Khái niệm “tín ngưỡng” chúng tôi dùng ở đây với ý nghĩa là “hình thức tôn giáo sơ khai”, tức là tín ngưỡng là hiện tượng “có trước, dưới thành tố tôn giáo. Tôn giáo là một hệ thống tín ngưỡng cùng nghi lễ, không phải chỉ một tín ngưỡng đủ thành một tôn giáo” ( 5/ 325 ).
I. Ý nghĩa của tục thờ đá
Có thể nói rằng, đá là chất liệu đầu tiên, gắn với bước chân chập chững của con người từ xã hội nguyên thủy sang xã hội văn minh. Thời đại đồ đá trải dài nhất trong lịch sử loại người (khoảng vài triệu đến tám vạn năm trước công nguyên). Với một khoảng thời gian lớn như thế, thì ấn tượng về đá trong con người chắc hẳn phải rất sâu sắc. Trong buổi bình minh của lịch sử nhân loại, con người từ khi sinh ra đến khi chết đi đều gắn với hang (đá), đá tạo nên công cụ sản xuất, đá tạo ra lửa… Nói chung, đá tham gia vào mọi hoạt động sinh hoạt, lao động của con người. Sự gắn bó của con người với đá trong xã hội nguyên thủy, khi thuyết vật linh tồn tại phổ biến thì người ta thấy rằng: giữa đá và linh hồn con người có mối liên quan chặt chẽ. Đá cũng là sự sống, cũng có phần hồn, phần xác như con người và đá có thể là nơi trú ngụ cho linh hồn con người, cũng như trong thực tế, thân xác con người sống trong đá (hang), và chết có khi cũng nằm trong đá (chum đá của các dân tộc ở Lào, quan tài chèn đá của người Mường…). Quan niệm đó được huyền thoại hoá thành các câu chuyện ở nhiều dân tộc. “Trong truyền thuyết, đá chiếm một vị trí trang trọng. Giữa linh hồn con người và đá có mối liên quan chặt chẽ. Theo huyền thoại về Prômêtê, ông tổ loài người, có các loại đá vẫn giữ được hơi người” (12/268).
Đặc điểm cơ bản của đá là cứng rắn và con người có thể lợi dụng, tạo ra hiệu quả trong lao động. Từ đó, con người thấy rằng mình có thể dựa vào tính cứng rắn của đá. Tính cứng rắn được hiểu là có một vị thần ở trong đá tạo ra. Vị thần Đá phản ánh nhận thức của con người về sự vật luôn có tính hai mặt là vật chất và linh hồn. Trong đó linh hồn mới là cái bất diệt, và chính nó tạo ra sự cứng rắn của đá. Cho nên, đối với người xưa, các công cụ bằng đá không chỉ đơn thuần là công cụ lao động, mà chúng còn có ý nghĩa ma thuật. Những công cụ bằng đá mà họ luôn mang bên mình là vật để trừ tà, để tránh ma quỷ không làm hại.
Mặt khác, đá lại là đặc trưng cơ bản của núi (núi đá), mà núi là chốn linh thiêng, là nơi thông linh giữa trời và đất. Cho nên, đá có thể là phương tiện để truyền đạt mong muốn của con người với các thế lực siêu nhiên khác. Con người đã biết dùng đá vào các hành động mang tính chất ma thuật của họ để đạt được mục đích cầu mùa, mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi và gia đình sung túc… Nhìn chung, mỗi một biểu hiện của tục thờ Đá có một ý nghĩa nhất định. Chúng tôi sẽ trình bày cụ thể ở phần sau.
Hiện nay, trên thế giới, hình thức thờ Đá đã bị biến thái, nhiều nơi không còn giữ được tục thờ này nữa. Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) là một trong ít vùng còn bảo lưu được một số phong tục, tín ngưỡng gắn với thờ Đá. Tác giả Nguyễn Duy Hinh, nêu lên một đặc điểm độc đáo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông cho rằng thần điện nguyên thủy của người Việt là Cây đa – Hòn đá thiêng. Thờ Đá, cũng như thờ Cây là tín ngưỡng mang tính phổ biến của nhân loại, nhưng hình thức kết hợp đó mang màu sắc Việt Nam (5/ 102). Điều đó chứng tỏ rằng, thờ Đá là một trong những hình thức tín ngưỡng dân gian sớm nhất xuất hiện ở Việt Nam và tham gia vào nhiều các hình thức thờ phụng khác của người Việt. Nhưng ở Việt Nam, thờ Đá cũng đã biến đổi, bị (được ) kết nạp vào những hình thức tín ngưỡng, tông giáo khác như: tín ngưỡngnông nghiệp, Phật giáo, Bàlamôn…
Sau đây, chúng tôi sẽ tìm hiểu tín ngưỡng thờ Đá trong mối quan hệ với các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác, để thấy được quá trình biến đổi, cũng như các lớp nội dung, ý nghĩa của mỗi biểu hiện. Sự phân chia này không phản ánh thực tế tồn tại của các hiện tượng tín ngưỡng đó. Bởi lẽ, tín ngưỡng thờ Đá tồn tại trong hình thức tổng hợp của rất nhiều các yếu tố tín ngưỡng khác. Việc phân chia của chúng tôi chỉ có ý nghĩa thuận lợi cho việc mô tả các hiện tượng.
II. Những biểu hiện của tục thờ Đá ở Việt Nam
1.Thờ Đá trong mối quan hệ với các tín ngưỡng dân gian bản địa khác
1.1. Tín ngưỡng thờ Đá và tín ngưỡng thờ Mẫu
Thờ Mẫu là một hình thức thờ cúng đặc trưng của các cư dân nông nghiệp. Đó là sự thể hiện lòng kính trọng đối với quyền năng sinh sản, lòng biết ơn tổ tiên. Có một số nơi thờ mẫu thuần tuý là các phủ (Phủ Giầy, Phủ Sòng, phủ Tây Hồ…), còn lại, thờ Mẫu thường gắn các loại hình tín ngưỡng khác. Điện thờ Mẫu thường nằm bên cạnh hoặc đằng sau điện thờ Phật, thờ các vị anh hùng… Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng có mối quan hệ và nhiều khi đồng nhất với tín ngưỡng thờ Đá.
Hiện tượng thờ Đá có liên quan đến tục thờ Mẫu tiêu biểu là hình thức thờ “Kì Thạch Phu Nhân” của nhân dân vùng Nam Trung Bộ.
+ Tại làng Thanh Phước, xã Hương Phong, huyện Hương Trà - Huế, có miếu thờ Kì Thạch phu nhân. Dân làng hàng năm tổ chức cúng vái, cứ ba năm một lần tổ chức đua trải. Huyền thoại kể lại: Có một ngư dân thường chài lưới bên sông. Một lần kéo lưới lên thấy nặng, bèn lặn xuống nước xem, biết là đá vướng lưới, liền dời đi chỗ khác bủa lưới. Đến đêm, người đó mộng thấy người đàn bà hiện lên, bảo rằng: “Ta đây là thần, nếu đem được ta lên bờ, ta sẽ phù hộ”. Ngày hôm sau, người đó tập hợp những người cùng nghề, lặn xuống sông khiêng đá lên bờ. Từ khi thờ thần đá, dân làng cầu nguyện việc gì cũng linh ứng. Dân làng khác thấy vậy, đến tranh đá mang về thờ nhưng không được. Dân làng thường gọi là tượng Bà Đá. Triều Nguyễn phong là “Kì Thạch phu nhân chi thần”. Thời Tự Đức, vào năm mất mùa hạn hán, vua cử quan về đây cầu đảo hơn mười ngày không được. Sau phải dời tảng đá đến cạnh bờ sông, đêm hôm đó mới có mưa.
+ Huyền thoại và hình thức thờ cúng như trên là một hiện tượng phổ biến ở các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ (xem bài của Hồ Quốc Hùng). Nhân dân Huế còn biết đến một Thai Dương phu nhân ở làng Thai Dương, xã Thuận An, huyện Phú Vang. Sự tích về Bà đều được ghi lại trong Ô châu cận lục và Đại Nam nhất thống chí. Trong đó còn ghi lại việc tảng đá trừng trị thuyền buôn Nhật Bản. Nữ thần đã giúp đỡ rất nhiều cho dân làng. Đi nghề không bao giờ về không, ghe thuyền hầu như không gặp bão tố nữa. Trước khi giong buồm đi xa, người ta thường đến kêu cầu Thai Dương phu nhân phù hộ. Bà đã nhiều lần được sắc phong của nhà Nguyễn. Hàng năm lễ hội tổ chức rất lớn (ngày 23 tháng Chạp là hội chính).
Tác giả Hồ Quốc Hùng đã sưu tầm nhiều bản kể dạng này và sau khi khảo sát một số truyện và đưa ra kết cấu: người đánh cá - nhặt đá thiêng – thờ đá - đá mang phúc ấm cho dân làng. Tác giả khẳng định: “Hai thần tích có liên quan đến hệ thống thờ Mẫu của người Chăm ở vùng Thuận Hoá… Nếu kết dính các chuỗi chi tiết trong các dị bản với cốt truyện chính, ta sẽ thấy các mắt xích quan trọng đều xoay quanh tục thờ cúng có liên quan đến linh vật: đá và “tạo nên âm hưởng riêng mà rất chung của nhóm truyện và khá nhất quán về chủ đề: tục thờ đá thiêng” (7/586).
Trong các truyện đó ta thường thấy một đường dây liên hệ : Đá- Nước – Phụ nữ. Tất cả những cái đó đều thuộc tính âm, nên chúng dễ xâm nhập vào nhau, có thể đồng nhất với nhau. Người phụ nữ sinh ra tảng đá, ở trong tảng đá, đá ở dưới nước…
Hiện tượng thờ cúng này đã lắng đọng nhiều lớp văn hoá, tín ngưỡng trong sự giao lưu giữa hai dân tộc Việt – Chăm. Đó là sự tổng hoà của tín ngưỡng thờ Đá, thờ thần Biển và tín ngưỡng thờ Mẫu. Trong đó, nữ Thần Biển vốn là một vị thần của dân tộc Chăm, một dân tộc gắn với đời sống sông nước, gắn với biển. Tín ngưỡng thờ Mẫu thể hiện rất rõ ở sự tôn kính của cả nhân đân và nhà nước. Triều đình nhà Nguyễn đã rất nhiều lần cầu đảo ở đền các phu nhân. Tục thờ Mẫu của người Việt đã gặp gỡ và bắt rễ sâu sắc với tục thờ nữ Thần Biển của người Chăm, trên con đường nam tiến của mình. Hình thức thờ nữ thần đó lại kết hợp với tục thờ Đá, tạo nên phong tục thờ cúng đặc biệt ở nơi đây.
Việc hai hình thức tín ngưỡng dân gian (thờ Mẫu và thờ Đá) dung hoà với nhau biểu hiện một cách phong phú và đa dạng qua những huyền thoại và nghi lễ thờ cúng của nhân dân. Đó là sự kết hợp giữa đá và người, được nhân dân thờ phụng: nàng Mị Châu hoá thành đá, báo mộng cho dân làng đem về thờ; Hai Bà Trưng sau khi chết, linh hồn kết thành đá, trôi theo dòng đến Thăng Long, được dân làng Đồng Nhân vớt lên thờ; tượng Phật bà được đào thấy ở chùa Bà Đá… Những tín ngưỡng này đã lắng đọng trong các truyện cổ dân gian, khiến cho hầu hết các nhân vật hoá đá đều là nữ. Những hình thức thờ phụng, nghi lễ dân gian trong cuộc sống cùng với những bằng chứng đọng lại trong các tác phẩm VHDG, cho phép chúng ta nhận định về mối liên hệ có tính phổ biến giữa tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đá trong tâm thức dân gian.
1.2. Tín ngưỡng thờ Đá và tín ngưỡng phồn thực
Trong cuộc sống, rất nhiều những điều mong muốn của con người không trở thành hiện thực. Khi đó, người ta sẽ cầu viện đến những thế lực siêu nhiên, có quyền năng vô hạn. Những hình thức nghi lễ để cầu mong sự sung túc, no đủ như thế được gọi là nghi lễ phồn thực. Thông thường, người ta tác động đến tự nhiên bằng hai hình thức là thờ cúng vật thiêng và ma thuật mô phỏng. Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày một số nghi lễ phồn thực có liên quan đến tục thờ Đá.
1.2.1. Tục thờ sinh thực khí
Đây là tục thờ những vật tượng trưng cho sinh thực khí của đàn ông và đàn bà. Tục thờ này gắn bó chặt chẽ với tục thờ Đá trong hình thức thờ cúng các vật thiêng. Rất nhiều các cột đá dựng đứng được xem là biểu tượng của dương vật.
Về biểu hiện này, “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới” đã nêu ra những hiện tượng thờ linga trên thế giới “Đá gắn bó với biểu tượng dương vật; vì vậy, tại một số miền, đặc biệt là ở vùng Bretagne, các tảng đá dựng đứng này là nơi cử hành những nghi lễ truy hoan. Tập tục của người Mãn Châu, trồng những cây đại thụ và những cột đá đã thâu tóm nét phân biệt giữa hai mẫu gốc của sự sống: mặt tĩnh và mặt động” (12/271). Quan niệm về đá - dương vật cũng gần với quan niệm cây – dương vật, do cả đá và cây đều có ý nghĩa tái sinh, có liên hệ với linh hồn con người. ở Việt Nam, cũng có một số cột đá thiêng mang ý nghĩa biểu trưng như thế.
Thứ nhất, tượng Thạch Quang Phật ở chùa Dâu (Thuận Thành – Bắc Ninh) là một trường hợp đáng chú ý. Trước năm 1945, có một am nhỏ gọi là Thạch Quang Am, để thờ Thạch Quang Phật, nhưng hiện nay am đó không còn. Tượng Thạch Quang hiện được thờ trong nội điện chùa Dâu. Ngày xưa, “có lệ rước hòn đá Thạch Quang và tượng Tứ Pháp đi một vòng qua từng chùa trong hệ thống các chùa thờ Man Nương và Tứ Pháp” (8/146)
Qua hệ thống đền chùa, các nghi lễ thờ cúng, tế rước ở vùng Dâu, có thể thấy rằng, đây là một nơi tập trung một hệ thống các tín ngưỡng, phong tục dân gian rất cổ xưa. Tác giả Đinh Gia Khánh cũng đã nhận xét rằng “trước hết, có thể thấy ở đây chứng tích của việc thờ đá (Chúng tôi nhấn mạnh), thờ thần mây, thần mưa, thần chớp, thần sấm” (8/147). Đồng thời, nơi đây cũng thể hiện sự tiếp biến văn hoá hết sức uyển chuyển, linh hoạt. Đó là sự hỗn dung văn hoá giữa văn hoá Việt và văn hoá ấn, giữa tôn giáo ngoại lai và tín ngưỡng bản địa. Việc thờ Tứ Pháp vừa có cội nguồn trong tín ngưỡng nông nghiệp, vừa có mặt trong Bàlamôn giáo (hình tượng thần Indra). Ở đó còn có sự hoà đồng giữa Phật giáo, Bàlamôn giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa mà yếu tố bản địa vẫn trội hơn, tuy rằng nằm ở phần sâu hơn trong các lớp văn hoá.
Hình tượng Phật Thạch Quang là đã lắng đọng trong đó nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian bản địa với tôn giáo ngoại lai. Cội nguồn là tục thờ Đá, thờ Cây được gắn vào đó ý nghĩa phồn thực (mang hình dáng một linga), sau cùng là lớp Phật giáo. Đó là “kết quả giao hợp thiêng của yếu tố Mẹ bản địa với yếu tố cha ngoại lai, là giao hợp thiêng của tín ngưỡng phồn thực người Việt với tôn giáo ngoại lai của người ấn Độ. Nhưng hình tượng Thạch Quang Phật lại gợi hình ảnh thần Shiva trong ấn Độ giáo hơn là Phật giáo. Đây là một linh phù (linga), tượng trưng sinh thực khí nam, thường gặp ở văn hoá Chăm” (8/103).
Chúng tôi lưu ý đến chi tiết nhân dân phát hiện được khối đá bên trong phần gốc cây dâu, rồi người ta lại quẳng nó xuống sông, sau đó mới vớt lên thờ khi thấy đá phát sáng. Như vậy là đá đã qua thử thách, thể hiện sự linh thiêng, kì diệu của mình, thì mới được thờ. Việc đá sinh ra từ trong gốc dâu cho thấy một lớp văn hoá cổ trong hiện tượng này. Câu Dâu là cây vật tổ của bộ lạc Dâu (địa bàn cư trú là vùng Dâu - Bắc Ninh). Đó cũng là cây vũ trụ, cây thiêng, tương tự như cây đa, cây gạo, cây đề, cây si… của người Việt, cây Smuk trong sử thi Đam San; cây Kơlơng trong sử thi Xinh Nhã; cây Si thần, cây Chu Đồng trong Mo Mường…Vậy là ở đây có sự giao lưu gặp gỡ giữa hai tín ngưỡng dân gian thờ Cây và thờ Đá. Có lẽ, lớp thờ Cây sớm hơn nhưng dấu ấn mạnh mẽ lại là tục thờ Đá. Người ta lấy ngày hội chính là ngày mồng 8 tháng Tư âm lịch, ngày bà A Man sinh Đức Thạch Quang và trong nghi thức cầu đảo với Tứ Pháp, thì Thạch Quang Phật đóng vai trò chủ đạo.
Việc khối đá được nhân dân vớt lên từ dòng sông lại phản ánh sự gặp gỡ giao lưu giữa tín ngưỡng thờ Đá và thờ Nước. Cho nên, các tượng Phật đều phải qua lễ Mộc dục trước khi vào lễ hội, đó là nghi lễ mở đầu của các lễ hội.
Biểu tượng thứ hai là cột đá trên đỉnh Yên Tử. Gần chùa Vân Tiêu trên Yên Tử, có một tượng đá trông giống hình nhà sư đứng chắp tay cung kính, áo dài thướt tha, tà áo bay trong gió. Đó là tượng đá An Kì Sinh. Tượng cao hai mét, trừ phần bệ. ở bên bệ tượng có ban thờ. Giải thích về sự hình thành tượng đá có hai truyền thuyết.
+ Ngày xưa, núi Yên Tử có nhiều cây thuốc mọc tự nhiên. Người ta thường leo lên núi hai thuốc. Có một đạo sĩ tên là An Kì Sinh chuyên hái thuốc, luyện thành thuốc trường sinh và tu luyện đạo tiên. Người ta gọi ông là thầy An, để tỏ lòng tôn kính. Về sau, ông chết hoá thành tượng đá trên đỉnh núi.
+ An Kì Sinh là người Trung Hoa. Ông ta biết được ở nước Nam, có ngọn núi thiêng, ai là người đặt chân đầu tiên lên đỉnh núi sẽ được trường sinh bất lão. Chưa có ai lên được. An Kì Sinh tu tiên đắc phép, vượt gian khó lên núi. Ông cứ ngỡ mình là người đầu tiên lên đỉnh núi nhưng không ngờ có một ông già người Việt, râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy trúc đã đứng trên núi tự bao giờ. An Kì Sinh sôi máu uất, vừa định quay về thì hoá đá.
Yên Tử được coi là ngọn núi thiêng, là nơi tiếp giáp giữa trời và đất. Nơi đây đã hấp thu được tinh lực của trời đất, cho nên, mỗi cây cối, mỗi con vật đều có những truyền thuyết gắn với những công dụng kì diệu. Ngọn núi này cũng là nơi các vua Trần chọn để tu hành, là nơi phát tích một tông phái đạo Phật – Trúc Lâm Yên Tử. Tuy nhiên, ngay ở một nơi là cái nôi của Phật giáo Thiền tông, cũng chứa đựng những yếu tố văn hoá, tôn giáo khác. Việc An Kì Sinh tu tiên, trèo lên đỉnh núi tìm thuốc trường sinh bất lão thể hiện quá trình giao thoa, tiếp xúc giữa Phật giáo và Đạo giáo (Đạo tu tiên).
Người dân hành hương đến Yên Tử cầu mong sự no ấm hạnh phúc, quan trọng hơn là sức khoẻ và sự trường sinh. Không ai là không đặt tay lên tượng An Kì Sinh với một niềm tin rằng: tảng đá hút được linh khí của trời đất đó có thể ban cho mình sức khoẻ, an lành. Hành động đó mang tính chất ma thuật, cũng không khác gì hành động những người phụ nữ sờ tay vào tảng đá để cầu tự. Đứng trên núi cao, tượng An Kì Sinh được coi như vật nối liền trời và đất và cũng là vật trung gian để con người giao tiếp với đất trời. Qua đó, chúng ta thấy được, ẩn sau màn sương mờ của Phật giáo và Đạo giáo, mẫu gốc của hình tượng An Kì Sinh chính là thần Núi, thần Đá. Bước chuyển quá mạnh mẽ của tôn giáo ngoại lai đã xoá mờ đi lớp tín ngưỡng dân gian bản địa là tục thờ Đá - Núi.
Cũng trên Yên Tử, tại Tháp Tổ, cũng có một cột đá mô phỏng hình dáng của linga. Như vậy, trên đỉnh thiêng Yên Tử, tồn tại hình thức thờ sinh thực khí, tín ngưỡng này đã hoà đồng với tín ngưỡng thờ Đá. Trong đó, thờ Đá là hình thức tín ngưỡng nguyên thủy, sau đó, nội dung phồn thực, Phật giáo, Đạo giáo… dần dần được thu nhận vào. Lớp tín ngưỡng sớm thì bị mờ dần, lớp bề mặt nổi bật hơn cả (Phật giáo), thể hiện đúng quá trình xâm thực của những tôn giáo lớn với tín ngưỡng dân gian bản địa, cũng thể hiện một thái độ ứng xử văn hoá hết sức linh hoạt trong tư duy của người Việt. Các hình thức tôn giáo ngoại lai sẽ tìm được sự đồng cảm nếu phù hợp với tâm lí, truyền thống của nhân dân.
+ Hiện tượng thờ Đá - sinh thực khí, chúng ta cũng thấy xuất hiện ở cụm di tích Tháp Bà - Nha Trang.
+ Làng Đồng Kị, Bắc Ninh có cột đá Thái Bạch, đó cũng là một biểu tượng Linga.
+ Khu vực ven sông Đà, nhân dân thờ ông Đùng, bà Đà như những người anh hùng văn hoá có công chinh phục dòng sông hung dữ, tạo lập địa bàn sinh sống cho người dân. Dân gian có nhiều huyền thoại xung quanh công trạng cũng như cái chết của đôi vợ chồng này. Nhiều truyền kể rằng, ông bà đã hoá thân thành những ngọn núi, mỏm đá… để ngăn dòng nước đang cuồn cuộn chảy.
Bên bờ sông Đà, thuộc ngoại vi thị xã Hoà Bình có núi Đứng (một cách phát âm của Đùng). Núi có hình dáng một cột đá dựng ngược lên trời (linga). Dưới chân núi có xóm Đứng, ở xóm này, hầu hết các gia đình đều sinh con trai: mỗi nhà có đến 2, 3, 4 con trai là chuyện thường. Có thể tên gọi ngọn núi này liên quan đến nhân vật ông Đùng - nhân vật huyền thoại Mường gánh đá, chặn lũ sông Đà (hình ảnh nguyên thủy Mường của Sơn Tinh). Cũng có thể tên núi được đặt do hình thù linga của nó (dựng đứng), lại vì xóm Đứng có nhiều con trai.
+ Làng Đông An huyện Châu Giang- Hưng Yên, có thờ tượng đá ông Đùng bà Đà ở hậu cung của đình làng (8/175). Hai tượng đá này mang hình dáng những sinh thực khí, được dân làng rước và tiến hành nghi lễ giao hợp trong những ngày lễ hội.
Có thể nói rằng, có rất nhiều các biểu tượng sinh thực khí được tạo nên bởi đá. Việc thờ Đá đã được cụ thể hoá bằng một vị thần, đại diện cho một nhu cầu nào đó của con người. Không phải bất kì các vật được thờ được làm bằng chất liệu đá, đều liên quan đến tục thờ Đá. Người ta chỉ có thể móc nối vào tục thờ Đá những hình thức tín ngưỡng khác nếu như những tục thờ đó có liên quan đến đặc tính nào đó của đá, mà những chất liệu khác thì không phù hợp.
Đá liên quan đến tín ngưỡng phồn thực ở một nét biểu trưng của đá là “sự sống và có khả năng đem lại sự sống” (12/269 ). Con người tin rằng sự kết hợp giữa đá và các đối tượng thờ cúng sẽ tạo ra một sức mạnh cộng hưởng, có thể đem lại hiệu quả, tạo ra sự sinh sôi, nảy nở. Bản chất sự sống ở trong đá sẽ tiếp thêm sinh lực cho những biểu tượng về sự sinh sản, để đáp ứng nguyện vọng của con người về sự sinh sôi của cây cối, vật nuôi và cả con người. Bởi thế, hầu hết các đò thờ, bệ thờ đều được làm bằng đá. “Dù những đồ thờ bằng đá này được sử dụng cho những tín ngưỡng khác, song sự tồn tại của chúng đã chứng minh cho một sự thật rõ ràng của sự nối tiếp tín ngưỡng về đá của người Việt” (7/41).
2.2 Cầu tự
Cầu tự là nghi lễ để mong có được nhiều người, đặc biệt là đối với các gia đình hiếm muộn. Người ta có thể cầu tự tại nhà nhưng phổ biến hơn là ở chùa. Đối với người đi cầu tự, điều quan trọng là họ phải thành tâm, tin tưởng, do đó sự lựa chọn thường là chùa - không gian thiêng. Nơi cầu tự thường là các đình chùa thiêng. Miền Bắc có những địa điểm như chùa Hương, chùa Thầy (Hà Tây), chùa Bổ Đà (Bắc Ninh)…
Trong nghi lễ cầu tự, ngoài lễ vật, các hình thức lễ bái, thì người ta còn phải làm những động tác ma thuật. Những động tác đó liên quan đến các vật thiêng, thường là hòn đá thiêng. Những hành động của con người tạo ra sự cảm ứng của thiên nhiên, giúp con người đạt được nguyện vọng.
Ở Chùa Hương có núi Cô, núi Cậu, hòn Sữa Mẹ, hòn Đụn Gạo… để cho người đời cầu xin những thứ mình cần. Những người cầu tự, sau khi lễ xong, ai muốn sinh con trai thì xoa tay vào hòn Núi Cậu, ai muốn sinh con gái thì xoa tay vào hòn Núi Cô. Sau đó, họ phải ngắm nhìn, để ghi vào tâm khảm, thì mới có linh nghiệm (10/301). Đây là hình thức ma thuật tiếp xúc. Dân gian cho rằng, sự tiếp xúc giữa con người với các vật thiêng có thể đem lại sự thay đổi cho con người. Khả năng sinh nở của con người không theo quy luật là do một trở lực nào đó. Cho nên, việc cầu tự chẳng qua là để xoá bỏ những trở lực đó cho con người. Và họ đã cầu viện đến những tảng đá thiêng. Đá có thể truyền đạt lời thỉnh cầu của con người đến Trời, Đất, các vị thần, khiến cho các thế lực đó cảm động và trợ giúp con người. Ngoài ra, con người sẽ nhận được sinh khí của thiên nhiên thông qua hành động tiếp xúc đó. Trong kiến trúc của các ngôi chùa cổ, các bậc đi lên chùa bao giờ cũng bằng đá. Người đi lễ (ngày xưa) thường đi chân đất. Đó là cách tốt nhất để có được sự giao tiếp giữa con người với Trời Đất (thông qua đá). Bởi vì, những bậc đá đó ngày ngày được hấp thu linh khí của Trời Đất.
Những hòn đá trong các hang động thể hiện mối giao hoà Âm – Dương, Trời - Đất. Hang động biểu tượng cho sinh thực khí của người phụ nữ (yoni), biểu hiện khả năng sinh nở; còn những hòn đá biểu trưng cho sinh thực khí nam (linga). Những hòn đá “mọc” lên trong hang động mang ý nghĩa về sự hoà hợp, sinh sôi nảy nở. Sự hoà hợp của thiên nhiên sẽ dẫn đến sự hoà hợp và sinh nở của con người. Hành động xoa tay vào đá có tính chất tiếp xúc, giao cảm giữa con người và thiên nhiên là hiện tượng có tính chất phổ biến toàn thế giới: “Những cặp vợ chồng mới cưới cầu khẩn các tảng đá để có con, những phụ nữ cọ mình vào đá để được thụ thai, có thể bởi tổ tiên - đá tình yêu” (12/270).
Hòn núi Cô, núi Cậu ở chùa Hương, cũng như ở chùa Thầy đều mang ý nghĩa biểu trưng như vậy.
1.2.2. Các hình thức khác liên quan đến nghi lễ nông nghiệp
Ngoài những biểu tượng của nghi lễ phồn thực, các cư dân nông nghiệp cũng có nhiều hình thức tín ngưỡng khác có liên quan đến tục thờ Đá. Bởi vì đá là đặc trưng của núi, cho nên nó có thể truyền sinh lực của Trời - Đất với nhau. Người ta lấy đá là biểu tượng để truyền tải niềm tin không lí giải được và lòng mong muốn cha Trời hoà thuận với mẹ Đất để cho sinh lực khí trời đất hoà thuận với nhau, để muôn vật có thể sinh sôi nảy nở. Để đạt được mục đích đó, dân gian có nhiều cách thức tiến hành như:
+ Tục truyền ngày xưa ở khu vực chùa Hương, đến ngày mồng 3 Tết, nhân dân lại tổ chức lễ "động thổ”, với ý nghĩa đánh thức trời đất sang một năm mới, chuẩn bị bắt tay vào sản xuất. Người ta lên núi, chọn lấy những hòn đá, đem làm lễ cúng tế. Sau đó, họ cầm những hòn đá đó ném ra bốn xung quanh, vào núi, đất, sông... Động tác ném đá đó mang tính chất ma thuật mô phỏng, sự chuyển động của đá tác động vào đất, sẽ đánh động được đất. Hiện tượng này được diễn ra ở chùa Hương, nằm trên một đỉnh núi thiêng, nên sẽ được trời đất thấu hiểu và đáp ứng. Hiện nay, tục này không còn nữa, có lẽ nó đã chuyển hoá thành hình thức cúng lễ thông thường vào dịp năm mới.
+ Tương truyền: đền Thượng trong khu di tích đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và đền Thượng trên núi Tản đều có một tảng đá hình vỏ trấu, chiều dài lên tới 2m. Hiện nay, tảng đá đó không còn nữa. Tảng đá thiêng đó là hình thức thờ cúng Mẹ Lúa của cư dân nông nghiệp. Sự tồn tại của tảng đá hình hạt thóc ở hai nơi (núi thiêng) như thế chứng tỏ sự tồn tại của một quan niệm mang tính phổ biến của dân gian. Đó là sự cầu mong mùa màng tươi tốt dựa vào sự thờ cúng vật thiêng.
+ Đặc biệt đá được sử dụng nhiều trong nghi lễ cúng hồn lúa ở một số dân tộc. Lễ cúng hồn lúa của người Kháng được miêu tả như sau: Người mẹ lúa “mạ lặm” cầm hòn đá thiêng chủ trì buổi lễ. Bà tắm rửa sạch sẽ, ra nương sớm. Bà vơ lấy 9 khóm lúa gần nhau, vít trĩu xuống lòng một chiếc mẹt, chặn hòn đá lên, vừa làm vừa lẩm bẩm: “Hồn lúa nhập vào đây, ở lại đây không được đi đâu”. Bà lại cắt sao cho được 9 cụm để trên mẹt dưới hòn đá thiêng. Lúc về, bà lượm một hòn đá trên nương thay cho “xêng lặm”. Hồn lúa được coi như đã thu vào trong một hòn đá thiêng “xêng lặm”, có tác động làm cho lúa sinh sôi nảy nở, giữ lại được ở trong nương không bay đi và tác dụng đến mùa sau (15/356).
+ Một chức năng vô cùng quan trọng của những hòn đá thiêng với sản xuất nông nghiệp là chúng tham gia vào những hoạt động cầu mưa. Nguyên tắc mô phỏng cũng ngự trị trong ma thuật thời tiết. Ví dụ, muốn tạo ra thời tiết nắng ráo, người ta lấy ít đất đỏ bôi lên viên đá lớn dựng đứng tựa hồ viên đá ấy mang trong nó một ma lực (1/62). Nhiều dân tộc sử dụng những hòn đá có nguồn gốc hoặc hình thù kì lạ để thực hành nghi lễ cầu mưa. Đá thiêng thường là vật bất li thân của các thầy cúng, pháp sư. Người ta tin rằng, những hòn đá đó có thể thấu hiểu những lời cầu cúng của các thầy pháp và mang lời khẩn cầu đó đến với các vị thần. Đồng thời, đá cũng thực hiện chức năng truyền những lời phán dạy của thần linh qua thầy pháp tới con người (ví dụ như “túi khót” của thầy Mo Mường, có chứa các hòn đá đặc biệt khi làm lễ; Hay trong “túi thiêng” của các dân tộc vùng Tây Nguyên. Trong đó người ta thường đựng các hòn đá nhặt được ở những vị trí đặc biệt. Trong lễ đâm trâu, túi thiêng đó được rước ra ngoài sân để làm lễ). Truyền thuyết vùng Dâu kể rằng, muốn cầu mưa được linh nghiệm, thì người ta phải rước tượng Tứ Pháp từ bốn chùa đến cạnh nhau và cuối cùng không thể thiếu Thạch Quang Phật. Nếu như Tứ Pháp tượng trưng cho bốn hiện tượng thiên nhiên, liên quan đến mưa, thì Thạch Quang Phật mang ý nghĩa thông linh giữa trời và đất. Cho nên, tượng Thạch Quang Phật tuy nhỏ nhưng lại hết sức quan trọng trong lễ hội và trong tâm thức dân gian. Hay trong nghi lễ cầu đảo ở đền Kì Thạch phu nhân (ở Huế), chỉ khi nào tượng đá được đưa ra gần bờ sông, thì mới linh ứng. Nghi thức cúng tế này cũng mang tính phổ biến trên thế giới:
Những nghi lễ đó bắt nguồn từ quan niệm, đá có liên quan đến nước (12/271) và “Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới” có giải thích quan niệm đó như sau: “Qua việc phân tích kĩ rất nhiều loại đá cầu mưa luôn luôn thấy nổi lên một lí thuyết giải thích hiện tượng đá có khả năng điều khiển mây trên trời; hoặc do hình thù của đá có một độ “đồng cảm” nào đó với mây và sét, hoặc do nguồn gốc của chúng trên trời, hay gắn bó với tổ tiên xưa kia, hoặc những hòn đá này lấy được ở dưới nước có hình dạng cá, ếch, con rắn hoặc giống một biểu hiện thủy ngư nào đó. Hiệu năng của đá cầu mưa không phải ở bản thân nó mà thuộc về một bản nguyên hay một hoá thân của biểu tượng” (12/271).
1.3. Thờ Đá và tín ngưỡng thờ thành hoàng
Thờ cúng thành hoàng là một hình thức thờ phụng mà chúng ta vay mượn của Trung Hoa (với ý nghĩa là thần bảo trợ thành trì). Nhưng ở Việt Nam, hình thức thờ thành hoàng đã thay đổi. Thành hoàng ở ta mang ý nghĩa là vị thần bảo trợ cho làng xóm, nên còn được gọi là Thành Hoàng làng.
Tín ngưỡng này tuy bó hẹp trong phạm vi địa lí nhất định (“Chuông làng nào làng ấy đánh. Thánh làng nào làng ấy thờ” là câu ca nói về hiện tượng thờ cúng này). Nhưng nó lại có khả năng bao trùm lên mọi tín ngưỡng dân gian khác. Bởi vì, Thành hoàng có thể được phong cho mọi vị thần, từ cao đến thấp, từ cao quý đến dân dã, từ thần đến người… miễn là đối tượng đó có công với làng.
Vì Thành hoàng có ý nghĩa là thần bảo trợ cho một làng, nên nhiều khi thần Đá cũng được phong tặng là Thành hoàng. Bản chất cứng rắn và kiên định của đá là điều kiện để đá trở thành thần bảo trợ cho một làng, một vùng nào đó. Tượng đá Đống Bính là một ví dụ (8/344). Ở vùng Bạch Hạc, “đá Thành hoàng” thể hiện dưới dạng Thạch Khanh và Thổ Lệnh.
Thạch là đá. Khanh là chức quan sớm nhất. Mệnh danh là Thạch Khanh đã tỏ lòng tôn trọng với vị thần Đá bản địa lâu đời. Theo truyền thuyến kể lại, Thạch Khanh và Thổ Lệnh thi tài với nhau. Thổ Lệnh thắng. Thổ Lệnh vốn là thần đất, nhưng ở một số thần tích, người ta lại miêu tả là đá. Hai vị thần này đã được thần tích của nhiều địa phương ghi chép lại (ở An Tịnh - Sơn Tây, An Phú - Thái Bình, Bạch Hạc - Vĩnh Phú…). Mỗi địa phương khi kể lại huyền thoại về Thạch Khanh và Thổ Lệnh, đều thêm chi tiết hai thần kéo nhau đến tận vùng đó để thi tài. Do đó, nhân dân mới lập đền thờ. Các câu chuyện đó đã gán cho hai vị thần một lí lịch trần thế, sự di chuyển của thần linh cũng được huyền thoại hoá. Thần tích này được chép trong “Việt điện u linh”. Quá trình văn bản hoá thần tích đó sớm như vậy, đã “chứng minh hai vị thần này đã tồn tại khá sớm, thuộc truyền thống thờ Đá cổ kính” (8/271). Đồng thời, các bản thần tích còn cho thấy, sự hỗn hợp tôn giáo, tín ngưỡng của tục thờ Đá, thờ Rắn, thờ Núi (liên quan tới Tản Viên ), Phật giáo… ở hiện tượng này.
Cũng có một số truyền thuyết khác thì cho rằng Thạch Khanh ở đây là chức danh phong cho Cao Lỗ, vị tướng tài của An Dương Vương. Cao Lỗ, còn được gọi là Đô Lỗ hay Thạch Thần, xem việc mùa màng và đánh giặc. Triều Trần đã phong ông là “Quả Nghị Cương Chính Uy Huệ Chính Thần đại vương” (5/346). Truyện về Cao Lỗ có khi đứng riêng thành một nhóm, có khi lại kết hợp vào nhóm truyện về An Dương Vương. Qua “Thiên Nam vân lục liệt truyện” (thế kỉ XVI), chúng ta biết truyện về ông đã ghi lại trong sách “Sử kí” của Đỗ Thiện, và cho biết “Tục thường gọi ông là Đại Than Đô Lỗ Thạch Thần”. Hầu hết các sách vở đều thống nhất rằng ông là tướng của An Dương Vương, là một đô vật và là một Thạch thần. Trần Quốc Vượng và Nguyễn Từ Chi (trong bài Vua chủ) đã cho rằng Cao Lỗ cầm tinh con rồng đá, và thuộc loại Thạch thần (11/105). Ngay cái tên Cao Lỗ cũng không phải là họ Cao, mà do gắn với đá thạch, núi đá. Có rất nhiều các vị thần thời kì này có nguồn gốc, gắn với đá núi. Sự hoá thân của vị thần Đá (núi) thành một vị tướng quân được hình thành trong quá trình truyền thuyết hoá những thần thoại. Hiện nay, có sáu nơi thờ Cao Lỗ ở Bắc Ninh, tương truyền là quê hương ông (11/99). Điều đó chứng tỏ, Cao Lỗ là một vị thần địa phương – thần Đá oai linh đã được thu phục trong quá trình tiến xuống miền đồng bằng của An Dương Vương, trở thành một vị tướng của nhà vua. Sau này, khi chết, ông còn trở thành thần bảo hộ cho vùng Việt Trì, Bạch Hạc.
+ Một thần Đá khác tương truyền từ thời An Dương Vương cũng được sắc phong là phiến đá ở thôn Thái, xã Cố Đế, huyện Nam Chân, trấn Sơn Nam, nay là Vụ Bản, Nam Hà. Nhân dân tôn hiệu là “Yêu Kiều Thần Nữ”. Đền thờ đá tục gọi là Phủ Bà. Hòn đá thường phát ra ánh sáng và đổi màu.
Ở đây, vị thần hiện lên từ Đá mang tính Nữ, đền thờ cũng được gọi là Phủ Bà. Điều đó cho thấy mối liên quan giữa tục thờ Đá và thờ Mẫu, những hình thức tín ngưỡng nguyên thủy.
Trường hợp này cũng giống như Cao Lỗ ở trên. Nhân vật vốn là một thần địa phương (thần đá), được khoác lên mình một huyền thoại lịch sử. Đó là quá trình lịch sử hoá của tín ngưỡng dân gian, từ đó tục thờ Đá được bảo lưu trong hình thức thờ cúng các thần linh khác, tuy rằng nó không còn dạng nguyên thủy.
+ Ở xã Nam Dương, huyện Nam Ninh, Nam Định, có một ngôi đền thờ ông thần Đá. Ngôi đền xây dựng trên khu đất ba sào, giữa cánh đồng màu thôn Thị Châu, tục gọi là “Đền Đồng”. Trong đền thờ một vị thần Đá. Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa có một hòn đá nổi lên mặt giếng giữa cánh đồng Thị Châu. Nhân dân lấy làm lạ, khiêng lên thờ. Hòn đá ban đêm thường phát ra ánh sáng. Người ta cho là vật thiêng, liền lập một gian miếu thờ hòn đá. Có bức hoành phi đề bốn chữ “Bảo thạch quan phủ”.
Thần Đá có nhiều linh ứng, được các triều đại, sắc phong của vua Cảnh Thịnh nhị niên (1794) như sau: Đại Thánh Đột Ngột, Phổ Hoá, Hoằng Uyên, Tĩnh Hiển đại Vương, vá phương bắc, sánh ngang trời, sức mạnh sáng sủa uy nghi, lấp bể nam, mở rộng đất góp công sâu rộng âm chất… (14/1007). Vị thần ở đây là ông thần Đá, có nguồn gốc dưới nước. Thần Đá đã trở thành thành hoàng làng, bảo trợ cho cuộc sống của nhân dân trong vùng.
+ Làng Địch Vĩ, xã Phương Đình - Đan Phượng – Hà Tây, có thờ nhóm tượng chó đá. Nhóm tượng này gồm nhiều con, làm bằng đá xanh, ước đoán được tạc thế kỉ XVIII. Tục thờ này bắt nguồn từ một truyền thuyết. Nhân dân tôn người em bị chết oan hoá đá làm thành hoàng làng, hiệu là Linh Giang đại vương. Ngày hội, dân làng Địch Vĩ phải mang lễ lên Hát Môn.
Như vậy, tín ngưỡng thờ Đá đã được gắn thêm một lớp văn hoá nữa, là tục thờ thành hoàng. Hai loại hình tín ngưỡng dân gian đó cũng dễ dàng hoà nhập với nhau.. Nhân dân đều thờ những đối tượng đó là những thần “lành”, bảo trợ cho cộng đồng, làng xóm. Trong sự kết hợp đó, nội dung thờ Đá dần dần bị mờ đi, chỉ còn lớp bề mặt, là hình thức thờ thành hoàng hiện diện.
2.Tín ngưỡng thờ đá trong mối quan hệ với các tôn giáo ngoại lai
2.1. Tín ngưỡng thờ Đá trong mối quan hệ với Phật giáo
Con đường lưu truyền của Phật giáo sang Việt Nam rất hoà bình và nó chung sống với tín ngưỡng dân gian bản địa trong sự hoà hợp hiếm thấy. Người Việt đón nhận triết lí về nhân quả - luân hồi, về con đường giải thoát khổ đau… với một tinh thần cởi mở và gần gũi. Họ như được sống trong bầu không khí của những triết lí dân gian mà giờ đây đã được nâng lên thành nhân sinh quan, thành giáo lí. Bởi thế, hầu hết các hiện tượng tín ngưỡng dân gian đều mang mầu sắc Phật giáo, được bao phủ bởi những huyền thoại của nhà Phật.
+ Hiện tượng thờ đá Thạch Quang mà chúng tôi đã có lần nhắc đến là một minh chứng cho sự hoà hợp giữa nguồn gốc bản địa và tính chất ngoại lai. Thạch Quang Phật vốn là thần Đá dân gian, kết hợp với các thần tự nhiên khác trong hệ thống Tứ Pháp (thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp), tạo thành một hiện tượng tín ngưỡng hỗn hợp ở vùng Dâu. Nhưng vùng Dâu lại là một trung tâm Phật giáo, nên ảnh hưởng của Phật giáo rất sâu đậm. Nó chi phối nếp nghĩ, nếp sống và đời sống tâm linh của nhân dân vùng Dâu. Các hình thức tín ngưỡng dân gian dễ bị Phật hoá, mang mầu sắc Phật giáo. Những huyền thoại như thế thể hiện quá trình thiêng hoá các lực lượng thiên nhiên, để trở thành đối tượng được thờ. Quá trình đó đã thể hiện sự đụng độ của tín ngưỡng dân gian với Tôn giáo ngoại lai để đi đến một sự dung hoà mang tính biện chứng.
+ Những hòn đá cầu tự ở chùa Hương, chùa Thầy cũng có nhiều lớp văn hoá, tín ngưỡng đan xen, chồng chéo lên nhau như thế. Sở dĩ, ở những nơi cầu tự có sự kết hợp như thế, là vì, những người đến cầu tự cần có niềm tin vào sự linh thiêng. Chức năng ban phát sự sống, tạo ra sự sinh sôi này nở, vốn là của các lực lượng tự nhiên. Cầu tự cũng là hành động con người cầu viện đến các vị thần đó. Phật giáo lại là Tôn giáo diệt dục, nhưng vẫn có sự kết hợp độc đáo này. Bởi vì, tín ngưỡng dân gian với các vị thần tự nhiên ngày càng trở nên xa lạ với cuộc sống con người. Khi con người đã lí giải được các hiện tượng tự nhiên thì ý nghĩa tôn kính các thần tự nhiên đó cũng mờ dần. Ngược lại, Phật giáo lại rất gần gũi với đời sống nhân dân, hiện hữu trong cuộc sống đời thường cũng như trong tinh thần con người. Một tín ngưỡng đã lùi xa và một tôn giáo gần gũi được kết hợp với nhau thể hiện nhu cầu của con người muốn lôi kéo các vị thần (tự nhiên) lại gần mình, để có lợi cho cuộc sống của mình. Trong sự kết hợp đó, Phật Giáo là “phương tiện”, để kết nối con người với các thần linh tự nhiên, truyền đạt nguyện vọng của con người đến các lực lượng siêu nhiên đó. Niềm tin sâu sắc của con người vào Phật giáo sẽ củng cố niềm tin đã mờ dần của họ về các thần tự nhiên, để họ có những hành động tín ngưỡng, thờ cúng như vậy.
Bởi thế, các nơi cầu tự của nhân dân dần dần được chuyển vào các ngôi chùa nổi tiếng. “Nam Hương Tích động, Bắc Bổ Đà sơn” là hai nơi cầu tự linh thiêng của nhân dân miền Bắc, bên cạnh đó, chùa Thầy cũng là một điểm cầu tự. “Đi chùa cầu tự” là một hình thức độc đáo trong đời sống tín ngưỡng của nhân dân.
+ Sự tích chùa Bà Đá (số 3, phố Nhà Thờ, Hà Nội), kể lại việc dân làng đào móng xây chùa, phát hiện ra một bức tượng Phật Bà bằng đá. Dân làng đem vào chùa thờ, từ đó chùa có tên là chùa Bà Đá (trước đây, chùa có tên là Linh Quang tự). Tên của ngôi chùa đã thể hiện sự kết hợp giữa các hình thức tín ngưỡng: Thờ Đá - thờ Mẫu - thờ Phật. Đây là ngôi chùa ra đời vào thời Trần, khi đó Phật giáo đã tạo được ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tâm linh của nhân dân. Cho nên, hình thức thờ cúng của người dân nơi đây đã chuyển hoá từ việc thờ Đá - thờ Mẫu sang thờ Phật. Đó là sự kết hợp thường thấy trong tín ngưỡng người Việt, tạo thành mô hình “tiền Phật, hậu Mẫu” trong các điện thờ. Lớp thờ Đá bị mờ dần dưới ảnh hưởng của đạo Phật. Nguyên nhân không chỉ do Phật giáo là lớp sau mà còn thể hiện sự lan truyền và bành trướng của các tôn giáo lớn.
2.2. Tín ngưỡng thờ đá trong mối quan hệ Việt – Chăm
Quá trình Nam tiến của người Việt không chỉ chứng kiến sự mở mang bờ cõi, mà còn cho thấy sự thay đổi lớn về đời sống chính trị - xã hội, đặc biệt là đời sống văn hoá. Cuộc giao lưu văn hoá Việt – Chăm đã diễn ra một cách tương đối hoà bình, bởi hai nền văn hoá này có những nét tương đồng, dễ dàng tiếp thu, tiếp nhận những giá trị của nhau, để làm giàu cho vốn văn hoá của mình. Một trong những biểu hiện của sự giao lưu, tiếp biến văn hoá đó sự chuyển hoá diễn ra trong tục thờ Đá.
Người Chăm chịu ảnh hưởng của Bà la môn giáo. Họ thờ thần Đá trong dạng biểu tượng về thần Shiva - những sinh thực khí. Nhiều nơi thờ tự của người Chăm có những linh tượng, linh phù dạng sinh thực khí bằng đá. Bản chất của đá là “sự sống và có khả năng tái sinh” (12/271), nên nó dễ kết hợp với tín ngưỡng thờ thần Shiva, vị thần tối cao, đem lại sự sống. Những hiện tượng thờ cúng ở Tháp Bà - Nha Trang mà chúng tôi đã nói đến, rất tiêu biểu cho tục thờ này.
Dân tộc Chăm vốn là những cư dân biển tiến. Dấu ấn văn hoá biển vẫn còn đậm nét trong đời sống của họ. Trên biển, họ thường thờ những tảng đá ngầm, để cầu mong sự bình yên cho những lần ra khơi. Hiện tượng thờ cúng này đã được tác giả Hồ Quốc Hùng miêu tả, phân tích khá kĩ lưỡng (xem 7/590). Tác giả cho thấy, tục thờ Đá đã xuyên thấm vào truyện cổ dân gian, tạo thành một nhóm truyện độc dáo của vùng Thuận Hoá. Hình thức thờ cúng ở đây là sự kết hợp giữa tục thờ Đá và thờ nữ thần Biển mà chúng tôi đã đề cập.
+ Tín ngưỡng thờ Đá của các cư dân ven biển miền Trung đã được Cardière miêu tả trong những bài báo của ông về tín ngưỡng thực hành của người Việt. Đó là việc sử dụng các “phản ngữ” của ngư dân ở Đồng Hới, Quảng Bình.
Cadière đã lí giải hiện tượng thờ cúng đó xuất phát từ tâm lí e sợ nguy hiểm mà những tảng đá ngầm đó có thể gây ra. Sự thờ cúng đó chính là sự sợ hãi đối với chính bản thân các sự vật. Các nơi có địa hình hiểm trở thường được người ta thờ. “Những vị thần ấy, vị thần cư ngụ ở đó,chẳng qua là đặc thù hiểm trở thiên nhiên của địa điểm, ảnh hưởng tai hoạ của nơi được nhân cách hoá. Giữa thần và địa điểm có một sự gắn bó mật thiết, thần là chính thần của địa điểm” (3/277).
Người Việt Nam thờ những ghềnh đá đáng sợ vốn là những chướng ngại vật cho việc đi lại trên sông, có nghĩa là họ cầu xin những thần có thái độ thù địch, coi như trú tại những khối đá này đừng làm hại họ. Họ tin rằng một số tảng đá nào đó là nơi ngự trị của một vị thần. Thường đó là một tảng đá khác biệt rõ ràng do tính chất kì dị hiếm có hoặc do một sự cấu tạo, do hình thù hay nguồn gốc nhưng thông thường là những tảng đá có tính chất thô thiển, hoàn toàn tự nhiên.
2.3. Các hình thức thờ đá khác
Sự phân chia hiện tượng thờ Đá của chúng tôi như ở phần trên chỉ mang tính chất tương đối, để thuận tiện hơn cho việc mô tả các hiện tượng. Bởi vì, hiện tượng thờ Đá trong mối quan hệ với các tín ngưỡng dân gian bản địa và các tôn giáo ngoại lai không loại trừ lẫn nhau. Giữa chúng có những sự giao thoa, hoà nhập lẫn nhau, tạo thành những hiện tượng tín ngưỡng mang tính chất tổng hợp, bao gồm rất nhiều lớp tín ngưỡng chồng chéo lên nhau. Do đó mà tục thờ Đá có biểu hiện vô cùng phong phú, nó hiện diện trong rất nhiều nghi lễ thờ cúng. Đá là một trong những biểu tượng được nhiều bộ phận dân cư dùng để thờ phụng với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Trên đất nước ta, có nhiều biểu tượng có ý niệm phồn thực. Đó là hòn Trống Mái ở Sầm Sơn – Thanh Hoá, ở Hạ Long; hòn Vợ - hòn Chồng ở Khánh Hoà… Những nơi đó, hiện nay vẫn còn hình hai tảng đá xếp chồng lên nhau. Mỗi khi gió biển thổi, chúng lại phát ra những âm thanh rất lạ, như muốn kể lại cho mọi người về cây chuyện tình thắm thiết. Những tảng đá đó không có biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực nhưng lại có biểu hiện của “ý niệm phồn thực”. Hai tảng đá cặp đôi chồng lên nhau biểu hiện cho sự hoà hợp, sự gắn kết không thể chia lìa của đôi trai gái. Địa hình tự nhiên của các vùng ven biển thường tạo ra những hình thù độc đáo và ở mỗi nơi đều lưu truyền những câu chuyện dân gian đầy xúc động.
+ Hình thức Đá - cột mốc đã được Cadìere miêu tả khá kĩ. Để cho những cột mốc mà mình dựng lên có sự huyền bí, tăng thêm lòng kính sợ của nhân dân các làng khác, người ta đã gắn cho những tảng đá - cột mốc đó những huyền thoại. Những câu chuyện dân gian về sự linh thiêng của thần Đá tạo một lớp sương mù bao phủ lên một phạm vi rộng lớn, khiến cho các tảng đá vốn đã vững chãi, ngày càng trở nên bất khả xâm phạm. Qúa trình “thiêng hoá” diễn ra khiến cho không những hiện tượng thờ Đá được bảo lưu mà ý định lập cột mốc giữ đất đai cũng được tôn trọng. Đó là ý nghĩa của “đá - cột mốc” đối với nhân dân miền xuôi. Nhưng sớm hơn “cột mốc đá” phân định ranh giới làng, người miền núi đã có tục lệ dùng đá đánh dấu ranh giới đám nương do mình đã đến khai phá trước.
+ Ở Làng Giáp Ba, thôn Bà, xã Nam Giang, Nam Ninh, Nam Định có một lăng thờ thần “cốt đá”. Tương truyền, ông Đoàn Hữu Hậu (được phong là Thị quận công), là người làng, cho xây dựng lăng bằng đá. Bốn cột đá được phong là lực sĩ Trung Dũng bá và lực sĩ Tín Nghĩa , Hữu Hiệu bá và Soạn Pháp bá.
Huyền thoại kể về bốn lực sĩ đá rất thiêng, kẻ nào đánh bắt trộm cá ban đêm thường quanh quẩn dưới ao đến sáng vẫn không lên được. Kẻ nào vào lăng mộ nghịch đều có ứng tức thì. Những câu chuyện hiển linh và trừng phạt đó nhằm tăng thêm sự huyền bí của những “cốt đá”, là quá trình Thiêng hoá những cái phàm trần. Mục đích của công việc đó là tạo ra lớp bảo vệ thần kì cho lăng mộ, để chống lại sự phá hoại của người khác. Bốn cột đá đó ngày nay vẫn còn nguyên vị trí. Xóm có cột đá mang tên là xóm Đá, hai cột đá này đêm đêm thường có người thắp hương dâng lễ ở chân cột đá xin phù (14/ 1008).
+ Đối với người Khơ Mú, họ tin rằng đá là vật có khả năng trừ tà, ngăn ngừa không cho ma quỷ làm ốm đau. Họ thường dùng các vật kị ma hay bùa phép bằng đá. Chiếc “taleo”cắm ở đầu bản hay ở cầu thang là vật ngăn chặn không cho các loại ma vào bản vào nhà. Đó là các vật kị ma có tác dụng làm tất cả các loại ma đều phải sợ… Các công cụ sản xuất bằng đá, bằng đồng cổ xưa, đồng tiền bằng con ốc, các vật lạ, hiếm nhặt được trong một trường hợp tình cờ do sự run rủi của lực lượng siêu nhiên… đều có công dụng kị từng loại ma nhất định. Ai có nhiều vật đó đều có thể làm thày cúng. Trẻ con đeo các thứ đó (vòng vía..) bớt ốm đau; người lớn đeo vật kị ma đỡ gặp nguy hiểm đến tính mệnh khi chiến đấu hoặc đi xa (13/140).
+ Nhóm người Mãng ở Tây Bắc Việt Nam lại có quan niệm đặc biệt về đá. Đá có khả năng ngăn chặn các linh hồn trở về cõi trần. Thần thoại của họ kể lại: Khi người đàn bà chết, chồng bà đưa cho bà cầm một khúc cây, khúc cây mục, bà lại trở về, hôi thối không chịu được. Ai Hễng (con trai của trời) bảo: Khi người chết ra đi, hãy đưa cho họ một hòn đá. Hòn đá không mục, người chết không về nữa. Vì thế ngày nay, khi chôn người chết, người Mãng cắm hai hòn đá, một ở chân mộ, một ở đầu mộ, để ma khỏi về (15/356). Quan niệm này bắt nguồn từ thuộc tính rắn chắc của đá. Sức mạnh của đá có thể điều khiển linh hồn con người, ngăn không cho hồn ma về làm hại con người. Một số dân tộc khác trên thế giới cũng có những hành động ma thuật, bộc lộ niềm tin về đá như thế. Trong các đám ma, khi đưa tiễn người chết, người ta thường ném lại phía sau những hòn đá, để ngăn không cho linh hồn người chết quay trở về được nữa.
Trường hợp trên có thể cũng là một dạng “cột mốc - đá”. Hai cột đá ở đầu và cuối mộ là ranh giới để ngăn cõi Sống và cõi Chết, không cho linh hồn người chết vượt qua đi đến thế giới người sống. “Cột mốc - đá” mở rộng ý nghĩa trong cả thế giới hiện tại và thế giới tâm linh, chứng tỏ những phẩm chất đặc biệt của Đá.
Tục thờ Đá vẫn hiện diện trong đời sống hàng ngày của con người, đặc biệt là ở các dân tộc thiểu số. Trong các mường, dân chúng vẫn thường tưởng tượng từ những hòn đá, mầm đá, nhũ đá có hình dị lạ kì thành các vật thần có khả năng diệt trừ cái ác, củng cố điều thiện, mang điều tốt lành đến cho con người.
Trong sinh hoạt tinh thần ở một số vùng miền quê của người Việt hiện nay vẫn phổ biến hiện tượng thờ cúng những tảng đá có hình thù đặc biệt (giống hình người, hình con vật, hay đồ vật sinh hoạt…) nằm ở những chỗ đặc biệt (như trên ngọn núi,trong hang động,hay dưới gốc cây cổ thụ…). Dân gian thường gọi hiện tượng này là thờ “đá bụt mọc”. Trong tâm thức của người Việt, sở dĩ những tảng đá có hình thù đặc biệt như vậy là bởi chúng được các vị thần linh tạo ra để trú ngụ. Vì thế, thờ cúng những tảng đá ấy chính là thờ cúng các vị thần ẩn náu trong đó, để nhận sự bảo trợ từ họ. Thường thần Đá đều là các “thần lành”, tức những vị thần dùng sức mạnh và uy lực của mình để đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống con người, nên dân gian mới gọi những vị ấy là “bụt mọc.
Nhìn chung, tục thờ Đá có biểu hiện vô cùng phong phú. Chúng ta không thể khôi phục được diện mạo ban đầu của tục thờ Đá, do đặc trưng của tín ngưỡng dân gian luôn biến đổi và chứa đựng nhiều lớp văn hoá. Nhưng có thể thấy, tục thờ Đá luôn hiện diện trong đời sống tâm linh của người Việt Nam.
Nguyễn Việt Hùng
(Tạp chí Văn hóa dân gian số 1 -2004)
Thư mục tham khảo:
1. Ngọc Anh, Các hình thức thờ cúng của bộ lạc, Nxb Văn hoá dân tộc, 2002
2. Tôn Thất Bình, Huế - Lễ hội dân gian, Nxb Thuận Hoá, 2003
3. Cadìere, Về văn hoá và tín ngưỡng truyền thống người Việt, (Đỗ Trinh Huệ dịch), Nxb Văn hoa thông tin, 1997
4. Cadìere, Những tín ngưỡng và thực hành tôn giáo của người An Nam, Phạm Thái dịch, Tư liệu chép tay Viện Nghiên cứu văn hoá Dân gian, Kí hiệu D 22)
5. Nguyễn Duy Hinh, Tín ngưỡng thành hoàng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996
6. Lê Như Hoa chủ biên, Tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Nxb Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, .2001.
7. Hồ Quốc Hùng, Thử nhận diện dấu vết tín ngưỡng Chăm qua nhóm truyện cổ người Việt ở Thuận Hoá, Tuyển tập 40 năm Viện Văn học T1, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001)
8. Đinh Gia Khánh, Tìm hiểu văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hoá Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993
9. Huỳnh Đình Kết, Tục thờ thần ở Huế, Nxb Thuận Hoá,1998
10. Lê Văn Kỳ, Lễ hội nông nghiệp Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, 2002.
11. Đặng Văn Lung, Trận chiến thành Cổ Loa, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội, 2002
12. Nhiều tác giả, Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, Nxb Đà Nẵng, 1997
13. Sở Văn hoá thông tin Hà Sơn Bình, Người Mường với văn hoá cổ truyền Mường Bi, 1988
14. Vũ Thanh Sơn, Thần linh đất Việt, Nxb Văn hoá dân tộc, 2002
15. Viện Dân tộc học, Những nhóm dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, 1972