Có thể nói rằng, Tống Trân là một nhân vật đặc biệt của văn hóa dân gian Việt Nam. Xét về phương diện văn học thì Tống Trân là nhân vật trung tâm trong một cốt truyện của nhiều thể loại khác nhau: truyền thuyết (trong các bản thần tích), truyện cổ tích, truyện thơ và xen lẫn một số yếu tố của cốt truyện truyện trạng mà ở mỗi thể loại nhân vật Trạng Gầu - Tống Trân vừa thống nhất nhưng lại không đồng nhất với nhau. Trong những sinh hoạt văn hoá thì Tống Trân cũng là nhân vật trung tâm của một lễ hội (làng An Cầu – Tống Trân – Phù Cừ – Hưng Yên) cùng với nhiều nghi lễ, tập tục và sinh hoạt văn hoá dân gian phong phú. Trong bài viết này, dựa vào một số tài liệu đã công bố (1) và tư liệu điền dã, chúng tôi đề cập đến một số vấn đề như sau:
I. NHÂN VẬT VĂN HỌC TRẠNG GẦU - TỐNG TRÂN
Hiện nay, những tác phẩm liên quan đến nhân vật Tống Trân tồn tại dưới các dạng chủ yếu như sau:
1. Truyền thuyết về Tống Trân (thần tích làng An Cầu, thần tích làng Phù Anh – xã Tống Trân – huyện Phù Cừ – Hưng Yên)
2. Truyện kể về Trạng Gầu – Tống Trân (Nguyễn Thúc Khiêm kể – Tạp chí Nam phong – số 159, 160 – năm 1931).
3. Truyện cổ (tích) do nhân dân làng An Cầu kể.
4. Truyện thơ nôm “Tống Trân – Cúc Hoa”.
Truyện Tống Trân được ghi chép lại trong nhiều thư tịch cổ: Dã sử tạp biên, Bắc thành địa chí lục, Hưng Yên tỉnh nhất thống chí, Hưng Yên địa chí… Các bản kể trong các tài liệu trên tương đối giống nhau. Về cơ bản, cốt truyện cũng giống với câu chuyện được ghi chép lại trong bản thần tích làng An Cầu (được ghi là do Hàn lâm viện đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn – năm 1572).
Thần tích ghi lại như sau: ở xã An Đô (nay là An Cầu), tổng Võng Phan, huyện Phù Dung (nay là Phù Cừ – Hưng Yên), có một người họ Tống tên gọi là Thiệu Công vốn dòng dõi thi thư. Thiệu Công lấy vợ là người cùng làng tên gọi Đào thị. Hai vợ chồng lấy nhau đã lâu, tu nhân tích đức mà chưa có con. Họ thường công đức xây chùa, dựng cầu, đi cầu tự. Cuối cùng Đào thị cũng có mang. Mười một tháng sau vào giờ dần ngày Rằm tháng tư năm Bính Ngọ, bà sinh hạ một bé trai. Tương truyền khi cậu bé sinh ra, trong nhà có nhiều ánh sáng, âm thanh lạ, ba ngày sau mới dứt.
Năm được ba tuổi, cậu bé đã am hiểu âm luật, lên năm vào học với Lí Đường tiên sinh (không rõ là ai - NVH), vợ chồng Thiệu Công cho rằng đó là phúc lớn nên đặt tên con là Trân (có nghĩa là vật báu - NVH). Tống Trân thông minh học một biết mười, trên thông thiên văn, dưới tường địa lí, am hiểu mọi việc.
Năm cậu lên bảy, nhà Tiền Lí mở khoa thi chọn người tài. Ngày mồng hai tháng chín năm ấy, Tống Trân vào kinh ứng thí và đậu thủ khoa. Đến ngày mồng một tháng hai năm Qúy Sửu, cậu thi lại long đình đỗ đệ nhất danh khoa Trạng nguyên. Vua ban khen là “quốc sỉ vô song, tướng tài quả nhị”, rồi ban cho một nghìn vuông gấm, mười đĩnh vàng cho về vinh quy.
Tống Trân về làng bái yết tổ tiên, khao thưởng dân làng trong vòng một tháng rồi lấy vợ là nàng Cúc Hoa. Ông làm nhà ở làng Phù Anh (quê vợ), giao cho vợ trông nom rồi trở lại kinh thành.
Nhà vua phong chức cho Tống Trân và cử đi sứ Trung Quốc. Vua Trung Quốc là Linh Long Kiều Huy thử tài văn chương, võ nghệ của chàng. Vua Trung Quốc khen chàng là nhân tài bậc nhất trong mười tám chư hầu và phong là “lưỡng quốc Trạng nguyên”. Kiều Huy giam giữ Tống Trân ở chùa Linh Long một trăm ngày không cho ăn uống. Tống Trân phát hiện ra tượng Phật làm bằng chè lam nên bẻ ra ăn dần. Quần tiên thấy thế xuống ban cho ông ba quả đào tiên và ba búi tóc, lại dạy binh thư của Thái Công. Vua Trung Quốc thấy ông không chết mà lại có binh thư, phép thuật bèn sai giữ chức Phụ quốc thượng tể đầu nam Tống Trân đại vương và cho đi dẹp loạn ở đất Kinh Châu, Ô châu, Bố Chính. Khi khắp nơi được yên bình, cũng là lúc thời hạn đi sứ đã hết, Tống Trân xin vua Trung Quốc cho về nước. Vua ban kì thư, ngọc lưu li rồi cho hồi hương.
Về đến quê nhà, nghe tin cha mẹ vợ gả chồng cho Cúc Hoa, Tống Trân giả làm hành khất dò la tin tức. Biết Cúc Hoa một lòng chung thủy, Tống Trân đem quân về bắt ngoại thân (họ nhà vợ) và xử tội (giáng việc để tang bố vợ xuống còn 1 năm), rồi xin vua phong vợ là Quận phu nhân.
Lúc bấy giờ, vua là Tiền Lí Nam Đế băng hà, giao binh quyền cho Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục nghe tiếng Tống Trân văn võ toàn tài, liền sai Nguyễn Khắc Hổ đến triệu Tống Trân hồi triều làm phụ chính giúp vua. Đến năm hơn 60 tuổi, Tống Trân cáo quan xin về làng. Nhà vua cho ông về và hưởng lộc từ việc thu thuế của cả huyện.
Về phần Cúc Hoa, bà không có con, sau một lần đau bụng dữ dội thì mất (vào ngày mồng ba tháng ba). Tống Trân an táng vợ ở làng Phù Anh, lập miếu thờ, tậu ba mẫu ruộng giao cho dân để thờ phụng.
Tống Trân sau đó mở trường dạy học, được năm năm sau thì mất. Nhân dân lập miếu thờ phụng. Vua nghe tin thương tiếc nhân tài, sắc phong là Thượng đẳng tối linh phụ quốc thượng để đẩu nam Tống Trân đại vương, sai đại thần là Nguyễn Đình Huy đón sắc về thờ cúng”.
So với bản kể này, bản kể đăng ở tạp chí Nam phong và của nhân dân trong vùng có nhiều điểm khác:
+ Bản kể Nam Phong: Chi tiết Tống Trân dắt mẹ đi ăn mày xuất hiện ở đầu câu chuyện, rồi mới gặp Cúc Hoa, kết hôn.
+ Quan chủ khảo được báo mộng là người họ Tống sẽ đỗ năm đó.
+ Tống Trân vinh quy về làng, dân làng không đón tiếp, Tống Trân vứt bút xuống sông, nguyền rằng làng này về sau sẽ không có ai đỗ đạt.
+ Tống Trân xử kiện nhành đa.
+ Tống Trân lấy vợ nữa là công chúa Trung Quốc.
Bản kể của Nguyễn Thúc Khiêm trên tạp chí Nam phong cũng chính là cốt truyện mà hầu hết nhân dân trong vùng An Cầu đều thuộc và cũng tương đối giống với cốt truyện của truyện thơ nôm “Tống Trân – Cúc Hoa”. Lí giải cho hiện tượng này, chúng tôi nhận thấy, bản thần tích viết bằng chữ Hán, lại được lưu giữ, bảo quản ở chốn linh thiêng (trong hậu cung đền thờ), nên không phải ai cũng được đọc. Hơn nữa, đây lại là bản kể ghi chép theo quan điểm của các nhà Nho, của giai cấp phong kiến. Cho nên, trong đời sống, nhân dân vẫn luôn lưu hành những truyện kể của riêng họ về quan Trạng Gầu. Mặt khác, bản truyện thơ lại có tính phổ biến rộng rãi nên không loại trừ trường hợp cốt truyện của truyện thơ (dù xuất phát từ truyện cổ) đã tác động trở lại, chi phối các tình tiết của truyện cổ dân gian. Qua việc tìm hiểu, đối chiếu các bản kể chúng tôi nhận thấy nổi lên một số vấn đề như sau:
1. Sự biến đổi của cốt truyện qua các thể loại
Đứng về phương diện lí thuyết, chúng ta thấy sự phát triển hay sự xuất hiện của mỗi thể loại thể hiện những biến đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người và đời sống, phù hợp với từng thời đại nhất định (mang tính lịch sử). Cốt truyện về Tống Trân được thể hiện trong nhiều thể loại khác nhau và là trường hợp tiêu biểu cho thấy sự đan xen của các thể loại văn học dân gian. Qua đó, chúng ta phần nào thấy được tâm tư tình cảm của nhân dân địa phương cũng như các nơi khác dành cho nhân vật trong từng tác phẩm.
Bản thần tích được xem là bản kể xuất hiện sớm nhất (lấy mốc thời gian là năm 1502, Nguyễn Bính soạn thần tích) có dạng một truyền thuyết với những đặc điểm thẩm mĩ của thể loại. Truyền thuyết là lịch sử của nhân dân, là niềm tin của nhân dân về những nhân vật và những sự kiện lịch sử. Cho nên, nhân dân bằng mọi cách để hiện thực hoá, lịch sử hoá nhân vật, gán cho nhân vật một lí lịch cụ thể, gần gũi. Trường hợp Tống Trân cũng vậy.
Trong lịch sử khoa cử thời phong kiến không có dòng nào ghi chép về “Trạng nguyên Tống Trân”. Điều đó cho thấy, đây là nhân vật hư cấu, là sự sáng tạo của nhân dân nhưng chính bản thân những tác giả dân gian lại luôn đặt niềm tin vào sự sáng tạo đó của mình. Nhân dân làng An Cầu từ xưa đến nay đều tin vào nhân vật có thật là Tống Trân, sau đó sách vở địa chí ghi chép về địa phương đều ghi theo tinh thần đó. Cho nên, Tống Trân được trao cho một lí lịch hết sức rõ ràng, cụ thể: quê ở xã An Đô, huyện Phù Dung, cha là Tống Thiệu Công, mẹ là Đào thị… Tống Trân sống vào thời tiền Lí, làm quan với Lí Nam Đế và sau đó là theo Triệu Quang Phục. Việc nhân dân gán cho nhân vật vào một không gian và thời gian cụ thể của lịch sử thể hiện rất rõ tư tưởng, tình cảm của nhân dân với nhân vật nhưng vô hình trung đã tạo nên sự vô lí. Bởi vì, thời tiền Lí chưa có hình thức thi cử chọn nhân tài. Có lẽ thấy được sự mâu thuẫn trong các chi tiết của bản thần tích nên về sau câu chuyện đã có sự biến đổi cho phù hợp (trong bản “Dã sử Trạng Gầu” của Nguyễn Thúc Khiêm).
Bản kể của Nguyễn Thúc Khiêm cung cấp thông tin Tống Trân sinh vào thời Trần Thái Tông (1225 – 1258). Bản kể này có lẽ do một nhà nho sửa chữa lại vì trong đó nhắc đến những quy tắc trường thi (Tống Trân là con nhà ăn mày nên không được đi thi), việc chiết tự tên Tống Trân (có người báo mộng cho quan chủ khảo là năm nay họ “mộc miên” – là chữ Tống - đỗ đầu)…
Cốt truyện về nhân vật Tống Trân cũng cho thấy sự xuất hiện một số yếu tố của thể loại truyện trạng. Đầu tiên là tên nhân vật - Trạng Gầu Tống Trân được đặt cho tên của tác phẩm “Dã sử Trạng Gầu” (bản Nguyễn Thúc Khiêm). Như đã trình bày ở trên, Tống Trân là nhân vật không có thực, lịch sử khoa bảng không ghi lại cho nên chàng chỉ có thể là nhân vật của truyền thuyết, là sự sáng tạo của nhân dân. Chính vì thế, danh hiệu “Trạng nguyên” là sự suy tôn của nhân dân cũng như các nhân vật Trạng khác (Trạng Vật, Trang Lợn, Trạng Khiếu…). Đối với nhân dân lao động thì danh hiệu Trạng nguyên là biểu trưng cho sự thành đạt, giỏi giang, tài năng xuất chúng. Đó là học vị cao nhất mà người học trò có thể đạt được. Nhưng trong thực tế không phải ai đi thi cũng đỗ đạt (kể cả những người tài giỏi) nên trong đời sống nhân dân vẫn có những “ông trạng dân gian” như thế để đáp ứng nhu cầu nguyện vọng, mơ ước của nhân dân. Chúng tôi băn khoăn không biết từ “Gầu” có liên quan đến nghề thủ công đan lát của địa phương hoặc tên của làng (An Cầu) hay không, vì chưa có tư liệu, hay căn cứ cụ thể nên chỉ dừng lại ở việc nêu ra vấn đề. Cũng vì có yếu tố “trạng” nên cốt truyện đã được mở rộng để kết nạp vào đó những tình tiết, nhưng môtíp của thể loại truyện trạng nói chung. Trong trường hợp này, đó là các chi tiết:
+ Tống Trân từ nhỏ học giỏi, thi đỗ đầu
+ Xử kiện nhành đa
+ Đi sứ, vượt qua nhiều thử thách khó khăn, được phong “lưỡng quốc Trạng nguyên”
Những chi tiết này được thu hút vào cốt truyện Tống Trân nhằm đề cao tài trí hơn người của chàng, nhằm ca ngợi, tuyệt đối hoá phẩm chất, tài năng của nhân vật.“Đoạn Tống Trân ở nước Tần có nhiều tình tiết lí thú của kiểu truyện dân gian về các ông trạng đi sứ, gây được cảm hứng tự hào dân tộc cho người nghe và người đọc” [3/125].
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy xu hướng cổ tích hoá truyền thuyết Tống Trân. Nếu như truyền thuyết chú trọng đến các sự kiện có tính chất lịch sử rộng lớn thì truyện cổ tích lại hướng về phản ánh những vấn đề của cuộc sống, đời thường. Điều dễ thấy là sự thay đổi kiểu nhân vật. Trong bản thần tích, Tống Trân là kiểu nhân vật tài trí thông minh, gia đình dòng dõi thì đến bản Nam phong chàng là một “hàn sĩ”. Kiểu nhân vật hàn sĩ vượt qua khó khăn, nghèo khổ để học tập thành tài, đỗ đạt cũng khá phổ biến trong kho tàng truyện dân gian của các địa phương. Tống Trân ở bản kể Nam phong mang dáng dấp nhân vật cổ tích nhiều hơn: nhân vật mồ côi, gặp hoạn nạn (dắt mẹ đi ăn mày), lấy được vợ đẹp, đỗ đạt… Nhân vật mất đi những nét cụ thể, những yếu tố lịch sử của truyền thuyết mà mang nhiều nét khái quát, tiêu biểu cho một nhóm người nhất định trong xã hội. Việc cổ tích hoá truyền thuyết Tống Trân thể hiện rõ nét ở chỗ cốt truyện phát triển theo hướng tình cảm hôn nhân gia đình, khai thác mối tình thủy chung của Tống Trân – Cúc Hoa. Thần tích nói về việc lấy vợ của Tống Trân bằng những lời hết sức ngắn gọn, khái quát: “Tống Trân khao thưởng, rồi lấy nàng Cúc Hoa làm vợ”. Nhưng ở những bản kể sau này (Nguyễn Thúc Khiêm cũng như theo lời kể của nhân dân địa phương) thì cốt truyện đã xoay quanh mối tình của Tống Trân – Cúc Hoa:
+ Tống Trân dắt mẹ đi ăn mày, gặp Cúc Hoa kết duyên
+ Cúc Hoa bị cha đuổi đi, theo chồng, nuôi chồng ăn học
+ Khi đỗ Trạng, Tống Trân từ chối lấy công chúa
+ Đi sứ, Tống Trân từ chối không lấy công chúa Trung Quốc
+ Cúc Hoa bị cha mẹ gả bán
+ Tống Trân giả làm ăn mày, dò tin tức
+ Tống Trân trừng phạt tên trưởng giả, gia đình đoàn tụ
Bằng việc triển khai cốt truyện như vậy, truyện Tống Trân đã thay đổi về kết cấu và kéo theo là thay đổi về chủ đề của tác phẩm: từ chỗ ca ngợi một người đỗ đạt tài giỏi thông minh đến việc ca ngợi một mối tình chung thủy. Ở đây, vấn đề tình cảm gia đình, tình yêu chung thủy nổi bật lên hàng đầu, làm nền cho mọi hoạt động của nhân vật. Cốt truyện trở nên li kì, hấp dẫn hơn và thể hiện được những ước mơ của nhân dân về một cuộc sống tốt đẹp: người nghèo khó có thể thành đạt, người có địa vị thấp hèn có thể vươn lên, lấy được công chúa, người đẹp… “Việc Cúc Hoa lấy anh chàng ăn mày Tống Trân thực chất là biến tướng của môtíp truyện dân gian kiểu người con gái đẹp lấy chống có bề ngoài xấu xí” [3/125]. Đó cũng chính là cơ sở quan trọng và gần gũi để cốt truyện cổ có thể biến đổi thành truyện thơ nôm.
Khi nhắc đến Tống Trân, người ta thường nghĩ đến tác phẩm truyện thơ “Tống Trân – Cúc Hoa” mà dường như quên mất cốt truyện cổ. Quả thật, truyện thơ “Tống Trân – Cúc Hoa” được nhân dân đặc biệt yêu thích và có sức sống, sức lan toả rộng lớn. Về tác phẩm này, tác giả Kiều Thu Hoạch khẳng định: “các truyện nôm chắc chắn do tác giả Thăng Long – Hà Nội sáng tác có thể kể đến Bích Câu kì ngộ, Quan âm Thị Kính, Tống Trân – Cúc Hoa…” [3/122] và cho biết thêm “Truyện nôm Tống Trân – Cúc Hoa do một tác giả vô danh ở Thăng Long sáng tạo trên cơ sở truyện cổ tích Trạng Gầu lưu truyền từ lâu đời ở vùng Hưng Yên. So với truyện gốc thì truyện thơ nôm cũng có thay đổi một số tình tiết” [3/124]. Đến khi được văn bản hoá một cách chính xác trên tạp chí Nam phong thì cốt truyện này được phổ biến và lớp người tiếp nhận từ ngày đó (những năm 40 thế kỉ trước) trở thành những người kể chuyện, bảo lưu cốt truyện đó trong thời hiện tại. Các tình tiết của truyện thơ nôm và bản kể trên Nam phong là tương đối thống nhất. Về mặt lí luận thì truyện thơ nôm Tống Trân phát triển dựa trên vốn truyện cổ nhưng khi lưu hành trong đời sống nhân dân thì hiện tượng lại trở nên rất phức tạp hơn. Có nghĩa là cốt truyện ở các thể loại, các bản kể khác nhau tác động qua lại với nhau, bản ra đời sau cũng có thể tác động thay đổi đến bản kể trước và ngược lại. Cho nên, cũng có thể bản kể trên Nam phong (và của nhân dân địa phương) là do tiếp thu tinh thần, cốt truyện của truyện thơ nôm (do tính phổ biến của thể loại) mà trước đó với bản thần tích ít người có thể biết được.
2. Ý nghĩa của hình tượng Tống Trân
Có thể nói rằng, cốt truyện về Tống Trân cũng là một dạng truyện mang tính chất phổ biến: học trò nghèo đỗ đạt, lấy được người đẹp. Học trò thì thường nghèo và họ có mơ ước lớn lao nhất là đỗ đạt và hệ quả của việc đỗ đạt là có được hôn nhân, hạnh phúc. Nhưng tại sao từ một cốt truyện mang tính phổ biến như vậy, nhân dân làng An Cầu lại sáng tạo nên một hình tượng Tống Trân gần gũi, để lại nhiều dấu tích, mang đậm dấu ấn địa phương như vậy?
Chúng tôi nhận thấy, truyện kể về Tống Trân mang dấu ấn địa phương rõ nét, xu hương địa phương hoá thể hiện ở rất nhiều chi tiết. Điều đó chứng tỏ nhân vật đã đại diện cho tình cảm, nguyện vọng, ước mơ nhiều mặt của nhân dân nơi đây.
Trước hết, Tống Trân thể hiện ước mơ về sự thành đạt của những người dân lao động bình thường, lam lũ. Cách mà nhân dân ghi chép về Tống Trân thể hiện rõ điều này. Sử sách thì không thấy chép về Tống Trân nhưng trong văn miếu Hưng Yên (hay “Các nhà khoa bảng Hưng Yên”) thì lại ghi: Tống Trân – trạng nguyên năm 1304. Đó là tâm tư, nguyện vọng tha thiết của nhân dân gửi gắm vào nhân vật này. Nằm trong một miền đất văn hiến lâu đời, có truyền thống khoa bảng nhưng làng An Cầu (cả xã Tống Trân cũng vậy) lại ít có người đỗ đạt. Trong văn miếu Hưng Yên chỉ lưu danh hai người quê ở đây là Nguyễn Khắc Tân – tiến sĩ năm 1463, Trần Văn – bảng nhãn năm 1547. Chính vì thế, ước vọng về một con người tài năng, đỗ đạt càng trở nên tha thiết trong lòng người dân nơi đây và Tống Trân đã đáp ứng nguyện vọng đó.
Chúng tôi chú ý đến một chi tiết trong truyện kể về Tống Trân ở làng An Cầu: khi Tóng Trân vinh quy về làng, dân làng không ra đón tiếp (vì chê chàng là con nhà ăn mày), chàng liền cầm quản bút ném xuống ngã ba sông mà thề rằng: “Từ rày về sau, ai sinh ra ở đất làng này mà còn đỗ đạt nữa thì như cái quản bút này”. Dứt lời cây bút ném xuống biến thành dải đất hình con bơn. Chi tiết này chứa đựng nhiều ý nghĩa:
+ Nó phản ánh một thực tế là mảnh đất này có ít người đỗ đạt (do đời sống vất vả, lam lũ và xa trung tâm văn hiến Phố Hiến chứ không phải do lời nguyền của quan trạng).
+ Giải thích hiện tượng tự nhiên xuất hiện ở ngã ba Nông- sông Luộc. Tương truyền mỗi khi vào dịp lễ hội (tháng 4 âm lịch), ở ngã ba sông Luộc lại nổi lên một dải đất hình cây bút. Nhân dân tin rằng đó là lời nguyền của quan Trạng nay vẫn còn linh ứng và họ tổ chức rước nước ra đó như một hình thức giải lời nguyền. Nhưng thực chất chi tiết này giải thích một cách duy tâm hiện tượng con nước lên xuống ở ngã ba con sông này khi mùa mưa đến.
+ Ở một tầng ý nghĩa cổ hơn, hành động quan trạng vứt quản bút xuống sông liền nổi lên dải đất mang ý nghĩa biểu tượng của nghi thức trị thủy. Đây là hành động mang tính phổ biến trong truyện cổ, nó thuộc cùng một loại hình với hành động: Chu An vung bút vẩy mực thành mưa, Hàn Thuyên ném văn tế đuổi cá sấu… đều có ý nghĩa trị thủy. Khi đi điền dã ở xung quanh đền Tống Trân, chúng tôi được cụ từ trông đền chỉ cho 9 ao nước liên tiếp tương truyền là vết chân của vị thần khổng lồ mà nhân dân xưa kia lập đền thờ. Chúng tôi lại chú ý đến chi tiết nghi thức rước nước là hành động chính của lễ hội đền Tống Trân. Từ đó chúng tôi đoán định rằng, Tống Trân có nguồn gốc là một vị thần địa phương có liên quan đến nước, một vị anh hùng trị thủy, mở mang bờ cõi (giống như là Chử Đồng Tử với nhân dân Khoái Châu – Hưng Yên). Bởi vì, quê hương Tống Trân ở gần con sông Luộc, sản xuất nông nghiệp và đời sống của con người phụ thuộc rất nhiều vào việc có làm chủ được dòng nước lớn này hay không. Cho nên, ban đầu Tống Trân chính là hình tượng người anh hùng địa phương có công trị thủy, giúp làng cho nên được tôn thờ, cúng tế. Sau đó, nhân vật này được gắn thêm các lớp văn hoá, các ý nghĩa khác cũng như một lai lịch trần thế như trên.
II. TỐNG TRÂN – TRẠNG GẦU MỘT NHÂN VẬT VĂN HÓA
Đối với nhân dân làng An Cầu, hình tượng Tống Trân có sức sống mãnh liệt và nó vượt ra khỏi khuôn khổ của những tác phẩm văn học. Bởi vì, nhân vật Tống Trân đã đi vào đời sống hàng ngày của nhân dân qua phương ngôn, tục ngữ, qua những phong tục, tập quán và đặc biệt là qua lễ hội được tổ chức hàng năm. Người dân không chỉ biết đến Tống Trân như một người học rộng tài cao, một người chồng thủy chung mà còn suy tôn ông, ngưỡng vọng ông như vị thần thiêng liêng.
1. Lễ hội
Lễ hội tưởng nhớ Tống Trân là sự tái hiện truyền thuyết về Tống Trân – Cúc Hoa. Do đó, lễ hội diễn ra xung quanh cụm di tích này: Đền Tống Trân (thôn An Cầu), Đền Cúc Hoa (thôn Phù Anh), đền Nông (An Cầu, thờ thần địa phương).
Đền Tống Trân có tên tự là “Tiên căn ninh tự” – nhân dân thường gọi là “đền Quan Trạng”- nằm trên một khu đất cao thoáng mát ở thôn An Cầu. Tương truyền đền được xây dựng trên nền nhà cũ của Tống Trân và đã được tu sửa nhiều lần. Ngoài cổng đền ghi hàng chữ “Lưỡng quốc trạng nguyên từ môn”. Phía trước của khu đền chính là miếu thờ “Hổ hàm thư” (liên quan đến chi tiết Cúc Hoa nhờ hổ đưa thư cho Tống Trân trong những ngày chàng đi sứ) và ba gian thờ vọng Cúc Hoa. Ngôi đền chính ba gian: ở giữa là ban thờ ngai và mũ của Ngài, bên trái thờ Dương Tam Kha và bên phải thờ Đoàn Thượng (chúng tôi chưa biết truyện kể lí giải đến sự phối thờ này). Trong đền bài trí hết sức đơn giản. Nổi bật nhất là bức hoành phi: Lưỡng quốc Trạng nguyên, Phụ tể thượng quốc (ý nói là trạng nguyên của hai nước, phò giúp đất nước).
Lễ hội diễn ra từ ngày mồng chín đến ngày mười sáu tháng tư (Âm lịch) với những nghi thức trang nghiêm nhưng hết sức đơn sơ, giản dị, quy mô của lễ hội nhỏ. - Ngày 9/4: Lễ rước kiệu Cúc Hoa từ thôn Phù Anh về đền Tống Trân (nhân dân cả hai thôn cùng tham gia).
- Ngày 10/4: chính hội: Lễ rước nước: Dân làng khiêng kiệu đựng choé và đồ tế ra đền Nông (ở ngã ba Nông – sông Luộc), từ đó dùng đò chở kiệu ra giữa sông. Nước được lấy đầy choé rồi rước về làm lễ mộc dục và cúng tế. Các nơi trong xã cũng rước kiệu về để làm lễ đại tế trước cửa đền
- Từ ngày 12-16/4: Các đoàn và nhân dân dâng hương cúng tế
Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều trò chơi dân gian được tổ chức, có khi còn diễn lại tích chèo Tống Trân – Cúc Hoa. Đền thờ Cúc Hoa nằm ở thôn Phù Anh. Đây cũng là lăng mộ bà. Đền nhỏ và hoà mình vào với các nhà dân xung quanh đến nỗi từ xa khó có thể nhận ra. Lễ hội diễn ra từ ngày 1 – 3 tháng ba:
- Ngày 1/3: Các nơi về tế lễ
- Ngày 2/3: Dâng hương
- Ngày 3/3: Tế giỗ (hội chính)
Trong ngày tế giỗ nấu cỗ cũng hết sức đơn giản: cơn tám và miến nấu thịt nạc (vì tương truyền bà bị mất do đau bụng nên thức ăn giản dị)
Tuy hai đền có liên quan đến nhau nhưng thời gian lễ hội lại không trùng khớp (hội đền Tống Trân lấy ngày sinh của ông, hội đền Cúc Hoa lấy ngày mất của bà nên khác nhau – trừ ngày hội đền Tống Trân có rước kiệu Cúc Hoa về). Nhìn chung, lễ hội ở hai đền đều hết sức đơn sơ giản dị, quy mô nhỏ dù phần lễ vẫn diễn ra hết sức trang trọng, phần hội thì sinh động, vui tươi. Điều đó không hẳn chỉ vì nhân dân không có điều kiện để tổ chức lớn (hiện nay, đây vẫn là xã nghèo của huyện Phù Cừ) mà có lẽ cách thức tổ chức lễ hội như vậy có sự phù hợp nhất định với cuộc đời, số phận của nhân vật. Tống Trân xuất thân nghèo khó, đã từng dắt mẹ đi ăn mày, chàng được nhân dân biết đến là người chồng thủy chung, trọn đạo hơn là người lập nên những chiến công hiển hách. Cho nên, lễ hội là sự tái hiện phần nào cuộc đời bình dị đó.
2. Các phong tục tập quán có liên quan
2.1. Tục con rể để tang bố vợ
Thông thường, con rể để tang bố vợ ba năm nhưng nhân dân Phù Cừ thì thưòng để tang một năm trở lại. Tập tục này tương truyền có từ khi quan trạng Tống Trân ra lệnh “hạ phục”. Truyện kể: Khi Tống Trân đi sứ, bố Cúc Hoa ép gả nàng cho tên đình trưởng. Tống Trân giả làm ăn mày để tìm hiểu tình cảm của vợ. Khi biết Cúc Hoa vẫn một lòng chung thủy, Tống Trân liền dẫn quân về, ngay giữa đám cưới trừng trị bố vợ bằng hình thức “hạ phục”:
Từ rày để chế nhạc gia
Một năm tiểu phục gọi là thế thôi
2.2. Phương ngôn
+ “Tra nhành đa”: Trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân vùng Phù Cừ, câu phương ngôn “tra nhành đa” vẫn thường được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Chẳng hạn, cô giáo muốn một học sinh nào đó trong lớp nhận lỗi, cô thường nói : Các em hãy tự giác nhận lỗi, đừng để cô phải “tra nhành đa”. Chỉ cần nói như vậy, học sinh sẽ hiểu và tự giác nhận lỗi, bởi các em biết không thể giấu giếm được. Câu phương ngôn trên bắt nguồn từ một tình tiết trong truyện Tống Trân. Đó là việc quan trạng xử kiện nhành đa để lấy lại tiền cho người đã mất. Chi tiết đó mang tính phổ biến trong các kiểu truyện về người thông minh tài trí hay tryện trạng nhưng không ở nơi đâu sức sống lâu bền và phổ biến của nó lại như ở vùng Phù Cừ. Đó vừa là sự sáng tạo, vừa là tình cảm của nhân dân dành cho nhân vật vì họ đã biến một môtíp chung của dân gian thành tài sản riêng, trở thành phong tục tập quán, nét đẹp trong đời sống thường nhật của địa phương.
+ Tên gọi “chuột cống”: Loài chuột to ở đây thường được gọi là “ông cống”. Người ta thường lí giải tên gọi đó là do chuột thường vào phong thi lục lọi và gặm nhấm các bài thi. Quan trông coi sợ bị tội nhưng không có cách nào để trị chuột cho nên để tránh nó vào quậy phá, quan gọi nó bằng tên khác là “ông cống” (cũng bắt nguồn từ một tập tục kiêng kị của nhân dân: nếu gọi tên chuột hay xua đuổi chúng thì ban đêm nó sẽ cắn phá dữ dội). Nhưng dân nhân vùng Phù Cừ thì lại thường nói với nhau và họ đều tin rằng tên gọi “ông cống” là do Tống Trân đặt cho loài chuột để trả ơn chúng. Điều đó bắt nguồn từ chi tiết trong truyện: Cúc Hoa gửi biếu mẹ chồng tám nén vàng và mâm cỗ. Hai quân hầu đem đi nổi tính tham lam lấy mất số vàng. Trời thấy vậy sai đàn chuột trộm vàng tha về cho Tống Trân. Thấy đàn chuột có nghĩa, Tống Trân phong chúng học vị “hương cống”.
+ Ngoài ra, nhân dân ở đây còn kiêng tên Tống Trân nên thường gọi “chân” (do vùng bắc bộ không phát âm rõ “tr” và “ch”) là “cẳng”.
2.3. Lễ cầu tài
Một phong tục có sức sống hết sức lâu bền và là nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của nhân dân nơi đây là trước khi đi thi cử hoặc sau khi thi đỗ, người ta thường đến đền Quan Trạng để cúng tế để cầu mong đỗ đạt hay cảm tạ. Đó là sự biết ơn, ngưỡng vọng, là sự thành kính của con chấu đời sau với mong muốn chuộc lại lỗi lầm của thế hệ trước (dân làng, chức sắc không chịu đón Tống Trân vinh quy vì khinh chàng là con nhà ăn mày).
III. KẾT LUẬN
Như vậy, hiện nay trên mảnh đất An Cầu nhỏ bé tồn tại nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian liên quan đến nhân vật Tống Trân. Thông qua đó, chúng ta thấy được một số quy luật của sự vận động biến đổi cốt truyện dân gian và mối quan hệ giữa văn học dân gian với môi trường văn hoá, phong tục, lễ hội trong đời sống nhân dân. Còn đối với nhân dân nơi đây, họ không hề có sự phân biệt giữa đâu là cốt truyện truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện thơ hay chèo cổ… về Tống Trân và sự khác nhau giữa chúng như thế nào mà điều quan trọng là họ được kể (và được nghe) những điều phi thường, được ngưỡng vọng và tôn kính về “quan trạng”.
Nguyễn Việt Hùng
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1): Phạm Thị Hồng Quyên: Từ truyện cổ dân gian đến truyện thơ nôm Tống Trân – Cúc Hoa – luận văn tốt nghiệp ĐHSP Hà Nội
2. Nguyễn Thúc Khiêm: Dã sử trạng Gầu – Tạp chí Nam phong số 159, 160
3. Kiều Thu Hoạch: Chương “Truyện dân gian” (sách Địa chí văn hoá dân gian Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Sở văn hoá thông tin Hà Nội 1991)
4. Truyện thơ nôm Tống Trân – Cúc Hoa – Hoa Bằng hiệu đính. Nxb Phổ thông 1960
5. Dương Thị Cẩm Hà: Các nhà khoa bảng Hưng Yên – Thư viện tỉnh Hưng Yên – 2001.