Nghiên cứu khoa học

[Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh]

MẤY NHẬN XÉT VỀ TIẾP NHẬN TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU TẠI TRUNG QUỐC (PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh)


14-03-2022
Tóm tắt: Kể từ bản dịch đầu tiên của Hoàng Dật Cầu năm 1959 (dựa vào văn bản tiếng Pháp mang tên Kim Vân Kiều của Éditons Alexandre de Rhodes, Hà Nội, 1942) cho đến nay, Trung Quốc đã xuất bản bốn bản dịch Truyện Kiều. Song song với quá trình dịch thuật, một số lượng lớn các công trình nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu từ góc nhìn so sánh tác phẩm của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã được công bố. Bài viết của chúng tôi là một cố gắng nhìn lại những điểm nổi bật trong lịch sử nửa thế kỉ tiếp nhận Truyện Kiều tại Trung Quốc.

1. Nêu vấn đề       

Không rõ học giả Trung Quốc nào là người đầu tiên đề cập đến Truyện Kiều, nhưng hoàn toàn có thể khẳng định bản dịch đầu tiên của Hoàng Dật Cầu (1959) là một mốc hết sức quan trọng trong lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều tại Trung Quốc. Kể từ thời điểm đó, các học giả Trung Quốc đã bước vào một “cao trào” mới của văn học so sánh: hàng loạt bài viết tập trung khảo cứu mối quan hệ giữa Truyện Kiều của Nguyễn Du và tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Không phải không có ý kiến từng đánh giá Truyện Kiều là kiệt tác, còn Kim Vân Kiều truyện chỉ là sáng tác “thường thường bậc trung”. Song nhìn chung, nhiều học giả Trung Quốc vẫn giữ quan điểm “tiêu cực” về Truyện Kiều, coi sáng tác của Nguyễn Du chỉ là sự sao phỏng, chuyển thể, viết lại tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi cố gắng nhìn nhận những điểm nổi bật nhất trong lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều của Nguyễn Du tại Trung Quốc với mong muốn góp thêm tiếng nói phản hồi những ý kiến có phần lệch lạc về tác phẩm kinh điển được coi là “di sản quý báu” của nền văn học Việt Nam.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Ý kiến cực đoan, vội vàng gây ảnh hưởng khá dài

Lịch sử dịch thuật Truyện Kiều ở Trung Quốc 50 năm qua (tính từ khi bản dịch đầu tiên xuất hiện) cũng chính là lịch sử tiếp nhận tác phẩm này với biết bao bài viết, nhận xét, đánh giá của các học giả Trung Quốc dành cho đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều. Một điểm đáng chú ý của các bản dịch Truyện Kiều tại Trung Quốc, đó là thay vì dùng nhan đề Truyện Kiều - cái tên phổ biến được gọi từ những năm 20 của thế kỷ XX tới nay; hay Đoạn trường tân thanh - tên mà Nguyễn Du đặt cho tác phẩm; tất cả đều nhất loạt dùng nhan đề Kim Vân Kiều truyện - trùng hoàn toàn với tên cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân. Như vậy, cho dù vô tình hay hữu ý, cái ám ảnh rằng Nguyễn Du đã “phỏng dịch” “nguyên tác” Thanh Tâm Tài Nhân của các học giả, dịch giả Trung Quốc thể hiện ngay từ đầu qua việc “phục hồi” nhan đề cuốn tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều (《金雲翹》Jin Yun Qiao)[1] của Thanh Tâm Tài Nhân (1521-1593; Thanh Tâm Tài Nhân vốn là một biệt hiệu, chứ không phải là họ tên). Tác giả Nguyễn Thanh Diên trong bài viết “Về các bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn” cũng đã đề cập đến vấn đề này. Theo Nguyễn Thanh Diên, “cách chọn dịch tiêu đề như vậy là chưa khách quan, thỏa đáng, chưa đúng với tiêu chí “tôn trọng nguyên tác” trong nguyên tắc dịch thuật khi mà ngay chính bản dịch họ lựa chọn đã mang tên Truyện Kiều” [1]. Chúng tôi nhất trí với quan điểm của Nguyễn Thanh Diên khi nhà nghiên cứu cho rằng, cách chọn dịch nhan đề Truyện Kiều thành Kim Vân Kiều truyện (tên tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân) phản ánh “tâm thái” của các dịch giả Trung Quốc: dường như họ vẫn luôn muốn gắn Truyện Kiều với nguyên truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Điều quan trọng hơn là cách dịch ấy gây cảm giác Truyện Kiều chỉ là bản dịch tiếng Việt tác phẩm Thanh Tâm Tài Nhân, tạo nên thành kiến tiếp nhận nơi bạn đọc Trung Quốc và cũng gây khó khăn cho người nghiên cứu khi muốn sàng lọc tư liệu liên quan đến cả tác phẩm Truyện Kiều lẫn Kim Vân Kiều truyện.

Có thể nói ở Trung Quốc, những đánh giá về Truyện Kiều cũng như công trình nghiên cứu so sánh Truyện KiềuKim Vân Kiều truyện khá phong phú. Ý kiến tích cực có, tiêu cực có, và có cả những ý kiến thể hiện sự điều chỉnh trở lại các quan điểm sai lệch ban đầu. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nổi bật là những ý kiến có phần cực đoan, vội vàng gây nên ảnh hưởng tác động lâu dài trong lĩnh vực tiếp nhận Truyện Kiều của các nhà nghiên cứu Trung Quốc. Tiêu biểu là quan điểm của tác giả Đổng Văn Thành thể hiện tập trung trong bài viết “Truyện KiềuKim Vân Kiều truyện” (nguyên văn tiêu đề: 中越《金云翘传》的比较 - Trung Việt Kim Vân Kiều truyện đích tỉ giao) công bố năm 1986. Chúng tôi cố gắng dịch đúng nhan đề bài viết này sang tiếng Việt là “So sánh Kim Vân Kiều truyện Trung Quốc và Việt Nam”. Điều gọi là “cố gắng dịch đúng” của chúng tôi, đó là dịch cách Đổng Văn Thành gọi tên cả hai tác phẩm (của Thanh Tâm Tài Nhân và của Nguyễn Du) chỉ bằng một nhan đề Kim Vân Kiều truyện, đó là dịch cách nhà nghiên cứu này viết “Kim Vân Kiều truyện (của hai nước) Trung Việt” (!). Đổng Văn Thành dĩ nhiên không đọc được Truyện Kiều tiếng Việt, ông chỉ biết tác phẩm của đại thi hào Việt Nam qua bản dịch Truyện Kiều được dịch từ bản dịch tiếng Pháp sang Hán ngữ, mà bản này dùng nhan đề trùng với tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân. Điều đáng nói ở đây là, bài viết của Đổng Văn Thành về sau in lại trong cuốn sách được tái bản bởi rất nhiều nhà xuất bản tại Trung Quốc - cuốn Minh Thanh tiểu thuyết giám thưởng từ điển do Hà Mãn Tử và Lý Thời Nhân chủ biên, 1992 [2] nên hẳn nhiên gây ảnh hưởng không nhỏ tới quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu về sau.

Để trình bày quan điểm của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành, chúng tôi sẽ không tự tóm lược ý kiến của ông, mà chọn giới thiệu ý kiến của một nhà nghiên cứu Trung Quốc khác. Chúng tôi nghĩ đây là cách tốt nhất để một mặt vừa thấy được nội dung quan điểm của tác giả bài viết, mặt khác cũng cho thấy sự hồi đáp của chính học giả Trung Quốc. Người chúng tôi lựa chọn giới thiệu ý kiến là Triệu Ngọc Lan - dịch giả bản dịch Truyện Kiều mới nhất tại Trung Quốc (năm 2013). Trong bài “Nguyên nhân dịch lại Kim Vân Kiều truyện và suy ngẫm về một số vấn đề” [3], Triệu Ngọc Lan đã có điểm thuật bài viết “So sánh Kim Vân Kiều truyện Trung Quốc và Việt Nam” và dẫn lời kết luận của Đổng Văn Thành về tác phẩm của Nguyễn Du rằng, về hình thức nghệ thuật hay nội dung tư tưởng Truyện Kiều đều không vượt qua được “trình độ bản gốc Trung Quốc mà nó mô phỏng”. Trong nguyên văn câu nói được dẫn lại bởi Triệu Ngọc Lan, chúng ta thấy có từ “bản gốc” (底本, âm Hán Việt “để bản”) mà Đổng Văn Thành dùng để chỉ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Triệu Ngọc Lan còn dẫn thêm nguyên văn một câu Đổng Văn Thành đánh giá tổng kết về Truyện Kiều cho rằng nó không đạt như “trình độ nghệ thuật và tư tưởng nguyên tác”. Nếu như trong câu trước, Đổng Văn Thành dùng thuật ngữ “bản gốc”, thì trong câu này, ông lại dùng thuật ngữ “nguyên tác” (原作) để chỉ tác phẩm của nhà văn Trung Quốc mà tự ông cho là thi hào Việt Nam dùng để bắt chước hay phỏng dựa theo. Bài viết của Triệu Ngọc Lan công bố năm 2010 đã khách quan trình bày quan điểm của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành, đồng thời thể hiện quan điểm của bà vì sao cần dịch lại Truyện Kiều ở Trung Quốc. Đến năm 2013 khi tác giả công bố bản dịch mới tác phẩm của Nguyễn Du, bài viết này đã được đưa vào phần phụ kèm bản dịch nhan đề “Kim Vân Kiều truyện - dịch thuật và nghiên cứu” [4; xem Hình 2 - Phụ lục bài viết này].

Năm 2014, trong một bài viết bằng tiếng Trung của tác giả Việt Nam, ý kiến của Đổng Văn Thành về Truyện Kiều của Nguyễn Du được luận thuật cụ thể hơn. Chúng tôi muốn nhắc đến bài “Bàn về nghiên cứu so sánh Kim Vân Kiều truyệnTruyện Kiều ở Trung Quốc và Việt Nam” của tác giả Trần Thị Nhung đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học Trung Quốc, kì 3, năm 2014. Theo tóm thuật của tác giả bài viết, Đổng Văn Thành phủ nhận hoàn toàn sáng tạo của tác giả Truyện Kiều: nhân vật, tình tiết cốt truyện Truyện Kiều giống hoàn toàn với tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân; Nguyễn Du đã lấy đề tài và gần như là “di thực” theo nguyên mẫu tiểu thuyết Trung Quốc; nhà văn Việt Nam trong việc khắc họa nhân vật, vì ý thức chủ quan của mình, nên trên mức độ nhất định đã làm tổn hại đến tính cách nhân vật xét như là một chỉnh thể hình tượng toàn vẹn; có những chỗ Nguyễn Du thay đổi tình tiết, ví dụ màn “Thúy Kiều báo oán” đã làm giảm giá trị nghệ thuật của tác phẩm… Đổng Văn Thành thừa nhận ở màn tự sự Vương Thúy Kiều báo oán trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, hành động nhân vật tuy tàn nhẫn, nhưng là do kẻ áp bức khiến người buộc phải thế, báo thù là hành động chính nghĩa cho thấy sự phản kháng của kẻ bị áp bức; vậy mà cảnh tượng đấu tranh giai cấp sinh động đó lại bị biến dạng đi dưới ngòi bút Nguyễn Du: Thúy Kiều đã dễ dàng tha cho họ Hoạn [5, tr.124]…

Ở đây, chúng tôi tạm không tranh luận với ý kiến của Đổng Văn Thành về việc vận dụng quan điểm đấu tranh giai cấp vào phê bình văn học, nhưng nhận thấy vài mâu thuẫn trong nhận định của nhà nghiên cứu. Thứ nhất, tác giả nhận xét trong tác phẩm Nguyễn Du, nhân vật và tình tiết cốt truyện giống hoàn toàn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, vậy tại sao lại “trách” Nguyễn Du tuân theo ý định chủ quan trong khắc họa nhân vật gây tổn hại đến chỉnh thể hình tượng tác phẩm? Thứ hai, nhà nghiên cứu đã nhận xét Nguyễn Du giữ nguyên tình tiết cốt truyện, nhưng tại sao gặp khi Nguyễn Du “thay đổi”, thì lại đánh giá thay đổi như thế “là kém, là có hại cho giá trị nghệ thuật”?

Như chúng tôi đã nói, quan điểm của Đổng Văn Thành có ảnh hưởng không nhỏ đối với sự tiếp nhận Truyện Kiều tại Trung Quốc. Cứ như tường thuật tiếp theo của tác giả Trần Thị Nhung thì có thể thấy nhiều tác giả luận văn Thạc sĩ hay bài viết tán thành cách nhìn nhận của nhà nghiên cứu này. Ví như, tác giả Minh Châu trong bài đăng trên Tạp chí khoa học Trường Cao đẳng Sư phạm Chu Hải viết: “Kim Vân Kiều truyện của Nguyễn Du di thực hoàn toàn tình tiết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đến việc xây dựng tính cách nhân vật cũng không thấy khác biệt gì lắm về mặt (đặc điểm) dân tộc” [6, tr.42). Hay như tác giả Vương Tiểu Thuẫn trong bài công bố trên Tạp chí Di sản văn học cho rằng, tác phẩm của Nguyễn Du “cũng thuộc văn học dịch”, “hoàn toàn giữ đúng câu chuyện và nhân vật nguyên tác” [7, tr.120]…

Đổng Văn Thành trong bài viết của mình đã ca ngợi hết lời tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong bài “Nghĩ về tích, tâm, tài qua Truyện Kiều của Việt Nam”, tác giả Giao Hưởng đã dẫn một đoạn dài Đổng Văn Thành viết về cuốn tiểu thuyết này: “Cuốn sách của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân bị vùi lấp hàng mấy thế kỷ trong văn học sử Trung Quốc; từ cuối đời Thanh cho tới những năm 50 của thế kỷ XX, cuốn tiểu thuyết ấy hầu như được ít người biết đến. Trong tất cả các sách về lịch sử tiểu thuyết, lịch sử văn học, kể từ cuốn Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc của Lỗ Tấn đến nay, đều không có đến nửa chữ giới thiệu về nó. Thứ hai, ông Tôn Khải Đệ, chuyên gia nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc, người sớm nhất nhắc đến nó trong sách Thư mục tiểu thuyết, được thấy ở Tokyo - Nhật Bản, xuất bản năm 1932, lại coi nó là điển hình của những tác phẩm kém cỏi” [8]. Theo chúng tôi, việc tôn sùng sáng tác nào đó của nền văn học dân tộc mình là một chuyện, còn việc nhận đấy là mẫu mực để đánh giá một sáng tác của văn học dân tộc khác lại là một chuyện khác. Thông tin trên khiến chúng tôi nhận thấy tình hình tiếp nhận tác phẩm Thanh Tâm Tài Nhân tại quê hương của nó nếu quả đúng như Đổng Văn Thành đã nói thì lại càng không tránh được chút băn khoăn rằng, không biết trong các dịch giả Truyện Kiều của Việt Nam tại Trung Quốc có ai vốn đã sẵn biết đến sự vĩ đại của Kim Vân Kiều truyện rồi mới nảy ý định dịch tác phẩm vĩ đại của văn học Việt Nam Truyện Kiều, hay chính là trong khi đọc đến Truyện Kiều mà họ nhớ lại Kim Vân Kiều truyện của bản quốc? Hẳn nhiên đây là một câu hỏi sẽ được xem là tò mò và có lẽ cũng không phải là có giá trị nghiên cứu hay văn học sử gì. Nhưng việc toàn bộ các bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Hán nhất loạt dùng nhan đề Kim Vân Kiều truyện để “dịch” tên kiệt tác quốc âm của Việt Nam thì hẳn phải được xem là một sự kiện văn hóa rất đáng được chú ý.

2.2. Giới thiệu “khó hiểu” về Truyện Kiều trên mạng Trung Quốc

Không biết do các bản dịch Trung văn Truyện Kiều hay do những quan điểm “tiêu cực” của một số học giả Trung Quốc về Truyện Kiều, hoặc do cả hai mà nói chung các trang mạng tra cứu mục từ tác phẩm của Nguyễn Du đều gặp nhau ở cách giới thiệu khá là “khó hiểu” về Truyện Kiều. Có thể nói cách giới thiệu đó đã phổ cập một thường thức sai lầm về văn hóa cho độc giả phổ thông tại Trung Quốc.

Trên trang Từ điển Bách khoa Toàn thư mở wikipedia.org tiếng Trung [9], ở mục từ “金雲翹”,vừa mới mở đầu được vài ba câu giới thiệu ngắn gọn về thể loại, tác giả, nhan đề và các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết truyền thống của văn học Trung Quốc (Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân) thì nói tới việc tác phẩm này đã truyền vào Việt Nam và là nguồn gốc của một danh tác văn chương Việt Nam là Kiều Truyện. Và điều mơ hồ nữa là tiếp theo đó lại giới thiệu một vở kịch địa phương Trung Quốc nhan đề Vương Thúy Kiều, cứ như thể vở kịch này cũng đã trở thành căn cứ để Việt Nam cải biên thành tác phẩm tự sự bằng thơ Kim Vân Kiều truyện vậy. Thực sự chúng tôi không rõ nói như vậy phải chăng danh tác Kiều Truyện (dịch nhan đề Truyện Kiều) và tác phẩm tự sự bằng thơ Kim Vân Kiều truyện là một? Truyện Kiều, như vậy thuộc kiểu sáng tác vừa có nguồn gốc từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, lại vừa là tác phẩm cải biên căn cứ từ kịch bản Vương Thúy Kiều cũng của Trung Quốc - kịch địa phương Phúc Kiến (kể mà đúng như thế thì chúng ta còn biết thêm Nguyễn Du đã đọc đến cả kịch địa phương Trung Quốc nữa!).

Đi kèm trang soạn cho mục từ “Kim Vân Kiều” là thư viện trực tuyến https://zh.wikisource.org/wiki/. Wikisource giới thiệu: “có văn bản gốc liên quan đến bài viết Kim Vân Kiều truyện (bản chữ Hán)”. Độc giả truy cập thư viện mở này có thể thấy, nếu như ở trang giới thiệu khái quát tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, mục từ “Kim Vân Kiều” không có chữ “傳” - truyện, thì ở thư viện Wikisource, cuốn tiểu thuyết lại thấy ghi nhan đề là Kim Vân Kiều truyện - tức có thêm chữ truyện. Và không hiểu sao, ngay trong chỉ một câu mào đầu cho việc mở đọc văn bản tiểu thuyết 20 hồi của Thanh Tâm Tài Nhân lại thấy vẫn “không quên” nhắc đến Truyện Kiều của Việt Nam: “Kim Vân Kiều truyện, tác giả: Thanh Tâm Tài Nhân, đời Thanh; còn có tên Song kì mộng truyện, tác phẩm thơ tự sự cải biên chữ Nôm Việt Nam [từ cuốn này] xem Thúy Kiều truyện (nhan đề khác Đoạn trường tân thanh), bản tiếng Việt chữ quốc ngữ xem Truyện Kiều” [10]. Đến đây, với sự trình bày trên, chúng ta được “biết” thêm bản Truyện KiềuWikisource kèm trang https://zh.wikipedia.org/wiki/金雲翹 muốn nói đến là bản nhan đề Thúy Kiều truyện. Mở qua Truyện Kiều – Wikisource tiếng Việt, chúng ta sẽ thấy có bản Thúy Kiều Truyện tường chú (xem hình 1 - Phụ lục bài viết này). Một trang khác cũng của Wikipedia, trang 金雲翹 - 維基大典 https://zh-classical.wikipedia.org/wiki /金雲翹 cũng có nội dung tương tự: “Kim Vân Kiều, hoặc cũng gọi Kim Vân Kiều truyện, là tiểu thuyết Trung Quốc thời  Minh Thanh. Không rõ thân thế tác giả, chỉ biết người tàng thư hiệu Thanh Tâm Tài Nhân. Được biết đến ở Việt Nam, gọi là Kim Vân Kiều. Đó là gốc của Kiều truyện - danh tác văn chương Việt Nam” [11].

Nếu tra cứu Bách khoa toàn thư tiếng Trung trên mạng (Baidupedie - Baidu Baike; tiếng Trung: 百度 百科 baidu.com, được gọi là “Google của Trung Quốc”), thì thấy từ điển này lấy mục từ “Kim Vân Kiều truyện”, do vậy phải chú trước rằng “Kim Vân Kiều truyện là từ đa nghĩa, xin chọn tra cụm từ với nghĩa muốn tìm - tổng cộng có hai nghĩa để chọn”. Bởi thiết kế tra cứu như vậy cho nên chúng ta thấy có mục từ phải mở ngoặc chua trước: “Thơ tự sự trường thiên văn học Việt Nam”[2]. Trình bày mục từ này của baidu.com như sau: “Kim Vân Kiều truyện (tiếng Việt Nam: Kim Vân Kiều truyện) là tác phẩm thơ tự sự trường thiên của văn học dân tộc Việt Nam, nguyên bản là tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, còn có tên Song kì mộng. Toàn sách 4 quyển 20 hồi, bìa đề “Thanh Tâm Tài Nhân biên soạn”, thành sách quãng giữa hai đời Thuận Trị và Khang Hy. Vào giai đoạn giữa thế kỉ 18 và 19, Nguyễn Du - thi nhân Việt Nam thời Nguyễn đã cải biên căn cứ vào nguyên tác tiểu thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du dùng chữ Nôm viết thành 3254 câu thơ tự sự. Việt Nam phổ biến gọi đó là Truyện Kiều hay Đoạn trường tân thanh…” [12].  Việc biên soạn mục từ của từ điển trực tuyến này có kèm chú thích rõ nguồn tài liệu mà nó tham khảo. Tuy nhiên, cũng như các trang mạng khác, việc hỗ trợ tìm kiếm thông tin “Kim Vân Kiều” bằng tiếng Trung đều được soạn dưới “định kiến”: Truyện Kiều Việt Nam là một sáng tác dựa trên căn cứ và mô phỏng tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân. Cách nhất loạt sử dụng cùng một cụm từ “Kim Vân Kiều truyện” để đồng chỉ một lúc hai tác phẩm của hai nền văn học hai nước, rõ ràng thực sự đã gây nên những khó hiểu và rối lẫn cho người tra cứu.

3. Thay lời kết

Như đã nói, kể từ bản dịch của Hoàng Dật Cầu (1959) đến bản dịch của Triệu Ngọc Lan (2013), tới nay Truyện Kiều đã bốn lần đến với bạn đọc Trung Quốc chỉ dưới nhan đề trùng với tên cuốn tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân) mà giới học giả Trung Quốc trước sau chỉ quen với cách gọi nó là “bản gốc” của sáng tác Nguyễn Du. Lịch sử của dịch thuật sáng tác của Nguyễn Du tại Trung Quốc hòa gắn với lịch sử bạn đọc Trung Quốc nghiên cứu và tiếp nhận Truyện Kiều. Lịch sử đó cần một khảo cứu quy mô và công phu. Bài viết của chúng tôi chỉ là một cố gắng điểm bình một vài đặc điểm nổi bật trong lịch sử nửa thế kỉ Trung Quốc dịch thuật và tiếp nhận Truyện Kiều đó mà thôi. Hy vọng trong tương lai, quá trình này sẽ được các học giả của cả hai nước soi sáng trở lại từ nhiều góc độ và tầm cao rộng hơn nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Thanh Diên (2021), “Về các bản dịch Truyện Kiều ra Trung văn”, (nguyendu.com.vn) Thứ 4, ngày 3-2-2021.

[2] 何满子, 李时人 (1992), 明清小说鉴赏辞典, 浙江古籍出版社。

[3] 赵玉兰 (2010), “重译《金云翘传》的动因及对一些问题的思考”,东南亚纵横,第 3 期。

[4] 赵玉兰 译著 (2013),《金云翘传》翻译与研究,北京大学出版社。

[5] 陈氏绒 (2014), “中越《金云翘传》《翘传》比较研究评议”, 中国文学研究,第 3 期。

[6] 明珠 (2007),《女海盗金寡妇》创作对《金云翘传》两个版本的收容, 株洲师范高等专科学校学报, 第 4 期。

[7] 王小盾 (2001), “东干文学和越南古代文学的启示——关于新资料对文学研究的未来影", 《文学遗产》,第 6 期。

[8] Giao Hưởng (2019), “Nghĩ về tích, tâm, tài qua truyện kiều của Việt Nam”, (vanhien.vn)http://vanhien.vn/news/nghi-ve-tich-tam-tai-qua-truyen-kieu-cua-viet-nam-67517 Thứ Sáu, 01/03/2019 08:54 GMT +7

[9] 维基百科,自由的百科全书, https://zh.wikipedia.org/wiki

[10] https://zh.wikisource.org/wiki/金雲翹傳

[11] 金雲翹 - 維基大典 https://zh-classical.wikipedia.org/wiki /金雲翹

[12] 金云翘传 https://baike.baidu.com/item/金云翘传

PHỤ LỤC

https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/4/45/ThuykieuTruyen.jpg/220px-ThuykieuTruyen.jpg

Chú thích hình:

Áng văn Nôm Truyện Kiều bản Chiêm Vân Thị dưới tựa Thúy Kiều Truyện tường chú

 

Hình 1: Truyện Kiều bản mà Wikisource kèm trang https://zh.wikipedia.org/wiki/金雲翹 muốn chỉ đến là bản nhan đề 金雲翹传詳註 (bên trái). Mở qua Truyện Kiều – Wikisource tiếng Việt sẽ thấy có bản Thúy Kiều Truyện tường chú (bên phải).

https://breadandrose.com/wp-content/uploads/2015/09/s27164832.jpg

Hình 2: Bìa sách bản dịch Truyện Kiều mới nhất tại Trung Quốc.

Sách đề 赵玉兰 译著,《《金云翘传》翻译与研究》,北京大学出版社; Triệu Ngọc Lan, “Kim Vân Kiều truyện – Dịch thuật và Nghiên cứu”, Bắc Kinh Đại học Xuất bản xã, 2013.

(Bài in Kỉ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia Những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Du, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, 2021, tr. 286-297)

 

[1] Các bản Hán ngữ phổ biến 20 hồi, bản dài nhất 28 hồi, bản ngắn nhất 12 hồi (Nhan Bảo, Ảnh hưởng của tiểu thuyết Trung Quốc đối với văn học Việt Nam, 1989). Bản dịch tiếng Việt sớm nhất của Hùng Sơn Nguyễn Duy Ngung xuất bản năm 1925 (Tân Dân Thư Quán tái bản các năm 1927, 1928, 1929). Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch và xuất bản 1971 tại Sài Gòn (in lại trong Truyện Kiều đối chiếu, Nhà xuất bản Hà Nội, 1991; Nhà xuất bản Hải Phòng tái bản 1999). Tại miền Bắc, có bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh, 1962 (Viện Văn học in roneo, Nhà xuất bản Hải Phòng -1994, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội tái bản 1999 - lời giới thiệu của Nguyễn Đăng Na, chú giải và phụ lục của Nguyễn Hữu Sơn). Ngoài ra còn có bản dịch Tình sử Vương Thuý Kiều (Phong tình Cổ lục) của Mộng Bình, Nhà xuất bản Văn học, 2000.

Post by: admin
14-03-2022