Nghiên cứu khoa học

VỀ KÝ HIỆU HỌC CÁC KHÁI NIỆM “XẤU HỔ” VÀ “SỢ HÃI” TRONG CƠ CHẾ VĂN HÓA


05-12-2022

Tác giả: J.M. Lotman - Người dịch: Lã Nguyên

 

1. Trong nhân chủng học và xã hội học, sau những công trình nghiên cứu của Lévi-Strauss, có một định nghĩa đã được khẳng định, theo đó văn hoá là một hệ thống định chế bổ trợ được áp đặt lên hành vi tự nhiên của con người. Chẳng hạn, ham muốn tình dục là một nhu cầu thuộc về tự nhiên, nhưng khi nó đã phục tùng những cấm kị bổ trợ (cấm kị về đồng tông, về địa điểm và thời gian, theo nguyên tắc có – không sự áp chế của giáo hội và luật pháp), thì chức năng tự nhiên nhường chỗ cho văn hoá.

2. Từ giác độ tâm lí học, phạm vi các giới hạn bị loại hình văn hoá áp đặt lên hành vi có thể chia thành hai lĩnh vực: lĩnh vực được điều tiết bằng sự xấu hổ và lĩnh vực được điều tiết bằng sự sợ hãi. Trong một ý nghĩa nhất định, điều đó có thể dẫn tới sự khác biệt rất nhỏ trong chuẩn mực hành vi về mặt pháp luật và đạo đức. Tuy nhiên, không phải mọi chuyện bao giờ cũng có thể giải thích như vậy.

3. Việc phân chia các nhóm tập thể chịu sự định chế của xấu hổ và các nhóm chịu sự giới hạn của sợ hãi hoàn toàn trùng với sự phân chia thành “chúng ta – họ”. Với ý nghĩa như thế, đặc điểm của những định chế được áp lên “chúng ta” và “họ” vô cùng khác nhau. “Chúng ta” về mặt văn hoá là một tập thể mà trong đó có sự vận hành của những chuẩn mực về sự xấu hổ và danh dự. Sợ hãi và sự cưỡng bức lại quyết định thái độ của chúng ta với những “người khác”. Sự xuất hiện của các tục lệ đấu súng, toà án danh dự nhà binh trong giới quý tộc, dư luận trong xã hội sinh viên (từ chối cứu giúp theo kiểu thương hại), toà án văn nhân, toà án thày thuốc trong giới công chức, ý đồ sử dụng các chuẩn mực riêng trong các đảng phái, trong “nội bộ” giới mình, không cần tới sự hỗ trợ của toà án, công an, nhà nước – đó là các bằng chứng thể hiện những dạng khác nhau của ý đồ vận dụng các chuẩn mực về sự “xấu hổ”, chứ không phải sự sợ hãi, trong nội bộ giới của mình.

4. Chính ở lĩnh vực trên, tính giai cấp của văn hoá bộc lộ rất rõ: ở thế kỉ XVIII, nếu trong nội bộ, theo lí tưởng, tập thể quý tộc được tổ chức bằng những chuẩn mực về danh dự mà ai vi phạm, sẽ thấy rất xấu hổ,  thì ở phía bên ngoài, trong quan hệ với tập thể nông dân, nó lại áp đặt cho họ những điều cấm kị làm cho sợ hãi. Nhưng trong nội bộ của mình, thế giới nông dân cũng được tổ chức bằng sự xấu hổ. Trong quan hệ với ông chủ quý tộc, người ta có thể làm những việc mà trong nội bộ thế giới của nông dân bị xem là đáng xấu hổ. Ở đây cho phép tìm tới sức mạnh bên ngoài (“nhà vua”, “quan trên”). “Danh dự” đòi hỏi giải quyết mọi vấn đề bằng sức mạnh bên trong tập thể (liên hệ với việc “mật báo”, “tố giác” trong tập thể học đường).

5. Việc mô tả dựa vào sự phân chia thành các chuẩn mực mà trong tập thể này nếu vi phạm thì sẽ xấu hổ, và những chuẩn mực do sự sợ hãi buộc phải thực hiện, có thể trở thành cơ sở thuận tiện cho việc phân chia các loại hình văn hoá.

6. Mối tương quan giữa hai loại hình định chuẩn cho hành vi của con người trong tập thể có thể biến đổi đáng kể. Nhưng sự hiện diện của cả hai và sự phân biệt chúng rõ ràng là rất cần thiết đối với cơ chế văn hoá. Có thể phân chia một cách giả định ba giai đoạn trong tương quan lịch sử của chúng.

a) Ở giai đoạn sơ kì, tổ chức hoạt động của tập thể con người đòi hỏi phải có một cơ chế khác biệt so với tất cả các cơ chế tồn tại trong thế giới động vật. Bởi vì thế giới động vật biết rất rõ cơ chế sợ hãi, còn cơ chế xấu hổ là đặc điểm riêng của con người, nên chính cơ chế này mới trở thành nền móng điều chỉnh các điều cấm kị đầu tiên của nhân loại với tư cách là con người văn hoá. Đây là những chuẩn mực để hiện thực hoá các nhu cầu sinh lí, – chắc chắn đó là lớp cổ xưa nhất trong hệ thống cấm kị mang tính văn hoá. Việc chuyển đổi sinh lí thành văn hoá được điều chỉnh bằng sự xấu hổ.

b) Khi nhà nước và các nhóm xã hội thù địch với nhau xuất hiện, nhân tố thống trị xã hội có sự chuyển dịch: con người bắt đầu trở thành một “sinh vật chính trị” và sự sợ hãi trở thành cơ chế tâm lí cơ bản của văn hoá. Sự xấu hổ điều chỉnh tất cả những gì là chung nhất đối với tất cả mọi người, còn sự sợ hãi xác định đặc tính riêng biệt của họ đối với nhà nước, tức là xác định những gì làm nên nhân tố thống trị về văn hoá ở giai đoạn ấy.

c) Giai đoạn thứ ba: trên cái nền của tổ chức nhà nước toàn dân, xuất hiện tập thể của những nhóm mang tính cá thể nhiều hơn: từ những tổ chức tự hình thành của các giai cấp cho đến những đoàn thể, phường hội thân tộc, láng giềng, nghề nghiệp, xưởng thợ, đẳng cấp… Mỗi một nhóm như thế tự xem mình là đơn vị của một tổ chức cao hơn so với tổ chức điều chỉnh hành vi của tất cả những người còn lại. Điều chỉnh bằng sự xấu hổ bắt đầu được xem là chỉ dấu của một tổ chức tối thượng.

Cần nhấn mạnh rằng, ba giai đoạn nêu ra ở trên chủ yếu có ý nghĩa lôgic – phát hiện, bởi vì dòng chảy thực tế của các tiến trình lịch sử hiển nhiên là diễn ra phức tạp hơn nhiều, và hiển nhiên là bằng muôn vàn nẻo đường hết sức phong phú, đa dạng.

7. Ở giai đoạn thứ ba, bao giờ cũng có một mối quan hệ bổ trợ giữa các phạm vi xấu hổ và sợ hãi. Chúng tôi có ý muốn nói, người biết xấu hổ, thường không sợ hãi, và ngược lại, kẻ hay sợ hãi, thường không biết xấu hổ. Lại nữa, sự phân bố các phạm vi thường mang tính co giãn và tạo thành đối tượng của sự tranh đấu với nhau. Chẳng hạn, văn hoá quý tộc Nga thế kỉ XVIII tồn tại trong bối cảnh giằng kéo qua lại giữa hai hệ thống: từ quan điểm của hệ thống này, mỗi quý tộc là một thần dân bị lệ thuộc vào “họ”, hành vi của nó do sự sợ hãi điều chỉnh. Nhưng từ một hệ thống khác, anh ta lại là thành viên thuộc về một  “cơ thể cao quý của giới quý tộc”, nhập vào cái tập thể “chúng ta” và chỉ thừa nhận luật lệ của sự xấu hổ. Tương quan giữa các phạm vi ấy là thế này: lĩnh vực “xấu hổ” có tham vọng trở thành cỗ máy điều tiết duy nhất đối với hành vi bằng cách khẳng định bản thân ở chính những biểu hiện mà chúng ngầm bảo, rằng sẽ rất xấu hổ nếu thấy sợ hãi. Điều này có quan hệ với vai trò đoàn thể của đấu súng, với yêu cầu về chữ dũng của chiến binh, với giá trị tuyệt đối của lòng quả cảm như vốn dĩ (liên hệ với cái chết vô mục đích của công tước Andrei trong Chiến tranh và hoà bình, khát vọng sống của chàng và sự bất lực ngự trị tất cả nhường chỗ cho sự sợ hãi: “thật xấu hổ, thưa ngài sĩ quan”, “Nỗi sợ … xấu hổ” đã dẫn Lenski đến rào chắn). Lĩnh vực “sợ hãi” trong quan hệ với giới quý tộc Nga thế kỉ XVIII được duy trì một cách thụ động hơn. Điều này được quyết định bởi sự đồng tình mang tinh thần đẳng cấp của chính phủ với giới quý tộc, nhờ đó, bản chất độc tài của nhà nước chuyên chế đối với giai cấp quý tộc tỏ ra mềm mỏng hơn. Trong thực tế, nó được thể hiện trong sự thiếu nhất quán, vì thế, chính phủ chống lại việc đấu súng, nhưng vẫn cho phép các luật lệ về danh dự tồn tại bên cạnh các chuẩn mực luật pháp.

8. Tính chất bổ trợ của các quan hệ giữa sự “xấu hổ” và “sợ hãi” như là giữa các cơ chế tâm lí của văn hoá cho phép tổ chức mô tả về mặt loại hình từ các hệ thống mà trong đó sự phì đại của lĩnh vực “sợ hãi” dẫn tới sự biến mất của phạm vi “xấu hổ” (liên hệ với Biên niên sử của Tacitus, Nỗi sợ hãi và tuyệt vọng của đế chế thứ Ba của Brecht) cho tới những hệ thống mà trong đó, xấu hổ là bộ máy điều chỉnh duy nhất các điều cấm.

Việc mô tả các hành vi được xem là“không sợ hãi” , hoặc, “không xấu hổ” có một ý nghĩa văn hoá đặc biệt. Ở trường hợp sau, cần lưu ý hành vi “không xấu hổ” từ quan điểm bên ngoài (chẳng hạn, các tín đồ của chủ nghĩa hư vô Nga ở giữa thế kỉ XIX được xem là những kẻ vi phạm các chuẩn mực về sự xấu hổ, vì  họ khẳng định một loại hình đạo đức kiểu mới trong lịch sử), hoặc hoặc từ quan điểm cá nhân (những kẻ cynique, hippie).

1970

Người dịch: Lã Nguyên

Source: https://languyensp.wordpress.com/2022/10/23/ve-ky-hieu-hoc-cac-khai-niem-xau-ho-va-so-hai-trong-co-che-van-hoa/ Post by: Khoa Ngữ văn
05-12-2022