Nghiên cứu khoa học

Màu sắc hiện sinh trong “Vòng tay học trò” của Nguyễn Thị Hoàng


04-10-2022

Kể từ khi ra đời, Vòng tay học trò đã gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Bởi so với thời điểm bấy giờ thì đây là cuộc tình bất chấp mọi luân thường đạo lý của cô giáo với học trò. Đồng thời, số phận của hai nhân vật ấy cũng nhận được sự phản đối quyết liệt từ gia đình, xã hội.

Mở đầu

Nói đến văn chương đô thị miền Nam trước 1975, không thể không nói đến những nhà văn nữ xuất sắc như Nguyễn Thị Hoàng cùng với Nhã Ca, Trùng Dương, Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, sau nữa có Lệ Hằng, Trần Thị Ng. Trong vòng vây ảnh hưởng của thuyết hiện sinh, du nhập từ làn sóng Chủ nghĩa hiện sinh (chủ yếu từ Pháp) qua các ngã đường khác nhau, đã đi vào đời sống con người miền Nam Việt Nam (1954-1975) ở tầng lớp thanh niên. Cho nên, ta có thể dễ dàng tìm thấy chút ít khuynh hướng và màu sắc hiện sinh ở rất nhiều văn sĩ thời đó. Có thể kể đến như: Dương Nghiễm Mậu, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Xuân Hoàng,… Nhưng khác với các văn sĩ nam giới (thiên về khắc họa thân phận người trong cuộc diễn tiến của hiện thực đời sống), thì các nhà văn nữ có xu hướng đi sâu vào tâm hồn và hiện thực tình ái của con người (chủ yếu là người nữ). Bởi vậy, các nhà văn nữ đã có đóng góp quan trọng, mở rộng thêm một cõi giới văn chương mà có lẽ cho đến thời ấy vẫn còn là cấm kỵ: “tính dục”. Các nhà văn nữ, trong đó có Nguyễn Thị Hoàng thẳng thắn với tình ái và tính dục. Vì rõ ràng, chúng ta không thể không quan tâm đến sinh hoạt tình yêu và tính dục. Đây cũng là khía cạnh không thể thiếu của đời người. Hơn nữa, thông quan tính dục, ta cũng có thể đi vào khai thác khía cạnh hiện hữu, đặc trưng hiện hữu của sinh mệnh. Có thể nói, nhờ thẳng thắn đi vào chỗ “cấm kỵ” ấy, các nhà văn nữ đã mở ra chiều kích suy tư về tình yêu và hạnh phúc, dưới góc độ nữ giới.

 

Nội dung

1. Vài nét về Nguyễn Thị Hoàng và Vòng tay học trò

Là cây bút nữ nổi tiếng của văn học đô thị Miền Nam giai đoạn trước 1975. Nguyễn Thị Hoàng với cách viết thiên về bày tỏ những ưu tư trong tâm tưởng, qua đó thể hiện những quan điểm về hạnh phúc, những khát khao, mong ngóng của người phụ nữ. Ra đời năm 1964, tiểu thuyết Vòng tay học trò được đăng dưới bút danh Hoàng Đông Phương trên tạp chí Bách khoa và sau được nhà Kim Anh in thành sách. Tác phẩm gồm 11 chương, kể về mối tình của cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm và cậu học trò Nguyễn Duy Minh. Kể từ khi ra đời, Vòng tay học trò đã gặp rất nhiều ý kiến trái chiều. Bởi so với thời điểm bấy giờ thì đây là cuộc tình bất chấp mọi luân thường đạo lý của cô giáo với học trò. Đồng thời, số phận của hai nhân vật ấy cũng nhận được sự phản đối quyết liệt từ gia đình, xã hội.

Các nhà văn nam giới có tổ chức cuộc tọa đàm về các nhà văn nữ đương thời và cho in lại thành văn bản đăng trên Tạp chí Văn số 206 (15.7.1972), có ý cho rằng các nhà văn nữ rất táo bạo. Và Nguyễn Thị Hoàng với Vòng tay học trò cũng được nhắc đến. Tuy nhiên, về Vòng tay học trò (VTHT), bản thân Nguyễn Thị Hoàng cho rằng quyển ấy cũng như toàn bộ những quyển về sau, hoàn toàn không có gì đáng gọi táo bạo. Hơn nữa, tính dục không phải là vấn đề trọng tâm của tác phẩm, không phải là điều mà tác giả hướng đến. Điều mà Nguyễn Thị Hoàng muốn sẻ chia cùng độc giả, ấy là những băn khoăn của người phụ nữ khi đối diện với tình yêu và băn khoăn về hạnh phúc.

Như vậy, ta cần xác định tâm thế của bài viết này, chúng tôi cũng nắm bắt khía cạnh tính dục trong Vòng tay học trò tuy nhiên đó không phải điểm dừng của truy vấn. Mà dựa trên những truy vấn, phát hiện khía cạnh tính dục để nhìn thấy màu sắc hiện sinh trong tư tưởng của Nguyễn Thị Hoàng, qua tác phẩm Vòng tay học trò.

 

2. Ưu tư hiện sinh

Trốn đời nhưng thực ra, đó là cách để thực hiện ưu tư. Trâm có thể nhờ sự xa cách, cô độc, quạnh hiu của Đà Lạt để dấn thân vào những ưu tư bao vây của phận người mà nàng đang đứng đối diện: “Nàng tìm một chỗ yên lặng, kín đáo, quạnh hiu và xa thành phố hơn”.

Trâm hình dung nên thuyết cô đơn. Một quan niệm có vẻ yếm thế, nhưng dù gì Trâm đã hết mình với nỗi cô đơn. Ít nhất, nàng đã đối diện với nó. Và nhờ vậy, nàng trở thành đàn bà. Một người đàn bà theo đúng nghĩa trọn vẹn của nó: “Trâm, như người khác thì đã tưởng lầm Lưu phản đối thuyết cô đơn của nàng dễ tấn công phá vỡ thành trì độc lập kiên cố của nàng. Nhưng nàng thì không bao giờ lầm thế, vì nàng hiểu rõ Lưu. Lưu đối với nàng, như một người bạn, một người anh, không bao giờ là một người tình. Người đàn bà như nàng, Lưu chỉ có thể mến phục mà không thể yêu thương. Tuy Lưu có bề ngoài của “một cây” theo “đợt sống mới” nếp sống tài tử đấy, nhưng người vợ của Lưu, hay người yêu của anh, phải là đàn bà, hoàn toàn”.

Ưu tư hay chính là sự trỗi dậy của “libido”, tiềm thức của giống cái, tiềm thức của phái tính. Niềm đau nhức của cô đơn lâu ngày khiến cho libido trỗi dậy từ chỗ ngấm ngầm thành ra mạnh mẽ. Những ưu tư cũng kéo theo. Thức tỉnh cái ẩn tàng trong tâm hồn, biểu hiện ra bằng đắn đo, băn khoăn, và lúc người ta nằm xuống chuẩn bị ngủ, tức là lúc có cơ hội đối diện với tiềm thức, cơ hội thuận tiện nhất để lắng nghe lời rủ rỉ thì thầm của libido: “Trâm đưa ngón tay lên miệng, lặng đi một giây. Vô tình, Trâm đã chỉ cho Minh kê cái giường trong phòng nó song song và ở ngay dưới giường mình. Vô tình, Trâm nhận ra điều đó, sự song song của hai chiếc giường qua một khoảng không gian đồng lõa, như hai mặt phẳng số kiếp cùng ở trên một bình diện cuộc đời. Và trong cái đáy im lìm, tiềm thức bỗng mơ hồ vẳng lên một âm thanh bỡ ngỡ. Một tiếng gọi. Một lời nhắc nhở: Trâm là đàn bà, và người mới đến dù sao vẫn là đàn ông. Hai cực Bắc và Nam của hai thanh nam châm tiến dần vào một môi trường nguy hiểm là tòa lầu hoang vắng, là tâm hồn sa mạc, là trái tim tha ma của người đàn bà đã từ lâu đơn chiếc”. Nguyễn Thị Hoàng đã thực hiện quy hồi, và phát hiện ra sự trùng hợp vừa thú vị vừa ma mị, và thân thể đàn bà của Trâm sau những tháng ngày cô đơn, về lại căn phòng, có lúc mong trong nhà có một bóng đàn ông nào đó. Đến nỗi có lúc nàng ước như có phép màu, đàn ông hay đàn bà lúc muốn có thể biến thành đàn bà hay đàn ông tùy ý. Kỳ thực, nỗi khao khát của Trâm đã có sẵn từ lúc “thuyết cô đơn” của nàng hình thành trong lòng nàng. Và Minh đến, như một làn gió mới tưới tắm trái tim khô hạn của nàng. Một cơ hội hạn hữu cho trải nghiệm đàn bà của Trâm. Lúc mà người con trai mới lớn, cũng là khi trái tim và tâm hồn tràn đầy sức sống và đủ trong sáng để tận hiến trong tình yêu. Có lẽ thế giới nhiều màu sắc và khía cạnh đó đã đánh thức được “libido” trong ngực trái của Trâm [5]. Nếu hiểu như thế, ta nhận thấy tình yêu và rung động giữa hai con người ấy thật tự nhiên, hoàn toàn không có chút gì cấm kỵ. Tình yêu đơn sơ, thuần phác, tự nhiên, như trời đất buổi hồng hoang.

Ưu tư lớn nhất thường trực nhất trong tâm hồn người phụ nữ, chính là cô đơn. Vì cô đơn như một bản án, nhưng kẻ phạm phải nỗi cô đơn vẫn không ngừng giẫy thoát khỏi cô đơn, nên hóa ra cô đơn trở thành động lực của nhựa sống căng tràn: “Nhưng còn cớ điều gì hơn thế nữa. Ở mỗi người đàn bà cô đơn, dù là cô đơn tình nguyện, đều có một cái gì thừa, một cái gì thiếu ở trong cùng thẩm tâm hồn u uẩn, trong cùng thẳm trái tim hoang vu như bến bờ không nguôi chờ đợi một con tàu, một ngọn sóng, một dấu chân qua hờ hững thờ ơ nào đó”. Bằng ưu tư, Nguyễn Thị Hoàng mở ra hàng loạt cuộc phiêu lưu. Thế mạnh của bà chính là khám phá và khai mở cảm giác. Tri giác không phải là điều hứng thú mà Nguyễn Thị Hoàng tìm kiếm, cái quan trọng và cái đẹp mà bà muốn viết là thế giới cảm xúc. Bằng phương pháp phân tích, mổ xẻ (mà có vẻ như khá gần gũi với phép “quy hồi bản chất” của hiện tượng luận, một đặc sản của văn xuôi hiện sinh Pháp mà J.P.Sartre đã tận dụng triệt để), Nguyễn Thị Hoàng xoay trở từng cảm giác để quy hồi bản dạng của thế giới tinh thần con người. Nhưng đó mãi mãi là cuộc phiêu lưu quy hồi mà không có điểm dừng: “Thừa tình thương và cũng thiếu tình thương. Tình thương đó không phải chỉ là tình yêu, mà tổng hợp của nhiều cảm xúc không tên, dịu dàng đằm thắm mà cũng nồng nàn say đắm nữa. Đôi tay chợt chới với giữa khoảng trống không khi chiều xuống chậm”. Nhà văn tận dụng các giác quan như là khí cụ nắm bắt thế giới, nhưng lập tức nhận biết chính các giác quan đó, thể như có giác quan kép, nhờ vậy cảm giác vừa là phương tiện vừa là đối tượng. Chúng ta dường như phát hiện ra đặc trưng cảm quan kép của Nguyễn Thị Hoàng ở đây: “Cái nhìn chợt buồn rầu lặng lẽ in hình ảnh giấc mơ nào không thành tựu bao giờ. Đôi môi gợn buồn cúi xuống làn da se sắt của bàn tay. Khuôn mặt não nùng úp xuống mớ tóc dài vướng rối những đêm khó ngủ. Đó là những cơn bão loạn âm thầm đánh thức giác quan của người đàn bà. Và người đàn bà muốn nâng niu muốn ấp ủ, muốn nuông chiều một ai đó, dù chỉ là hình bóng. Thứ tình đó nhẹ nhàng, phảng phất mà sâu kín bùi ngùi như tình mẹ con, tình chị em, tình vợ chồng pha lẫn. Thứ tình đó mơ hồ vẳng lên trong lòng Trâm những chiều gió mưa Đà-Lạt, và nàng nhận ra mình còn cả một quãng đường tương lai xa tắp để ngập ngừng những bước tìm yêu, đòi yêu và được yêu, dù cuối cùng của mỗi tình yêu rồi cũng chỉ là vực sâu, biển thẳm, non mù heo hút…”. Những băn khoăn ngẫm ngợi dường như bất tận. Có lẽ nhiều người cho rằng, Nguyễn Thị Hoàng tự bế tắc trong những chuyến phiêu lưu tư tưởng của bà, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác, ta sẽ thấy đời sống tâm hồn của người nữ là quá trình vận động không ngừng nghỉ. Tâm hồn và tư tưởng của họ ở thể động, năng sản, trăn trở và biến chuyển liên tục. Phải chăng vì vậy mà các ông luôn cho rằng việc hiểu một người phụ nữ là không thể, và đành gán cho phụ nữ là những người có tâm hồn phức tạp. Dầu gì, ta cũng có thể nói: phụ nữ là những hiện hữu có tâm hồn như vực thẳm không đáy, mà càng cố gắng đổ đầy càng thẳm sâu bất tận.

 

3. Tình yêu và hiện hữu

Nguyễn Thị Hoàng xây dựng một quan niệm đàn bà khác. Không theo lẽ thông thường. Nàng không sống theo lẽ thông thường: lấy chồng sinh con và sống yên ấm trong mái gia đình. Đó là chân hạnh phúc, Lưu nghĩ vậy: “Thấy Trâm viết lách, mê văn chương, sống khác thường, vạch lối riêng để một mình tiến tới, Lưu khuyên: “Đàn bà muốn được hạnh phúc thật phải là đàn bà. Lẽ tất nhiên mỗi người quan niệm về hạnh phúc một cách. Nhưng cách duy nhất vẫn là có một gia đình đầm ấm, chồng con đàng hoàng và giữ những mối thân yêu đó mãi mãi. Cũng có người tìm thấy hạnh phúc ở những chuyện phi thường, muốn thoát ra lề lối cố định đó, những người đàn bà đó không hẳn là đàn bà nữa”. Cho nên, với Lưu, Trâm không thể yêu. Ta có thể thấy bóng dáng của Nguyễn Thị Hoàng trong nhân vật Trâm. Sự dấn thân trong việc yêu và viết, giúp bà kiến tạo một quan niệm hạnh phúc khác. Hẳn nhiên, Nguyễn Thị Hoàng cũng như Trâm vẫn cho rằng tình yêu và hạnh phúc là một điều hiển nhiên trong cuộc sống. Sống đối với một người đàn bà là sống hạnh phúc. Sống hạnh phúc tức là yêu. Yêu thực sự một khi lắng nghe đúng và đáp ứng điều mong mỏi trong tâm hồn. Và, Trâm đã chọn viết lách, văn chương. Đôi khi, yêu và viết có thể dẫn đến đau thương. Nhưng đau thương kỳ thực cũng là một cách tận hưởng hạnh phúc. Và khoái cảm của đau thương, đôi khi có thể đưa con người để tột đỉnh hạnh phúc. Nói vậy, cũng tức là Nguyễn Thị Hoàng mở rộng biên độ của hạnh phúc, dấn thân vào những “vùng cấm”, vượt rào khỏi phạm vi cuộc sống theo quy phạm thông thường. Nhờ vậy, văn chương của bà mang một hệ giá trị hiện sinh khác.

Nhận thức những suy lý về tình yêu và hạnh phúc của đàn bà, từ phía Lưu và Trâm, ta thấy được Nguyễn Thị Hoàng là một nhà văn ưa suy tư. Văn chương của bà không có nhiều miêu tả, ít sự kiện (hiểu như là chi tiết đời sống giữa người với người), văn của bà nhiều sự kiện (sự kiện tâm lý). Nguyễn Thị Hoàng ưa suy tư, và có lẽ đây cũng là những suy tư rất thường xuyên của người phụ nữ. Và, theo đó ta phát hiện nhân vật Lưu cũng như đã số đàn ông trong xã hội đã đánh giá người nữ và văn chương nữ dưới góc nhìn của đàn ông. Và như vậy thì các ông đã quá đáng, rất “kỳ khôi”, bởi văn chương nữ và tâm hồn nữ vận động theo hệ giá trị của họ. Lấy hệ quy chiếu của người đàn ông để nhìn “các bà” sẽ thấy các bà ngờ nghệch, tầm thường, tủn mủn. Vì mối quan tâm của người nữ về thế giới khác với đàn ông. Trong khi đàn ông có xu hướng “nghếch cổ” tới các “đại tự sự” thì các bà có xu hướng ngã mình và “tiểu tự sự”. Cho nên, hai đối tượng khác nhau, hình thành từ hai hệ giá trị khác nhau, lý nào dùng hệ quy chiếu này để phán đoạn đối tượng kia, như vậy chỉ dẫn đến sai lầm: “Muốn viết thành thật phải sống lăn lóc, phải có kinh nghiệm đã. Nhưng đàn bà như vậy thì còn gì. Vả lại có làm cho hết sức cũng chẳng đi đến đâu, chỉ là hạt bụi, không một tiếng vang nào cả. Chị xem, trong văn học Pháp, Georges Sand có nổi tiếng cũng chỉ vì phụ nữ hiếm trong làng văn, chứ thật ra sự nghiệp của bà ta có đáng gì so với những tác phẩm vĩ đại của các văn hào nam giới. Như thế nào rồi cũng một đời sống sa đọa, tan nát … Rồi bây giờ lại Sagan…”. Đó là nhận định sai lầm của Lưu về G. Sand và Sagan, hay như lối các văn sĩ Hoa Kỳ làm ngơ với E. Dickinson cho đến sau này mới nhận ra sự đa dạng phong phú của hồn thơ bà,… Điều này nhắc ta, đàn ông và hệ quy chiếu đàn ông hoàn toàn bất lực trước vũ trụ văn chương của nữ giới. Và, các ông nên học cách tôn trọng một khi bén mảng vào chữ nghĩa của người nữ, bấy giờ các ông mới có thể “xâm nhập” vào địa hạt chữ nghĩa và hiểu được vẻ đẹp của tâm tính nữ.

Trong địa hạt đó, tình yêu khởi đi từ trắc ẩn và đồng điệu, tính cách khác thường và lãng mạn của Trâm và Minh đã giao cảm với nhau. Hơn nữa, hiện hữu ở đây chân thực. Chân thực đến mức Trâm có thể cảm nhận được hơi ấm từ làn áo của Minh, cái nóng hổi lây chuyển hun đốt đêm Đà Lạt lạnh lùng cô độc. “Bàn tay nhỏ bé của Trâm ngập ngừng đưa xuống bờ vai Minh. Hơi nóng từ da thịt người con trai như bốc lên tấm áo len dày. Trâm cảm thấy thân hình, cảm giác, đầu óc nó đang cháy lên, đang sôi bỏng, sắp sửa nổ tung lên thiêu hủy chính nó”. Ở những đoạn miêu tả cảm nhận thiên về xác thịt như vậy, Nguyễn Thị Hoàng tỏ ra sắc sảo, bén nhạy. Bà ghi lại được cảm xúc trỗi dậy đầy mãnh liệt mà rất tinh tế. Đó là biến chuyển tế vi trong tâm hồn người. Bởi vậy, ta có thể nói văn chương Nguyễn Thị Hoàng là thứ văn của chất rượu nồng nàn và mũi khoan đi về chiều sâu tâm thức. Có thể nói, hiện thực của bà là hiện thực tâm hồn.

Chúng ta thường tập trung vào mối quan hệ giữa Trâm và Minh, để thỏa mãn trí tò mò về một mối quan hệ cấm kỵ, vượt qua ranh giới lễ giáo. Tuy nhiên, ít người để ý rằng mối quan hệ đó, cuộc gặp gỡ đó chỉ là cái cớ để Trâm và Nguyễn Thị Hoàng thể hiện ưu tư của mình về hiện hữu đời người. Niềm tiếc rẻ về những gì tốt đẹp trong quá khứ, sự đánh mất của đời sống kỳ thực là gì, đó là những băn khoăn của Trâm từ lúc gặp Minh: “Trong một phút nhớ về quá khứ êm đềm, Trâm tiếc xót xa đời mình và lòng chợt dội lên những ước ao thầm lặng: được trẻ thơ, được trong sạch, được dịu hiền trở lại, dù chỉ trong một năm, một tháng, một ngày rồi thôi, rồi lại trở về cho mắt nhìn xuống vực sâu thăm thẳm của nỗi buồn hon héo cũ. Phút giây Trâm bỗng khám phá vì đâu, lòng mình thay đổi, nhẹ nhàng hơn, dịu dàng hơn, mong manh êm ái hơn, từ ngày có Minh đến ở trong nhà. Niềm tiếc đời và nỗi khát khao trở về với thời trong sáng cũ bắt Trâm tìm kiếm, thiết tha tìm kiếm một cái gì đó, cái gì vô tội, hồn nhiên, trẻ dại, cái gì đó, cái gì có mãnh lực thu hút Trâm vào một thới giới khác, trong sáng và huyền ảo hơn, nên thơ và vĩnh cửu hơn cái thế xô bồ, náo loạn trong xa hoa, trong giả tạo, trong những cơn lốc đam mê vội vã mà nàng đã khước từ trốn tránh để về đây. Minh hiện đến trong đời Trâm như một biểu tượng hoàn toàn cho những bước chân vu vơ tìm kiếm đó. Nàng đã gặp ở Minh không những một phần tuổi nhỏ của mình đã tàn phá theo năm tháng, mà còn một tâm trạng mênh mang khắc khoải giữa cuộc đời”. Như vậy vấn đề là hiện hữu của sinh mệnh người trong đời sống chứ không phải chỉ có ái tình. Càng không phải tính dục, tính dục này chỉ là mồi lửa nhóm dậy niềm ưu tư băn khoăn về hiện hữu của bản thân. Ngọn lửa đó đốt cháy tâm hồn, khao khát thể hiện sự đòi hỏi. Đòi hỏi ở đây, chính là đòi và hỏi về nghĩa lý thực sự của đời mình. Bám vào đó, Trâm bớt hoang mang giữa biển cả mênh mông tâm tưởng, trong cuộc phiêu lưu khắc khoải giữa cuộc đời.

Có một đặc trưng nữa trong cuộc truy vấn liên hồi của Nguyễn Thị Hoàng, tình yêu mãi mãi là điều gì không thể giải thích được. Khiến cho Nguyễn Thị Hoàng, cũng như Trâm, phải nhận rằng, tình yêu là huyền nhiệm. Cả tình yêu bản thân huyễn hoặc đến tình yêu đầy ám ảnh tội lỗi với Minh, những mong ngóng đợi chờ nghĩ ngợi khao khát với Minh, tất thẩy đều không thể lý giải. Đôi khi Trâm tự hỏi đã thích thú ở người con trai ấy điểm gì, nhưng nàng không hề tìm được câu trả lời: “Trâm đứng lặng người nhìn rất lâu hình ảnh đó như đang đối diện một người khách bí mật và quyến rũ. Nhiều lần như thế, rồi Trâm nhận ra mình say mê ảo ảnh đó, và nàng có ảo giác là đang hóa thân, đã hoàn toàn biến thành hai trong cùng một xác thân một số kiếp. Trong những phút giây kỳ ảo đó, Trâm nhận ra mình thích cô đơn vì chỉ yêu mình, yêu chính mình. Tình yêu đó là một huyền nhiệm không thể hiểu được”. Nhưng có lẽ chính vì không thể lý giải được nên tình yêu thành ra huyền bí và mê hoặc. Con đường dẫn bước theo ái tình cũng là con đường truy vấn mà con người càng mong muốn tìm thấy câu trả lời lại càng tiến bước xa hơn vào cõi mê giới mù khơi không thể nhìn rõ lối đi nẻo về. Chung quy vẫn là mù mờ mịt mùng, tình yêu càng ám ảnh càng có ma lực, càng tội lỗi càng kích thích, càng sợ hãi càng lãng mạn. Chúng ta tự hỏi những truy vấn ấy của Trâm, của Nguyễn Thị Hoàng sẽ đi tới đâu. Cho tới lúc, ta thấy rằng không thể đặt ra truy vấn ấy nữa.

 

Kết luận

Có lẽ hai vấn đề nên nhắc lại một lần nữa khi nhìn nhận tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng: Không nên quá lệ thuộc về tính dục trong lối phê bình tư tưởng tác giả; Đồng thời, màu sắc hiện sinh trong tiểu thuyết Vòng tay học trò, nhà văn đơn thuần đang trải nghiệm hiện hữu của mình bằng ngòi bút. Với Nguyễn Thị Hoàng, cụ thể là trải nghiệm của cảm giác. Và khi ta nói tới màu sắc hiện sinh trong văn xuôi Nguyễn Thị Hoàng, có lẽ ta nên hiểu “hiện sinh” theo nghĩa lý rộng rãi nhất của nó. Không nhất thiết là cách thể hiện sinh kiểu như Sartre hay Ponty, không nhất thế phải là Jasper hay Marcel, mà đó là hiện sinh trong cách thế độc đáo riêng biệt của mỗi người. Người ta hữu khi hiện như là cái hiện diện hoàn toàn cá biệt nhầm lẫn. Cho nên, hãy nhìn nhận Nguyễn Thị Hoàng và Vòng tay học trò trong chính hệ quy chiếu và hệ giá trị của tình yêu và hạnh phúc mà xuất phát từ đó, Nguyễn Thị Hoàng xây dựng nên Vòng tay học trò.

Như lời nhà văn Nguyễn Thị Hoàng từng mong mỏi, và kỳ vọng các nhà phê bình hãy nhìn nhận một cách công tâm về tác phẩm của mình nói riêng và các nhà văn nữ nói chung: “Thế nào cũng được chỉ mong sẽ có những nhà phê bình muốn làm việc phê bình cẩn thận và đúng mức”.

ĐÀO THỊ HOA

Theo Tạp chí Văn

_____________________

Tài liệu tham khảo

1. Trần Thái Đỉnh (2005), Triết học Hiện sinh, Nxb. Văn học, Hà Nội.

2. Nguyễn Thị Hoàng (1966), Vòng tay học trò, Kim Anh xuất bản, Saigon.

3. Giai Phẩm Văn (1973), Đi xa với Nguyễn Thị Hoàng, Giai phẩm Văn – 5 nhà văn nữ Việt Nam, tr.1-20.

_____________________

Nguồn: vanvn.vn

Post by: Khoa Ngữ văn
04-10-2022