Nghiên cứu khoa học

Folklore ngôn từ người Mơ Nông - những quan sát bước đầu


09-10-2020

Thành tựu nổi bật nhất của folklore của người Mơ Nông là kho tàng sử thi – ot ndro\ng, tuy nhiên những thể loại khác như truyện cổ dân gian, ca dao, tục ngữ… đều hết sức phong phú, có những đặc điểm độc đáo và giá trị riêng nhất định trong tổng thể văn học dân gian của tộc người Mơ Nông.

Thành tựu nổi bật nhất của folklore của người Mơ Nông là kho tàng sử thi – ot ndro\ng, tuy nhiên những thể loại khác như truyện cổ dân gian, ca dao, tục ngữ… đều hết sức phong phú, có những đặc điểm độc đáo và giá trị riêng nhất định trong tổng thể văn học dân gian của tộc người Mơ Nông.

1. Truyện cổ dân gian

Một trong những tập truyện cổ dân gian đầu tiên của người Mơ Nông được giới thiệu là cuốn “Truyện cổ M’nông” do Y Thi sưu tầm và biên soạn. (Nxb Văn hóa dân tộc 1988). Năm 2006, Trương Bi chủ biên xuất bản Sự tích cây nêu thần (Nkhôngch yau n’gân njuh), Kho tàng truyện cổ Mơ Nông, Sở Văn hóa - Thông tin Đắc Lắc. Cũng năm 2006, nhóm soạn giả Nguyễn Văn Huệ, Lưu Quang Kha, Nguyễn Văn Phổ, Đinh Lê Thư, Phan Xuân Viện đã sưu tầm trên địa bàn huyện Lăk và Đăk Mil, tỉnh Đắc Lắc, bổ sung 27 truyện vào kho tàng truyện cổ Mơ Nông và xuất bản cuốn Truyện cổ Mơ Nông. Năm 2008, Tổng tập Văn học dân gian các dân tộc thiểu số, tập 14, phần truyện cổ tích tuyển chọn 6 truyện Mơ Nông theo tài liệu chép tay của Trương Bi, nghệ nhân Điểu Kâu dịch.

Về thần thoại: Cho đến nay, thần thoại người Mơ Nông chưa được tập hợp đầy đủ trong một công trình cụ thể. Vốn thần thoại truyền miệng lưu truyền trong đời sống dân gian, qua lời kể của nghệ nhân. Giới nghiên cứu biết đến những câu chuyện đó qua những tư liệu điền dã dân tộc học, trong những sách địa chí, hồi ký của những học giả người Pháp trước đây.

Theo tư liệu của Condominas – Đại hồng thủy, khúc ca thần thoại – bài viết năm 1953, in năm 1972, ông cho biết “có bài ghi chép của cha Marius Boutary sưu tầm ở Paang Tieng có nhan đề là  Mang Lêeng Mang Taa, trong đó chỉ có từ mang có nghĩa là đêm tối, chỉ thời kì lạnh đến dữ dội đến nỗi nó biến mọi sinh vật thành tảng đá; những tảng đá này đáng chú ý bởi hình dạng lạ lùng của chúng đã giữ lại tên của chúng từ thời bấy giờ. Người ta không biết là Đại hồng thủy đã đổ xuống tổ tiên trước hay là sau sự hóa đá”. [1/349].

Người Mơ Nông đã đặc biệt chú ý miêu tả một trận lụt khổng lồ và cái rét như là hậu quả của trận lụt này, của sự ẩm kèm theo cái rét và cũng như những cảnh âm u tối tăm bao trùm lúc đó. Văn bản tiếng Việt, kèm theo tiếng Mơ Nông mà nhà nghiên cứu cung cấp như sau:

Chết cứng đờ, là nàng Maang điên dại, con gái của Soor; gày guộc, Jaaang, Như Kraang ống lắc lư muốn thi các điệu hát với Put, con gái Kôong:

Dưới vô số những đống cây đốn cháy đen mọc cỏ không đếm xuể (mọc) ở dưới; muốn đua các điệu hát với Put, con gái Dlaang:

Nói nói: hãy xem chó ăn gì,..........

.........Người ta hiến tế một con trâu rah, một khuỷu, một sừng

một con trâu cái đẻ ba lần”

Ông gọi đây là “điệu hát cổ” mang tính chất hết sức bí hiểm mô tả cảnh khốn cùng khắp nơi giáng xuống thế gian cùng nạn Đại hồng thủy, nạn đói và chứng điên đã tiêu diệt con người. Người dân cho nhà nghiên cứu biết Braah là một vị thần có hình dáng là khối tròn đen.

Qua ví dụ trên, chúng ta cũng thấy được sự tồn tại của hình thái thần thoại cổ xưa: những bài văn vần gắn với nghi lễ, tín ngưỡng của cộng đồng: hiến tế trâu.

 Trong Truyện cổ Mơ Nông, có thần thoại “Cội nguồn” đã giải thích nguồn gốc của đất trời cây cỏ, gắn liền với chiến công, sự sáng tạo của các vị thần khai thiên lập địa (Krak, Ntung, Bung... tạo ra các giống vật, Yang tạp ra sông núi, Thần Rừng tạo ra các sông suối…). Đó là cả thế giới thần linh phong phú, sinh động, mà mỗi hình tượng thần biểu trưng cho những chiến công mở mang bờ cõi, chinh phục tự nhiên, tạo lập địa bàn cư trú của con người.

      Krak Lưn đẽo đá rất giỏi, chàng có thể đẽo thành người hay hình con vật… Nếu chàng đẽo đá thành hình con rùa thì như con rùa thật đang ngỏng cổ lên nghe chuyện… Khi đẽo đã được nhiều rồi, Krak Lưn bèn chạm vào các tượng đá để chúng thành con người thật, con vật thật [3/13]

Krak Lưn đóng vai trò là thần sáng tạo, thần khai sáng làm ra muôn vật. Điều đặc biệt, thần thoại Mơ Nông, cùng với hệ thống sử thi, truyền thuyết dân gian tạo thành dòng chảy liên tục trong việc giải thích sự hình thành của thế giới và muôn vật, trong đó lựa chọn biểu tượng ĐÁ với ý niệm: Con người và muôn vật sinh ra từ đá. Trong sử thi, đó là:

Từ thời xa xưa

Có con bướm soi mình trên đá

Có con bướm quan hệ với đá

Con chuồn chuồn quan hệ với nước

Hòn đá đẻ ra một trăm con người

Dòng thác sinh ra một nghìn con người

Nước biến sinh ra trứng và nở ra Tiăng  

(Bông, Rong và Tiăng, dòng 1-7)                      [2/ 427]

Trong truyện cổ tích Chàng đá lăn: Có chàng trai sinh ra trong tảng đá lớn, nhờ Chim ưng mổ vỡ tảng đá dính trước người, chàng mới trở thành chàng trai đẹp đẽ…

    Những biểu tượng thần thoại đã được tiếp nối trong thể loại sử thi, cổ tích thể hiện quan niệm của người Mơ Nông về vũ trụ, về nguồn gốc của sự sống và con người. Sự thống nhất trong cách sử dụng những biểu tượng thần thoại đã thể hiện sức sống mạnh mẽ của vốn văn học dân gian, tính kế thừa trong sáng tác dân gian của người Mơ Nông.

    Trong Sự tích cây lúa, bà Ka Lôm mang dáng dấp một Nữ thần, bà Mẹ xứ sở với vóc dáng, kích thước khổng lồ. Bà cũng là hiện thân của tinh thần sáng tạo, biểu tượng cho thành tựu trong lao động sản xuất của người Mơ Nông: Bà sinh ra từ trong lòng đất, dạy dân làm ra lửa. Bà lấy từ trong lòng mình ra mọi thứ cho con người. Chỉ riêng bà Ka Lôm có muối vì bà lấy từ trong người ra [3/18]. Sau đó con bà là Ha Muôi đã làm cho cây lúa không còn tự  đi về làng nữa, rồi chúng biến thành đàn ong bay về trời, dân làng trở nên đói kém. Sau có người tên là Hgiang Yê – Kol – Tang bày cho mọi người cách lên rừng cúng Giàng cầu xin ban cho lúa gạo.

Thần thoại tuy không phải là lịch sử nhưng nó đã lưu giữ những kí ức về lịch sử của nhân loại. Thần thoại phản ánh đời sống nguyên thủy của người Mơ Nông với tất cả những nỗi vất vả, cực nhọc để sinh tồn và sáng tạo các giá trị văn hóa, đạt được những thành quả lao động to lớn. Qua những câu chuyện này, người Mơ Nông như thấy được bóng dáng của tổ tiên, thấy được nguồn gốc và quá trình phát triển của mình.

Về truyền thuyết: Căn cứ trên số lượng truyền thuyết đã được sưu tầm, có thể nói truyền thuyết của người Mơ Nông không mang tính hệ thống và ở một trạng thái nhỏ lẻ, vụn vặt. Trong đó ít có những truyền thuyết đề cập đến toàn thể cộng đồng Mơ Nông trong quá trình vận động của lịch sử. Chúng tôi nhận thấy có nhiều truyền thuyết về dòng họ, về từng bon làng cụ thể: Kiêng ăn thịt naiSự tích về các dòng họ (Họ Du kiêng ăn thịt nai, Họ Du kiêng ăn củ păng lăn, Họ Du kiêng ăn thịt trăn…). Điều này rõ ràng phản ánh thực tế quá trình tồn tại và phát triển của tộc người Mơ Nông. Hệ quả tất yếu của sự thiên di liên tục, sự phân chia tách thành các nhóm nhỏ khiến cho truyền thuyết bị phân tán và hướng vào những chủ đề nhỏ hơn. Màu sắc dòng họ, gia đình, bon làng… trở nên đậm nét hơn.

Các truyện Ntar Nkhun không mổ vợ đẻSự tích dòng họ Buôn Kroong (kiêng ăn thịt khỉ), đều có chung cốt truyện: Người phụ nữ đẻ là chết. Ntar Nkhun cưới vợ sinh con không muốn vợ chết đi hỏi muôn loài. Cuối cùng nhìn thấy bầy khỉ đỡ đẻ về làm cho vợ. Câu chuyện kể gia phả của dòng họ 13 đời, mang dấu ấn truyền thuyết phả hệ nhưng cơ bản vẫn là truyện cổ tích loài vật. 

Về truyện cổ tích: Nội dung của truyện cổ tích Mơ Nông khá phong phú, đã tái hiện đời sống, không gian sinh hoạt văn hóa của đồng bào, mỗi lời kể đều thấm đẫm không khí núi rừng Tây Nguyên, vang vọng tiếng cồng chiêng, huyền ảo với những lễ hội, phong tục cổ truyền: cúng thần bến nước, cúng giàng, đan gùi, bửa củi, đi bứt dây mây (công việc của chàng Trâu rừng ở truyện cùng tên)…

Truyện Y Tol Len và Hơ Bia kể về cuộc kén rể của Hơ Bia, các chàng trai thi bắn xoài, ai thắng được lấy Hơ Bia. Y Tol Ten chiến thắng  đưa xoài cho Hơ Bia ăn mang bầu. Dân làng cho rằng Hơ Bia chửa hoang nên bắt tội, nhốt cả nhà vào cái trống; Truyện Hai anh em Ndrok và Ok lại nhằm giải thích hiện tượng hôn nhân anh em ruột, tàn dư của xã hội nguyên thủy, tạp hôn: Hai anh em đi rừng, người em uống nước trong ống tre mang thai. Dân làng kết tội loạn luân. Đứa con sinh ra ngày là bò, đêm là người. Sau giúp cha mẹ trở nên giàu có… Đó là những số phận, những cuộc đời bất hạnh trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mình đã thể hiện những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, ước mơ về cuộc đổi đời kì vĩ, thể hiện cái nhìn đầy nhân hậu, lạc quan của người dân. Đằng sau những cuộc phiêu lưu kì ảo đó là những quan niệm, phong tục, ứng xử của cộng đồng. Điều này làm nên tính sâu sắc, thú vị của nhóm truyện cổ tích Mơ Nông.

Có một số lượng lớn là kiểu truyện người lấy vật (hay nhân vật xấu xí mà tài ba, nhân vật mang lốt)… Kiểu truyện nhân vật xấu xí mà tài ba, hay truyện người lấy vật mang mô hình cấu trúc chung theo dạng thức kết thúc có hậu: nhân vật sinh ra mang lốt – nhân vật vượt qua thử thách (về tài năng, phẩm chất) – trở lại hình dáng ban đầu (đẹp đẽ)- kết hôn. Nhưng trong truyện dân gian Mơ Nông, nhiều truyện thuộc dạng này lại kết thúc bi kịch:

Chàng Trâu rừng 1: Có người con gái bị Trâu rừng bắt nhờ Cáo cứu nên lấy Cáo làm vợ. Sau gia đình cô giết chết Cáo, cô đốt lửa nhảy vào tự tử theo chồng. Từ đống tro mọc lên cây bí, em gái cô một hôm đi làm qua dó thấy quả bí hái về. Ít lâu sau trái bí nứt ra, người chị sống lại. Người chị ở nhà thấy trời mưa chạy ra cất củi, bị nước mưa ngấm vào lại biến thành tro.

Chàng Trâu rừng 2: Cô gái bị trâu rừng quyến rũ, lấy nhau rồi sinh con. Hai vợ chồng đưa con về làng chồng. Trâu rừng trói vợ vào gốc cây rồi gọi họ hàng đến ăn thịt. Chồn cứu cô vợ và giết chết họ hàng nhà trâu. Cô vợ lấy Chồn rồi trở về nhà bố mẹ. Nhưng người em trai cô tưởng rằng Chồn hại cô nên xô Chồn vào đống lửa. Cô vợ thấy chồng chết, khóc mãi mà chết theo. [3/53].

Điều này được các nhà dân tộc học lí giải: “Ta có thể tìm thấy chủ đề xung khắc giữa người anh trai và người chồng bị đẩy lên mức phải loại trừ lẫn nhau, trong một màn diễn rất cổ mà ngày nay bị quên lãng. Khi có một người đàn ông chết, giữa thời gian ngày chết và ngày an táng, một chàng trai đến tán tỉnh cô gái đúng vào ngày chết của anh trai cô ta. Anh ra chen vào các ca khúc về tình yêu bên cạnh những lời khóc than của cô gái với anh trai mình” [4/244]

Kể chuyện rắn: người vợ ngoại tình chờ chồng đi rẫy thì ra bến nước gặp Rắn. Đứa con nghe được kể cho cha, người cha giả cách của vợ giết chết rắn. Rồi người chồng đuổi vợ đi. Chị vợ không được ai cho ở cùng nên ở chung với chuồng lợn. Rồi chị sinh ra một ổ rắn. Người chồng trở nên nghèo đói, túng quẫn. Nhờ chim dẫn đường tìm vợ và đoàn tụ với nhau [mô típ trao tín vật để biết may rủi – chiếc nhẫn]. Hình thức kết thúc không có hậu xuất hiện nhiều như vậy cho thấy hiện thực xã hội với những bế tắc, đau khổ của con người là điều có thực. Đó cũng là một cách để lí giải các hiện tượng xã hội và những vấn đề của đời sống. Nhưng mỗi số phận đau khổ không giải quyết được đó cũng để lại những bài học thực tế về cách ứng xử, về đạo đức của con người và qua đó càng khẳng định ước mơ, khát vọng hạnh phúc mạnh mẽ hơn của con người.

Về đặc trưng thể loại: Một trong những đặc điểm nổi bật của truyện cổ tích Mơ Nông là sự giao thoa, hòa trộn với những thể loại truyện dân gian khác. Hiện tượng này mang tính phổ biến ở các tộc người ít có tính biến động về đời sống xã hội – lịch sử, dẫn đến tình trạng chưa xuất hiện những yếu tố cần thiết cho sự ra đời một số thể loại văn học dân gian. Sự thiếu vắng của những thể loại đó được bù đắp bằng hình thức truyện kể như một chỉnh thể tổng hợp chưa bị chia tách. Chẳng hạn truyện “Bon con nai” nói về người đi rừng lạc vào bon của nai, thấy cả cộng đồng nai sinh sống giống như loài người và anh ta được nai cưu mang. Đây là câu chuyện mang dấu ấn thần thoại vật tổ, được tiếp nối bởi một số truyền thuyết về các bon nai, phong tục kiêng kị ăn thịt nai và kiểu truyện cổ tích người lấy vật.

Nhân vật lý tưởng – đại diện cho cái thiện trong truyện cổ tích Mơ Nông thường là những chàng trai cần cù, thông minh, dũng cảm. Công việc chính của họ là trừ điều ác đem lại bình yên và hạnh phúc cho cộng đồng. Những Châu Pheh, NJong là những chàng trai dũng sĩ vô tư quên mình vì đồng loại. Vì thế theo quan niệm của nghệ nhân kể truyện cổ tích thì cuối cùng những nhân vật ấy được hưởng hạnh phúc trọn vẹn: sau khi chặt được đầu lân, NJong sống hạnh phúc bên người con gái xinh đẹp mình đã cứu. Châu Pheh sau khi trừ được ác điểu, chàng cưới người con gái xinh đẹp mình đã cứu và trở thành người giàu có nhất vùng…

Về lời kể: Truyện cổ tích Mơ Nông vẫn được kể hằng ngày qua trí nhớ của nghệ nhân dân gian, tạo nên sinh hoạt văn hóa tinh thần phong phú của người lao động. Trong câu chuyện không chỉ có lời kể mà còn có những đoạn ngân nga, những đoạn hát, khi được văn bản hóa, đặc điểm này thể hiện bằng những câu văn vần trong các truyện:  Mbong con Klăn, Chàng Klang Kông, Chiếc rìu rơi vào thác, Nàng Pôt và nàng Anga, chàng Rùa con, Y Tol Len và Hơ Bia, Kể chuyện rắn… Những câu văn vần có chức năng chủ yếu là miêu tả và thể hiện ngôn ngữ của nhân vật. Hiện tượng này cho thấy truyện cổ Mơ Nông bảo lưu được hình thức của lối kể chuyện cổ xưa: Đây là một câu miêu tả:

Đau ở mông như rung như giật

Đau ở bắp đùi như bị đánh đòn

Đau trong người như xóc xương cá   [3/98]

Tóm lại, vốn truyện cổ dân gian của người Mơ Nông không thực sự nhiều về số lượng nhưng có diện mạo hết sức phong phú và có nhiều chi tiết hấp dẫn, thú vị. Đặc biệt, mỗi câu chuyện kể còn tồn tại nguyên trạng ở phương thức truyền miệng. Do đó, lời văn mộc mạc, ngôn ngữ đậm chất đời sống với những khẩu ngữ, những yếu tố tục, những kết cấu đơn giản, lối tư duy dân gian phóng khoáng…

2. Tục ngữ  

Cho đến nay, chưa có công trình sưu tầm thành ngữ, tục ngữ Mơ Nông nào được xuất bản. Vốn tư liệu văn học dân gian đó nằm rải rác trong các công trình nghiên cứu văn hóa, hay địa chí khác, hoặc ở trong những tư liệu sưu tầm chép tay của các nhà nghiên cứu. Chúng tôi đã may mắn được chị Điểu Mai – con gái cố nghệ nhân Điểu Kâu cho mượn tập bản thảo “Thành ngữ, tục ngữ Mơ Nông” (*), phần di cảo của nghệ nhân chưa được biên tập và xuất bản. Tập sách có hơn 100 trang, được sắp xếp theo chủ đề, in song ngữ. Cách làm cuốn này hết sức hệ thống, giản dị và sáng rõ.

Phần thành ngữ có 109 câu, trong đó mỗi câu đều có ba phần: tiếng Mơ Nông, tiếng Việt và ý nghĩa chung. Trong đó, mỗi phần đều có giá trị: phần tiếng Mơ Nông phiên âm chính xác, rõ ràng theo tiếng dân tộc; phần dịch cô đọng, bám sát văn bản, giữ được hình thức, nhịp điệu và phần nào đó là vần của tiếng dân tộc (trong hình thức câu vần “nao mping” của người Mơ Nông gieo vần lưng liên tục – tiếng cuối cùng dòng trên vần với một tiếng dòng dưới). Phần ý nghĩa chung rất quan trọng đối không chỉ đối với người khác tộc mà còn có ý nghĩa với ngay cả người bản tộc. Vì hình thức bóng bẩy, ý tứ được vận dụng hết sức linh hoạt và đậm đặc trong những thành ngữ (ông gọi những câu này là “thành ngữ”  nhưng chúng tôi cho rằng chúng là tục ngữ, có nhiều bài là dân ca). Thực ra “câu vần” (nao mping) của người Mơ Nông là một khái niệm chỉ loại, lớn hơn là thuật ngữ thể loại này. Cuốn sách sắp xếp theo hệ thống chủ đề: Ứng xử xã hội (70 bài), ứng xử gia đình (39 bài). 

1.      Anh êng play lêng mô chah

Ntâk êng nah, du hê mô sat

Ngơi ma bâr, du hê mô vat

2.     Dịch nghĩa:

Mang một quả bầu trong gùi không bể

Đắp tấm chăn một mình không rách

Nói một mình một lời không xong

3.    Ý:  Một người hứa không tin, phải có người làm chứng

Phần tiếp theo là 581 câu thành ngữ (thực ra là tục ngữ) đối chiếu Việt – Mơ Nông. Chúng tôi thấy rằng, bản thân sự tập hợp này đã là một công trình nghiên cứu quý báu và có chất lượng mà bất kì người đọc, nhà nghiên cứu nào cũng thấy hứng thú và có thể kế thừa.

Ví dụ câu 573:

 Việt          :

 

Cáo chết quay đầu về núi

Ý: Người đi xa thường nhớ quê hương

Mơ Nông  :

Rung lha pruh jrân, jăt tơm, đuh lha pruh jrân, jăt tơm

Ý: Lá riêng rơi rụng xuống gốc, lá chuối rơi rụng xuống gốc

 

Nhà sưu tầm Điểu Kâu đã phải chắt lọc, đối sánh toàn bộ kho tàng tục ngữ người Việt với vốn tri thức của ông về tục ngữ Mơ Nông để đưa ra 581 trường hợp tương đương. Đó có thể chưa phải là tất cả nhưng đã cho thấy công sức lao động khoa học nghiêm túc, đáng trân trọng.

     Câu 35

Việt           :

Anh em khi túng, chúng bạn khi cùng

Mơ Nông  :

Anh em khi túng thiếu, chú bác khi khó khăn

    Câu 44

Việt           :

Anh em rể như ghế ba chân, chị em gái như trái cau non

Mơ Nông  :

Rể với rể quen hệ không chắc, chị em gái đoàn kết chặt chẽ

     Câu số 49.

Việt           :

Áo ngắn giũ chẳng nên dài

Mơ Nông  :

Khố ngắn có kéo cũng không dài được

 

Qua một vài ví dụ, chúng ta cũng thấy tục ngữ Mơ Nông cũng có những nét đặc sắc riêng trong cách diễn đạt, hình tượng và lối ví von, so sánh. Ở câu 35, người Việt nhấn mạnh đến sự hài hòa quan hệ anh em, bè bạn thì người Mơ Nông chú trọng quan hệ gia đình. Câu tục ngữ đã phản ánh rất đúng phong tục, quan niệm của người Mơ Nông về mối quan hệ huyết thống theo dòng họ mẹ. Câu 49 sử dụng vật dụng quen thuộc với tộc người – chiếc khố trở thành hình ảnh ẩn dụ.

3. Ca dao- dân ca

Trong di cảo của nghệ nhân Điểu Kâu có cuốn “Dân ca Mơ Nông”. Cuốn sách này được sắp xếp theo loại thể với những bài dân ca sinh hoạt (hát ru em, hát ru con, mẹ cõng con lên rẫy, đi hái rau, đi qua vùng rừng khác…), dân ca nghi lễ (hát đám tang, hát gọi hồn), dân ca giao duyên (mong đôi lứa xứng đôi, nhớ người yêu bon xa, mong gặp người yêu, tặng lễ vật cho đám cưới, khen cô gái đẹp, khen cô gái đảm đang…) đồng dao…

Trong công trình hơn 100 trang, in song ngữ, tác giả đã tập hợp hơn 200 đơn vị dân ca Mơ Nông. Cách sắp xếp trong cuốn này chưa mang tính hệ thống và hoàn toàn chính xác, một phần vì tư liệu khá bề bộn và thực tế có nhiều trường hợp nằm trong ranh giới giao thoa giữa thể loại và tiểu loại.

Em nín đi đừng khóc em ơi

Mẹ của em đang đi bửa củi

Bố của em đang đi kiếm cây làm ná

Em nín đi đừng khóc em ơi!

Mẹ của em đang đi xúc cá

Bố của em đang đi kiếm lúa

Em nín đi đừng khóc em ơi…

          Mong ước đôi lứa xứng nhau:

Phát rẫy cách suối nhìn thấy cán rựa

Giã lúa cách suối nhìn thấy cái nia

Ăn cơm cách suối nhìn thấy rổ cơm

Từ xa nhìn thẳng cặp vú nhú lên

Ước mong gì được gần bên nhau

Ước mong gì được nàng yêu ta

Ước mong gì ta được cưới nàng

Sống bên nàng không dám giận hờn

Sống với nàng không nỡ lòng ta

Những năm 50 của thế kỉ XX, khi khảo sát nhóm Mơ Nông Gar, nhà dân tộc học Condominas đã nhận thấy “các thể loại thơ ca của người Gar có rất nhiều: các huyền thoại ca, các bài thơ bí truyền ở đó, các sử thi, các làn điệu cổ, các bài chiêng… Những lời cầu nguyện tuyệt vời, những bài hát cầu nguyện mà người ta không thể nói là được hát hay là được kể lại: mà được đọc ê a. [1/338]

    Trong những bài hát (noo toong toong), người ta phân biệt nhiều sự khác nhau: các bài hát ru con, các khúc hát ngắn tả các con vật khác, các khúc ca mà ta có thể đặt tên là khúc hát của các cô nàng thời xa xưa (noo toong uur drôh), hay còn là khúc hát của các chúa tể thời xa xưa (noo toong kuang), những bài hát minh họa một sự kiện nào đó thường rất gần đây… Nhưng quan trọng nhất là các bài hát tình yêu (noo toong soh), trong những bài hát này, những bài hát lên án hay nguyền rủa sự không chung thủy hầu như cũng nhiều như những giai điệu qua đó những người yêu nhau thể hiện tình cảm của họ [1/339]

Ông cũng cho biết tính ứng dụng rất cao của những bài hát đó thay vì cố định vào một loại chức năng nhất định: bài hát được trích ra từ các tác phẩm sử thi, bài hát làm lí lẽ trong những vụ tranh chấp, bài hát trong những sinh hoạt hằng ngày… Và nhấn mạnh rằng, không thể biến các trường hợp đó thành những ví dụ văn học, dù là văn học truyền khẩu vì như thế sẽ xa rời thực tế và bản chất của đối tượng [1/339]. Trong thơ ca người Mơ Nông có sự phong phú của các phụ âm của những câu đơn tiết từ câu thơ này sang câu thơ khác, chỗ ngắt câu thơ, phù hợp với một chữ cái sau (gieo vần). Thơ Gar thường nhắc lại một từ tạo nên sự hài hòa ngữ âm [1/340].

4.  Các dạng thức folklore ngôn từ khác

Ngoài ra, người Mơ Nông còn có các hình thức folklore khác như lời nói vần, luật tục, câu đó, các bài cúng… Trong đó, đáng chú ý là “lời nói vần”. Lời nói vần nằm trong ranh giới giữa ngôn ngữ tự nhiên và ngôn ngữ văn chương, vừa là lời nói hằng ngày vừa được tổng kết lại như một dạng phương ngôn. Trong “lời nói vần” những hình thức ví von, so sánh, lối nói giàu hình ảnh nhịp điệu là đặc trưng nổi bật. Đời sống của người Mơ Nông hài hòa với thiên nhiên nên trong tư duy của họ, giữa thiên nhiên và con người vẫn cùng ở một trạng thái chưa chia tách. Con người hoà mình vào thiên nhiên, gắn mình với thần linh và ngược lại, để nhằm tăng thêm sức mạnh cho mình, cho mình tự tin hơn trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên. Đây cũng là một yếu tố tạo nên các hình thức so sánh trong ngôn ngữ của người Mơ Nông.

Lời nói vần thường gồm một vài dòng, tạo thành cụm câu mang nghĩa trọn vẹn, cấu trúc hài hoà, cân xứng. Tên gọi của nó xác định đây là hình thức lời nói có vần điệu, thường là chữ cuối cùng của dòng trên hợp vần với một chữ ở giữa dòng tiếp theo. Trong các hình thức văn vần của người Mơ Nông, ít có dạng vần chân (vần của các chữ cuối dòng thơ). “Lời nói vần” vừa đối xứng, hài hoà vừa tự do với các câu dài ngắn khác nhau dễ dàng cho việc mở rộng các hình ảnh liên tưởng, so sánh.

     Đây là một số ví dụ về lời nói vần, chỗ in đậm thể hiện cách hiệp vần:

Mơ Nông

Việt:

A gâk ntơ lah mâng

A gâng ntơ lah rpu

A gntơ lah bư nuih

Mpơl nting gor guih, ntơ lah rveh

Cây que dựng đứng tạm gọi là cây

Thấy đứng bốn chân tạm gọi là trâu

Thấy đứng hai chân cũng tạm gọi là người

Con voi gầy cũng tính một con

Ý nghĩa: Tính trả đủ số lượng không có chất lượng

Dôih jê  lir ma mpê

Dôih jê lir ma piăng

Dôih I kuăng lir ma ndrănh

Tranh chấp nhỏ hòa giải bằng mồm

Tranh chấp nhỏ hòa giải bằng lời

Tranh chấp to chỉ mất ché rượu

     Ý nghĩa:          Có việc xích mích phải hòa giải bằng nhiều cách

 

Lời nói vần có vị trí quan trọng trong đời sống và văn học nghệ thuật của người Mơ Nông. Đó là những câu nói vần điệu, có hình ảnh làm phong phú cho ngôn ngữ, cách diễn đạt hằng ngày, đồng thời tham gia cấu thành các hình thức văn bản ngôn từ khác: tục ngữ, ca dao, sử thi, luật tục… Người Mơ Nông rất ưa thích hình thức diễn đạt này, Condominas đã mô tả sự phổ biến của những bài hát, lời nói vần trong đời sống cộng đồng, thậm chí một bài tranh cãi giữa hai người cũng dùng những chất liệu ngôn ngữ đó như những “bài vè công lí”. Trong sử thi có rất nhiều câu lặp lại, mô tả về sự ảnh hưởng của câu vần trong văn hóa, phong tục cộng đồng mà mỗi khi đến với bon Tiăng, ai cũng muốn được nghe, được học:

Bu Đip đến nhờ Tiăng dạy câu vần

Bu Đing đến nhờ Tiăng dạy câu đố

Bon Bong Ja đến nhờ Tiăng dạy vần luật tục

Đoàn này về đoàn khác lại đến

(Dòng 150-153: Ting, Ru\ng chết, [5/1475])

Như vậy, tộc người Mơ Nông có một đời sống văn học nghệ thuật hết sức phong phú, hệ thống thể loại phôn-cờ-lo có thể không có mặt tất cả các thể loại nhưng với những gì đang có, phôn-cờ-lo của người Mơ Nông cũng rất đa dạng và đạt những giá trị nhất định. Trong một bối cảnh phát triển và diễn xướng sôi nổi của các hình thức ngôn từ dân gian đó, sử thi nổi bật lên như một thành tựu xuất sắc. Sự kết tinh nghệ thuật đó không phải là ngẫu nhiên hay đột xuất mà có cơ sở từ sự phát triển lịch sử, văn hóa đặc biệt là ảnh hưởng, tác động trực tiếp từ những thành tựu văn học dân gian của chính tộc người

 (Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 1/2012)

CHÚ THÍCH

* Phần tư liệu về tục ngữ, ca dao, dân ca, cụm câu vần chúng tôi sử dụng từ tư liệu chép tay và đánh máy của Thị Mai, con gái cố nghệ nhân Điểu Kâu. Những tác phẩm nằm trong di cảo của nghệ nhân Điểu Kâu, chúng tôi đang sắp xếp, biên tập, hi vọng có thể đến với bạn đọc trong thời gian sớm nhất

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. G. Condominas (1997), Không gian xã hội vùng Đông Nam Á. Nxb Văn hóa, Hà Nội

2. Đỗ Hồng Kỳ (1996), Sử thi thần thoại Mơ Nông,NxbVăn hóa dân tộc,Hà Nội

3. Nhiều tác giả (Sưu tầm và biên soạn), (2006), Truyện cổ Mơ Nông. Nxb Văn nghệ tp HCM

4. Nhiều tác giả (1998), Sử thi Tây nguyên. (Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắc Lắc), Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội

5. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (2006), Ting, Rung chết. Nxb KHXH, Hà Nội

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020