo đó, thể loại được quan niệm  như những đơn vị ổn định, có đặc trưng loại biệt chặt chẽ, có tính phổ biến toàn cầu, và do vậy, nó trở thành tiêu chí quan trọng số một để tiến hành các bảng phân loại có tính chất quốc tế.

Nhận thức này đã dẫn các nhà nghiên cứu folklore Hoa Kỳ đến việc định hướng lại (reorientation) nghiên cứu thể loại folklore(34). Ý tưởng quan trọng nhất của xu hướng này là thay cho việc dựa vào văn bản, việc xác lập đặc trưng thể loại phải dựa triệt để vào bối cảnh, nghĩa là các văn bản folklore cụ thể sẽ được xem xét trong quá trình diễn xướng và trong mối quan hệ với các yếu tố giao tiếp phi ngôn ngữ khác(35). Nghiên cứu và giảng dạy folklore ở Hoa Kỳ hiện nay, vì vậy, chủ yếu hướng tới các trường hợp cụ thể (case study) trong bối cảnh diễn xướng cụ thể mà không đi sâu phân tích các văn bản như là những đối tượng độc lập. Các trường hợp nghiên cứu cụ thể này được dựa hoàn toàn vào nhữngđiều tra dân tộc học (ethnography investigation) công phu và sự kết hợp lí thuyết liên ngành mà nhân học hiện nay đang là một đại diên tiêu biểu, ở đó, kiến thức về văn hoá học, dân tộc học và ngôn ngữ học trở nên những điều kiện tối cần thiết với các nhà folklore học. Đóng góp của folklore học Hoa Kỳ cho ngành folklore học thế giới là ở chỗ này, và cùng với những đóng góp quan trọng của folklore châu Âu, thành tựu của folklore học Hoa Kỳ đã trở thành những kinh nghiệm quan trọng cho nghiên cứu folklore trên thế giới 1

_____________

_________

(1) Dan Ben-Amos : Thể loại folklore (Folklore Genres), Texas, USA, 1971, tr.x

(2) Những thông tin về Hội Folklore Hoa Kỳ được lấy từ  Simon J. Bronner: Nghiên cứu folklore Mỹ: một lịch sử  tư  tưởng (American Folklore Studies: an intellectual history), Đại học Kansas, USA, 1986

(3), (4), (7), (8) Simon J. Bronner: Nghiên cứu folklore Mỹ: một lịch sử tư tưởng (American Folklore Studies: an intellectual history), Đại học Kansas, USA, 1986, tr. 88, tr. 60, tr. 14, tr. 57. 

(5)  Albert Lord:  Nghệ nhân của câu chuyện (The Singer of Tales), Harvard 1960, New York 1976.

(6) Albert Lord:  Nghệ nhân của câu chuyện (The Singer of Tales), Harvard 1960, New York 1976, tr. 3.

(9) Richard M. Dorson: Folklore và đời sống dân gian  (Folklore and Folklife: An introduction), Đại học Chicago, USA, 1972, tr.2

(10) Richard M. Dorson: Những lí thuyết hiện hành về folklore (The current theories of folklore), Tạp chí Nhân loại học đương đại(Journal of Contemporary Anthropology), 2/1963.

(11) William Bascom: Nghệ thuật ngôn từ, (Verbal Art), Tạp chí Folklore Hoa Kỳ (Journal of American  Folklore) 68 (1955) tr. 245-252.

(12) Francis Lee Utley: Văn học dân gian: Một định nghĩa mang tính phân tích (Folk Literature: An Operational Definition), in trong cuốn Nghiên cứu folklore (The Study of  Folklore), Alan Dundes chủ biên, Prentice Hall xuất bản, 1965, tr. 7-24.

 (13), (14) Richard Bauman: Nghệ thuật ngôn từ như là sự diễn xướng (Verbal Art as Performance), Waveland xuất bản, Illinois, 1984, tr. 8; 5.

(15) Richard M. Dorson, dẫn theo Dan Ben-Amos: Thể loại folklore, Đại học Texas, Austin, tr.x

(16) Dan Ben-Amos: Lời giới thiệu cuốn Thể loại folklore, Đại học Texas, Austin, USA, 1976, tr. xi.

( 17 ),( 18) Jacob Grimm: Thần thoại Đức  (Germanic Mythology), Scott-Townsend xuất bản, Washington, D.C., 1997, tr. 3.

 (19) Franz Boas: Thần thoại và truyện cổ tích của người da đỏ Bắc Mỹ (Mythology and Folk-Tales of the North American Indians), 1940, dẫn theo Richard Bauman -Thể loại, liên văn bản và quyền lực xã hội  (Genre, Intertextuality, and Social Power), Tạp chí Nhân học ngôn ngữ (Journal of Linguistic Anthropology), số 2-1992, tr.134.

(20) Bronilav Malinowski: Ma thuật, khoa học và tôn giáo và một số tiểu luận khác  (Magic, Science and Religion and Other Essays), The Free xuất bản, Illinois, tr.79.

(21) William Bascom: Hình thức folklore: Tự sự truyền miệng (Folklore Form: Oral Narrative), Tạp chí folklore Hoa Kỳ, số 78/1965, tr.3-20

(22) William Bascom: Bốn chức năng của folklore (Four Functions of Folklore), in trong Nghiên cứu folklore (The Study of Folklore), Alan Dundes chủ biên, Prentice Hall, xb. 1965, tr.277-198.

(23) Tuyển tập V.Ia.Propp. Nxb Văn hoá dân tộc, Tạp chí Văn hoá-Nghệ thuật, H, 2003

- Nghệ thuật như là thủ pháp- Lí thuyết của chủ nghĩa hình thức Nga (Đỗ Lai Thuý biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn, H, 2001

(24) Alan Dundes: Hình thái học truyện cổ tích người da đỏ Bắc Mỹ  (Morphology of North American Indian Folktale), 1962, tr.102.

(25) Robert A. Georges & Alan Dundes: Hướng tới một định nghĩa về mặt cấu trúc thể loại câu đố (Toward a structural definition of the riddle), Tạp chíFolklore Hoa Kỳ (Journal of American folklore), số 76, 1663, tr.111.

(26) Alan Dundes: Chủ nghĩa cấu trúc và folklore (Structuralism and folklore), Studia Fennica, số 20, 1976.

(27) Xem thêm Trịnh Bá Đĩnh: Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn học và Trung tâm nghiên cứu quốc học, Hà Nôi, 2002.

(28) (30) Richard M. Dorson: Folklore và đời sống dân gian: nghiên cứu nhập môn  (Folklore and Folklife: An Introduction)Đại học Chicago1972.

(29) Elliott Oring: Nhóm dân gian và thể loại folklore: Nghiên cứu nhập môn (Folk Groups and folklore genres: An introduction), Đại học Utah xuất bản, 1986.

(31) Ruth Benedict: Thần thoại của người Zuni (ZuniMythology), Đại học Columbia, New York, 1935.

(32) Robert A. Segal: Lí thuyết thần thoại của Joseph Campbell (Joseph Campbell’s Theory of Myth), in trong sáchNhững câu chuyện thiêng, tuyển tập về lí thuyết thần thoại (Sacred Narrative, Reading in the Theory of Myth), Alan Dundes biên tập, University of California, Berkeley, 1984, tr.257.

(33) Alan Dundes: Ý tưởng dân gian như là những đơn vị của quan điểm toàn cầu  (Folk ideas as units of world view), in trong Tiến tới những viễn cảnh mới trong folklore (Toward new perspectives in folklore), University of Texas, tr. 94.

(34) Richard Bauman: Thể loại (Genre), Tạp chí Nhân học ngôn ngữ, Chicago, 2000, số 9, tr 84-87.

(35) Về vấn đề này chúng tôi đã có bài viết Tái định hướng thể loại folklore trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1/2005, tr.133-122

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020