Nghiên cứu khoa học

Quá trình sưu tầm và nhận thức lý luận đối với sử thi ở Việt Nam


09-10-2020

Sưu tầm và nhận thức lý luận là hai công việc có tác động lẫn nhau. Công tác sưu tầm sẽ đạt được kết quả tốt nếu có sự soi đường của nhận thức lý luận, sự hiểu biết về lý luận. Ngược lại, tài liệu sưu tầm sẽ là cơ sở để người làm lý luận bổ sung, điều chỉnh, thậm chí có trường hợp thay đổi cả nhận thức lý luận vốn có.

 

GS. TS. Nguyễn Xuân Kính

Viện Nghiên cứu văn hoá

 

Sưu tầm và nhận thức lý luận là hai công việc có tác động lẫn nhau. Công tác sưu tầm sẽ đạt được kết quả tốt nếu có sự soi đường của nhận thức lý luận, sự hiểu biết về lý luận. Ngược lại, tài liệu sưu tầm sẽ là cơ sở để người làm lý luận bổ sung, điều chỉnh, thậm chí có trường hợp thay đổi cả nhận thức lý luận vốn có.

Sử thi là một thể loại văn học tự sự dân gian. “Các áng sử thi của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam qua sự khúc xạ của tư duy huyền thoại, của óc tưởng tượng chất phác nhưng đầy tính chất lãng mạn đã phản ánh lịch sử và không hiếm khi dựng lên được những bức tranh xã hội hoành tráng.

Nhưng giá trị của các áng sử thi ấy không phải chỉ là ở chỗ đó. Giá trị lớn nhất ở các áng sử thi ấy là ở chỗ qua sự nghiệp của các vị thần và các vị anh hùng thể hiện được phẩm chất của nhân dân lao động với tính cách hồn nhiên chất phác, với đầu óc năng động thông minh, với niềm gắn bó cùng nhau trong cộng đồng, với niềm tin tưởng ở khả năng vô cùng to lớn của cộng đồng v.v...”.(1)

Dưới thời quân chủ, ở Việt Nam chưa ra đời khoa nghiên cứu văn học dân gian. Nhưng sự quan tâm của các nhà nho (đồng thời là những quan chức) đối với văn hoá, văn học dân gian đã thể hiện khá sớm với sách Việt điện u linh do Lý Tế Xuyên biên soạn (lời tựa viết năm 1329); với sách Lĩnh Nam chích quái do Vũ Quỳnh và Kiều Phú biên soạn thế kỷ XV. Lĩnh Nam chích quái là một sưu tập truyện cổ dân gian. Theo lời các soạn giả, sách này vốn được các bậc tài cao, học rộng thời Lý - Trần làm ra. Trong tập sách này, có “Truyện Dạ Thoa vương". Truyện này chính là sự tóm tắt sơ lược bản sử thi ấn Độ Ramayana (vốn dài 10.500 khổ thơ viết trên lá cọ, in thành sách dày 6.000 trang). Theo sự phân tích của GS. Phan Đăng Nhật, "Truyện Dạ Thoa vương" tuy chỉ có 140 tiếng (bản dịch tiếng Việt) nhưng đã ghi đúng nhân vật chính và các sự kiện chính của sử thi Ramayana.(2)

Sự việc trên là rất đáng chú ý; nhưng chưa thể nói "Truyện Dạ Thoa vương" là một tác phẩm sử thi.

Việc công bố và nghiên cứu sử thi Việt Nam bắt đầu từ năm 1927. Quá trình sưu tầm và nhận thức lý luận đối với sử thi Việt Nam có thể chia thành bốn giai đoạn.

I. Giai đoạn từ năm 1927 đến năm 1955

Những người đầu tiên sưu tầm, biên dịch và công bố sử thi Việt Nam chính là người Pháp.

Năm 1927, sử thi Đăm Xănđược Lêôpôn Xabachiê (Léopold Sabatier) sưu tập, chú thích, dịch từ tiếng Ê Đê ra tiếng Pháp, do Toàn quyền P. Patxkiê (P. Pasquier) và nhà văn Rôlăng Đoocgiơlét (Roland Dorgelès) viết lời tựa, xuất bản tại Pari. Sách được in trang trọng với nhiều tranh vẽ khá đặc sắc. Trong lời tựa, nhà văn Rôlăng Đoocgiơlét cho rằng đây là tác phẩm văn học cuối cùng của người Ê Đê: "Nhưng cay đắng thay, bằng chứng đầu tiên về văn chương của người Mọi cũng là cái cuối cùng"(3). Bên cạnh nhận định không chính xác đó, những người viết lời tựa đã đánh giá cao Đăm Xăn. Đặc biệt đã hơn một lần họ dùng từ sử thi (épopée) khi nói về tác phẩm này. Đúng như GS. Phan Đăng Nhật nhận xét, "trong ý thức, họ đã xếp Đăm Xăn cùng loại hình với các tác phẩm anh hùng ca quen biết đương thời của châu Âu như Iliát (Iliade) Ôđixê (Odyssée) của người Hy Lạp và Bài ca chàng Rôlăng (Chanson de Roland) của người Pháp".(4)

Năm 1933, L. Xabachiê công bố lần thứ hai tác phẩm Đăm Xăn, in ở tạp chí của Viện Viễn đông bác cổ. Trong lần công bố này, "có in tiếng Ê Đê, dịch từng từ, dịch toàn bộ chú thích và giới thiệu. Đây là một công trình nghiên cứu công phu"(5) mà theo GS. Phan Đăng Nhật, các sử thi khác ở Việt Nam ít có trường hợp được công bố với sự làm việc kỹ lưỡng như vậy.

Năm 1955, trên tạp chí của Viện Viễn đông bác cổ, sử thi Đăm Di do Đôminich Ăngtômacki (Dominique Antomarchi) sưu tầm, Giócgiơ Côngđôminát (Georges Condominas) công bố và viết giới thiệu. G. Côngđôminát dùng từ anh hùng ca - sử thi (chant épique) để định danh thể loại cho Đăm Xăn  Đăm Di.Như vậy, với những việc sưu tầm và công bố sử thi của người Pháp, người ta biết được rằng nhiều dân tộc Tây Nguyên có sử thi.(6)

Hiện nay trong giới nghiên cứu văn học dân gian ở Việt Nam, các từ sử thi, anh hùng ca là những thuật ngữ tương đương.

Thuật ngữ anh hùng ca ít được sử dụng hơn, nhưng lại xuất hiện sớm hơn.

Năm 1943, trên tạp chí Tri tân, nhà nghiên cứu Hoàng Thiếu Sơn có những ý kiến rất đáng chú ý về anh hùng ca, một loại văn học "mà người Pháp gọi là épopée".(7)

Tiếp thu tư tưởng của N. Boalô (N. Boileau) (1636 - 1711), của các nhà phê bình văn học Pháp đầu thế kỷ XX, GS. Hoàng Thiếu Sơn đã xác định các đặc điểm của loại hình anh hùng ca như sau:

1. Anh hùng ca là "loại thơ xuất hiện đầu tiên trong lịch sử văn học".(8)

2. "Một thiên anh hùng ca không phải là sản phẩm riêng biệt của một thi nhân, do trí tưởng tượng của thi nhân ấy sáng tạo nên, nó phải có một cái tích, tích ấy phần nhiều là những việc quan trọng đã xảy ra trong lịch sử: một cuộc ngoại xâm, một trận chiến thắng, một cái chết bi thảm của một vị anh hùng, cuộc phiêu lưu mạo hiểm của một đấng vua chúa..."(9). Chung quanh sự tích ấy, đầu tiên tác giả dân gian sẽ sáng tác những bài hát truyền khẩu, vô danh. Về sau, "một bậc thiên tài, một Hôme (Homère) xuất hiện và bị cảm xúc vì những lời thơ truyền khẩu kia, nhà thơ sẽ thâu nhập tất cả những câu hát ngây thơ, góp chúng nó lại, cho chúng nó một linh hồn bi tráng, tô điểm rất nhiều nghệ thuật để lưu lại cho hậu thế một thiên anh hùng ca bất hủ".(10)

Theo Hoàng Thiếu Sơn, không phải dân tộc nào cũng có anh hùng ca. Dân tộc Việt Nam không có anh hùng ca, bởi vì dân tộc này "là một dân tộc đứng đắn, không ưa những lối nói ra ngoài sự thật, không muốn thêm hoa hoè vào những sự thật hiển nhiên"; là vì "đời sống của người Đông Á vẫn là đời sống bên trong, thâm trầm không bộc lộ". Theo Hoàng Thiếu Sơn, Đại Nam quốc sử diễn ca không phải là anh hùng ca bởi nó "thiếu vẻ hùng tráng vì thiếu hẳn lòng tin. Thi nhân không tin ở những sự hoang đường, ở những thần tích dầu những thần tích ấy có nuôi sống tinh thần quốc gia".(11)

Nếu hiểu dân tộc Việt Nam là người Việt (Kinh) thì ý kiến cho rằng ở người Việt không có anh hùng ca do Hoàng Thiếu Sơn nhận định cách đây 65 năm là ý kiến đáng chú ý(12). Đáng tiếc, lúc đó ông không bàn đến Đăm Xăn, thiên anh hùng ca đã được Xabachiê công bố.

Như vậy, trong giai đoạn từ năm 1927 đến năm 1955, hai tác phẩm sử thi Tây Nguyên đã được người Pháp sưu tầm và công bố bằng tiếng Pháp và tiếng Ê Đê. Các tác giả người Pháp chưa quan tâm nhiều đối với việc xác định thể loại. Sử thi chưa được dịch ra tiếng Việt. Có một tác giả Việt Nam đã có những ý kiến khá chính xác về thể loại sử thi (mà ông gọi là anh hùng ca) nhưng lại không phân tích sử thi Tây Nguyên.

II. Giai đoạn từ năm 1957 đến năm 1976

Năm 1957, tại Hà Nội, tác phẩm Đăm Xăn được Đào Tử Chí dịch từ tiếng Pháp ra tiếng Việt, công bố trên tạp chí Văn nghệ với tên gọi Bài ca chàng Đam San. Sau đó năm 1959, tác phẩm này được Nhà xuất bản Văn hoá in thành sách.

Năm 1960, trên tập san Nghiên cứu văn học, PGS. Chu Xuân Diên viết một bài nghiên cứu công phu về tác phẩm này. Chu Xuân Diên là người định danh bằng tiếng Việt sớm nhất về tên gọi thể loại cho Đăm Xăn, khi ông viết: "Đam San là một nhân vật anh hùng, và Bài ca chàng Đam San là một bản anh hùng ca, một sử thi của dân tộc Ê Đê".(13)

Năm 1963 tại Hà Nội, sách Trường ca Tây Nguyênđược xuất bản, gồm năm tác phẩm, chủ yếu của đồng bào Ê Đê: "Xing Nhã", "Đăm Di", "Khinh Dú", "Đăm Đơroan", "Y Prao". Do đất nước còn chia cắt, lại đang có chiến tranh, bản chất thể loại của các tác phẩm chưa được nhận thức đầy đủ, việc sưu tầm chưa thật hoàn chỉnh, khi công bố chưa có bản phiên âm tiếng dân tộc.(14)

Năm 1964, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn hoá - Nghệ thuật công bố công trình Nghệ thuật thơ ca của Arixtốt, do Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Xuân Hà và Thành Thế Yên Bái dịch. Trong bản dịch này, danh từ sử thi được dùng để chỉ Iliát và Ôđixê, được dùng để chỉ một thể loại văn học.(15)

Năm 1969, sách Thuật ngữ văn học - mỹ học Nga Pháp Việt (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội) chỉ ghi: "?noc, épopée, sử thi".

Năm 1969, trong sách Người anh hùng làng Dóng, Cao Huy Đỉnh cho rằng anh hùng ca và sử thi dân gian là những từ có ý nghĩa tương đương. Ông có nhiều nhận xét tuy có phần tản mạn nhưng khá chính xác về thể loại sử thi.(16)

Năm 1972, sử thi ẳm ệt luông của người Thái do Khà Văn Tiến dịch ra tiếng Việt và được xuất bản tại Hoà Bình.

Năm 1973, trong sách Văn học dân gian (tập II, cùng viết với Chu Xuân Diên), GS. Đinh Gia Khánh nhận xét: "Sử thi không phải là thơ chép sử. Sử thi là một thuật ngữ văn học, đặc biệt là văn học dân gian, (...). Sử thi cũng như anh hùng ca, tráng sĩ ca, trường ca, thường được dùng để gọi những thể loại tự sự dân gian của thời kỳ lịch sử khi loài người bắt đầu bước vào xã hội văn minh. Bốn danh từ ấy được dùng với cùng một ý nghĩa. Thiết tưởng cũng cần chú ý phân biệt chúng với nhau. Danh từ trường ca với ý nghĩa là bài ca không phản ánh một đặc điểm gì của thể loại văn học cả, vì dài hay ngắn không nên coi là tiêu chuẩn xác định thể loại. Trường ca là một danh từ chung để gọi bất cứ tác phẩm thơ ca nào mang ý nghĩa ca ngợi và có độ dài nào đó, chứ không phải là một thuật ngữ trỏ một thể loại riêng biệt trong văn học dân gian. Các danh từ sử thi, anh hùng ca, tráng sĩ ca có màu sắc rõ rệt hơn. Sử thi là những áng thơ ca thuật lại lịch sử kỳ vĩ của sự hình thành đất nước, dân tộc. Đó là những áng thơ ca đúc kết những điều truyền thuyết và những mẩu thần thoại ở nhiều địa phương, của nhiều thị tộc, nhiều bộ lạc thành hệ thống rộng lớn để miêu tả nguồn gốc dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ quốc gia trong buổi bình minh của lịch sử. Anh hùng ca trùng hợp với sử thi ở chỗ cũng thuật lại những kỳ công vĩ tích, những sự nghiệp anh hùng. Nhưng có lẽ nên dùng thuật ngữ này để gọi những áng thơ ca liên quan đến từng vị anh hùng nhất định".(17)

Năm 1975, sử thi Đẻ đất đẻ nướcdo Vương Anh, Hoàng Anh Nhân sưu tầm ở Thanh Hoá được xuất bản. Năm 1976 Đẻ đất đẻ nướcdo Bùi Thiện, Thương Diễm, Quách Dao sưu tầm ở Hoà Bình được công bố.

Như vậy, trong giai đoạn từ năm 1957 đến năm 1976, sử thi các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục được công bố. Lần đầu tiên, các tác phẩm đó được xuất bản bằng tiếng Việt. Sử thi của các dân tộc ít người ở miền Bắc (Mường, Thái) cũng được công bố. Mới chỉ có một dị bản Đẻ đất đẻ nước  xuất bản ở Thanh Hoá in cả phần tiếng dân tộc. Để chỉ thể loại văn học này, có ba từ trường ca, bài ca và sử thi. Trong giáo trình về văn học dân gian của Trường Đại học tổng hợp Hà Nội, đã có sự phân biệt xác đáng giữa các từ trường ca, anh hùng ca và sử thi.

III. Giai đoạn từ năm 1977 đến năm 2000

Sau khi Việt Nam thống nhất (30 tháng 4 năm 1975), công việc sưu tầm, biên dịch và xuất bản sử thi được tiến hành khoa học hơn, thuận lợi hơn và thu được nhiều kết quả hơn trước.

Trong khoảng thời gian từ 1977 đến trước tháng 12 năm 1979, theo trí nhớ của chúng tôi, GS. Phan Đăng Nhật (lúc đó với cương vị là Phó Trưởng ban Ban Văn học dân gian của Viện Văn học) đã cùng Nông Quốc Thắng đi nghiên cứu một đợt tại Tây Nguyên trong hoàn cảnh đầy khó khăn, chưa ổn định tại vùng đất mới giải phóng lúc bấy giờ.

Năm 1980, Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố Lịch sử văn học Việt Nam, tập I. Đây là tập sách được viết dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Phần văn học các dân tộc ít người do nhà thơ Nông Quốc Chấn và GS. Phan Đăng Nhật viết. Để chỉ Đăm Xăn và các áng sử thi khác, các ông dùng từ trường ca. (Lúc đó, vẫn ngự trị một định kiến: ở Việt Nam không thể có Iliát, Ôđixê).

Trong các năm 1980 - 1981, đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu nghệ thuật (thuộc Bộ Văn hoá) do GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh phụ trách đã sưu tầm được nhiều sử thi (hơmon) của đồng bào Ba Na ở huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Một năm sau, một trong các áng sử thi này là Đăm Noi được dịch ra tiếng Việt và được công bố tại Hà Nội.

Năm 1981, trong cuốn sách Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, GS. Phan Đăng Nhật sử dụng các thuật ngữ “sử thi”, “sử thi anh hùng”, “sử thi - mo”.(18)

Năm 1981, PGS. Võ Quang Nhơn bảo vệ luận án tiến sĩ ngữ văn với đề tài Về thể loại sử thi anh hùng của các dân tộc Tây Nguyên. Nội dung của luận án và việc sử dụng có ý thức thuật ngữ sử thi anh hùngvới tư cách là một thể loại văn học dân gian tiếp tục được thể hiện trong giáo trình đại học của tác giả: Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam (xuất bản năm 1983).(19)

Năm 1982, trên tạp chí Văn học số 6, GS. Mã Giang Lân đề nghị gọi Đăm Xăn là sử thi anh hùng.

Năm 1984, trên tạp chí Văn hoá dân gian số 2, GS. Phan Đăng Nhật công bố hai bài. Một bài là “Sử thi Tây Nguyên với hiện thực lịch sử Tây Nguyên” (với tên thật); một bài là "Sử thi - mo" (với bút danh Trịnh Ngọc Loan).

Năm 1986, PGS. Phan Ngọc công bố bài "Đẻ đất đẻ nước, bản sử thi đầu tiên của nền văn học Việt - Mường". Ông khẳng định: "Thể loại sử thi đã tồn tại trong văn học Việt Nam, cũng như trong văn học Thái, văn học Ê Đê và các nền văn học khác ở vùng này. Đẻ đất đẻ nước có đủ bốn yếu tố mà người ta yêu cầu ở một sử thi".(20)

Trong các năm 1984 - 1987, Viện Văn hoá dân gian và Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Đắc Lắc phối hợp tổ chức các đợt sưu tầm sử thi. Với cương vị Phó Viện trưởng, GS. Phan Đăng Nhật đã phối hợp chỉ đạo công tác sưu tầm với sự giúp sức của nhiều cộng sự như TS. Đỗ Hồng Kỳ, ThS. Tô Đông Hải, ông Bùi Khắc Trường, ông Nguyễn Đại Lượng,... GS. Phan Đăng Nhật đã thu thập được nhiều dị bản của tác phẩm Đăm Xăn. Đây chính là những tư liệu rất quan trọng giúp cho ông viết và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học vào năm 1988 tại Bungari.

Năm 1988, PGS. Nguyễn Văn Hoàn chứng minh một cách kỹ lưỡng: Đăm Xăn là sử thi(21); và PGS. Đặng Văn Lung cũng tiến hành công việc tương tự đối với Đẻ đất đẻ nước(22).

Cuối năm 1988 - đầu năm 1989, một đoàn sưu tầm, nghiên cứu do Viện Nghiên cứu văn hoá dân gian phối hợp với Sở Văn hoá thông tin tỉnh Đắc Lắc gồm có GS. TS. Ngô Đức Thịnh, TS. Đỗ Hồng Kỳ, ThS. Tô Đông Hải, GS. Nguyễn Tấn Đắc, các ThS. Khương Học Hải, Trần Tấn Vịnh, các cử nhân Y Dung, Nguyễn Khắc Ngữ khi tiến hành khảo sát ở bon Bu Dốp, xã Dak Môn, huyện Dak Min, tỉnh Đắc Lắc, đã phát hiện được sử thi (ot ndrong) của người Mơ Nông(23).

Trên tạp chí Văn hoá dân gian, số 4 năm 1989 và số 1 năm 1990, Phan Đăng Nhật công bố bài Những đặc điểm cơ bản của sử thi - khan ở Việt Nam. Chúng tôi thấy từ năm 1981 đến năm 1990, GS. Phan Đăng Nhật có cách cấu tạo thuật ngữ đáng chú ý: sử thi - mo, sử thi - khan. Theo ông, cách tạo thuật ngữ này do ông học từ nước ngoài: một thuật ngữ có hai bộ phận, một chỉ tính chất chung (sử thi), một là định ngữ của bộ phận chỉ tính chất chung ("mo" hoặc "khan").

Năm 1990, trên tạp chí Văn hoá dân gian số 3, TS. Đỗ Hồng Kỳ công bố bài "Ot nrông - sử thi cổ sơ Mơ Nông".

Năm 1991, cuốn sách Sử thi Ê Đê của Phan Đăng Nhật được xuất bản. Về cơ bản, nội dung cuốn sách là nội dung của bài viết được in trên Tạp chí Văn hoá dân gian cuối năm 1989, đầu năm 1990. Cái mới của sách này là ở chỗ, tiếp thu luận điểm của nhà khoa học xô viết Mêlêtinxki, tác giả đã phân biệt sử thi cổ sơ và sử thi cổ đại: "Sự hình thành nhà nước là một mốc lịch sử tạo nên những đặc điểm cơ bản của sử thi. Do đó, người ta phân loại hai loại sử thi: sử thi cổ sơ (épopée archaùque) là sử thi ra đời trước khi hình thành nhà nước mà như (...) Prốp đã chỉ ra sự phong phú của nó; và sử thi cổ đại (épopée antique) hoặc là sử thi cổ điển (épopée classique) ra đời sau khi hình thành nhà nước"(24). Theo Phan Đăng Nhật, Đăm Xăn là sử thi cổ sơ, còn Iliát, Ôđixê, Ramayana, Mahabharata là những sử thi cổ đại (còn gọi là sử thi cổ điển). Như vậy, giữa Nguyễn Văn Hoàn (1988) và Phan Đăng Nhật (1988 - 1991) có sự khác nhau cơ bản khi Nguyễn Văn Hoàn xếp Iliát và Ôđixê vào loại sử thi cổ sơ, khi Nguyễn Văn Hoàn có xu hướng đồng nhất sử thi Iliát, Ôđixê với sử thi Đăm Xăn trong "một đơn vị loại hình học".

Năm 1991, trong sách Văn học dân gian Việt Nam, tập I, trong khi phân loại văn học dân gian, PGS. Đỗ Bình Trị đã xếp sử thi vào khung hệ thống các thể loại văn học dân gian.(25) Trong khi khảo sát tiến trình lịch sử của văn học dân gian Việt Nam, Đỗ Bình Trị nghiêng về câu trả lời khẳng định là người Việt cổ có "một hình thức nào đó của sử thi anh hùng"(26). Theo ông sở dĩ cha ông ta không có Iliát vì thiếu Hôme(27). (Cách giải thích này có phần gặp gỡ ý kiến của Hoàng Thiếu Sơn, ý kiến công bố vào năm 1943).

Khi phân tích tác phẩm Đam Xăn, Đỗ Bình Trị đã làm rõ đặc trưng của thể loại sử thi.(28)

Như vậy, đến năm 1991, các khoa Ngữ văn của các trường đại học sư phạm ở Việt Nam đã chính thức sử dụng thuật ngữ sử thi. Đây là cái mốc quan trọng, bởi vì từ năm 1961 đến năm 1978, trong năm lần xuất bản, trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, Tập I. Văn học dân gian của các tác giả các trường đại học sư phạm (Bùi Văn Nguyên, Đỗ Bình Trị,...) trong đại đa số các trường hợp người viết đều dùng từ trường ca khi phân tích Đam Xăn(29). Cũng từ sau cái mốc này trở đi, trong sách giáo khoa về văn học ở bậc học phổ thông, PGS. Đỗ Bình Trị đã có thể xếp sử thi vào một trong số hơn mười thể loại chính của văn học dân gian. Ông định nghĩa: "Sử thi là những truyện kể bao quát một phạm vi rộng lớn đời sống toàn dân, mà trung tâm là những sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với toàn cộng đồng, thời cộng đồng tộc người mới hình thành.(30)

Năm 1992, thuật ngữ sử thi có mặt và được giải thích khá cặn kẽ trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học của nhiều tác giả, do Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử đồng chủ biên.(31)

Năm 1992, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc công bố cuốn sách Sử thi thần thoại Mường của TS. Trương Sĩ Hùng.

Năm 1994, tác giả Đỗ Hồng Kỳ bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài "Sử thi thần thoại Mơ Nông". Năm 1996, công trình này được xuất bản. Tác giả viết rằng, năm 1990, trong bài "Ot nrông - sử thi cổ sơ Mơ Nông", "lúc đó vì tư liệu còn ít" nên tác giả "chưa dám khẳng định dứt khoát ot nrông là sử thi thần thoại"(32). Đến đây, tác giả chứng minh ot nrông là sử thi thần thoại. Trong đoạn văn sau đây của Đồ Hồng Kỳ, có thể thấy quan niệm của tác giả về cách phân loại sử thi: "Về phương diện thể loại cần chỉ ra được bước chuyển biến từ sử thi thần thoại đến sử thi anh hùng. Thực hiện được nhiệm vụ này, không những giải quyết được vấn đề lịch sử thể loại - một vấn đề được coi là một trong những vấn đề khó khăn nhất trong ngành phônclo học, mà còn làm tăng thêm sức thuyết phục về nội hàm sử thi ở Tây Nguyên, tránh được cách hiểu phiến diện gò ép"(33).

Từ năm 1993 đến năm 1997, nhiều tác phẩm sử thi khác được công bố: Chilơkok (dân tộc Ê Đê), Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1993; Deva Mưno (dân tộc Chăm), (bản tiếng Pháp công bố tại Malayxia, 1989, bản tiếng Việt công bố tại Hà Nội, 1994, trong sách Văn học Chăm khái luận - văn tuyển, tập I, của Inrasara); Mùa rẫy bon Tiăng(dân tộc Mơ Nông), do Điểu Kâu, Tấn Vịnh sưu tầm và biên soạn, Sở Văn hoá - Thông tin Đắc Lắc xuất bản, 1996; Giông nghèo tám vợTre Vắt ghen ghét Giông (dân tộc Ba Na), do Phan Thị Hồng sưu tầm, biên soạn, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 1996; Sử thi thần thoại Mơ Nôngdo Đỗ Hồng Kỳ, Điểu Kâu, Nơ Yu, Đăm Pơ Tiêu sưu tầm, biên dịch, kèm theo bản phiên âm tiếng Mơ Nông được công bố tại Hà Nội. Trong những sách này, đáng chú ý là những soạn giả là nhà nghiên cứu của Viện Văn hoá dân gian dùng thuật ngữ sử thiđể định danh tác phẩm, còn các tác giả không phải là những nhà nghiên cứu thuộc chuyên ngành văn học dân gian như Ka Sô Liễng, Phan Thị Hồng lại dùng từ trường cađể định danh tác phẩm; như nhà thơ Chăm Inrasara thì lại dùng các từ truyện thơ, tráng ca.

Ngày 20 tháng 5 năm 1997, tại Đắc Lắc, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắc Lắc tổ chức hội thảo Sử thi Tây Nguyên - Việt Nam. Tham gia hội thảo này, có các bản báo cáo: "Sử thi ở Việt Nam" của GS. Đinh Gia Khánh ; "Nhìn lại quá trình sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên trong bối cảnh sử thi Việt Nam" của GS. TSKH. Phan Đăng Nhật ; "Vùng sử thi Tây Nguyên (một số quan điểm cơ bản)" của GS. TS. Ngô Đức Thịnh ; "Sử thi thần thoại của người Mơ Nông" của TS. Đỗ Hồng Kỳ ; "Hơmon, một thể loại diễn xướng dân gian của người Ba Na ở An Khê, Gia Lai" của GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh ; "Quá trình sử dụng thuật ngữ sử thi ở Việt Nam" của GS. TS. Nguyễn Xuân Kính ; "Cuộc cầu hôn anh hùng trong sử thi Ê Đê và Mã Lai" của GS. TSKH. Niculin ; ... Năm 1998, kỷ yếu hội thảo này được Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội công bố với tên sách Sử thi Tây Nguyên.

Trong nhiều phát hiện được trình bày tại hội thảo, chúng tôi chú ý đến việc phân loại sử thi ở Việt Nam. Theo PGS. TS. Võ Quang Nhơn cùng với một số nhà khoa học khác thì ở Việt Nam có hai loại sử thi là sử thi anh hùng và sử thi thần thoại. Theo GS. Phan Đăng Nhật, nếu lấy tiêu chí đặc điểm lịch sử - xã hội để phân loại thì trên thế giới có hai loại sử thi là sử thi cổ sơ và sử thi cổ đại. Tất cả sử thi Việt Nam đều thuộc phạm trù sử thi cổ sơ. Trong sách Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á, GS. Đinh Gia Khánh cũng phân biệt sử thi cổ sơ và sử thi cổ đại.(34)Theo ông Phan Đăng Nhật, nếu lấy tiêu chí chức năng, nhiệm vụ của nhân vật trung tâm của tác phẩm để phân loại thì có hai loại: sử thi sáng tạo thế giới (gọi tắt là sử thi sáng thế) và sử thi thiết chế xã hội (gọi tắt là sử thi thiết chế). Thuật ngữ sử thi sáng thế được tiếp thu từ các tác giả Trung Quốc, cụ thể là từ Nông Quán Phẩm, tác giả sách Luận tập văn hoá dân tộc, Nhà xuất bản Giáo dục, Quảng Tây, 1993(35). Sử thi sáng thế được quan niệm như sau: Sử thi sáng thế ghi lại quan điểm cơ bản của mỗi dân tộc đối với sự hình thành của trời đất và sự sinh sôi nảy nở của muôn vật. ở Trung Quốc, các nhà khoa học xếp các sử thi sau đây vào loại sử thi sáng thế: Lang Chính bắn mặt trời, Đặc Lộc bắn mặt trời, Đính Lạc, Mật Lạc đà, Bố Bá, Bàn Cổ ca, Khai thiên lập địa ca. Sau khi thỉnh giáo và tiếp thu gợi ý của GS. Đinh Gia Khánh, GS. Phan Đăng Nhật viết rằng: Sử thi thiết chế xã hội khu biệt với sử thi sáng thế ở nhiệm vụ đấu tranh và chiến đấu để ổn định cộng đồng người, chủ yếu là chiến đấu để thoát khỏi tình trạng chiến tranh liên miên (nguy cơ gây sự suy thoái của toàn thể cộng đồng), thống nhất lực lượng, hợp nhất lãnh thổ đưa xã hội từ bộ lạc thị tộc đến liên minh bộ lạc để sau đó tiến tới dân tộc.(36)

Theo GS. Phan Đăng Nhật, ở Việt Nam ẳm ệt luông (Thái), Đẻ đất đẻ nước (Mường - Việt) thuộc loại sử thi sáng thế; Chương Han (Thái), Đam Xăn, Đăm Di, Chilơkok, Khinh Dú, Đăm Đơroăn, Y Prao, Mhiêng (Ê Đê), Hđiêu, Chin chiêng, Jông (Gia Rai), Đăm Noi, Xing Chi Ôn, Diôông (Ba Na) là những áng sử thi thiết chế xã hội. Đối với sử thi của dân tộc Mơ Nông, vào thời điểm năm 1997, ông còn dè dặt chưa xếp loại. Tác giả dự báo: "Rất có khả năng là trong các sử thi các dân tộc Việt Nam có loại sử thi cổ sơ đồng thời chứa đựng hai nội dung: sáng tạo thế giới và thiết chế xã hội giống như Kalêvala".(37)

Trong các năm 1996 - 1998, GS. TSKH. Phan Đăng Nhật thực hiện đề tài cấp bộ Vùng sử thi Tây Nguyên. Đề tài được nghiệm thu, xếp loại xuất sắc và cuối năm 1998, công trình nhận được giải cao (nhì B) của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Năm 1999, công trình được Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố với tên gọi Vùng sử thi Tây Nguyên.

Năm 1999, Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, Hà Nội công bố Đăm Xăn thời thơ ấu, do nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm và Y Khem sưu tầm và dịch.

Năm 2000, Sở Văn hoá - Thông tin Gia Lai xuất bản cuốn sách Dyông Dư, hơmon Ba Nado Vũ Ngọc Bình, Nguyễn Quang Tuệ, Văn Công Hùng, Trần Phong sưu tầm, biên dịch.

Trong các năm 1996, 2000, GS. Đặng Nghiêm Vạn (một nhà dân tộc học) quan niệm sử thi là văn học viết (không phải văn học dân gian) và đã đưa các áng sử thi Đẻ đất đẻ nước, Đăm Xăn, Xing Nhã vào Tổng tập văn học Việt Nam. Đây là quan niệm chưa đúng. Trong giới nghiên cứu văn học dân gian, không có ai quan niệm như vậy.(38)

Như vậy là, trong thời gian từ năm 1977 đến hết năm 2000, những người nghiên cứu, sưu tầm ở Việt Nam đã làm được nhiều việc. Có thêm sử thi của dân tộc Chăm được công bố. Khá nhiều sử thi bên cạnh bản tiếng Việt, có cả bản tiếng dân tộc. Công tác nghiên cứu, lý luận được đẩy mạnh hơn trước. Nhiều người bảo vệ luận án tiến sĩ, tiến sĩ khoa học với đề tài về sử thi Việt Nam. Tuy về công tác sưu tầm, biên dịch, xuất bản còn có những hạn chế, trong việc nhận thức lý luận, phân loại định danh tác phẩm còn có những vấn đề cần tiếp tục thảo luận, nhưng với tất cả các nỗ lực của các cơ quan trung ương và địa phương, của các nhà nghiên cứu chuyên sâu và những người làm công tác văn hoá ở cơ sở, sự đóng góp lớn lao của các nghệ nhân người dân tộc thiểu số, giai đoạn này đã tạo tiền đề vững chắc để mở ra một giai đoạn mới của quá trình sưu tầm, nghiên cứu sử thi ở Việt Nam.

IV. Giai đoạn từ năm 2001 đến nay

Tháng 3 năm 2001, Chính phủ thông qua Dự án Điều tra sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên, giao cho Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (nay là Viện Khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận cùng thực hiện. Dự án được tiến hành trong thời gian từ năm 2001 đến hết năm 2007. GS. TS. Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Dự án. Thời gian đầu, GS. TS. Ngô Đức Thịnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá là Giám đốc điều hành Dự án. Từ ngày 25 tháng 4 năm 2005, GS. TS. Nguyễn Xuân Kính, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá được cử giữ chức Giám đốc điều hành Dự án.

Nhiệm vụ của Dự án này là: 1) Tổng điều tra toàn bộ trữ lượng sử thi của các tộc người bản địa sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên và kề cận; 2) Tổ chức việc sưu tầm các sử thi đang được các nghệ nhân lưu giữ trong trí nhớ và truyền miệng; 3) Biên dịch và xuất bản thành sách 75 tác phẩm sử thi của các tộc người dưới hình thức song ngữ - tiếng dân tộc và tiếng phổ thông; 4) Tổ chức việc bảo quản kho tàng sử thi Tây Nguyên dưới dạng băng tiếng, băng hình, văn bản.

Về công tác điều tra, Dự án đã tổ chức các đợt điều tra trên địa bàn các tỉnh Bình Phước, Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Phú Yên, lập danh mục các sử thi, danh sách các nghệ nhân biết hát kể sử thi (ở những mức độ khác nhau) thuộc các dân tộc Ê Đê, Mơ Nông, Ba Na, Xơ Đăng, Ra Glai, Chăm, S’tiêng, Mạ,… Qua kết quả điều tra, Dự án phát hiện được các nghệ nhân hát kể giỏi sử thi như sau:

Các nghệ nhân Điểu Klung, Điểu Klứt, Điểu Mpiơih, Điểu Glơi, Điểu Plang, Me Luynh, Me Jéch (dân tộc Mơ Nông);

Các nghệ nhân Y Nuh Niê, Oi Chun, Y Ju Niê, Y Djao Niê, Ma Oi, Oi Đức (dân tộc Ê Đê);

Các nghệ nhân A Lưu, A Đen, A Hon, A Bek, Bok Păh, Yă Hơt, Bok Pơnh, Bok Anep, Y Nheo (dân tộc Ba Na);

Nghệ nhân A Ar (dân tộc Xơ Đăng);

Các nghệ nhân Pinăng Thị Thanh, Chamaliaq Thị Jiêng, Katơr Thị Sính, Katơr Thị Cuống, Pô Pâr Thị Ría, Chamaliaq Cường (dân tộc Ra Glai);

Các nghệ nhân Ma Mơ Lan, Oi Săng (dân tộc Chăm).

Các trí thức người dân tộc đảm nhiệm việc phiên âm, dịch nghĩa những tác phẩm sử thi là các vị: Điểu Kâu (dân tộc Mơ Nông), Y Wơn Kna, Y Jek Niê Kdăm, Y Kô Niê Kdăm, Ama Bik, Y Điêng (dân tộc Ê Đê), A Jar (dân tộc Xơ Đăng), Y Hồng, Y Tưr, Y Kiưch, Siu Pêt (dân tộc Ba Na), Chamaliaq Riya Tiểng (dân tộc Ra Glai), Ka Sô Liễng (dân tộc Chăm).

Về công tác sưu tầm, Dự án sưu tầm được 5679 băng ghi âm 90 phút = 801 tác phẩm hát kể.

Đã quay được 15 bộ phim tư liệu về diễn xướng sử thi của các nghệ nhân tiêu biểu (năm phim về nghệ nhân hát kể sử thi Ê Đê, ba phim về nghệ nhân hát kể sử thi Ba Na, ba phim về nghệ nhân hát kể sử thi Ra Glai, ba phim về nghệ nhân hát kể sử thi Mơ Nông, một phim về nghệ nhân hát kể sử thi Xơ Đăng).

Đã chụp 6000 kiểu ảnh tư liệu về sinh hoạt văn hoá, diễn xướng sử thi và các hoạt động trong quá trình thực hiện Dự án.

Đã tiến hành phiên âm 123 tác phẩm, đã dịch nghĩa được 115 tác phẩm. Việc phiên âm, dịch nghĩa do các trí thức người dân tộc tiến hành, các nhà khoa học người Việt chưa có ai có thể độc lập làm công việc này. Tuy nhiên, để có thể xuất bản, cần phải biên tập văn học. Công việc biên tập văn học do hơn 30 người Việt thực hiện đối với 80 tác phẩm sử thi của sáu dân tộc (Ba Na, Mơ Nông, Ê Đê, Xơ Đăng, Ra Glai, Chăm). Đối với sử thi của người Gia Rai, hiện nay chưa có người dịch nghĩa.

Nhìn chung việc dịch nghĩa và biên tập văn học mới là những nỗ lực ban đầu, để có thể công bố được. ở nước ngoài, có trường hợp mà từ lúc sưu tầm cho đến lúc công bố tác phẩm sử thi là vài chục năm. ở Việt Nam, ai cũng biết việc nhà dân tộc học Nguyễn Hữu Thấu dịch và chú giải sử thi Đăm Săn trong vòng 15 năm rồi mới công bố. Trong Lời giới thiệu ở đầu mỗi tác phẩm sử thi được xuất bản, GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Trưởng ban Ban chỉ đạo Dự án đã nói rõ:

Phần biên dịch do các nghệ nhân dân tộc kết hợp với các nhà chuyên môn thực hiện trên nguyên tắc cố gắng chuyển tải nội dung tác phẩm sử thi ra tiếng phổ thông tương đối sát đúng với bản ngữ, giữ được tới mức tối đa phong cách tư duy, ngôn ngữ giàu hình ảnh của dân tộc. Do khả năng cũng như thời gian quá hạn hẹp dành cho việc phiên âm, biên dịch và biên tập mỗi tác phẩm, nên trong bản in đầu tiên này, chúng tôi đành phải tự bằng lòng với mức độ thô phác và còn nhiều khiếm khuyết. Bởi vì chúng tôi nhận thức rằng, việc điều tra, sưu tầm, phiên âm, biên dịch và biên tập bộ sách đồ sộ này không phải chỉ là công việc của một số nhà sưu tầm và nghiên cứu của một thế hệ trong chưa đầy mười năm, mà phải là của mấy thế hệ trong nhiều thập kỷ. Hy vọng các thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục hoàn chỉnh sản phẩm đầu tiên còn thô phác này.

Từ năm 2004 đến năm 2007, đã xuất bản tổng số 75 tác phẩm sử thi. Mỗi tác phẩm sử thi được công bố bao gồm các nội dung sau:

+ ảnh chân dung nghệ nhân;

+ Bài giới thiệu của người biên tập văn học nhằm giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận tác phẩm;

+ Phần phiên âm tiếng dân tộc;

+ Phần dịch nghĩa tiếng Việt đã được biên tập văn học;

+ Phần chú thích, chú giải các từ cổ, địa danh,...

+ ảnh minh họa về con người, văn hoá tộc người chủ thể của sử thi và những hoạt động (sưu tầm, tặng sách,...) trong quá trình thực hiện Dự án.

Độ dài của từng tác phẩm sử thi trong một dân tộc và giữa các dân tộc không giống nhau. Có trường hợp một sử thi được in trong một tập (mỗi tập khoảng 1000 trang, khổ 16 x 24cm). Có trường hợp hai sử thi của một dân tộc in trong một tập. Có trường hợp một sử thi in thành hai tập. ở đầu mỗi tập sách đều ghi rõ họ tên nghệ nhân, người sưu tầm, người phiên âm và biên dịch, người biên tập văn học, đều có bài nói đầu của Trưởng ban Ban chỉ đạo Dự án và danh sách Ban chỉ đạo, Ban điều hành.

75 tác phẩm được in trong 62 tập với 60.400 trang in là một sự kiện lớn. Theo sự bình chọn của báo Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam), việc công bố 75 tác phẩm sử thi Tây Nguyên là một trong mười sự kiện văn hoá tiêu biểu của năm 2007, cũng là một trong mười sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu của năm 2007.

Dự án cho thấy Tây Nguyên và các vùng phụ cận là vùng đất đã tồn tại và đang lưu giữ một kho tàng sử thi vào loại phong phú, đồ sộ, vào loại hiếm có trên thế giới. Công tác sưu tầm được tiến hành tuy muộn nhưng đã giữ được phần lớn các tài sản văn hoá tinh thần. Trong quá trình thực hiện Dự án đã có hai nghệ nhân qua đời (nữ nghệ nhân Me Jéch ở Bình Phước, nghệ nhân Điểu Mpiơih ở Đắc Nông), hai nhà nghiên cứu, sưu tầm qua đời (Thạc sĩ Hứa Đông Hải ở Viện Nghiên cứu văn hoá và ông Nguyễn Thế Sang ở Khánh Hoà). Ông Điểu Kâu (sinh năm 1935) là một trí thức dân tộc Mơ Nông. Ông là người duy nhất đảm nhiệm việc phiên âm và biên dịch các sử thi Mơ Nông. Rất tiếc, ngày 28 tháng 8 năm 2008, ông đã qua đời. Giả sử 10 năm nữa, dù với số kinh phí dồi dào hơn, dù có những phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn, nếu một dự án tương tự như thế này được bắt đầu thì khó mà nói đến kết quả. Bởi vì đến lúc ấy hầu hết các nghệ nhân đã ra đi.

Thực hiện được Dự án là do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là quyết định sáng suốt của Chính phủ. Thứ hai là sự chỉ đạo đúng đắn của lãnh đạo Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ban chỉ đạo Dự án. Thứ ba là sự ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo và đồng bào các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận. Thứ tư là sự nỗ lực vượt bậc của tập thể Viện Nghiên cứu văn hoá và các cộng tác viên ở các Sở Văn hoá - Thông tin (Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Phước, Phú Yên, Ninh Thuận,...), các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, sự tham gia có hiệu quả của nhiều nhà chuyên môn ở Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Văn học, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.(39) Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến sự giúp đỡ, công tác tích cực của các nghệ nhân.

Các tập sách sử thi Tây Nguyên đã được gửi đến thư viện nhiều tỉnh, các trường đại học, đồng bào các tỉnh Tây Nguyên.

Trong khi Dự án chưa kết thúc, năm 2006, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phê duyệt và cấp kinh phí cho việc thực hiện đề tài cấp bộ Sử thi Tây Nguyên với cuộc sống đương đại - thực trạng, triển vọng và giải pháp do GS. TSKH. Phan Đăng Nhật làm chủ nhiệm, đề tài đã được tiến hành hai năm nay. Năm 2008, Viện Khoa học xã hội Việt Nam phê duyệt đề tài Một phương thức đưa sử thi Tây Nguyên trở về với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên do GS. TS. Nguyễn Xuân Kính làm chủ nhiệm. Nhiệm vụ của đề tài này là kể lại nội dung các tác phẩm sử thi bằng tiếng dân tộc và tiếng Việt, xuất bản thành sách khổ nhỏ, sau đó biếu tặng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Bên cạnh đó, để đưa sử thi Tây Nguyên trở về với đồng bào, còn có nhiều phương thức nữa cần được triển khai hoặc tiếp tục triển khai:

+ Mở lớp truyền dạy sử thi (do các nghệ nhân phụ trách) cho thanh niên thiếu niên;

+ Phân chia thành các chương khúc các áng sử thi đã được hát kể, sau đó phát trên đài phát thanh địa phương bằng tiếng dân tộc, một cách thường kỳ với thời lượng nhất định;

+ Đưa nội dung sử thi Tây Nguyên vào giảng dạy tại các trường nội trú, vào phần mềm (tức phần văn học dân gian địa phương) trong chương trình giảng dạy ở các trường cao đẳng sư phạm và đại học ở Tây Nguyên;

+ Chuyển tải nội dung tác phẩm sử thi thành truyện tranh, sau đó biếu tặng đồng bào.

Bên cạnh các hoạt động của Dự án sử thi Tây Nguyên, còn có những hoạt động khác đối với những sử thi khác ở những địa bàn khác. Năm 2003, Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố Chương Han sử thi Thái, do Phan Đăng Nhật, Nguyễn Ngọc Tuấn đồng chủ biên. Năm 2005, Nhà xuất bản Khoa học xã hội công bố Khủn Chưởng anh hùng ca Thái. Đây là tác phẩm sử thi sưu tầm ở miền tây Nghệ An do GS. TSKH. Phan Đăng Nhật làm chủ biên và ông Vi Văn Kỳ làm cố vấn.

Hiện nay, Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã phê duyệt một Dự án tiếp theo, cho phép Viện Nghiên cứu văn hoá biên dịch, biên tập văn học và xuất bản 25 tác phẩm sử thi Tây Nguyên nữa, trong kế hoạch công tác 2009 - 2011.

Trong giai đoạn từ năm 2001 đến nay gần tám năm. Số lượng sử thi được sưu tầm, biên dịch, xuất bản nhiều hơn các giai đoạn trước. Đặc biệt đối với kho tàng sử thi Tây Nguyên, chúng ta đã thực hiện một cuộc điều tra, sưu tầm rộng khắp và khá cơ bản. Bên cạnh kinh phí của nhà nước, công cuộc sưu tầm, nghiên cứu sử thi còn nhận được tài trợ của nước ngoài. Vai trò của nghệ nhân được chú trọng hơn trước. Không chỉ sưu tầm, xuất bản, các nhà quản lý, nhà khoa học còn tạo điều kiện để các nghệ nhân truyền dạy hát kể sử thi cho thế hệ trẻ. Khái niệm sử thi càng ngày càng trở nên quen thuộc trong giới học thuật và trong đời sống văn hoá - xã hội.

V. Một số nhận xét

1. Cho đến nay, quá trình sưu tầm và nhận thức lý luận đối với sử thi ở Việt Nam đã diễn ra được tám thập kỷ. Công lao đầu tiên thuộc về những người Pháp. Họ đã làm cho giới khoa học Pháp và những người muốn tìm hiểu văn hoá Việt Nam biết đến những áng sử thi Đăm Xăn và Đăm Di.

2. Nhà nước Việt Nam đã có những chính sách hết sức đúng đắn đối với tài sản văn hoá, văn nghệ dân gian các dân tộc ít người. Càng ngày, sự đầu tư cho công tác sưu tầm, xuất bản sử thi càng được chú ý hơn.

3. Trên cơ sở các tác phẩm đã được sưu tầm, công bố, trên cơ sở tiếp thu thành tựu của nước ngoài về lý luận sử thi, các nhà khoa học Việt Nam đúc kết lý luận trên thực tế Việt Nam, đã đưa những tri thức về sử thi vào trong sách giáo khoa phổ thông, vào giáo trình đại học, đã chứng minh một cách thuyết phục để thế giới biết đến kho tàng sử thi Việt Nam. Việc xếp các sử thi Ê Đê vào hệ thống sử thi cổ sơ của nhân loại do GS. Phan Đăng Nhật tiến hành đã được các nhà folklore học Bungari công nhận vào năm 1988. Về cuốn sách Sử thi Ê Đê của Phan Đăng Nhật, năm 1997, GS. TSKH. N. I. Niculin (1931 - 2006), một chuyên gia về văn học Việt Nam của Liên Xô cũ và của nước Nga hiện nay cho rằng "công trình khảo cứu nổi tiếng Sử thi Ê Đê của Phan Đăng Nhật có ý nghĩa khó có thể đánh giá được hết"(40). GS. Niculin cũng nhấn mạnh đến “ý nghĩa lớn lao” của bản luận án tiến sĩ ngữ văn về sử thi Tây Nguyên do PGS. Võ Quang Nhơn bảo vệ năm 1981. Những đóng góp của hai chuyên gia hàng đầu về sử thi của Việt Nam được đồng nghiệp trân trọng và Nhà nước ghi nhận xứng đáng. Năm 2001, Chủ tịch Nước tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm công trình Văn học dân gian các dân tộc ít người Việt Nam (1983) và Sử thi anh hùng Tây Nguyên (1997) của PGS. TS. Võ Quang Nhơn (1929 - 1995). Năm 2005, Chủ tịch Nước tặng Giải thưởng Nhà nước cho cụm công trình Sử thi Ê Đê (1991) và Vùng sử thi Tây Nguyên (1999) của GS. TSKH. Phan Đăng Nhật (sinh năm 1931).

4. Những nhận thức lý luận (trên cơ sở cập nhật những thành tựu lý luận của thế giới) đã giúp cho công tác sưu tầm sử thi trong những năm vừa qua đạt được kết quả tốt hơn các giai đoạn trước. Đồng thời, những kết quả sưu tầm sẽ điều chỉnh những nhận thức lý luận và là những cơ sở vững chắc để các nhà nghiên cứu đề xuất những vấn đề lý luận mới. Chẳng hạn, khi các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa sưu tầm và phiên dịch ở mức độ đáng kể sử thi của người Mơ Nông, năm 1997, GS. Phan Đăng Nhật cho rằng sử thi của Việt Nam tuy có nhiều tác phẩm, nhưng độ dài của tác phẩm lại ngắn (so với sử thi thế giới). Nhưng thực tế tài liệu sưu tầm được hiện nay đã giúp cho tác giả có những suy nghĩ khác trước. Cũng như vậy, chỉ sau khi sưu tầm, dịch nghĩa được hầu hết (chưa dám nói là toàn bộ) kho tàng sử thi Tây Nguyên thì giới nghiên cứu mới có thể trả lời được một cách chính xác hơn là có bao nhiêu tác phẩm sử thi. Một thí dụ khác, nhận thức của PGS. Chu Xuân Diên về chủ đề của sử thi Đăm Xănlà một quá trình 43 năm: từ năm 1960 (Nghiên cứu văn học, 1960), qua mốc năm 1983 (Từ điển văn học, tập I) đến năm 2003 (sách giáo khoa Ngữ văn 10). Nhận thức ấy được điều chỉnh, hoàn thiện dần theo thời gian.(41)

5. Dù còn nhiều việc phải làm, dù chúng tôi còn có hạn chế này hay hạn chế khác, nhưng trong việc sưu tầm, xuất bản, nhận thức lý luận đối với sử thi ở Việt Nam, trong đó có sử thi Tây Nguyên, các nghệ nhân, các nhà khoa học và những người làm công tác văn hoá ở địa phương đã có những đóng góp không nhỏ.

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2008

N.X.K

 

 

Chú thích:

* Đối với tác phẩm Đăm Xăn, có nhiều cách viết, cách phiên âm khác nhau. Khi cần trích dẫn nguyên văn, chúng tôi sẽ theo đúng nguyên bản. Hiện nay có nhiều cách phiên âm tên các dân tộc thiểu số. ở đây, chúng tôi dựa theo cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, GS. Hoàng Phê chủ biên, Nxb Đà Nẵng, 2002. Về học vị, chúng tôi dùng theo cách gọi hiện nay.

(1) Đinh Gia Khánh (1998) bài “Sử thi ở Việt Nam”, trong tập sách nhiều tác giả Sử thi Tây Nguyên, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 45 - 46.

(2) Phan Đăng Nhật (1998) bài "Nhìn lại quá trình sưu tầm, nghiên cứu sử thi Tây Nguyên trong bối cảnh sử thi Việt Nam", trong tập sách Sử thi Tây Nguyên, tr. 61.

Về Truyện Dạ Thoa vương, xin xem: Vũ Quỳnh, Kiều Phú (thế kỷ XV), Lĩnh Nam chích quái, Đinh Gia Khánh chủ biên, Nguyễn Ngọc San biên khảo, giới thiệu, Nxb Văn học, Hà Nội, 1990, tr. 113.

(3) Dẫn theo Phan Đăng Nhật (1998), bài đã dẫn, tr. 63.

(4) Phan Đăng Nhật (1998), bài đã dẫn, tr. 64.

(5) Phan Đăng Nhật (1998), bài đã dẫn, tr. 65.

(6) Phan Đăng Nhật (1998), bài đã dẫn, tr. 65 - 66.

(7) Hoàng Thiếu Sơn (1943), "Anh hùng ca Việt Nam", Tri tân, Hà Nội, số 123, tr. 14.

(8) Hoàng Thiếu Sơn (1943), bài đã dẫn, tr. 14.

(9) Hoàng Thiếu Sơn (1943), bài đã dẫn, tr. 14.

(10)Hoàng Thiếu Sơn (1943), bài đã dẫn, tr. 14.

(11) Hoàng Thiếu Sơn (1943), bài đã dẫn, tr. 15.

(12) ở Việt Nam, có một cách hiểu ước lệ: Khi nói văn học Việt Nam là nói đến văn học của người Việt (Kinh). Thí dụ cuốn sách Văn học Việt Nam thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII (Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, xuất bản năm 1978, tập I) chỉ đề cập đến văn học viết của người Việt. Để chỉ văn học các dân tộc ít người, người ta dùng cụm từ "các dân tộc ít người", hoặc "các dân tộc thiểu số", thí dụ tên cuốn sách sau của Võ Quang Nhơn: Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam (xuất bản năm 1983).

Năm 1991, GS. Phan Đăng Nhật hiểu chưa đúng bài viết này của GS. Hoàng Thiếu Sơn.

(13) Chu Xuân Diên (1960), "Tìm hiểu giá trị Bài ca chàng Đam San", Nghiên cứu văn học, Hà Nội, số 3, tr. 48.

(14) Y Điêng, Y Yung, Kơxo Blêu, Ngọc Anh dịch, Y Ngông Niê Kđăm giới thiệu (1963), Trường ca Tây Nguyên, Nxb Văn học, Hà Nội. Sách này còn có tác phẩm "Y Ban". Theo GS. Phan Đăng Nhật, nó không phải là sử thi.

(15) Nghệ thuật thơ ca, bản dịch của nhóm Lê Đăng Bảng, công bố lần đầu năm 1964. Tạp chí Văn học nước ngoài, cơ quan của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1997, số 1 đã tái bản bản dịch này, với sự hiệu đính của Đoàn Tử Huyến. Trong bản in năm 1964, tr. 32 có cụm từ và từ: nghệ thuật bắt chước, "sự bắt chước", "môi giới". ở bản in năm 1997, các cụm từ, từ đó được thay bằng nghệ thuật mô phỏng, "sự mô phỏng", "phương tiện", Tạp chí đã dẫn, tr. 182.

(16) Cao Huy Đỉnh (1969), Người anh hùng làng Dóng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 144 - 161.

(17) Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1973), Văn học dân gian, tập 2, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội. Tập sách này in lần thứ hai vào năm 1977 không sửa chữa, giữ đúng như lần in đầu. ở đây chúng tôi trích theo bản in lần thứ hai, tr. 53 - 54.

(18) Phan Đăng Nhật (1981) Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Nxb Văn hoá, Hà Nội, tr. 220 - 222, 227.

(19) Võ Quang Nhơn (1983), Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.

(20) Phan Ngọc (1986), "Đẻ đất đẻ nước, bản sử thi đầu tiên của nền văn học Việt - Mường", Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 4, tr. 27.

Xem thêm bài “Quá trình sử dụng thuật ngữ sử thi ở Việt Nam” của Nguyễn Xuân Kính, trong tập sách Sử thi Tây Nguyên (1998).

(21) Nguyễn Văn Hoàn chủ biên, Nguyễn Hữu Thấu, Hà Công Tài (1988), Đăm Săn sử thi Ê Đê, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 57.

(22) Đặng Văn Lung, Vương Anh, Hoàng Anh Nhân (1988), Đẻ đất đẻ nước sử thi Mường, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

(23) Đỗ Hồng Kỳ (2000), "Sử thi Mơ Nông", Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 4, tr. 21.

Theo tác giả Đỗ Hồng Kỳ, nhóm sưu tầm phát hiện được sử thi Mơ Nông vào cuối năm 1988. Còn theo ThS. Tô Đông Hải, đoàn sưu tầm phát hiện được sử thi Mơ Nông vào đầu năm 1989. Xin xem: Tô Đông Hải (2002), "Những phát hiện mới xung quanh sử thi nrong", Văn hoá dân gian, Hà Nội, số 4, tr. 31.

(24) Phan Đăng Nhật (1991), Sử thi Ê Đê, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 240 - 241.

(25) Đỗ Bình Trị (1991), Văn học dân gian Việt Nam, tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 46.

(26) Đỗ Bình Trị (1991), sách đã dẫn, tr. 103.

(27) Đỗ Bình Trị (1991), sách đã dẫn, tr. 106.

(28) Đỗ Bình Trị (1991), sách đã dẫn, tr. 195 - 205.

(29) Sách này in lần đầu năm 1961, với tên gọi Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, Tập I: Văn học dân gian.

(30) Nguyễn Đình Chú chủ biên, Đỗ Bình Trị (1994), Văn học 10, tập I, Ban Khoa học xã hội, Nxb Giáo dục, Hà Nội, in lần thứ hai, tr. 21.

(31) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 192 - 193.

Các tác giả chưa thoả đáng khi xếp Thánh Gióng, Sơn Tinh và Thuỷ Tinh vào cùng loại với Đăm Xăn, khi cho rằng đó là những tác phẩm “mang đặc trưng khá rõ nét của thể loại sử thi”.

(32) Đỗ Hồng Kỳ (1996), Sử thi thần thoại Mơ Nông, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 12.

(33) Đỗ Hồng Kỳ (1996), sách đã dẫn, tr. 159.

(34) Đinh Gia Khánh (1993), Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 250.

(35) Cuối năm 1994, trong chuyến đi công tác Quảng Tây (Trung Quốc) cùng với GS. Kiều Thu Hoạch, ThS. Tô Đông Hải, tôi được tặng cuốn sách này. Khi về Việt Nam, tôi đã biếu tặng GS. Phan Đăng Nhật.

(36) Phan Đăng Nhật (1998), bài đã dẫn, tr. 74.

(37) Phan Đăng Nhật (1998), bài đã dẫn, tr. 76.

(38) Trong bộ Tổng tập văn học Việt Nam (42 tập, Nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản trọn bộ, có sửa chữa, chỉnh lý, năm 2000, do GS. Đinh Gia Khánh làm Chủ tịch Hội đồng biên soạn) có ba tập do GS. Đặng Nghiêm Vạn chủ trì: tập 39, tập 40, tập 41. Tổng tập văn học Việt Nam có nhiệm vụ giới thiệu văn học viết Việt Nam từ thế kỉ X đến ngày 2 tháng 9 năm 1945, nhưng ở ba tập này các soạn giả đưa vào cả luật tục Ê Đê, luật tục Mơ Nông, “Tiễn dặn người yêu” (dân tộc Thái), “Vượt biển” (Tày), những bài hát đám cưới Tày, các sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, “Đăm Xăn”, “Đăm Noi”, “Xing Nhã”,... (Ba tập này in lần đầu vào năm 1996).

Năm 2002, trong bộ sách Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (Nxb Đà Nẵng, bốn tập, sáu quyển, GS. Đặng Nghiêm Vạn chủ biên), GS. Đặng Nghiêm Vạn vẫn tiếp tục khẳng định rằng: Quan niệm các tác phẩm sử thi là văn chương truyền miệng có giá trị như một thể loại văn học “bác học” (không phải dân gian) là một điều mới mẻ.

Chúng tôi đã nhiều lần trao đổi về vấn đề này: Trên tạp chí Văn hoá dân gian số 1 năm 2002 (bài “Những vấn đề đặt ra trong việc biên soạn Tổng tập văn học dân gian người Việt”), trên tạp chí Nguồn sáng dân gian số 1 năm 2002 (bài “Sử thi Việt Nam”), tại Hội nghị Thông báo Văn hoá dân gian năm 2003 (bài “Trở lại vấn đề dân gian hay không dân gian”).

Trong sách Khủn Chưởng anh hùng ca Thái (xuất bản năm 2005, tr. 23 - 26), GS. Phan Đăng Nhật đồng tình với chúng tôi và không chia sẻ quan niệm của GS. Đặng Nghiêm Vạn.

(39) Bên cạnh Dự án sử thi Tây Nguyên do Chính phủ cấp kinh phí, Viện Nghiên cứu văn hoá đã được tài trợ từ Quỹ Ford và đã tiến hành ba công việc sau:

1/ Tổ chức hai lớp đào tạo về phương pháp phiên âm và phiên dịch (năm 2002) với hơn 40 học viên, chủ yếu là người dân tộc, có sự tham gia của hai chuyên gia nước ngoài (Mỹ và Hungary).

2/ Đặc biệt là để chuẩn bị cán bộ trình độ cao và lâu dài, Viện Nghiên cứu văn hoá đã tổ chức lớp đào tạo trình độ cao học cho 12 em là người dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên khoá 2003 - 2005, với nguồn tài trợ của nước ngoài. Các em vừa học vừa tham gia Dự án sử thi và sau này sẽ là người tiếp tục công tác bảo tồn và phát huy di sản sử thi nói riêng và văn hoá nói chung ở địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

3/ Thử nghiệm mở các lớp truyền dạy sử thi, để các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy cách hát kể sử thi cho các thanh niên. Đã triển khai 5 lớp với tổng số học viên là 40 thanh niên nam nữ các dân tộc Ra Glai, Mơ Nông, Ê Đê, Ba Na, Xê Đăng. (Theo: GS. TS. Ngô Đức Thịnh (2005), Báo cáo sơ kết ba năm thực hiện Dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên).

(40) N. I. Niculin (1998), "Cuộc cầu hôn anh hùng trong sử thi Ê Đê và Ma Lai", trong tập sách nhiều tác giả Sử thi Tây Nguyên, sách đã dẫn, tr. 143.

    (41) Năm 1960, PGS. Chu Xuân Diên cho rằng, sử thi Đăm Xăn ca ngợi tinh thần và hành động quật khởi của Đăm Xăn chống lại khuôn khổ chật hẹp của xã hội đương thời, chống lại sức mạnh của phong tục tập quán (tục nối dây). Năm 1983, ông cho rằng, những hành động và chiến công của Đăm Xăn xoay quanh hai chủ đề chính. Đó là đấu tranh để thoát khỏi những ràng buộc của một tập tục hôn nhân theo chế độ mẫu quyền. Đó là đấu tranh chống những tù trưởng thù địch để bảo vệ cuộc sống và mở rộng địa bàn cư trú của bộ tộc. Năm 2003, ông cho rằng, sử thi anh hùng Tây Nguyên có ba đề tài chính: hôn nhân, chiến tranh và lao động xây dựng; trong đó đề tài chiến tranh quan trọng hơn cả, là đề tài trung tâm và thu hút các sự kiện của hai loại đề tài kia.

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020