Nghiên cứu khoa học

Văn học viết về chiến tranh từ điểm nhìn sau 1975 - những kế thừa, thuận lợi và khó khăn


17-01-2023

Khi nghĩ về văn học Việt Nam đương đại, với đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, chúng ta luôn vấp phải những câu hỏi như: Thế hệ nhà văn sau 1975 đã kế thừa được những gì của thế hệ đi trước? Họ có thuận lợi, khó khăn gì khi tiếp cận đề tài này? Chiến tranh trong những trang viết của thế hệ nhà văn sau 1975 có gì khác so với của các nhà văn trước 1975?

1. Khi văn chương tựa vào những dấu mốc lịch sử

Trước hết, cần phải nhấn mạnh một quan điểm, mốc lịch sử không nhất thiết đồng nhất với các dấu mốc văn chương. Sự kiện lịch sử chỉ có tác dụng nhìn nhận về các vận động lịch sử - xã hội, trong khi văn chương vận động bằng hệ hình mĩ học, bằng thể loại, bằng các đặc trưng thẩm mĩ... Bởi vậy, việc đưa ra những phân kì lịch sử văn học dựa trên các dấu mốc lịch sử chỉ mang tính chất tương đối.

Ban đầu, có thể cách phân chia này còn mang dụng ý chính trị (hoặc ảnh hưởng của lối phân kì lịch sử dựa trên sự tham dự của chính trị, lịch sử vào văn chương), tuy nhiên, đến bây giờ, cách phân chia này thường là dành cho những mô tả đơn giản. Ở chiều sâu hơn, chúng ta sẽ thấy lịch sử văn học không đứt đoạn như thế, các dấu mốc chỉ như một cọc tiêu, biển báo cho một chặng đường văn học khác mà thôi. Dòng sông văn học với những khúc quành ngã rẽ, những con sóng xô đuổi, gối vào nhau, chờm lên nhau, nhưng mạch nước vẫn miệt mài liên tục. Nếu muốn nhìn ra thật rõ, thật sâu và chính xác về lịch sử văn học, có lẽ, lời M.Bakhtin mách bảo là hợp lí: Thể loại là nhân vật chính của lịch sử văn học. Cùng với đó, việc nhìn nhận tính chất giao thoa và khác biệt của các hệ hình thẩm mĩ, của các thế hệ văn học... cũng giúp đem lại hình dung biện chứng hơn về lịch sử văn học.

Dẫu như thế, việc đặt một góc máy từ điểm 1975 không phải là không có ý nghĩa trong việc bao quát một chặng đường của văn chương nghệ thuật Việt Nam. Thiết lập cái nhìn truyền thống theo phân kì lịch sử (sau 1975 - để hướng đến việc phổ cập một mô tả đơn giản) là cần thiết, nhưng đồng thời cũng chú trọng vào tính biện chứng, liên tục của lịch sử văn học để hình dung đầy đủ hơn về một chặng đường văn học. Sau 1975, đất nước thống nhất, đó là phối cảnh chung của mọi vận động lịch sử - xã hội - văn hóa nghệ thuật, tạo nên khúc rẽ quan trọng cho văn chương nghệ thuật cũng như đời sống chính trị xã hội ở Việt Nam. Tầm quan trọng của mốc sự kiện 1975 với văn chương Việt Nam có thể được nhìn nhận trên một số bình diện sau đây: Thứ nhất, có sự thống nhất về mặt thể chế nhà nước và định hình một không gian địa lí thống nhất của văn học. Văn học Việt Nam không còn phân chia giới tuyến - chiến tuyến (trên bề mặt không gian, cơ chế, quản lí hành chính...) Thứ hai, mở ra một giai đoạn văn học mới, vừa kế thừa, tiếp nối vừa khác biệt so với giai đoạn trước. Thứ ba, điều kiện để những dòng mạch văn chương âm thầm bấy lâu được trỗi dậy, tạo lập tinh thần dân chủ, đa dạng cho đời sống văn chương. Thứ tư, văn chương miền Bắc tiếp cận nhiều hơn với văn chương đô thị miền Nam, từ đó giới thiệu trở lại những giá trị của khu vực văn chương - học thuật này. Thứ năm, bắt đầu hình thành một nền văn học Việt Nam hải ngoại khi nhiều người viết di tản, định cư ở nước ngoài. Thứ sáu, chiến tranh kết thúc, đời sống thế sự xuất hiện những mối bận tâm mới, cảm hứng sử thi lãng mạn không còn là dòng chủ lưu mà song hành cùng những dòng chảy khác của thời hậu chiến. Thứ bảy, hòa bình là bối cảnh cho cảm hứng thế sự đời tư phát triển trở lại, nơi mà những vấn đề cốt thiết của con người được nhìn nhận, soi chiếu một cách đa chiều hơn. Thứ tám, từ sau 1975, với hoàn cảnh mới của đất nước, những bất cập của giai đoạn trước được hình dung rõ rệt, đầy đủ hơn, là tiền đề cho sự “đổi mới” sẽ trở thành hoạt lực chủ đạo của chặng đường lịch sử - xã hội - văn học tiếp theo.

Như vậy, trong hình dung không tách rời lịch sử với văn hóa - xã hội - văn học nghệ thuật, chúng ta thấy mốc 1975 thực sự quan trọng với tiến trình văn chương Việt Nam. Từ 1975 đến nay, văn học được định danh là văn học đương đại. Việc đánh giá tổng thể văn học đương đại là việc chưa thể thực hiện, do giai đoạn văn học này chưa hoàn kết. Tuy nhiên, trong cái nhìn tương đối, mốc lịch sử 1975 đã quy chiếu văn học Việt Nam vào một trường thẩm mĩ, văn hóa, văn học có nhiều điểm khác biệt. Đó là nơi chúng ta có thể đứng để nhìn về quá khứ, đồng thời dõi theo sự vận động đã và đang diễn ra của văn học Việt Nam.

 

2. Viết về chiến tranh từ điểm nhìn sau 1975 - những kế thừa

Đặt trong dòng chảy của văn chương Việt Nam trước và sau 1975, chúng ta thấy điểm kế thừa chính là chủ đề chiến tranh và cảm hứng sử thi cách mạng. Cùng với cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ là những sự kiện vừa mới hoặc đang diễn ra trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Những trang thơ của Xuân Quỳnh (Viết cho con ngày chiến thắng - 1975), Thái Bá Lợi (Hai người trở lại trung đoàn - 1977), Chu Lai (Nắng đồng bằng - 1978), Hữu Thỉnh (Sức bền của đất - 1976, Đường tới thành phố - 1979), Thùy Linh (Mặt trời bé con của tôi - 1983)… đã cho thấy dòng chảy mạnh mẽ của chủ đề chiến tranh với cảm hứng sử thi cách mạng: Đất nước thức vạn đêm không ngủ/ Cho bầu trời và tiếng hát hôm nay/ Con hãy nhìn: thành phố, màu cây/ Con hãy nhìn những mặt người sạm nắng/ Dẫu chưa quen đã trở thành ruột thịt/ Đã cùng nhau chiến đấu mấy mươi năm/ Những anh hùng không thể kể hết tên/ Đã bền bỉ, hi sinh và chiến thắng/ Những lớp người nối nhau cầm súng/ Như ông bà con mùa thu ấy lên đường/ Mái tóc xanh giờ đã trắng hoa râm/ Như cô, bác bạn cha, bạn mẹ/ Trong lửa đạn hiến dâng tuổi trẻ/ Dâng tấm lòng như lửa cháy khôn nguôi (Viết cho con ngày chiến thắng); Ta hoãn cưới một năm rồi hai năm/ Đi đánh giặc chân trời in màu thiếp/ Có miếng cao nai không sao gửi được/ Mẹ ta đã ngoài sáu mươi/ Nguyên nỗi nhớ thương này/ Đủ nuôi lớn cho ta thành dũng sĩ (Sức bền của đất)…

Trong những tác phẩm viết về chiến tranh ở dòng cảm hứng này, chúng ta vẫn nhận ra hệ giá trị thẩm mĩ, tư tưởng nghệ thuật và hệ thống thi pháp của văn học trước 1975. Hình tượng người chiến sĩ trong cuộc chiến tranh thống nhất đất nước vẫn hiện lên với vẻ đẹp kiên cường, bất khuất, khỏe mạnh, anh dũng, chiến đấu và chiến thắng. Đó là những ngày tháng gắn bó trong trung đoàn của Thanh và Trí, nơi họ đã sống và chiến đấu bên nhau với tình cảm đồng chí đồng đội thật đẹp (Hai người trở lại trung đoàn). Đó là cuộc sống chiến đấu gian khổ, hiểm nguy nhưng cũng vô cùng quả cảm của những người lính ở đồng bằng với kẻ thù (Nắng đồng bằng). Mở rộng hơn nữa, trong các tác phẩm viết về chiến tranh sau đó, chúng ta vẫn có thể nhận ra những phẩm chất tốt đẹp nơi con người thời chiến nói chung và người lính nói riêng. Phạm Thị Minh Thư với Có một đêm như thế, Thùy Linh với Mặt trời bé con của tôi gợi cho chúng ta hình dung những người lính sống với lí tưởng và tuổi trẻ của mình như thế nào. Nguyễn Minh Châu trong Bức tranh (1983) cũng phác họa nên hình ảnh người lính giao liên quên mình để giúp đỡ ông họa sĩ… Những tác phẩm của Lê Lựu (Thời xa vắng), Dương Hướng (Bến không chồng), Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh), Hoàng Minh Tường (Thời của thánh thần), Nguyễn Xuân Khánh (Đội gạo lên chùa), Đỗ Minh Tuấn (Thần thánh và bươm bướm), Nguyễn Bình Phương (Mình và họ), Sương Nguyệt Minh (Miền hoang), Trung Sỹ (Chuyện lính Tây Nam), Đoàn Tuấn (Mùa chinh chiến ấy), Nguyễn Minh Khiêm (Ba mươi tháng tư, Tiếng dương cầm đại tướng)… dẫu có cái nhìn đa dạng hơn, nhưng người đọc vẫn nhận ra âm hưởng của một thời đại sử thi còn phảng phất bay lên trên hình tượng những người lính khi đối diện đạn bom, kẻ thù và chết chóc. Lê Lựu đã xây dựng thành công Giang Minh Sài là một người anh hùng trên chiến trường (Thời xa vắng); Dương Hướng cũng gợi cho chúng ta liên tưởng đẹp về người lính thời kháng chiến chống Pháp qua hình tượng Nguyễn Vạn, thời chống Mĩ qua hình tượng Nghĩa và những người phụ nữ làng Đông chờ chồng bên cầu Đá Bạc (Bến không chồng); Nguyễn Xuân Khánh cũng tạo nên hình tượng chú tiểu An từ khi ở chùa Sọ đến khi vào lính, ở chiến trường với bao hiểm nguy vẫn toát lên vẻ đẹp cao cả, thiện lành (Đội gạo lên chùa). Đặc biệt, ở dòng mạch này, qua những trang thơ, trường ca của Nguyễn Minh Khiêm và sau đó nối dài đến Nguyễn Quang Hưng (Cột mốc trong người), Nguyễn Minh Cường (Lòng tôi biên giới), Phạm Vân Anh (Sa mộc), Đoàn Văn Mật (Sóng trầm biển dựng), Lữ Mai (Ngang qua bình minh, Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi) là cảm hứng sử thi lãng mạn gắn với chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã được hun đúc từ văn học trước 1975: Khi bom đạn kẻ thù biến những cánh rừng Trường Sơn thành biển lửa/ Anh đã mơ thấy cửa ngõ Sài Gòn/ Lá cờ ấp bao năm trong lồng ngực/ Sáng bừng lên kiêu hãnh (Ba mươi tháng tư).

Sự kế thừa của văn học sau 1975 viết về chiến tranh cũng được thể hiện trên bình diện thi pháp. Từ cảm hứng (ngợi ca, tôn vinh) đến giọng điệu (hào sảng), ngôn ngữ (khắc tạc, rắn rỏi, khỏe mạnh) cùng thủ pháp ước lệ - điển hình hóa được các tác giả vận dụng nhằm làm nổi bật hình tượng người lính trong các tình huống của cuộc chiến tranh hoặc trong cái nhìn của họ về sự hi sinh, dâng hiến. Mặc dù mức độ và sắc thái có những điều tiết nhất định so với giai đoạn trước trong một tổng thể nhiều góc nhìn, nhưng qua những tác phẩm vừa nêu ở trên, có thể nhận ra, hệ thi pháp của văn học sử thi cách mạng vẫn vận động trong đời sống văn học đương đại một cách bền bỉ: Nhưng rồi tôi lại sẽ ra đi/ như lúc xưa vội vàng ngày phép/ như anh con trai nay đã tứ tuần vẫn ngày đêm bám chốt/ vì cha con tôi lưng chung dựa chiến hào/ vì ngàn vạn hồn người biên thùy còn san sát bên nhau/ mọc lên trường thành, núi lớn (Lòng tôi biên giới); Máu của anh ngấm sâu vào lòng đất/ Và những mạch ngầm chảy rát triền sông/ Tắm mát tương lai của triệu triệu đồng bào/ Ở đó vẫn còn anh/ Vẫn còn linh hồn đồng đội (Với cỏ, Võ Kim Phượng)…

3. Viết về chiến tranh từ điểm nhìn sau 1975 - những thuận lợi

Điểm nhìn sau 1975 là điểm nhìn bên ngoài, có độ lùi về thời gian, tâm thế, sau khi chủ thể đã đi qua cuộc chiến hoặc không trực tiếp tham gia cuộc chiến. Tại điểm nhìn này có thể xuất hiện hai trạng thái của chủ thể sáng tạo. Thứ nhất, người viết trải qua chiến tranh, thấm thía cuộc chiến, muốn thể hiện nó một cách đầy đủ, toàn diện, gần gũi hơn. Thứ hai, người viết không trải qua chiến tranh, có thể hình dung về một cuộc chiến của riêng mình (từ các nguồn tư liệu), đồng thời tưởng tượng, bồi đắp cho nó những sắc thái mới, hướng đến việc bày tỏ thái độ, quan điểm, tư tưởng của mình về chiến tranh, con người và thời đại (một diễn ngôn về chiến tranh).

Sau 1975, các nhà văn được sống trong hòa bình, không phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ, chết chóc như thời chiến. Điều kiện đó cho họ thời gian, không gian, tâm thế để nghiền ngẫm về chiến tranh, hòa bình, những gì đã qua, những gì đang hiện diện và cái giá của nó. Rõ ràng, nếu nhìn vào thực tiễn, sau 1975, những áp lực kinh tế - xã hội - lịch sử đòi hỏi một cuộc đổi mới. Nhiệm vụ chính trị cao cả thời chiến đã hoàn thành, cảm hứng sử thi giờ đây đồng hành cùng những dòng mạch cảm hứng khác trước cuộc đời bộn bề thế tục. Bối cảnh ấy cho phép Chu Lai viết về tình thế ngặt nghèo của những người lính trong thế trận cài răng lược với kẻ thù tại đồng bằng, nơi mà hiểm nguy và cái chết thường trực (Nắng đồng bằng); Thái Bá Lợi có điều kiện để nhìn sâu hơn vào những đổi thay của con người trước các điều kiện vật chất, quyền lợi thời bình (Hai người trở lại trung đoàn); Hữu Thỉnh viết những câu thơ khắc họa hình tượng người chị thanh xuân mỏi mòn sau cuộc chiến: Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy/ Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc/…/ Một mình một mâm cơm. Ngồi bên nào cũng lệch/ Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền (Đường tới thành phố)… Rõ ràng, chiến tranh kết thúc, đời sống hậu chiến đã đem đến cơ hội cho nhà văn được nhìn cuộc chiến một cách linh hoạt hơn, toàn diện hơn. Từ những năm tháng bản lề đến hiện tại, chiến tranh qua cảm quan của những người viết hậu chiến đã có những thay đổi theo chiều hướng ấy. Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Võ Thị Hảo, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Hoàng Minh Tường, Đỗ Mạnh Tuấn, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Tiến Thụy, Trung Sỹ, Đoàn Tuấn, Nguyễn Đình Tú, Doãn Dũng, Hồ Kiên Giang hay thế hệ trẻ hơn nữa như Trịnh Sơn, Trần Thị Tú Ngọc, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Huỳnh Trọng Khang, Minh Moon… đã cho thấy cái nhìn của họ về chiến tranh không còn gò bó trong hệ giá trị và thi pháp cũ nữa (xin xem: Nguyễn Thanh Tâm, Chiến tranh như tôi hình dung - góc nhìn nhà văn trẻ). Đó không chỉ là nhu cầu được bày tỏ của nhà văn mà còn là tình thế tất yếu của lịch sử - xã hội khi chúng ta bước vào đổi mới, “cởi trói” hướng đến một nền văn nghệ đa dạng, giàu có hơn.

Sau 1975, nhất là sau 1986, cùng với sự đổi mới đất nước là các thành tựu khoa học, kĩ thuật, công nghệ… Đây là cơ sở thuận lợi cho những tìm kiếm mới về mặt tư liệu, quan điểm, thái độ, điểm nhìn của người viết về quá khứ. Thế giới phẳng hơn nhờ sự nới giãn các đường biên về quyền lực, tri thức, tư liệu, định kiến, định chế… Chiến tranh trong phối cảnh ấy đã được nhận diện một cách gần gũi và chân thực hơn. Tại đó, hiểm họa cùng những dư chấn của chiến tranh trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhân loại yêu chuộng hòa bình. Chính vì thế, chúng ta hiểu hơn về số phận những con người đi ra từ cuộc chiến, đi qua cuộc chiến. Đó là Thai, Lực trong Cỏ lau (Nguyễn Minh Châu), Giang Minh Sài trong Thời xa vắng; Thảo trong Người sót lại của rừng cười (Võ Thị Hảo); Kiên và Phương trong Nỗi buồn chiến tranh; hai người đàn bà xóm trại trong truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Quang Thiều; Nguyễn Vạn, Hạnh, Nghĩa trong Bến không chồng… Những nhà văn 5x, 6x viết sau 1975 và cả những người viết trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x, nhờ không khí thời đại đổi mới với cách nhìn, cách nghĩ rộng thoáng về quá khứ, đã thể hiện những góc quan sát riêng tư hơn, nhưng lại chạm vào những câu chuyện có tính phổ quát của con người - thế hệ trẻ thời chiến (Quân khu Nam Đồng, Đi trốn - Bình Ca, Mộ phần tuổi trẻ - Huỳnh Trọng Khang, Đợi đến lượt - Đinh Phương, Đỉnh khói - Nguyễn Thị Kim Hòa, Sóng gió Ô Cấp - Trịnh Sơn…)

Những thuận lợi sau 1975 tạo nên khí quyển cho những vận động mới, khác biệt với mô hình giá trị thẩm mĩ, hệ thi pháp đã định hình trước 1975. Nhìn vào những tác phẩm của thế hệ 7x, 8x, 9x vừa nêu ở trên, có thể nhận ra, chiến tranh được tái diễn giải bằng cảm quan của con người hậu chiến, thấm thía chiến tranh qua sách vở, tư liệu, tưởng tượng. Chiến tranh trở thành biến cố, thảm họa không thể biện minh (đối với những kẻ rắp tâm gây chiến) trong lịch sử phát triển của loài người nói chung. Ngay cả những nhà văn đã đi qua chiến tranh, đã chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh, những hi sinh mất mát lớn lao của thời đại, khi nghĩ về cuộc chiến ấy từ điểm nhìn sau 1975, cũng có những chuyển dịch khác biệt. Bảo Ninh với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh là một ví dụ điển hình cho sự dịch chuyển điểm nhìn, cảm hứng, thi pháp viết về chiến tranh sau 1975.

 

4. Viết về chiến tranh từ điểm nhìn sau 1975 - những khó khăn

Viết về chiến tranh từ điểm nhìn sau 1975 cũng tiềm ẩn những khó khăn nhất định mà người viết phải đối mặt, nhất là những người viết trẻ. Dễ nhận ra, những tác giả như Nguyễn Đình Tú, Đỗ Tiến Thụy, Phong Điệp, Doãn Dũng, Hồ Kiên Giang (7x) đến Trịnh Sơn, Trần Thị Tú Ngọc, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương (8x), Huỳnh Trọng Khang, Lê Quang Trạng (9x)… đều không trực tiếp trải qua chiến tranh. Họ sinh ra khi cuộc chiến đã đi qua, hoặc còn quá nhỏ để cảm nhận, vì vậy, chiến tranh không phải là kinh nghiệm, là vốn sống tự thân của họ. Đó là một khó khăn khiến cho những trang viết về chiến tranh luôn bị đặt trong tình thế của sự tưởng tượng, hư cấu, chắp nối các hình dung từ tư liệu... Thiếu tri thức thực tế, nên người viết phải phát huy trí tưởng tượng, hư cấu (Như đã nói, khó khăn có lúc lại quay đầu trở thành một hoạt lực tương hỗ đối với nhà văn. Nhờ tưởng tượng, cuộc chiến đã hiện ra như cách tác giả hình dung. Trong cơ chế đó, chiến tranh trở thành một biến cố, một sự kiện có tính phổ quát, vượt lên khỏi các biên giới quốc gia, dân tộc, thời đại… để là một bi kịch chung của nhân loại).

Một trong những khó khăn mà hầu hết những cây bút trẻ phải đối mặt chính là cái bóng quá lớn của thế hệ cha anh và di sản văn học viết về chiến tranh. Có một thực tế, các tác giả trẻ không thể không lưu ý đến những cái tên đã in dấu, tỏa bóng vào nền văn chương sử thi hiện đại Việt Nam như Tố Hữu, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Lê Lựu, Khuất Quang Thụy, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Dương Hướng, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo… Ngay bản thân các nhà văn trưởng thành trong chiến tranh, tiếp tục viết về chiến tranh trong bối cảnh hậu chiến cũng phải đối diện với khó khăn về lựa chọn điểm nhìn, cảm hứng, thái độ, hệ thi pháp biểu đạt. Không thể nối dài một hệ hình mĩ học, nhưng phải tiếp cận chủ đề như thế nào, đó là khó khăn của hầu hết người viết sau 1975 khi đối diện câu chuyện chiến tranh. Nguyễn Minh Châu thời Cỏ lau, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bức tranh đã khác với chính ông thời Dấu chân người lính. Bước chuyển đầy khó khăn ấy cho thấy những trăn trở của các tác giả trên hành trình kiến tạo các giá trị nhân văn, thẩm mĩ mới cho nền văn học viết về chiến tranh.

Viết về chiến tranh trong không gian văn chương đương đại vừa có những khó khăn lại vừa có nhiều thuận lợi, đó là tình huống hiện nay của người viết ở Việt Nam. Kế thừa hay chủ động khác biệt, bổ sung những góc nhìn, cảm hứng mới về chiến tranh là điều cần phải đặt ra và suy nghĩ nghiêm túc đối với mỗi nhà văn. Hướng đến các giá trị nhân văn, thẩm mĩ có tính chất bền vững, văn học và nghệ thuật nói chung bồi đắp nhân tính của con người, trong các khả năng có thể. Chính vì thế, dựa trên đặc trưng của phản ánh nghệ thuật, khi quan sát dòng chảy của văn học viết về chiến tranh ở Việt Nam, chúng ta nhận ra những sắc điệu mới, những đóng góp mới, hi vọng làm đầy đủ, thấm thía hơn, thậm chí mở rộng hơn những trải nghiệm của chúng ta về chiến tranh và văn chương viết về chiến tranh.

NGUYỄN THANH TÂM

 

Nguồn: http://vannghequandoi.com.vn/

Post by: Khoa Ngữ văn
17-01-2023