Nghiên cứu khoa học

Dấu ấn văn học dân gian trong thơ Vi Thùy Linh


09-10-2020

DẤU ẤN VĂN HỌC DÂN GIAN

 TRONG THƠ VI THÙY LINH

Ths.Nguyễn Thị Hường

 

Văn học dân gian và văn học viết là hai bộ phận hợp thành nền văn học Việt Nam. Có một điều không ai phủ nhận là văn học dân gian luôn đóng vai trò ngọn nguồn, cội rễ cung cấp cho văn học viết nguồn cảm hứng và thi liệu dồi dào. Như một quy luật tất yếu, cứ mỗi lần cảm thấy đuối sức trên con đường sáng tạo, những tác giả của văn học viết lại quay trở về với nguồn cội dân gian như chàng Đan-tê bám vào đất mẹ Gai-a để tiếp cho mình thêm sức mạnh. Từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương rồi sau này là Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh, Đồng Đức Bốn… đều ít nhiều quay về với “mảnh hồn làng” dân gian (chữ dùng của Tế Hanh) để hút chất nhụy tinh túy làm nên những bông hồng vàng nghệ thuật. Thuộc thế hệ những nhà thơ trưởng thành sau 1975, Vi Thùy Linh được coi là một trong những cây bút nữ đổi mới thơ một cách quyết liệt và táo bạo. Sống cho thơ, Vi Thùy Linh quyết tránh xa những “mô phạm và sáo mòn, ngụy tạo và hèn nhát”. Chị yêu cầu sự thành thật của người viết và không ngại ngần tuyên bố“Tôi là một nhà thơ sô lô. Tôi không cần dàn đồng ca. Tôi sẵn sàng là một chiến binh có thể bị tử đạn để tạo nên làn sóng mới trong thi ca”. Trước hiện tượng Vi Thùy Linh có nhiều ‎ý kiến nhận xét trái chiều nhau. Người khen thì khen hết lời còn người chê thì cũng chê tới nơi tới chốn. Có người cho thơ của chị cũng như thơ của một số tác giả trẻ đương thời là lai căng, mất bản sắc, quay lưng lại với các giá trị truyền thống, thơ không có tính dân tộc. Thậm chí Hồ Anh Thái còn nhận xét sự cách tân của Vi Thùy Linh chẳng qua chỉ giống như kẻ mới vỡ giọng, đang bi bô tập nói những câu loài người đã nói sõi từ lâu. Tuy nhiên, đọc thơ Vi Thùy Linh, chúng tôi nhận thấy trong thơ chị cái hiện đại luôn đi cùng cái truyền thống. Như cánh diều dù bay cao bao nhiêu vẫn nối với mặt đất bằng sợi dây bền chắc, sự cách tân trong thơ của nữ tác giả trẻ này luôn gắn bó với những giá trị muôn đời của nhân loại và dân tộc. Hơn thế nữa, nhiều khi cái bất ngờ, lạ lẫm trong thơ chị lại được xây dựng lên từ chính những chất liệu của văn học và văn hóa dân gian. Đây chính là lí do để chúng tôi tiến hành tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết trong thơ Vi Thùy Linh. Nói cách khác là tìm hiều những yếu tố của văn học, văn hóa dân gian được sử dụng trong thơ của nữ sĩ này.

Trước đây, trong vòng cương tỏa của những quy chuẩn văn chương “ngôn chí”, “trần tình”, Hồ Xuân Hương đã chọn cho mình con đường riêng từ cội nguồn mà đi vào thế tục. Những vang động của đời sống dân gian trong thơ bà được tạo nên từ chính thứ ngôn ngữ đời thường,nôm na mà đầy hình sắc. Ba thế kỉ sau, Vi Thùy Linh nối tiếp bước chân thi sĩ họ Hồ, quyết tâm giã từ thứ ngôn ngữ hoặc quá nghiêm trang, đậm màu sắc giáo huấn hoặc quá trau chuốt “lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu” để đưa ngôn ngữ hàng ngày vào thơ. Hàng loạt cách nói có tính chất khẩu ngữ đã khiến thơ chị trở nên gần gũi, “bụi bặm” hơn, suồng sã hơn: ma mãnh, ăn chơi phè phỡn, “ai bánh mì lóng…lào…”, Điên tình, Mầm sống gieo rắc vô tội vạ, nhuận sắc trẻ già, âm ngọng “lói” rát tai xe cộ, nhìn vã mồ hôi mới giải được bản đồ, “khoan cắt bê tông” tứ tung Hà Nội.... Nếu Thơ mới có công chuyển từ ngôn ngữ điệu ngâm sang ngôn ngữ điệu nói thì với thứ ngôn ngữ đậm màu sắc đời thường này, Vi Thùy Linh đã nâng ngôn ngữ điệu nói lên một mức độ mới. Nói như Phan Huyền Thư, đây chính là một trong những đóng góp quan trọng của thơ trẻ thế hệ chị. Qua thứ ngôn ngữ ấy, chân dung con người cũng như diện mạo đời sống xã hội, hoàn cảnh xung quanh người sáng tác hiện lên rõ nét. Trước Vi Thùy Linh cũng có nhều tác giả mạnh dạn đưa cái đời thường đậm màu sắc khẩu ngữ dân gian vào trong thơ để đưa thơ về gần cuộc sống. Chẳng hạn Nguyễn Duy: Tạnh men là tạnh la đà/ Tạnh cơn một bóng ảo ra chín hình/ Phàm trần bớt chút lung linh/ Các em bớt xỉnh xình xinh mấy phần (Kiêng) hay Con ơi cha mắc bệnh thơ/ Ú a ú ớ ù ờ kinh niên/ dở khôn dở dại dở điên/ động kinh lè lưỡi thánh hiền làm oai (Tập ru con) và Bùi Chí Vinh: Các em thất tiết nhiều hơn trước/ Bộ ngực nào cũng nhuộm phong sương (Buồn gì đâu). Ngôn từ đậm màu sắc dân dã này xuất hiện chủ yếu trong các bài thơ nói về hiện thực đời sống đương thời, đặc biệt khi các tác giả muốn phản ánh những biểu hiện trái khoáy, đáng buồn của xã hội. Tính chất châm biếm, giễu nhại do vậy được thể hiện rõ. Đây cũng chính là biểu hiện của tính dân chủ trong thơ ca khi nó đi qua giai đoạn giữ nhiệm vụ là tiếng kèn xung trận.

Có một cảm nhận chung khi đọc thơ của Vi Thùy Linh là rất khó đọc. Ý nghĩa của văn bản không hiện diện trên câu chữ mà ẩn vào sâu bên trong vô thức, trong trực cảm tâm linh. Người đọc phải cố gắng huy động mọi cảm xúc của mình, cố gắng hình dung tưởng tượng mạch tâm trạng của người viết mới có thể nắm bắt được. Tất cả những gì được gọi là “cái ly‎ của cổ điển” trong sự sắp đặt các dòng thơ hay con chữ đều bị phá vỡ, thơ của họ không chấp nhận tư duy suy lí trong nghệ thuật. Câu chữ tản nhau ra ở bề mặt để rồi tìm được nơi hội tụ, liên kết nơi tâm thức vô hình. Nói như Nguyễn Hữu Hồng Minh: Thơ trong thời đại mới không còn băn khoăn đến những vấn đề quá rõ ràng, những sự việc ai cũng thấy và nắm bắt được. Nó phải hướng tâm hồn bạn đọc về một nơi xa hơn, một thế giới ở vào ngoại vi của thế giới được nhận thức [1]. Có phải vì vậy mà trong các tập thơ của mình, Vi Thùy Linh sử dụng rất nhiều lần hình thức bài đồng dao của ca dao. Đồng dao là những bài hát vui chơi của trẻ nhỏ, lời của bài đồng dao hết sức tự do, nhiều khi tưởng chừng không liên kết với nhau. Chẳng hạn: Chi chi chành chành/ Cái đanh thổi lửa/ Con ngựa chết trương/ Ba vương ngũ đế vv… Logic của đồng dao khước từ mọi sự can thiệp của lí trí. Thật khó để đi tìm cái lí cho sự xuất hiện của các câu hát trong một bài đồng dao. Cùng thời với Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư thường kết hợp hình thức đồng dao trong một bài thơ tự do tạo nên sự đột biến đầy thú vị. Giữa những câu thơ gân guốc đậm màu sắc chua xót về thế thái nhân tình xuất hiện một khổ thơ mang âm hưởng đồng dao gọi về cả một vùng hồi ức tuổi ấu thơ, tạo ra sự chập chờn giữa hai bờ mơ- tỉnh, thực tại-quá vãng: Dòng thác/ ngôn từ cạnh tranh lĩnh xướng/ chợ đố kị/ họp chính phiên/ Hội đồng thầu tổng cốc/ Tâng bốc/ Vùi dập/ Đơm đặt/ Hả hê/ Mệt/ mênh mông những bất động/ âm/ Thả đỉa ba ba/ Đổ niêu cứt gà/ Đổ phải nhà nào/ nhà nấy phải chịu/ Mệt (Mệt). Hình thức câu đồng dao được giữ nguyên nhưng đặt trong mối quan hệ giữa các câu trong toàn bài nó dường như cũng mang nặng cảm xúc của con người đương thời về những toan tính lọc lừa, về những tai họa đột nhiên. Người đọc có cảm giác, từ đồng dao cho trẻ con của dân gian, đi vào thơ Phan Huyền Thư đã trở thành đồng dao cho người lớn: Tình dậy/ tháng tư/ ngượng ngùng lưỡi dao/ pha những thớ buồn ba chỉ/ Bàn tay đuổi nhau/ ngã dưới vạt đồi âu yếm/ dắt về mùa hạ trầy sước đồng thau/ Tìm thấy nhau/ tiêu điều hồn nhiên/ trẻ bạc đầu/ Dung dăng dung dẻ/ Đi bộ trên mây (Tỉnh dậy tháng tư). Câu đồng dao xuất hiện vào cuối bài như một sự bừng thức của những con người đã bạc đầu trong những u buồn, “trầy sước” của cuộc đời. Họ đã tìm được nhau và cả một thời hồn nhiên, ngây thơ bồng ùa về trên mái đầu bạc. Hình thức đồng dao trong thơ Phan Huyền Thư ở đây được đặt trong sự đối lập với hiện thực và hiện tại. Nó trở thành hình ảnh của quá khứ, của những gì tốt đẹp. Có phải vì vậy mà nỗi buồn trong thơ Phan Huyền Thư ám ảnh mà không nặng nề, ám ảnh song vẫn “thoát xác” (chữ dùng của chính tác giả), bay bổng. Không giống Phan Huyền Thư, hình thức đồng dao trong thơ Vi Thùy Linh thường được sử dụng trong một bài trọn vẹn. Nỗi niềm day dứt, trăn trở về cuộc đời, về thơ có rất nhiều trong thơ chị nhưng ở các bài mang hình thức đồng dao thì hoàn toàn vắng bong. Vi Thùy Linh sử dụng hình thức này chủ yếu ở các bài chị viết cho con (đứa con trong tương lai mà chị gọi là bé Xù hay Đồng Tử) như Giáng sinh con, Biển trời của bé, Đồng dao trông trăng hay ở bài thơ thi sĩ viết cho tuổi thơ của mình (Như là đồng dao). Ở đây, người đọc thấy được cái non tơ, tươi mát và trong sáng của một tâm hồn trẻ, của bản năng làm mẹ thiêng liêng:(…) Bánh trăng to bự/ Bé muốn ăn liền/ Nhưng lại để dành/ Để Trăng tỏa sáng/ Đại dương bé tắm/ Vũ trụ bé chơi/ Bé ngủ bé mơ/ trong tay bố mẹ/ Mỗi mai thức dậy/ Phổng một ước mơ/ Vạn vật bất ngờ/ Dung dăng cùng lớn (Biển trời của bé). Ở một số bài đồng dao viết cho con, bên cạnh tình yêu con tha thiết, Vi Thùy Linh còn thể hiện khát vọng có một thế giới hòa bình, hạnh phúc dành cho trẻ em toàn thế giới: Nu na nu nống/ Trái đất nằm trong/ Trẻ con quay vòng/ Nối liền thế giới/ Mùa đông thật ấm/ Noel cho em/ Noel lung linh/ Bính boong náo nức/ Xoa dịu đớn đau/ Vỗ về thiếu thốn/ Xua tan tủi sầu (…)(Giáng sinh con). Có thế nói, cảm xúc thơ ở đây đã lựa chon được một hình thức hiểu hiện phù hợp. Nếu Vi Thùy Linh mượn đồng dao của văn học dân gian để viết cho con và cho cả thế hệ măng non thế giới thì Phan Huyền Thư lại mượn đồng dao để viết cho chính mình. Đồng dao trong thơ Vi Thùy Linh vẫn giữ nguyên vẹn được cái hồn nhiên, trong sáng của những câu đồng dao thuở nào còn ở thơ Phan Huyền Thư, đồng dao chỉ còn là hình thức, nội dung dường như đã được thay đổi tạo nên nhiều trăn trở, suy nghĩ. Đây chính là sự vận dụng một cách đầy sáng tạo vốn văn hóa, văn học truyền thống.

Cội nguồn dân gian đi vào thơ Vi Thùy Linh không chỉ ở cấp độ ngôn từ mang đậm màu sắc dân dã và thể thơ dân gian mà còn ở chỗ các tác giả đã vận dụng đầy linh hoạt vốn hiểu biết văn học dân gian vào trong các sáng tác của mình. Qua khảo sát chúng tôi thấy, sự vận dụng này có nhiều cấp độ và ở các phạm vi khác nhau.

Trước hết, có thể nói, Vi Thùy Linh thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Họ có điều kiện học tập, nghiên cứu, mở rộng tầm hiểu biết của mình theo đà phát triển và hội nhập của đất nước. Vốn sống có thể chưa nhiều nhưng họ đã trang bị cho mình vốn hiểu biết về văn hóa, văn học khá phong phú. Dấu ấn của văn học dân gian thế giới và dân tộc in đậm trong các sáng tác của nữ thi sĩ này. Khi vận dụng những tri thức văn học dân gian thế giới vào sáng tác, Vi Thùy Linh chủ yếu sử dụng như một hình ảnh, chi tiết và thường không có sự tranh biện. Có thế đó là hình ảnh các nhân vật trong thần thoại và truyện cổ tích: Thần Appollon truyền sức mạnh phủ dụ yên bình lên mí mắt nặng, Một hôm định làm chàng Ulysee buộc chặt chân vào cột buồm cưỡng lại giọng hát quyến rũ của nàng tiên cá, Anh thử nén sự cuồng nhiệt trước em, Hercule không phải thần tượng của chúng ta,Ẩn trong em nữ thần Aphrodite, Anh mang sức mạnh của thần Rudra, thần Kâla, thần Sambu anh là Ivara-là tất cả và cũng là người đàn ông phàm tục, Chờ mụ phù thủy cưỡi chổi bay qua, Không đủ sức kể,nàng Seherazade toan đi. Có thể đó là những chi tiết, hình ảnh quen thuộc trong các câu chuyện cổ: Lại chui vào ngôi nhà gỗ chân gà, Những con mèo đi hia chiêm bao của thành thị, Không có thảm bay, không mượn được chổi phù thủy, cũng không có hia vạn dặm/ Em tìm Anh bằng đôi chân tê cóng. Ngữ liệu của văn học dân gian thế giới chủ yếu thuộc thể loại thần thoại và truyện cổ tích. Hầu như không thấy xuất hiện trong thơ Vi Thùy Linh dấu vết của các thể loại văn học dân gian thế giới khác như thơ ca dân gian, tục ngữ, câu đố vv… Điều này theo chúng tôi cũng dễ hiểu. Những tài liệu về văn học dân gian thế giới đến với chúng ta hiện nay chủ yếu vẫn là truyện cổ dân gian. Thơ ca dân gian, tục ngữ hay các thể loại khác rất ít được biết đến trừ những người nghiên cứu chuyên môn. Từ rất lâu, các truyện cổ dân gian đã được dịch sang tiếng Việt và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của thế hệ thiếu nhi. Bởi vậy, những nhân vật, chi tiết trong truyện cổ dường như trở thành vùng hồi ức chứa đựng cả một thế giới lung linh với bao ‎y nghĩa sâu sắc. Khi được sử dụng trong thơ Vi Thùy Linh, chúng giữ nguyên y nghĩa ban đầu và có giá trị như những điển tích, điển cố văn học. Câu thơ do vậy vừa giàu hình ảnh vừa giàu sức gợi.

Trong tương quan giữa văn học dân gian thế giới và văn học dân gian Việt Nam, thơ Vi Thùy Linh dành nhiều đất hơn cho vốn văn học nước nhà. Một mặt, nó thể hiện tấm lòng gắn bó sâu nặng với những giá trị truyền thống của dân tộc của các tác giả. Mặt khác, đây cũng là quy luật tất yếu của sự hiểu biết. Chắc chắn nữ thi sĩ phải am tường văn hóa, văn học dân gian trong nước hơn văn học dân gian nước ngoài. Ngữ liệu văn học dân gian Việt Nam do vậy không chỉ phong phú về số lượng mà còn nhiều đa dạng ở các thể loại và đặc biệt nhiều hình sắc trong cách nhận thức, biểu hiện.

Dấu vết văn học dân gian trong thơ Vi Thùy Linh và Phan Huyền Thư khá đậm nét, bao gồm nhiều thể loại: Truyện cổ tích, thành ngữ, tục ngữ. Truyện cổ xuất hiện rất nhiều trong thơ cô gái họ Vi:

 Chuyện Tấm dịu hiền/Mẹ chỉ kể đến đoạn cô lấy chồng hoàng tử/Sẽ kể cho con/Thạch Sanh gan dạ bắn đại bàng cứu công chúa/Về Trương Chi xấu trai nhưng giọng hát tuyệt vời/Có tài, được biệt đãi, đâu chỉ công chúa mê, sẽ có chìa khóa mở đến nhiều cánh cửa/Về chú Gióng lên ba, ăn bảy nong cơm ba nong cà, lớn phổng thành dũng sĩ, cưỡi ngựa sắt, nhổ tre đằng ngà, diệt giặc xong,Gióng lên núi Sóc cưỡi ngựa về trời, đâu màng công trạng vinh hoa phú quý(…)/Về Mị Châu lấy Trọng Thủy, nhưng không u mê đến mức phản bội vua cha, mất Âu Lạc cho Triệu Đà/Về Mị Nương sẽ lấy Sơn Tinh để không có chiến tranh, ngập lụt (Kể chuyện cho con)

Hay: Đàn rùa đá cõng bia, trẫm xuống hồ Văn ngàn ngàn câu hỏi/Sĩ phu chen chúc đất kinh kỳ, bỏ quên Cổ Loa sạt lở?/Thần Kim Quy khóc với tượng cụt đầu/Cụ Rùa trong tủ kính đền Ngọc Sơn nằm khóc thương đồng loại đang nổi lên tuyệt vọng giữa lòng hồ Hoàn Gươm/Miệng phải thở, rùa không ngậm thanh gươm năm trăm năm trước

(Thành phố cổ)

Nếu chúng ta yêu nhau trong hang/Là giải thoát mình khỏi không gian chen chúc/Cái hang, chưa tìm thấy, chỉ nghe vương vất tiếng đàn Thạch Sanh/Lứa lứa đôi hôn nhau để tìm cho mình phương hướng/Nhưng làm sao có thể định thần, khi con người luôn cảm thấy bất an và lẻ loi (Huyền tích)

Không phải Ngưu Lang Chức Nữ, chúng mình bỏ mặc cầu Ô Thước, đốt cơn nhớ thành cầu vồng đến với nhau và khát/Em yêu Anh như yêu sự hiện diện của chúng mình trên mặt đất (Bài ca số phận)

Em khóc sập trời, Anh vẫn cứ đi, gạt về em vạt vạt mây tơi tả/Em phút chốc là Nữ Oa, nâng khoảng-trời- bị- trượt- chân, bằng mi mắt khô trụi/Rồi hồn phiêu bồng lại nhập xác thân/Rồi lại nóng bừng hồi hộp hồi hộp/Em muốn tìm Anh, nhưng lại lạc vào bóng mình, tìm Anh trong tiếng vọng của bão/Con đường hút hút lõm dấu dấu chân/Em ướm chân mình, định uống nước trong dấu chân, như cổ tích…/Mà chỉ toàn dấu chân phụ nữ! (Dấu vết)

Tục ngữ, thành ngữ trong thơ của Vi Thùy Linh xuất hiện ở hai dạng. Dạng thứ nhất: Thành ngữ, tục ngữ dân gian được dẫn nguyên văn làm cho y thơ giàu hình ảnh và thêm sâu sắc:

Buôn một bán mười, một vốn bốn lời, phú quý xa hoa, thăng quan tiến chức, triệu người cầu khấn làm rung chốn cửa thiền

Phật nào giải quyết, thỏa mãn long tham chúng sinh?

Lạy trời ,lạy phật, lạy các chư vị thánh thần

Con chẳng ước vinh quang, xuất cảnh, phát tài, con chỉ cầu xin bình yên(…)

(Trên đường làng đá xanh)

Yêu độc giả chân thành, dù họ hiện diện hay vắng mặt

Ghét dối trá, lọc lừa, khinh háo danh, đạo văn bệnh hoạn

Quyết liệt  chối bỏ những tầm tầm, vừa phải, phiên phiến chín bỏ làm mười, đại khái qua loa

(Cháy).

Dạng thứ hai: Thành ngữ, tục ngữ không xuất hiện nguyên văn. Các tác giả chỉ dùng một vài từ hay một vài hình ảnh trong các câu thành ngữ tục ngữ quen thuộc từ đó kích thích tư duy, gợi trường liên tưởng trong lòng bạn đọc. Có thể nói đây là điểm khá thú vị, tạo ra cách tiếp cận thơ bằng liên văn bản. Người đọc ngoài cái thú vị khi tiếp cận được y nghĩa của tác phẩm còn cảm thấy tâm hồn mình giàu có hơn vì vốn văn học dân gian được đánh thức:

Đêm tháng năm mẹ nằm chờ sáng (Đồng tử)=> Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng.

Bay đậu đậu bay/Chuồn chuồn dự báo/Nắng đẫy tháng mà/Vừa mưa đã ráo (Như là đồng dao)=> Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng/ bay vừa thì râm.

Loài cá sấu tưởng tuyệt chủng lại xuất hiện, khóc không thỏa ngày đêm/Dù giả tạo, cá sấu còn biết khóc/Còn hơn những kẻ vô tâm (Những đồng cỏ nằm dưới tuyết)=> Nước mắt cá sấu.

            Vi Thùy Linh đã tận dụng triệt để tính cô đọng, hàm súc của thành ngữ, tục ngữ để gia tăng sự biểu đạt của lời thơ. Những kinh nghiệm, nhận xét được đúc kết hàng ngàn đời của nhân dân đồng hiện với với các tình huống thơ trong hiện tại. Trường liên tưởng của người đọc nhờ vậy mà được mở rộng, đào sâu. Thơ hiện đại thường đặt ra những thách thức cho bạn đọc. Muốn hiểu và đồng cảm được với nó, người đọc không thể tiếp tục duy trì lối đọc cũ, chỉ đi tìm y nghĩa hiển hiện trên bề mặt xác chữ mà phải tập lối đọc thơ liên văn bản, phải huy động không chỉ năng lực cảm hiểu của bản thân mà còn phải có cùng vốn hiểu biết nhất định về văn hóa và văn học với các nhà thơ. Vì vậy, đối với một số người, thơ hiện đại là thứ thơ khó đọc, khó hiểu. Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc sử dụng các ngữ liệu dân gian này, đặc biệt là văn hóa và văn học dân gian Việt Nam, thơ Vi Thùy Linh không những không “chơi khó” bạn đọc mà ngược lại, kéo thơ về gần với bạn đọc hơn. Đây là những kiến thức văn học dân gian cơ bản, gần gũi, thấm sâu vào trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của con người. Thêm nữa, những câu chuyện cổ, những ông Bụt, bà Tiên, quả thị rất thơm, cô Tấm rất hiền là người bạn thân thiết của thuở ấu thơ. Chúng tôi nhận thấy, ca dao không xuất hiện trong thơ Vi Thùy Linh. Với đặc tính trữ tình, thiên về biểu cảm, thể hiện đời sống nội tâm, thể loại này khó có điều kiện để sử dụng như những điển tích, điển cố văn học. Thơ trẻ cần cách nói có sức gợi tả “như bàn tay xiết lại thành nắm đấm” do vậy, tầng‎ ý nghĩa ẩn chìm trong thành ngữ, tục ngữ, trong các nhân vật và chi tiết của truyện cổ trở thành sự lựa chọn tối ưu. Ở đây, thành ngữ, tục ngữ trong thơ Vi Thùy Linh thường có‎ nghĩa như những điển tích, những câu nói có giá  trị ‎y nghĩa cố định để nhấn mạnh thêm ý tưởng của tác giả. Khi viết, Vi Thùy Linh xác định vị trí của mình là đứng bên ngoài để sử dụng, tái tạo thậm chí bình luận về chúng. Do vậy thành ngữ, tục ngữ trong thơ tác giả này vẫn là chính nó với ý nghĩa vốn có như trong văn học dân gian.

Trong quan niệm của Vi Thùy Linh, công việc sáng tác không phải là “một thứ nghề chơi” (Phan Kế Bính) để ngâm nga thưởng vịnh cũng không phải là một mặt trận mà mỗi tác phẩm đều là tiếng kèn xung trận, là tiếng nói “đồng ‎y, đồng chí, đồng tình”. Họ tâm niệm mỗi sáng tác phải là một cuộc dấn thân, một cuộc thử sức với chính mình để rồi mỗi khi có một đứa con tinh thần ra đời đều khiến người cầm bút có cảm giác như mình kiệt sức. Họ luôn trăn trở với việc làm mới mình và làm mới thơ. Họ sáng tạo ra những cấu tứ, hình ảnh mới lạ và ngay trong việc sử dụng các ngữ liệu dân gian quen thuộc các tác giả cũng cố gắng để tạo ra những “chiều năng nghĩa” khác cách hiểu cũ. Việc sử dụng ngữ liệu văn học dân gian có ưu thế là quen thuộc, gần gũi với người đọc song đây cũng lại chính là hạn chế của nó vì dễ khiến cho thơ mất đi cái hứng thú của sự khám phá. Khắc phục điều này, Vi Thùy Linh không chỉ sử dụng văn học dân gian như những điển xưa để làm tăng tính gợi tả cho lời thơ mà còn thay đổi nghĩa bằng cách đặt chúng trong tương quan với hiện thực đời sống để phủ nhận tính hợp lí của cách hiểu thông thường:

Em ướm chân mình, định uống nước trong dấu chân, như cổ tích/ Mà chỉ toàn dấu chân phụ nữ/ Hai bên đường, những bông hoa loa kèn đỏ khóc/ Đêm ướt những dấu chân đọng nước/ Đi theo những dấu chân tới khi là đi theo gió xối thành thác, nơi những người đàn bà ở trần, thổn thức nhìn đường tối và trăng sáng/ Họ bảo em đừng đi nữa, không tìm được đâu, những dấu chân biến mất nhanh vì đàn ông đổi thay như biển cả (Dấu vết)

Mô tip sinh nở thần kì bằng việc người mẹ uống nước hoặc ướm thử vào bước chân không lồ là môtip quen thuộc trong các truyện cổ dân gian. Mẹ Gióng ra vườn ướm vào bước chân khổng lồ của ông Đổng trong đêm mưa gió ông Đổng về hái cà mà sinh ra đứa con kì lạ. Môtip này trong truyện cổ cho thấy quan niệm riêng của nhân dân đối với sự ra đời của những con người phi thường. Họ là kết quả của sự kết hợp kì lạ giữa bà mẹ nghèo với thần linh. Thần tuy không hiện hình cụ thể song đã để lại dấu vết của mình qua bước chân khổng lồ vì vậy hình ảnh này có giá trị như một thứ tín hiệu thiêng. Vi Thùy Linh không quan tâm tới tính chất linh thiêng của hình ảnh mà đồng nhất nó với dấu hiệu của con người - những dấu chân của đàn ông và đàn bà. Không vô tình giẫm phải bước chân khổng lồ như bà mẹ trong truyện cổ, nhân vật trữ tình ở đây cố đi tìm những dấu chân đàn ông với khao khát được tận hiến nhưng chỉ toàn gặp dấu chân của phụ nữ. Những dấu chân ấy thấm đầy nước mắt của những đêm trăng sáng thổn thức nỗi cô đơn, chờ đợi. Bà mẹ nghèo xưa nhờ bước chân của thần mà sinh ra đứa con kì lạ còn “Em” không tìm được dấu chân nào cho mình vì “đàn ông thay đổi như biển cả”, những dấu chân “biến mất nhanh”. Hình ảnh thơ thấm thía nỗi xót xa vừa đối chiếu vừa như một phản đề đối với truyện cổ. Không có câu chuyện cổ tích nào viết cho riêng em cũng như không có sự kì lạ của tình yêu giữa một thế giới đầy bội bạc, phản trắc.

Trong truyện cổ dân gian và quan niệm của người Việt, rùa Hồ Gươm là con vật linh thiêng. Mỗi lần rùa vàng nổi lên là một lần đất nước đón nhận những sự kiện trọng đại. Hơn sáu thế kỉ trước, rùa thần nổi lên theo lệnh Lạc Long Quân đòi lại gươm báu của Lê Lợi khi nhà vua đang du ngoạn trên hồ Hoàn Kiếm. Từ đó, hình ảnh rùa thần ngậm gươm lặn sâu dưới nước trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình trong lòng mỗi con dân Đại Việt. Táo bạo và liều lĩnh, Vi Thùy Linh dám thay đổi cả một biểu tượng vốn in sâu trong tâm thức và sự ngưỡng vọng của con người khi nhận ra việc rùa vàng nổi lên có y nghĩa thực tế hơn nhiều so với những gì thêu dệt trong truyền thuyết:

Đàn rùa đá cõng bia, trẫm xuống hồ Văn ngàn ngàn câu hỏi/ Sĩ phu chen chúc đất kinh kì, bỏ quên Cổ Loa sạt lở/ Thần Kim Quy khóc với tượng cụt đầu/ Cụ rùa trong tủ kính đền Ngọc Sơn nằm khóc thương đồng loại đang nổi lên tuyệt vọng giữa lòng hồ Hoàn Gươm/-Miệng phải thờ, rùa không ngậm thanh gươm năm trăm năm trước (Thành phố cổ)

Có người nói Vi Thùy Linh quay lưng lại lịch sử, phản bội lại lòng tin của người Việt một cách ngông cuồng. Chúng tôi cho rằng, ở đây, cái nhà thơ muốn thực hiện là dựng lên sự đối lập giữa quá khứ với hiện tại để từ đó nói được hết nỗi đau xót của một người con yêu Hà Nội mà phải nhìn cảnh Hà Nội đang bị hủy hoại hàng ngày. Vấn đề bức xúc của xã hội: Hồ Gươm bị ô nhiễm nặng nề được nói một cách hình ảnh và thấm thía. Thanh gươm xưa cụ rùa không ngậm nữa vì còn phải cố thở giữa lòng hồ đầy rác thải còn cụ rùa trong tủ kính đền Ngọc Sơn thì khô héo dần đi trong nỗi xót thương đồng loại. Đằng sau sự thực nghiệt ngã là nỗi đau của cô gái họ Vi - con người nặng lòng với một Hà Nội hào hoa, thanh lịch thuở nào. Có thể nói, bằng cách nói này, câu thơ Vi Thùy Linh có sức mạnh ngang với rất nhiều bài báo cảnh tỉnh về thực trạng hồ Gươm.

            Tạo ra một hướng nghĩ khác cho các hình ảnh dân gian quen thuộc không phải chuyện dễ dàng nhất là đối với những gì đã trở thành tâm thức. Sự táo bạo, thậm chí có thể nói là liều lĩnh của hai nhà thơ trẻ không chỉ tạo ra sự mới lạ thú vị cho thơ mà còn xóa bỏ lối mòn trong cách suy nghĩ, tiếp nhận của độc giả. Bao lâu nay chúng ta chỉ quen nói theo những gì có sẵn mà quên mất tất cả đều có thể biến đổi theo thời gian. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những gì đã từng là niềm tin của cha ông trong quá khứ (Quá khứ của những huyền thoại, những câu chuyện cổ). Thiết nghĩ, cái mà Vi Thùy Linh muốn hướng tới là kích thích tư duy của người đọc, tập cho người đọc thói quen đối sánh. Hãy nhớ tới những câu chuyện ngày xưa nhưng cũng đừng quên những câu chuyện đó ngày hôm nay sống như thế nào.

            Đại hội Đảng năm 1986 được gọi là đại hội đổi mới bởi một trong các chủ trương của nó là cởi bỏ mọi xích xiềng để các nhà văn nhà thơ tự do sáng tạo. Đây là một chủ trương đúng đắn không ai có thể phủ nhận song không khiến chúng ta quên đi có cả một thời kì mọi tư tưởng đổi mới trong văn chương đều bị thủ tiêu bằng nhiều cách khác nhau. Chính trị và văn chương không tách rời nhau, cán bút được coi như vũ khí để “xoay chế độ”, thơ dùng để “phá cường quyền” (Sóng Hồng). Tính Đảng, tính nhân dân được coi là tiêu chí quan trọng nếu không nói là hàng đầu để đánh giá chất lượng một tác phẩm. Không bao giờ có chuyện chấp nhận một tác giả nào đó lại phản biện lại những hình tượng vốn được số đông quan niệm là tốt đẹp. Từ sau Đại hội đổi mới, nhất là khi đất nước bước vào thời kì hội nhập mọi ràng buộc được tháo gỡ, các tác giả có đất để thể hiện y tưởng của mình. Tư duy tranh luận, phản biện do vậy cũng phát triển. Trong xu hướng này, Phan Huyền Thư, một tác giả cùng thời với Vi Thùy Linh cũng thể hiện những quan niệm riêng của mình về những điều cả một thời kì dài chúng ta cùng chỉ nghĩ theo một hướng:

Anh có mũi tẹt, tóc đen, da vàng/ sao anh không lí lịch/ đồng bào của tôi liên bang hiệp chủng/ Bốn biển và năm châu/ anh chị ở đâu/ các cháu con tôi ở đâu/ ai Hồng ai Lạc/ Đồng bào của tôi/ đồng bào dị mộng/ lọt sàng có xuống nia (Dị mộng)

Đoạn thơ cứ như một phản đề đối với cái gọi là tình đồng bào xuất phát từ câu chuyện cha Lạc Long Quân- mẹ Âu Cơ xưa.

Mạnh mẽ hơn nữa, Vi Thùy Linh nhận chân lại hàng loạt nhân vật trong truyện cổ:

Mẹ biết rằng con sẽ hỏi

Mẹ kể thiếu, sai truyền thuyết mất rồi

Cô Tấm còn đào hố chôn Cám cơ mà?

Con ơi, cô ấy ác và nói dối.

Dụ dỗ Cám tắm “mĩ viện nước sôi” để trả thù man rợ, giết hai mạng người

Mẹ không kể phần sau vì muốn con tin cô Tấm thảo hiền có thực.

Còn Mỵ Châu- Trọng Thủy

Cứ yêu nhau nhưng đừng hại An Dương Vương, đừng bị lợi dụng trong chiến tranh, chính trị để chết thảm chia lìa

- Thế còn Sơn Tinh- Thủy Tinh

Nếu mẹ là Mị Nương?

Mẹ sẽ lấy Thủy tinh ví đó là người si tình, thực tài, dũng mãnh

Nhưng Sơn tinh đến trước!

Sơn tinh không giỏi vì nhận được sự thiên vị, ưu ái của vua Hùng, lúc thách sính lễ, vua đã có ý chọn Sơn tinh- phò mã, đành thuận lợi cho Sơn, khó khăn cho Thủy (Voi chin ngà, gà chin cựa, ngựa chin hồng mao đều từ rừng, cõi chàng Thần Núi)

Hãy học Thủy tinh, sẵn sang thách đấu, chấp nhận thử thách, đối diện bất công để chứng tỏ bản lĩnh, tài năng

Sính lễ của núi,mà thần Nước tìm đủ hết, đủ biết tài trí vượt qua éo le (người thực tài không cần châm chước địa bàn, hoàn cảnh, giới tính)

            Với Vi Thùy Linh, cô Tấm không hoàn toàn là người đẹp hiền lành như quan niệm của bao thế hệ. Cô ấy “ác và nói dối” vì đã giết cùng một lúc hai mẹ con Cám bằng cách trả thù dã man. Trong tương quan giữa hai nhân vật Sơn Tinh - Thủy Tinh, nhân dân dành ưu ái cho vị Tản Viên sơn thánh, còn Thủy Tinh  chỉ là kẻ đeo đẳng mối hận thù nhỏ nhen “đời đời đánh ghen”, “báo oán”. Ngược lại, với nữ sĩ họ Vi, Thủy Tinh mới là người si tình thực sự, sẵn sàng nhận lời thách đố bằng sự trung thực của bản thân mình. Sơn Tinh chiến thắng không phải bằng tài sức mà chỉ do sự thiên vị của vua Hùng. Tất nhiên đây là cách nhìn của người hiện đại có phần đi xa khỏi quan niệm của nhân dân ta thời đại truyền thuyết, cổ tích nhưng xét về mặt nào đó vẫn có những giá trị tích cực. Đó là thái độ không bằng lòng với những cái sẵn có, quyết tâm đi theo lối nghĩ độc lập của riêng mình. Đây là tâm lí chung của cả một thế hệ “biết hoài nghi tất cả để đạt tới chân lí tuyệt đối” lấy mình là trung tâm nội cảm và chỉ tin theo suy nghĩ của bản thân. Chính ở đây, Vi Thùy Linh đã thể hiện bản lĩnh của mình.

            Vi Thùy Linh là gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ sinh ra và lớn lên sau 1975. Những cách tân táo bạo trên nhiều phương diện khiến cho giới phê bình có những nhận xét cực đoan khi thấy họ lai căng, lố bịch, xa rời truyền thống và đi ngược lại nghĩa vụ công dân. Tuy vậy, đọc thơ các chị, chúng tôi thấy các chị với chúng ta “tình đồng hương vẫn nặng” (Theo cách nói của Hoài Thanh). Đấy là cái chung trong sự nặng lòng với những giá trị truyền thống, với vốn văn hóa và văn học dân gian phong phú của dân tộc. Nhà thơ không chỉ học ở dân gian, vận dụng dân gian mà còn sáng tạo lại dân gian, làm cho ‎kho tàng văn hóa, văn học dân gian được mở rộng thêm ‎y nghĩa. Chúng tôi cho rằng đây là đóng góp đáng quy của Vi Thùy Linh. Thêm nữa, việc tái sử dụng văn học dân gian trong sáng tạo thơ nằm trong khuynh hướng giả lối viết văn học dân gian của văn học viết hiện đại. Vấn đề này chắc chắn còn tốn nhiều giấy mực. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, chúng tôi chỉ nêu ra những nhận xét có tính chất bước đầu góp phần tìm hiểu về  nữ tác giả trẻ này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.        Đặng Thu Thuỷ. Đôi điều suy nghĩ về văn hoá đọc thơ hôm nay. nguvan.hnue.edu.vn/nghiencuu/vanhocvietnamhiendai.

2.        Các tập thơ của Vi Thuỳ Linh:

- Khát. Nxb Hội nhà văn. 1999

-Đồng tử. Nxb Văn nghệ.2005

- Linh. Nxb Phụ nữ. 2007

- Vili in love. Nxb Văn nghệ. 2008

- Phim đôi- tình tự chậm. Nxb Thanh niên. 2010

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020