Kháng chiến chống Pháp bước vào năm thứ 3. Trong đêm rằm tháng Giêng, cuộc đi thăm mặt trận và họp bí mật bàn việc quân trên sông được ghi lại qua bài Nguyên tiêu của Bác:
Kim dạ nguyên tiêu, nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ bàn quân sự
Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền.
Nhà thơ Xuân Thủy đã dịch bài thơ này ngay tại chuyến đi với nhan đề Rằm tháng Giêng (xem bài viết Hồ Chủ tịch đi thuyền thăm mặt trận, báo Cứu Quốc số 3 ngày 19/5/1949) (1):
Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Một bức tranh thanh tịnh và khoáng đạt lộng lẫy sắc xuân!
Chỉ qua hai dòng thơ mà ba màu xanh, ba sắc xuân quấn quyện hài hòa. Sông, nước, bầu trời như đắm chìm trong sắc xanh kỳ diệu của mùa xuân. Nhà thơ – họa sĩ đã có bức phác họa thiên nhiên tuyệt đẹp!
Chính trăng trở thành trung tâm kỳ vĩ của vũ trụ trong đêm rằm xuân đã tỏa sáng và nhuộm vẻ lung linh kỳ diệu khắp nhân gian. Hồ Chí Minh chỉ là người giúp sức thể hiện cái vẻ đẹp thần tiên – trần thế đó.
Trăng vốn là người bạn thơ tuyệt vời của thi nhân Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh qua bao cảnh ngộ. Từ trong tù ngục đến thời kháng chiến sau này, cả trong thơ chữ Hán và tiếng Việt, có tới hơn mười bài. Đặc biệt nhất là những bài thơ về trăng trong tù ngục.
Vọng nguyệt (Ngắm trăng) nói lên tâm hồn, cảm thức tri kỉ giữa trăng và người:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Rồi Đối nguyệt (Đối trăng) cũng nói rõ tâm hồn thi sĩ - chiến sĩ Hồ Chí Minh:
Việc quân, việc nước bàn xong
Gối khuya ngon giấc, bên song trăng nhòm.
Yêu thiên nhiên mê đắm nhưng không bao giờ sao nhãng việc đại sự quốc gia, tiếng gọi của tiền tuyến trong kháng chiến từng giờ phút chiếm lĩnh tâm trí Người như tiếng gọi thiêng liêng nhất. Hãy nghe Báo tiệp (Tin thắng trận):
Trăng vào cửa sổ đòi thơ
Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau
Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu
Ấy tin thắng trận liên khu báo về.
Đẹp say người trong Cảnh khuya:
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa…
Nhưng nhà thơ vĩ đại không mê say đến mức chưa ngủ được mà vẫn tỉnh táo nghe tiếng gọi của nỗi niềm lớn:
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
*
* *
Trong bài Nguyên tiêu, câu thứ 2 có ba từ xuân:
Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên
Trong Tuyển tập Xuân Thủy (nhà xuất bản Văn học, 2000) do Hoàng Phong và Nguyễn Trọng Uyên sưu tầm, biên soạn có thêm 2 bài khác của cố nhà thơ như sau:
Rằm xuân vằng vặc trăng soi
Xuân sông, xuân nước, xuân trời đẹp thay
Việc quân bàn giữa sương dày,
Khuya về, bát ngát thuyền đầy ánh trăng
Một bản khác :
Rằm tháng Giêng trăng tròn vành vạnh
Liền sông xuân, nước xuân, trời xuân
Nơi khói sương luận bàn quân sự
Khuya thuyền về ăm ắp trăng ngân.
*
* *
Nguyên tiêu là một bài thơ đứng hàng đầu trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ XX do Trung tâm Văn hóa Danh nhân và Bộ Giáo dục và đào tạo tuyển chọn trong nền thi ca từ cổ chí kim.
Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy ngày Rằm tháng Giêng hằng năm – ngày Bác Hồ viết Nguyên tiêu – làm NGÀY THƠ VIỆT NAM.
NGÀY THƠ VIỆT NAM đầu tiên được tổ chức vào ngày Rằm tháng Giêng năm Qúy Mùi 2003 tới nay đã được 20 năm.
Từ đấy, Nguyên tiêu thấm thía hơn tâm hồn dân tộc trong Ngày thơ truyền thống. Ngày Hội thơ toàn dân cũng là ngày của người yêu thơ tưởng nhớ tới hồn thơ vĩ đại Hồ Chí Minh.
*
* *
Hồ Chí Minh bao giờ cũng là một hồn thơ đích thực. Dù trong cảnh gian lao hiểm nguy cận kề cái chết trong chiến đấu hay trong cảnh ung dung tĩnh tại làm việc, suy tư trong tự do hòa bình xây dựng. Bởi vì, đó là sự hài hòa thống nhất tuyệt diệu: Hồ Chí Minh – hồn cách mạng, hồn thơ như tác giả Đoàn Trọng Huy đã nhiều lần tôn vinh qua cuốn sách (nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ, 2018, 2020).
Kỷ niệm 75 năm ngày ra đời Nguyên tiêu
(1948 – 2023)
PGS.TS Đoàn Trọng Huy
CHÚ THÍCH:
(1) Xuân Ba, Xuân Thủy – Duyên thơ, Nguồn: daidoanket.vn, 31/01/2022