GIAI THOẠI –MỘT THỂ LOẠi VĂN HỌC DÂN GIAN
PGS.TS.Nguyễn Thị Bích Hà
Khoa Việt Nam học – ĐHSP Hà Nội
Khi giới thiệu cuốn Giai thoại văn học, năm 1965 Trần Thanh Mại viết “Giai thoại văn học là những mẩu chuyện nói riêng về các nhà văn, nhà thơ, nhà khoa bảng, về những người sử dụng thơ văn và sáng tác thơ văn nói chung”. Trong lời giới thiệu này, Trần Thanh Mại cũng là người đầu tiên xác định vị trí của giai thoại. Ông cho rằng “… trừ một số cá biệt, nói chung thì giai thoại văn học không thuộc phạm vi văn học dân gian”. Bởi theo ông, hầu hết các mẩu chuyện đó đều phải do “các nhà chữ nghĩa sáng tác”.
Năm 1988 nhà xuất bản Văn học đã giới thuyết khái niệm giai thoại văn học khi tái bản cuốn Giai thoại văn học nói trên. Sách viết: “Giai thoại văn học là những giai thoại riêng về các nhà văn, những nhân vật có tên tuổi trong xã hội hoặc đông đảo những người yêu thích thơ văn và sáng tác thơ văn nói chung. Như vậy giai thoại văn học là một loại văn chương vừa có tính chất bác học lại vừa có tính chất truyền miệng mang trong cổt cách của nó nhiều nét dân tộc độc đáo đầy sức hấp dẫn” (Văn học cổ cận đại Việt nam. Giai thoại văn học Việt Nam. Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch sưu tầm, biên soạn. In lần thứ 2. Nxb VH. 1988. Tr5). Giới thuyết này chỉ nhấn mạnh khái niệm giai thoại văn học và vị trí của nó trong văn học dân tộc như cầu nối giữa VHDG – văn học mà hơi nhòe tính chất thể loại, cũng không xác định nó là VHDG hay văn học bác học.
Năm 1994, Vũ Ngọc Khánh trong cuốn Kho tàng giai thoại Việt Nam lại thiên về nhận định giai thoại thuộc VHDG khi ông cho rằng “…Những câu thơ, câu đối ở đây có vẻ giàu chữ nghĩa, điển tích như ở văn chương bác học, song điều bắt buộc là phải vận dụng theo phong cách dân gian, lấy chất liệu và cả biện pháp quen thuộc của ca dao, câu đố…tác phẩm văn học bác học được xem như tác phẩm dân gian và có thể sống trong quần chúng…”. Như vậy, Vũ Ngọc Khánh coi giai thoại văn học như các tác phẩm VHDG nhưng không phủ nhận rằng nó có nguồn gốc bác học và đã được dân gian hóa.
Trong cuốn Từ điển Văn học do Nxb Thế giới phát hành năm 2004, giai thoại được định nghĩa như sau: “Một thể loại chuyện kể truyền miệng, lưu truyền chủ yếu trong giới nhà văn và lớp công chúng ưa thích thơ văn, nhất là những người có hiểu biết Hán học và văn chương chữ Hán. Thuật ngữ giai thoại được mượn từ Trung Hoa (thoại: truyện kể; giai: hay, đẹp, thú vị). Mỗi giai thoại là một truyện kể ngắn gọn, lý thú, xoay quanh những nhân vật có thực, thường là những danh nhân… Giai thoại văn học thường không phân giới rõ rệt với truyền thuyết, truyền kỳ; có những mảng giai thoại xuất hiện thời kỳ sau lại gần với tiếu lâm. Tuy vậy giai thoại vẫn mang tính độc lập như một thể loại độc đáo; nó thuộc về văn chương bác học, gắn với sinh hoạt văn học thành văn, nhưng lại tồn tại dưới dạng truyền miệng, tức là dạng thức tồn tại của các truyện kể dân gian” (Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (CB). Từ điển Văn học. Nxb Thế giới. 2004. Tr 519). Định nghĩa giai thoại trên có phần mâu thuẫn. Một mặt nó đã khẳng định “giai thoại là một thể loại chuyện kể truyền miệng” (tức nó thuộc VHDG), nhưng lại nêu thêm “Nó thuộc về văn chương bác học, gắn với sinh hoạt văn học thành văn”. Như vậy, tác giả muốn coi giai thoại là một thể loại văn chương, điều mà Trần Thanh Mại đã có lần đề cập. Tuy nhiên, bản thân tác giả mục từ này cũng chưa nhận thức rõ giai thoại thuộc VHDG hay văn học thành văn, khi thì tác giả coi nó là “một thể loại của truyện kể truyền miệng” khi lại nhấn mạnh “Nó thuộc văn chương bác học”.
Trong cuốn sách VHDG người Việt, góc nhìn thể loại ở bài Thể loại giai thoại, Kiều Thu Hoạch cũng định nghĩa “Giai thoại vốn là một thuật ngữ gốc Hán, Giai có nghĩa là hay, đẹp, thoại là câu chuyện kể. Như vậy giai thoại là câu chuyện kể hay, đẹp…Tuy nhiên, giai thoại không phải là câu chuyện, mẩu chuyện kể bình thường, mà đó phải là những câu chuyện hay, lý thú, gợi được những khoái cảm thẩm mĩ” (Kiều Thu Hoạch. VHDG người Việt, góc nhìn thể loại. Nxb KHXH. H. 2006. tr. 422). Định nghĩa này của ông không khác các nhà nghiên cứu trước đây, song ông đã đưa ra nhiều phân tích, nhận xét có giá trị về giai thoại. Theo Kiều Thu Hoạch thì những tài liệu sách báo có sưu tầm và giới thiệu giai thoại khá nhiều và rải rác khoảng từ những năm 30 đến 45 của thế kỉ trước, nhưng phải đến năm 1965 mới có một cuốn sách sưu tầm giai thoại chính thức ra đời là cuốn Giai thoại văn học Việt Nam của Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch. Sau hai tác giả này, nhiều giai thoại văn học và cả không văn học tiếp tục được sưu tầm và lưu giữ, nhưng không ai bàn về vị trí thể loại của giai thoại nữa. Trong bài viết của mình, Kiều Thu Hoạch tỏ ra đồng tình với Vũ Ngọc Khánh về vị trí của giai thoại trong VHDG. Ông viết “Về cơ bản và trên đại thể, chúng tôi đồng tình với lập luận của Vũ Ngọc Khánh”. Song, tác giả nói rõ hơn quan điểm của mình khi ông lấy dẫn chứng từ nhiều nguồn khác nhau để khẳng định rằng “giới nghiên cứu folklore hiện nay trên thế giới cũng không còn đồng tình với quan điểm một thời đã qua coi sáng tác folklore chỉ là sáng tạo của người lao động, của người mù chữ… với cách nhìn nhận như vậy thì giai thoại rõ ràng là các sáng tác dân gian, là folklore, và đương nhiên nó phải là một thể loại nằm trong loại hình tự sự dân gian” (Sđd. Tr 427-430)
Qua ý kiến của một số nhà nghiên cứu trên về giai thoại, có thể thấy còn một số vấn đề đang bỏ ngỏ hoặc đang còn dang dở chưa được đi đến cùng. Đó là: Giai thoại có phải là một thể loại văn chương độc lập hay không? Nếu là một thể loại độc lập, nó có liên quan gì với truyền thuyết hay truyện tiếu lâm như Từ điển văn học đã viết ở trên? Nếu là một thể loại độc lập thì nó có những tiểu loại nào? Nó thuộc VHDG hay văn học bác học? Thậm chí có thể có hai thể loại giai thoại, một ở VHDG và phần kia ở VH bác học hay không? Đó là điều chúng tôi muốn bàn thêm trong bài viết nhỏ này.
Trước hết, chúng tôi thấy cả Trần Thanh Mại, Kiều Thu Hoạch và Từ điển văn học đều dành sự quan tâm cho giai thoại văn học. Tuy nhiên, trong thực tế không phải chỉ có giai thoại về các nhà văn và những người gắn bó với văn chương mà những danh nhân trong các lĩnh vực khác, những nhà chính trị, nhà nho cũng có nhiều giai thoại. Chẳng hạn, giai thoại về nhà sử học Lê Quý Đôn “rắn đầu biếng học”, về nhà toán học Lương Thế Vinh dùng mẹo lấy quả bưởi từ dưới hố sâu, về nhà y học Lãn Ông đối đáp với chúa Trịnh, nhà sư phạm Chu Văn An và câu chuyện với người học trò thủy thần, vị tiến sĩ nhỏ tuổi Trạng Hiền đối đáp với quân triều đình và với sứ quân Bắc quốc, vị quan tổng đốc Hà Nội Nguyễn Văn Giai bị làm thơ chơi xỏ… Hệ thống giai thoại đó hết sức phong phú, chưa kể những giai thoại cười vốn cũng rất dồi dào. Như vậy, mặc dù chúng ta đều là những người nghiên cứu văn chương nhưng phải nhìn khái niệm giai thoại rộng hơn, không thể gò gẫm sự nghiên cứu của mình chỉ trong giai thoại văn chương, như vậy cũng sẽ không mắc phải sự quy chụp rằng các giai thoại văn chương phải ở trong bộ phận văn học bác học. Xung quanh những người nổi tiếng, những danh nhân mọi lĩnh vực luôn có nhiều mẩu chuyện kể về lai lịch hay quan hệ của họ với nhiều người, nhiều loại người liên quan. Những câu chuyện đó khiến ta hiểu về nhân vật chính một cách sinh động, phong phú hơn. Những mẩu chuyện này gần gũi với truyền thuyết về danh nhân, đặc biệt là danh nhân văn học văn hóa. Nhưng nếu coi truyền thuyết là những truyện kể có liên quan đến những sự kiện lịch sử trọng đại của cộng đồng dân tộc thì những câu chuyện Nguyễn Du đối đáp với cô lái đò, Lương Thế Vinh đổ nước xuống hố sâu khiến quả bưởi nổi lên để có thể lấy được, chú bé chăn trâu Nguyễn Hiền giúp dân làng giải được câu đố hóc… chỉ là những tiểu tiết trong sinh hoạt, không mang ý nghĩa trọng đại đối với cộng đồng, nó không phải truyền thuyết mà chỉ là các giai thoại góp phần phác thảo chân dung nhân vật danh nhân được mọi người ngưỡng mộ. Giai thoại vì vậy có số lượng rất phong phú và có chủ đề đa dạng.
Về tính chất loại hình của giai thoại, chúng tôi đồng tình với ý kiến của Kiều Thu Hoạch khi trình bày lí do khiến ông coi giai thoại như một thể loại trong loại hình tự sự của VHDG. Rõ ràng những mẩu giai thoại này về cơ bản đều được sáng tác và lưu truyền bằng miệng. Hoặc lúc đầu nó có thể được ghi chép ở đâu đó qua hồi ức của bạn bè, người thân với danh nhân, nhưng khi về đến dân gian, nó được lưu truyền mạnh mẽ hơn, được dân gian thêm bớt, uốn nắn vô thức hoặc có ý thức để trở thành sản phẩm chung của cộng đồng mà ít ai còn nhớ được nguồn gốc ban đầu của nó. Nó thực sự trở thành những sáng tác của dân gian. Đọc lại các mẩu chuyện được tập hợp trong cuốn Giai thoại văn học Việt Nam chúng tôi cũng thấy không khí dân gian truyền miệng rất đậm trong những câu chuyện và nhân vật được ghi chép trong đó. Chúng tôi không phủ nhận tính chất bác học của một số giai thoại, chẳng hạn những câu chuyện về các thi nhân văn nhân làm câu đối bằng chữ Hán để khoe tài và thử tài, những truyện kể ở trường thi… như truyện “Câu đối trên Văn hồ”, “Mắng quan trường”, “Thằng quan huyện”, “Tự tiện chữa văn vua”…, nhưng ngay cả những câu chuyện đó thì cũng không thể có có dân gian thêm bớt vào. Nếu truyện cười được dành cho một vị trí không nhỏ trong kho tàng VHDG thì giai thoại với số lượng văn bản phong phú, với vẻ đẹp về cả ngôn ngữ nghệ thuật và tư tưởng tác phẩm rất xứng đáng được dành một khoảng không gian nhất định trong hệ thống các thể loại VHDG.
Tìm hiểu các giai thoại qua một số tư liệu đã được chính thức xuất bản, chúng tôi thấy nó có thể được chia ra các bộ phận sau:
- Giai thoại văn học
- Giai thoại danh nhân
- Giai thoại cười
Cách chia này mới chỉ là tạm thời.
Giai thoại văn học được hiểu là những mẩu chuyện về các nhà văn, hoặc những người yêu thích thơ văn và sáng tác thơ văn. Nó khiến ta hiểu các nhà văn hoặc các sáng tác văn chương của họ một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Chẳng hạn những mẩu chuyển về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu…
Giai thoại danh nhân là những mẩu chuyện kể xung quanh những nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, khiến cho ta hiểu họ một cách sinh động và giàu nhân văn hơn. Chẳng hạn, chuyện kể Nguyễn Hiền, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh, Lê Hữu Trác…
Giai thoại cười là những mẩu chuyện xoay quanh một nhân vật chuyên gây cười. Từ đó thể hiện trí tuệ dân gian và tính chất xã hội của truyện. Những truyện này giống truyện tiếu lâm ở một số tình tiết gây cười, nhưng khác tiếu lâm ở chỗ nó có một nhân vật trung tâm, đây đồng thời là nhân vật gây cười chứ không phải là đối tượng của tiếng cười. Trong khi ở truyện tiếu lâm thì nhân vật gây cười đồng thời chính là đối tượng của tiếng cười. Truyện Trạng Quỳnh, Xiển Ngộ, Bác Ba Phi…thuộc loại truyện này.
Trên đây là một số ý kiến sơ bộ của chúng tôi về giai thoại. Chắc chắn rằng để có thể coi giai thoại như một thể loại VHDG, có thể đưa thể loại này vào giảng dạy chính thức trong nhà trường thì còn cần thời gian và cần thêm những nghiên cứu chuyện sâu hơn.