Nghiên cứu khoa học

Nhà văn nữ – nhìn từ tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới trong phê bình văn học miền Nam trước 1975


01-04-2022
Tuy số lượng nhà văn nữ không nhiều so với những đồng nghiệp nam nhưng với những gì mà họ đã thể hiện trong những tác phẩm văn chương, trong hoạt động văn học nghệ thuật, cũng như qua sự tiếp nhận của người đọc cũng đã cho thấy sự hiện hữu của văn chương nữ ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 là điều không thể phủ nhận…

1. Dẫn nhập

Nếu hình dung văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 là một vườn hoa, thì đó là một vườn hoa đầy hương sắc, đa dạng và phong phú, luôn tạo được sự hấp dẫn nơi người tiếp nhận. Một trong những hương sắc làm nên sự hấp dẫn đó, được kết tinh từ những trang văn của các cây bút nữ mà sự xuất hiện của họ trên văn đàn luôn đem đến cho người đọc những bất ngờ, thú vị, làm kinh ngạc không chỉ người đọc mà cả những đồng nghiệp là các nhà văn, nhà phê bình văn học nam giới. Vì vậy, trong đời sống văn học ở miền Nam trước 1975, trên nhiều tạp chí liên quan đến văn học đều đăng những bài phỏng vấn, bài nói chuyện về các vấn đề tâm lý sáng tạo của nhà văn nữ mà ở đó đặc điểm về giới đã thể hiện khá rõ như: bài nói chuyện của Nữ sỹ Nguyễn Thị Hoàng về hành trình sáng tác với sinh viên Văn khoa tại Giảng đường Đại học Văn khoa ngày 11-5-1971, được Nhuệ Hương ghi lại và đăng trên Nghiên cứu Văn học số 5 / 15/7/1971; Bài phỏng vấn “Thời cuộc và đời sống đối với công việc sáng tác” của các Nữ nhà văn: Trùng Dương, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Hoàng, Minh Quân, Túy Hồng, Nhã ca do Lê Phương Chi thực hiện (Bách Khoa số 292 / 1/3/1969); Bài phỏng vấn về quan niệm sáng tác của nhà thơ, nhà viết truyện do Nguiễn – Ngu – Í thực hiện đối với Bà Thu Vân, (Bách Khoa số 107 / 15/6/1961); Nữ nhà văn Linh Bảo, (Bách Khoa số 109/ 15/7/1961); Bà Tùng Long, (Bách Khoa số 112 / 1/9/1961) và Nữ nhà văn Nguyễn Thị Vinh, (Bách Khoa số 125 / 15/3/1962); Bài phỏng vấn nhà văn Túy Hồng trong chuyên mục “Nhà văn ở phút nói thật” do Nguyễn Trần Huy thực hiện (Văn số128/15/4/1969); Bài “Khả năng và phương hướng sáng tạo văn nghệ của người đàn bà” của Nguyễn Thị Hoàng và bài “Khi người phụ nữ làm nghệ thuật” của Nguyễn Thị Thụy Vũ (Văn số 84/15/6/1967); Bài “Đàn bà viết văn” của Trùng Dương (Bách Khoa số 416/ 18/10/1974); Bài nói chuyện về “Trách nhiệm nhà văn” của Nữ văn sĩ Minh Đức Hoài Trinh trên Tin Văn số 46 tháng 4/1966…

Đặc biệt hơn cả, trong việc bàn về phương diện tâm lý sáng tạo của nhà văn nữ nhìn từ đặc điểm giới là cuộc thảo luận bàn tròn với chủ đề “Nói chuyện về các nhà văn Nữ” do Tạp chí Văn tổ chức và đăng tải trên Bán nguyệt san Văn số 206 ra ngày 25/7/1972 giữa các nhà văn, nhà phê bình văn học gồm: Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nhật Duật, Mặc Đỗ, Nguyễn Xuân Hoàng, Viên Linh, Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Nguyễn Đình Toàn… Đây là cuộc thảo luận có ý nghĩa khoa học và thực tiễn không những lý giải về tâm lý sáng tạo của các nhà văn nữ nhìn từ đặc điểm giới mà còn khẳng định nhân vị của họ trong đời sống văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975.

Bên cạnh các bài viết luận bàn trực tiếp về tâm lý sáng tạo của nhà văn nữ nhìn từ đặc điểm giới, văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 còn có những công trình tiểu luận – phê bình khám phá thế giới nghệ thuật trong tác phẩm của các nữ nhà văn từ đặc điểm giới, để lại dấu ấn sâu sắc trong sự tiếp nhận của người đọc. Đó là các tác phẩm: Các nhà văn Nữ Việt Nam 1900- 1970, Nhân Chủ xuất bản, Sài gòn, 1973 của Uyên Thao; Những nhà thơ hôm nay, Nhà văn Việt Nam xuất bản, Sài gòn, 1967 và Nhà văn hôm nay (1954-1969) Nhà văn Việt Nam xuất bản, Sài gòn, 1969 của Nguyễn Đình Tuyến; Lời đề tựa tập thơ Nhã Ca, Thương Yêu xuất bản, Sài gòn, 1972 cuả Nguyên Sa; Mười khuôn mặt văn nghệ hôm nay, Lá Bối xuất bản, Sài gòn, 1972 của Tạ Tỵ,… Và đây cũng là những cứ liệu góp phần minh chứng cho sự hiện hữu của các nữ nhà văn trong đời sống văn học miền nam trước 1975 nhìn từ tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới mà khi nghiên cứu vấn đề này không thể không quan tâm. Bởi theo Uyên Thao: “Trong khoảng thời gian không đầy một năm, số lượng tác phẩm của nữ giới được xuất bản chưa thể là một số lượng quan trọng, nhưng người ta không thể phủ nhận việc nữ giới đã dành được một ưu thế tuyệt đối. Tác phẩm của các tác giả nữ giới như Nhã Ca; Nguyễn Thị Hoàng; Nguyễn Thị Thụy Vũ đã trở thành những sách bán chạy nhất năm 1966 và trong năm này, những bút danh Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn Thị Hoàng; Nguyễn Thị Thụy Vũ và Trùng Dương đã thực sự trở thành quen thuộc với độc giả”.[1] Và những cứ liệu quí hiếm còn lại này sẽ giúp những nhà nghiên cứu trong việc tìm hiểu văn học nữ miền Nam thời kỳ 1954-1975, góp phần bổ khuyết vào việc nghiên cứu văn học Nữ Việt Nam hiện đại.

2. Biểu hiện của tâm lý sáng tạo ở nhà văn nữ miền Nam nhìn từ đặc điểm giới

2.1. Hoàn cảnh xã hội, tài năng của các nhà văn nữ miền Nam trước 1975

Trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975, sự xuất hiện khá đa dạng của các nhà văn nữ với hàng loạt tác phẩm gây xôn xao dự luận như Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng, Đêm nghe tiếng đại bác của Nhã Ca, Mèo đêm của Nguyễn Thị Thụy Vũ; Vết thương dậy thì của Túy Hồng… là một hiện tượng mới lạ tạo sinh khí cho bầu khí quyển văn học miền Nam trước 1975. Với tư cách là nhà văn chuyên nghiệp, sự hiện hữu của các nhà văn nữ đã làm nên sự đối trọng với các nhà văn nam, vốn gần như chiếm “độc quyền” trên văn đàn miền Nam lúc bây giờ. Thế nên, Mai Thảo, một nhà văn “gạo cội” trong văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, khi tham dự bàn tròn “Nói chuyện về các nhà văn nữ” trên Bán Nguyệt san Văn số 206 ra ngày 15/7/1972 cũng đã thừa nhận: “Phải nói rằng ngày nay các nhà văn nữ của chúng ta không chỉ xem công việc viết văn của họ như một tiêu khiển chốc lát như các nhà văn nữ tiền chiến. Nhà văn nữ ngày nay xem công việc viết văn như một nghề. Họ sống hẳn với nghề này, theo đuổi và thực hiện nó đến cùng”.[2] Và để làm rõ hơn tính đối trọng này, từ việc quan sát đời sống văn học miền Nam lúc bấy giờ, Mai Thảo đã chia sẻ: “Tôi muốn đặt ra vấn đề ảnh hưởng và tác động của tác phẩm. Đến bây giờ, văn chương nữ đã gây được một tác động nào với người đọc? Câu trả lời theo tôi là có. Thế giới văn chương trước kia chỉ được tạo dựng bởi những tác phẩm đàn ông. Đời sống chỉ được chiếu sáng và biểu hiện bằng cái nhìn, bằng ý thức đàn ông. Nếu văn chương nữ không làm vỡ được cái thế giới này thì nó cũng đã là một thế giới thứ hai, đặt bên cạnh thế giới thứ nhất trước kia duy nhất, và mặc nhiên đã tạo được ở người thưởng ngoạn một tâm trạng đối chiếu so sánh, xét lại. Những điều đàn ông viết ra không còn được chấp nhận vô điều kiện nữa. Một vấn đề bây giờ được chiếu soi bằng hai thứ ánh sáng. Và người đọc đã có một thái độ, một tâm trạng mới. Họ nhìn sự vật dưới hai thứ ánh sáng. Đối chiếu so sánh. Rồi mới chấp nhận đâu là sự thật, cho họ”.[3]

Có thể nói, sự tồn tại của nhà văn, không phải do phái tính tạo nên mà do tài năng được thể hiện qua cá tính sáng tạo của họ trong tác phẩm văn chương. Bởi, chỉ có tác phẩm văn chương mới xác tín cho sự hiện hữu của nhân vị nhà văn trước cuộc đời. Một nhà văn không sáng tạo ra tác phẩm văn chương mang dấu ấn riêng của mình có nghĩa là, nhà văn đó đã tự đưa mình ra khỏi thánh đường văn chương để đến với nghĩa trang văn học, cho dù họ có mang trên mình những danh hiệu “hào nhoáng”. Vì vậy, khi “Nói chuyện về các nhà văn nữ”, các nhà văn, nhà phê bình văn học, không chỉ khẳng định tính chuyên nghiệp cũng như vai trò của của các nữ nhà văn mà họ còn đi sâu phân tích tâm lý sáng tạo của các nhà văn nữ miền Nam giai đoạn 1954 -1975 mà theo luận giải của Mai Thảo: “Vấn đề đặt ra là tại sao, bởi đâu mà có được sự có mặt rực rỡ của các nữ nhà văn Việt Nam? Theo tôi để trả lời câu hỏi này, ta có thể nói rằng quả thật những nhà văn nữ hiện nay đã làm trái lại những gì mà hoàn cảnh lịch sử xã hội, thân phận đàn bà trước kia đã cấm đoán họ. Sự phá vỡ và làm nỗ tung những ràng buộc cũ của họ để đạt đến cái biên giới mới này, chính là văn chương”[4].

Không chỉ từ góc nhìn tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới mà còn từ góc nhìn nữ quyền luận, Mai Thảo đã xác quyết quan điểm của mình trong việc nhìn nhận văn tài cũng như chia sẻ về “ý thức bùng vỡ” (từ dùng của Phạm Công Thiện – THA) của các nhà văn nữ, khi cho rằng: “Làm văn chương ở người đàn bà bây giờ đồng nghĩa với lên tiếng đòi quyền được sống, bình đẳng và tự do như đời sống đàn ông. Viết bởi vậy là một phản ứng, một thái độ. Điều này giải thích được cho cái không khí phá phách, cái sắc thái quá khích ta thấy bàng bạc cùng khắp trong các tác phẩm phái nữ bấy giờ. Có thể rồi sau này sự quá khích đó sẽ lắng xuống, và viết văn với đàn bà khi đó không chỉ còn thu hẹp với trong ý nghĩa một lên tiếng, một phản ứng”.[5]

Khác với cái nhìn của Mai Thảo, từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh khi luận giải tâm lý sáng tạo của các nhà văn nữ, Nguyễn Nhật Duật cho rằng: “Ảnh hưởng rơi rớt mơ hồ của nền văn chương hiện sinh cũ, trước và sau năm 62 đã đóng góp vào sự thành hình tác phẩm của các nhà văn nữ này. (…) Những nội dung táo bạo không phải là tự do mà là sự buông thả. Kẻ nào dám sống với kinh nghiệm đời sống họ sẽ là nhà văn. Nhưng họ vẫn còn tìm kiếm không bao giờ gặp được một cái gì mơ hồ. Đề tài mà họ đụng chạm đến không khác gì đề tài mà các nhà văn nam sử dụng. Đó chỉ là sản phẩm tất yếu của xã hội. Bởi vì không có Nguyễn Thị Hoàng này thì sẽ có một Nguyễn Thị Hoàng khác”.[6]

Bình tĩnh và điềm đạm hơn, Mặc Đỗ đặt một vấn đề mang tính qui luật trong sáng tạo văn học khi ông cho rằng: “Tại sao chúng ta không nghĩ rằng còn có một yếu tố khác nữa làm thành tác phẩm của các nhà văn nữ: lòng yêu văn chương của họ”.[7] Và từ ý kiến của Mặc Đỗ, Nguyễn Nhật Duật đã đi đến một khái quát mang tính lý thuyết trong sáng tạo văn chương khi ông cho rằng: “Hoàn cảnh + Sự ham mê văn chương -> văn chương”. Nhưng Nguyễn Xuân Hoàng lại không đồng ý với Nguyễn Nhật Duật. Bởi, theo ông: “Việc sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật nói chung và một tác phẩm văn chương nói riêng, trước hết đòi hỏi tài năng của tác giả nhiều hơn bất cứ một yếu tố nào khác. Hoàn cảnh xã hội, môi trường địa lý cấu tạo cơ thể, lòng yêu thích văn chương… chỉ nên coi như những cây “vít” vặn chặt tấm ván tài năng vào tác phẩm của họ”.[8] Rõ ràng, sự quyết định trong hành trình sáng tạo của nhà văn dù là nam hay nữ, để có tác phẩm không thể không có tài năng. Vì thế, ý kiến của Nguyễn Xuân Hoàng về việc nhìn nhận sự thành công của các nhà văn nữ trong giai đoạn 1954-1975 là do tài năng của họ đã nhận được sự đồng thuận của Mai Thảo khi ông chia sẻ: “Đồng ý với Nguyễn Xuân Hoàng nhưng theo tôi cần phải nói thêm là yếu tố tài năng ấy rất hữu hạn nơi các nhà văn nữ tiền chiến. Tôi thành thực kinh ngạc về cách thức viết truyện của một số nhà văn nữ hiện đại. Trong vài trường hợp các nhà văn nữ ngày nay đã vượt xa các nhà văn nữ thời trước”.[9] Song, ý kiến này của Mai Thảo không nhận được sự đồng tình của Dương Nghiễm Mậu vì theo ông: “Tiền chiến có Thụy An. Tôi có được đọc quyển Bốn Mớ Tóc. Thụy An theo tôi vẫn là một nhà văn nữ lớn. Bây giờ nói đến bút pháp, tôi nghĩ đến Túy Hồng”.[10] Tuy nhiên, ý kiến của Dương Nghiễm Mậu vẫn không thuyết phục được Mai Thảo vì trong cái nhìn đối sánh với các nhà văn nữ ở miền Nam, theo Mai Thảo: “Bà Thụy An chỉ viết được một số ít truyện ngắn thôi, còn các nhà văn nữ ngày nay tác phẩm họ xuất hiện đều đặn, phong phú rực rỡ chưa từng thấy”.[11] Mặc dù đã đưa ra những lý lẽ như thế nhưng ý kiến Mai thảo vẫn chưa thuyết phục được Nguyễn Nhật Duật và ông vẫn giữ quan điểm của mình khi cho rằng tài năng không chỉ là yếu tố quyết định đối với hành trình sáng tạo của nhà văn. Bởi theo Nguyễn Nhật Duật: “tài năng riêng không đủ. Bầu không khí khích lệ là yếu tố quan trọng hơn cả”.[12] Và để làm rõ vấn đề mà các nhà văn quan tâm khi thảo luận về sự “lên ngôi” của các nhà văn nữ trong đời sống văn học miền Nam trước 1975 nhìn từ đặc điểm giới, một lần nữa Nguyễn Xuân Hoàng đã luận giải khá thuyết phục khi ông cho rằng: “Đúng, ý kiến anh Duật phải được chia làm hai phần. Phần thứ nhất Tài Năng Riêng Không Đủ. Chẳng ai chống đối điều này. Nhưng còn phần thứ hai Bầu không khí là yếu tố quan trọng hơn cả. Điều này tôi chống đối. Bầu không khí, hoàn cảnh xã hội, môi trường sinh hoạt… là một yếu tố và chỉ là một yếu tố gần như sau cùng làm vỡ tung một ung nhọt đã mưng mủ. Bao nhiêu người sống cùng thời với Nguyễn Du, thở cái không khí của Nguyễn Du, cùng giai cấp với Nguyễn Du, chi phối bởi cái môi trường địa lý của Nguyễn Du… vậy mà có phải ai cũng là Nguyễn Du đâu. Tôi nhắc lại Tài Năng Vẫn là Một Yếu Tố Quan Trọng hơn cả”.[13] Trên cơ sở những tranh luận hết sức dân chủ với tinh thần khách quan khoa học, để tạm kết luận vấn đề bàn về hoàn cảnh sống và tài năng có tác động như thế nào đối với tâm lý sáng tạo của nhà văn nữ nhìn từ đặc điểm giới, Mặc Đỗ đã chia sẻ: “Đúc kết ý kiến của Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Nhật Duật, theo tôi thì sự thành hình tác phẩm cùng với đặc thù của thế giới tiểu thuyết các nhà văn nữ ngày nay, chính là một tổng hợp những yếu tố hoàn cảnh xã hội, môi trường địa lý, những biến cố lịch sử và nhất là tài năng của tác giả. Riêng về ý kiến của Dương Nghiễm Mậu, thì theo tôi chính là nhằm mở rộng vấn đề mà hiện chúng ta đang nói chuyện đó thôi. Trường hợp các nhà văn nữ Việt Nam cũng chẳng khác nào các nhà văn nữ thế giới”.[14] Và theo Mai Thảo: “Ở Việt Nam nền văn chương nữ vẫn có những đặc thù của nó, và sự xuất hiện của nó là có một mặt chậm trễ so với nền văn chương nữ của thế giới đã phong phú từ bao nhiêu năm trước đây”.[15]

Như vậy, khi bàn về vấn đề hoàn cảnh xã hội và tài năng đã tác động như thế nào đến tâm lý sáng tạo của các nhà văn nữ nhìn từ đặc điểm giới, tuy vẫn còn có những ý kiến cần được thảo luận nhưng nhìn chung các nhà văn, nhà lý luận phê bình nam giới, vốn là những người có uy tín trong đời sống văn học ở miền Nam trước 1975 đều có điểm gặp gỡ khi cho rằng: hoàn cảnh xã hội và tài năng là những yếu tố cơ bản tác động đến tâm lý sáng tạo văn chương của các nhà văn nữ miền Nam trong giai đoạn 1954-1975 nhìn từ đặc điểm giới. Và đây là điều không thể phủ nhận.

2.2. Phản kháng xã hội hay sự nỗi loạn mang tâm thức hiện sinh của cac nhà văn nữ

Khi bàn về tâm lý sáng tạo văn chương của nhà văn nữ ở miền Nam trước 1975, bên cạnh những ý kiến luận giải về tài năng, môi trường sống, các yếu tố địa văn hóa tác động đến văn chương của các nhà văn nữ trong văn học miền Nam, Nguyễn Nhật Duật đã đặt vấn đề: “sự bột phát với tính cách ồ ạc của nền văn chương này là hậu qủa của sự gò bó quá lâu. Đó là một phản ứng mãnh liệt chống lại sự gò bó trước đó”.[16] Đây cũng là ý kiến của Nguyễn Xuân Hoàng khi ông cho rằng: “Phải chăng sự táo bạo trong các tác phẩm và đề tài của các nhà văn nữ hiện nay biểu lộ tính đặc thù của nền văn chương nữ ấy”.[17] tức là sự phản ứng “chống lại sự gò bó trước đó” như ý kiến của Nguyễn Nhật Duật hay là do một nguyên nhân nào khác. Điều này đã tạo nên sự tranh luận sôi nổi và thú vị giữa các nam nhà văn tham gia cuộc “nói chuyện về các nhà văn nữ” trên Bán nguyệt Văn số 206 ra ngày 15/7/1972.

Theo Huỳnh Phan Anh, các nhà văn nữ ở miền Nam lúc bấy giờ “táo bạo hơn các nhà văn nam, mặc dù chưa chắc rằng họ táo bạo hơn các nhà văn nữ của thế giới. Đồng ý Túy Hồng là một tài năng đáng kể về phái nữ, nhưng tài năng đó cần được nhìn ngắm như thế nào, đó mới là điều quan trọng. Nhân vật, câu chuyện, bút pháp của họ, chẳng hạn”.[18] Ý kiến của Huỳnh Phan Anh đã đặt ra một yêu cầu hết sức chuyên nghiệp và mang tính lý thuyết nhằm luận giải một cách khách quan và khoa học về hành trình sáng tạo nhìn từ đặc điểm giới của các nhà văn nữ miền Nam lúc bấy giờ nên được Mặc Đỗ xem như một gợi mở để thảo luận tìm ra lời giải cho vấn đề khi ông cho rằng: “Nên xét lại vấn đề trước khi khai triển ý kiến của Huỳnh Phan Anh. Có nên nói tổng quát hay đi vào chi tiết đề cập đến từng cá nhân? Mặt khác cần quan niệm chữ táo bạo thế nào cho đúng. Riêng tôi táo bạo trong văn chương nữ bây giờ là do họ đã dám đề cập đến những gì mà trước kia họ không dám đề cập. Họ đã viết đến nó, đụng chạm đến nó một cách đường hoàng không giấu giếm và không che đậy”.[19] Ý kiến của Mặc Đỗ đã nhận dược sự đồng tình của Nguyễn Xuân Hoàng khi ông xác quyết: “Tôi chấp nhận ý kiến này của anh Mặc Đỗ, và theo tôi, chính với ý nghĩa đó, ý nghĩa chật hẹp đó đã làm giảm sút giá trị trong tác phẩm của họ. Chữ táo bạo phải được hiểu theo một nghĩa rộng hơn, táo bạo là đề cập đến những đề tài ngoài đề tài dục tình, đề tài thân thể”.[20] Còn Viên Linh thì lý giải sự táo bạo trong tác phẩm của các nhà văn nữ lúc bấy giờ từ góc nhìn đạo đức Á Đông khi ông cho rằng: “táo bạo theo tôi chính là sự sai biệt giữa mô thức giáo dục dành cho phụ nữ Á Đông và những gì họ đã viết ra”.[21] Và cách nhìn thiên về đạo đức mà Viên Linh đã đặt ra cũng là cách nhìn của Nguyễn Nhật Duật: “Táo bạo ở thái độ, cách nhìn và đề tài về sự tương quan ngang hàng với nam giới”.[22] mà theo Viên Linh thì các nhà văn nữ “đã làm hơn chứ không phải ngang hàng” với các nhà văn nam. Còn theo Nguyễn Nhật Duật “Người viết văn nữ ngày nay đã giành lại cái ưu quyền về Nghĩ, Cảm và Sống như nhà văn Nam”.[23] Và để tranh luận với quan điểm của Nguyễn Nhật Duật, Huỳnh Phan Anh đã đặt vấn đề: “Tôi muốn hỏi anh Duật rằng văn chương nữ giới bây giờ phải chăng chỉ là một phản ứng, một sự nỗi loạn trước những giới hạn, những kềm kẹp xưa kia? Ngoài là một phản ứng nó còn là một cái gì khác?”.[24]

Để trả lời Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Nhật Duật cho rằng: “Sự bột phát này phát xuất từ một thái độ phản kháng. – Về câu hỏi thứ hai phải được hiểu rằng sự khao khát của họ là gì? Mặc dù tôi không phải là đàn bà (nhiều người cười), theo tôi thì đó là mối lo toan hạnh phúc. Ấy là mối lo toan muôn thuở của người đàn bà, và nó cũng chỉ đi đến đó mà thôi”.[25] Ý kiến này của Nguyễn Nhật Duật đã nhận được sự đồng tình của Mai Thảo khi ông cho rằng: “Vấn đề hạnh phúc anh Nguyễn Nhật Duật vừa nêu ra là một vấn đề cần được xét lại. Sự khao khát hạnh phúc trước kia đã có chứ không phải bây giờ mới có. Ngày nay phải nói làm văn chương ở các nhà văn nữ mang cái khí thế một cuộc xuống đường rầm rộ. Họ xác nhận sự có mặt của họ, trước đã. Xuống đường thì họ xuống rồi. Đi tới đâu, chưa biết. Văn chương nữ mới nằm trong giai đoạn khởi đầu. Nó chưa có quá khứ hay một quá trình rõ rệt”.[26] Và để thể hiện sự đồng tình của mình về ý kiến của Mai Thảo cho rằng các nhà văn nữ tham gia làm văn chương là để xác định sự hiện hữu của mình nên Nguyễn Nhật Duật cho rằng: “Sự phản kháng” trong văn chương của các nữ nhà văn không chỉ là sự “chống lại những gò bó trước kia” mà đó chính là một “sự tự xác nhận để cho người khác nghe được tiếng nói của mình, ưu tư của mình” và xem đây là một đặc điểm biểu hiện của của tâm lý sáng tạo ở nhà văn nữ trong văn học miền Nam lúc bấy giờ. Nhưng Huỳnh Phan Anh lại không đồng tình với ý kiến này nên ông đã xác quyết: “đó không phải là đặc điểm của văn chương nữ” mà “là một thái độ chung cho bất cứ người đàn bà ở đâu và bất cứ thời nào. (…) Từ đó suy ra, người đàn bà viết văn có cái thất lợi là họ không làm cách nào cho người đọc quên được họ là đàn bà”.[27] Và để minh chứng một cách sâu sắc hơn quan điểm của mình, Huỳnh Phan Anh đã luận giải: “Màu sắc táo bạo trong văn chương nữ giới ở Việt Nam đã giúp họ thành công ít ra ở phía độc giả. Sự thành công ấy có thể giải thích được: lý do là họ nói những gì trước kia họ không được phép nói. Và điều này đã tạo nên những ngạc nhiên, những bất ngờ cho người đọc. Nhưng đồng thời đó cũng là lý do thất bại của họ, bởi vì họ chưa cởi bỏ hết những mặc cảm của một người phụ nữ với tư cách của một người viết văn”.[28] Song, Nguyễn Nhật Duật thì cho rằng: “Sự thất bại đó không phải do họ mà do một áp lực nặng nề có tính cách truyền thống”.[29] Còn Huỳnh Phan Anh thì tiếp tục luận giải sự “nỗi loạn” ở các nhà văn nữ miền Nam như một tiến trình vận động tất yếu trong hành trình sáng tạo văn chương của họ, khi cho rằng: “sự khủng hoảng này là một giai đoạn để đưa đến một giai đoạn khác. Nghĩa là sau những ồn ào họ sẽ bình tỉnh hơn và lúc bấy giờ họ sẽ không viết văn như một người đàn bà viết văn, mà họ sẽ viết văn như một nhà văn. Tôi vẫn có cái ý nghĩ là dường như một người đàn bà viết văn họ vẫn còn mang theo tất cả cái tình cảm đàn bà của họ”.[30] Và trong những luận giải của mình, hỉnh như Huỳnh Phan Anh đã mâu thuẩn với chính ông. Bởi một mặt, ông muốn các nhà văn nữ khi viết văn cần vượt lên cái tâm lý đàn bà của mình để chỉ còn viết văn như một nhà văn thuần túy, không bị chi phối bởi đặc điểm phái tính. Nhưng mặt khác, ông lại mặc nhiên cho rằng người đàn bà viết văn họ “luôn mang theo cái tình cảm đàn bà của họ”. Chính sự mâu thuẩn này đã cho thấy việc nhìn nhận tâm lý sáng tạo văn chương của các nhà văn với tư cách là những cá tính sáng tạo mang đặc điểm giới là một tất yếu mang tính qui luật trong quá trình sáng tạo của nhà văn dù đó là nam hay nữ. Vì vậy, khi nhìn nhận ý kiến của Huỳnh Phan Anh qua những luận giải của ông, Nguyễn Đình Toàn đã chia sẽ: “Vậy thì Huỳnh Phan Anh cũng đồng quan điểm với Nguyễn Nhật Duật ở chỗ sự viết văn của các bà chính là sự tự xác nhận về sự có mặt đàn bà của họ”.[31] Điều mà theo chủ nghĩa hiện sinh đó là “tự xác tín” về sự hiện hữu của “Nhân vị Đàn Bà”.

Vì thế, theo chúng tôi sự xác nhận của các nhà văn nữ về sự hiện hữu của mình trong đời sống văn chương nói riêng và cuộc sống nói chung với những sự táo bạo khi miêu tả về tính dục, về thân xác, đó chính là sự nỗi loạn của một tâm thức hiện sinh ở các nhà văn nữ mà sự tác động và ảnh hưởng của triết lý hiện sinh đã du nhập vào xã hội miền Nam lúc bấy giờ là một tất yếu không thể phủ nhận. Và có thể nói đây là một trong những nguyên nhân tạo nên “sự táo bạo” mang tính nỗi loạn trong văn chương của các nhà văn nữ ở miền Nam trước 1975. Bởi, nói như Mai Thảo: “Khả năng văn chương nữ bây giờ cho phép họ đề cập đến tất cả mọi vấn đề. Có điều bất cứ cuộc giải thoát nào trước hết là một giải thoát thân xác, nhất là cho đàn bà. Rồi họ sẽ đề cập đến những chủ đề khác. Nhưng bây giờ họ đang nói đến thân xác, dù không phải nói như một người vô luân. Thân xác là chủ đề lớn nhất hiện nay. Và họ đã đề cập tới nó”.[32] Vì thế, khi có ý kiến đặt vấn đề phải chăng, việc tác phẩm văn chương của các nhà văn nữ đề cập đến vấn đề tính dục là “một bệnh lý” thì Huỳnh Phan Anh đã phản bác  quyết liệt. Bởi, theo ông: “Nên tránh sử dụng danh từ bệnh lý trong văn chương đàn bà, Theo tôi người đàn bà thất lợi trong việc viết văn. Vì họ phải trải qua, vượt qua chính thân phận của họ để được ngang hàng với đàn ông. Sự quá quắt trong văn chương đàn bà ở Việt Nam biểu lộ sự bất lợi của họ và kỳ lạ thay đó cũng là sự thành công của họ trên một phía nào đó”.[33]

Như vậy, việc nhìn nhận tác phẩm văn chương của nhà văn nữ ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 nhìn từ tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới mà biểu hiện ở đây là sự táo bạo mang tính nỗi loạn của một tâm thức hiện sinh của các nhà văn nữ là một vấn đề được các nhà văn, nhà phê bình văn học nam giới quan tâm thảo luận nhưng không phải đã có sự thống nhất. Vì vậy, để dễ có sự cảm thông hơn, Mặc Đỗ đã đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không nhận thức sự chú trọng về sinh lý ở các nhà văn nữ một cách đơn giản hơn. Họ sẽ nói như thế này, chẳng hạn: “Chúng tôi viết về sexe vì chúng tôi hiểu vấn đề này hơn các ông”. Chẳng cần đào sâu hơn”.[34] Nhưng ý kiến của Mặc Đỗ cũng gặp phải sự phản bác của Nguyễn Nhật Duật khi ông cho rằng sự xuất hiện của văn chương nữ giới lúc này đã: “tạo thành một giao động thực sự trong xã hội, phản ánh một tâm trạng đặc biệt và khác thường của người đàn bà bấy giờ, qua các tác phẩm văn chương phụ nữ, chứ nó không chỉ đơn giản như anh Mặc Đỗ nói”.[35] Và đây cũng là ý kiến phủ nhận lại cách nghĩ đơn giản đó của Mặc Đỗ từ Nguyễn Thị Thụy Vũ, người được mệnh danh là một trong những “nữ quái” của văn chương nữ miền Nam trước 1975, khi bà xác quyết rằng: “Có lẽ một ngày nào đó, độc giả sẽ bảo rằng: trong vòng như năm 1964-1966, các tạp chí chỉ “lăng xê” các cô văn sĩ viết văn gần như viết dâm thư. Đừng nói vậy mà tội vì một khi cô nào đó tả những màn làm ái tình cụp lạc chỉ cốt để giải tỏa ẩn ức sinh lý, chính cô đó mới cố tình khiêu dâm. Còn nếu viết về những pha cụp lạc mê ly để diễn tả tâm trạng, hay một khía cạnh bài xích tệ đoan dĩ nhiên là cô đó vẫn là một văn sĩ vì cô biết trách nhiệm của mình một khi cầm bút”.[36] Phải chăng, chính tinh thần phản kháng mang tâm thức hiện sinh đã làm nên một lớp nhà văn nữ giàu cá tính sáng tạo mang đặc điểm giới mà khi nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975, không thể không đề cập đến.

2.3. Giới hạn về tư tưởng trong văn chương của các nhà văn nữ miền Nam trước 1975,  nhìn từ đặc điểm giới

Khi nghiên cứu nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, một trong những vấn đề mà các nhà lý luận – phê bình quan tâm là “hàm lượng tư tưởng” trong tác phẩm văn chương của nhà văn, trong đó có các nhà văn nữ. Tư tưởng trong quan niệm của các nhà lý luận – phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 không phải là “quan điểm, lập trường” mà đó là vấn đề tri thức lịch sử, văn hóa, triết học, mỹ học… thể hiện qua cái nhìn của nhà văn về cuộc đời, về thân phận con người. Vì vậy, đây cũng là một trong những vấn đề mà các nhà văn, nhà phê bình nam giới quan tâm khi thảo luận về tâm lý sáng tạo văn chương của các nhà văn nữ nhìn từ đặc điểm giới được Mặc Đỗ đặt ra để mọi người thảo luận. Theo ông: “Điều đang nhìn thấy là hiện có chục nhà văn nữ đang viết, đang hoạt động văn nghệ. Đó là một con số đáng kể, một phong trào. Ngày trước chỉ có một Thụy An viết văn. Bây giờ là hàng chục Thụy An. Điểm chờ đợi của mọi người là khi viết về dục tình, không biết những nhà văn nữ có đề cập được tới các vấn đề khác không, hay chỉ có vậy. Cái thiếu lớn trong văn chương là tư tưởng”.[37] Vấn đề Mặc Đỗ nêu ra đã tạo nên những ý kiến trái chiều ở các nhà văn, nhà phê bình văn học tham gia cuộc thảo luận này. Nguyễn Xuân Hoàng không tán thành hoàn toàn với Mặc Đỗ khi cho rằng cái “thiếu lớn trong văn chương” các nhà văn nữ là tư tưởng và ông đã biện minh rằng: “Tư tưởng trong tác phẩm đã có ở một vài người. Mới manh nha thấp thoáng thôi, nhưng đã có. Đến đây phải đặt ra vấn đề kiến thức. Tôi nói kiến thức sống không nói học vấn. Các nhà văn nữ đang có những cố gắng đáng kể về mặt tư tưởng. Để khắc phục sự thiếu sót anh Mặc Đỗ vừa nói”.[38] Còn Huỳnh Phan Anh thì đi sâu phân tích tư tưởng trong tác phẩm của các nhà văn nữ từ một góc nhìn khác mang tính lý luận văn học mà ông gọi đó là “ưu tư văn chương”. Và theo sự diễn dịch của ông: “Tác phẩm các bà bộc lộ một số uu tư sôi nổi, liên quan mật thiết đến đời sống nói chung. Những ưu tư ấy nổi bật người đọc thấy rõ. Chỉ thiếu vắng cái ưu tư tôi gọi nôm na là ưu tư văn chương nằm trong cách viết cách làm mới tác phẩm. chúng ta đã thấy các bà chỉ viết truyện dài, ít làm thơ, không viết ra những suy tưởng về những điều mình viết, là bởi thế, bởi một thiếu vắng ưu tư văn chương. Ưu tư về đời sống ở họ đã có rồi. Sau này những ưu tư về đời sống ở họ có thể vẫn còn, đồng thời ưu tư về văn chương cũng sẽ được họ biết tới”.[39] Bởi, trong suy niệm của Huỳnh Phan Anh, ưu tư văn chương là một trong những hệ giá trị của tác phẩm văn học góp phần thể hiện những khát khao “thay đổi bộ mặt đời sống”.

Có thể nói, việc nhìn nhận những giới hạn về tư tưởng trong sáng tạo tác phẩm văn chương của các nhà văn nữ mà các nhà văn nam đã thảo luận cũng là suy nghĩ, là cách nhìn của chính những nhà văn nữ mà Nguyễn Thị Hoàng trong bài viết “Khả năng và phương hướng sáng tạo văn nghệ của người đàn bà” đã tự nhận: “Trong văn giới Quốc Tế và nói riêng Việt Nam, những cây bút nữ lưu chỉ chiếm một thiểu số thấp thoáng trong khi đó bên phái nam giữ đa số với một lực lượng hùng hậu vững bền và thường trực. Điều đó có phải là vì phải nữ không đủ khả năng? Một cách khách quan và vô tư, chúng tôi có thể nhận định người đàn bà chiếm thiểu số trong văn giới một phần là do thành kiến khắt khe của xã hội Đông phương, quan niệm người đàn bà viết văn là phóng túng lãng mạn, mầm mống của hư hỏng đời sống và tâm hồn, một phần vì đời sống bọ hạn hẹp, gò bó trong khuôn khổ nên khả năng do đó không phong phú triển khai. Vả lại cho dù xã hội và hoàn cảnh có mặc nhiên công nhận và cho phép người đàn bà quyền sáng tạo văn nghệ một cách tự do, hồn nhiên người đàn bà vẫn sút kém so với đàn ông trong phạm vi nghệ thuật. Là bởi đối với đàn ông sáng tác là công trình xây dựng của lý trí, của ý thức trong lúc người đàn bà sáng tác do sự thúc đẩy của một hoàn cảnh đặc biệt, những lôi cuốn của rung động, của hứng khởi bất ngờ và vì vậy thiếu phương hướng, thiếu hẳn những khía cạnh khám phá khai thác của đàn ông”.[40] và để lý giải cho vấn đề này từ đặc điểm tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới, Nguyễn Thị Hoàng đã chỉ ra ba vấn đề của sự giới hạn trong khả năng sáng tạo của giới nhà văn nữ đó là: Thứ nhất “Trên thực tế, về giao thiệp người đàn bà thường bị gò bó trong một vũ trụ nhỏ bé eo hẹp” theo kiểu quan niệm của phương Đông; Thứ hai: “Không những chỉ trên đời sống thực tế mà trong tư tưởng người đàn bà cũng không thể phong phú, vì không tự do, khoáng đạt như đàn ông” Và “Từ sự hạn hẹp của đời sống thực tế và tư tưởng, tất nhiên cảm xúc, yếu tố căn bản sáng tạo của người đàn bà cũng không được ghi nhận và biểu lộ hồn nhiên trọn vẹn”.[41] Còn Nguyễn Thị Thụy Vũ khi nhìn nhận về sự thiếu vắng tính tư tưởng trong văn chương của các nhà văn nữ mà mình là một thành viên, Nguyễn Thị Thụy Vũ tự thú một cách đáng yêu nhưng cũng không kém phần chua chát khi cho rằng: “Cái thiên chức của phụ nữ hầu như để làm thỏa mạn thị giác và thính giác phái mạnh. Có nhiều lúc tôi cảm thấy chua chát là phái đẹp không nên tạo những chất bồi bổ cho tinh thần phái mạnh vì than ôi, Thi sĩ Lamartine đã nói: “Tư tưởng người đàn bà không dài hơn một sợi tóc”. Đàn bà có thể là người học thức, chứ rất hiếm người trí thức. Chua chát hơn nữa, mỗi khi các ông xem một tác phẩm của một nữ sỉ nào đó, các ông chỉ muốn thỏa mãn tánh tò mò. Bởi vậy các bạn cầm bút phái đẹp chớ có mơ màng rằng các ông xem tác phẩm của mình là để học hỏi thêm, mở mang trí thức thêm”.[42] Bởi vậy, Nguyễn Thị Thụy Vũ cho rằng; “Người đàn bà cầm bút thật gian nan (…) Đàn bà viết văn thường có cái chua chát” nên theo Nguyễn Thị Thụy Vũ: “văn đàn Việt Nam rất mong mõi một người nữ sĩ lăn xả vào cuộc sống, tìm tài liệu để sáng tác. Phải chấp nhận xã hội, phải tìm cảm hứng trong xã hội”.[43] Những điều mà Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ đã thành thật sẻ chia cũng đã phần nào mặc nhiên công nhận sự giới hạn về tư tưởng trong tác phẩm văn chương của các nhà văn nữ miền Nam trước 1975 nhìn từ tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới mà các nhà văn, nhà phê bình văn học đã quan tâm thảo luận. Đây cũng là một trong những biểu hiện của văn chương nữ miền Nam trước 1975 nhìn từ đặc điểm giới mà khi nghiên cứu chúng ta không thể không đề cập đến, nếu muốn có một sự tiếp nhận thấu đáo và toàn diện.

3. Thay lời kết

Có hay không diện mạo văn chương nữ miền Nam trước 1975 mang đặc điểm giới trong tâm lý sáng tạo, thể hiện qua ý kiến thảo luận thẳng thắn, trên tinh thần khoa học, khách quan, dân chủ, chấp nhận những khác biệt trong ý thức cũng như bút pháp của mỗi nhà văn, là điều mà chúng ta có thể tìm thấy trong cuộc nói chuyện bàn tròn về nhà văn nữ đã được trình bày ở trên. Tuy số lượng nhà văn nữ không nhiều so với những đồng nghiệp nam nhưng với những gì mà họ đã thể hiện trong những tác phẩm văn chương, trong hoạt động văn học nghệ thuật, cũng như qua sự tiếp nhận của người đọc cũng đã cho thấy sự hiện hữu của văn chương nữ ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 là điều không thể phủ nhận. Bởi, nói như Mai Thảo:“Nếu văn chương có những người mở đường, thì ở phía phụ nữ, những nhà văn nữ hiện nay của chúng ta đích thực là những người mở đường. Đó là một sự thật không thể phủ nhận. (…) Về vị trí về chỗ đứng thì là như thế. Nhà văn nữ không còn chịu đứng trên một đường lề chênh vênh nào nữa, mà đã ở hẳn trong sinh hoạt, có mặt ở hết thảy mọi địa hạt trước kia chỉ là sự có mặt duy nhất của nam giới. (…) Trước hết vì những cây viết nữ hàng đầu hiện nay của chứng ta mỗi người đều chói sáng một bản sắc riêng tây. Túy Hồng linh động giàu có, vô tận trong nghệ thuật diễn tả những tình tiết quay động lắt léo. Trùng Dương phóng khoáng trong cả sống và viết là hình ảnh người đàn bà tự do độc lập bây giờ. Nguyễn Thị Hoàng như một dòng sông tình cảm ào ạt càng ngày càng đi tới chế ngự, làm chủ được một bút pháp tinh vi, thuần thục hơn trước. Nhã Ca làm thơ hay, khi viết truyện, truyện nào cũng có một vấn đề thời thế, xã hội nóng bỏng đựng trong nó. Nguyễn Thị Thụy Vũ hồi trước nỗi tiếng là táo bạo nhất, bây giờ đã tự chế, đã trầm tỉnh, là cái thái độ tốt của một người viết muốn thực hiện tác phẩm lớn. Nguyễn Thị Vinh tuy vẫn ở lại với cõi văn chương Tự Lực Văn Đoàn nhưng đã đạt được những tiến bộ đáng kể do với Nguyễn Thị Vinh ngày trước. Thêm một Trần Thị Ngh. Làm kinh ngạc với mấy truyện ngắn đầu tay, và rõ ràng là các nhà văn nữ tôi vừa kể tên, nếu chưa làm mới được văn chương nói chung, đã tạo được cho văn chương nữ giới một kích thước, một khuôn mặt mới. vậy mà họ mới bắt đầu đó thôi. Triễn vọng của họ là ở đó. Không phải là ở những cái họ đã thực hiện được. Mà ở nơi họ chỉ mới bắt đầu. Tôi gọi chung đó là một thế lực văn chương đang chuyển động. Trong khi ở phái nam, nhiều thế lực đã kết thúc, đã đứng lại”.[44]

Ý kiến này của Mai Thảo có thể là sự khái quát quan điểm của các nhà văn, nhà  phê bình văn học nam giới trong việc nhận diện chân dung về tâm lý sáng tạo mang đặc điểm giới của nhà văn nữ ở miền nam trước 1975. Bởi, theo nhà văn Trùng Dương, một cây bút nữ, vừa viết văn vừa làm báo trong bài viết “Đàn bà viết văn” (Bách Khoa số 416, ra ngày 18/10/1974 thì “Bước qua giai đoạn hâụ bán thế kỷ với sự xuất hiện của những Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng, Thụy Vũ, Trùng Dương của những năm 60-70 và còn hứa hẹn thêm những xuất hiện khác của những Trần Thị Ngh, Lệ Hằng, Dung Sài gòn, Nguyễn Đức, Thục Viên v…v… trong thập niên 70 này”.[45] thì sự hiện hữu của đội ngũ các nhà văn nữ trong văn học miền Nam 1954-1975 với một tâm lý sáng tạo riêng, khác biệt với các nhà văn nam nhìn từ đặc điểm giới là điều không thể phủ nhận. Và nói như Viên Linh thì “họ là những người nữ đầu tiên vén màn cho ta nhìn vào thế giới đàn bà”, trong đó có thế giới văn chương…

Xóm Đình An Nhơn – Gò Vấp, ngày 5/9/2019

PGS-TS TRẦN HOÀI ANH

Nguồn: vanvn.vn

Post by: admin
01-04-2022