Tóm tắt: Cuốn sách Cộng đồng tưởng tượng: nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc của Benedict Anderson được dịch ra tiếng Trung Quốc lần đầu năm 2003 và đã có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn Trung Quốc. Cũng như tiếp nhận các lí thuyết nước ngoài khác, việc tiếp nhận lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” ở quốc gia này trải qua các bước giới thiệu, dịch thuật, diễn giải, nghiên cứu lí thuyết và vận dụng vào thực tế trong nước.
1. Đặt vấn đề
Cuốn sách Cộng đồng tưởng tượng: nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc (viết tắt: Cộng đồng tưởng tượng) của Benedict Anderson xuất bản năm 1983, tái bản có sửa chữa năm 1991 (bổ sung phần Điều tra dân số, địa đồ, thư viện, Kí ức và lãng quên), là trước tác kinh điển bàn luận về chủ nghĩa dân tộc. Benedict Anderson suy tư sự trỗi dậy của những “cộng đồng tưởng tượng” trên toàn thế giới từ căn nguyên văn hóa và tình cảm dân tộc, sự trỗi dậy này được quyết định bởi: lãnh thổ hóa tín ngưỡng tôn giáo, sự suy thoái của các gia tộc vương triều cổ điển, sự thay đổi của quan niệm về thời gian, sự tác động lẫn nhau giữa chủ nghĩa tư bản và kĩ thuật in ấn, sự phát triển của phương ngữ quốc gia… Công trình này đã chạm đến nhiều lĩnh vực thuộc khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có vấn đề quan hệ giữa văn học và dân tộc – một trong những vấn đề được giới nghiên cứu văn học Trung Quốc quan tâm. Ở Việt Nam, năm 2018 Lưu Ngọc An đã công bố bản dịch cuốn sách này làm tài liệu lưu hành nội bộ, phục vụ nghiên cứu và giảng dạy. Tuy số lượng bản in còn hết sức hạn chế, nhưng nỗ lực dịch và công bố công trình Cộng đồng tưởng tượng của Anderson cho thấy lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” đang ngày một “nóng” lên ở nước ta. Tình hình Việt Nam và Trung Quốc thế kỉ 20 có nhiều điểm tương đồng, do đó, nghiên cứu tiếp nhận lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” của Anderson trong nghiên cứu văn học nghệ thuật ở Trung Quốc không chỉ cho thấy cuộc du hành của lí thuyết này ở một quốc gia khác mà còn mang lại gợi ý cho nghiên cứu vận dụng ở nước ta. Bài viết này chủ yếu dựa trên các tài liệu có thể tìm thấy trên trang baidu.com và cnki.net nên chắc chắn chưa thể bao quát toàn diện, chỉ dừng lại ở mức độ phác thảo diện mạo.
Lộ trình du hành của một lí thuyết đến một nước khác, thường đi qua những chặng như giới thiệu, dịch thuật, nghiên cứu, vận dụng. Cộng đồng tưởng tượng của Benedict Anderson đến Trung Quốc về cơ bản cũng theo lộ trình đó.
2Giới thiệu, dịch thuật và nghiên cứu lí thuyết
Năm 2003 Ngô Duệ Nhân công bố bản dịch tiếng Trung cuốn Cộng đồng tưởng tượng (Nxb Nhân dân Thượng Hải). Ngô Duệ Nhân dịch từ bản tiếng Anh chỉnh sửa năm 1991, nhưng lại không dịch chương 9 Thiên sứ của lịch sử. Năm 2011, dịch giả cho tái bản có chỉnh sửa trên cơ sở bản tiếng Anh năm 2006, phục hồi lại chương 9 và bổ sung phần Du hành và giao thông: địa lí của “cộng đồng tưởng tượng”. Lần chỉnh sửa gần nhất là năm 2016- bài diễn thuyết của Anderson ở đến Trung Quốc năm 2014 được đưa vàophần phụ lục Khó khăn mới trong nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc và Khó khăn trong ý thức căn cước của người Hoa ở Đông Nam Á – trường hợp Thái Lan đồng thời bổ sung lời nói đầu Vấn đề cũ và khó khăn mới trong nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc – Về nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc của Anderson. So với các công trình lí thuyết khác, như cuốn Going Away to think Engaement, Retreat, and Ecocritical Responsibility của Scott Slovic do Nxb. Đại học Nevada xuất bản năm 2008, (dịch và xuất bản ở Trung Quốc năm 2010), thì cuốn Cộng đồng tưởng tượng được giới thiệu ở Trung Quốc không phải là cập nhật. Nhưng khi xuất hiện ở Trung Quốc công trình này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. “Sau khi bản dịch Cộng đồng tưởng tượng của Benedict Anderson xuất bản ở Trung Quốc nó đã nhanh chóng trở thành cuốn sách lí luận có ảnh hưởng lớn. So với những trước tác lí luận về chủ nghĩa dân tộc trước đó, Cộng đồng tưởng tượng chủ yếu ảnh hưởng đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhân văn, đặc biệt là nghiên cứu văn học, ’Cộng đồng tưởng tượn’ dường như trở thành một phạm thức nghiên cứu được đông đảo mọi người thừa nhận và lưu hành khá phổ biến trong mấy năm gần đây”[6, tr.15].
Trước và sau khi cuốn sách của Anderson được dịch ra tiếng Trung Quốc đã có những bài viết giới thiệu như “Chủ nghĩa dân tộc – cộng đồng tưởng tượng”của Triệu Hưng Đào (Động thái lí luận nước ngoài, 2003), “Quốc tộc tưởng tượng – một hướng mới trong nghiên cứu lịch sử chủ nghĩa dân tộc” của Phùng Phong (Tóm tắt khoa học xã hội, 2003); “Cộng đồng tưởng tượng và khó khăn trong nghiên cứu chủ nghĩa dân tộc phương Tây hiện đại” của Trâu Tán, Âu Dương Khả Tinh (Tạp chí khoa học, Đại học Dân tộc Trung Nam, 2011); “Dân tộc: tưởng tượng xuyên thời gian không gian – Đọc Cộng đồng tưởng tượng bản chỉnh sửa” của Trang Khanh (Tạp chí khoa học, Học viện Sư phạm Miên Dương, 2016)…
Từ góc độ lí thuyết, các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc tập trung vào vấn đề “tưởng tượng” và “tự sự”, nghiên cứu cơ chế và nguyên lí tưởng tượng về cộng đồng dân tộc và phân tích về cách thức thực hiện của nó. Các nghiên cứu theo hướng này chủ yếu dừng lại ở việc diễn giải tư tưởng của Anderson. Tiêu biểu cho hướng nghiên cứu này là “Tưởng tượng dân tộc và nhận biết văn học” của Sử Vân Vân; “Bàn về nhận biết dân tộc trong ngữ cảnh tự sự văn học” của Đào Quốc Sơn. Sử Vân Vân cho rằng, “từ ý nghĩa của tính chủ thể có thể thấy, nhận biết là quá trình xây dựng tính chủ thể thông qua tưởng tượng về khách thể của con người. Từ sau thế kỉ 18, khách thể và phương thức của tưởng tượng có sự thay đổi: dân tộc thay thế thượng đế, trở thành khách thể mới của tưởng tượng của chúng ta; phương ngôn khẩu ngữ thay thế ngôn ngữ thần thánh, trở thành phương thức mới của tưởng tượng của chúng ta. Văn học đã bổ sung chức năng chỉ xưng của ngôn ngữ, đã hỗ trợ cho tưởng tượng dân tộc và xây dựng quốc gia dân tộc trên toàn thế giới với một sức mạnh to lớn, văn học mới của Trung Quốc là một ví dụ tiêu biểu. Cuối cùng, người viết đề xuất, “nhận biết văn học” là “quá trình con người lấy văn học làm khách thể tưởng tượng xây dựng tính chủ thể”[11, tr.161]. Quách Vy trong “Cộng đồng tưởng tượng và sự phát triển của văn học dân tộc đương đại” đã tóm lược nội dung và phương thức tưởng tượng của Anderson: dân tộc là một hiện tượng văn hóa tầng sâu, là sản phẩm văn hóa do con người tạo ra thông qua sáng tạo của mình. Do đó, muốn tìm hiểu hàm nghĩa của chủ nghĩa dân tộc thực sự thì không chỉ thông qua phương diện hình thái chính trị và hình thái ý thức… mà cần phải thông qua nghiên cứu văn hóa. Khái niệm “tưởng tượng” mà Anderson sử dụng không có ý nói dân tộc là sản phẩm của ý thức hư giả, ngược lại ông cho rằng dân tộc là một “sự thực xã hội trên phương diện tâm lí xã hội”, có khả năng đánh thức cảm giác về số phận lịch sử một cách mãnh liệt trong trái tim mỗi người, từ đó khiến mọi người có thể cảm nhận được sự tồn tại của cộng đồng trong hình tượng dân tộc [12, tr.39].
Luận văn thạc sĩ Tiểu thuyết và dân tộc – Nghiên cứu lí thuyết Cộng đồng tưởng tượng của B.Anderson, chuyên ngành lí luận văn học của Lý Đông Hải năm 2018 đã tổng kết, kế thừa thành tựu của các nhà nghiên cứu trước đó, và xoáy sâu vào vấn đề quan hệ giữa văn học và dân tộc – một vấn đề hạt nhân trong lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” của Anderson. Luận văn đã nghiên cứu hạt nhân của lí thuyết cộng đồng tưởng tượng, chỉ ra ngữ cảnh xã hội và ngữ cảnh học thuật dẫn đến sự ra đời của lí thuyết này; trên cơ sở quan niệm về “tính đồng thời” – một yếu tố mấu chốt trong “tưởng tượng” và quan hệ giữa nó với hoạt động văn học, nghiên cứu cơ chế phát huy vai trò của tiểu thuyết trong xây dựng cộng đồng tưởng tượng từ ba góc độ tự sự văn học, in ấn, ngôn ngữ và xây dựng quần thể người đọc để trả lời cho vấn đề vì sao cộng đồng tưởng tượng dân tộc lại có thể thực hiện được; luận văn hướng tới hai từ khóa là “nhận biết” và “mô phỏng”, nghiên cứu quan hệ giữa văn học và sự nhận biết, dân tộc và sự nhận biết, chuyển biến từ mô phỏng văn học sang mô phỏng văn hóa trong thi học mô phỏng của tiểu thuyết; và cuối cùng là phản tư về lí thuyết cộng đồng tưởng tượng của Aderson. Có thể nói, luận văn này đã diễn giải tương đối tỉ mỉ quan điểm của Anderson về quan hệ giữa văn học và dân tộc cùng những khái niệm lí luận liên quan.
Bên cạnh việc thừa nhận giá trị của lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” trong nghiên cứu vấn đề văn học và dân tộc, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng chỉ ra những hạn chế của lí thuyết này, đặc biệt là khi vận dụng nghiên cứu thực tiễn trong nước. Ngô Thư Khiết đã viết: “Nếu nói sự xuất hiện của tiểu thuyết ở Châu Âu thế kỉ 18 đã thúc đẩy sự thay đổi cuối cùng trong quan niệm về thời gian, thế thì tiểu thuyết mới ở Trung Quốc cận đại đã mang lại sự chuyển biến được gọi là “phương thức lí giải thế giới” trên ý nghĩa gì?” Lý Dương khi nghiên cứu về văn học Vãn Thanh đã nhận ra, ‘đối với người Trung Quốc thời Vãn Thanh, ‘hiện đại’ về căn bản không phải là khái niệm ‘thời gian’ như cách hiểu của chúng ta hiện nay, mà là một phạm trù ‘không gian’ không hơn không kém. Nếu đúng là như vậy thì tác dụng của tiểu thuyết mới đối với ‘cộng đồng tưởng tượng’ rất đáng để chúng ta suy nghĩ tiếp”[6, tr.17]. Kế thừa các thành tựu nghiên cứu trước, Lý Đông Hải trong luận văn của mình đã tiến hành phản tư về lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” của Anderson. Trước hết là vấn đề chủ thể tham gia vào việc xây dựng nhận biết căn cước và trở thành “cộng đồng tưởng tượng”? Lý Đông Hải Cho rằng lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” của Anderson “không dành cho cá thể một không gian đầy đủ…”. Trên thực tế, lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” không mô tả được một cộng đồng với các nhu cầu vô cùng đa dạng, mà chỉ xây dựng hình ảnh một cộng đồng không tình cảm, ý chí, kí ức, được tạo nên từ một hệ thống các nhân tố xã hội như biện pháp kinh tế, hệ thống hành chính, và mất đi tính chủ thể, tính đa dạng và tính khác biệt”[5, tr.52-53]. Lý Đông Hải cũng chỉ ra trong nghiên cứu của Anderson, “tiểu thuyết” mà ông sử dụng chủ yếu là “tiểu thuyết phương Tây”, có đặc điểm rất khác so với tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc. Cụ thể là, tác phẩm văn học thời kì đầu của các nhà văn Ngũ Tứ phần lớn là truyện ngắn (Lý Âu Phạn), do đó rất khác so với tiểu thuyết chủ nghĩa hiện thực phương Tây mà Anderson nhắc đến; tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc thời kì Ngũ Tứ nghiêng sang ghi chép một cách ngắn gọn và tái hiện tình cảm, cho dù thập niên 20 đã có sự chuyển hướng từ biểu hiện bản thân sang tái hiện hiện thực, nhưng thiên sang biểu hiện tình cảm chủ quan của cá thể vẫn là đặc điểm nổi bật. Chính điều này đã khiến mức độ tái hiện nội dung dân tộc một cách chân thực, tinh tế của tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc giảm đi, kéo theo việc liên hệ giữa thế giới trong tiểu thuyết và thế giới đời sống hiện thực, việc sản sinh quan niệm “tính đồng thời” của người đọc cũng trở nên khó khăn. Vì thế, phương diện tưởng tượng văn hóa trong cộng đồng dân tộc của tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc và tiểu thuyết phương Tây có sự vênh lệch, điều đó cho thấy lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” cũng có giới hạn nhất định khi lí giải về tiểu thuyết hiện đại Trung Quốc và quan niệm dân tộc. Ngoài ra, cơ sở quan trọng để tiểu thuyết tưởng tượng dân tộc có thể vận hành là chủ nghĩa tư bản in ấn, trong bối cảnh cụ thể của Trung Quốc cũng tồn tại tính đặc thù. Một mặt, Trung Quốc cận đại chưa bao giờ hoàn toàn rơi vào tình cảnh của một quốc gia thuộc địa, có nghĩa là không tồn tại một chủ thể chính phủ thuộc địa độc lập thi hành chính sách quản chế hành chính; mặt khác, chủ nghĩa tư bản in ấn Trung Quốc cận đại có nhiều hạn chế khiến đông đảo quần chúng rất khó tham gia vào quá trình tưởng tượng dân tộc. Do đó, có thể thấy tính phức tạp của vấn đề dân tộc và chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đã vượt qua cả khung lí luận cộng đồng tưởng tượng [5, tr.55-56].
Theo khảo sát của Lý Đông Hải, nghiên cứu cộng đồng tưởng tượng ở Trung Quốc diễn ra tương đối muộn, mới chỉ khoảng mười năm nay và thành quả không nhiều, khảo sát tên cnki.net cho thấy chỉ có hơn 400 bài, hơn 100 luận văn luận án, nhưng chủ yếu là trích dẫn, vận dụng lí thuyết, còn trực tiếp nghiên cứu lí thuyết rất ít, và nếu có nghiên cứu bản thân lí thuyết thì cũng không sâu [7]. Tuy nhiên, đối với một lí thuyết ngoại lai, việc dịch, giới thiệu, tìm hiểu đúng bản chất của nó là bước khởi đầu quan trọng, tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo. Để có thể tiến hành đối thoại với các học giả nước ngoài về vấn đề lí thuyết, các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc đã xuất phát từ thực tiễn văn học, dân tộc của nước mình. Đây là một hướng nghiên cứu có tính khả thi cao nhằm giải quyết độ vênh giữa lí thuyết ngoại lai và thực tiễn trong nước, từ đó bổ sung cho lí thuyết. Đối với các lí thuyết khác, chẳng hạn như tự sự học, Dương Nghĩa, Thân Đan, Triệu Nghị Hành… đều xuất phát từ thực tiễn văn học Trung Quốc với sự phong phú, đa dạng, phức tạp và khác biệt với thực tiễn văn học Âu Mĩ để tiến hành đối thoại về lí thuyết với học giả nước ngoài. Đây là gợi mở quan trọng cho những người nghiên cứu khi tiếp nhận lí thuyết văn học nước ngoài.
3. Vận dụng lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” nghiên cứu văn học Trung Quốc
Nghiên cứu “văn học hiện đại Trung Quốc và tưởng tượng quốc gia dân tộc hiện đại” bắt đầu từ các nhà nghiên cứu hải ngoại, như Lưu Hòa trong cuốn Văn bản, phê bình và văn học quốc gia dân tộc (1998), Vương Đức Uy trong lời nói đầu cuốn Phương pháp tưởng tượng Trung Quốc (1998). Khi nghiên cứu về văn học hiện đại Trung Quốc từ thời Ngũ Tứ, Lưu Hòa chỉ ra nghiên cứu văn học Trung Quốc thế kỉ 20 đã bỏ qua vấn đề văn học tham gia vào việc sản sinh ý thức quốc gia hiện đại; còn Vương Đức Uy khẳng định vai trò của tiểu thuyết trong tưởng tượng quốc gia dân tộc. Những nghiên cứu này đã tác động rất lớn đến nghiên cứu văn học trong nước. Từ thập niên 80, giới nghiên cứu văn học Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến quan hệ giữa “tính hiện đại” và văn học, vì thế họ tập trung nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc, trào lưu văn học, báo chí, truyền thông in ấn và các sự kiện văn hóa để thấy được vai trò của văn học hiện đương đại trong việc xây dựng quốc gia dân tộc. Trong hướng nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã vận dụng lí thuyết cộng đồng tưởng tượng của Anderson vào thực tế trong nước, từ đó làm sâu sắc thêm những bàn luận về quan hệ giữa văn học và dân tộc.
Các nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc đã dùng lí thuyết cộng đồng tưởng tượng để bàn về vấn đề “văn học hiện đại” Trung Quốc và “xây dựng quốc gia dân tộc hiện đại”, các thời kì văn học, loại hình văn học, thể loại văn học, hiện tượng văn học cụ thể. Ví dụ như “Tính dân tộc hiện đại và tính hiện đại của dân tộc – Bàn về quy phạm giá trị văn học hiện đại Trung Quốc” (Diễn đàn Phúc Kiến, số 4/2000) của Chu Đức Phát, “Sự đứt lìa và tái hợp của tính hiện đại và quốc gia dân tộc hiện đại ở Trung Quốc”(Nguyệt san học thuật, số 1/2001) của Dương Xuân Thời, “Tự sự quốc gia dân tộc và nhận biết văn hóa trong văn học hiện đại Trung Quốc” (Tạp san Tề Lỗ, số 3/2002) của Cảnh Truyền Minh, “Văn học Trung Quốc mới với tư cách là tưởng tượng quốc gia dân tộc” (Tạp chí khoa học, Đại học Sư phạm Quý Châu, số 1/2005) của Dương Hậu Quân. Trong bài viết của mình, Dương Hậu Quân đã dựa trên lí thuyết cộng đồng tưởng tượng để “giới thuyết về văn học Trung Quốc mới”; “bàn về tưởng tượng quốc gia dân tộc”; “khảo sát quan hệ giữa văn học Trung Quốc mới và tưởng tượng quốc gia dân tộc”; “tìm hiểu ý nghĩa hiện thực của văn học Trung Quốc mới từ góc độ tưởng tượng quốc gia dân tộc”. Từ đó tác giả khẳng định: “Văn học hôm nay so với văn học Trung Quốc mới đã khác rất nhiều, nhưng chúng ta cần phải nhận thức một cách tỉnh táo rằng, văn học vẫn là phương thức tưởng tượng hiện đại về quốc gia dân tộc của chúng ta, dù nội dung và phương thức cụ thể trong tưởng tượng của chúng có sự thay đổi, nhưng phẩm cách hiện đại như vậy lại vẫn là thứ có trong văn học của chúng ta”[9, tr.99]. Bài viết của Sử Vân Vân triển khai trên các mục như: “Thượng đế và tưởng tượng”; “Dân tộc và tưởng tượng”; “Chuyển hướng ngôn ngữ học”; “Khảo sát trường hợp Trung Quốc”…. Qua đó, tác giả diễn giải một số khía cạnh của lí thuyết cộng đồng tưởng tượng, nhấn mạnh vai trò của ngôn ngữ và văn học trong tưởng tượng quốc gia dân tộc. Khảo sát trường hợp Trung Quốc, Sử Vân Vân cho rằng: “Trong lịch sử cận đại Trung Quốc, văn học đã phát huy vai trò quan trọng trong phong trào chủ nghĩa dân tộc, trong sự ra đời của khái niệm ‘dân tộc Trung hoa’, ‘quốc dân Trung Hoa’, ‘Nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa”[11, tr.168]. Tác giả chỉ ra, ở Trung Quốc cận đại, quá trình mọi người xây dựng tính chủ thể bằng tưởng tượng về dân tộc thông qua phương thức văn học có thể chia thành các bước sau: “trước hết, thông qua tưởng tượng văn học, muốn xây dựng cộng đồng “dân tộc”. Cụ thể là phong trào văn học cứu quốc với thanh thế to lớn. Cuối thời nhà Thanh đầu thời kì Dân Quốc, Chương Thái Viêm, Lương Khải Siêu, Hồ Thích, Lỗ Tấn, Chu Tác Nhân… từng đề xướng chủ trương dùng văn học để “làm mới người dân” nhằm đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ bị diệt vong. Họ liên kết cách mạng văn học với cải tạo xã hội, xây dựng tinh thần quốc dân mới, xây dựng văn hóa tư tưởng hiện đại, kêu gọi xây dựng văn học mới, làm nổi bật tầm quan trọng đến mức cực đoan của văn học”[10, tr.169]. Tác giả cho rằng trước đó, Trung Quốc không có “quốc gia”, “dân tộc” theo ý nghĩa hiện đại. Hoạt động tuyên truyền của văn học khiến cho các khái niệm như “dân tộc”, “tính quốc dân”, “dân tộc Trung Hoa”… hỗ trợ đắc lực cho phong trào chủ nghĩa dân tộc, xây dựng tưởng tượng về cộng đồng dân tộc một cách có hiệu quả. Theo Sử Vân Vân, bước tiếp theo là “thông qua cộng đồng dân tộc xây dựng tính chủ thể của cá nhân. Trong tác phẩm sáng tác, nhà văn tiến hành biểu đạt “dân tộc trong tưởng tượng, thể hiện tình cảm có liên quan”[11, tr.169]. Tác giả tái khẳng định quan điểm của Anderson: “Dù là dân tộc nhỏ nhất, thành viên của nó cũng không thể quan biết phần lớn đồng bào của họ, thậm chí còn chưa từng nghe qua, tuy nhiên, ý tượng của sự liên kết tương hỗ giữa họ lại tồn tại trong tim mỗi thành viên”[1, tr.6]. Đào Quốc Sơn cho rằng “Tự sự văn học đã tập hợp thành viên xã hội có bối cảnh tương đồng, thúc đẩy sự hình thành bản thân tập thể. Trần thuật văn học có liên quan đến dân tộc đã biểu trưng cho nhận biết dân tộc được gọi là cộng đồng tưởng tượng”[10, tr.91]. Đào Quốc Sơn lấy trường hợp trần thuật của sử thi để bàn về tự sự văn học, khẳng định sáng tác văn học với hình thức chủ đạo là sử thi ở những quốc gia dân tộc thời kì đầu chính là một phương thức quan trọng trong việc xây dựng nhận biết dân tộc. Tác giả cho rằng, biểu hiện của nhận biết dân tộc trong văn học thường là một loại tái hiện, Trung Quốc cận đại đối diện với nguy cơ quốc gia dân tộc, văn học đã trở thành một phương thức biểu đạt chủ yếu nhất của nhận biết dân tộc. “Tự sự dân tộc trở thành mô hình chủ đạo của tự sự mang tính hiện đại của văn học cận hiện đại Trung Quốc”[10, tr.93]. Tác giả cũng chỉ ra Nhật kí người điên của Lỗ Tấn, Trầm luân của Úc Đạt Phu, Tứ đại đồng đường của Lão Xá… đều là những kì vọng mà tự sự dân tộc muốn biểu đạt. Tính dân tộc mà họ muốn biểu đạt thực chất là muốn xây dựng nhận biết dân tộc, muốn bày tỏ tình cảm mạnh mẽ về quốc gia, dân tộc, muốn đánh thức ý thức cứu vớt dân tộc và nhận biết dân tộc trong mỗi người. Tác phẩm văn học xuất sắc luôn là sự thể hiện vô thức tập thể dân tộc, là tiêu chí của nhận biết văn hóa dân tộc. Thông qua tự sự văn học nhận biết dân tộc được tái hiện, và cũng chính thông qua tái hiện dân tộc mình mà các thành viên của dân tộc có thể kết nối được với nhau.
Theo Ngô Thư Khiết, sau khi cuốn Cộng đồng tưởng tượng được dịch ra tiếng Trung thì nó đã nhanh chóng tham dự vào cuộc thảo luận về “tính hiện đại” trong nghiên cứu văn học đương đại. Trên cơ sở nghiên cứu bước chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại từ thời Vãn Thanh trong lịch sử Trung Quốc, tác giả khẳng định “Tưởng tượng quốc gia dân tộc từ thời Vãn Thanh trở lại đây có thể coi là một mắt xích quan trọng đánh dấu việc Trung Quốc có được tính chủ thể hiện đại trong thế kỉ 20”. Ngô Thư Khiết khẳng định “Tính gợi mở lớn nhất trong lí luận về “cộng đồng tưởng tượng” thể hiện ở chỗ Anderson đã phát hiện ra vai trò của phương tiện truyền thông trong quá trình xây dựng tưởng tượng về quốc gia dân tộc”[6, tr.15-16]. Trong “Tưởng tượng quốc gia dân tộc và văn học hiện đại Trung Quốc”, Khang Tân Niên cho rằng, “tưởng tượng và sáng tạo “Trung Quốc mới” là chủ đề quan trọng nhất của văn học hiện đại Trung Quốc. Văn học hiện đại Trung Quốc đã phát huy vai trò quan trọng trong việc sang tạo và xây dựng quốc gia dân tộc Trung Quốc hiện đại. Và cùng với điều đó, nội dung và hình thức biểu đạt của văn học hiện đại Trung Quốc đều có sự thay đổi căn bản, sâu sắc”[7, tr.34]..
Như vậy, khi vận dụng lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” vào nghiên cứu thực tiễn văn học trong nước, các nhà nghiên cứu Trung Quốc chủ yếu tập trung vào vấn đề “văn học hiện đại Trung Quốc và tưởng tượng quốc gia dân tộc hiện đại”, mang đến một góc nhìn mới cho nghiên cứu văn học hiện đại Trung Quốc.
4. Nghiên cứu điện ảnh từ lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng”
Ở Trung Quốc, khi tiếp nhận một lí thuyết văn học nước ngoài, bên cạnh việc vận dụng vào nghiên cứu thực tiễn văn học trong nước thì thường có xu hướng mở rộng phạm vi vận dụng. Chẳng hạn, Mĩ học tiếp nhận được vận dụng nghiên cứu các loại hình nghệ thuật khác, nghiên cứu lĩnh vực dịch thuật, giảng dạy văn học trong nhà trường, thời trang… Lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” cũng được vận dụng nghiên cứu các loại hình nghệ thuật khác, đặc biệt là điện ảnh. Lưu Diệu Vinh trong “Từ anh hùng trưởng thành đến tưởng tượng dân tộc – nghiên cứu sự xây dựng tưởng tượng dân tộc trong phim Truy phong giả” đăng trên Văn nghệ đại chúng số 9/2017 đã cho rằng, trong phim tình báo thường gặp hình tượng anh hùng hi sinh mình cho tập thể hoặc cho lợi ích quốc gia, ẩn sau hành động của họ là sự sùng kính vô bờ đối với đại nghĩa và quốc gia. Tác giả đã thông qua hình tượng nhân vật trong Truy phong giả và kí ức lịch sử, lựa chọn nghi thức trong bộ phim, dung hợp loại hình và thể hiện chủ đề… để phân tích vì sao họ tự nguyện hi sinh. Đồng thời sử dụng quan điểm cộng đồng tưởng tượng của Anderson để phân tích sự xây dựng tưởng tượng dân tộc của bộ phim [13, tr.189]. Trong đó đạo diễn đã xây dựng hình tượng anh hùng có xuất thân là người bình thường, thậm chí là người khiếm thị và tồn tại như một dãy số trong điện báo như muốn ám chỉ mỗi cá nhân chỉ là một kí hiệu trong tập thể. Lưu Vân Đan trong “Tưởng tượng và tưởng tượng quá độ – bàn về truyền bá truyền hình điện ảnh và cộng đồng tưởng tượng dân tộc”đã khẳng định quan hệ giữa truyền bá truyền hình điện ảnh và dân tộc cộng đồng tưởng tượng là một vấn đề đáng được chú ý nghiên cứu. Bài viết đã bàn luận về vấn đề này từ ý nghĩa tích cực của khái niệm dân tộc cộng đồng tưởng tượng; từ vai trò kiến tạo dân tộc cộng đồng tưởng tượng của truyền bá điện ảnh truyền hình, từ vấn đề tưởng tượng quá độ. Lưu Vân Đan cho rằng cộng đồng tồn tại thực tế là bản chất, tác dụng của tưởng tượng là ngưng tụ và tăng cường cộng đồng đó, mà truyền bá điện ảnh truyền hình với đặc điểm và ưu thế tự thân có thể có vai trò riêng trong việc phát huy dân tộc cộng đồng tưởng tượng[3, tr.52]. Ngô Đồng trong “Tản cứ và cộng đồng tưởng tượng – phân tích căn cước văn hóa phụ thân trong phim Thôi thủ” cho rằng tác phẩm Thôi thủ của Lý An để thể hiện sự va chạm giữa văn hóa Trung Quốc và phương Tây và khó khăn của căn cước văn hóa phụ thân. Từ góc độ nhân loại học văn hóa khảo sát vấn đề căn cước văn hóa và xung đột văn hóa được thể hiện trong bộ phim. Nghiên cứu cho thấy, trong tiến trình toàn cầu hóa, siêu thị văn hóa toàn cầu đã gạt bỏ đặc điểm văn hóa truyền thống Trung Quốc, hóa giải căn cước văn hóa phụ thân trong kết cấu phụ quyền truyền thống Trung Quốc. Trong việc kiên trì biểu diễn nghi thức văn hóa và thương lượng căn cước văn hóa, căn cước văn hóa phụ thân Trung Quốc được trùng cấu[4, tr.81]. Vương Như trong “Giải cấu trúc cộng đồng tưởng tượng – bàn về phim Sắc giới”[22] cho rằng với cái kết thúc thắng lợi thuộc về Hán gian còn thất bại thuộc về người làm cách mạng Lý An đã diễn giải về chủ nghĩa dân tộc, đây là quá trình giải cấu trúc cộng đồng tưởng tượng. Lưu Huy Vinh trong “Bàn về phim võ hiệp và dân tộc cộng đồng tưởng tượng” cho rằng phim võ hiệp đã trở thành phương thức đặc thù trong dân tộc Trung Hoa tưởng tượng. Bài viết kết hợp tự sự lịch sử về hiệp khách, phân tích biểu đạt tưởng tượng dân tộc trong phim, suy nghĩ về việc phim võ hiệp đã xây dựng dân tộc cộng đồng tưởng tượng như thế nào từ phương diện không gian mang tính dân tộc, hình tượng hiệp khách, ý tượng dân tộc… đồng thời xem xét xem tưởng tượng võ hiệp làm thế nào để có thể đi từ nguyên mẫu chân thực đến tưởng tượng kí hiệu và “thiên nhiên thế giới ngữ” của người Hoa, làm thế nào để biến từ giải trí đại chúng thành dân tộc cộng đồng tưởng tượng [14, tr.15]. Các nghiên cứu mang tính vận dụng này số lượng nhiều, chủ yếu dừng lại ở việc diễn dịch cơ sở lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng”, cho thấy lí thuyết của Anderson có tính ứng dụng cao, giải quyết nhiều vấn đề của thực tiễn văn hóa văn học.
5. Kết luận
Lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” của Anderson đã mang đến một góc nhìn mới về vấn đề quan hệ giữa văn học và dân tộc. Cũng giống như tiếp nhận các lí thuyết khác, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cố gắng giới thiệu, dịch thuật, tìm hiểu bản chất, diễn giải lí thuyết và vận dụng vào nghiên cứu thực tiễn văn học trong nước. Nghiên cứu vận dụng lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” ở Trung Quốc đã diễn ra hơn 10 năm nay, còn ở Việt Nam mới chỉ là bắt đầu. Vì thế, thực tiễn tiếp nhận lí thuyết này ở Trung Quốc có thể mang đến những gợi mở cho nghiên cứu văn học ở Việt Nam. Chúng ta có thể vận dụng lí thuyết “cộng đồng tưởng tượng” để nghiên cứu quan hệ giữa văn học Việt Nam đầu thế kỉ 20 và việc xây dựng quốc gia dân tộc hiện đại…, nghiên cứu quan hệ giữa văn học và dân tộc trong các giai đoạn văn học, vận dụng nghiên cứu các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật khác…, nhưng cần cố gắng tránh việc vận dụng lí thuyết nước ngoài một cách máy móc.
(Bài đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 6 năm 2019)
Tài liệu tham khảo
[1] B.Anderson (2011), “Cộng đồng tưởng tượng: Nguồn gốc và sự lan truyền của chủ nghĩa dân tộc” (Ngô Duệ Nhân dịch), Nxb. Nhân dân Thượng Hải.
[2] Châu Bân (2009), “Đọc nhận biết dân tộc của Thẩm Tùng Văn trong ngữ cảnh tô giới”, Tạp chí khoa học, Đại học sư phạm Quý Châu, số 2.
[3] Lưu Vân Đan (2015), “Tưởng tượng và tưởng tượng quá độ – bàn về truyền bá truyền hình điện ảnh và cộng đồng tưởng tượng dân tộc”, Tạp chí khoa học, Đại học Báo chí, số 131.
[4] Ngô Đồng (2010), “Tản cứ và cộng đồng tưởng tượng – phân tích căn cước văn hóa phụ thân trong phim Thôi thủ”, Văn nghệ đại chúng, số 13.
[5] Lý Đông Hải (2018), “Tiểu thuyết và dân tộc – Nghiên cứu lí thuyết Cộng đồng tưởng tượng của B.Anderson”, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hoa Trung.
[6] Ngô Thư Khiết (2009), “Đọc lại ‘Cộng đồng tưởng tượng”, Lí luận và phê bình văn học nghệ thuật, số 6.
[7] Khang Tân Niên (2003), “Tưởng tượng quốc gia dân tộc và văn học hiện đại Trung Quốc”, Bình luận văn học, số 1.
[8] Vương Như (2008), “Giải cấu trúc cộng đồng tưởng tượng – bàn về phim Sắc giới”, Bình luận điện ảnh, số 9.
[9] Dương Hậu Quân (2005), “Văn học Trung Quốc mới với tư cách là tưởng tượng quốc gia dân tộc”, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Quý Châu, số 1.
[10] Đào Quốc Sơn (2013), “Bàn về căn cước dân tộc trong ngữ cảnh tự sự văn học”, Tạp chí Khoa học, Đại học Tân Cương, số 1.
[11] Sử Vân Vân (2015), “Tưởng tượng dân tộc và nhận biết văn học”, Văn hóa và văn luận trong nước và thế giới, số 4.
[12] Quách Vy (2015), “Cộng đồng tưởng tượng” và sự phát triển của văn học dân tộc đương đại , Tạp chí Đại học Cổ Điện Nội Mông, số 4.
[13] Lưu Diệu Vinh (2017), “Từ trở thành anh hùng đến tưởng tượng dân tộc – nghiên cứu sự xây dựng tưởng tượng dân tộc trong phim Truy phong giả”, Văn nghệ đại chúng, số 9.
[14] Lưu Huy Vinh (2014), “Bàn về phim võ hiệp và dân tộc cộng đồng tưởng tượng”, Văn học điện ảnh, số 23.