Nghiên cứu khoa học

[Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh]

HÀNH TRÌNH “ĐI RA” HẢI NGOẠI CỦA NỮ NHÀ VĂN TRUNG QUỐC ĐƯƠNG ĐẠI - TÀN TUYẾT (PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh)


14-03-2022
Tàn Tuyết (1953-) là nhà văn Trung Quốc đương đại có tầm ảnh hưởng quốc tế, song tại Việt Nam dường như chỉ được biết đến qua không quá ba bản dịch tác phẩm. Sáng tác của nữ nhà văn này đã có mặt trong sách giáo khoa bậc trung học cũng như giáo trình đại học nước ngoài nhiều nhất so với sáng tác của các nhà văn đương đại Trung Quốc khác. Tính đến nay, Tàn Tuyết đã có tổng cộng không dưới ba mươi tập sách được dịch ra hơn mười thứ tiếng trên thế giới và được xuất bản ở nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Ý, Mĩ, Thụy Điển, Nhật... Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp và các học giả, các nhà Hán học ở phương Tây, Nhật Bản từng viết bài về tác phẩm của nhà văn này. Bài viết của chúng tôi tập trung giới thiệu tình hình dịch thuật, xuất bản tác phẩm của Tàn Tuyết tại hai quốc gia lớn: Nhật Bản và Hoa Kì trong khoảng thời gian hơn hai thập niên vừa qua.

1. Mở đầu

Ở Việt Nam, Tàn Tuyết dường như mới chỉ được biết đến qua số lượng ít ỏi là ba bản dịch tác phẩm được ấn hành bởi nhà xuất bản địa phương (Nxb Tổng hợp Đồng Nai) từ năm 2008 và một số bài viết mang tính chất giới thiệu khái quát về tác giả cũng như về tập truyện ngắn Đào nguyên ngoài cõi thế của nhà văn. Chẳng hạn các bài: “Tàn Tuyết: Tiếng nói độc đáo của văn học đương đại Trung Quốc” (Dạ Vũ, Tạp chí Zingnews, 15/7/2017) [1]; “Thế giới văn chương của nữ nhà văn Tàn Tuyết” (https://thuvientrithuc.net) [2]; hay “Tàn Tuyết: “Văn học thuần túy” bị ngoại biên hóa là một điều tốt” (Thuý Hạnh ghi lại bài phỏng vấn nhà văn theo Thanh niên Trung Quốc, Tạp chí văn nghệ Quân đội, 6/4/2020) [3]. Như vậy, con số độc giả Việt Nam biết đến nhà văn này là không thể so sánh được với con số những người biết đến Mạc Ngôn (nhà văn gốc Trung Quốc thứ hai đạt giải Nobel văn chương), dù Tàn Tuyết cũng từng là ứng viên đứng thứ tư trong danh sách các ứng viên giải Nobel văn chương năm 2019 (trên cả Haruki Murakami và Milan Kundera). Điều đáng chú ý là, ngay tại Trung Quốc đại lục, Tàn Tuyết nhìn chung cũng không phải nhà văn “được nhiều người biết”. Vì vậy, hai chữ “nổi tiếng” trong nhan đề bài viết mang tên “Tàn Tuyết - tác gia Trung Quốc còn nổi tiếng hơn Mạc Ngôn” đăng trên trang web Nghệ thuật Nam Phương (www.zgnfys.com) thực tế là nói đến sự nổi tiếng của nhà văn này ở bên ngoài Trung Quốc. Ngay đoạn đầu, bài viết đã cho thấy điều đó: “Mạc Ngôn nổi bật trong nước nhưng không được thế giới biết đến nhiều trước lúc có giải Nobel. Tàn Tuyết nói chung không quen thuộc cho lắm với bạn đọc trong nước nhưng lại không phải là người xa lạ đối với văn học thế giới đương đại. Tác phẩm của Tàn Tuyết được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Số lượng bạn đọc sáng tác của nhà văn này tại Trung Quốc lại ít hơn nhiều so với độc giả đọc bà qua bản dịch” [4]. Tàn Tuyết không phải thuộc thế hệ sau Mạc Ngôn, tác phẩm của bà cũng không phải xuất bản muộn hơn tác phẩm của Mạc Ngôn. Hai nhà văn thực ra cùng trang lứa: Tàn Tuyết sinh năm 1953, Mạc Ngôn sinh năm 1955. Cả hai đều khởi đầu văn nghiệp cùng thời gian (từ nửa sau thập niên 80 của thế kỉ XX). Trong bài viết này, chúng tôi không nhằm cắt nghĩa nguyên do của những hiện tượng văn học sử kiểu như câu chuyện vừa đề cập, mà muốn tìm hiểu xem Tàn Tuyết nổi tiếng như thế nào ở “hải ngoại” - từ quen dùng ở Trung Quốc đại lục. Nói cách khác, bài viết đặt vấn đề tìm hiểu ảnh hưởng quốc tế của nữ nhà văn từng được tác giả Mỹ Robert Coover nhận định: “là tiếng nói sáng tạo nhất trong văn học Trung Quốc từ giữa thế kỷ 20 cho đến hiện nay” [dẫn theo 5]. Nói về Tàn Tuyết, Bradford Morrow - người đã biên tập và xuất bản nhiều tác phẩm của bà trên tạp chí văn học Hoa Kì - nhận xét: “… Tàn tuyết là một nhà văn hạng nhất. Là một người đã dành 25 năm qua để tìm kiếm và xuất bản những nhà văn quan trọng nhất trong thời đại chúng ta, tôi có thể nói không chút do dự rằng được xuất bản tác phẩm của Tàn Tuyết là một vinh dự và đặc ân” [6]. Dịch giả, nhà phê bình văn học người Nhật - Kondo Naoko cũng đánh giá rất cao tài năng của nhà văn Trung Quốc: “Tàn Tuyết là nhà văn đáng chú ý nhất ở Trung Quốc kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên văn đàn Trung Quốc vào giữa những năm 1980 (…). Ngày nay, ngày càng nhiều độc giả trí thức Trung Quốc và thế giới bắt đầu ghi nhận tài năng phi thường của Tàn Tuyết, nhưng tôi nghĩ Tàn Tuyết vẫn chưa nhận được sự tôn trọng mà nhà văn xứng đáng có được. Có hai lý do cho việc này. Một là do trình độ phê bình văn học ở Trung Quốc vẫn chưa theo kịp nhà văn lỗi lạc nhất của họ, do những hạn chế về lịch sử và chính trị. Hai là vì thế giới không có đủ dịch giả giỏi và sách của Tàn Tuyết được dịch, đặc biệt là bằng tiếng Anh - một ngôn ngữ phổ biến nhất hiện nay” [7]. Do điều kiện tư liệu, bài viết của chúng tôi giới hạn phạm vi khảo sát, tập trung giới thiệu sự xuất hiện và ảnh hưởng của Tàn Tuyết ở hai quốc gia là Hoa Kì và Nhật Bản.

2. Nội dung nghiên cứu

Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa. Bút danh “Tàn Tuyết” (残雪Can Xue) trong tiếng Trung có thể được cắt nghĩa theo hai cách. Hiểu theo nghĩa “tiêu cực”, đó là “tuyết bẩn không chịu tan” (ngoài đường hay ngoài bãi); còn theo nghĩa “tích cực” là “tuyết tinh khiết trên đỉnh núi cao”. Nữ văn sĩ vốn sinh ra và lớn lên tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam - miền Nam Trung Quốc; đến năm 2001, bà mới cùng chồng chuyển đến Bắc Kinh. Theo cách nói phổ biến tại Trung Quốc thời kì ấy, lí lịch của nhà văn thuộc diện “có vấn đề”: cha bà là một đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc từng công tác tại Báo Tin tức Hồ Nam đã bị quy thành phần phái hữu và bị đưa đi cải tạo lao động năm 1957; mẹ của bà cũng là một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa (tác giả của cuốn Vĩnh Châu cựu sự), cũng từng bị đưa về vùng nông thôn lao động cải tạo. Như phần lớn thiếu niên cùng thế hệ, Tàn Tuyết vì thảm họa Đại cách mạng văn hóa nên thất học (bà chỉ mới tốt nghiệp tiểu học). Các công việc bà đã trải qua suốt những tháng năm tuổi trẻ tưởng chừng không liên quan tới nghề cầm bút (năm 1970, làm công nhân tại một công xưởng ngành đường sắt, làm thợ sắt, thợ lắp ráp, phụ trách toa xe; năm 1980, sau khi kết hôn với một người cũng từ nông thôn trở về thành phố sau Cách mạng văn hóa, bà cùng chồng đang làm nghề mộc, mở một tiệm may và kiếm sống bằng nghề “ngoài biên chế” này) song tất cả đều là những trải nghiệm quý báu góp phần hình thành nên các tác phẩm “viết không giống ai: tự đào sâu mình, mở cánh cửa bước đi, nhìn ra thế giới” [8], hay như chính sự mô tả của nhà văn, đó đơn giản là những tác phẩm “văn học tâm hồn”, “văn học cuộc sống”. Vốn kiến thức nói chung, vốn tiếng Anh nói riêng của Tàn Tuyết chủ yếu đến từ con đường tự học trong nhiều năm. Để đọc được văn học Anh bằng nguyên ngữ và giao tiếp được bằng vốn tiếng Anh tự học như Tàn Tuyết, có thể nói là điều trên thực tế không nhiều người làm được.  

2.1. Tác phẩm của Tàn Tuyết tại Hoa Kì - dịch thuật và xuất bản

Kể từ truyện ngắn đầu tay Bọt xà phòng trên nước bẩn《污水里的肥皂泡》đăng trên tạp chí Sáng tác mới năm 1985, chỉ trong vòng vài năm, với sự xuất hiện của các tác phẩm thuộc cả thể loại tiểu thuyết, truyện vừa và truyện ngắn, Tàn Tuyết đã thu hút ít nhiều sự chú ý của văn đàn trong nước. Điều đáng nói là, gần như trong cùng thời gian ấy, bút danh Tàn Tuyết cũng đã xuất hiện tại Mĩ nhờ bản dịch các thiên truyện: Những giọt mưa kẽ ngói《瓦缝里的雨滴》, Nỗi sầu lo trong ngày nắng của A Mai《阿梅在一个太阳天里的愁思》. Năm 1988, tập truyện ngắn Đối thoại trên thiên đường《天堂里的对话》của bà vừa được xuất bản trong nước (bởi Nxb Tác gia, Bắc Kinh), đã nhanh chóng được dịch và xuất bản tại Mĩ một năm sau đó với bản dịch của Roland Janssen và Jian Zhang (Dialogues in Paradise, Northwestern University Press, 1989). Điều này phần nào cho thấy cái duyên “hải ngoại” của văn xuôi Tàn Tuyết, đồng thời cũng cho thấy sự phản ứng khá nhanh nhạy của độc giả Hoa Kì đối với sáng tác của cây bút Trung Quốc đại lục ngay từ khi nhà văn vừa bước lên văn đàn, khởi đầu văn nghiệp. Trong số các tác phẩm được dịch, xuất bản tại Hoa Kì, thiên truyện Nhà nhỏ trên núi《山上的小屋》(in lần đầu trên tạp chí Văn học nhân dân, số 8/1985) là một tác phẩm hết sức đặc biệt bởi sự xuất hiện trở đi trở lại của nó trong nhiều biên tuyển xuất bản tại đất nước này.

Bản dịch sớm nhất thiên truyện Nhà nhỏ trên núi được in trên một tạp chí từ năm 1987 với nhan đề Hut on the Mountain (Zhong Ming dịch, Formations 3:3, Winter 1987). Độc giả Hoa Kì sau đó được đọc lại truyện này trong Tuyển tập văn học Trung Quốc hiện đại do Lưu Thiệu Minh, Joseph S.M. và Howard Goldblatt biên tuyển, Nxb Đại học Columbia ấn hành năm 2007 (The Columbia Anthology of Modern Chinese Literature, Columbia University Press, New York, 2007). Một năm sau, thiên truyện này còn được tuyển in trong một tuyển tập khác được xuất bản bởi Rutgers University; do Chanin, Clifford và Aili Mcannon biên tuyển (Blooming through the Ashes, An International Anthology on Violence and the Human Spirit, Piscataway, Rutgers University Press, New Jersey, 2008). Thực ra, từ mười năm trước đó, Wang Jing (Vương Tĩnh) khi biên soạn cuốn China's Avant-Garde Fiction (Durham, NC: Duke University Press, 1998) gồm 283 trang, đã đưa bản dịch Anh ngữ thiên truyện Nhà nhỏ trên núi (vẫn với nhan đề Hut on the Mountain) vào tập sách như là một minh họa cho bàn luận về tác giả Tàn Tuyết ở đầu sách. Sớm hơn nữa, thiên truyện cũng đã được in trong một biên tuyển khác - Worlds of Modern Chinese Fiction, nhưng với nhan đề Hut on the Hill (Michael S. Duke biên tập, Armonk: M. E. Sharpe, 1990). Qua đây có thể thấy, ảnh hưởng sớm sủa và lâu dài của tác phẩm Nhà nhỏ trên núi của Tàn Tuyết trong giới nghiên cứu, phê bình và dịch thuật đương đại Hoa Kì.

Ngoài trường hợp tác phẩm Nhà nhỏ trên núi, còn có nhiều sáng tác truyện vừa, truyện ngắn khác nữa của nữ văn sĩ xuất hiện trong các biên tuyển tác phẩm văn xuôi tự sự tiêu biểu của văn học đương đại Trung Quốc xuất bản tại Hoa Kì mấy thập niên vừa qua. Dưới đây, chúng tôi liệt kê theo thứ tự thời gian xuất bản các tuyển tập những tác phẩm nổi bật. Đầu tiên có thể kể đến tác phẩm Chốn đào nguyên ngoài trần thế《世外桃源》(bản dịch tiếng Việt: Đào nguyên ngoài cõi thế, Lưu Hồng Sơn dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2008) được dịch sang Anh ngữ là The Land of Peach Blossoms, in trong The Mystified Boat: Postmodern Stories from China, do Frank Steward và Herbert J. Batt biên tuyển, xuất bản bởi Nxb Đại học Hawaii (University of Hawaii Press, Honolulu, 1988). Tiếp theo là truyện Đứa trẻ nuôi rắn độc《饲养毒蛇的小孩》với bản dịch The Child Who Raised Poisonous Snakes in trong The Art of the Story: An International Anthology of Contemporary Short Stories, do Daniel Halpern biên soạn, ấn hành bởi Nxb Viking, New York, 1999. Truyện này từng được dịch bởi Ronald R. Janssen và Jian Chang, in lần đầu năm 1992 (Conjunctions 18, Spring, 1992). Tiếp nữa là thiên truyện Đối thoại trên thiên đường (từng in trong tập truyện cùng tên ở trong nước) được Roland Janssen và Jian Zhang dịch với nhan đề Dialogues in Paradise (có ghi rõ là “Tuyển tập truyện ngắn” - Short Story Collections), được ấn hành bởi Nxb Northwestern University, 1989. Đến năm 1991, truyện này có thêm bản dịch Anh ngữ khác nhan đề Dialogues in Heaven in trong Contemporary Chinese Women Writers II (Beijing: Panda Books, 1991). Đây là ấn bản của Chinese Literature Press  (Nxb Văn học Trung Quốc) - một nhà xuất bản thành lập từ năm 1951, trực thuộc Bộ văn hóa, đảm nhiệm công việc xuất bản tạp chí Văn học Trung Quốc cũng như các sách văn học thuộc tùng thư gọi là “Panda Books” bằng hai thứ tiếng Anh, Pháp (tương tự nhà xuất bản ngoại văn đối ngoại của Việt Nam).

Có thể nói, Tàn Tuyết là nhà văn Trung Quốc hiện đại sớm có liên hệ cá nhân với các nhà xuất bản hải ngoại. Mối liên hệ hợp đồng bản quyền xuất bản bản dịch ấy hẳn cũng là một sự phản ánh tốt “giá trị” tác phẩm của nhà văn. Bởi lẽ, việc bán được sách ở thị trường sách nước ngoài nói chung không hề là chuyện đơn giản. Nhìn vào thông tin thời gian xuất bản tác phẩm của Tàn Tuyết, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định, đây là nhà văn Trung Quốc đại lục có bản dịch xuất bản tại Mĩ đáng nể phục, nếu không muốn nói là nhiều nhất. Chúng ta có thể điểm được khối lượng lớn các tiểu thuyết, truyện vừa và tập truyện ngắn của bà được dịch, xuất bản tại Mĩ theo hình thức mua bản quyền trực tiếp với nhà văn. Đó là truyện Mây trời xưa bay《苍老的浮云》(đăng trên tạp chí Trung Quốc, 1986; bản dịch tiếng Việt tác phẩm này là Bảng lảng trời xanh, Nhân Văn dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2008) - bản dịch Anh ngữ: Floating Cloud: Two Novellas (Ronald R. Janssen và Jian Zhang dịch, Northwestern University Press, 1991). Đó là hai truyện Ánh sáng xanh trên bầu trời《天空里的蓝光》và Đêm xóm núi《山乡之夜》- bản dịch Anh ngữ: Night in the Mountain VillageBlue Light in the Sky (Karen Gernant và Chen Zeping dịch, in trên Conjunctions 45, Fall, 2005; in lại trong Blue Light in the Sky and Other Stories, New York: New Directions Books, 2006). Đó là tập truyện Giày thêu hoa và nỗi phiền não của già Tứ《绣花鞋及袁四老娘的烦恼》- bản dịch Anh ngữ: The Embroidered Shoes and The Vexation of Old Lady Si (Ronald R. Janssen và Jian Chang dịch, in trên Conjunctions 18, Spring 1992). Đó là truyện vừa Chuyển động thẳng đứng《垂直运动》- bản dịch Anh ngữ: Vertical Motion (Karen Gernant và Chen Zeping dịch, Rochester, NY: Open Letter, 2011). Đó còn là một loạt tiểu thuyết như: Phố Ngũ Hương《五香街》- tên khác của tác phẩm Biểu diễn phá vây《突围表演》(Nxb Văn nghệ Hải Hiệp, 2002 và Nxb Tác gia, 2011) với bản dịch Anh ngữ Five Spice Street của Karen Gernant và Chen Zeping, Yale University Press, 2009; Người tình cuối cùng《最后的情人》(Nxb Hoa Thành, 2005) với bản dịch Anh Ngữ The Last Lover của Annelise Finegan Wasmoen, Yale University Press, 2014; Biên cương《邊疆》(Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 2008) với bản dịch Anh ngữ Frontier của Karen Gernant và Chen Zeping - sách mở trên Europe Now website (https://www.europenowjournal.org/ 2017/01/31/frontier-by-can-xue); Chuyện tình thế kỉ mới《新世紀愛情故事》(Nxb Tác gia, 2013) với bản dịch Anh ngữ Love in the New Millennium của Annelise Finegan Wasmoen, Yale University Press, 2018.

2.2. Vị thế nổi bật của Tàn Tuyết tại Nhật Bản

Không phải ngẫu nhiên ở Trung Quốc từng có ý kiến nhận xét, ảnh hưởng của Tàn Tuyết tại Nhật Bản còn lớn hơn rất nhiều so với ảnh hưởng của nhà văn này tại mảnh đất quê hương bà. Trên thực tế, tác phẩm của nữ nhà văn cũng từ rất sớm đã có bản dịch xuất bản tại nước Nhật. Bà là nhà văn Trung Quốc được yêu thích nhất tại xứ sở Anh Đào. Vị thế của Tàn Tuyết ở Nhật được hình thành và củng cố qua nhiều sự kiện dịch thuật và xuất bản quan trọng.

Trước hết, chúng ta không thể không nói tới các hoạt động văn hóa học thuật liên quan đến nhà văn Tàn Tuyết tại Nhật Bản. Năm 2008, nhà xuất bản Kawade Shobō Shinsha cho ra đời bộ Toàn tập văn học thế giới (Natsuki Ikezawa biên soạn) gồm 24 quyển, dành riêng quyển 6 cho các sáng tác của Tàn Tuyết (Naoko Kondo dịch) và Bảo Ninh - nhà văn Việt Nam (với Nỗi buồn chiến tranh, Kazuhisa Ikawa dịch). Bộ sách đã được Giải thưởng văn hóa xuất bản Mainichi lần thứ 64, Giải thưởng Asahi năm 2010. Tàn Tuyết là nhà văn Trung Quốc duy nhất có tác phẩm được tuyển vào bộ sách này. Tờ báo lớn của Nhật Yomiuri Shimbun (Độc Mại Tân văn, báo giấy khổ rộng) đã dành hẳn một trang để giới thiệu quảng cáo về bộ sách, còn thiết kế bộ ba hình đại diện của ba nhà văn: Milan Kundera, Tàn Tuyết và Mario Vargas Llosa vào trong một khung hình.

Tháng 1 năm 2008, Hội nghiên cứu Tàn Tuyết được thành lập tại Tokyo. Một năm sau, hội nghiên cứu này đã xuất bản được số đầu tiên Tạp chí Nghiên cứu Tàn Tuyết phát hành trên phạm vi cả nước. Đây là một hội nghiên cứu học thuật duy nhất tại Nhật Bản định danh tên hội bằng cụm từ có tên một nhà văn Trung Quốc như là một cách chỉ rõ đối tượng nghiên cứu riêng của hội. Các thành viên của Hội nghiên cứu Tàn Tuyết tổ chức seminar mỗi cuối tháng một lần bàn về việc sắp xếp bài vở cho số tạp chí Nghiên cứu Tàn Tuyết sẽ xuất bản của năm. Hội quyết định mỗi năm ra một kì công bố các bài viết và bản dịch tác phẩm Tàn Tuyết. Tính từ năm 2009 đến 2015, Hội đã xuất bản được 7 kì tạp chí. Hội nghiên cứu Tàn Tuyết có 10 thành viên, được thành lập bởi Naoko Kondo (1950-2015) - giáo sư Khoa Nghệ thuật và khoa học, Đại học Nihon. Bà là học giả, nhà phê bình, đồng thời cũng là một dịch giả. Naoko Kondo từng là chủ biên của tạp san Văn học hiện đại Trung Quốc - cầu nối lớn nhất các gia Trung Quốc với bạn đọc Nhật Bản đương đại. Liền trong hai kì của năm 2008, tạp san Văn học hiện đại Trung Quốc đều có bài giới thiệu tác phẩm Tàn Tuyết. Naoko Kondo giữ một mối cảm tình nồng hậu đặc biệt đối với nữ tác gia Trung Quốc. Không chỉ là dịch giả, Naoko Kondo còn là chuyên gia nghiên cứu tác phẩm Tàn Tuyết hàng đầu của Nhật Bản. Công trình của Naoko Kondo về Tàn Tuyết, tiêu biểu có: Tàn Tuyết - Người kể chuyện của đêm tối (残雪-夜の語り手, Kawade Shobo Shinsha, 1995); và hai cuốn sách xuất bản kế tiếp nhau Sự phủ định của Tàn Tuyết (残雪の否定, 2001), Sự phủ định của Tàn Tuyết - Tiếp theo (続・残雪の否定, 2002) [9]. Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu còn có cuốn chuyên luận Thưởng thức văn học Trung Quốc (中国文学を味わう) nghiên cứu văn học Trung Quốc thập niên 80 của thế kỉ XX, trong đó đề cập nhiều tới tác gia Tàn Tuyết. Cuốn sách này đã được dịch và xuất bản tại Trung Quốc, với bản dịch của Liêu Kim Cầu, được xuất bản bởi Nxb Nhân dân năm 2002. Sách phân thành hai tập, tập 1 gồm bốn chương; nghiên cứu về Tàn Tuyết tập trung ở chương 4 có nhan đề “Thế giới Tàn Tuyết”. Chương này khảo luận lần lượt các tác phẩm: Phố Hoàng Nê《黄泥街》(Bản dịch tiếng Việt: Hoàng Nê Phố, Nhân Văn dịch, Nxb Tổng hợp Đồng Nai, 2008), Biểu diễn phá vây《突围表演》và Sói《痕》.

Tại Nhật Bản, đi liền với hoạt động dịch, xuất bản sách của Tàn Tuyết, báo chí và truyền thông nước này cũng không hiếm dịp đăng tin, in bài liên quan đến nữ nhà văn. Kênh BS2 Đài truyền hình NHK từng thực hiện và phát sóng nhiều cuộc phỏng vấn về chuyên đề Tàn Tuyết. Chỉ tính đến thời điểm 2015, Tàn Tuyết đã có 9 quyển sách độc lập xuất bản tại đây. Ngoài sáng tác, bà cũng đã có một tập lý luận phê bình văn học được dịch và xuất bản vào năm 2005. Nếu coi số lượng tác phẩm được dịch và sự quan tâm của giới học thuật (thể hiện ở bài viết và các hoạt động liên quan như phỏng vấn, bình luận trên tạp chí và các phương tiện truyền thông) là một chỉ số cho thấy tầm ảnh hưởng của một tác gia văn học nước ngoài tại một cộng đồng độc giả ngoại quốc, thì có thể nói ảnh hưởng của Tàn Tuyết tại Nhật Bản, rõ ràng vượt qua các nhà văn đương đại Trung Quốc khác và vượt cả Mạc Ngôn - nhà văn có danh tiếng cao trên văn đàn quốc tế. Điểm lược danh sách các tác phẩm của Tàn Tuyết được dịch, xuất bản tại Nhật, chúng tôi nhận thấy hầu hết chúng đồng thời cũng đã có bản dịch Anh ngữ xuất bản tại Hoa Kì. Và tất cả đều là những sáng tác quan trọng, đại biểu cho văn nghiệp của nhà văn này. Đó là các tác phẩm: Mây trời xưa bay - bản Nhật ngữ: 蒼老たる浮雲 (Naoko Kondo dịch, Kawade Shobō Shinsha xuất bản năm 1989; Hakusuisha xuất bản năm 2019); Nhà nhỏ trên núi - bản Nhật ngữ: カッコウが鳴くあの一瞬 (Kawade Shobō Shinsha xuất bản năm 1991; Hakusuisha xuất bản năm 2019); Thoáng chim cu kêu《布谷鸟叫的那一瞬间 (bản dịch Anh ngữ: The Instant When the Cuckoo Sings, Jian Zhang dịch, Formations 4:2, Fall 1987) - bản Nhật ngữ: カッコウが鳴くあの一瞬 (Naoko Kondo dịch, Kawade Shobō Shinsha xuất bản năm 1991; Hakusuisha xuất bản năm 2019); Phố Hoàng Nê - bản Nhật ngữ: 黄泥街 (Naoko Kondo dịch, Kawade Shobō Shinsha xuất bản năm 1992; Hakusuisha xuất bản năm 2018); Cây táo trồng ở hành lang - bản Nhật ngữ: 廊下に植えた林檎の木 (Naoko Kondo dịch, Kawade Shobō Shinsha xuất bản, 1995); tiểu thuyết Biểu diễn phá vây - bản Nhật ngữ: 突囲表演 (Naoko Kondo dịch, Bungeishunju xuất bản, 1997); Đêm đen - bản Nhật ngữ: 暗夜 (in ở quyển 6 bộ Toàn tập văn học thế giới 池澤夏樹=個人編集 世界文学全集, Kawade Shobō Shinsha xuất bản, 2008); Cõi mộng chưa từng miêu tả《从未描述过的梦境》- bản Nhật ngữ: かつて描かれたことのない境地 (Masumi Washisu, Asako Izumi, Mariko Ushima, Yuriko Tomioka, Mizuho Fukaya cùng dịch, Heibonsha xuất bản, 2013; đưa vào tập Cõi mộng chưa từng miêu tả - Toàn tập truyện ngắn Tàn Tuyết かつて描かれたことのない境地:傑作短篇集, Kawade Shobō Shinsha xuất bản, 2013); tiểu thuyết Người tình cuối cùng - bản Nhật ngữ: 最後の恋人 (Naoko Kondo dịch, Kawade Shobō Shinsha và Heibonsha xuất bản cùng năm 2014).

Tàn Tuyết tại Nhật, nổi tiếng không chỉ là nhà văn sáng tác mà còn là nhà văn viết phê bình lý luận độc đáo. Bà từng tự so sánh mình với Franz Kafka, và giới nghiên cứu phê bình cũng vui lòng xem bà là một “Kafka của Trung Quốc”. Tập lý luận phê bình dài 453 trang - Lâu đài của linh hồn: Đọc hiểu Kafka của Tàn Tuyết được xem như là một diễn giải, đọc hiểu F. Kafka mới mẻ, bên cạnh các cách hiểu của các tác gia, nhà nghiên cứu phê bình phương Tây như Joyce Carol Oates (1938 - ), Milan Kundera (1929 - ). Giới nghiên cứu nhất trí nhìn nhận công trình này của Tàn Tuyết là một cách tái họa mới chân dung văn học F. Kafka. Cuốn sách là kết quả của một bút pháp nghiên cứu phê bình kết hợp với việc đọc hiểu, giải thích văn chương và sáng tác tản văn. Tác phẩm do Nxb Văn nghệ Thượng Hải ấn hành lần đầu vào tháng 9 năm 1999, sau được Nxb Đại học Sư phạm Hoa Đông in với tên sách “gọn” hơn: Lâu đài của linh hồn (có tu bổ và thêm lời bạt) vào năm 2008. Ai cũng biết, Lâu đài (nhan đề tiếng Đức Das Schloß) là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn gốc Do Thái F. Kafka (1883-1924), được khởi bút từ năm 1922, nhưng chưa hoàn thành thì tác giả qua đời. Bạn của nhà văn là Max Brod đã biên tập, chỉnh lý và xuất bản vào năm 1926. Nhan đề sách của Tàn Tuyết trong lần tái bản bởi Nxb Sư phạm Hoa Đông năm 2008 dù không chọn cách biểu thị rõ là nói về sáng tác của F. Kafka, nhưng nội dung cuốn sách chủ yếu bàn luận về tiểu thuyết Lâu đài và các tác phẩm khác của ông. Là một tái bản, Lâu đài của linh hồn được tu nhuận và bổ sung khá nhiều, nhiều thiên trong ấn bản cũ đã được “viết lại” - chủ yếu là các thiên viết về sáng tác nổi tiếng của F. Kafka, chẳng hạn: “Về với cố hương của nghệ thuật: Phân tích văn bản Nước Mĩ” - phần 1; “Phong cảnh của linh hồn khai mở: Phân tích văn bản Nước Mĩ - phần 2; “Khai sáng gian nan - Đọc Vụ Án” - phần 1; “Cuộc đọ sức giữa hai ý chí: Phân tích văn bản Vụ Án” - phần 2,… Điểm đặc biệt, từ khóa “lâu đài” (tên tác phẩm F. Kafka) xuất hiện trở đi trở lại trong rất nhiều nhan đề bài viết, một tần suất đủ để nhắc nhở người đọc ghi nhớ nhan đề chung toàn sách và cũng là một cách khắc sâu chân dung, hình tượng F. Kafka (như “Lâu đài của linh  hồn”, “Ý chí Lâu đài”, “Khởi nguyên Lâu đài”, “Phương thức tư duy của Lâu đài”...). Cuối sách có bài “Tàn Tuyết và Kafka” thay cho lời bạt. Tập sách không chỉ gồm những bài đọc hiểu tiểu thuyết F. Kafka, mà các sáng tác thuộc thể loại khác của văn hào này cũng được đề cập. Chẳng hạn, quãng giữa sách chúng ta thấy có bài “Phiêu bạt mãi mãi - Đọc Thợ săn Gracchus” (Der Jäger Gracchus - truyện ngắn của F. Kafka, sáng tác năm 1917, xuất bản lần đầu ở Đức năm 1931, bản dịch Anh ngữ xuất bản lần đầu năm 1933). Bên cạnh các bài phê bình văn chương, tập sách của Tàn Tuyết còn gồm những thiên tản văn triết lý, như bài “Quan và dân”, “Vận mệnh và phản loạn”, “Trầm luân và siêu thoát”, “Gánh nặng kí ức”. Bài cuối cùng của tập sách là bài “Ghi lại sau khi dịch Lâu đài của linh hồn ra Nhật ngữ” cho biết sách đã có bản dịch xuất bản tại Nhật Bản. Cuốn sách được dịch giả, nhà nghiên cứu Naoko Kondo chuyển ngữ sang tiếng Nhật với nhan đề 魂の城カフカ解読 (Heibonsha xuất bản năm 2005) là cuốn ấn hành lần đầu mang tên Lâu đài của linh hồn: Đọc hiểu Kafka của Tàn Tuyết.

Tóm lại, đúng như nhận định của tác giả bài viết “Lấy tác phẩm của Tàn Tuyết làm ví dụ để thấy sự lan tỏa của văn học Trung Quốc đương đại ở Nhật Bản” (Đại học Sư phạm Đông Bắc): “trong số các nhà văn Trung Quốc đương đại, tác phẩm của Tàn Tuyết được truyền bá ở Nhật Bản là tiêu biểu nhất. So với “ẩn số” của Tàn Tuyết ở Trung Quốc, các tác phẩm của bà có lượng độc giả lớn ở nước ngoài. Kể từ khi được dịch và xuất bản vào cuối những năm 1980, sáng tác của Tàn Tuyết đã được công nhận rộng rãi trong giới độc giả cũng như giới học thuật Nhật. Trong một cuộc khảo sát do Hiệp hội Nghiên cứu văn học Trung Quốc của Nhật Bản thực hiện, Tàn Tuyết cũng được độc giả và học giả Nhật đánh giá là một trong ba nhà văn đương đại quen thuộc nhất của Trung Quốc (...). Điều đáng chú ý hơn là Tàn Tuyết không chỉ được đánh giá cao với tư cách là một nhà văn, mà còn là một nhà phê bình văn học... Các tác phẩm phê bình văn học của Tàn Tuyết cũng được giới thiệu vào Nhật Bản với một số lượng lớn các bản dịch. Đặc biệt, việc Tàn tuyết giải thích các tác phẩm của Kafka đã thu hút sự chú ý và công nhận lớn hơn trong giới học thuật Nhật Bản” [10]. Chính vì được dịch, giới thiệu với mức độ cao và ổn định, tác phẩm của Tàn Tuyết ngày càng được độc giả Nhật đón nhận nồng nhiệt và được giới nghiên cứu Nhật quan tâm đặc biệt.

3. Thay lời kết

Chỉ tính trong khoảng một thập niên, từ giữa những năm 80 đến giữa những năm 90 của thế kỉ XX, thì thấy trong số 20 tác phẩm của Tàn Tuyết đã xuất bản, có đến 15 tác phẩm được xuất bản ở hải ngoại, bao gồm bản in chữ Hán phồn thể ở Đài Loan, Hong Kong và bản dịch ở Nhật, Mĩ; chỉ có 5 tác phẩm xuất bản ở trong nước (Trung Quốc đại lục). Cũng trong khoảng mười năm ấy, tác phẩm của Tàn Tuyết còn có thêm các bản dịch tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Ý... Nhiều  nhà phê bình đã có các bài bình luận, khảo cứu tác phẩm Tàn Tuyết trên các tờ báo, tạp chí khoa học. Sáng tác của Tàn Tuyết được đưa vào chương trình đào tạo của các trường đại học lớn như Đại học Harvard, Đại học Cornell, Đại học Columbia (Columbia University in the City of New York), Đại học Cornell (Mĩ), Đại học Trung ương Nhật Bản (中央大學 Chūō Daigaku), hay Viện đại học Quốc học Nhật Bản (國學院大學 Kokugakuin Daigaku)...

Trong lịch trình sáng tạo của nữ nhà văn, năm 2015 là mốc đáng nhớ của hành trình “đi ra” hải ngoại của tác phẩm Tàn Tuyết. Đó là năm bà lần lượt đạt được các giải thưởng danh giá. Đầu tiên là giải Neustadt International Prize for Literature - giải thưởng Văn học quốc tế của Hoa Kì do Trường Đại học Oklahoma và tạp chí World Literature Today của trường tài trợ (tiền thưởng của giải này là 50.000 dollar Mỹ). Giải thưởng này được xem như “Giải Noben văn chương Mĩ”. Tàn Tuyết là tác gia Trung Quốc thứ hai đạt giải thưởng này (người đầu tiên là nhà thơ Đa Đa, 2010). Kế đó, Tàn Tuyết lại giành được giải Sách dịch hay nhất năm 2015 (Best Translated Book Award) trao cho tiểu thuyết Người tình cuối cùng (The Last Lover). Bà cũng là tác gia Trung Quốc duy nhất giành giải này (số tiền thưởng là 5000 bảng Anh cho cả tác giả và dịch giả).  

Như vậy, tính ra từ những năm đầu sáng tác là giữa thập niên 80 của thế kỉ XX cho đến thời điểm hiện tại - một quãng đường hơn ba thập niên, hầu như mỗi năm, tác gia Tàn Tuyết đều có tác phẩm xuất bản ở hải ngoại. Tên tuổi và sáng tác của bà được đề cập nhiều trên các phương tiện truyền thông ở các nước. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới sự hiện diện của Tàn Tuyết ở hai quốc gia Mĩ và Nhật. Hi vọng trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm hơn tới vấn đề tiếp nhận nhà văn Trung Quốc đương đại có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất này. Tại Việt Nam, xin nhấn mạnh lại, nếu không có ba bản dịch các tác phẩm Hoàng Nê Phố, Đào nguyên ngoài cõi thế, Bảng lảng trời xanh được xuất bản từ hơn mười năm về trước (2008), thì cho đến nay, có thể nói tiếp nhận Tàn Tuyết tại Việt Nam gần như vẫn là một khoảng trống. Chúng tôi cũng hi vọng trong tương lai, cùng với việc công bố nhiều hơn các bài viết về Tàn Tuyết, sẽ có thêm nhiều bản dịch mới tác phẩm của nhà văn này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Dạ Vũ, 2017. “Tàn Tuyết: Tiếng nói độc đáo của văn học đương đại Trung Quốc”, Tạp chí Zingnews, https://zingnews.vn/tan-tuyet-tieng-noi-doc-dao-cua-van-hoc-duong-dai-trung-quoc-post762561.html, 15/7/2017.

[2] Thư viện tri thức, 2018. “Thế giới văn chương của nữ nhà văn Tàn Tuyết”, https://thuvientrithuc.net/review-sach-the-gioi-van-chuong-cua-nu-nha-van-tan-tuyet.html.

[3] Thúy Hạnh, 2020. “Tàn Tuyết: “Văn học thuần túy” bị ngoại biên hóa là một điều tốt”, Tạp chí văn nghệ Quân đội, 6/4/2020.

[4] Xin xem “残雪:比莫言更有名的中国作家_南方艺术” (“Tàn Tuyết: tác gia Trung Quốc còn nổi tiếng hơn Mạc Ngôn”, Nghệ thuật Nam Phương), https://www.zgnfys.com, 2016-03-24.

[5] Dạ Vũ, 2017. “Tàn Tuyết: Tiếng nói độc đáo của văn học đương đại Trung Quốc”, Tạp chí Zingnews, https://zingnews.vn/tan-tuyet-tieng-noi-doc-dao-cua-van-hoc-duong-dai-trung-quoc-post762561.html, 15/7/2017.

[6] Bradford Morrow, 2006. “Can Xue - Contemporary Chinese Writers” (“Tàn Tuyết - Nhà văn Trung Quốc đương đại”), http://web.mit.edu/ccw/can-xue/appreciations-quotes.shtml.

[7] Kondo Naoko, 2006. “Can Xue - Contemporary Chinese Writers” (“Tàn Tuyết - Nhà văn Trung Quốc đương đại”), http://web.mit.edu/ccw/can-xue/appreciations-quotes.shtml.

[8] Ngo Thuan Phat, 2019. “Tàn Tuyết và Nobel - Đồng mộng dị sàng”, http://ngothuanphat.blogspot.com/2019/10/16-tan-tuyet-va-nobel-ong-mong-di-sang.html.

[9] Xin xem柳慕云, 2016. 残雪在日本的译介与研究, 东北师范大学, 手机知网 (Bản dịch và nghiên cứu Tàn Tuyết tại Nhật Bản, Đại học Sư phạm Đông Bắc, cnki.net), https://wap.cnki.net/touch/web/Dissertation/Article/10200-1017003020.nh.html.

[10] 柳慕云, 2019. “以残雪作品为例看中国当代文学在日本的传播”, 东北师范大学 (“Lấy tác phẩm của Tàn Tuyết làm ví dụ để thấy sự lan tỏa của văn học Trung Quốc đương đại ở Nhật Bản”, Đại học Sư phạm Đông Bắc), http://www.cctss.org/article/headlines/4646, 2019-06-10.

ABSTRACT

The journey to “go global” of the contemporary Chinese woman writer Can Xue

Nguyen Thi Mai Chanh

Faculty of Literature, Hanoi University of Education

         Can Xue is a contemporary Chinese writer of international stature, while in Vietnam, it is assumed that no more than three translations of her works are noticed. This woman writer possesses the most literary works appearing in foreign high school and university textbooks compared with other contemporary Chinese writers. To date, no less than thirty volumes of hers have been translated into more than ten languages and published in a number of countries including the UK, France, Germany, Italy, Sweden, Japan, etc. A myriad of professional researchers, critics and scholars, Sinologists in the West and Japan have written papers on the author's creations. This writing places a priority on introducing the situation of translation and publication of Can Xue's works in two major countries, Japan and the United States, over the past two decades.

         Keywords: Can Xue, works, translation, publication, Chinese literature

(Bài đăng trên Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2021, Số 3, tập 66, tr. 3-11)

 

Post by: admin
14-03-2022