Nghiên cứu khoa học

Sức sống của một tư tưởng và tinh thần khoa học của GS Bùi Văn Nguyên


09-10-2020

Theo các giấy tờ chính thức, GS. Bùi Văn Nguyên sinh năm 1923 tại xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Từ năm 1957 cho đến lúc nghỉ hưu (năm 1990), ông công tác tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội. Trong nhiệm kỳ đầu, một nhiệm kỳ kéo dài từ năm 1967 đến cuối năm 1989, một nhiệm kỳ đầy sóng gió của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS. Bùi Văn Nguyên đảm nhiệm cương vị Tổng Thư ký từ năm 1984 đến hết nhiệm kỳ.

          Với tư cách là nhà khoa học và nhà sư phạm, GS. Bùi Văn Nguyên nghiên cứu và giảng dạy cả văn học viết thời trung đại và văn học dân gian. Về thành quả nghiên cứu văn học viết, năm 2005, ông được Chủ tịch Nước truy tặng giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. Về kết quả nghiên cứu văn học dân gian, ngoài việc viết hàng chục bài tạp chí, với tư cách là tác giả, đồng tác giả, chủ biên, ông công bố trên hai mươi cuốn sách(1).

 

          Hưởng ứng lễ kỷ niệm 90 năm sinh của bậc tiền bối khả kính, xuất phát từ mảng chuyên môn nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian, lại được sự ủy thác của Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, tôi dự định trình bày một báo cáo về cống hiến của GS. Bùi Văn Nguyên trong lĩnh vực nghiên cứu folklore ngôn từ. Để làm việc này, tôi phải đọc lại ông và đọc những gì mà những người khác đã viết về ông. Sau khi đọc, tôi thấy rằng, nếu đánh giá toàn diện về nhà nghiên cứu văn học dân gian Bùi Văn Nguyên, tôi không thể viết khác PGS.TS. Trần Đức Ngôn. Bài viết toàn diện, rất có giá trị của ông đã công bố trong cuốn sách Các tác gia nghiên cứu văn hóa dân gian (1995) và được tái bản trong Tạp chí Nguồn sáng dân gian, năm 2003, số 2 với tên gọi “Nhà nghiên cứu văn học dân gian đầu ngành Bùi Văn Nguyên” để tưởng niệm sau khi GS. đi vào cõi vĩnh hằng.

          Bởi vậy, trong lễ kỷ niệm trang trọng và cảm động hôm nay, tôi chỉ xin bàn về một tư tưởng và tinh thần khoa học của GS. Bùi Văn Nguyên.

*

*                *

          Năm 1985, GS. Bùi Văn Nguyên công bố bài viết “Tìm hiểu cội nguồn Việt cổ qua một số môtíp tiêu biểu trong truyện dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Ông cho rằng, các môtíp quả bầu (của người Dao), Ngu Cơ và Long Vương (của người Mường), ả Chức và chàng Ngưu (của người Kinh và các dân tộc thiểu số dọc biên giới Việt Trung), Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài (của người Nùng), con chị con em (của người Tày), chàng trai nghèo khổ (của người Cao Lan),…vốn có nguồn gốc Bách Việt. Vì văn hóa Bách Việt bị mai một nên khi đọc truyện, nhiều người lầm tưởng những mô típ trên là của người Hán(2).

          Năm 1993, trong cuốn Việt Nam: thần thoại và truyền thuyết, GS. Bùi Văn Nguyên viết: Những cộng đồng Bách Việt là những cộng đồng có mặt ở “một địa bàn bao la từ bán đảo Sơn Đông, trải dài đến tận mũi Cà Mau (Minh Hải) kể cả một số hải đảo ở Đông Hải, Nam Hải,…tức những cộng đồng bản địa, cội nguồn của những chủ nhân làm ra lịch sử thời viễn cổ ở Trung Quốc và ở Việt Nam” (3). Từ thời Nhị Hoàng ( Bào Hy, Thần Nông) sang Ngũ đế ( Chuyên Húc, Cốc, Chí, Nghiêu, Thuấn), bắc cầu sang hai họ đầu của Tam đại là Hạ, Thương, nhiều bộ tộc, liên minh bộ tộc trong cộng đồng lỏng lẻo Bách Việt vẫn độc lập. Theo thư tịch còn lại và theo kết quả khảo cổ học, người ta biết rằng, từ thời viễn cổ có một giống người được gọi chung là Miêu tộc, là Cửu lê trong đó có Việt tộc, có gốc gác Mã Lai (Malaya), từ chân núi Hy Mã Lạp Sơn di chuyển xuống Hoa Dương, sau nạn hồng thủy, tìm ra biển Đông, dừng lại ở Cùng Tang (về sau có tên là Khúc Phụ) ở bán đảo Sơn Đông (Trung Quốc). Đất Cùng Tang, nơi có núi Thái Sơn là một địa điểm quan trọng của Viêm đế truyền cho đến Đế Minh, rồi Đế Nghi vẫn ở Thái Sơn. Còn Kinh Dương Vương chuyển vào Hồng Lĩnh, men theo đường thủy. Thục Vương cướp ngôi Hùng Vương, gây ra cuộc chiến tranh Thục – Triệu. Ý chừng Triệu Đà muốn nước Nam Việt phải bao gồm giang sơn họ Hồng Bàng thời Kinh Dương Vương mà phía Bắc giáp hồ Động Đình, phía Tây giáp Ba Thục, một giang sơn vô cùng rộng lớn, ngang với giang sơn nhà Hán sau khi Hán đã diệt Tần, diệt Sở. Triệu Đà chủ trương đối lập với nhà Hán, vì chưa đủ thế và lực nên đành phải nhún nhường thần phục nhưng thực chất vẫn muốn làm đế ở phương Nam. Về điều này, về sau thi hào dân tộc Nguyễn Du đã nhận thấy khi viết bài “Triệu Vũ đế cố cảnh” ( Đất cũ của Triệu Vũ đế).

          Theo GS. Bùi Văn Nguyên, thời bấy giờ ranh giới giữa các bộ tộc chưa được phân định rạch ròi, thường có chiến tranh lấn chiếm lẫn nhau, Thục Phán hay Triệu Đà không phải là tay sai của Tần, Hán, mà là vua một địa phương. Thục Phán còn phải đem Lý Thân sang làm con tin ở Tần, chứ Triệu Đà thì không. Các sử gia nước ta thời Trần, Lê, Nguyễn đã đánh giá Triệu Đà trong bối cảnh như vậy, mới coi Triệu Đà, tuy là quan lại của nhà Hán nhưng đã đứng về phía Bách Việt mà chống Hán, thay các thế hệ Hùng Vương, bảo vệ nền độc lập cho giang sơn còn sót lại của cộng đồng Bách Việt ở phương Nam.

          Cho đến thời Hạ, Thương và đầu đời nhà Chu, nhiều bộ tộc trong cộng đồng Bách Việt vẫn độc lập. Nhà Chu đang bành trướng dần nhưng vẫn loanh quanh ở hai châu Ký và Duyện, chưa vượt được Hoàng Hà ở khoảng rộng. Ở vùng ven Bắc và Nam sông Dương Tử, ảnh hưởng của Sở Việt còn mạnh. Vua Sở đã hai lần xưng đế sánh với nhà Chu vào các năm 900 và 700 trước Công nguyên, ngang với các thế hệ Hùng Vương lớp sau của nước ta. Trong đời sống hay trong sử sách, chúng ta thường gặp nhiều truyền ngôn tổ tiên ta dẫn lời Nghiêu, Thuấn ca ngợi thân thế hai vị này và thời đại Nghiêu Thuấn, thời đại hoàng kim viễn cổ. Có thể có ai đó nghĩ rằng, tổ tiên ta đã giáo điều theo một Nghiêu – Thuấn nào đó của phương Bắc ngoại nhập, chứ có biết đâu Nghiêu, Thuấn thời viễn cổ là Nghiêu, Thuấn chung cho cả cộng đồng Bách Việt, mà về sau, các triều đại Chu, Tần cũng phải dựa vào mà cai trị phần đất mà họ chiếm được. Khuất Nguyên của nước Sở Việt đã ca ngợi Nghiêu, Thuấn. Khuất Nguyên dòng dõi Việt tộc, chống Tần Hán chứ không vì Tần Hán.

          Nhiều chủng tộc ở nhiều nước trên thế giới đã pha huyết theo nhiều loại khác nhau, qua nhiều lớp lang khác nhau, khó có thể có đủ điều kiện tìm tổ tông ngược lên đến thời viễn cổ. Việt tộc cũng không thể có gì khác với quy luật pha huyết trong chừng mực con người là một động vật có ý thức di chuyển nhiều hướng khác nhau. Có điều là chúng ta nhờ có ký ức bền chặt về cội nguồn tổ tiên nên mới có các truyền thuyết, các ngọc phả, thần phả, có di tích về thời Hùng Vương. Đất nước của Thần Nông – Viêm đế chưa bị tha hóa tất cả: Sở Việt đã lùi về dĩ vãng, nhưng Lạc Việt vẫn còn đây, nước Việt Nam với truyền thống từ thời Kinh Dương Vương, ngang với Đế Nghi đều là con đẻ của Đế Minh, đều là cháu bốn đời của Viêm đế.

          Trong thời Nghiêu, Thuấn, xã hội còn mang tính chất cộng đồng nguyên thủy, các bộ tộc, liên minh các bộ tộc chưa tiến lên thành một dân tộc, một quốc gia, cho nên chưa có ranh giới và khái niệm về một nước như hiện nay. Có thể chủ nghĩa yêu nước dần dần rõ nét hơn khoảng thời Khuất Nguyên đối với Sở Việt, khoảng thời Lữ Gia đối với Lạc Việt.

          Trên đây là tóm tắt nội dung một tư tưởng khoa học, một phương pháp luận của nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên. Tư tưởng và phương pháp luận đó là: Bóc lớp, nhận diện những giá trị, những nhân vật lịch sử, văn hóa vốn có nguồn gốc Bách Việt đã bị đồng hóa hoặc bị xuyên tạc thành của văn hóa Hán, của người Hán(4).

Sau khi cuốn Việt Nam: Thần thoại và truyền thuyết ra đời được 10 năm, bài báo mới đây của dịch giả Trần Đình Hiến, một người gắn bó với đề tài Trung Quốc đã hơn nửa thế kỷ, xác nhận sự đúng đắn trong tư tưởng khoa học của GS. Bùi Văn Nguyên. Trên báo  Lao động cuối tuần, số 9 năm 2013, trong bài “Phải xác lập sự bình đẳng trong quan hệ Việt – Trung”, tác giả Trần Đình Hiến viết: “ Xưa nay, Trung Quốc họ (…) cứ nhận rằng họ dạy mình trồng trọt, cấy lúa. Nhưng chính họ thừa nhận, đời Thương họ vẫn còn ăn bo bo. Đến đời Chu, 1100 năm trước Công nguyên, cho đến năm 221 (trước Công nguyên – N.X.K thêm) khi Tần Thủy Hoàng diệt nốt sáu nước, thống nhất thành đế quốc Tần thì họ vẫn ăn bo bo, mạch tắc. Lúc đó họ chưa hề biết lúa nước. Đến đời Hán họ mới biết ăn gạo, nhưng vẫn chưa trồng lúa được. Người trồng nên cây lúa, làm ra hạt thóc ấy là dân Bách Việt. (…)… sau khi trở thành nước lớn, họ mưu toan tận diệt văn hóa, văn minh của các dân tộc đã bị thôn tính, chủ yếu là Bách Việt. Tần Thủy Hoàng là người mở đầu tội ác này, tiếp đến là Hán Vũ đế và tất cả các triều đại sau của Trung Quốc. Đồng thời, cùng với đội quân xâm lược, họ truyền bá văn hóa Hán, thứ văn hóa vốn tiếp nhận đa phần từ văn hóa Bách Việt nhưng đã bị Hán hóa. Rồi họ lại mang cái “văn minh Hán hóa” ấy dạy lại mình…Thành ra bây giờ, có nhiều chuyện, nhiều việc vốn thuộc văn hóa, văn minh của mình, nhưng phần lớn người mình cứ ngỡ có nguồn gốc Trung Quốc. Họ học nhiều thứ của mình, cố giấu nhưng không giấu được, như chuyện vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Thần Nông chẳng hạn. Các vị ấy là người mình đấy chứ, vì mình là dân trồng lúa nước mới có những người như thế… Hay thuyết âm dương ngũ hành có phải gốc là của họ đâu; 12 con giáp, có con thứ tư – con mèo, nhưng 12 con giáp của họ, con đó là con thỏ. Họ không có con mèo vì họ góc gác xuất phát từ thảo nguyên khô cằn vùng Thiểm Tây thảo nguyên chỉ có thỏ, làm gì có mèo…”(5).   

*

*                *

          Trong khuynh hướng bóc tách và nhận diện những giá trị văn hóa, những nhân vật lịch sử, văn hóa của người Việt bị đồng hóa, bị xuyên tạc hoặc ngộ nhận là của đế quốc Hán, đối với vấn đề Triệu Đà, GS. Bùi Văn Nguyên không phải là người phát hiện đầu tiên, nhưng ông là người nói kĩ, nói một cách quyết liệt để bảo vệ điều ông xác tín.

          Từ những năm 60 của thế kỉ trước, Triệu Đà được coi là kẻ thù xâm lược. Năm 1961, trong Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, tập I: Văn học dân gian, PGS. Đỗ Bình Trị viết: “So với truyện Thánh Gióng thì truyền thuyết về An Dương Vương li kì hơn nhiều. Lâu nay đã có nhiều cách giải thích khác nhau về tư tưởng chủ đề, về ý nghĩa của truyền thuyết đó. Tuy nhiên, nếu người ta thống nhất với nhau về quan điểm, về tài liệu thì có thể đi tới một nhận định thống nhất là: bài học giữ nước và tư tưởng phản kháng chiến tranh xâm lược chính là hai mặt gắn bó khăng khít với nhau trong chủ đề của truyền thuyết phức tạp này. (…)”. “Thất bại của An Dương Vương do không đề phòng kẻ địch – thậm chí còn tin vào kẻ địch nham hiểm – là mặt thứ hai của bài học giữ nước. Phải đặt câu chuyện vào hoàn cảnh thường xuyên đứng trước tai họa ngoại xâm của đất nước ta mới thấy hết ý nghĩa của bài học đó”. (6)

          “Thông qua thất bại đau đớn của An Dương Vương, sự tan vỡ của tình cha con và nhất là thông qua chung cục bi thảm của đôi lứa Mỵ Châu – Trọng Thủy, nhân dân đã biểu lộ một cách sâu sắc tư tưởng phản kháng chiến tranh xâm lược, đồng thời bài học giữ nước nói trên lại được nhấn mạnh một lần nữa”. (7)

          Năm 1962, trong Văn học dân gian Việt Nam, một mặt GS. Đinh Gia Khánh cũng cho rằng, Thần Nông lúc đầu vốn có trong thần thoại của Miêu tộc, dân tộc Hán sau này đã nhập vị thần này vào sổ bạ nhà thần Hán tộc; mặt khác, ông đánh giá Triệu Đà là kẻ ngoại xâm, kẻ gây ra tấn bi kịch nước mất, nhà tan cho cha con An Dương Vương. (8)

          Năm 1971, Lịch sử Việt Nam, tập 1, công trình tập thể không ghi tên các tác giả, được “biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam” được xuất bản. Cuốn sách đã viết về Triệu Đà với cái nhìn thiếu thiện cảm: “Triệu Đà biết rằng không thể thắng được Âu Lạc về quân sự nên rút về núi Vũ Ninh, xin hòa với An Dương Vương. Hắn sai con trai là Trọng Thủy sang hàng phục An Dương Vương, xưng thần mà thờ. An Dương Vương gả con gái là Mỵ Châu cho Trọng Thủy. Trọng Thủy ở gửi rể bên nước Âu Lạc. Đấy chính là mưu mẹo mà Triệu Đà dùng để chiếm nước Âu Lạc. Trong những năm ở gửi rể, Trọng Thủy đã dò xét tình hình Âu Lạc, học phép chế nỏ và phá nỏ của người Âu Lạc rồi trốn về nước báo cho Triệu Đà. Kết hợp lực lượng quân sự và mưu mẹo gián điệp, lần này Triệu Đà thôn tính được nước Âu Lạc. An Dương Vương thua trận, phải nhảy xuống biển tự tận. Việc đó xảy ra vào khoảng năm 179 trước Công nguyên”. (9)

          Năm 1973, trong sách Văn học dân gian, tập 2. GS. Đinh Gia Khánh tiếp tục xem Triệu Đà là giặc xâm lược. (10)

          Năm 1974, trong Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, nhà nghiên cứu Cao Huy Đỉnh nhận xét:

          “(…) nếu dân tộc Âu Lạc đã thống nhất từ bên dưới thì xã hội Âu Lạc lại bắt đầu chia rẽ từ bên trên. Quyền lợi vật chất đã tập trung vào một dòng họ quý tộc. Dòng họ này sống bằng mồ hôi nước mắt và máu của nô tì lao dịch, co rúm vào trong nội thành, đã mất cảnh giác với kẻ thù lại không tin vào nhân dân, thậm chí nghe lời gièm pha của bọn gian thần mà hại cả kiệt tướng trung thần. Sự đối lập giai cấp và lẫn lộn bạn thù này tất phải mở đường cho cuộc xâm lược của cha con họ Triệu nòi Hán và kết thúc bằng số phận bi thảm của cha con vua Chủ (An Dương Vương và Mỵ Châu). Trong lúc đó thì quần chúng vẫn không nguôi hận thù đối với bọn cướp nước”. (11)

          “Truyện An Dương Vương và Mỵ Châu rõ ràng là một bi kịch lịch sử khá đau xót, nhưng không bi lụy”. (12)

          Năm 1978, trong Lịch sử văn học Việt Nam, tập 1: Văn học dân gian, bản in lần thứ năm, PGS. Đỗ Bình Trị tiếp tục đánh giá Triệu Đà là “nham hiểm”, cuộc chiến giữa Triệu Đà và An Dương Vương là chiến tranh xâm lược. (13)

          Năm 1984, Niên biểu Việt Nam do Lê Thước, Nguyễn Thịnh, Trần Huy Bá và Tô Đường biên soạn được xuất bản lần thứ ba, có chỉnh lý bổ sung. Bằng cách lập bảng đối chiếu, các tác giả đã đặt Triệu Đà và bốn người con của ông vào cột “Triều đại Việt Nam” đối sánh với Tần, Hán ở cột “Triều đại Trung Quốc”. (14)

          Năm 1990, trong Văn học dân gian Việt Nam (do GS. Lê Chí Quế chủ biên) và trong Văn học dân gian Việt Nam, tập 2 (của PGS. Hoàng Tiến Tựu), các tác giả đều xếp Triệu Đà vào hàng ngũ bọn xâm lược. (15)

          Như trên đã nói, năm 1993, trong cuốn sách Việt Nam: thần thoại và truyền thuyết đã dẫn, GS. Bùi Văn Nguyên dành nhiều trang viết về Triệu Đà và công nhận vương triều của ông là một vương triều Việt Nam, nối tiếp nhà Thục. (16)

          Năm 2000, Nhà xuất bản Thế giới công bố cuốn sách Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỉ X của PGS. Trần Nghĩa. Tác giả đã thận trọng đánh giá Triệu Đà như sau: “Triệu Đà sau khi thành lập nước Nam Việt có tiếp tục chính sách “thư đồng văn, xa đồng quỹ” của nhà Tần trên vương quốc của mình hay không, điều này sử sách không ghi chép. Chỉ biết họ Triệu hồi bấy giờ muốn thành lập ở phương Nam một triều đình hẳn hoi không kém gì phương Bắc, qua đoạn đối thoại với sứ giả nhà Hán – Lục Giả sau đây: (…)” (17). Sách này còn giới thiệu toàn văn “Bức thư của Triệu Đà vua nước Nam Việt gửi Hán Văn đế” với đủ các phần chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và chú thích. Cuốn sách này tạo điều kiện cho người đọc có một cách nghĩ khác với luồng đánh giá của đại đa số các tác giả khác. Rất tiếc, sách này chỉ được in với 300 (ba trăm) bản, trong khi chỉ một cuốn thôi: Lịch sử văn học Việt Nam, tập I: Văn học dân gian, bản in lần thứ năm (1978) là 15.000 (mười lăm nghìn) bản!

          Từ Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập (tái bản lần thứ năm, 2002) do GS. Trương Hữu Quýnh, GS. Đinh Xuân Lâm, PGS. Lê Mậu Hãn đồng chủ biên (18), qua Từ điển văn học bộ mới (2004) do GS. Đỗ Đức Hiểu, GS. Nguyễn Huệ Chi, GS. Phùng Văn Tửu, PGS. Trần Hữu Tá đồng chủ biên (19) đến cuốn sách xuất bản gần đây nhất: Giáo trình văn học dân gian (2012) do PGS. Vũ Anh Tuấn chủ biên (20), các tác giả đều đánh giá Triệu Đà là địch, là kẻ xâm lược.

*

*                   *

          Qua vấn đề Triệu Đà, có thể thấy giới nghiên cứu, giới soạn sách giáo khoa phổ thông đã lúng túng và một vài tác giả đã thiếu nghiêm cẩn.

          Như ta đã biết, quan niệm phổ biến (và chính thống?) từ những năm 60, 80 của thế kỉ trước cho rằng Triệu Đà thuộc về phía Trung Quốc xâm lược. Nhưng Nguyễn Trãi (thế kỉ XV) trong Bình Ngô đại cáo lại “nhận” Triệu Đà về phía Việt Nam ta:

                  Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập

                   Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.

(Bản dịch) (21)

          Trong diễn ca Lịch sử nước ta (1942), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

                                 ….

An Dương Vương thế Hùng Vương

Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân

Triệu Đà là vị hiền quân

Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời… (22)

          Trong tập 36 của Tổng tập văn học Việt Nam, xuất bản lần đầu năm 1980, tái bản 1997, dưới sự chỉ đạo của Hội đồng biên tập do GS. Đinh Gia Khánh làm chủ tịch cùng với các tên tuổi khả kính: GS. Nguyễn Tài Cẩn, PGS. Nguyễn Văn Hoàn,…, người biên soạn đã bỏ hai dòng sau của đoạn trích bốn dòng nêu trên, để trống một dòng với năm dấu chấm (…..) (23). Cuốn sách bỏ túi (khổ 9 x 13cm) Lịch sử nước ta do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia và Bảo tàng Tân Trào – ATK in 10.500 cuốn cũng bỏ hai dòng liên quan đến Triệu Đà, không một lời giải thích, không để các dấu chấm (…) (24).

          Đối với từ “Triệu” trong Bình Ngô đại cáo, có khi người soạn sách bỏ đi, thay vào vị trí đó bằng dấu ba chấm, cũng có khi bỏ hẳn không để dấu ba chấm. Năm 1972, GS. Vũ Khiêu, Anh hùng lao động thời kì Đổi mới đưa ra một văn bản rất khác, lạ:

                   Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, xây dựng nền độc lập

           Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương (25)

          Ở dòng đầu, từ vị trí thứ hai, từ “Đinh” chuyển lên vị trí thứ nhất, “Lê” là một từ mới, lạ (so với bản gốc của Nguyễn Trãi và các bản khác), Lê ở đây là nhà Tiền Lê (980 – 1009) ở Việt Nam, cùng thời với nhà Tống ở Trung Quốc. Nhà Đinh (968 – 980) cũng cùng thời với nhà Tống (26).

          Theo Niên biểu Việt Nam, nhà Triệu (207 – 111 trước Công nguyên) cùng thời với Tần, Hán ở Trung Quốc, nhà Đinh cùng thời với Ngũ đại (Lương, Đường, Tấn, Hán, Chu) bên Trung Quốc (27).

          Năm 1993, GS. Bùi Văn Nguyên phê phán gay gắt việc sửa văn Nguyễn Trãi:

          “Các sử gia nước ta thời Trần, Lê, Nguyễn nhận xét Triệu Đà trong bối cảnh lịch sử như vậy, mới coi Triệu Đà, tuy là quan lại của nhà Hán, nhưng đã đứng về phía Bách Việt mà chống Hán (…). Cũng với tinh thần đó, Nguyễn Trãi mới dùng hình tượng bốn triều đại: “Triệu, Đinh, Lý, Trần” để đối lập với bốn triều đại phương Bắc là: “Hán, Đường, Tống, Nguyên” theo thể văn tứ lục sóng nhau chan chát: Triệu thì đồng thời và ngang với Hán, cũng như Đinh thì đồng thời, và ngang với Đường, v.v… Văn chương chân chính như ánh sao Khuê, đâu có phải là trò chơi vu khoát. Ấy thế mà có kẻ, chẳng hiểu gì văn, gì sử, lại chỉnh lý văn Nguyễn Trãi, dám bỏ Triệu, mà thay Tiền Lê vào, làm cho câu văn trở nên vô nghĩa và khấp khểnh cả về nội dung lẫn kỹ thuật. Phải Triệu mới ngang với HánĐinh mới ngang với Đường chứ? Và mới có sự sóng đôi trong văn tứ lục”. (28)

          Ở sách giáo khoa phổ thông, thời gian đầu, trong bài Bình Ngô đại cáo, người soạn sách bỏ từ “Triệu”. Thời gian sau, tình hình cởi mở hơn, từ “Triệu” được khôi phục và được chú thích là Triệu Đà. Oái oăm thay, trong sách giáo khoa văn học lớp 10, ở cùng năm học, học sinh được/bị học cả bài về Mỵ Châu Trọng Thủy lẫn bài Bình Ngô đại cáo. Ở bài trước, sách giáo khoa giảng rằng, Triệu Đà và Trọng Thủy là những nhân vật phản diện; còn ở bài sau thì phải chú thích “Triệu” là Triệu Đà. Trong cuốn sách dành cho giáo viên, người ta đã phải có đoạn: Đề phòng nếu học đến đây mà học sinh thắc mắc thì sẽ giải thích thế này, thế này… Câu chuyện bi hài này xảy ra khi GS. Bùi Văn Nguyên không còn làm tổ trưởng chuyên môn tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, ông đã nghỉ hưu.

          Không chỉ bộc trực, thẳng thắn trong học thuật, GS. Bùi Văn Nguyên còn là người khiêm nhường và trọng thị công sức lao động của các bậc đi trước và đồng nghiệp. Ở cuối bài “Dẫn luận”, trong cuốn Việt Nam: thần thoại và truyền thuyết, ông viết: “Thời gian mù mịt, không gian bao la, đời sống có chừng, khả năng có hạn, tôi cố gắng “đáy biển mò kim”, có được gì, dù ngọc, dù đá, cũng xin ghi lại, để các bạn xem xét và bổ sung cho những chỗ khiếm khuyết” (29). Sau khi biên dịch Tân đính Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh, ông viết: “Riêng tôi, tuy đã cố gắng hết sức mình, nhưng chắc không tránh khỏi những thiếu sót mặt này, mặt khác, vậy chân thành mong các bạn bổ chính cho những chỗ bất cập” (30). Trong mục “Cùng bạn đọc” mở đầu tập 4 Tổng tập văn học Việt Nam, ông bộc bạch: “Tôi tích cực nhưng chưa thật cẩn thận, để đến nỗi sau phải làm lại từ đầu, do trách nhiệm thôi thúc, không thể nửa chừng bỏ dở, mong các bạn lượng thứ. Với tinh thần tự giác vì nền văn hóa dân tộc, đến nay tôi mới hoàn thành bản thảo lần hai và đem nộp Nhà xuất bản Khoa học xã hội như đã hứa, theo thời hạn” (31). Cuối mục này, ông viết: “Vốn từ đã lâu, vào khoảng những năm 60, trong quá trình giảng dạy ở Khoa Ngữ văn Đại học sư phạm Hà Nội, tôi (Bùi Văn Nguyên) đã từng dịch thuật thơ văn cổ để hành nghề. (…)…. Tôi trưởng thành được như ngày nay trong thơ văn dịch từ chữ Hán chính là nhờ công lao của các vị túc nho bậc thầy, bậc đàn anh như Bùi Kỷ, Lê Thước, Ngô Lập Chi, Nguyễn Khắc Hanh. (…)….tôi và cụ Nguyễn Khắc Hanh trở thành đôi bạn vong niên và cụ đã giúp đỡ tôi nhiều trong dịch thuật chữ Hán. Tất cả những bài phú do Vân Trình (một bút danh của GS. Bùi Văn Nguyên – N.X.K) theo sát thể thức để dịch, được đưa vào tập 4 này, đều dựa vào bản dịch phác bằng văn xuôi của Nguyễn Khắc Hanh. Nhân dịp này, tôi, Bùi Văn Nguyên, với tư cách Chủ biên tập 4, thay mặt Nhóm biên soạn, tức thay mặt hai bạn Nguyễn Nghĩa Dân, Doãn Như Tiếp, chân thành cảm ơn các bậc túc nho trên đây, nay đã quá cố và chân thành cảm ơn tất cả các dịch giả khác có bài trích trong tập 4 này. Tuy chúng tôi đã cố gắng hết sức, nhưng chắc rằng vẫn còn những điểm chưa đạt, mong được các bạn bổ sung cho”. (32)

          Chính sự lao động miệt mài, lòng chân thành, sự khiêm tốn và tính cương trực hòa quyện lại, đã làm nên sức sống lâu dài của những tư tưởng khoa học của GS. Bùi Văn Nguyên ./.

Hà Nội ngày 27/3/2013

 

     N.X.K

(1)              Về danh sách các bài, các cuốn sách về văn học dân gian mà GS. Bùi Văn Nguyên là tác giả hoặc đồng tác giả, có thể xem trong: Nguyễn Xuân Kính chủ biên (1995), Các tác gia nghiên cứu văn hóa dân gian, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.90 – 94

(2)                Bùi Văn Nguyên (1985), “Tìm hiểu cội nguồn Việt cổ qua một số mô típ tiêu biểu trong truyện dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam”, Tạp chí Văn học, Hà Nôi, số 4.

(3)                Bùi Văn Nguyên (1993), Việt Nam: thần thoại và truyền thuyết, Nxb. Khoa học xã hội và Nxb. Mũi Cà Mau, Hà Nội, tr.269.
Minh Hải là tên một tỉnh cũ, nay là hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.

(4)      Bùi Văn Nguyên (1993), sđd, tr.269 – 278

(5)                Trần Đình Hiến (2013), “Phải xác lập sự bình đẳng trong quan hệ Việt – Trung”, Lao động cuối tuần, số 9, từ 1 – 3 tháng 3, tr.3

(6)                Đỗ Bình Trị (1961), “Chương II: Thần thoại và truyền thuyết”, trong: Bùi Văn Nguyên, Lê Trí Viễn, Đỗ Bình Trị,… Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam. Tập 1: Văn học dân gian, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.97 – 98

(7)               Đỗ Bình Trị (1961), sđd, tr.98

(8)      Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1962), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.76 – 77

(9)       Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1971), Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.74, 77 (hai tr. 75 – 76 là trang ảnh và một trang để trắng)

(10) Đinh Gia Khánh chủ biên (1973), Văn học dân gian, tập 2, Nxb. Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, tr.89

(11) Cao Huy Đỉnh (1974), Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.36

(12) Cao Huy Đỉnh (1974), sđd, tr.37

(13) Bùi Văn Nguyên, Lê Trí Viễn, Đỗ Bình Trị,… (1978), Lịch sử văn học Việt Nam. Tập 1: Văn học dân gian. Phần 1, Nxb. Giáo dục, in tại Thành phố Hồ Chí Minh, tr.88

(14) Lê Thước, Nguyễn Thịnh, Trần Huy Bá, Tô Đường (1984), Niên biểu Việt Nam, in lần thứ ba, có chỉnh lý và bổ sung, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.16

Sách này xuất bản lần đầu năm 1963, lần thứ hai năm 1970. Tôi chưa đọc hai lần xuất bản này nên không biết họ đánh giá Triệu Đà như thế nào (N.X.K).

(15) a/ Lê Chí Quế chủ biên (1996), Văn học dân gian Việt Nam, in lần thứ hai, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.52 – 54

    Sách này in lần đầu năm 1990. Giữa các lần in, không có sửa chữa.

           b/ Hoàng Tiến Tựu (1990), Văn học dân gian Việt Nam, tập 2, Nxb. Giáo dục, in tại Thành phố Hồ Chí Minh, tr.38

(16) Bùi Văn Nguyên (1993), sđd, tr.257 – 265, 272

(17) Trần Nghĩa (2000), Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỉ X, Nxb. Thế giới, tr.55

(18) Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn đồng chủ biên (2002), Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.58

(19) Đổ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá đồng chủ biên (2004), Từ điển văn học bộ mới, Nxb. Thế giới, in tại Thành phố Hồ Chí Minh, tr.33 – 34

(20) Vũ Anh Tuấn chủ biên (2012), Giáo trình văn học dân gian, Nxb. Giáo dục Việt Nam, in tại Hải Dương, tr.95

(21) Bùi Văn Nguyên chủ biên (1995), Tập 4 Tổng tập văn học Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.65

(22) Dẫn theo: Bùi Văn Nguyên (1993), sđd, tr.259

(23) Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, Lữ Huy Nguyên sưu tầm, biên soạn (1997), Tập 36 Tổng tập văn học Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội. tr.568

(24) Hồ Chí Minh (2001), Lịch sử nước ta, Nxb. Chính trị quốc gia và Bảo tàng Tân Trào – ATK xuất bản, Hà Nội, tr.9

(25) Vũ Khiêu (2003), Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, in tại Thành phố Hồ Chí Minh, tr.95

(26) Theo Niên biểu Việt Nam (1984), sđd, tr.19

(27) Niên biểu Việt Nam (1984), sđd, tr.45

(28) Bùi Văn Nguyên (1993), sđd, tr.272 – 273

(29) Bùi Văn Nguyên (1993), sđd, tr.21

(30) Bùi Văn Nguyên (1993), Tân đính Lĩnh Nam chích quái, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.18

(31) Bùi Văn Nguyên chủ biên (1995), sđd, tr.5

(32) Bùi Văn Nguyên chủ biên (1995), sđd, tr.7 - 8

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020