Nghiên cứu khoa học

SỬ DỤNG PHẦN MỀM BOOK CREATOR THIẾT KẾ HỒ SƠ TƯ LIỆU DẠY HỌC MỘT SỐ TÁC GIA VĂN HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


02-05-2023

 

 

SỬ DỤNG PHẦN MỀM BOOK CREATOR THIẾT KẾ HỒ SƠ TƯ LIỆU DẠY HỌC MỘT SỐ TÁC GIA VĂN HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Lã Phương Thúy, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Tiến Anh

Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

Email: laphuongthuydhgd@gmail.com

1. Mở đầu

Trên thế giới, việc sử dụng công nghệ trong giáo dục nói chung và sử dụng sách điện tử (ebook) nói riêng đã được thực hiện từ lâu. Các nghiên cứu đều chỉ ra đây là hướng đi tất yếu và hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay (Hooper & Rieber, 1995; Tri-Agif, Noorhidawati & Ghalebandi, 2016; Fenwick & cộng sự, 2013)... Tuy nhiên, tại Việt Nam, các nghiên cứu về vấn đề này còn khá khiêm tốn cũng như việc vận dụng ebook trong thực tế còn nhiều khó khăn, hạn chế (Đỗ Thùy Linh, 2018; Nguyễn Thị Hường, 2015)... Trong bối cảnh đó, năm 2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho học sinh (HS), trong đó có năng lực công nghệ (Bộ GD-ĐT, 2017). Do vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quá trình giảng dạy nhằm hình thành và phát triển năng lực cho HS phổ thông là một việc làm cấp thiết, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Đối với việc dạy học (DH) môn Ngữ văn trong nhà trường trung học phổ thông (THPT), chương trình mới (2018) chú trọng việc phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học; đồng thời, đưa ra những yêu cầu cho việc giảng dạy, đặc biệt là “đa dạng hoá các hình thức tổ chức, phương pháp và phương tiện DH; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và vận dụng kiến thức, kĩ năng của HS” (Bộ GD-ĐT, 2018). Để thực hiện được những yêu cầu này, giáo viên (GV) cần có sự đổi mới về cả nội dung lẫn phương pháp DH, trong đó việc ứng dụng CNTT trong DH là một trong những giải pháp hữu hiệu.

Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất quy trình sử dụng ứng dụng Book Creator để thiết kế hồ sơ tư liệu DH một số tác gia văn học trong Chương trình Ngữ văn THPT nhằm nâng cao việc ứng dụng CNTT trong DH Ngữ văn nói riêng cũng như nâng cao chất lượng DH Ngữ văn nói chung.

2. Kết quả nghiên cứu

2.1. Giới thiệu về phần mềm Book Creator

Book Creator là một ứng dụng miễn phí để tạo ra những cuốn sách điện tử (ebook). Người dùng có thể kết hợp đa phương tiện (văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, đường dẫn,…) sáng tạo các câu chuyện tương tác, tạp chí nghiên cứu, sách văn học, báo cáo khoa học, tài liệu tham khảo, cuốn sách về bản thân, truyện tranh về các cuộc phiêu lưu,... với nhiều kích cỡ khác nhau và cách thiết kế đa dạng. Ứng dụng hướng tới hai đối tượng sử dụng chính là GV và HS. Với bất cứ tài khoản nào, người dùng đều có thể tạo lập nhiều thư viện ảo. Tuy nhiên, bên cạnh chức năng thiết kế, sao chép và chia sẻ ebook giống tài khoản HS thì tài khoản GV còn có thể theo dõi trực tuyến quá trình học tập của HS và kết nối để cùng quản lí thư viện ebook với các tài khoản của GV khác. Điều này thuận tiện cho việc học trực tuyến của HS và việc dạy cùng lúc nhiều khối, nhiều lớp hoặc việc dạy tích hợp giữa các môn học của GV. Một điểm tiện lợi nữa của Book Creator chính là cho phép trình chiếu và xuất cuốn sách đa phương tiện dưới dạng pdf để người dùng sử dụng ôn tập, tổng hợp kiến thức hoặc lưu trữ tư liệu mà không cần kết nối Internet.

Trong thực tế, việc sử dụng ứng dụng này khá phổ biến ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Anh, Pháp, Mĩ,... Tuy nhiên, dựa trên khảo sát của chúng tôi thì ở Việt Nam hiện nay, những công trình nghiên cứu về sử dụng sách điện tử nói chung và sử dụng ứng dụng này nói riêng trong DH ở trường phổ thông còn rất khiêm tốn. Do vậy, đây sẽ là “mảnh đất” nghiên cứu hứa hẹn nhiều tiềm năng cho các nhà nghiên cứu giáo dục, GV, HS... bởi sử dụng sách điện tử đang và sẽ là xu hướng của giáo dục số trong tương lai. Đối với môn Ngữ văn, GV có thể sử dụng ứng dụng Book Creator để dạy khá nhiều nội dung như DH đọc hiểu văn bản hoặc các bài văn học sử (tổng quan văn học, thời kì văn học), các bài ôn tập kiến thức và những bài tiếng Việt, làm văn nhằm đáp ứng yêu cầu DH phát huy và nâng cao năng lực tự chủ và tự học, năng lực sử dụng công nghệ và khả năng sáng tạo của HS.

2.2. Mục tiêu dạy học đọc hiểu văn bản và dạy học các bài học về tác gia văn học ở trường phổ thông

Theo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018, việc DH đọc hiểu trong nhà trường phổ thông cấp THPT hướng đến những mục tiêu sau:

+ Về kiến thức: DH đọc hiểu trong nhà trường phổ thông sẽ giúp HS đọc hiểu được cả nội dung tường minh và hàm ẩn của các loại văn bản; đọc hiểu với yêu cầu phát triển tư duy phản biện, năng lực tự đọc.

+ Về kĩ năng: đọc hiểu văn bản trong nhà trường phổ thông sẽ giúp HS hình thành và phát triển được khả năng nhận thức, tư duy, vận dụng văn bản vào thực tiễn.

Ngoài những mục tiêu trong DH đọc hiểu nói riêng thì DH đọc hiểu môn Ngữ văn nói chung còn hướng đến mục tiêu phát triển các năng lực chung, trong đó có năng lực sử dụng CNTT. Chúng tôi cho rằng: “Năng lực sử dụng CNTT trong DH Ngữ văn là khả năng sử dụng các công cụ và tài nguyên công nghệ để tìm kiếm thông tin liên quan đến văn bản; khả năng sử dụng các phần mềm để giao tiếp, tạo ra, lưu trữ, quản lí thông tin có hiệu quả trong các hoạt động DH môn Ngữ văn” (Lã Phương Thúy, 2019).

Trong chương trình Ngữ văn THPT, các bài học về tác gia văn học có vị trí khá quan trọng, chủ yếu tập trung vào việc dạy cho HS những kiến thức về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác, phong cách sáng tác, quan điểm nghệ thuật, những đóng góp trong nền văn học Việt Nam của các tác gia văn học lớn… Đây cũng chính là những nội dung cần thiết, quan trọng, phục vụ cho việc DH đọc hiểu những văn bản của tác gia đó trong chương trình. Trong Chương trình, sách giáo khoa hiện hành có các bài học về tác gia Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Hồ Chí Minh, Tố Hữu. Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 cũng dành riêng một chuyên đề học tập ở lớp 11 về “Đọc, viết và giới thiệu về một tác giả văn học”. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của chúng tôi, một trong những khó khăn thường thấy trong các bài học này là khối lượng kiến thức quá lớn từ sách giáo khoa và nhiều nguồn tài liệu học tập, khiến GV gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm phương pháp DH phù hợp. HS thường cảm thấy chán nản, ít hợp tác với GV và gặp khó khăn trong quá trình hệ thống hóa, ghi nhớ kiến thức. Mặt khác, dù GV đã sử dụng các ứng dụng, phần mềm công nghệ (như PowerPoint, Kahoot, Menti…) nhưng tình trạng “học thụ động” vẫn chưa được khắc phục triệt để. Với những khó khăn như vậy, chúng tôi cho rằng việc sử dụng những ứng dụng CNTT hiện đại cho phép cả GV và HS kết hợp đa phương tiện để thiết kế hồ sơ tư liệu khi học các bài học về tác gia văn học là việc làm vô cùng cần thiết. Khi sử dụng sách điện tử để dạy kiểu bài này sẽ phát huy được ưu thế của sách điện tử như mở rộng thông tin ngoài sách giáo khoa, kết hợp được các phương tiện như hình ảnh, âm thanh, link, video..., làm cho bài học trở nên sinh động, hấp dẫn với HS

2.3 Quy trình sử dụng phần mềm Book Creator để thiết kế hồ sơ tư liệu dạy học tác gia văn học trong Chương trình Ngữ văn trung học phổ thông

Bước 1: Xác định mục tiêu bài học

*Mục tiêu chung: Xác định mục tiêu DH là bước đầu tiên, từ đó giúp GV xác định được nội dung DH, làm tiền đề cho việc lựa chọn, thiết kế phương pháp và phương tiện DH, là thước đo để đánh giá kết quả học tập của HS, giúp đảm bảo chất lượng đào tạo trong nhà trường.

Trong Chương trình Ngữ văn THPT, mục tiêu của các bài học về tác gia văn học là sau khi học xong, HS sẽ có những kiến thức cơ bản về tiểu sử, sự nghiệp sáng tác, phong cách sáng tác, quan điểm nghệ thuật, những đóng góp của tác gia đó trong dòng chảy của văn học Việt Nam,… Từ đó, HS sẽ hình thành và phát triển được những năng lực chung và năng lực chuyên biệt như năng lực tự chủ và tự học, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực ngôn ngữ...

* Mục tiêu cụ thể: Ở phần này, GV sẽ xác định các mục tiêu cụ thể về kiến thức, kĩ năng, thái độ và mục tiêu về công nghệ mà HS cần đạt được sau khi học xong bài học về tác gia văn học thông qua việc sử dụng ứng dụng Book Creator. Khi tiến hành bước này, GV cần lưu ý dùng các từ cụ thể, lượng hóa được (trình bày được, liệt kê được, phân tích được...) và ghi rõ các mục tiêu về công nghệ, đặc biệt là cách sử dụng ứng dụng Book Creator, cách thức sử dụng các công cụ tìm kiếm, các nguồn tài nguyên trên Internet, cách hệ thống hóa kiến thức mà HS cần thực hiện

Bước 2: Xác định nội dung DH

Nội dung DH được hiểu là nội dung hoạt động của GV và HS trong suốt quá trình DH. Chính vì vậy, việc lựa chọn và xác định nội dung DH sẽ quyết định mức độ đạt được của bài học so với mục tiêu ban đầu đã đề ra.

Nội dung DH các bài học về tác gia văn học ở nhà trường phổ thông là hệ thống các tri thức về tác gia văn học, bao gồm: tiểu sử, sự nghiệp sáng tác, phong cách sáng tác, quan điểm nghệ thuật, những đóng góp trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Đặc trưng của những bài học này là khối lượng kiến thức lớn, có sự tích hợp giữa văn học với lịch sử, triết học, văn hóa, chính trị,… Đây là những kiến thức có thể tìm được ở rất nhiều nguồn (sách giáo khoa, sách tham khảo, Internet,…) dưới rất nhiều định dạng (văn bản, hình ảnh, âm thanh, video,…) nên rất dễ để tích hợp nội dung bài học với các ứng dụng CNTT.

Bước 3. Lựa chọn, xác định phương pháp DH, hình thức tổ chức DH, hình thức sử dụng công nghệ

- Phương pháp DH: Dựa trên mục tiêu và nội dung DH nêu trên, chúng tôi sử dụng và kết hợp các phương pháp DH tích cực như: thuyết trình, hỏi đáp, nêu vấn đề, làm việc nhóm. Trong đó, chúng tôi tập trung vào phương pháp làm việc nhóm nhằm kích thích tư duy độc lập, khuyến khích các ý kiến thảo luận, tranh luận, ý tưởng sáng tạo của HS.

- Hình thức tổ chức DH: Để phát triển phẩm chất và năng lực của người học, trong quá trình DH, GV có thể khuyến khích HS thu thập thông tin từ nhiều nguồn, với nhiều dạng thức khác nhau. Tuy nhiên, cần lưu ý HS tìm tài liệu ở những nguồn có uy tín để tránh sai lệch và phiến diện trong việc đánh giá tác giả. Tùy vào điều kiện cơ sở vật chất, năng lực trình độ của GV và HS để có thể sử dụng các hình thức DH như DH trên lớp; DH trực tuyến; Blended learning (mô hình kết hợp giữa học trên lớp và học online); mô hình “Lớp học đảo ngược” (Flipped classroom). Trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược”, cho HS xem tư liệu, sách điện tử trước ở nhà. Trên lớp là thời gian HS trình bày kết quả làm việc nhóm, nêu những thắc mắc cần giải đáp, thảo luận, tranh luận về những vấn đề mang tính chất mâu thuẫn, có nhiều ý kiến trái chiều... về nội dung bài học

- Hình thức sử dụng công nghệ: Hiện nay, có hai hình thức sử dụng công nghệ phổ biến là GV trực tiếp sử dụng phần mềm, công cụ công nghệ để thiết kế bài học và GV hướng dẫn HS sử dụng phần mềm, công cụ công nghệ để tìm hiểu bài học và tự thực hành. Để đem lại hiệu quả DH tốt nhất, chúng tôi đề xuất phương án kết hợp hai hình thức sử dụng công nghệ này nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và phát triển năng lực sử dụng CNTT của HS và giúp GV chủ động kiểm soát được nội dung, chất lượng DH.

Đối với các bài học về tác gia văn học, GV có thể thiết kế hồ sơ tư liệu về một tác gia văn học trên ứng dụng Book Creator và chia sẻ link bài học cho HS, yêu cầu HS truy cập để thực hiện các nhiệm vụ của bài học. Sau đó, GV hướng dẫn HS sử dụng các trang web, mạng xã hội, những công cụ tìm kiếm khác để thu thập, trao đổi thông tin như Facebook, Youtube, Google, Messenger... nhằm hoàn thiện các nhiệm vụ học tập. Trong quá trình đó, GV có thể quan sát quá trình học tập của HS và góp ý, đánh giá khi cần thiết. Với HS khá giỏi, GV có thể hướng dẫn thêm các công cụ, phần mềm công nghệ để thiết kế bài học như Powtoon, Prezi, Thinglink… để HS có thể ứng dụng trong việc thiết kế các bài học khác nhau trong quá trình học Ngữ văn.

Bước 4: Xây dựng kế hoạch triển khai bài học

Sau khi đã xác định các mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giờ học, GV có thể tiến hành xây dựng kế hoạch bài học theo nhiều mẫu kế hoạch bài học khác nhau như mẫu kế hoạch bài học Intel, mẫu kế hoạch bài học theo mô hình TPACK (Lefebvre, 2016).

Bước 5: Xây dựng kế hoạch kiểm tra - đánh giá

GV có thể xây dựng kế hoạch kiểm tra - đánh giá theo các tiêu chí sau:

- Đánh giá kết quả của HS:

+ Về kiến thức: Kiến thức về tác gia văn học, kiến thức liên ngành: lịch sử, văn hoá, chính trị,…

+ Về hoạt động làm việc nhóm: Hình thức trình bày kết quả làm việc nhóm; Nội dung sản phẩm nhóm.

+ Về kĩ năng sử dụng công nghệ: Kĩ năng sử dụng các công cụ tìm kiếm thông tin trực tuyến; Kĩ năng sử dụng ứng dụng Book Creator và các công cụ, phần mềm khác (nếu có)...

- Tự đánh giá của GV: GV có thể tự nhận xét, đánh giá về ưu điểm, hạn chế của bài học, kĩ năng sử dụng công nghệ trong DH, hiệu quả sử dụng công nghệ, mức độ phù hợp với mục tiêu, nội dung bài học..., từ đó đưa ra những đề xuất, phương pháp cải tiến cho bài học sau.

Hình thức đánh giá: Hiện nay, có rất nhiều phần mềm công nghệ mà GV có thể sử dụng để tiến hành kiểm tra - đánh giá quá trình học tập của HS. Với việc học tập qua hình thức sách điện tử như sử dụng ứng dụng Book Creator này, chúng tôi lựa chọn một số phần mềm có thể tích hợp đường link để tạo bài kiểm tra trên ebook như Google Forms, Mentimeter, Quizizz...

Chúng tôi đề xuất một kế hoạch bài học mẫu như sau:

KẾ HOẠCH BÀI HỌC DẠY HỌC BÀI TÁC GIA NGUYỄN DU

GV:

Trường:

Môn học: Ngữ văn

Lớp: 10

Thời lượng: 1 tiết

Mục tiêu bài học

Mục tiêu chung: Sau khi học xong bài học về tác gia văn học, HS có được những kiến thức cơ bản về tác gia văn học và các kiến thức liên ngành. Bên cạnh đó, HS có được các kĩ năng, năng lực chuyên biệt như ngôn ngữ, cảm thụ văn học; kĩ năng, năng lực chung như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, thuyết trình, CNTT.

Mục tiêu cụ thể:

1) Về kiến thức:

- Trình bày được những thông tin cơ bản về cuộc đời, sự nghiệp văn học của Nguyễn Du.

- Trình bày được những hiểu biết về tình hình xã hội và văn hóa ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của Nguyễn Du.

- Trình bày được các thành tựu về tư tưởng, nghệ thuật của Nguyễn Du.

- Chỉ ra và phân tích được tính nhân đạo, khuynh hướng hiện thực sâu sắc trong tác phẩm của Nguyễn Du.

- Đánh giá được vị trí của Nguyễn Du trong lịch sử văn học dân tộc và thế giới.

2) Về kĩ năng:

- Đọc hiểu loại bài về tác gia văn học/văn bản thông tin.

- Kĩ năng phân tích văn bản thông tin.

- Vận dụng những tri thức về tác gia Nguyễn Du để tạo lập văn bản nghị luận văn học.

- Rèn luyện và phát triển được các kĩ năng như giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm và năng lực sử dụng CNTT.

3) Về thái độ:

- Trân trọng, tự hào về nền văn học dân tộc; giữ gìn và phát huy những tinh hoa của văn học dân tộc.

- Hình thành thái độ yêu quý và trân trọng vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam; cảm phục tài năng sáng tạo, uyên bác của các tác gia lớn trong nền văn học Việt Nam.

Nội dung chủ yếu bài học:

* Những thông tin về cuộc đời của tác gia Nguyễn Du: họ tên, năm sinh - năm mất, quê quán, xuất thân, dòng đời, tính cách,…

* Những thông tin về sự nghiệp văn học của Nguyễn Du: các tác phẩm chữ Hán, chữ Nôm, khuynh hướng sáng tác, đóng góp, vị trí trong nền văn học Việt Nam và thế giới,…

Mục tiêu về công nghệ:

- Về kiến thức: HS nêu được cách sử dụng ứng dụng Book Creator.

- Về kĩ năng: HS vận dụng để thiết kế một hồ sơ tư liệu về một tác gia hoặc một tác phẩm văn học trên ứng dụng Book Creator, sử dụng được các công cụ tìm kiếm, các nguồn tài nguyên trên Internet.

Yêu cầu về công nghệ:

- Ứng dụng Book Creator để thiết kế bài học.

- Một số phần mềm tra cứu thông tin, hình ảnh, video như: Google, Youtube, Wikipedia.

- Internet/Wifi để kết nối sử dụng ứng dụng Book Creator và các phương tiện sử dụng: máy tính, ipad,… Các nguồn tài nguyên khác/

Tài nguyên:

- Sách giáo khoa Ngữ văn 10.

- Sách tham khảo. - Website: Wikipedia, Google, Youtube,…

Kĩ năng về công nghệ cần có:

- GV: cần có kĩ năng sử dụng ứng dụng Book Creator để thiết kế bài học, sử dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm thông tin như Google, Youtube...

- HS: sử dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm thông tin như Google, Youtube...; các trang mạng xã hội để thảo luận, trao đổi thông tin như Facebook, Zalo,...

Kế hoạch triển khai bài học:

* Chuẩn bị trước tiết học

- Chuẩn bị của GV:

+ GV thiết kế và gửi cho HS video giới thiệu và hướng dẫn sử dụng ứng dụng Book Creator. https://drive.google.com/file/d/19ZmslYz1rlzPcQG1Rbp3kDH66FfaPCCR/view?ts=5e8d9b1e https://drive.google.com/file/d/1J3Dw_raZZaK8XAVv21Kl8niJCho8Gr9g/view?ts=5e8d9af9

+ GV gửi cho HS link sách điện tử về tác gia Nguyễn Du trên ứng dụng Book Creator: https://bitly.com.vn/JlEUm

- Chuẩn bị của HS:

+ Xem video giới thiệu, hướng dẫn sử dụng GV gửi, tạo lập một tài khoản HS trên ứng dụng Book Creator trước khi đến lớp.

+ Tìm hiểu sách giáo khoa, ebook về tác gia Nguyễn Du và các tư liệu tham khảo.

* Triển khai hoạt động DH:

+ Hoạt động khởi động: GV sử dụng ứng dụng Google Form (hoặc Kahoot, Quizizz) tạo các câu hỏi trắc nghiệm để kiểm tra kiến thức tự học của HS. Trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi sử dụng ứng dụng Google Form để tạo câu hỏi kiểm tra và GV sẽ cho HS trực tiếp xem kết quả trên phần mềm sau khi thực hiện bài kiểm tra. Link câu hỏi: https://forms.gle/MS5WvNRsQ9KzJRp77

+ Hoạt động hình thành kiến thức - luyện tập:

• GV đưa ra chủ đề thảo luận: Những yếu tố nào tạo nên thành công trong các sáng tác của Nguyễn Du? Tại sao Nguyễn Du được vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới?

• HS thảo luận theo nhóm và trình bày ý kiến, có thể nghiên cứu thêm từ ebook về tác gia Nguyễn Du trên Book Creator mà GV đã cung cấp. GV khuyến khích HS sử dụng các hình thức sáng tạo khi trình bày kết quả thảo luận như dùng sơ đồ tư duy, dùng ứng dụng Book Creator...).

• GV khái quát và chốt nội dung kiến thức HS vừa trao đổi: nhấn mạnh những yếu tố tạo nên thiên tài Nguyễn Du (thời đại, quê hương, gia đình, con người); những ảnh hưởng của Nguyễn Du và Truyện Kiều đối với nền văn học dân tộc, đất nước, giá trị hiện thực và nhân đạo, lí tưởng nhân văn trong sáng tác của Nguyễn Du là lí do vì sao Nguyễn Du được công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.

+ Hoạt động mở rộng, nâng cao: GV yêu cầu HS thiết kế một hồ sơ tác gia văn học hoặc một ebook về tác phẩm văn học mà HS yêu thích bằng ứng dụng Book Creator. Ở hoạt động này, có thể cho HS thực hiện trên lớp khoảng 5-10 phút để GV hướng dẫn, định hướng, sau đó cho HS về nhà hoàn thiện (có thể thực hiện theo nhóm) và báo cáo kết quả trong buổi học sau

Hoạt động trọng tâm của HS:

- HS ôn lại kiến thức bằng bài kiểm tra nhanh thông qua ứng dụng Google form (hoặc Kahoot, Quizizz).

- HS trình bày ý kiến về câu hỏi thảo luận của GV, trình bày qua ứng dụng Book Creator hoặc hình thức trình bày khác.

Hoạt động mở rộng:

- HS thực hiện yêu cầu sau: Thiết kế một hồ sơ tác gia văn học hoặc một tác phẩm văn học yêu thích bằng ứng dụng Book Creator.

Kiểm tra - Đánh giá HS

- Đánh giá kết quả của HS:

1. Về kiến thức: Kiến thức về tác gia, kiến thức liên ngành.

2. Về hoạt động làm việc nhóm:

- Hình thức trình bày kết quả làm việc nhóm.

- Nội dung sản phẩm nhóm.

3. Kĩ năng sử dụng công nghệ:

- Kĩ năng sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin trực tuyến để thực hiện các mục tiêu bài học.

- Kĩ năng sử dụng ứng dụng Book Creator.

- Tự đánh giá của GV:

+ Ưu điểm của bài học.

+ Hạn chế của bài học.

+ Các biện pháp cải tiến.

3. Kết luận

Như vậy, việc sử dụng ứng dụng Book Creator trong DH tác gia văn học THPT rất phù hợp với thực tiễn yêu cầu đổi mới phương pháp DH hiện nay. Ứng dụng Book Creator có nhiều ưu điểm trong việc tạo ra một hồ sơ tư liệu về một tác gia văn học hấp dẫn, thu hút HS; hỗ trợ tích cực cho sự tương tác trực tuyến giữa HS và GV; tích hợp được các môn học; giao diện của Book Creator thân thiện với người sử dụng; GV có thể dễ dàng tạo lập nhiều thư viện ảo nhằm lưu trữ các tài liệu học tập trực tuyến hoặc xuất file pdf để HS học tập trực tiếp. Ngoài ra, nhờ tính năng nổi bật của Book Creator là kết hợp đa phương tiện và cho phép chia sẻ thư viện nên HS dễ dàng biến những kiến thức dạng chữ trở thành các định dạng phong phú khác và cùng lúc tham gia nhiều thư viện của nhiều GV. Sử dụng Book Creator trong DH Ngữ văn nói riêng và DH nói chung không những giúp cải thiện hiệu quả việc sử dụng CNTT trong DH mà còn phát huy sự chủ động, sáng tạo của HS, phù hợp với bối cảnh giáo dục 4.0 hiện nay

------

Tài liệu tham khảo

Bộ GD-ĐT (2017). Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Bộ GD-ĐT (2018). Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TTBGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Đỗ Thùy Linh (2018). Thiết kế sách điện tử trong dạy học Sinh học tại trường trung học phổ thông. Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt tháng 8, tr 229-234.

Hooper, S., & Rieber, L. P. (1995). Teaching with Technology Gregory and Denby Associates. Gregory and Denby Associates, 1-16.

Fenwick, J. B., Kurtz, B. L., Meznar, P., Phillips, R., & Weidner, A. (2013). Developing a highly interactive ebook for CS instruction. SIGCSE 2013 - Proceedings of the 44th ACM Technical Symposium on Computer Science Education, 135-140. https://doi.org/10.1145/2445196.2445241

Lefebvre, S. (2016). TPACK in Elementary and High School Teachers’ Self-reported Classroom Practices with the Interactive Whiteboard (IWB). Canadian Journal of Learning and Technology, 42(5), 234-237.

Lã Phương Thúy (2019). Sử dụng công nghệ trong dạy học ngữ văn ở trường phổ thông. Tạp chí Giáo dục, số 458, tr 32-36.

Nguyễn Thị Hường (2015). Xây dựng và sử dụng ebook hỗ trợ hoạt động tự học trong dạy học Vật lí ở trường phổ thông phần Dòng điện xoay chiều - Vật lí 12. Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ross, J. D., McGraw, T. M., Burdette, K. J., & AEL Charleston, WV., I. (2001). Toward an Effective Use of Technology in Education: A Summary of Research. Retrieved from http://search.ebscohost.com/login.aspx? direct=true&db=eric&AN=ED462963&site=ehost-live

Tri-Agif, I., Noorhidawati, A., & Ghalebandi, S. G. (2016). Continuance intention of using e-book among higher education students. Malaysian Journal of Library and Information Science, 21(1), 19-33. https://doi.org/10.22452/mjlis.vol21no1.2.

NGUỒN: Tạp chí Giáo dục, Số 480 (Kì 2 - 6/2020), tr 15-2

Post by: Khoa Ngữ văn
02-05-2023