VIỆC BIÊN SOẠN TỪ ĐIỂN “TIP” VÀ “MÔTIP” TRONG NGÀNH FOLKLORE THẾ GIỚI
TĂNG KIM NGÂN
Làm từ điển mootip và típ là yêu cầu của ngành folklore nói chung và bộ môn truyện cổ nói riêng của toàn thế giới. Xu hướng này xuất phát từ 3 cơ sở:
1. Người ta muốn nêu ra được 2 đặc trưng cơ bản có thể là nổi bật có tính chất riêng biệt của thể loại truyện kê dân gian là môtíp và típ. Muốn đi vào truyện kể người nghiên cứu phải nắm cho được tối thiểu hai đăc trưng ấy. Làm từ điển típ và môtíp để qua đó người ta biết được bộ mặt của truyện kể dân gian, nhất là biết được lịch sử ra đời và phân bố của truyện. Như vậy từ điển môtíp và típ phản ánh một trình độ nhận thức cái bản chất, cái đặc trưng của truyện dân gian trong khoa nghiên cứu folklore.
2. Người ta đã nghiên cứu văn hóa dân gian đến mức tổng kết được truyện kể của cả một nước, quan sát vấn đề trên cơ sở thống kê và coi nó như một cái vốn đặc biệt trên cơ sở thống kê và coi nó như một vốn đặc biệt của văn hóa dân tộc. Đây là một phần gia tài của văn hóa dân tộc phải kiểm kê lại xem vốn liếng của nó ra sao và nhân dân đã tạo ra được những gì gọi là tinh hoa của vốn quý ấy.
3. Việc nghiên cứu so sánh thông thường không chỉ giới hạn trong từng nước mà nó còn có tính chất thế giới. Vì vậy cần phải có cơ sở tư liệu để có thể làm những công trình nghiên cứu so sánh về folklore theo những cấp độ khác nhau. Ví dụ: so sánh giữa các dân tộc trong một nước; so sánh giữa nước này với nước khác; so sánh giữa các nước trong cùng một vùng văn hóa, rộng lớn hơn nữa là cả thế giới; so sánh theo phương pháp lịch sử và so sánh theo phương pháp loại hình…
Nhiều nước đã làm được việc thu thập và thống kê vốn truyện dân gian. Một số nước khoa học phát triển đã làm xong sưu tập và thống kê gia tài văn hóa của nước mình. Ở Nhật bản, tiến sĩ Keigo đã làm một bộ sưu tập về truyện kể dân gian gồm 6 tập với 8600 truyện từ các nguồn đã có và xếp thành 700 típ, ở Lát – vi – a, viện Ngôn ngữ và văn học đã sưu tầm và giữa được 2.973.476 các ghi chép về folklore trong đó có 67.365 truyện dân gian và giai thoại, 56.917 truyền thuyết. Trên cơ sỏ tư liệu như vậy, họ đã xây dựng lên từ điển típ truyện của Lát – vi – a.
Vậy thế nào là típ và môtíp? Giới folklore đã thống nhất định nghĩa của Thompson trong cuốn “Standard dictionary of folklore, mythology, and leghend ”(Từ điển tiêu chuẩn của folklore, thần thoại, và truyền thuyết) xuất bản năm 1949 tại Niu – óoc của Funk và Wagnalls; Thompson cho rằng típ chỉ là những đơn vị kể chuyện (tự sự) có thể tồn tại một cách độc lập trong truyền thống. Bất kỳ truyện kể nào dù giản đơn hay phức tạp miễn là được kể theo một mẫu kể độc lập thì được xem là một típ. Có truyện dài chứa đựng hàng tá môtíp, nhưng có truyện ngắn như loại truyện giai thoại về súc vật có thể chỉ có một môtíp kể chuyện mà thôi; trong trường hợp này típ và môtíp đồng nhất. Nếu hiểu típ là một mẫu kể như thế thì rõ ràng là trong mỗi một nền văn hóa riêng biệt chỉ có số lượng típ có hạn. Thông thường người ta có thể xác định được tương đối dễ dàng một mẫu kể riêng biệt nào đấy thuộc hay không thuộc về một típ nào đó. Nhưng luôn luôn có những trường hợp ở ranh giới; ở đây có thể lẫn lộn nhiều típ truyện hoặc là một mẩu truyện nào đó chỉ có vẻ hơi giống với một típ riêng biệt nào đó. Sự tình đó đã làm cho một số học giả, đặc biệt ở Đông Âu (XHCN) có thái độ hoài nghi với giá trị của việc phân loại truyện theo típ. Thái độ hoài nghi này dường như chỉ đơn giản do sự hứng thú khác nhau của người sưu tầm, nghiên cứu. Những người này chú ý đến những chỗ khác nhau của các dị bản và tính cá biệt của những người kể truyện riêng biệt hơn là chỗ giống nhau của chúng. Còn với những người cần làm từ điển típ của môt nước nào đó thì giá trị của nó không có gì phải nghi ngờ cả. Đến nay, đã có nhiều từ điển típ truyện của nhiều nước trên thế giới. Công việc này đã xong với các nước Châu Âu và Tây Á và vẫn tiếp tục cho những nước còn lại. Có lẽ câng thiết phải biên soạn những cuốn xếp lại hoàn toàn khác cho mỗi khu vực một văn hóa rộng hơn của thế giới như Châu Phi, Châu Đại Dương, người bản địa Bắc và Nam Mỹ… Phương pháp duy nhất để lập ra được một từ điển típ truyện là phải nghiên cứu các dị bản của típ đó. Phương pháp này hình như hơi lẩn quẩn một tí vì muốn nói đến dị bản của típ phải hiểu thế nào là một típ đã. Trong thực tế, nó có nghĩa là khi thấy nhiều truyện có những chỗ giống nhau nổi bật thì xếp chung vào một loại, rồi nghiên cứu những chỗ giống nhau đó và ghi chú những đặc điểm chung. Sau đó, gộp lại tất cả những dị bản có những đặc điểm có thể gộp lại được và cuối cùng có thể trình bày một cách đầy đủ nội dung của truyện được nghiên cứu. Việc sưu tầm, nghiên cứu như vậy có một nội dung cơ bản là: ta xem truyện kể được nghiên cứu là một thực thể, nó có cả lịch sử với sự bắt đầu trong thời gian và không gian, và cũng đã trải qua một sự thay đổi trong đời sống của nó. Một vấn đề khó khăn cho người nghiên cứu về típ là đánh giá dị bản này hay hoặc dở hơn dị bản khác và tiêu chuẩn nào giúp cho nhận định như vậy?
Theo phương pháp địa lý – lịch sử, người ta chỉ quan tâm dựng lên cái gọi là nguyên mẫu chứ không nhận định tốt, xấu. Người ta nhằm dựng lại hình thức lý thuyết từ đó các cách kể đã bắt nguồn. Đây chỉ là việc tái tạo lịch sử chứ không phải là sự đánh giá mỹ học. Nói một cách khác, việc đánh giá như vậy là vượt qua khả năng phần lớn của các nhà folklore học.
Tóm lại, Thompson cho típ là một đơn vị kể chuyện tồn tại độc lập. Típ có thể chứa đựng hàng tá môtíp. Phương pháp nghiên cứu típ là nhằm dựng lại hình thức lý thuyết từ đó tất cả các cách kể đã bắt nguồn. Nghiên cứu típ theo phương pháp đó là nhằm tái tạo lịch sử chứ không phải là sự đánh giá mỹ học.
Vấn đề thế nào là môtíp cũng có nhiều cách hiểu khác nhau trong giới độc giả nước ta. Ví dụ, một bạn đọc hỏi: Thế nào là môtíp văn học? Báo Tiền phong đã trả lời: “Môtíp văn học chỉ sự giống nhau về đề tài, chủ đề, tình tiết, cốt truyện của nhiều tác phẩm văn học trong phạm vi một dân tộc hay nhiều dân tộc trên thế giới. Sự giống nhau này đương nhiên không phải là do sao chép hay bắt chước lẫn nhau, mà do sự tương đồng nào đó về điều kiện lịch sử, địa lý, tư tưởng hay bút pháp nghệ thuật… đưa lại. Ví dụ, người ta nói “môtíp Tấm Cám” bởi vì người ta đã thu thập được hàng chục những truyện cổ tích giống nhau như truyện Tấm Cám của ta ở các dân tộc trên thế giới. Trong các truyện đó đều có dì ghẻ và con chồng , có các tình tiết và cốt truyện giống như Tấm Cám của ta”. Thompson (cũng trong Từ điển folklore) quan niệm rằng “Trong folklore từ môtíp dùng để chỉ bất kì một bộ phận nào mà một văn bản folklore có thể phân tích được. Trong nghệ thuật dân gian có môtíp đồ họa (nghệ thuật tạo hình), đó là những hình thức được lặp đi lặp lại và kết hơp với các hình thức khác theo một cách riêng đặc biệt nào đó. Trong âm nhạc dân gian và ca khúc dân gian cũng có thể nhận thấy những khuôn mẫu được tái hiện giống nhau. Tuy vậy lĩnh vực trong đó môtíp được nghiên cứu nhiều hơn cả và được phân tích kĩ hơn cả loại truyện kể dân gian như truyền thuyết, truyện cổ, ballad và huyền thoại. Môtíp của truyện kể đôi khi gồm những khái niệm rất đơn giản vẫn tiếp tục được giữ lại trong truyện kể truyền thống. Đấy có thể là những tạo vật thường như cô tiên, phù thủy, rồng, yêu tinh, dì ghẻ độc ác, con vật biết nói…cũng có thể gồm những thế giới kì diệu hoặc những mảnh đất mà ở đó ma thuật luôn luôn có hiệu lực, các loài vật có phép và những vật thể lạ thường. Một môtíp cũng có thể là bản thân của một câu truyện ngắn (trường hợp môtíp trùng với típ) và đơn giản, một biến cố dễ gây ấn tượng hoặc làm vui thích để thu hút người nghe. Trong khi từ môtíp được dùng một cách lỏng lẻo để bao gồm bất kỳ yếu tố nào gia nhập vào một truyện kể truyền thống. Cần phải nhớ rằng, để trở thành một bộ phận thật sự của truyền thống, thì một yếu tố phải có cái gì đó làm cho người ta nhớ và được nhắc đi nhắc lại: Nó phải là một cái gì đó khác hơn một sự chung chung. Một bà mẹ bình thường không phải là một môtíp. Một bà mẹ độc ác được xem là môtíp vì bà ta ít ra được xem là lạ thường. Quá trình bình thường của đời sống không phải là môtíp. Bảo rằng chàng Pôn mặc quần áo và đi phố thì không là một môtíp đáng nhớ. Nhưng nói rằng, người anh hùng đội chiếc mũ tàng hình ngồi trên chiếc thảm có phép để tiến đến mảnh đất phía đông của mặt trời và phía tây của mặt trăng thì ít ra cho ta 4 môtíp, đó là môtíp chiếc mũ tàng hình, tấm thảm có phép, chuyến bay thần kỳ trên không và mảnh đất thần kỳ. Mỗi môtíp đó tiếp tục được sống vì nó được các thế hệ người kể chuyện thích thú kể lại”.
Như vậy theo Thompson, môtíp là cái gì đó khác hơn là một sự chung chung, có thể hơi đặc biệt, độc đáo. Nó phải làm cho người ta nhớ và lặp đi lặp lại trong các dị bản.
Qua việc trình bày quan niệm của Thompson về típ và môtíp, trở lại câu hỏi của báo Tiền Phong về môtíp văn học, ta thấy rõ ràng người giải đáp đã nhầm típ thành môtíp và câu hỏi một nơi người giải đáp trả lời một nẻo. Thực tế đó cũng giúp ta thấy rõ được tầm quan trọng và sự cần thiết phải làm một cuốn từ điển típ và môtíp như thế nào.
*******
Việc làm từ điển típ và môtíp quan trọng như thế nhưng thực ra nghiên cứu truyện dân gian không phải chỉ dừng lại ở đó. Người ta cần phải nghiên cứu , về nguồn gốc lịch sử của truyện, về phạm vi và tính chất xã hội của nó, về loại hình… nghĩa là vấn đề phải quan tâm đến. Đã đến lúc cần phải đặt ra vấn đề nghiên cứu truyện kể dân gian trên một cơ sở dữ liệu đã được sưu tập và hệ thống tương đối tốt. Ở đây xin nói một chút về trường phái folklore Phần Lan và những công trình tư liệu của họ để soi sáng thêm cho công việc của chúng ta.
Hội nghiên cứu folklore Phần Lan thành lập năm 1831. Cho tới năm 1949 số lượng tư về folklore họ đã sưu tập được rất phong phú với con số 1.250000 đề mục. Việc sưu tầm và xây dưng các tư liệu folklore đôi khi đi rất xa. Người ta đã có một công trình trọn vẹn gồm 33 tập với 85.000 biến thể khác nhau của thơ ca dân gian Phần Lan, in từ 1908 đến 1945 thì trọn bộ. Các ca khúc dân gian đã được in thành 5 tập từ 1896 đến 1945 đã in xong. Một số các tín ngưỡng dân gian có liên quan đến nghề săn bắt đánh ca, làm ruộng cũng được xuất bản thành những thực hành ma thuật cổ của người Phần Lan.
Những tài liệu chưa được in nói chung là các tài liệu đã sưu tầm đều được chép một cách cẩn thận vào trong các phiều rời và được sắp xếp theo từng loại đề mục. Công việc vẫn đang tiến hành và đến năm 1947 thì hội này đã có được một sưu tập gồm 275.000 phiếu rời như thế, trong đó có:
- 75.000 phiếu về truyền thuyết huyền thoại.
- 20.000 phiếu về truyền thống lịch sử và truyền thống địa phương.
- 10.000 phiếu về truyền thuyết suy nguyên.
- 20.000 phiếu về âm nhạc dân gian.
- 100.000 phiếu phong tục, các thực hành theo mùa và các tục ngữ.
- Các điệu dân ca thì được ghi vào trong đĩa.
Các sưu tập của hội này rất tiện dùng vì người ta có biên soạn những sách liệt kê danh mục để tiện sử dụng.
Nhiều nước trên thế giới đã làm được những từ điển về típ và môtíp của truyện kể dân gian. Đó là những từ điển tra cứu các yếu tố và các dạng truyện kể của Stith Thompson (Mỹ), của Antti AArnés (Phần Lan), của Wolfram Eberhard (Mỹ), của Hiroko - Ikeda (Nhật Bản)…
Có 2 loại từ điển típ và môtíp. Một loại có tính chất toàn thế giới như cuốn “Motif index of folk – literature” (sách tra cứu môtíp của văn học dân gian) của Stith Thompson (Mỹ) và cuốn “The type of the folktale” (Típ của truyện kể dân gian) của Antti AArnés (Phần Lan). Một loại khác là từ điển típ và môtíp của văn học dân gian từng nước như từ điển “Típ và Môtíp của truyện dân gian Trung Quốc” của Wolfram Eberhard (Mỹ) và từ điển “Típ và Môtíp của truyện dân gian Nhật Bản” của Hiroko - Ikeda (Nhật Bản)…
Xin điểm qua một số cuốn từ điển đã kể để hiểu thêm nội dung và phạm vi của các công trình đó.
1. Motif index of folk – literature của Stith Thompson (Mỹ)
Đây là một bộ sách về môtíp cổ nhất hiện có ở thư viện Khoa học xã hội, gồm 6 tập kí hiệu 809397 ở ô phiếu 126, bộ sách này lần đầu tiên được xuất bản ở Hen – xinh – ki (Phần Lan) vào năm 1932 và đến năm 1937 thì in trọn bộ. Tác giả có tham vọng làm cuốn từ điển này cho văn học dân gian toàn thế giới. Trước Thompson cũng có những cuốn từ điển riêng về môtíp của văn học dân gian từng nước, bởi ở phần đầu tác giả có giới thiêu một số sách tham khảo để làm cuốn từ điển này.
Cuốn sách của Thompson dựa trên hai cơ sở tư liệu:
- Dựa vào những cuốn từ điển môtíp người ta đã làm.
- Dựa vào những bộ truyện đã sưu tầm để nhặt ra môtíp, Thompson chia từ điển ra làm 23 mục lớn.
A - Những môtíp huyền thoại A0 - A2899
B - Thú vật B0 – B899
C – Điều cấm kị C0 – C999
D – Ma thuật D0 – D2199
E – Cái chết E0 – E799
F – Những cái kỳ lạ F0 – F1099
G – Quỷ G0 – G699
H – Thử thách H0 – H1599
J – Sự khôn ngoan và sự
điên rồ J0 – J2799
K – Những sự lừa gạt K0 - K2399
L – Sự đảo lộn của số phận L0 – L499
M – Phán truyền về tương lai M0 – M499
N – Sự may mắn và số phận N0 – N899
P – Xã hội P0 – P799
Q – Thưởng và phạt Q0 – Q599
R – Bắt giữ và trốn thoát R0 – R399
S – Những sự tàn bạo
không tự nhiên S0 – S499
T – Giới tính T0 – T699
U – Tính chất của đời sống U0 – U299
V – Tôn giáo V0 – V599
W – Những nét tính cách W0 – W299
X – Hài hước X0 – X1099
Z – Những nhóm môtíp còn
lại linh tinh khác Z0 – Z400
Trong mỗi mục lớn lại chia ra các mục nhỏ. Thường thì có 2 cấp độ.
Ví dụ: ở mục A – những môtíp huyền thoại thì:
Từ A0 - A99 là đang sáng tạo
A100 - A499 - thần linh trong đó
A100 - A299 – thần linh đang ở thế giới trên cao….
2. The type of the folktale của Antti AArnés (Phần Lan)
Trước Thompson, một người Phần Lan là Antti AArnés (1867 – 1925) có làm một cuốn từ điển típ bằng tiếng Phần Lan. Cuốn từ điển này hoàn thành vào năm 1910 và đến năm 1928 được Thompson dịch ra tiếng Anh và mở rộng từ điển đó cho đầy đủ hơn với tên “Các típ trong folklore” Tạp chí Folklore Fellows Communications (Tạp chí thông báo của những người nghiên cứu về folklore) bộ 75 số 184 in trọn vẹn cuốn từ điểm đó.
Về Antti AArnés: Ông là một nhà folklore Phần Lan chuyên nghiên cứu truyện kể dân gian và một trong những người đề xướng phương pháp tiếp cận folklore gọi là phương pháp địa lý – lịch sử. Phương pháp này thực ra người đề xuất đầu tiên là Kaarle – Krohn. Hai người này trở thành đầu đàn trong nghiên cứu folklore ở Phần Lan và phương pháp địa lý – lịch sử cũng là phương pháp nghiên cứu của trường phái này.
Cuốn từ điển chia típ thành 5 cụm lớn:
1. Cụm truyện súc vật từ 1 – 299
2. Những truyện kể bình thường 300 – 1199
3. Truyện vui và giai thoại 1200 – 1999
4. Loại truyện “xâu chuỗi” 2000 – 2399
5. Những truyện còn lại 2400 – 2499
Trong mỗi cụm truyện như vậy lại đến 3 cấp bậc phân loại.
Ví dụ: cụm truyện súc vật (cấp độ lớn nhất)
- Những con thú hoang dại (cấp độ 2)
- Những con vật thông minh (cấp độ 3)
Típ truyện cụ thể (cấp độ nhỏ nhất)vẫn mang tính chất đại diện chứ không cá biệt. Hai cuốn từ điển qua cách phân loại và đánh số mang tính chất đặc trưng đã trở thành tư liệu cho mọi nghiên cứu truyện kể dân gian. Ví dụ như muốn xem môtíp này có ở đâu, hoặc loại típ đó tồn tại ở chỗ nào thì phải tra những cuốn từ điển đó.
Tuy có tầm cỡ thế giới, nhưng hai cuốn từ điển này do đã làm từ lâu (từ đầu TK XX) nên còn thiếu nhiều tư liệu về những nền văn hóa hồi đó chưa được công bố. Chẳng hạn văn hóa Đông Nam Á trong đó có Việt Nam…
Sau Antti AArnés và Thompson, một phong trào biên soạn từ điển típ và môtíp của từng nước bắt đầu khá rầm rộ. Nhiều nước đã làm nhưng vì Việt Nam có ít tài liệu nên không nắm hết được, chỉ biết được một vài tư liệu.
3. Típ và Môtíp của truyện dân gian Trung Quốc của Wolfram Eberhard (Mỹ)
Cuốn từ điển này xuất bản ở Chi – ca – gô (Mỹ) lần đầu tiên vào năm 1965.
4. Típ và Môtíp của truyện dân gian Nhật Bản của Hiroko - Ikeda (Nhật Bản)
Đây là bản luận án tiến sĩ bảo vệ tại Viện hàn lâm khoa học Phần Lan năm 1969. Tác giả đã làm cuốn từ điển đó với độ 8600 truyện, rút ra được 1800 môtíp và 700 típ. Đặc biệt trong công trình này, ngoài típ và môtíp có một bản đồ Nhật Bản chia theo các tỉnh, có đánh số thứ tự ghi đặc điểm lưu chuyển của các típ và môtíp. Điều đó chứng tỏ rằng trong lĩnh vực nghiên cứu truyện kể dân gian, người ta không chỉ dừng lại ở vấn đề típ và môtíp mà người ta đã tiến xa hơn.
5. Típ và môtíp về truyện kể dân gian Látvia (Liên Xô)
Látvia là nơi có truyền thống nghiên cứu văn hóa dân gian khá sớm. Ngay từ trước khi phát xít Đức bị đánh bại, họ đã sưu tập và nghiên cứu văn hóa dân gian. Trong cuốn từ điển Folklore huyền thoại và truyền thuyết, Látvia được dành riêng một mục.
Đây là cuốn từ điển do Viện nghiên cứu ngôn ngữ và văn học nước cộng hòa Látvia làm, xuất bản ở Riga 1977 bằng ba thứ tiếng: Látvia, Nga, Anh. Ở cuốn từ điển này, các típ được xếp theo hệ thống phân loại của Antti AArnés và Thompson. Những người biên soạn coi đây là cách sắp xếp tốt nên họ vẫn giữ nguyên khung phân loại này không sủa đổi.
Tóm lại, về từ điển típ và môtíp, sau AArnés và Thompson thì trên thế giới nhiều nước đã làm, mọi người đều làm, phần lớn kết hợp chung cả típ và môtíp. Từ điển loại này có thêm những khung phụ đề chỉ những cái đặc thù của nước mình, còn khung phân loại vẫn là khung của AArnés và Thompson đã được thế giới chấp nhận.
Theo Thompson trong từ điển folklore thì “ đến nay đã có nhiều từ điển típ và môtíp của các truyện kể nhiều nước trên thế giới. Công việc này coi như đã xong đối với các nước Châu Âu và Tây Á, và vẫn tiếp tục cho những nước còn lại”.