CÁC CẤU TRÚC KIỂU CÂU NGHỆ THUẬT TRONG DÂN CA THÁI
TS. Phạm Đặng Xuân Hương
Bất cứ ai khi tiếp xúc với dân ca Thái đều cảm thấy đó là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu, giàu biện pháp tu từ. Thế giới cảm xúc trừu tượng, vô hình của các nhân vật trữ tình luôn luôn được diễn đạt cụ thể hóa, hữu hình hóa thông qua lối nói so sánh, ẩn dụ, ước lệ, tượng trưng, cường điệu, nhân hóa…v..v. Có thể coi đó là lối tư duy bằng hình ảnh cụ thể, mang đậm dấu ấn tộc người (lối tư duy không chỉ mang đặc trưng chung của tư duy thể loại mà còn mang những đặc điểm riêng của tư duy tộc người Thái). Lối tư duy này lại được đặt trong các mô hình kiểu câu nhất định mang tính công thức truyền thống, và sự kết hợp đó (sự kết hợp của lối cảm, lối nghĩ với lối nói, lối phát ngôn) đã tạo nên các cấu trúc ngôn ngữ đặc thù trong dân ca Thái.
Có thể chỉ ra một số các kiểu câu, lối nói nghệ thuật trong dân ca Thái như sau:
1. Cấu trúc ngôn từ trùng điệp
Điệp (còn gọi là lặp, gọi chung là điệp lặp) là biện pháp lặp lại có ý thức những từ ngữ, những bộ phận câu, những câu thơ trong một đoạn… nhằm mục đích nhấn mạnh ý, mở rộng ý, gây ấn tượng mạnh hoặc gợi ra những xúc cảm trong lòng người đọc, người nghe.
Tác phẩm văn học dân gian rất hay sử dụng biện pháp điệp/ lặp, vừa dễ thuộc, dễ nhớ trong quá trình truyền miệng, vừa gây được sự chú ý của người nghe, người đọc theo quy luật tâm lý “một vật kích thích xuất hiện nhiều lần sẽ làm người ta chú ý”.
Dân ca Thái cũng sử dụng rất nhiều lần biện pháp điệp lặp trên nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp độ đoạn thơ, có thể chỉ ra một số kiểu loại như sau:
a) Điệp liệt kê: là loại điệp lặp mà các câu thơ trong một đoạn thơ dài trùng lặp lại nhau về cấu trúc, ý thơ, từ ngữ…nhằm hàm ý liệt kê, mô tả hệ thống. Có hai loại điệp liệt kê là điệp liệt kê tương hỗ (điệp lặp lại một hình ảnh, một cấu trúc câu bằng các ý nghĩa tương hỗ cho nhau) và điệp liệt kê tương đồng (điệp lặp ý nghĩa tương đồng của các hình ảnh khác nhau).
- VD1(điệp liệt kê tương hỗ):
Mặt trời rơi
Mặt trời lặn
Mặt trời qua đầu sàn người yêu
Chị em ơi rút dao hái củi
Lấy củi lấy hai bó, lấy ba bó
Một bó để bà bác nấu cơm chiều
Một bó để mẹ yêu nấu rượu
Một bó để đốt lửa hạn khuống thân yêu
Đốt lửa để trai bản hơ áo [1, tr3]
- VD2 (điệp liệt kê tương đồng):
Chúng tôi ở xa nhìn thấy lửa
Ở xa nhìn thấy nước
Nhìn thấy dòng sông xanh ước ao được tắm
Nhìn thấy suối trong lành lòng muốn uống chung
Nhìn thấy áo chàm đem lòng những muốn ướm thử
Nhìn thấy người má hồng lòng những muốn hỏi thăm
Thấy đôi mắt long lanh, lòng càng muốn liếc
Nhìn thấy hạn khuống đẹp lại muốn quấy qủa đến chơi [1, tr8]
Điệp/lặp liệt kê ở đây sử dụng sự phong phú, đa dạng, phức tạp của sự vật hiện tượng để phơi bày và biểu cảm rõ nét cảm xúc của nhân vật trữ tình, kích thích trí tưởng tượng, và gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người hát, người nghe dân ca. Loại điệp lặp này rất phổ biến trong thơ ca dân gian Thái, có thể chỉ bắt đầu bằng một cụm 2 câu thơ, cho đến cụm 4 - 6 câu thơ, và thậm chí là có thể dài hơi hơn rất nhiều. Không chỉ làm cho bài dân ca kéo dài số câu, tạo tính nhạc để dễ hát, dễ ngâm mà còn giúp gia tăng yếu tố tự sự vào trong lời thơ trữ tình, tính kể chuyện trong lời một bài hát giàu cảm xúc.
b, Điệp vòng tròn: là một dạng điệp ngữ có tác dụng tu từ lớn. Chữ (hình ảnh) ở câu thơ trước được láy lại ở câu sau, và cứ thế làm cho câu thơ liền nhau như đợt sóng:
- VD3:
Bây giờ thì!
Quá thời chơi hoa sung
Quá thì chơi hoa chăn
Quá thời quấn khăn lụa
Quá thời út đùa cợt với ngãi tình sàn khuống rong chơi
Quá mùa hoa ké tháng ba
Quá mùa trầu không tháng tư
Quá thời út kéo sợi, nhuộm răng hồi gái trẻ
Quá thời cầm khăn lụa rong chơi
Quá thời chơi hoa sen
Quá thời ngắm hoa bửa
Quá thời khoác áo cầm khăn
Quá thời chơi hoa hỡi ngọc yêu diễm phúc
Quá thời hồi út trêu cợt anh ở nhà mẹ chơi đùa!
[5; tr 20]
|
1
2
3
4
1
2
4
3
1
2
3
4
4
|
Ấn tượng trực quan mà chúng ta nhìn thấy ở đoạn dân ca này là sự trở đi trở lại của các từ từ ngữ, hình ảnh như Quá thời (cai nhãm, cai mừa); hoa (bók); khăn (khăn); em yêu (ủa), người tình (chụ); đùa giỡn, chơi (ỉn, chỗm)…., và đồng thời là sự lặp lại của cả cấu trúc đoạn thơ: mỗi 1 đoạn thơ có 4 câu (được đánh số từ 1 đến 4) và được lặp lại 3 lần trong 12 câu thơ theo cấu trúc: 1 - Quá thời chơi hoa A; 2 - Quá thời chơi hoa B; 3 - Quá thời quấn khăn; 4 - Qúa thời út cùng anh yêu làm gì đó… Nhờ vậy, mạch thơ kéo dài như những đợt sóng nhỏ, có tác dụng nhấn mạnh một sắc thái ý nghĩa tình cảm (sự tiếc nuối vì đã quá thời) và làm nổi bật các hình ảnh ấn tượng của thời đã qua (chơi hoa, quấn khăn, đùa vui với bạn tình). Sự lặp đi lặp lại theo cấu trúc vòng tròn cũng làm cho ngôn ngữ đoạn thơ giàu nhạc tính.
c, Điệp triển khai: Khác với kiểu điệp vòng tròn mang hàm ý nhấn mạnh nhiều lần nội dung cần diễn đạt, kiểu điệp triển khai lại vừa lặp lại ý trước, vừa tiếp tục triển khai ý tiếp theo làm cho nội dung đoạn dân ca được tiến triển:
- VD4:
Lời nhắn, út yêu sẽ gói khăn đào
Lời trao thương sẽ khói khăn lụa
Gói khăn lụa cho nó tươi thành vàng
Gói khăn đào cho nó tươi thành ngọc
Đường vòng tới thăm em đường chớ vắng dấu chân đi anh nhé! [2; tr 410]
- VD5:
Ta đã yêu thương sẽ không lầm lẫn
Mối tình duyên sẽ không bao giờ quên
Sẽ quên sợi chỉ đỏ, chỉ vàng ta buộc
Sẽ đứt thì hai xích ta chằng
Chằng ống hồn đôi ta cho yên
Cuốn móc hồn đôi ta cho chắc [3; tr 384]
Có thể vẽ ra mô hình cho kiểu lặp này trong những câu thơ trên như sau: 1. Hai người đã yêu thương nhau sẽ không bao giờ quên nhau à2. Nếu sắp quên sẽ buộc sợi chỉ, sẽ chằng sợi xích đôi hồn lại với nhau à3. Buộc chặt như vậy để hồn đôi ta được ở yên bên nhau à4. Buộc chặt như vậy để hồn đôi ta được ở chắc bên nhau…
d, Điệp so sánh: Biện pháp so sánh được sử dụng rất phổ biến trong dân ca Thái, ngay kể là so sánh ngầm (ẩn dụ). Nó phổ biến đến mức tạo thành các kiểu cấu trúc đoạn thơ lặp đi lặp lại biện pháp so sánh. Có thể chỉ ra các kiểu dạng điệp so sánh như sau:
d1, Điệp so sánh tương hỗ (A như B, như C, như D…)
Đặc điểm của lối so sánh này là sử dụng nhiều tính ngữ so sánh, đối thể so sánh được mở rộng ra, tăng thêm lên, nội dung ý nghĩa vừa được nhấn mạnh, vừa cụ thể, trực tiếp hơn, hiệu quả so sánh tăng lên hai lần, ba lần…
- VD6:
Lời nên lời chắc tựa tấm chiên
Lời liền như chiếc chiếu
Lời chắc đanh như dao sắc chặt dong [6; tr 52]
- VD7:
Thuở ấy còn được yêu em như muối yêu quả chua
Được yêu em như thuyền yêu nước
Như vạt áo trắng yêu sợi chỉ vàng
Chỉ vàng quyện khăn đào muôn cuộn
Như chim én liệng hóng mát yêu hang đá [5; tr11]
d2, Điệp so sánh tương đồng (hay so sánh song hành): thường trùng lặp với kiểu điệp/lặp liệt kê, nhằm mục đích đối sánh hai hay nhiều đối tượng trong cùng một hoàn cảnh, thao tác, từ đó nhằm làm nổi bật cá tính, phẩm chất riêng của từng đối tượng. Kiểu điệp lặp này chính là điệp lặp cấu trúc so sánh.
- VD 8: Điệp lặp cấu trúc so sánh mức độ (A không bằng x, B không y, C không bằng z…)
Bạc mười nén không bằng tình yêu
Vải trăm kho không bằng sợi chỉ đỏ
Không bằng lời hẹn hò trăm năm
… Mười áo không bằng chiếc áo cũ ta thường khoác
Mười thân không bằng hai thân ta như một
Người ta có nhà nghìn cột vạn tầng
Không bằng đôi ta ở nếp nhà lợp lá rìa thôn [1; tr 20]
- VD 9: Điệp cấu trúc so sánh A – kết quả x, B – kết quả y
Em chết biến thành nước – Anh sẽ biến thành cá
Em biến thành vách đá – Anh sẽ thành hang sâu
Em biến thành vạt áo lụa – Anh sẽ thành sợi chỉ vàng thêu rua
Em biến thành bồ kết – Anh sẽ thành chậu đồng đựng nước
Em biến thành mưa gió – Anh sẽ thành cây lúa mong chờ
Em biến thành cây chuối mọc măng
Đợi anh biến thành cây mía đến chung cùng vườn
Em biến thành sao sáng trên trời – Anh sẽ thành đám mây trắng bập bềnh vờn em
[4; tr 227 – 228]
- VD10: Điệp cấu trúc so sánh A hành động b, kết quả x; A hành động c, kết quả y; A hành động d, kết quả z…
Tiếng hát vọng vào vách đá, đá sẽ hóa thành vôi tôi
Em hát vào suối cạn, nước sẽ dâng lên như Sông Đà
Hát vào chài, lưới sẽ cuốn thành lụa
Hát vào cây rau nhỏ sẽ hóa thành sen
Hát vào chồng người ta sẽ quên vợ
Hát vào người già nua sẽ hóa thành người non trẻ
Hát với sao sẽ rụng xuống kề bên
Hát với nước nhánh rộng sẽ khô cạn cả vũng
Hát vào núi, đồi cao hóa thành lúa
Hát vào tháng 9 – 10 không mưa
Hát với người khác mường quên bản, hỡi em [3; tr 357]
Ở biện pháp điệp lặp so sánh này, các hình ảnh so sánh được phát triển thêm lên (càng về sau lại càng đậm nét, sâu sắc hơn), giúp phát huy thêm sức biểu hiện của biện pháp so sánh, tạo nên một cách tri giác mới mẻ, hoàn chỉnh về đối tượng, có khả năng tạo hình – diễn cảm lớn.
Ngoài các cấu trúc điệp lặp trên, trong dân ca Thái còn có kiểu điệp/ lặp ngắt quãng – điệp/lặp kết hợp. Điệp lặp ngắt quãng là trường hợp mà câu thơ, ý thơ, từ thơ không lặp lại nối nhau liên tiếp mà ngắt quãng ra khoảng 1, 2, 3, 4 đến 5, 6 câu thơ. Bên cạnh đó, rất nhiều khi là điệp ngắt quãng lại kết hợp với điệp triển khai, điệp vòng tròn (là loại điệp liền mạch không bị ngắt quãng) ngay sau đó, tạo thành kiểu điệp/lặp kết hợp thì hiệu quả vần, nhịp, âm thanh và nội dung ý nghĩa càng đậm nét hơn. Nhìn chung cấu trúc ngôn từ điệp lặp là kiểu cấu trúc phổ biến nhất trong dân ca Thái.
2. Cấu trúc ngôn từ “xiết xương”
Đã có hẳn một tập dân ca “Tản chụ xiết xương” trong kho tàng văn học dân gian Thái. Tác giả Mạc Phi giới thiệu: “Những dịp tết nhất, hội hè, tiệc tùng…người ta chia thành hai phe, hát ướm hỏi, cạnh khóe, trêu chọc nhau, trong hơi rượu và trong hơi khói, và trong những tiếng reo hò cổ vũ. Tiếng Thái “Tản chụ xiết xương” nghĩa là “trò chuyện với người bạn tình theo cách bóng gió, cạnh khóe” [tr 3; Dân ca Thái]. Nam thanh, nữ tú thường hát những lời hát thể hiện sự nhún nhường bản thân, ngợi ca đối tượng, ướm hỏi, trêu ghẹo về “vợ anh”, “chồng em” mặc dù có thể biết đối tượng còn độc thân… Đây có thể coi là một lối nói, một kiểu cấu trúc đoạn thơ độc đáo trong dân ca Thái:
- VD11:
Anh đây như sợi tơ không dám cùng giông
Không dám thành vợ chồng nằm cùng gian
Muốn thành anh em chỉ lo nhà anh nghèo
Xứng với em chỉ có quan phủ
Trò chuyện với em được chỉ có thầy thừa phái thông ngôn
Anh đây không đáng mặc áo lụa ở Mường Púa lót đôi
Không xứng tựa cửa sổ gương và nằm giường đan bằng sợi
Không xứng bước lên cầu thang nhà em nhiều bậc
Không xứng đo thanh kiếm ở nhà người rể em [2; tr 434]
- VD12:
Hỡi thương ơi sao nói xỏ xiên với gai cà
…Câu ấy đừng chớ nói
Cành ấy chớ đừng đi
…Lời chồng em không biết
Người yêu em chẳng có
Không biết ngắt rau húng dập cành
Nói câu ấy em chẳng ưng
…Lạt bụng bao giờ có cật
Đời nào anh hôi hám mà có người yêu
Đời nào sẽ có người thương như con cào cào
Còn có hai, có ba như út
Có năm có sáu như thương
Nếu bảo em có chồng sẽ bắt rơi liêng thung
Em nói dối đi xem xét tận nhà
Thấy chồng em giữ tay nó lại
Giữ không được anh phải ở thay! [2; tr 455]
3. Cấu trúc ngôn từ thậm xưng, cường điệu
Biện pháp thậm xưng hay còn gọi là nói quá, là phép tu từ cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng được mô tả. Trong các đoạn dân ca Thái, biện pháp này được sử dụng trùng lặp nhằm diễn đạt một cách mạnh mẽ cảm xúc của chủ thể trữ tình, thể hiện một lối nói ấn tượng, một tư duy thông minh hay hài hước của chủ thể lời nói:
- VD13:
Chín sẽ quên mười sẽ quên
Năm mới cạn bằng đĩa mới quên
Sẽ đợi sông Đà cạn bằng đũa mới quên
Sẽ đợi cá bổng nhẩy ăn mây mới quên
Sẽ đợi chim sẻ trời ăn mía nhà mẹ nửa vườn mới quên
Chín sẽ quên, mười sẽ quên
Bọ hung biết chặt bấc vào tai mới quên
Đợi khi nào con cua xách cái đó đi đơm mới quên
Cá khô biết lấy thanh kiếm chém ăn mường mới quên
Cá khô biết đuổi mèo ăn thịt mới quên [2; tr 504]
Một loạt những hình ảnh, sự việc ngược đời được đưa ra nhằm khoa trương, nói quá cho lời khẳng định mạnh mẽ không bao giờ quên nhau của chàng trai với bạn tình. Lối nói này thật ấn tượng, hấp dẫn, mang đậm phong cách cá nhân bởi nó cho thấy chàng trai thật thông minh và hài hước. Đồng thời nó cũng là lời thề mạnh mẽ hơn bất cứ lời khẳng định nào khác, bởi chính cách nói quá, nói thậm xưng này lại giúp cho “bản chất thực của cảm xúc” được bộc lộ một cách rõ ràng hơn.
4. Cấu trúc ngôn từ đối lập
Kiểu câu, lối nói đối lập cũng được sử dụng nhiều trong dân ca trữ tình Thái nhằm phô diễn, khắc họa sự tương phản giữa quá khứ và hiện tại, giữa ước mơ và thực tế, giữa tình cảm của người này với thái độ của người kia, giữa tình cảm của 2 người với sự ngăn cách của gia đình và tập tục… Phương pháp đối lập có thể được áp dụng ngay trong một câu thơ, trong một đoạn thơ và thậm chí là trong cả một bài dân ca dài, ví như cả bài dân ca Tản chụ xống xương (đến 360 câu) là một cấu trúc đối lập giữa Thuở ấy và Giờ đây thì (giữa quá khứ được yêu em và hiện tại em đã yêu, đã lấy người khác, giữa ước mơ được tin mong, dựa dẫm vào em và thực tế giờ đã mất em); trong đó vế Thuở ấy chỉ chiếm 82 câu thơ, vế Giờ đây thì chiếm toàn bộ số câu thơ còn lại. Có những đoạn trong bài dân ca trùng lặp kiểu câu đối lập liên tiếp như sau:
- VD14:
Giờ đây thì!
Ước được út yêu mà út yêu ruồng bỏ
Ước thầm được mối tình mà duyên tình lìa cắt
Sắp thành đôi lứa rồi lại quên thương
Muốn lấy rơm, lại vàng úa theo cỏ
Muốn nhờ vả khăn lụa lại rơi vào bụi cuốn
Tin cây tre tròn mà dóng giữa lại dập
Tin với em ngọc ngà mà đã có duyên đôi
Tin vào bông hoa sen mà lỡ mất mùa … [5; tr 13]
5. Cấu trúc ngôn từ mệnh lệnh
Các chàng trai, cô gái trong dân ca trữ tình Thái khi được yêu nhau thì hát mời gọi, hát tán tỉnh, hát thề nguyền, khi phải chia lìa hay không thể được yêu nhau nữa thì hát nán chân, hát dặn, hát khuyên, hát chờ đợi… Những kiểu dạng lời hát này đã “quy định” một kiểu cấu trúc ngôn từ trong dân ca Thái đó là kiểu câu, lối nói mệnh lệnh với các từ ngữ chỉ yêu cầu như “hãy”, “không” (báu), “đừng”, “chớ”, (nhá)…. Lời thơ trở nên rắn rỏi, mạnh mẽ nhưng cũng không kém phần tha thiết, trữ tình:
- VD15:
Đôi ta thương nhau như vách đá lành lặn
Dường như nước đựng bát chớ có sóng sánh
Lời của đôi ta chớ xa lệch một li
Đôi ta yêu nhau chơi hoa sung khéo cuốn
Khéo áo chơi hoa bưởi
Mưa rơi xuống lá cũng chớ rụng rơi xuống đất
Bố mẹ can ngăn nói những lời trái ý đôi ta chớ sợ
Người ta bêu lời xấu đôi ta chớ lìa
…Đường vòng tới thăm em đường chớ vắng dấu chân đi anh nhé !
[2 ; tr 409 – 410]
6. Cấu trúc ngôn từ dẫn nhập tục ngữ, châm ngôn
Trong dân ca Thái còn có một kiểu câu, lối nói dẫn nhập tục ngữ, châm ngôn tức nhân vật trữ tình dùng tục ngữ, châm ngôn để khuyên nhủ, can gián đối tượng trữ tình hoặc để đối sánh với hoàn cảnh, tâm trạng thực tế của mình. Cấu trúc ngôn từ này thường trùng lặp với phép đối ngẫu tâm lý (miêu tả song hành bức tranh thiên nhiên hay quy luật khách quan với hoàn cảnh chủ quan, tâm trạng chủ quan của con người) rất phổ biến trong dân ca Thái. Ví dụ như câu dân ca: “Yêu thương em, anh mới đến thăm / Chỉ lo mẹ không yêu nước, không cho thả cá / Chỉ lo mẹ không yêu ruộng, không cho cấy lúa/ Không thương anh người xấu, em chẳng đoái hoài trò chuyện” đã dẫn nhập ý từ câu tục ngữ : “Yêu nhau như nước với cá / Thương nhau như ruộng yêu lúa ” ý nói sự quấn quýt của hai người khi yêu nhau; câu dân ca: “Than ôi! Anh muốn ăn gạo bịch to cố chữa / Muốn ăn dưa vườn lớn cố rào, / Ngờ đâu em ngả vào phía khác, phụ nhau!” đã dẫn nhập ý từ câu tục ngữ: “Muốn ăn gạo, chữa bịch; muốn ăn dưa, chữa rào” ý nói làm việc gì cho có kết quả phải vun vén, chuẩn bị, tính liệu từ trước; câu dân ca “Nhân tình ai xin mượn ngỏ lời / Mượn ngỏ lời người ta chớ mắng / Mượn ngỏ lời người ta chớ chửi / Không phải mới đồ đã thành rau / Thầm yêu đã bỗng dưng thành vợ chồng” đã dẫn nhập câu tục ngữ “Đâu phải hễ bắc lên ninh, là chõ xôi rau/ Hễ yêu nhau đã thành đôi nhân tình” ý nói vợ chồng không dễ gì tự được, cái gì cũng có quá trình phát triển của nó; câu dân ca: “Chọn lứa đôi không như chọn hoa / Kết bạn đời không như mua hàng giữa chợ / Chọn người xa chưa chắc đã hơn người gần / Thấy người đẹp có khi là kẻ du đãng / Tìm ở bản nhỏ xứ núi có cơ may người tốt” đã dẫn nhập ý từ câu tục ngữ: “Yêu người ở xa không bằng yêu người trong bản” ý nói trong tình yêu sự hiểu biết nhau quan trọng hơn; câu dân ca: “Không quản chi tình ế duyên ôi / Em của anh đây vẫn mãi đẹp tươi / Không chết, không quên tình cũ / Hồn không khuất mây vẫn nhớ tình xưa” đã dẫn nhập ý từ câu tục ngữ: “Nhạt cũng rượu / Già cũng nàng/ Mắt lòa cũng tình nhân cũ” ý đề cao sự chung thủy trong tình yêu, vượt qua thử thách của thời gian; câu dân ca: “Lòng không yêu trời nắng khô sẽ bảo là trước sân nhà thành vũng / Lòng yêu đường đi một ngày sẽ đi một thôi nắng” dẫn nhập ý từ các câu tục ngữ như: “Thương nhau rau đồ ngon bằng cá / Không thương canh cá đắng như lá ngón” hay “Yêu nhau ném qua đèo cũng tới / Không yêu nhau ném qua cửa cũng không qua” ý nhấn mạnh tình yêu có thể biến điều không thể trở thành có thể, tình yêu làm nên nhiều điều kỳ diệu....
Trên đây là 6 kiểu cấu trúc ngôn từ, mô hình đoạn thơ phổ biến nhất trong dân ca Thái. Ngoài 6 kiểu trên còn có thể có các mô hình khác như lối đối đáp và câu hỏi tu từ, kiểu câu cảm thán với từ cảm thán, lối nói xống xương (thương dặn) bạn tình... Sự triển khai các lời thơ, lời hát dựa trên các mô hình kiểu câu như trên đã làm cho dân ca Thái vừa quen thuộc, vừa độc đáo, vừa phong phú vừa đậm đà bản sắc riêng.
Để thay cho lời kết bài viết, tôi xin được chỉ ra những giá trị cơ bản của việc cần thiết phải nghiên cứu các mô hình, cấu trúc ngôn từ nghệ thuật trong dân ca Thái như sau:
1. Nhịp điệu của mô hình cấu trúc ngôn ngữ dân ca chính là nhịp điệu dân tộc
Nếu nói ca dao, dân ca là bức tranh phổ quát về cuộc sống tự nhiên, khí chất tâm hồn và đặc trưng tâm lí của mỗi dân tộc thì cũng cần nhớ rằng những ý nghĩa ấy không chỉ được chuyển tải qua chất liệu hình ảnh, nội dung mà còn được chuyển tải qua một “nhịp điệu” thơ ca rất riêng, thể hiện trong các cấu trúc ngôn ngữ mang tính công thức truyền thống của dân tộc. Người chuyển dịch dân ca khi giữ nguyên được mô hình kiểu câu truyền thống của dân tộc bạn mới có thể giúp cho người đọc đi đến tận cùng của sự khám phá đặc trưng tâm lí, khí chất tâm hồn dân tộc ấy. Trong trường hợp ngược lại, sẽ tạo ra sự khiên cưỡng, “lệch pha”, giống như bài dân ca “Khen gái đẹp” của người Thái sau đây đã được chuyển dịch sang mô hình câu thơ 6 – 8 (vốn là đặc trưng của ca dao người Việt) khiến cho người đọc có cảm giác sống sượng, lạ lẫm như một thứ nhịp điệu tâm hồn khác lạ với nhịp điệu tâm hồn Thái:
Em yêu đẹp như hoa đào nở rộ
Như hoa xổ nở chồi búp sen
Dáng xinh nói dịu cười duyên
Váy, áo vận gọn hoa thêu rất cừ
Lông mày thon mịn lá trầu têm non
Trái xoan mặt ngọc trắng ngâng
Dáng em di chuyển hình rồng lượn quanh
Trời sinh hòn ngọc là em
Hễ ai nhìn thấy đều ngơ ngẩn tình
Ước rằng bên cạnh sống chung
Cuộc đời tái tạo duyên hồi kiếp sau [4; tr 197]
2. Việc nghiên cứu, tìm hiểu mô hình cấu trúc đoạn thơ có thể giúp cho nhà nghiên cứu hiểu rõ, hiểu đúng hơn ý nghĩa của từng lời thơ
Trong dân ca Hạn khuống, có một lời hát của chàng trai thể hiện ước muốn mạnh mẽ được lấy cô gái làm vợ. Chàng trai hát:
Đôi ta lấy được nhau rồi, dù chiếc đệm bằng chiếc lá cỏ gianh cũng mặc
Chiếc chăn bằng chiếc lá cơi ven suối, cũng mặc
Lấy được nhau rồi chúng ta sẽ ngủ dọc đắp ngang
Chồng kéo đi, vợ kéo lại
Con nhỏ hai bên nằm co quắp cũng đành! [1; tr 21]
Nguyên văn tiếng Thái:
Phủ xong hẫu đẩy căn phưn xứa tò baư cã, lãng mặc
Phưn phã tò baư chạy, lãng mặc
Đẩy căn lẹo chắng còi hốm khoang, nõn khoang
Phua lạk pay mĩa ók
Xong khók xảng lụk nọi nón khók tai nao, lãng mặc [1; tr 56]
Lời dân ca này đã được “bứng trồng” vào truyện thơ Tiễn dặn người yêu và trở thành lời hát của nhân vật “chồng em” (người chồng thứ nhất của “chị”) hát khi ngỏ lời muốn lấy chị. Đoạn thơ đó như sau:
Chồng em mới nói:
- “Trời cho thành lứa đôi
Kết hai ta thành chồng thành vợ,
Ta lấy nhau, đệm nhỏ bằng lá gianh cũng mặc,
Chăn hẹp bằng lá cỏ cũng đành,
Được nhau rồi, đắp ngang nằm ngang,
Chồng kéo lại vợ co
Con nhỏ khóc hai bên, dầu chết rét, mặc nó!” [6; tr 98]
Tác giả Mạc Phi dựa vào lời hát này và đã “kết tội” nhân vật: “Một anh chàng tán tỉnh đâu ra đấy, nhưng chỉ một câu “con nhỏ khóc hai bên dầu chết rét mặc nó” đã đủ khiến người ta phải nghi ngại lòng tốt của anh ta lắm rồi” [6; tr 40]. Nói như thế thì quả là oan cho nhân vật!!!. Đây chỉ là lời dân ca “có sẵn” trong lời hát của “chàng trai muôn thuở” ở sân chơi hạn khuống, mà theo quy luật của truyện thơ trữ tình – tự sự thì chỉ việc cứ thế mà “bê” vào rồi “lắp ráp” vào lời nhân vật. Lời hát này sử dụng biện pháp thậm xưng, cường điệu nhằm diễn tả một cách mạnh mẽ ước muốn cháy bỏng được lấy cô gái làm vợ của chàng trai. Bên cạnh những “cũng mặc”, “cũng đành” mà chàng trai dẫn ra ở đây, chàng trai còn kể ra một loạt những “cũng mặc”, “cũng đành” khác như “người ta ăn đùi gà lôi, ăn còng chim chích, đôi ta lấy nhau chỉ được ăn một càng dế bẻ đôi cũng mặc; người ta uống nước sông Thao, sông Đà, đôi ta lấy nhau chỉ được dùng nước lần nhỏ giọt bên khe cũng đành”… (xin xem chi tiết bài ca ở sách Hạn khuống, tr 20,21,NXBVHDT 1991). Như vậy, tất cả đều là lối nói quá, lối nói thậm xưng, cường điệu một cách thông minh và hài hước của chàng trai nhằm diễn đạt ước muốn cháy bỏng của mình (Mô hình đoạn thơ sử dụng cấu trúc ngôn từ thậm xưng, cường điệu đã nói ở trên). Hơn nữa, cũng cần phải để ý đến lối xuống dòng trong dân ca Thái, mặc dù đã xuống dòng nhưng ý thơ vẫn có thể nối liền hai dòng thơ với nhau. Ở đây có lẽ nên hiểu chàng trai không chỉ nói con nhỏ hai bên mà nói cả đôi vợ chồng, với tấm chăn nhỏ kéo qua kéo lại thì “cả nhà” cùng phải nằm co quắp (“Chồng kéo đi vợ kéo lại / Con nhỏ hai bên nằm co quắp cùng đành”). Nhưng mặc dù có như vậy thì chàng trai vẫn muốn và vẫn quyết tâm lấy được cô gái làm vợ (lối nói thậm xưng). Cô gái hẳn là sẽ mỉm cười và cũng vô cùng xúc động trước tình cảm chân thành của chàng trai. Trở lại với nhân vật truyện thơ Tiễn dặn người yêu, chúng ta thấy, thực tế thì nhân vật “chồng em” cũng không “xấu” đến mức như vậy, nếu không nói anh cũng chỉ là một “nạn nhân”. Trong thời gian ở rể nhà chị, anh đã “chắn suối to làm đập, chặn nước lớn bắt cá, cày ruộng để cha mẹ ấm no”; trong thời gian chị làm vợ nhà anh, anh đối xử không tốt với chị nhưng lại vì chính những điệu bộ cố tình của chị, và vì sự ép buộc của cha mẹ anh. Cuối truyện thơ, tác giả dân gian viết về “anh”: “Còn như phận người thuở trước / Tơ không đỏ dần dần nhuộm đỏ/ Sức không nhiều chăm chỉ làm ăn/ Rồi cũng có ngày được quyền cao chức trọng” [tr 166] rõ ràng là để đáp ứng tâm lý của bao người đọc vẫn còn được muốn biết/ muốn thương về hoàn cảnh của anh sau khi đã lỡ dở với chị. Nếu anh là người “xấu” truyện thơ dân gian sẽ không kết thúc như vậy. Từ điều này cho chúng ta thấy, muốn hiểu một lời dân ca Thái, cần phải đặt một lời trong toàn bộ cấu trúc đoạn thơ (trong kiểu câu nghệ thuật mà nó sử dụng), đặt ý nghĩa của hình ảnh trong môi trường văn hóa sản sinh ra nó. Cuối cùng trên tất cả, cần phải dựa trên lôgic của cảm xúc chứ đừng dựa trên lôgic của thực tế khi phán xét một nhân vật trữ tình, nếu không muốn luôn luôn phải thắc mắc về sự “phi lí”, “phi thực tế” của lời thơ!
3. Mô hình cấu trúc ngôn từ nghệ thuật trong dân ca – cầu nối văn học dân gian và văn học viết
Tiếp thu mô hình cấu trúc ngôn từ nghệ thuật trong dân ca truyền thống sẽ giúp cho nhà thơ hiện đại thành công trong việc đưa tác phẩm của mình về gần với quần chúng nhân dân, được nhân dân đón nhận. Đó chính là trường hợp truyện thơ Ing Éng của nhà thơ Vương Trung. Ing Éng là bài ca tình yêu được xây dựng trên nền đất nước đang bước sang thời kỳ hợp tác hóa và hai nhân vật chính là những người chủ tương lai của đất nước. Nội dung là cuộc sống mới với nhân vật là những con người của thời đại mới nhưng tác giả đã sử dụng hình thức thơ kể, thơ hát phỏng theo lối thơ đặc thù, truyền thống trong dân ca, truyện thơ dân gian của người Thái. Các kiểu câu điệp lặp liệt kê, điệp lặp so sánh, đối lập, mệnh lệnh hay dẫn nhập tục ngữ, châm ngôn đều được tác giả vận dụng một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt và sáng tạo khiến cho người đọc truyện thơ cảm thấy quen thuộc, thân thương, giàu cảm xúc:
- Mối mai đến dạm hỏi
Cha mẹ đã ưng gả, em ơi!
Éng như rơi xuống nước ngập cổ không biết bơi
Như leo ngang vách đá không có cách vượt
...Éng ngồi âu sầu cùng khói bếp
Như lá chuối hơ quả lửa tái mềm!
- Dù thế nào cũng mặc!
Chết ngả sấp cá bống rỉa mắt
Chết ngã ngửa công bới cát phủ mặt đã đành
Ta quyết về giành lấy em yêu!
- Không ngờ lòng anh đã luồn rúc rừng hoang, xuống khe sâu vực thẳm
Tim sắt của anh đã hóa thành quả gạo nẻ bay!
Thiệt cho em cứ một lòng nước đổ thác
Một tim cá xuôi dòng...
Thành công của nhà thơ Vương Trung nói riêng và nhiều nhà thơ khác nói chung trong việc tiếp thu các mô hình cấu trúc ngôn từ nghệ thuật trong dân ca truyền thống chính là dẫn chứng sắc nét cho mối quan hệ giữa truyền thống và tài năng cá nhân, mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết trong nguồn mạch văn học dân tộc. Nắm bắt được nhịp điệu tâm hồn của dân tộc giá trị của thơ ca sẽ mãi mãi trường tồn!
A. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cầm Biêu sưu tầm biên soạn, Hạn khuống, NXB Văn hóa dân tộc, H.1991
2. Lò Ngọc Duyên sưu tầm biên soạn, Tâm tình người yêu (Tản chụ xiết xương) Trường ca dân tộc Thái, NXB Văn hóa dân tộc, H.2002
3. Lò Ngọc Duyên sưu tầm biên soạn, Tâm tình người yêu (Tản chụ xiết xương), Hội Văn nghệ dân gian Việt nam, NXB Văn hóa thông tin xuất bản, H.2011
4. Hoàng Trần Nghịch, Tóng Ín, Anh Cầm sưu tầm, biên dịch, Hát giao duyên gái trai dân tộc Thái, Hội Văn học nghệ thuật Sơn La xuất bản, 10.2013
5. Hoàng Tam Khọi sưu tầm và biên soạn, Tản chụ xống xương (Tâm tình tiễn thương), NXB Văn hóa, H. 1984
6. Mạc Phi dịch và giới thiệu, Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao), Hội liên hiệp văn học – nghệ thuật Sơn La xuất bản, 2013.
7. Vương Trung, Quám khắp Ing Éng (Truyện thơ Ing Éng), Hội liên hiệp VHNT Sơn La xuất bản 2012.
B. CHÚ THÍCH
1. VD1:
Trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu cũng có đoạn dân ca này:
Con nưng ta vến tốc má lỏ
Ta vến tắm má lỏ
Ta vến chăm nả phai
Ta vế cai pai chán hướn chụ
Ta vến kiểu hiếu hẹ hiếu hang chí tốc
Ta vến kiểu hiếu hốc hiếu sáng chí căm mà lỏ !
Ta vến tốc ta vến bắu chứa
Ta vến mứa ta vến bắu thả
Ta vến khẳu đứp phạ mứa mựt xia xanh
Khuăn nhính chắng thót pạ cốm cắm ău đua
Ău đua ăy mặy món
Hón đua đẳy pó khon đa háp
Ău đua ău xong hóp
Ău đua ău xam hóp
Hóp nưng mứa vặy hởu me lả tánh nửng lánh
Hóp nưng mứa ha me ếm pánh tánh xiêu ké nửng đẳu
Hóp nưng tẳu lống khuống đăng phắy
Đăng phắy vặy báo tắy cắy xang xửa
- Chiều tới, mặt trời rụng
Mặt trời rơi xuống thấp
Mặt trời sát mặt phai
Mặt trời qua sàn ngoài người thương
Mặt trời cuốn ngọn dang sắp lặn
Mặt trời cuốn ngọn tre, ngọn bương sắp tắt
Mặt trời lặn mặt trời không gọi
Mặt trời đi, mặt trời không chờ
Mặt tròi khuất mây mờ, sắp tối
Em tuốt dao chặt củi
Chặt củi, chặt củi dâu
Sắp củi, sắp cho bõ gánh
Kiếm củi, kiếm hai bó
Kiếm củi kiếm ba bó
Một bó để mẹ yêu ninh xôi
Một bó cho mẹ yêu nấu rượu
Một bó dành nhen lửa sàn hoa
Lửa sàn hoa để bạn trai xa hơ áo [6 ; tr 52]
2.VD2 :
Hã cọ dú đắc phó hên pháy
Dú cay phó hên nặm
Phó hên nặm vẵng lợc chaư dắng
Phó hên nặm vẵng cắm chaư kin
Phó hên xửa đăm nĩn chaư tháy
Phó hên chụ kẻm máy chaư cha
Phó hên ta lướt lẽ chaư tản
Phó hên hạn khuống tẳng hừa pộn chaư khửn kém pương cận lễ? [1; tr 41]
3.VD3:
Khạy nạy hữ!
Cai nhãm ỉn bók đứa
Cai mừa ỉn bók chăn
Cai nhãm pẵn khăn lụa
Cai mừa ủa dosk chụ nả khuống lỡng xương
Cai mừa tổn bók khắt bươn xam
Cai nhãm cản pũ chuông bươn xí
Cai mừa ủa pắn phải nhọm chì xon xao
Cai mừa phả khăn đão lỡng lửa
Cai mừa ỉn bók bua
Cai mữa chỗm bók bửa
Cai mừa chụ binh xửa khắm khăn
Cai nhãm kiểu bun pẵn ỉn bó
Cai mừa ủa dók chụ hưỡn me lỡng xương lo quã! [5; tr37]
4. VD4:
Quám xắng chụ nọng lả chí hó khăn đáo
Quắm chao péng chí hó khăn lụa
Hó khăn lụa hảư mắn chum pên cắm
Hớ khăn đáo hảư mắn chum pên kẻo
Téo đắc ỏm giam nọng nhá hảư mắn khát hói tin xăng nớ [2; tr 21]
5. VD5:
Khuân há xing hặc péng chí báu lông lủ
Xing hặc ỉn pên chụ chí báu lông lứm
Chí lứm xểm may lương may lanh háu cạt
Chí khát tẹ xong xỏi háu kiến
Cạt bẳng ming háu yên
Kiến kho nén éng đôi háu mẳn [3; tr 264]
6. VD6:
Cọ chắng pên quám nẻn nẳng phưn chiên
Quám điến nắng phưn xát
Quám khát nẳng mịt nọi côm cả tắt tong
[tr 208; sách Tiễn dặn người yêu, Nguyễn khôi biên soạn, NXB VHDT.2000]
7. VD7:
Mừa xữ nhẵng đảy hặc chụ xưỡng xổm mák ón hặc cưa
Nhẵng đảy hặc uôn xưỡng hữa hặc nặm
Pan đáng nạp xửa khẳm hặc lót may cẵm
May cẵm kiểu khăn đão vạn thốc
Cữ dường nộc én xẻo chom lạn chỗm thẳn dú dên nặn nã! [5; tr 27]
8. VD8:
Nháư huồm xửa xong hẫu xuốn pẵn
Nháư huồm khăn xong hẫu xuốn kiểu
Bun khó kiểu bun hạy hẫu xuốn xương căn
Xong hẫu bấu hơng xang ngẫn phi then khong au lạ
Bấu hơng xăng phải hả hoi khong hà lay nõng
Lụk tàn mĩ hưỡn xí xen xau pẵn thản
Báu tò hưỡn khók bản mũng phột tong đương, hẫu nã. [1; tr 55]
9. VD9:
Xai péng tai pên nặm que quảng há chí pên pa
Xai péng tai pên hin kéng pha há chí cướt pên thẳm
Xai péng tai pên nạp xửa khẳm há chí cướt pên lót may cẵm
Xai péng tai pên xủm pói pua há chí cướt pên áng ua tóng
Xai péng tai pên lốm kéng phôn há chí cướt pên khảu
Xai péng tai pên cuổi nhọt côm nhá mí nó
Thả to há cướt pên tổn ỏi nọi mứa dú huôm xuân
Xai péng tai pên bươn kéng đao hưa hướng phương phạ
Hã chắng cướt pên piếng phả nọi mướng lum mứa hảng [2; tr 92]
10. VD10:
Xương khắp tỏng pha lạn chí pưới pên phon tẹ ná!
Péng há khắp xởu huổi hong cạng chí nhưng pên Té
Khắp xáư he chí hắm pên lụa
Khắp xáư bửa phắc nọi chí dựt pên bua
Khắp xáư phua táy cay háng mía lứm nảu
Khắp xáư thảu hó hạo chi lọ pên xao
Khắp xáư lao lính lống phanh xảng
Khắp xáư nặm qué quảnh hảnh khát xia bắng
Khắp xáư pú loi xung cướt lống pên khảu
Khắp xáư phạ bươn cảu bươn xíp lứm phôn
Khắp xáư cốn táng phương táng mướng lứm bản, péng hới! [3; tr 236 – 237]
11. VD11:
Khuăn há khan pên lải báu dám huôm pia
Khuăn pên phua kéng mía báu dám huôm hỏng
É pên chảu pi nọng hák va tộc to hướn dảo khó khăn
Ăn va nhắng chi đáng péng to quan phủ
Chí đáng ỉn pên chụ to sáy phán quan thông lỏ quá
Khuăn há báu đáng nung xửa lụa Mướng Púa long xong
Báu đáng hom khong nẳng hướn péng au hăng
Báu đáng năng dú hỏng táng ven giương may
Báu dám xay tin khửn hướn péng lay bẵc
Báu dám phắc lạp nẳng hướn tan khươi náng péng ới! [2; tr 49]
12. VD 12
Xai péng lỏ má pá xiết nẳng nam khưa
… Khót nặn tình nhá va
Nga nặn tình nhá táy
… Quám phua nhính báu hụ
Quám chụ nhính báu mí
Lít phắc ký báu đi chăm cản
Tản khót nặn báu quén chaư nhíng
Lót têm xỏng cọ lót may mái
Chái têm hướn xuốn to pi ải
Mạy tủm tứa chua đaư chắng chí mí tiu
Chua đaư cốn khin ươn chắng mí chu
Chua đau chắng chí mí chụ to me cáp cong
Nhắng mí xong mí xam to lả
Nhắng chí mí hả mí hốc to péng lỏ quá
Xa mặc nhính mí phua xai péng chắng mứa pắt kia long kéo
Bẻo vạ lạ mứa xẻo hướn nhíng
Hên phua nhíng chắng pắt khen mắn vạy
Pắt báu đảy péng chí đảy dú tang mắn láy [2; tr 72 - 73]
13. VD13:
Cảu chí lứm cánh xíp chứ lứm
Nặm Mấc hánh to le chắng lứm nớ
Thả to Nặm Té hảnh to thú chắng lứm nớ
Thả to pa bú dỏn kin đao chắng coi lứm nớ
Thả to pa khao dỏn kin mók chắng coi lứm nớ
Thả to nộc chók phạ dỏn kin ỏi hướn me thóng xuân chắng lứm nớ
Cảu chí lứm cánh xíp chí lứm
Chú chí hụ phán tảng xáư hu chắng lứm nớ
Thả to tô pu hụ khắm xáy pay hảng chắng coi lứm nớ
Pa dảng hụ phắn láp kin mướng chắng lứm nớ
Pa dảng xắp kin méo chắng lứm nớ
Phắc kheo xắp kin bổng chắng lứm nớ [3; tr 294]
14. VD14:
Pặt mã khạy nạy hữ!
Công tó công lẹo mình pãnh mã vãng
Cang tó cang ún nưỡn mã hạng
Cang tó xảng pên chụ lẹo làu lữm xương
Cang tó phưỡng héo lương kem nhả
Cang tó phả khăn lụa của khún mươi hẵm
Cang tó mạy lẵm côm mã ték cang pỏng
Cang tó nọng pãnh kẻo mĩ cù đôi xong xia lẹo lễ
Cang tó tổn bók bua lút mũa xia lạ [5; tr 29]
15. VD15:
Xong háu hặc căn nhá hởu pen xướng hin kéng pha hói chặm
Pan đắng nặn dú thuổi nhá phượt xia lai
Quám xương phủ xong háu nhá xít nhá xai xắc nọi é náư!
Xong háu hặc căn ỉn bók đứa coi pắn chện lỏ!
Ỉn bók pục coi hó
Phôn tốc xỏi baư cọm nhá hởư mắn đốn pên đin
Po me hảm quám khắt quám khin xong háu nhá dản
Lụ tan tản quám hại xiểm xó nhá xia đế náư!
…Téo đắc ỏm giam nọng nhá hảu mắn khát hói tin xăng nớ! [2; tr21]