Nghiên cứu khoa học

Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975


02-11-2022

(Kỷ niệm 90 năm Phong trào Thơ mới, 1932-2022)

 

Sự hiện hữu của phong trào Thơ mới trong văn học miền Nam 1954 -1975 qua sự tiếp nhận của giới nghiên cứu, lý luận – phê bình là khá phong phú, đa dạng, đa diện, đa chiều nên đã khắc họa một cách sinh động diện mạo của phong trào Thơ mới, góp phần hoàn thiện diện mạo trào lưu văn học lãng mạn Việt Nam 1932 -1945 trong tiến trình vận động của nền văn học dân tộc.

1. Trong văn học ở miền Nam 1954 – 1975, phong trào Thơ mới có một tên gọi khác khá ấn tượng là Thi ca tiền chiến, nghĩa là bộ phận thơ ca ra đời trước những năm kháng chiến chống Pháp. Thế nên, nhóm Sáng Tạo, nơi tập hợp một số văn thi sĩ khá nổi tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ đã mở cuộc thảo luận về Văn nghệ tiền chiến trong đó có thơ ca. Tên gọi thi ca tiền chiến, vì vậy cũng được Nguyễn Tấn Long sử dụng để viết công trình nghiên cứu có tên Việt Nam thi nhân tiền chiến. Và cũng trong cảm thức này, các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, kể cả sách giáo khoa, giáo trình đại học về văn học cũng dùng thuật ngữ Thi ca tiền chiến như một mặc định để chỉ phong trào Thơ mới (1932 -1945). Song, để phù hợp với tình hình nghiên cứu hiện nay, trong bài viết này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ phong trào Thơ mới mà không dùng thuật ngữ Thi ca tiền chiến như đã từng được sử dụng trong giới nghiên cứu văn học ở miền Nam trước đây.

Nhìn vào sự hiện hữu của phong trào Thơ mới ở miền Nam trước 1975, có thể xác quyết đây là một trong những hiện tượng văn học được quan tâm nghiên cứu, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và được tôn vinh như một di sản văn chương quí giá của dân tộc. Vì thế, phong trào thơ Mới đã xuất hiện trong rất nhiều công trình nghiên cứu, lý luận – phê bình văn học như: Một thời lãng mạn trong thi ca Việt Nam, (Tân Việt, xb.,1958) của Hà Như Chi; Biệt li qua thi ca Việt Nam, (Nam Chi Tùng Thư xb.,1961) của Nguyễn Hữu Chi; Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập I, Tập II, Tập III (Quốc học Tùng thư xb.,1961,1962, 1965) của Phạm Thế Ngũ; Những khuynh hướng trong thi ca Việt Nam (Khai Trí xb. 1962) của Minh Huy; Hàn Mặc Tử, Quách Thoại, cuộc đời rướm máu. Nhà thơ siêu thoát, (Đại Nam Văn Hiến xb.1965), Lược sử Văn nghệ Việt Nam (nhà văn tiền chiến 1930 – 1945), (Vàng Son xb., 1974) của Thế Phong; Ý Văn I, (Lá Bối xb,1967), của Tam Ích; Hồn thơ nước Việt thế kỉ XX, (Ban Tu Thư Sơn Quang xb, 1967) của Lam Giang – Vũ Tiến Phúc; Bảng lược đồ Văn học Việt NamQuyển hạ, (Nxb. Trình bày,1967), Văn học Việt Nam hai thế hệ dấn thân yêu đời, (Phong trào Văn hoá xb,1971), Phê bình Văn học thế hệ 1932, I, II (Phong trào Văn hoá xb,1972),1973) của Thanh Lãng; Văn chương & kinh nghiệm hư vô, (Hoàng Đông Phương xb,1968), Đi tìm tác phẩm văn chương, (Đồng Tháp xb,1972) của Huỳnh Phan Anh; Hàn Mặc Tử, (Khai Trí xb.,1968), Chế Lan Viên Thi sĩ tiền chiến, (Khai Trí xb, 1969) của Hoàng Diệp; Tình yêu quê hương qua thi ca, (Văn đàn xb.,1969) của Phạm Đình Tân; Thơ Việt Nam hiện đại, (Hồng Lĩnh xb,1969), của Uyên Thao; Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại (1933-1963), (Nhà xb Sáng,1969) của Huy Trâm; Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển Thượng, Hạ, Trung), (Sống Mới xb.,1968,1969, 1972) của Nguyễn Tấn Long; Thi ca và thi nhân, (Quần Chúng xb.,1969) của Cao Thế Dung, Từ thơ mới đến thơ tự do (Phù Sa xb.,1969) của Bằng Giang; Thi ca tư tưởng (Ca Dao xb.,1969), Mùa thu thi ca, (An Tiêm xb., 1970) của Bùi Giáng; Những nhà văn tiền chiến Hà Nội hôm nay, (Hoa Đăng xb,1972) của Kim Nhật; Nhà văn tác phẩm và cuộc đời, (Đại Ngã xb., 1970); Mười khuôn mặt văn nghệ, (Tác giả xb.,1970) của Tạ Tỵ; Dư Vang nghệ thuật (Hạnh xb.,1971) của Trần Nhựt Tân, Đời Bích Khê, (Lửa Thiêng xb,1971) của Quách Tấn; Vũ trụ thơ, (Giao Điểm xb,1972) của Đặng Tiến; Văn học Việt Nam thế kỷ XIX 1800 – 1945, (Nxb Khai Trí, 1973) của Vũ Hân… Ngoài ra, còn có rất nhiều, báo, tạp chí đăng tải các công trình nghiên cứu về Thơ mới như: Văn, Bách khoa, Văn nghệ, Văn học, Trình bày, Sáng tạo, Vấn đề, Khởi hành, Nghiên cứu văn học, Thời tập, Văn Khoa

2. Có thể nói số lượng các công trình nghiên cứu về Thơ mới ở miền Nam trước 1975 khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên do nhiều khó khăn trong việc tìm tư liệu nên chúng tôi chưa thể tìm được hết các công trình nghiên cứu này. Song, với những tư liệu đã có cũng cho thấy phong trào Thơ mới là một hiện tượng văn học được các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 tìm hiểu, khám phá từ nhiều góc nhìn lý thuyết khác nhau như: chủ nghĩa lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, mỹ học tiếp nhận, phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh…

Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu văn học sử, trong Phê bình văn học thế hệ 1932 tập 1, xuất bản 1972, Thanh Lãng đã dành hàng trăm trang sách (tr.168- tr. 415) đề cập đến “vụ án” Thơ cũ – Thơ mới và hệ thống hóa các ý kiến về cuộc tranh luận này. Không những thế, trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển hạ) Thanh Lãng còn đi sâu phân tích một số gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới như Hàn Mặc Tử và khẳng định: “… Hàn Mặc Tử là người đầu tiên đem huyền bí vào thơ, thi nhân cho rằng thế giới thơ không phải thế giới của ánh sáng mà là sự pha trộn ánh sáng và bóng tối”.(1)

Cũng từ điểm nhìn văn học sử, trong công trình Lược sử Văn nghệ Việt Nam (nhà văn tiền chiến 1930 – 1945) (Xb.1974), Thế Phong cũng luận bàn khá nhiều về các nhà thơ Mới như: Phan Khôi, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Thâm Tâm và TTKH,  Trần Huyền Trân, Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên, Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, Huy Thông, Hồ Dzếnh, Vũ Hoàng Chương,…. Trên cơ sở phân tích tiến trình phát triển của Thơ mới qua một số gương mặt tiêu biểu trong sự đối sánh với các nhà thơ Nga như Lepmontov, Puskin, các nhà thơ Pháp như Baudelaire, HuyGo, Lamartine… Thế Phong cho rằng: “Thơ mới ở Việt Nam là một sự kiện văn học sử. Nó đánh mốc cho chúng ta giải thoát được tâm hồn con người “u uẩn”, bằng cách nói lên rung cảm tự do, mà thơ Đường không thể nào thỏa mãn chúng ta nữa”. (2) Và theo ông các thể loại thơ tự do sau này đều có ảnh hưởng thi pháp thơ tự do từ thời Thơ mới: “Dù muốn hay không, thơ tự do về sau này, từ ngày có cách mạng, Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Hòang Cầm, Tất Vinh, Hồng Nguyên, những nhà thơ không chuyên nghiệp như chiến sĩ, cán bộ cũng diễn tả tâm trạng qua thơ tự do”. (3)

Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Tập 3, khi bàn về Thơ mới cho rằng: “Tự hào đã phát động và làm thắng thế một lối thơ bấy giờ gọi là Thơ mới và còn ở lại ngày nay với chúng ta như một thủ đắc của giai đoạn”. (4) Còn Uyên Thao trong công trình nghiên cứu khá công phu: Thơ Việt Nam hiện đại,(Xb. 1969), cũng dành chương II luận bàn về phong trào Thơ mới (1932-1945) và xác quyết: “Giai đoạn 1930 -1945 là giai đoạn văn nghệ sĩ hay thi gia Việt Nam đã trườn theo gần kịp trào lưu tư tưởng nhân loại trên phương diện ý thức”.(5)

Hà Như Chi trong Một thời lãng mạn trong thi ca Việt Nam (xb.1958) đã phân tích hiện tượng Thơ mới để minh định một số vấn đề như: Định nghĩa thi ca lãng mạn / Giới hạn thời kỳ lãng mạn / Những đặc tính của thơ lãng mạn Việt Nam / Nguyên nhân của thơ văn lãng mạn Việt Nam / Phê bình thơ văn lãng mạn Việt Nam. Đặc biệt, Phạm Công Thiện đã có một nhận định mang tính khái quát về phong trào Thơ mới mà theo chúng tôi, đây là một trong những nhận định rất lạ đem đến cho người đọc những điều ngẫm ngợi về một hiện tượng thơ quá quen thuộc khiến người ta ít có cái nhìn khác về nó, khi ông cho rằng: “Từ năm 1932, ngày “trọng đại” mà Hoài Thanh đã cho rằng “một cuộc cách mạng về thi ca đã nhóm dậy”; ngày đó đối với tôi, cũng chính là ngày tang tóc của cảm thức tâm linh Việt Nam.” Bởi, theo Phạm Công Thiện “trước 1932, cảm thức tâm linh Việt Nam đã bị Tàu đục khoét cho đến tan rã, chỉ có Tản Đà là người cuối cùng cứu vớt lại, sau 1932 chỉ còn Quách Tấn cứng đầu đi tới và tàn bạo khinh miệt tất cả cuồng phong từ Tây phương thổi tới”(6). Tuy nhiên, theo chúng tôi ý kiến của Phạm Công Thiện có phần “cực đoan” và “hàm hồ”, bởi dù xét ở góc nhìn nào, việc tiếp xúc với phương Tây cũng đã mở ra “một thời đại mới trong thơ ca” Việt Nam và đã đẩy thơ ca dân tộc cách tân theo hướng hiện đại, không chỉ trong nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức nghệ thuật, được kết tinh trong thi phẩm của các nhà Thơ mới như: Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Tế Hanh, Chế Lan Viên… là một thực tế không thể phủ nhận.

3. Việc tiếp nhận phong trào Thơ mới trong văn học ở miền Nam trước 1975, bên cạnh những công trình văn học sử với những nhận định mang tính khái quát như đã nói ở trên, các nhà nghiên cứu còn đi sâu tìm hiểu những nhà thơ cụ thể trên nhiều bình diện như: cuộc đời, phong cách, thi pháp, quan niệm nghệ thuật, tư tưởng thẩm mỹ… Những nghiên cứu này đã góp phần hoàn thiện chân dung các nhà Thơ mới cũng như diện mạo của phong trào Thơ mới trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc. Đây cũng là một xu hướng nghiên cứu khá phổ biến trong văn học ở miền Nam trước 1975 về phong trào Thơ mới.

Ở công trình nghiên cứu Hàn Mặc Tử thi sĩ tiền chiến, sau khi luận giải hành trình sáng tạo thi ca của Hàn Mặc Tử từ: thi ca thần diệu đến thi ca thế tục, Hoàng Diệp đã đi đến kết luận: “Thi ca Hàn Mặc Tử đã trải qua nhiều trường phái, chúng đã dẫm chân khắp cõi đời, giữa thế gian và ngoài thế gian. Chúng đã biết nhận thức biết đối phó với tất cả mọi trường hợp gian nguy đã đến giai đoạn sau cùng hướng thi ca về với con người, con người thực của muôn người”.(7)

Trong tạp chí Văn số đặc biệt (73/74 ra ngày 7/1/1967), tưởng niệm Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Hoàng ở bài viết “Nỗi khắc khoải siêu hình trong thơ Hàn Mặc Tử”, từ góc nhìn của chủ nghĩa siêu thực, đã xác quyết: “Trong thơ Hàn Mặc Tử, sự chết hiện diện ở mỗi chữ, mỗi vần. Và cả thân xác chàng, tâm hồn chàng, ngôn ngữ chàng, chính là sự chết.”(8) Còn Huỳnh Phan Anh trong “Hàn Mặc Tử hay là hiện hữu của thơ”, xuất phát từ điểm nhìn của chủ nghĩa hiện sinh và tâm phân học thì cho rằng: “Có thể mượn tâm phân học tố cáo ở người thơ một nhân vật bệnh hoạn và thơ ông như một cách giải tỏa ẩn ức. Có thể tìm thấy trong thơ ông, những lời ca tụng hay những xúc cảm chân thật trước cái đẹp, tình yêu, kỉ niệm, đấng thiêng liêng, … một thi sĩ biết mình là thi sĩ. Nghĩa là sự cám dỗ mê hoặc của vũ trụ hình ảnh trong thơ Hàn Mặc Tử có thể cảm quan theo một chiều hướng hay đến một chân trời nào đó”.(9)

“Trăng”, một mã biểu tượng thơ độc đáo luôn hiện hữu trong thơ Hàn Mặc Tử như một sự ám ảnh của vô thức và tâm linh với nhiều ý kiến luận giải khác nhau về ý nghĩa của mã biểu tượng này cũng được Lê Huy Oanh tường giải:“Vì sao mà trăng đã ám ảnh HMT dữ dội đến như thế? Có người viện y lý cho rằng trong trường hợp người mắc bệnh cùi trăng càng sáng tỏ họ càng đau đớn nhức nhối do đấy tâm họ càng thêm náo động. HMT bị bệnh cùi nên ông đã vì thế mà bị trăng ám ảnh thật mãnh liệt. Riêng tôi, tôi không tin cái lý do y học đó là xác thực. Theo ý tôi, sở dĩ HMT hay nói đến trăng là vì ông rất ưa thích trăng, bởi ánh trăng thường tạo cho cảnh vật một vẻ mơ hồ huyền ảo rất hợp với tâm hồn ông. Nếu trăng có khả năng tạo vẻ huyễn hoặc cho vũ trụ thì nó cũng đã góp phần rất lớn vào việc tạo vẻ huyễn hoặc cho thơ HMT”.(10)

Không chỉ có Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên cũng là một trong những gương mặt thơ trong phong trào Thơ mới được các nhà phê bình văn học quan tâm tìm hiểu. Với công trình Chế Lan Viên thi sĩ tiền chiến (xb,1969) Hoàng Diệp đã quán chiếu thơ Chế Lan Viên qua hệ tư tưởng siêu hình. Quê hương của Chế Lan Viên theo Hoàng Diệp đó là cõi Ta – cái Ta, âm phủ, màu sắc, âm thanh và ông kết luận: “Hơn một phần tư thế kỷ, sự hiện diện của Chế Lan Viên đã khuấy động và làm đảo lộn thật sâu xa một thế hệ thi ca. Giữa đại dương của các trào lưu lãng mạn thời tiền chiến. Lan Viên đến như một dũng tướng từ một cõi trời xa lạ nào. Với một nguồn suối mới, một khuynh hướng riêng biệt, chàng đã gây ngạc nhiên không nhỏ đối với các nhà phân tâm học, nhất là về phương diện thần bí. Dựng nên một trạng thái nối liền giữa bản tính tự nhiên với cái thần lực siêu nhiên, thi sĩ đã bước từ địa hạt hữu thể qua các miền vô thức mà không xa rời từ bỏ sự chân thành” (11). Những cảm nhận của Hoàng Diệp về Chế Lan Viên cũng tương đồng với Đỗ Long Vân trong bài viết “Thử phát họa một bản đồ của địa ngục theo Chế Lan Viên” (Nghiên cứu văn học số 6/1968) khi tác giả cho rằng:“Hình như trong Chế Lan Viên sự đau khổ là một tuyệt đối. Không biến cố nào giải thích được nó. Cũng không gì có thể làm nó thuyên giảm. Nó là chất của sự sống và tụ lại thành tim và máu của con người. Quả đất do nó đúc lại. Không gian cũng thấm nhuần cái chất của nó và mỗi cá nhân…. Làm bằng sự đau khổ, con người Chế Lan Viên sa đọa giữa đời, lại chịu sự đau khổ của một cuộc sống. Nó thấy mình bị nhốt giữa một không gian đặc và dày”.(12) và “Cái gì Chế Lan Viên theo đuổi trong sự vỡ toang ấy là Hư Không. Nhưng nếu Hư Không đã có thể xuất hiện như một giải thoát thì cũng tại Chế Lan Viên thiết yếu đã sống như một kẻ bị chôn vùi”.(13)

Ngoài ra, trong Văn học giai phẩm 1974 còn có nhiều bài viết về Chế Lan Viên như “Nguồn gốc và cảm hứng tập thơ Điêu Tàn – thơ Chàm – của Chế Lan Viên” của Lam Giang và Vũ Tiền Phúc; “Con người Chế Lan Viên” của Hoàng Trọng Miên; “Chế Lan Viên và khuynh hướng siêu thực” của Thanh Huy; “Cảm tưởng của tôi khi đọc Chế Lan Viên” của Lê Thiều Quang; “Thời gian trong thơ Chế Lan Viên” PH Vọng Mù… Mỗi bài viết đều thể hiện một cái nhìn riêng về thơ và đời Chế Lan Viên, một hiện tượng thơ mà khi vừa xuất hiện “giữa làng thơ Việt Nam” đã được Hoài Thanh xem như “một niềm kinh dị”.

Cùng với Chế Lan Viên, Quách Tấn cũng được giới nghiên cứu quan tâm với các bài viết trong Văn số 161 (1/9/1970) như: Châu Hải Kỳ với “Đôi nét về nhà thơ, nhà văn Quách Tấn”; Thi Vũ với “Quách Tấn quê hương và thơ”; Võ Hồng với “Quách Tấn trong vòng thân mật”; Nguyễn Văn Xung với “Quách Tấn và tôi”;  Phạm Công Thiện với “Trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam đối với Quách Tấn”…

Có thể nói Quách Tấn là nhà thơ Phạm Công Thiện quí mến đặc biệt, nên ông có những đánh giá về Quách Tấn khá “hàm hồ” khi cho rằng: “Tất cả thi sĩ Việt Nam từ tiền chiến cho đến bây giờ đều là một kẻ hèn, họ chạy theo ngoại bang bằng cách này hay cách khác. Quách Tấn là người duy nhất can đảm lì lợm sống chết với những gì còn lại với quê hương”. (14) Và cũng trong cảm thức đậm sắc màu phương Đông, trên Thời Tập số X+7(30/12/1974), Trần Hữu Cư với bài “Quách Tấn buổi chiều vàng của Đông phương” đã chia sẻ: “Đọc Quách Tấn là tìm lại tiếng đập rộn ràng của trái tim vũ trụ; ở đó thiên nhiên phơi mở. Nhất là giữa thời đại cơ giới này, chúng ta đánh mất chúng ta. Chúng ta đánh mất bằng những tiện nghi dễ dãi nhất, trong cái sinh hoạt mỗi ngày ta luôn bận rộn, hai buổi ở công sở. Chiều trở về nhà có báo, phát thanh, tối đến có tivi. Sống như vậy ta cứ nghĩ sẽ chạy trốn được nỗi cô đơn, trốn được cái hoang lạnh của kiếp người. Nhưng không, càng chạy trốn bao nhiêu thì nỗi trống rỗng càng bám chặt ta bấy nhiêu. Bởi chính trái tim ta đã mất, và đời sống càng ngày càng ly cách với thiên nhiên… Vì vậy, Quách Tấn đem trả lại cho ta sự quay tròn theo tiết điệu trời đất. Sáng, trưa, chiều, tối. Rồi đến mùa xuân, hạ, thu, đông”.(15) Rồi ông xác quyết: “Đọc Quách Tấn là miên man đi vào cõi mộng huyền bí của Á Đông. Ở đó mộng và thực không còn phân chia, mộng chính là thực và thực chính là mộng”. (16)

Cùng với Quách Tấn, Bích Khê, cũng là một trong những gương mặt thi ca trong phong tráo Thơ mới được các nhà nghiên cứu, lý luận – phê bình quan tâm tìm hiểu. Trong Văn số (64 và 66) có các bài nghiên cứu về đời và thơ về Bích Khê từ nhiều điểm nhìn khác nhau như: “Đôi nét về cuộc đời Bích Khê” (Quách Tấn); “Nhân nhớ Bích Khê và đọc Bích Khê bàn về thơ tượng trưng” (Tam Ích); “Thu xà và phân mộ Bích Khê” (Đinh Cường); “Đề bạt tinh huyết” (Hoàng Trọng Miên)… Và ở tạp chí Văn học số đặc biệt về Bích Khê 1974 có các bài: “Bích Khê: Dòng thơ, khoảng thơ và thời gian” (Phạm Việt Hòa); “Tinh huyết của Bích Khê” (Lê Huy Oanh); “Thế giới thơ tượng trưng Bích Khê”(Phạm Kim Thịnh)… Hầu hết, các bài viết về Bích Khê đều đi sâu luận giải thi giới Bích Khê nhằm khẳng định tài năng và những đóng góp của ông về phương diện cách tân và hiện đại hóa thơ ca dân tộc lúc bấy giờ.

Bích Khê đến với thơ như một định mệnh của nghiệp chướng. Thơ là lẽ sống, là sức mạnh giúp thi sĩ vượt lên bệnh tật, khổ đau để sống và sáng tạo. Đó cũng là cảm nhận của Đinh Cường trong bài Nhạc và họa trong thơ Bích Khê khi Đinh Cường cho rằng: “Bích Khê đã sống và chỉ sống vì thơ (…) Phải chăng cuộc đời ngắn ngủi và tính cách thuần túy của thơ đã khiến chúng ta mến cảm và yêu thơ Bích Khê? Trong làng thơ Tây phương lắm thi sĩ tiếng tăm lẫy lừng không phải vì đã bày ra một chủ nghĩa gì. Người ta yêu thơ Francis Jammes, Tristan Dereme, Henri de Régnier vì đó là thơ, thơ của muôn đời”.(17)

Thật vậy, đời Bích Khê chỉ dấn thân cho thơ chứ không dấn thân một thứ chủ nghĩa nào như người ta đã “nhầm lẫn” gán ghép một cách oan nghiệt cho ông. Sống 30 năm ngắn ngủi trên cõi đời, Bích Khê đã lăn lộn với thơ và bệnh tật, liệu ông có còn thời gian để làm điều gì khác!? Bởi, đối với Bích Khê thơ là hơi thở, là máu thịt, là lẽ sống, là tâm linh. Chính khát vọng và niềm đam mê thơ cháy bỏng là nguồn năng lượng đốt cháy hồn ông và phóng chiếu thành những cơn đau sáng tạo. Cho nên trong một thời gian không dài, ông đã hạ sinh cho đời đứa con Tinh huyết làm bừng sáng thi đàn bởi giá trị cách tân của nó, đến nỗi một thi tài như Hàn Mặc Tử đã ca ngợi Bích Khê là “thi sĩ thần linh”. Còn Lê Huy Oanh, trong bài viết “Tinh huyết của Bích Khê” đã khẳng định “Trong thế kỷ XX, nhất là thời tiền chiến, tại Việt Nam, hiện tượng thơ tượng trưng … Bích Khê đáng được coi như đứng hàng đầu với thi phẩm Tinh huyết của chàng’’(18).

Ngoài những nhà thơ nói trên, một số gương mặt các nhà thơ khác trong phòng trào Thơ mới cũng được các nhà nghiên cứu, lý luận – phê bình ở miền Nam trước 1975 trân trọng tiếp nhận như: Thế Lữ, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Thâm Tâm, Vũ Hoàng Chương, Đông Hồ, …

Trong tác phẩm Mười khuôn mặt văn nghệ (1970), Tạ Tỵ đã nói đến Nguyễn Bính, một nhà thơ mà theo Tạ Tỵ đó là “một thiên tài lở dở”. Nhận định về Nguyễn Bính, Tạ Tỵ viết: “Tới nay Bính đã đi sâu vào lòng đất, gia tài để lại cho cuộc đời tuy không vĩ đại nhưng cũng đủ chứng minh giá trị của một thi nhân trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam.” (19) Bởi, theo Tạ Tỵ: “Bính làm thơ vì vận mệnh phán quyết. Thơ Bính đẹp như dòng suối và bi thương như bệnh hoạn. Cá tính trong thơ Bính rất tự nhiên, mộc mạc không gò bó, kiểu cách như các thi nhân cùng thời. Thơ Bính đi gần với ca dao, rất gần với đại đa số quần chúng”.(20) Và Tạ Tỵ cũng rất tinh tế khi phân tích cái âm hưởng chủ đạo trong thơ Nguyễn Bính đó là nỗi buồn khi ông cho rằng: “Thơ Bính buồn, thật buồn. Mỗi lời như một dòng lệ, ngay cả khi Bính không nói về mình”. (21) Với những nhận định sâu sắc, tinh tế như thế, Tạ Tỵ đã đóng đinh số phận thơ và đời của Nguyễn Bính vào trong thi đàn dân tộc.

Ngoài ra, Văn số 189 ra ngày 1/11/1971 cũng có một số bài viết khá hay và đặc sắc về Nguyễn Bính như: “Nguyễn Bính kẻ lưu đày” của Đinh Hùng; “Đọc lại đám cưới bướm” của Phạm Văn Song; “Bóng giai nhân và Nguyễn Bính” của Mộng Tuyết; “Nguyễn Bính một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư” của Vũ Bằng; “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương” của Đào Trường Phúc…

Và từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, trong bài viết “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương”, Đào Trường Phúc đã có những nhận xét khá độc đáo về Nguyễn Bính, khi ông cho rằng: “nỗi cô đơn của Nguyễn Bính, của một kẻ tự lưu đày trong những chuyến lang thang tìm kiếm quê hương bằng những bước rời xa quê hương, như thế, trở thành gần như một nỗi cô đơn thu kín và tuyệt vọng. (22)

Song hành với Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương cũng là một trong những nhà thơ của phong trào Thơ mới được quan tâm nghiên cứu ở miền Nam trong giai đoạn 1954 – 1975. Trong Văn số 150 (ra ngày 15/3/1970) có nhiều bài viết luận giải về thơ và đời của Vũ Hoàng Chương của các nhà nghiên cứu như: Đoàn Thêm với “Đọc lại Vũ Hoàng Chương”; Nguyễn Mạnh Côn với “Nữa thế kỉ làm thơ – Vũ Hoàng Chương”; Mai Thảo với “Nhìn về phía có Vũ Hoàng Chương”; Bùi Giáng với “Nhân đọc Rừng phong”; Hoặc “Câu chuyện thi ca của nhà thơ Vũ Hoàng Chương” của Nguyên Phủ (Bách Khoa số 76/1960).

Tạ Tỵ trong Mười khuôn mặt Văn nghệ, một công trình nghiên cứu xuất sắc về thể loại chân dung văn nghệ, khi luận bàn về thơ Vũ Hoàng Chương, Tạ Tỵ cho rằng: “Thơ Vũ hiện diện như loài hoa quí, ngạo nghễ rung rung từng cánh mỏng cho phấn hương tan vào thinh không giử đến mọi phương trời, mọi góc cạnh tâm tư đang chới với trong mê muội, trong dục vọng thấp hèn giữa cuộc sống buông trôi.” (23) Và cũng trong cảm thức của trường tiếp nhận này, Tạ Tỵ đã xác quyết: “Thơ Vũ là tiếng thở dài của phương Đông trầm mặc. Tiếng thở dài đó cất lên giữa vòm trời rất đỗi buồn thương, ray rứt trong mỗi vần điệu. Sau những cố gắng đi tìm cho chính mình luồng sinh khí mới, nếp suy cảm mới, rốt cuộc tiếng nói của Vũ vẫn nguyên vẹn là niềm u uất mệt mỏi chán chường!” (24) Còn Bùi Giáng khi đọc thơ Vũ Hoàng Chương cũng đã có những nhận xét thật sâu sắc và tinh tế: “Vũ Hoàng Chương khiêm nhượng gói ghém nhân sinh quan mình trong một tiếng “say”. Mấy ai đã say như người. Giữa cuộc đời mê loạn, kẻ tỉnh từ tốn tự gọi mình là say. Người không kể chi “thua được với đời” để dâng trọn kiếp mình cho lý tưởng” “cao xanh liều một cánh tay níu trời”. Cái say của Vũ Hoàng Chương là cái say của người muốn sống tỉnh, lòng còn hoài vọng lý tưởng giữa thực tế buồn thương. Say để quên đời? Không đúng. Say để nhận rõ đời hơn.” (25)

Có thể nói cảm nhận của Tạ Tỵ và Bùi Giáng về thơ Vũ Hoàng Chương là  cảm nhận của những kẻ tri âm. Ở đây không đơn thuần là sự tri âm của thi nhân với người đọc trong quá trình tiếp nhận mà đó sự tri âm giữa những liên tài. Chính vì vậy, cái nhìn của Tạ Tỵ và Bùi Giáng về Vũ Hoàng Chương là cái nhìn chia sẻ của người trong cuộc, cái nhìn đồng điệu của người thơ đối với người thơ, của nghệ sĩ đối với nghệ sĩ. Còn Đoàn Thêm với cảm quan của một nhà nghiên cứu đã khẳng định thi tài Vũ Hoàng Chương với cái nhìn tỉnh táo hơn: “… Đối với Vũ quân, một người sáng tác rất nhiều và đã nghe nhiều tiếng nặng nhẹ, tôi muốn áp dụng cách xét đoán như trên: nếu chỉ còn lại vài chục bài hay, hoặc vài trăm câu hay, Vũ quân cũng đã tỏ tài và góp nhiều hương sắc vào vườn thơ Việt.” (26)

Bên cạnh Vũ Hoàng Chương, Thế Lữ một trong những chủ soái của phong trào Thơ mới cũng được các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 quan tâm nghiên cứu, khám phá vẻ đẹp thơ Thế Lữ với những sự cảm nhận khá sâu sắc. Lê Huy Oanh trong Văn số ra ngày 15/8/1974, ở bài viết “Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử qua các tác phẩm Mấy vần thơThơ sayThơ Hàn Mặc Tử” đã tôn vinh: “Thế Lữ là người có công lao rất lớn trong việc truyền bá và cổ xúy lối Thơ mới …. Tập Mấy vần thơ của Thế Lữ có thể được coi như một tác phẩm mẫu mực điển hình cho Thơ mới cả về hai phương diện hình thức và tư tưởng.” (27) Bởi, theo Lê Huy Oanh “Thế Lữ mê say thơ đến độ coi thơ như lẽ sống duy nhất của mình và ông thường coi nàng thơ như người tình của mình vậy…. Đôi khi ông coi thơ như một thực thể có xác thịt có linh hồn, biết đau đớn, biết đói lạnh, và lúc ấy ông nói tới thơ như nói tới một con người thật sự bằng xương bằng thịt.” (28) Và cũng theo Lê Huy Oanh Thế Lữ là một “nhà thơ lãng mạn, nhưng lãng mạn một cách lành mạnh, một cách khỏe khoắn chứ không  lãng mạn một cách mền yếu và chán chường như Lamartine, như Alfred de Musset hoặc như Vũ Hoàng Chương” (29). Có thể nói, những đánh giá của Lê Huy Oanh trong cái nhìn đối sánh giữa Thế Lữ với Vũ Hoàng Chương và Hàn Mặc Tử đã cho thấy vai trò không thể thay thế của Thế Lữ trong phong trào Thơ mới nói riêng và thơ ca dân tộc nói chung. Và bên cạnh, một trong những “chủ soái” của phong trào Thơ mới là Thế Lữ, trong đời sống văn học miền Nam, ta còn thấy chân dung của Tế Hanh, nhà thơ của tuổi Hoa Niên mà trong Việt Nam thi nhân tiền chiến, Nguyễn Tấn Long đã dành 18 trang sách để giới thiệu về hành trình sáng tạo thơ của Tế Hanh như một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới với những phẩm bình, tuyển chọn một số bài thơ: Quê hương; Vu vơ (Nghẹn ngào); Lời con đường quê; Nhớ; Thương; Viết lên trên cát; Có những con đường; Tấm lịch đời; Vườn cũ; độc ác; Mua hoa; Những đêm tối (Hoa niên); Người hà tiện; Sống vội (Ngày nay số 220, 10-8-1940) Trao đổi (Ngày nay số 222, 24-8-1940); Chất chứa (Ngày nay số 223, 31-8-1940); Dễ thương (tuần báo Thanh niên số 11, ngày 13-11-1943); Tâm sự (1) (tặng Nguyễn Văn Bỗng); Những con chim (2)  với chú thích: “ (1) và (2), chúng tôi trích hai bài thơ trên đây làm tiêu biểu sự chuyển hướng của Tế Hanh từ giai đoạn thơ hồn quê qua lãng mạn trữ tình, và đến đây, ta thấy hồn thơ như bừng sống bởi một sinh khí mới”. (30)

Còn Lam Giang và Vũ Tiến Phúc trong Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX, khi nhận định về nỗi buồn trong Thơ mới nói chung và thơ Tế Hanh nói riêng đã xác quyết: “Người ưa buồn phải tìm những cảnh buồn thích hợp với lòng mình. Giữa một khung cảnh khác quan rất nhộn nhịp, hoạt động ồn ào như ga xe lửa mà Tế Hanh cũng tìm được những nỗi đau xót rất xao xuyến, tê mê: “Những ngày nghĩ học tôi hay đến/ Đón chuyến tàu đi ở những ga/ Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt/ Lòng buồn đau xót nỗi chia xa”…” (31). Hay Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 3 Văn học hiện đại 1862-1945, trong phần luận bàn về Thơ mới, cùng với các nhà thơ Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Thanh Tịnh…, ông đã giới thiệu Tế Hanh một cách trân trọng và yêu mến. Theo Phạm Thế Ngũ, “Tuy thơ (tập Nghẹn ngào) được giải thương văn chương Tự Lực văn Đoàn cuối 1940, nhưng trước đó Tế Hanh đã có thơ đăng trên Ngày nay. Tế Hanh chịu ảnh hưởng rõ rệt của Xuân Diệu, nhất là Huy Cận, thiên về cảm giác chủ nghĩa, ghi nhận những rung động phức tạp của một tâm hồn đa cảm: Chiều chiều đến tựa người bên cửa sổ/ Đợi hồn nào trở lại bến sông. Hay nghe ngóng ý gì trong tiếng gió” (Nghẹn ngào). Tế Hanh cũng lo sống vội, cố chứa chất những cảm giác: “Mắt mở to luôn chứa chan nhiều/ Những hình ẻo lả, sắc xiêu xiêu/ Tai bên thinh thính lo thu góp/ Những điệu ly sầu, tiếng tịch liêu”(Chứa chất). Nhưng ông không hoang phí “gởi hương cho gió” tứ tung như Xuân Diệu mà là Người hà tiện, hướng vào trong, nuôi lấy một tâm hồn “triệu phú” cô độc.  Nhất Linh chấm thơ ông khen hai bài Quê hương và Những ngày nghỉ học “có thể gọi là hai bài thơ hay của thi ca Việt Nam và hai bài đó đủ xác định giá trị của nhà thơ Tế Hanh”. (32)

Còn Nguyễn Vỹ, một gương mặt thơ khá tiêu biểu, với cá tính độc đáo của phong trào Thơ mới cũng được các nhà nghiên cứu lý luận phê bình ở miền Nam trước 1975 quan tâm khám phá. Bởi, nói như Nguyễn Tấn Long trong Việt Nam thi nhân tiền chiến, “Nguyễn Vỹ là một nhà thơ có thực tài. Ông dám trình bày một cách trung thực tư tưởng của mình, nói lên nỗi uất ức, bất công của kiếp người. Nguyễn Vỹ có cái nhìn thường xuyên vào thực trạng xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân tộc đã chịu nhiều thảm họa, hòa lẫn vào đấy tình yêu thương đồng loại, tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng nói chân thành phát xuất tự con nguời còn nghĩ đến quê hương”. (33) Vì thế, có thể nói, trong sự nao nức của buổi đầu tiếp nhận nền văn hóa và văn học phương Tây ở thế kỷ XX, việc các nhà văn, nhà thơ Việt Nam tiếp thu những thành tựu của thơ Pháp để sáng tạo nên một hình thức mới trong thơ ca dân tộc cũng là việc bình thường trong sự giao lưu, tiếp biến văn hóa. Vấn đề là tiếp biến như thế nào để vừa bảo đảm được yêu cầu hiện đại hóa nền văn học, lại vừa giữ được những yếu tố tốt đẹp của truyền thống. Có lẽ cũng xuất phát từ tâm thức này, nên khi cảm nhận về tập thơ Hoang Vu của Nguyễn Vỹ, Bàng Bá Lân cho rằng: “thơ anh gồm đủ các thể – cũ có – mới có – nhưng tuyệt nhiên không có bài nào làm theo lối “mười hai chân” nữa. Có lẽ Nguyễn Quân cũng đã nhận thấy rằng thơ hay không cần chú trọng đến hình thức trình bày… Tuy nhiên anh không phải là người dễ bằng lòng với những cái có sẵn và luôn luôn muốn sáng tạo tìm tòi (…) Nguyễn Vỹ, một nhà thơ không thích nằm yên trong sáo cũ khuôn mòn”. (34) Có lẽ, đó không chỉ là phẩm tính riêng của Nguyễn Vỹ mà là phẩm tính mang tính phổ quát của các nhà thơ trong phong trào Thơ mới 1932-1945, một phong trào thơ ca góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa nền văn học dân tộc.

4. Sự hiện hữu của phong trào Thơ mới trong văn học miền Nam 1954 -1975 qua sự tiếp nhận của giới nghiên cứu, lý luận – phê bình là khá phong phú, đa dạng, đa diện, đa chiều nên đã khắc họa một cách sinh động diện mạo của phong trào Thơ mới, góp phần hoàn thiện diện mạo trào lưu văn học lãng mạn Việt Nam 1932 -1945 trong tiến trình vận động của nền văn học dân tộc. Và từ những công trình nghiên cứu giàu tính học thuật của các nhà lý luận phê bình ở miền Nam trong giai đoạn 1954 -1975, chúng ta sẽ tìm thấy ở đây những nguồn tư liệu quí giúp các nhà nghiên cứu văn học hiện nay khảo sát, khám phá, tìm hiểu để có một cái nhìn toàn diện, khách quan và khoa học hơn về một hiện tượng văn học đã góp phần quan trọng vào việc hiện đại hóa nền văn học dân tộc trong những năm đầu thế kỷ XX, tạo tiền đề cho văn học dân tộc giả từ cái “ao làng bé nhỏ”, vươn ra “biển lớn” hội nhập vào dòng chảy của nền văn học hiện đại thế giới, vốn vẫn còn khá xa lạ với đời sống văn học nước nhà lúc bấy giờ.

Thiết nghĩ bài học từ việc tiếp nhận phong trào Thơ mới trong văn học miền Nam trước 1975 của các nhà nghiên cứu, lý luận – phê bình văn học sẽ thức nhận cho chúng ta nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu, đánh giá các hiện tượng văn học chịu ảnh hưởng các trào lưu văn hóa phương Tây trong tiến trình vận động và phát triển của văn học dân tộc, nhất là trong xu thế toàn cầu hóa văn hóa hiện nay, để không ngừng hiện đại hóa nền lý luận – phê bình văn học nói riêng và nền văn học dân tộc nói chung, hầu tránh được những sai lầm, ấu trĩ trong tư duy lý luận – phê bình của một thời không xa khi đánh giá, nhìn nhận một số hiện tượng văn học. Để rồi, chính sự đổi mới hệ hình tư duy lý luận phê bình văn học của thời kỳ đổi mới đã phục sinh giá trị của nhiều hiện tượng văn học, trong đó có phong trào Thơ mới và đem đến cho nền văn học dân tộc một năng lượng tích cực, mở ra những chân trời mới cho tiến trình vận động và phát triển của văn học nước nhà trong thời kỳ hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa.

Xóm Đình An Nhơn, Gò Vấp, 16.3.2022

PGS.TS TRẦN HOÀI ANH

 

Chú thích:

(1) Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam Nxb. Trình bày 1967, SG tr. 808

(2) (3) Thế Phong, Lược sử Văn nghệ Việt Nam (nhà văn tiền chiến 1930 – 1945)      Vàng Son xb. SG, 1974, tr.302, tr.302

(4) (32) Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên Tập 3, Quốc học Tùng thư Xb., Sài Gòn, 1965, tr. 597, 598

(5) Uyên Thao, Thơ Việt Nam hiện đại, Hồng lĩnh Xb. 1969, tr.247

(6) (14) Phạm Công Thiện “Trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam đối với Quách Tấn” Văn số 161(1-9-1970), tr.52, tr.51

(7) Hoàng Diệp, Hàn Mặc Tử thi sĩ tiền chiến , Khai Trí xb. 1968, SG. tr 141

(8) Nguyễn Xuân Hoàng, “Nỗi khắc khoải siêu hình trong thơ Hàn Mặc Tử” Văn số đặc biệt (73/74 ra ngày 7/1/1967), tr. 27

 (9) Huỳnh Phan Anh, : “Hàn Mặc Tử hay là hiện hữu của thơ”, Văn số đặc biệt (73/74 ra ngày 7/1/1967), tr. 6

(10) Lê Huy Oanh “Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử qua các tác phẩm Mấy vần thơThơ sayThơ Hàn Mặc Tử”, Văn số ra ngày 15/8/1974, tr. 37

(11) Hoàng Diệp, Chế Lan Viên thi sĩ tiền chiến, Khai Trí Xb., 1969,  tr116

(12) (13) Đỗ Long Vân “Thử phát họa một bản đồ của địa ngục theo Chế Lan Viên”, Nghiên cứu văn học số 6/1968, tr.71, tr.121.

(15) (16) Trần Hữu Cư, “Quách Tấn buổi chiều vàng của Đông phương” Thời Tập số X+7(30/12/1974), tr.44, 45

(17) Đinh Cường, “Nhạc và họa trong thơ Bích Khê” Văn số 64 ra ngày 15/8/ 1966, tr.73

(18) Lê Huy Oanh ,“Tinh huyết của Bích Khê”; Văn học số chuyên đề Bích Khê, 1974,  tr.51

(19) (20) (21) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Tác giả Xb., Sài Gòn 1970, tr.125, tr.126, tr.129

(22) Đào Trường Phúc, “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương” Văn số 189  (1/11/1971)  tr.51.

 (23) (24) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Tác giả Xb., Sài Gòn,1970, tr.99, tr.110

(25) Bùi Giáng, “Nhân đọc Rừng phong”, Văn số 150 (15/3/1970), tr. 50

(26) Đoàn Thêm, “Đọc lại Vũ Hoàng Chương”; Văn số 150 (15/3/1970), tr. 44

(27) (28) (29) Lê Huy Oanh “Thế Lữ, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử qua các tác phẩm Mấy vần thơThơ sayThơ Hàn Mặc Tử”, Văn số ra ngày 15/8/1974, tr. 5, tr.25, tr.31

(30) Nguyễn Tấn Long, Thi nhân tiền chiến (Quyển hạ), Sống mới Xb., Sài Gòn,1969, tr.694

(31) Lam Giang và Vũ Tiến Phúc, Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX  Sơn Quang Xb., Sài Gòn, 1970, tr.61

(33) Nguyễn Tấn Long, Việt Nam thi nhân tiền chiến, (Quyển thượng) Sống Mới Xb. Sài Gòn., tr. 460

(34) Bàng Bá Lân, Văn thi sĩ hiện đại, Nxb. Xây Dựng Sài Gòn, 1962, tr.150-151

 

Nguồn: vanvn.vn

Post by: Khoa Ngữ văn
02-11-2022