Nghiên cứu khoa học

TÁI ĐỊNH HƯỚNG THỂ LOẠI FOLKLORE


30-01-2024

Tác giả: Trần Thị An

Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1.2005.

 

Ở giai đoạn đầu của folklore học, với tư cách là một ngành khoa học độc lập, thể loại là một vấn đề trung tâm của nghiên cứu folklore. Nó được coi là một tiêu chí phân loại, một nguyên tắc chỉ đạo để tổ chức bài giảng ở các trường đại học và là xương sống của nhiều bộ sưu tập văn bản và các bảng tra cứu.

1. Yêu cầu định hướng lại thể loại folklore

Ở giai đoạn đầu của folklore học, với tư cách là một ngành khoa học độc lập, thể loại là một vấn đề trung tâm của nghiên cứu folklore. Nó được coi là một tiêu chí phân loại, một nguyên tắc chỉ đạo để tổ chức bài giảng ở các trường đại học và là xương sống của nhiều bộ sưu tập văn bản và các bảng tra cứu. Đại diện của quan niệm này là các tác giả trường phái địa lý-lịch sử Phần Lan, với các đại biểu Antti Aarne, Stith Thompson, Carl W. Sydow. Các nhà nhân học và folklore học Anh, với các đại diện E. Taylor, A. Lang, James Frazer, George Laurence, thì cho rằng, thể loại folklore là những hình thức cố định không thay đổi, chỉ ý nghĩa và vị trí của chúng là thay đổi trong sự thay đổi của xã hội. Trong quan niệm của các nhà tiến hoá luận người Đức và người Pháp với các đại biểu Ferdinand Brunetière, André Jolles, Jan de Vries và Kurt Ranke, thể loại folklore được coi là sự tiến hoá từ hình thức đơn giản đến phức tạp. Tất cả các quan niệm này đều hướng tới việc xác lập đặc trưng thể loại như những yếu tố ổn định và hệ thống thể loại bao gồm những thể loại đã được định hình. Tuy nhiên, sau một thế kỉ rưỡi phát triển, các hệ thống phân loại cũ tỏ ra bất cập, các nguyên tắc định vị thể loại được xác lập tỏ ra không còn phù hợp với một khối lượng tư liệu khổng lồ đạt được từ các cuộc sưu tầm ở mọi châu lục. Tình hình đó dẫn đến một đòi hỏi phải có một sự đổi mới trong quan niệm về thể loại với tư cách là một nguyên tắc chỉ đạo về mặt phương pháp luận cho nghiên cứu, sưu tầm và giảng dạy folklore. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày những đóng góp mới nhất của các nhà nghiên cứu folklore Mỹ về việc tái định hướng thể loại folklore (folklore generic reorientation) được thể hiện ở hai yếu tố có vẻ trái ngược là: khung thể loại (generic framework) như là những yếu tố giúp cho việc nhận diện thể loại hiện hành và khoảng cách liên văn bản (intertextual gap) như là một nhân tố đòi hỏi không ngừng sự đổi mới hệ thống thể loại.

Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, thể loại folklore được xác lập với mục đích làm tiêu chí để phân loại khối lượng tư liệu folklore đồ sộ của một ngành khoa học mới xác lập được đối tượng nghiên cứu của mình. Vào thời kì đó, theo Dan Ben-Amos, “định thức của hệ thống phân loại trong folklore được xem là điều kiện tiên quyết đối với bất kì một bước tiến nào trong nghiên cứu”(1). Việc xác định đặc trưng thể loại và hệ thống phân loại vào thời kì đầu đó và một thời gian dài sau này dựa triệt để vào văn bản, tức là các đơn vị ngôn từ folklore đã được sưu tầm, chỉnh lí, biên soạn và in ấn. Theo đó, thể loại được quan niệm như những đơn vị ổn định, có đặc trưng loại biệt chặt chẽ, có tính phổ biến toàn cầu, và do vậy, nó trở thành tiêu chí quan trọng số 1 để tiến hành các bảng phân loại có tính chất quốc tế. Các nhà nghiên cứu châu Âu vào thời kì đó, có tham vọng xây dựng một hệ thống phân loại bao trùm được hết mọi hiện tượng riêng lẻ của đời sống folklore thế giới. Do quá chú ý đến sự tương đồng về đặc điểm của các hình thức folklore phong phú ở khắp các châu lục để xác lập nên những hiểu biết chung trên phạm vi toàn cầu nên hệ thống phân loại này đã không tính đến sự khác biệt vốn song hành với sự tương đồng từ trong bản chất. Chúng ta đều biết, khác với văn học viết, ngôn từ của các hình thức folklore không phải là cái gì ổn định bất biến. Nó là thứ ngôn từ của từng người diễn xướng, ở từng thời điểm hết sức cụ thể, trong những môi trường giao tiếp cụ thể với những mục đích giao tiếp cụ thể. Cùng một câu chuyện nhưng mỗi thời điểm lại được kể một cách, dài ngắn khác nhau, tuỳ theo sự tiếp nhận của người nghe mà nhấn mạnh chi tiết này, lược bỏ chi tiết kia… Vì vậy, các văn bản mà chúng ta có được (nếu là kết quả của sự sưu tầm trung thực) chỉ là một đại diện, hơn nữa, có thể đã bị cắt xén đẽo gọt cho vừa với những khuôn mẫu được xác lập. Richard M. Dorson, một nhà nghiên cứu folklore nổi tiếng của Mỹ, giáo sư trường đại học Indiana, vào năm 1950, đã sáng tạo nên một thuật ngữ mới, fakelore (chúng tôi tạm dịch là ngụy folklore) để phủ nhận giá trị của những bộ sưu tập ngụy tạo mà ông cho rằng “đó là công việc của những cái kéo và hồ dán” được xuất bản vào thời gian này(2). Alan Dundes, một trong những nhà nghiên cứu folklore hàng đầu của Mỹ, giáo sư trường đại học California, Berkeley thì cho rằng, các khung phân loại cũ đã thực sự lỗi thời và chỉ khi nào từ bỏ được các khung phân loại buồn tẻ ấy thì việc nghiên cứu folklore mới đạt được những kết quả có ý nghĩa(3).

Nhận thức này đã dẫn các nhà nghiên cứu folklore đến việc tái định hướng (reorientation) nghiên cứu thể loại folklore(4). Ý tưởng quan trọng nhất của xu hướng này là thay cho việc dựa vào văn bản, việc xác lập đặc trưng thể loại phải dựa triệt để vào bối cảnh, nghĩa là các văn bản folklore cụ thể sẽ được xem xét trong quá trình diễn xướng và trong mối quan hệ với các yếu tố giao tiếp phi ngôn ngữ khác. Thể loại folklore cũng không còn được xem xét như là một cách thức phản ánh đời sống mà là được xem xét như là một phong cách lời nói (speech style) trong hoạt động giao tiếp. Quan niệm về thể loại được thể hiện ở khung tham chiếu gồm 3 yếu tố được gọi là khung thể loại.

2. Khung thể loại (generic framework)

Khung thể loại gồm 3 yếu tố: hình thức - thực hành - chủ đề. Nhìn qua tên gọi, có thể thấy rằng, những tiêu chí này không phải hoàn toàn mới mẻ, tuy nhiên, đặt vào hoạt động lời nói, chúng sẽ thực hiện những chức năng mới mẻ.

2.1. Hình thức:

Về mặt hình thức, trước hết, “mỗi một thể loại được xem như một phong cách lời nói, một tập hợp những đặc điểm và cấu trúc về mặt hình thức cùng tồn tại, quan hệ với nhau một cách có hệ thống, là một khung định hướng quy ước (a conventional orienting framework) hướng tới sự sản sinh và tiếp nhận một diễn ngôn. Cụ thể hơn, mỗi thể loại là một phong cách lời nói hướng tới sự sản sinh và tiếp nhận một dạng văn bản đặc biệt”(5). Đây là một nét rất mới trong quan niệm về thể loại, nó không tìm tòi đặc điểm về văn phong hay cấu trúc đặc trưng cho từng thể loại mà hướng tới cách tổ chức các đặc điểm ấy trong hoạt động lời nói. Cách tổ chức ấy được gọi tên là một khung định hướng quy ước, không phải do các nhà nghiên cứu định ra từ những văn bản có sẵn mà do người kể (chúng tôi tạm dùng từ này thay cho từ người diễn xướng), người nghe (chúng tôi tạm dùng từ này thay cho từ khán giả, thính giả, hay người tham dự) cùng thoả thuận với nhau, cùng hướng về nó, cùng tạo ra nó trong quá trình giao tiếp. Nó cũng không là những nguyên tắc chỉ đạo bất di bất dịch đúng cho mọi thể loại mà chỉ đúng cho từng thể loại được xây dựng trong bối cảnh giao tiếp (hay diễn xướng) đặc trưng của nó.

Trong thực tế folklore người Việt, rõ ràng là, với nhu cầu thể hiện thế giới tưởng tượng trong tâm hồn mình, người kể và người nghe đã cùng hướng tới việc xây dựng một thế giới hư cấu của truyện cổ tích, mà ở đó, dù là truyện kể về sự thắng thế của cái thiện hay giải thích gốc tích của một hiện tượng nào đó trong tự nhiên hay đời sống xã hội thì cái khung định hướng quy ước đều là một mô hình dung chứa được sự triển khai tối đa những điều tưởng tượng. Với truyện cổ tích thần kì, mô hình lí tưởng ấy bắt đầu với: “ngày xửa, ngày xưa”, và kết thúc với: “sau đó chàng trai lên làm vua trị vì vương quốc và họ sống với nhau hạnh phúc trọn đời” hoặc “chàng trai trở nên giàu có và sống sung sướng đến già” (Thạch Sanh, Ai mua hành tôi, Cây khế, Tấm Cám...). Còn với truyện cổ tích thế sự, mô hình ấy cũng bắt đầu với: “ngày xửa, ngày xưa” nhưng kết thúc với: “và  thế  là...” “từ đó trở đi...” (Sự tích chim hít cô, Con mụ Lường, Sự tích chim cuốc...). Với một cái khung định hướng này, những người tham dự vào câu chuyện thoả sức thêu dệt trí tưởng tượng, tha hồ thêm bớt, thay đổi sự kiện sao cho phù hợp với ý đồ của người kể và thị hiếu của người nghe. Trong khi đó, để hướng vào miền tâm linh được thể hiện ở niềm tin hay những nỗi lo âu, khắc khoải của cộng đồng, người kể, người nghe cùng hướng sự giao tiếp của mình tới mảnh đất truyền thuyết, nơi mà sự tưởng tượng được giới hạn trong phạm vi của cái thiêng liêng được tôn vinh (thể hiện bằng nhóm truyền thuyết đã định hình) hay cái bí ẩn của đời thực đang cần được giải thích (thể hiện ở nhóm truyền thuyết đang hình thành). Với những truyền thuyết đã định hình (trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ lấy dẫn chứng từ nhóm truyền thuyết đã định hình chứ không phân tích dẫn chứng của nhóm truyền thuyết đang hình thành), cái khung định hướng quy ước đó là sự ra đời thần kì, chiến công mang màu sắc siêu nhiên, cái chết thần kì của người anh hùng mà chiến công của họ làm thay đổi số phận dân tộc. “Vào thời..., có bà mẹ đi tắm sông gặp giao long hay giẫm lên vết chân khổng lồ hoặc có sao sa vào miệng...” dẫn đến việc sản sinh ra người anh hùng, và sau một loạt chiến công hiển hách, “ông không bệnh mà mất, hay rẽ xuống nước, hoặc bay lên trời...”. Khung quy ước này hướng tới những truyền thuyết về quá khứ lùi xa, về những nhân vật có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng, là người lập quốc hay người giữ nước, người sáng tạo văn hoá cho cộng đồng. Họ tồn tại ở một miền thiêng liêng trong tâm tưởng, nơi con người luôn có nhu cầu hướng tới để kiếm tìm một sự giải cứu cho các vấn nạn của hiện tại, nơi đây nghi ngờ chính là một sự báng bổ, bất cứ một sự giải thiêng nào cũng sẽ gây sốc cho toàn thể cộng đồng. Truyền thuyết về các anh hùng dân tộc nằm trong miền thiêng này. Alan Dundes, trong một chuyên khảo về truyền thuyết đã nói rằng, công thức “ngày xửa ngày xưa” nếu được lắp vào một câu chuyện trong Sáng thế ký của Cựu Ước thì sẽ là sự lăng nhục niềm tin của giáo dân Kito giáo, vì những gì tiếp theo “ngày xửa, ngày xưa” ấy “nghiêng về hư cấu hơn là có thực”(6).

Điều này trong lí thuyết định hướng thể loại được gọi là tầm đón đợi (a set of expectation, chúng tôi sử dụng thuật ngữ tiếng Việt của Trương Đăng Dung) về mặt hình thức, nó mở ra những gì tiếp theo sau  cái công thức mở đầu này, nó hình dung tới những gì tiếp theo của một diễn ngôn, nó hướng tới kết thúc mà người kể và người nghe đều chờ đợi. Trong hoạt động giao tiếp, tầm đón đợi này tạo ra sự thông hiểu chung giữa người nói và người nghe, là yếu tố cần thiết để triển khai hoạt động giao tiếp, còn về mặt văn bản, theo Richard Bauman, “tầm đón đợi cấu thành một cái khung cho việc văn bản hoá, nghĩa là, cho việc tổ chức diễn ngôn với đặc tính văn bản: tính giới hạn, khuynh hướng kết hợp nội tại, tính chặt chẽ, tính sẵn sàng cho việc giải văn bản hoá và tái văn bản hoá...”(7). Điều mới mẻ ở đây là, khung định hướng quy ước được hình thành từ tầm đón đợi về mặt hình thức mang trong nó nhiều đối lực: lực cấu thành văn bản và lực giải văn bản để rồi lại tái văn bản hoá, tạo thành một dòng chảy miên viễn trong đời sống folklore mà bất cứ một văn bản nào cũng chỉ là một điểm dừng tạm thời, một hình ảnh chợt gặp của một đối tượng luôn thay hình đổi dạng. Đặc điểm này chỉ ra nét khác biệt hết sức cơ bản giữa văn bản folklore và văn bản văn học, nó nhắc nhở các nhà nghiên cứu folklore phải hết sức thận trọng khi áp dụng các phương pháp nghiên cứu văn học.

Khung định hướng quy ước với những đối lực của việc văn bản hoá (việc văn bản hóa và giải văn bản) chỉ ra một thực tế là, mỗi văn bản khi được nhận diện thuộc một hình thức thể loại thì nó sẽ được đặt trong hệ thống liên văn bản (dị bản và những văn bản liên quan) mà nó là văn bản được ưu tiên. Truyền thuyết về Trương Hống Trương Hát ở Bắc Ninh, Bắc Giang tập hợp quanh nó vô số bản kể không những về chính nó (dị bản) mà còn về các nhân vật liên quan. Ở các nơi thờ Trương Hống Trương Hát ở hai tỉnh này, ngoài cái sườn truyện kể về cuộc đời hai ông chủ yếu giống như văn bản Việt điện u linh, trong dân gian còn kể rằng, ông có 5 anh em tên là Hống Hát Lẫy Lừng và Đạm Nương (có thể là để xâu chuỗi vào đây một biểu hiện của việc thờ cô trong tín ngưỡng Tứ phủ sau này). Mỗi nơi lại có thêm những câu chuyện về các người em này, có nơi còn có thêm câu truyện kể về Trương Kiều (theo chúng tôi là để lịch sử hoá tín ngưỡng thờ cậu bé trong tín ngưỡng Tứ phủ), là con trai của Trương Hống… Tuỳ vào nhân vật mà bối cảnh giao tiếp hướng đến, câu chuyện ấy sẽ ở vị trí ưu tiên trong hàng loạt văn bản liên quan. 

2.2. Tính thực hành:

Việc nhìn nhận thể loại như là một phong cách lời nói quan niệm rằng, thể loại là tập hợp những nguyên tắc chỉ đạo mang tính quy ước liên quan tới nhu cầu lặp đi lặp lại của giao tiếp. Trong quá trình lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ vùng này sang vùng khác, các thể loại folklore luôn được sống trong các môi trường giao tiếp và những hiện tượng folklore có ý nghĩa với các cộng đồng luôn được lặp đi lặp lại nhiều lần như một nhu cầu của toàn thể cộng đồng. Hiện tượng kể khan trong các cộng đồng người Ê Đê là sự nhắc nhở không nguôi cho con cháu quá khứ hào hùng của cộng đồng, chiến công oanh liệt của tổ tiên họ trong việc giành và giữ đất đai cho buôn làng. Sử thi Ê Đê, như chúng ta gọi ngày nay là để chỉ sự lặp đi lặp lại của một sinh hoạt tín ngưỡng-văn hoá có lịch sử dài lâu này. Trong nhu cầu giao tiếp của người Ê Đê với thần linh (người kể khan được coi là kẻ trung gian, người nhận được những năng lượng đặc biệt mà thần linh ban tặng, được thay mặt cộng đồng trò chuyện với thần linh và tổ tiên) và người Ê Đê với nhau (già làng nói với lớp trẻ về lịch sử, lớp trẻ có cơ hội giao tiếp với nhau qua việc tham dự các buổi kể khan...), sự lặp đi lặp lại của nhu cầu giao tiếp được tiến hành dưới những nguyên tắc chỉ đạo mang tính quy ước của cộng đồng, được trao truyền từ đời này qua đời khác thông qua một nhóm nhỏ những người đặc tuyển thay mặt cho cộng đồng sáng tạo ra những văn bản sử thi (sử thi kể về những sự kiện gì, có những type truyện nào, những motif cấu thành nào, những sự kiện đặc biệt nào, thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ gì, được cấu trúc ra sao... được hình thành như một cái khung đặc thù), diễn xướng chúng trong các sinh hoạt đặc biệt của cộng đồng (loại sinh hoạt nào thì kể khan nào, kể trong thời gian bao nhiêu lâu, lúc kể thì ăn mặc thế nào, ngồi ở vị trí nào trong ngôi nhà, kể bằng giọng gì, nhấn mạnh hoặc lược bớt đoạn nào... được hình thành như một kịch bản). Tập hợp những nguyên tắc chỉ đạo mang tính quy ước ấy làm nên thể loại, một thể loại mang tính bản địa, nó có thể trùng phần nào với bảng phân loại chung của thế giới, nhưng chắc chắn tính riêng, tính độc đáo là rất đậm đặc. Tuy nhiên, cần nói thêm ở đây, không có sự tương ứng 1-1 giữa một hoạt động giao tiếp với một thể loại, một hoạt động lời nói như việc kể khan đang dẫn chứng ở đây vừa là thể loại sử thi (trong mối quan tâm của nhà ngữ văn dân gian), vừa là một nghi lễ.

Tính thực hành của thể loại được tập trung chú ý bởi vì sự tồn tại của folklore ở dạng văn bản không phải là bộ mặt thật của nó, chính vì vậy, mọi nghiên cứu không nên dựa trên ngôn ngữ của những văn bản đầy kĩ xảo (artful texts) mà phải hướng tới diễn xướng như một cách thức sử dụng ngôn ngữ. Thể loại và văn bản folklore phải được xem xét như là một giao tiếp lời nói (speaking communication), trong đó năng lực giao tiếp (về phía người trình diễn) và khả năng thưởng thức (về phía khán giả) là những yếu tố hết sức quan trọng. Năng lực giao tiếp “bao gồm phần việc của người trình diễn với giả định trách nhiệm đối với khán giả theo cách thức mà giao tiếp có thể thực hiện được, vượt lên và vượt ra ngoài nội dung liên quan của nó”(8). Điều này có nghĩa là việc một câu chuyện được kể như thế nào đối với mối quan tâm của cộng đồng còn đi trước việc câu chuyện đó kể về điều gì, bởi vì, do được lặp đi lặp lại trong giao tiếp, nội dung của nó đã ít nhiều quen thuộc với mọi thành viên. Vì thế, trong thực tế của bất cứ một cộng đồng nào cũng tồn tại vai trò các nghệ nhân tài ba, người có năng lực thu hút sự chú ý của khán giả. Trong đám cưới người Tày trước đây, quan lang (người đứng ra thực hiện cuộc hát đối đáp bên phía nhà trai) là vô cùng quan trọng bởi vì ông ta phải dẫn dắt đám cưới theo những yêu cầu và thách đố của nhà gái thể hiện qua các bài hát đối đáp. Một đám cưới thành công là đám cưới có được những ứng xử văn nghệ-nghi lễ thông minh, thỏa lòng tất cả những người tham dự đám cưới với tâm thế tham dự một sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Các chàng trai Tày được học nghệ thuật giao tiếp này từ khi mới lớn nhưng chỉ có một số ít người đảm nhận được trọng trách này, và những quan lang có tiếng thì rất đắt khách, họ thường xuyên được mời tham gia các đám cưới(9). Khả năng thưởng thức của khán giả thể hiện ở chỗ họ thẩm định cách thức mà người trình diễn thể hiện, những kĩ năng hữu quan (cử chỉ, động tác, sự ứng khẩu) và hiệu quả của việc trình diễn. Cả hai yếu tố (nghệ thuật trình diễn và khả năng thưởng thức) đều thể hiện trải nghiệm của các thành viên cộng đồng thông qua một hoạt động diễn ngôn. Vì thế, trong các nhà folklore Mỹ hiện nay, khái niệm văn học dân gian (folk literature) hoặc văn học truyền miệng (oral literature) đã được thay bằng khái niệm nghệ thuật ngôn từ (verbal art)(10) với sự chuyển đổi từ mối quan tâm tính nghệ thuật của văn bản sang tính nghệ thuật của sự trình diễn. Điều này phản ánh những nỗ lực đổi mới của ngành nghiên cứu folklore thế giới, làm nên những bước chuyển quan trọng từ quan niệm folklore-tư liệu (folklore-as-materials) sang folklore-giao tiếp (folklore-as-communication), chuyển từ cách tiếp cận văn bản (text-based approach) sang tiếp cận bối cảnh (context-based approach), từ cách tiếp cận một điểm (an item-based approach) đến cách tiếp cận quá trình (a process-based approach). Sự chuyển biến này sẽ cho phép tiếp cận với sự phong phú và sống động của tư liệu folklore với tư cách là một đối tượng của một ngành nghiên cứu độc lập.

2.3. Chủ đề:

Khung định hướng quy ước trong giao tiếp về mặt hình thức thể loại folklore trên thực tế có mối liên quan chặt chẽ đến một định hướng khác về mặt nội dung, đó là định hướng chủ đề. Điều này khác với việc xác định thể loại văn học viết.  Mỗi thể loại folklore trong hoạt động giao tiếp của mình đã có sẵn một nhận thức chung như là một tiền lệ rằng, người kể sẽ nói và người nghe cũng chờ đợi được nghe về vấn đề gì. Đó chính là tính khuynh hướng chủ đề của từng thể loại. Với khung quy ước định vị thể loại về mặt hình thức (công thức bắt đầu và kết thúc mà chúng tôi dẫn ở trên), người kể và người nghe cổ tích hướng vào những bài học đạo đức mà câu chuyện muốn truyền tải, sự hư cấu của cổ tích hướng tới việc thực hiện mục đích sao cho hiệu quả nhất, thuyết phục nhất, đi vào lòng người nhất. Trong khi đó, người kể và người nghe truyền thuyết hướng tới xúc cảm tôn vinh tổ tiên, tôn vinh các anh hùng trong quá khứ, vậy nên, những quy ước về mặt hình thức (mô hình truyền thuyết đã dẫn ở trên) là để đạt tới hiệu quả tối đa về việc trao truyền và củng cố niềm tin cho các thế hệ.

Đây cũng là một khía cạnh khác của tầm đón đợi mà người kể và người nghe chia sẻ với nhau trong các hoạt động giao tiếp của mình. Hai khía cạnh này (tầm đón đợi về mặt hình thức và tầm đón đợi về mặt nội dung), xin nhắc lại, cấu thành cái khung cho việc văn bản hoá, thông qua đó, các diễn ngôn được tổ chức thành văn bản. Hiểu được điều này, khi phân tích văn bản một thể loại folklore nào đó, chúng ta sẽ ý thức rõ hơn về tính tĩnh tại tương đối của nó cũng như khả năng năng động của nó trong việc tạo nên những văn bản mới (với văn bản folklore là những dị bản hoặc những văn bản liên quan mới được phát sinh trong quá trình giao tiếp).

Từ những nhận thức trên về việc nhận diện từng thể loại cụ thể, quan niệm về hệ thống thể loại cũng có nhiều thay đổi. Với quan niệm mới này, hệ thống thể loại cũ, mặc dù đạt được nhận thức chung về các thể loại folklore và hiểu biết chung về tư liệu folklore trên thế giới nhưng đã xơ cứng, không phản ánh được sự phong phú và sinh động của đời sống folklore. Do vậy, điều cần thiết cho các nhà nghiên cứu folklore hiện đại là phải thiết lập được bảng phân loại folklore bản địa (indigenous generic system), nghĩa là bảng phân loại được thiết lập bằng chính quan niệm và tên gọi của người dân địa phương về di sản truyền thống của địa phương mình. Như vậy, bên cạnh bảng phân loại quốc tế vốn được coi là quy chuẩn giờ đây được xem xét như một hệ tham chiếu và một tài liệu so sánh, sẽ tồn tại vô vàn bảng phân loại bản địa bao gồm toàn bộ mọi hiện tượng riêng lẻ của các địa phương mà trong đó, sự đồng dạng hay khác biệt đều đưa lại những ý nghĩa lí thú cho folklore học so sánh. Điều này nằm trong mối quan tâm của các nhà nghiên cứu folklore Mỹ hiện nay là hướng tới sự khác biệt: giữa các hình thức folklore (cổ tích, truyền thuyết, ngụ ngôn, tục ngữ…), giữa một hình thức folklore ở các vùng (hát quan họ Bắc Ninh, hát ví Nghệ Tĩnh...), và những điểm khác biệt ngay trong một hình thức folklore (sự khác biệt về giới tính trong một cuộc hát đối, sự khác biệt về hai tuyến thiện-ác trong một truyện cổ tích...). Bởi vì sự khác biệt trước khi thể hiện sự phong phú, bản thân nó là yếu tố không thể thiếu để cấu thành một hình thức folklore.

3. Khoảng cách liên văn bản và sự thay đổi hệ thống thể loại

Thoát ly những quan niệm truyền thống, văn bản và thể loại folklore đã được nhìn trong hệ thống mở. Một văn bản, hay một thể loại cụ thể như trình bày ở trên là sự giao thoa của nhiều hệ thống quy ước, khi một yếu tố trong hệ thống ấy thay đổi thì văn bản thay đổi và thể loại cũng không giữ nguyên. Thể loại được xác lập trên cơ sở tư liệu liên văn bản, tuy nhiên, trên thực tế, các văn bản không hoàn toàn đồng nhất với mô hình thể loại đã được xác lập, vì vậy, thể loại tất yếu chứa đựng trong mình khoảng cách liên văn bản. Với các bộ sưu tập, chúng ta cũng có thể dễ dàng thấy điều này khi trong các bảng xếp loại, vẫn có một số đơn vị nằm ngoài hệ thống, vẫn có hiện tượng ranh giới thể loại rất nhoè. Sự tồn tại của văn bản với tính chất là những hiện tượng mang tính thể loại trong các hoạt động giao tiếp lại còn chứa đựng nhiều rủi ro hơn. Những yếu tố của bối cảnh mới, những nhân tố ngoài tình huống tác động vào sự diễn xướng, sự trình diễn không lần nào giống lần nào của người diễn xướng... sẽ tạo nên vô số văn bản khác nhau. Với vai trò thể hiện trải nghiệm của những người tham gia, những văn bản này là các tư liệu rất tốt, nhưng với vai trò là những biểu hiện của thể loại, chúng sẽ gây ra không ít phiền toái. Sự phong phú và khác biệt này, đặt trong hệ thống liên văn bản của bảng phân chia thể loại được gọi là khoảng cách liên văn bản (intertextual gap) mà sự thu hẹp hay mở rộng chúng đều có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu thể loại folklore. Việc văn bản hoá, trong những nỗ lực nào đó thường cố gắng thu hẹp khoảng cách này, đẽo gọt chúng để cho vừa với cái mà Bauman gọi là “tiền lệ thể loại”, để tiến tới một bảng phân loại đẹp hơn nhưng lại xa rời hơn thực tế tồn tại của nó. Ngược lại, sự tôn trọng khoảng cách liên văn bản sẽ cho thấy sự vận động không ngừng của các hình thức folklore với tư cách là một hoạt động lời nói, ở đó, cái khung thể loại không thể là một cái khung chết cứng mà sẽ phải năng động không ngừng để vừa xác lập được những đặc trưng ổn định mang tính chất thể loại, vừa bắt kịp với các thay đổi của văn bản trong ngữ cảnh luôn luôn có nguy cơ phá vỡ hệ thống thể loại vừa được xác lập. Thể loại folklore, vì thế, là một khái niệm động, hệ thống thể loại folklore cũng mang tính chất tương đối, và các nhà nghiên cứu folklore sẽ không thể coi đó là những chỗ dựa đáng tin cậy duy nhất để cắt nghĩa các hiện tượng phong phú của đời sống folklore.

_______________

(1) Dan Ben-Amos, Thể loại folklore (Folklore Genres), Texas, 1976, tr.x.

(2) Richard. M. Dorson, Fakelore, in trong cuốn Folklore Mỹ và các nhà sử học (American Folklore and the Historian), Chicago, 1971, tr.5.

(3) Alan Dundes, Về phương diện tâm lí học của truyền thuyết (On the Psychology of Legend), in trong sách Truyền thuyết dân gian Mỹ: kỉ yếu hội thảo (American Folk Legend: A Symposium), Los Angeles, 1971, tr.22.

(4) Richard Bauman, Thể loại (Genre), Journal of Linguistic Anthropology 9: 84-87, 2000.

(5) Richard Bauman, Thể loại,  tr.84.

(6) Alan Dundes, Về phương diện tâm lí học của truyền thuyết, tr.23.

(7) Richard Bauman, Thể loại, tr.84.

(8) Richard Bauman, Nghệ thuật ngôn từ với tư cách là sự diễn xướng (Verbal Art as Performance),  Texas, 1984, tr.11.

(9) Vi Quốc Bảo, Dân ca đám cưới Tày Nùng, Nxb Việt Bắc, 1973, tr.9.

(10) William Bascom, Nghệ thuật ngôn từ (Verbal Art), Journal of American Folklore, 68 (1955), 245-252.

- Richard Bauman, Nghệ thuật ngôn từ với tư cách là sự diễn xướng, 1984.

 

 

Post by: Khoa Ngữ văn
30-01-2024