PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Chung - Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Điện thoại: 0904699666
Email: thanhchungdhsp@gmail.com
1. Đặt vấn đề
Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) là danh nhân có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới xã hội Việt Nam thời trung đại. Các bài nghiên cứu từ xưa đến nay thường tập trung nghiên cứu sự nghiệp “đánh giặc”1, sự nghiệp khai hoang mở mang đất đai và sự nghiệp văn chương mang nhiều nét đặc sắc, cá tính của riêng ông mà chưa thực sự đề cập trực tiếp đến quan niệm giáo dục của Nguyễn Công Trứ. Trong bài viết này, chúng tôi tìm hiểu về tư tưởng giáo dục của ông. Vị quan triều Nguyễn này từng trực tiếp tham gia vào các công việc giáo dục và đạt được những thành tựu nhất định. Ông thể hiện quan niệm của mình đối với quá trình giáo hóa người dân, chăm lo trường sở, nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến tu dưỡng nhân cách con người. Người từng trực tiếp tham gia vào việc giáo dục còn thể hiện quan điểm về việc thực thi chính sách với người làm giáo dục. Những quan niệm của ông có sự ảnh hưởng từ các quan niệm tư tưởng giáo dục Nho giáo, có ý nghĩa quan trọng với xã hội đương thời, gắn liền với sự nghiệp chính trị của cá nhân và đến nay vẫn còn những giá trị đáng ghi nhận.
2. Nội dung
2.1. Nhận định chung về tình hình giáo dục triều Nguyễn – giai đoạn đầu thế kỉ XIX
Để nhận định về vai trò của Nguyễn Công Trứ đối với giáo dục thời Nguyễn, chúng tôi đặt tư tưởng, quan điểm giáo dục mà ông đề xuất trong thời đại của ông, giai đoạn đầu thế kỉ XIX. Nhìn chung, tình hình giáo dục mà nhà Nguyễn thực hiện ở giai đoạn này có những đặc điểm như sau:
Thứ nhất, các vị quân chủ triều Nguyễn quan tâm đến vấn đề giáo dục từ việc rèn dạy người kế nghiệp đến việc chọn người tài trong xã hội. Sự quan tâm này được thể hiện từ trước khi triều Nguyễn chính thức trở thành triều đại cai quản đất nước vào năm 1802. Đối với việc rèn dạy Thái tử, năm 1793, Nguyễn Ánh lập nhà Thái học để dạy bảo Đông Cung Thái tử, đặt 1 Đông cung phụ đạo, 2 Thị giảng, 8 Hàn lâm thị học, 6 Quốc tử giám thị học, mỗi ngày 2 buổi họp các quan Đốc học ở nhà Thái học để bàn giảng Kinh sử. Sự học tập và tiến bộ của Thái tử đều phải ghi chép cẩn thận, mỗi tháng một lần dâng lên cho vua xem. Đối với việc tuyển chọn người tài, năm 1791, sau khi chiếm được Gia Định (1788), Nguyễn Ánh đã tổ chức một khoa thi lấy trúng cách 12 người, năm 1796 lại tổ chức khoa thi lấy 273 người. Năm 1803, Gia Long cho xây nhà Đốc học ở Quốc tử giám Thừa Thiên Huế, đặt các chức Đốc học, Phó đốc học để giảng dạy. Đối với các trấn, từ năm 1802 đến 1822, Gia Long đặt các chức Đốc học ở các trấn thuộc Bắc kì, Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định… Do đó, các trấn trong cả nước, từ Bắc và Nam đều có Đốc học chăm lo việc phát triển giáo dục. Dưới cấp trấn là cấp phủ, huyện cũng dần được cắt đặt các chức Huấn đạo, Giáo thụ quản lí việc dạy học các vùng miền. Tác giả Nguyễn Tiến Cường nhận định: “Nhà Nguyễn rất coi trọng việc thi cử, đòi hỏi cao về chất lượng học và thi. Việc này thúc đẩy tinh thần chăm lo học tập của sĩ tử rất nhiều”2.
Thứ hai, triều Nguyễn kế thừa hệ thống giáo dục của thời kì trước. Tác giả cuốn Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở Việt Nam thời phong kiến cho rằng: “Nhà Nguyễn đã có công duy trì được những thành tựu giáo dục trong thời Lê và phát triển khá mạnh mẽ ở khu vực phía Nam nước ta”3. Việc tổ chức các kì thi dần kiện toàn theo ba bước thi hương, thi hội, thi đình. Năm 1807, việc tổ chức thi hương theo đúng quy định truyền thống bắt đầu thực hiện, năm 1810 dự kiến mở thi khoa sau nhưng do chiến tranh triền miên, sĩ tử học tập chểnh mảng, ít người có đủ năng lực đi thi. Năm 1813, khoa thi tiếp theo được mở, đến năm 1819 mới mở khoa thi thứ 3, năm 1821 mở khoa thi thứ 4. Sau 4 khoa thi hương lấy đỗ 387 cử nhân. Năm 1822, nhà nước tổ chức khoa thi hội đầu tiên lấy đỗ 8 người. Khoa thi Hội thứ 2 vào năm 1816, khoa thứ 3 vào năm 1829. Từ đó 3 năm 1 kì thi hương, 1 kì thi hội cho đến tận năm 1919, khi chấm dứt chế độ khoa cử Nho học. Trong thực tế, một số năm bị hoãn hoặc bỏ nhưng có nhiều ân khoa cho cả thi Hương và thi Hội. Việc kế thừa chính sách thi cử của triều đại trước đã góp phần tạo ra sự ổn định cho chính sách giáo dục của thế kỉ này và tạo nền tảng vững chắc cho những đổi mới, cải cách về giáo dục được thực hiện một cách bài bản theo mô hình nhà nước phong kiến tập quyền, nhất là giai đoạn đầu thế kỉ XIX này.
Thứ ba, hệ thống giáo dục trên các phương diện từ các chính sách đến người thực thi giáo dục, người dạy, người học, chế độ thi cử, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục được kiện toàn. Sự kiện toàn hệ thống giáo dục này trước tiên thể hiện ở các chính sách giáo dục ra đời liên tục để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Năm 1803, vua Gia Long ban sắc lệnh đặt chức Huấn đạo nhưng chưa yêu cầu tất cả các huyện phải đặt chức này mà nơi nào có khả năng và điều kiện mới đặt nhưng đến năm 1822 thì tất cả các huyện đều được đặt Huấn đạo. Việc quy định cơ sở vật chất để duy trì việc dạy học được quy định, năm 1824, Minh Mệnh đặt định lệ về trường sở cho các cấp khác nhau4. Nhà Nguyễn còn chú ý ban cấp tư liệu học tập như Tứ thư, Ngũ kinh, Tiểu học thể chú, Thi tập văn yếu, Văn sách nghệ chế luật phú thí thiếp, các tập thơ do các vua làm… Chương trình giảng tập và điều lệnh khảo khóa mỗi năm 2 lần vào tháng 4 và tháng 10. Việc thưởng phạt các học quan cũng được xem xét thường xuyên và nghiêm túc.
Thứ tư, hệ thống giáo dục trong nước được mở rộng với nhiều mô hình trường học. Các trường học thời Nguyễn có trường công lập do nhà nước mở, người đi học không phải đóng góp, thậm chí được cấp học bổng như Quốc tử giám. Ngoài một số nơi như Tam quán, Trung thư giám, Cận thị chi hậu cục việc chọn học sinh không đòi hỏi có bằng cấp nhất định thì vào trường phủ phải đỗ sinh đồ, vào Quốc tử giám phải đỗ hương cống. Ở địa phương, trường mở đến cấp huyện, từ tổng trở xuống đến xã, thôn việc học phải do dân tự lo, cơ quan nhà nước có thể góp sức một phần. Ngoài những trưởng do nhà nước mở còn có trường do tư nhân mở, có thể chia thành các lớp tư gia và các trường tư. Lớp tư gia là lớp học nhỏ do tư nhân mở ít học sinh, thầy dạy là người được cha mẹ học sinh mời dạy. Các làng đều có các lớp này, các thầy dạy gọi là thầy đồ. Một số người tự đứng ra mở trường, thu hút nhiều học sinh và đào tạo được nhiều người tài. Trường tư có cơ sở khang trang, có sách vở tư liệu học tập đầy đủ. Từ những năm 30 của thế kỉ XIX, hệ thống các trường tư phát triển mạnh mẽ, tạo dấu ấn lớn trong phát triển văn hóa, giáo dục nước ta.
Nhìn chung, triều Nguyễn đã chú trọng đến việc xây dựng các chính sách giáo dục và đạt được nhiều thành tựu trong phát triển giáo dục nước nhà theo tinh thần Nho giáo5. Điều đó có ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội, đến những người thực thi các quyết sách của triều đình, trong đó có Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Công Trứ đã đề xuất nhiều phương hướng hành động nhằm thúc đẩy việc giáo dân và chính sách quan tâm tới người làm công tác giáo dục.
2.2. Những nội dung cơ bản trong quan niệm giáo dục của Nguyễn Công Trứ
2.2.1. Quan niệm của Nguyễn Công Trứ đối với việc giáo dân
Công việc giáo dục của Nguyễn Công Trứ gắn liền với sự nghiệp khai hoang, mở mang bờ cõi, hai quá trình này luôn song hành cùng nhau, phát triển giáo dục là một phần của phát triển xã hội. “Tháng 3 năm Kỉ Sửu - 1929, năm Minh Mệnh thứ 10, bắt đầu đặt huyện Kim Sơn, lệ vào phủ Yên Khánh, Ninh Bình. Lãnh dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ ở phía ngoài đê Hồng Lĩnh đo được số ruộng hoang là 14620 mẫu, chia cấp cho dân nghèo hơn 1260 người. Lập thành 3 làng, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp chia làm 5 tổng, xin tâu đặt riêng 1 huyện là Kim Sơn, chọn người hợp với địa phương làm Tri phủ để phủ dụ khuyên bảo”6. Nguyễn Công Trứ đã dâng sớ bàn về việc cai quản vùng đất ấy, trong 5 điều ông đưa ra thì có ba điều liên quan đến giáo dục với các nội dung như đặt trường học, siêng dạy bảo, chăm khuyên răn.
Thứ nhất, việc đặt trường học và các nội dung cụ thể để duy trì hoạt động của trường học được Nguyễn Công Trứ đề xuất chi tiết: “Mỗi ấp, mỗi làng đều dựng nhà học, đón một thầy học, làng thì lấy ruộng 10 mẫu, ấp thì lấy ruộng 8 mẫu làm học điền, miễn đánh thuế. Ruộng học điền ấy, phải góp sức cùng làm, đầy năm thu hoạch, lưu làm học bổng. Người đến 8 tuổi thì cho vào trường học, dạy cho các việc quét rửa, ứng đối, tới lui, các phép hiếu, trung, tín, kính, nhường, rồi sau mới dạy văn hữu. Đến khi 16 tuổi đã hơi thành tựu thì theo thứ tự mà cho lên trường huyện, phủ, trấn. Nếu học không được thì cho đổi nghề khác. Đến như trại, giáp thì một trại lấy 5 mẫu, giáp lấy 3 mẫu phụ vào ấp hay làng”7. Nguyễn Công Trứ là con người của hành động, trọng thực tiễn, thể hiện sự am hiểu cuộc sống người dân. Ông trực tiếp bày tỏ với vua về các vấn đề còn hạn chế của cuộc sống với kiến giải sâu sắc, từ đó đưa ra giải pháp khắc phục bất cập mà chỉ người lăn lộn, trải nghiệm cùng người dân từ khi khai hoang, lập ấp, tổ chức cộng đồng như ông mới thấu hiểu. Việc quan tâm đến giáo dục của Nguyễn Công Trứ không phải những giáo điều chung chung về nhân cách, về nhận thức mà gắn liền với những phương thức kinh tế, cơ sở vật chất. Ông cũng xác định các lứa tuổi đến trường học và nội dung học. Việc phân hóa và chọn nghề cũng được xem xét để tránh lãng phí cho xã hội và phù hợp với mỗi cá nhân con người. Xem ra, việc phân hóa người học để hướng đến chọn lựa nghề nghiệp đến nay vẫn còn giá trị khi xã hội còn tình trạng thừa thầy thiếu thợ, giấu bằng đại học để đi làm công nhân, làm trái ngành nghề đã được đào tạo…
Nguyễn Công Trứ không chỉ quan tâm đến trường học, nơi giáo dục hạt nhân, trọng tâm và tập trung của xã hội mà ông còn quan tâm đến việc giáo dục mang tính toàn xã hội, mọi nơi, mọi lúc. Người dân cần được giáo dục về hiếu, lễ, chăm chỉ lao động và tôn trọng pháp luật. Ông nhận thấy việc quan trọng của ý thức dạy bảo, chăm lo đến người dân: “ Ấp làng đều có ấp trưởng, lý trưởng. Lại lấy 25 nhà làm 1 tư có tư trưởng, làng đặt thêm hai tư trưởng, ấp đặt thêm một tư trưởng, do quan địa phương cấp bằng, theo các ấp trưởng, lý trưởng mà trông nom dân. Trong địa hạt mình cai quản, như có kẻ bất hiếu, bất lễ, bất thuận, bất kính cùng là du thủ du thực, giao kết với côn đồ thì cùng phải nghiêm ngặt răn cấm. Ví còn quen giữ nét xấu, thì phải trình với ti hữu xét xử. Nếu dụng tình giấu giếm thì ấp trưởng, lý trưởng, tư tưởng cũng phải tội”8. Nguyễn Công Trứ chú trọng đến giáo hóa, giáo dục những người chưa được giáo dục và đặt vấn đề cho vai trò của những người đứng đầu mỗi làng xã. Người đứng đầu mỗi làng, xã cần quan tâm đế những người còn lười nhác, gian dâm, chểnh mảng việc làm ăn, những người thuộc góc khuất và dễ bị tổn thương của xã hội. Sự giáo hóa trong xã hội phải khiến cho người dân không bỏ ruộng hoang, không bị phạm pháp, đời sống tinh thần thuần hậu. Đó thực sự là cuộc sống đáng mơ ước của nhân dân, Nguyễn Công Trứ thấu hiểu và không ngừng phấn đấu vì lý tưởng này.
2.2.2. Quan niệm của Nguyễn Công Trứ đối với người làm giáo dục
Trong quan niệm của Nguyễn Công Trứ, người thực thi việc giáo hóa phải là người có nhân cách và có khả năng quản lý xã hội, có đủ cả tài và đức. Bậc đại thần triều Nguyễn này cũng đặt ra thời hạn cho những người thực thi các chính sách giáo dục được thi thố tài năng. Họ được khen thưởng nếu họ cai quản tốt và sẽ bị thay thế, thậm chí bị kết tội nếu họ làm không tốt. Vai trò của người đứng đầu, người giáo dục ở mỗi vùng miền được khẳng định. Việc phân cấp quản lý cũng rõ ràng, quyền lợi gắn liền với trách nhiệm, Nguyễn Công Trứ đã khoa học và thực tiễn trong quản lý xã hội và giáo dục.
Người gắn bó với đời sống người dân này đã cho rằng về một vấn đề mấu chốt đối với quản lý xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng là người dân chỉ được thụ hưởng những thành quả giáo dục khi có sự đồng bộ trong quản lý xã hội và giáo dục. Bởi chỉ một khâu bất ổn ắt người dân sẽ không được thụ hưởng những lợi ích giáo dục. Ông đã tâu về cái hại của nạn cường hào: “Từ lúc hoàng thượng ta lên ngôi đến giờ, yêu nuôi dân chúng, ơn đức khắp tràn, nhưng mà thiên hạ vẫn chưa được đội ơn thái bình hết. Từ trước đến nay, những người bàn việc đều đổ lỗi cho quan lại, mà không biết phần nhiều là tại cường hào. Cái hại quan lại là một, hai phần mười, cái hại quan lại đến tám chín phần mười. Bởi quan lại chẳng qua là kiếm cái lợi nhỏ ở giấy tờ, đòi tiền ngoài lệ ở thuế khóa, cái hại gần và nhỏ, việc đã phát lộ thì giáng cách ngay, rồi cũng biết hối. Còn cái hại cường hào, nó làm cho con người ta mồ côi, vợ người ta thành góa bụa, giết cả tính mạng người ta, hết cả gia tài người ta, mà việc không lộ cho nên cứ công nhiên không kiêng sợ gì. […] Giáo hóa không thấm xuống dưới, đức trạch không đến khắp nơi, chưa hẳn là không bảo đó”9. Chuyện đục khoét, ức hiếp người dân, chuyện oan khuất cần được loại bỏ khỏi cuộc sống này để người dân thực sự được hạnh phúc ở nơi mình sống. Các cấp quản lý xã hội, giáo hóa trong xã hội phải đồng bộ và hướng đến sự trong sạch.
Nguyễn Công Trứ còn đưa ra khuyến nghị đối với yêu cầu phải đạt học vị của người làm công việc giáo dục. Vào năm 1836, ông dâng sớ tâu rằng: “Bấy nay, giáo thụ, huấn đạo10 phần nhiều không được sĩ tử tin theo. Đó là vì giáo chức bổ người chỉ đỗ tú tài, học thức không có gì trội hơn người, nên không được thỏa lòng mong đợi của sĩ tử. Vậy nên xin lấy những cử nhân hậu bổ điền vào, còn tú tài làm giáo huấn trước thì cho về học thêm để đợi kì thi”11. Quan niệm này của Nguyễn Công Trứ đặt ra vấn đề đạt chuẩn học vị với người làm công việc giáo dục. Nhưng trong hoàn cảnh đương thời, ý tưởng về chuẩn hóa học vị cho người làm giáo dục của ông không được chấp nhận, thậm chí còn bị vua phê về sở kiến trong việc dạy dân. Vua phản bác quyết định của ông như sau: “Giáo thụ, Huấn đạo không được sĩ tử tin theo, tệ ấy thực có đã lâu, duy học thần hay hay dở, đã có chương trình phân xử rồi. Nay muốn rút tất cả tú tài làm giáo huấn về mà bổ cử nhân thay vào, chắc đâu tất cả những cử nhân học thức đã hơn hết cả tú tài. Sở kiến của ngươi không khỏi có chỗ lệch lạc”12. Việc chọn lựa những người làm giáo dục cần đảm bảo ngưỡng nhất định là yêu cầu hợp lý nhưng cần được đảm bảo với một chế độ xét tuyển công bằng, phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Ông còn bàn đến việc thực hiện chế độ dưỡng liêm cho người làm giáo dục. Vào những năm ba mươi của thế kỉ XIX, Nguyễn Công Trứ dâng tấu xin cấp thêm tiền và gạo dưỡng liêm cho các chức từ Đốc học đến Huấn đạo để họ chuyên tâm với công việc của mình. Người dạy học có điều kiện chuyên tâm với công việc của mình thực sự là con đường lý tưởng dành cho sự phát triển của giáo dục và xã hội. Quan niệm này đến nay vẫn còn tính thời sự khi giáo viên phải làm những việc không liên quan đến nghề, không thể chuyên tâm cho việc giảng dạy. Họ vì đảm bảo cuộc sống cơm áo cho mình và gia đình mà có thể mất đi lòng yêu nghề, mất đi niềm tin vào nghiệp. Quan niệm này cho thấy Nguyễn Công Trứ đã ý thức sâu sắc về vị thế, trọng trách của người làm giáo dục. Tuy nhiên, đề nghị này của ông cũng không được Minh Mạng chấp thuận. Minh Mạng bác bỏ: “Đến như lệ dưỡng liêm, vì chức phủ huyện gần gũi với dân, nên cấp cho thêm để khuyến khích lòng liêm chính. Còn học quan thì việc ít, không như phủ huyện, nên cũng tăng bổng dưỡng liêm cả một loạt thì các ty trong kinh ngoài trấn, đâu đâu cũng có chức sự, sao lại ưu đãi riêng cho các học thần, vậy không chuẩn cho những điều đã xin”13. Vậy là, vấn đề bức thiết mà người đau đáu với sự nghiệp giáo dục đặt ra đã không được giải quyết nhưng ông vẫn luôn bền bỉ với lý tưởng của mình và cống hiến cho đời một cách tích cực và hiệu quả nhất có thể
2.3. Bàn luận về những quan niệm giáo dục của Nguyễn Công Trứ
Nguyễn Công Trứ tham gia khoa cử từ năm ông 29 tuổi. Năm 1807, ông đi thi nhưng không đỗ. Năm 1819, ông đỗ Giải nguyên khi đã hơn 40 tuổi. Trong cuộc quan trường, ông trải qua nhiều chức vụ như Hành tẩu sử quán (1820), Tri huyện Đường Hào (1823), Lang Trung bộ Lại, Thiêm sự bộ Hình (1824), Thừa Thiên Phủ thừa, Tham hiệp Thanh Hóa (1825), Tham tán Quân vụ Bắc Thành, Hình bộ thị lang tại Tào hình (1826), Dinh điền sứ Nam Định (1828), Bố chính Hải Dương (1832), Binh bộ Thượng thư (1836)… Cuộc đời ông cũng lắm thăng trầm với không dưới 5 lần bị giáng chức, năm 1830 khi đang làm Dinh diền sứ ở Nam định và Hình bộ hữu tham tri thì bị giáng làm Kinh tri huyện, năm 1837 đang làm Binh bộ thượng thư thì bị giáng 4 chức vì bị để xổng tù, năm 1844 đang làm Binh bộ tham tri thì bị cách làm lính… Mặc dù thăng trầm nhưng Nguyễn Công Trứ đã có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội đương thời. Riêng về lĩnh vực giáo dục, ông từng trực tiếp làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Tháng 5 năm Giáp Thân - 1824, Nguyễn Công Trứ làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp. Tuy nhiên, quãng thời gian ông làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp không dài, vì đến năm 1825, ông đã nhận chức Thừa Thiên Phủ thừa và Tham hiệp Thanh Hóa. Năm 1840, ông được cử làm Chủ khảo trường thi Hà Nội. Ngoài một số công việc trực tiếp làm trong lĩnh vực giáo dục thì trong cuộc đời mình Nguyễn Công Trứ luôn dành sự quan tâm cho việc dạy bảo người dân và chăm lo đến người thực thi công cuộc giáo dục.
Những tư tưởng giáo dục của Nguyễn Công Trứ có ảnh hưởng mạnh mẽ từ tư tưởng giáo dục của Nho giáo. Ông luôn có ý thức đối với việc giáo hóa người dân, chăm lo đến đời sống tinh thần ngoài việc chăm lo đến đời sống vật chất của họ. Quan niệm về việc giáo hóa ấy có thể có nguồn gốc sâu xa từ câu chuyện của Khổng Tử và học trò: “Khổng tử đến nước Vệ có Nhiễm Hữu theo hầu. Khổng tử nói: Dân chúng đông quá!. Nhiễm Hữu hỏi: Dân đã đông thì làm thế nào? Khổng tử đáp: Phải làm cho họ giàu lên. Nhiễm Hữu lại hỏi: Dân giàu rồi thì làm gì nữa? Khổng tử nói: Phải giáo hóa họ” (Tử đích Vệ, Nhiễm Hữu bộc. Tử viết: Thứ hĩ tai! Nhiễm Hữu viết: Kí thứ hĩ, hựu hà gia yên ? Viết : Phú chi. Viết : Kí phú hĩ, hựu hà gia yên ? Viết: Giáo chi). Những sự chăm lo ấy cũng gần với lời Mạnh Tử khuyên nhủ việc cẩn trọng giáo hóa: “Lo việc giáo dục ở trường tường, trường tự, lấy điều hiếu đễ để dẫn dắt họ, thì người già không phái vác nặng trên đường. Người 70 tuổi được mặc áo lụa ăn thịt, người dân không đói không rét, như vậy mà không lập được nghiệp vương thì chưa từng có” (Cẩn tường tự chi giáo, thân chi dĩ hiếu đễ chi nghĩa, ban bạch giả bất phụ đới ư đạo lộ hĩ. Thất thập giả ý bạch thực nhục, lê dân bất cơ bất hàn, nhiên nhi bất vượng giả, vị chi hữu dã)… Tư tưởng giáo dục mà Nguyễn Công Trứ chịu ảnh hưởng cũng chính là tinh thần giáo dục mà triều Nguyễn thực thi. Sau khi dành được độc lập, triều Nguyễn đã áp dụng tư tưởng Nho giáo làm để phát triển văn hóa xã hội. Lý do mà nhà Nguyễn lựa chọn Nho giáo đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định, tiêu biểu như ý kiến của tác giả Trần Nho Thìn: “Như giới nghiên cứu lịch sử Nho giáo đã chứng minh, đã thành một định luật khá phổ biến là các triều đại phong kiến có thể dành chính quyền bằng vũ lực mà không cần đến Nho giáo nhưng khi cần bảo vệ chính quyền, khi cần giữ thế trung ương tập quyền thì vẫn cần đến học thuyết này. Có thể ngồi trên lưng ngựa mà lấy được thiên hạ nhưng không thể ngồi trên lưng ngựa mà trị thiên hạ. Định lệ này diễn ra với nhiều triều đại và cũng diễn ra trong thời Gia Long, mở đầu cho giai đoạn thống nhất đất nước của nhà Nguyễn. Gia Long có nhiều biện pháp để ổn định đất nước, trong số đó phải kể đến chủ trương lựa chọn và phục hưng Nho học”14. Sự lựa chọn và xu thế tư tưởng này đã ảnh hướng đến nhiều nhà nho đương thời, trong đó có Nguyễn Công Trứ. Nguyễn Công Trứ lại là con người hành động, có cá tính mạnh mẽ, ưa những việc có thực chất đối với đời sống người dân, vậy nên ông đề ra những chính sách giáo dục có ý nghĩa thực tiễn nhằm nâng cao đời sống của người dân.
Nhìn lại những chính sách mà Nguyễn Công Trứ đề xuất thì không nhiều chính sách về giáo dục của ông được chấp thuận. Ngay cả việc xin lập trường học thì bị vua bác rằng: “Việc dạy dân, cố nhiên quan hệ ở khi đầu, mà thi hành phép trị phải có thứ tự, cũng nên cân nhắc việc hoãn, việc gấp. Trong lời xin của Nguyễn Công Trứ, việc mở trường học vốn là một việc trong vương chính, nhưng làm ở khi dân đã đông lại giàu thì tốt, nếu làm ở khi dân mới nhóm thì chưa phải là việc cần kíp”15. Có thể thấy, trong giáo dục, từ chính sách, ý tưởng đến thực tế triển khai vào đời sống luôn còn một chặng đường dài và hệ thuộc vào người thực hiện. Mặc dù chỉ được thực hiện một phần trong thực tế song từ những vấn đề mà ông đề đạt, có thể khẳng định rằng ở vùng miền mà ông cai quản, ông luôn chăm lo đến đến sự phát triển toàn diện cả về đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Mặc dù những tư tưởng Nguyễn Công Trứ đặt ra có thể không được thực hiện như ông kì vọng nhưng những vấn đề đó là ý nguyện của nhân dân mà ông đúc kết được từ thực tiễn, cho đến nay những tư tưởng, sự quan tâm dành cho người học và người làm giáo dục vẫn còn giá trị. Trong đó, nhiều vấn đề đối vẫn là lời cảnh tỉnh đối với xã hội hiện đại từ việc dạy dỗ con trẻ biết yêu lao động, biết thực hiện những việc gần gũi với mình rồi mới thực hiện đến chuyện lớn lao, đến việc chăm lo đến đời sống của người công tác trong lĩnh vực giáo dục và sự đồng bộ hóa trong hệ thống quản lý giáo dục và xã hội. Nguyễn Công Trứ đặt ra những vấn đề căn bản và thiết thực trong giáo dục. Bằng nhiều cách khác nhau, con người yêu nước thương dân này đã góp sức mình vào sự phát triển của đất nước và sự ấm no của người dân.
3. Kết luận
Trong lịch sử nghiên cứu văn học, Nguyễn Công Trứ là một hiện tượng có quá trình tiếp nhận khá phức tạp. Một thời, ông bị đánh giá bằng một thái độ chưa thực công bằng, ông bị xem là đại diện của giai cấp thống trị chống lại nhân dân. Tuy nhiên, khi nhìn nhận bằng một nhãn quan khách quan và khoa học, vượt qua vài rào cản lịch sử, các nhà nghiên cứu đã khẳng định được vị thế của ông đối với văn chương và xã hội, từng bước lí giải về cuộc đời và con người ông. Quan niệm về giáo dục của Nguyễn Công Trứ cũng vậy, ông không phải là nhà cải cách giáo dục lỗi lạc, tạo nên một khuynh hướng mới trong sự phát triển giáo dục nước nhà nhưng những chính sách mà ông đưa ra thể hiện sự am hiểu của ông với những vấn đề cốt lõi nhất của giáo dục. Ông đã quan tâm đến người làm giáo dục, người dạy, người học, cơ sở vật chất… Một số đề xuất ông đưa ra được bề trên chấp nhận, một số đề xuất bị bác bỏ nhưng những cống hiến của ông có giá trị với nền giáo dục đương thời, thậm chí một số quan niệm còn thức tỉnh giáo dục đương đại. Tư tưởng của Nguyễn Công Trứ về giáo dục đã cho chúng ta thêm hiểu và trân trọng cuộc đời và sự nghiệp của ông – một tri thức lớn của Việt Nam thời trung đại.
Chú thích
1 Khái niệm “đánh giặc” được hiểu theo nghĩa lịch sử cụ thể, Nguyễn Công Trứ tham gia đánh cuộc nổi dậy của Phan Bá Bành, Nông Văn Vân... Với sở kiến của một nhà nho, Nguyễn Công Trứ đã đánh dẹp những người chống lại triều đình để giữ yên cho cuộc sống của người dân. Ngoài ra, giới sử học ngày nay cũng thay đổi trong cách nhìn nhận về các cuộc nổi dậy và vai trò của nhà nước phong kiến trong việc dập tắt các cuộc nổi dậy khi đặt chúng trong cá mối quan hệ đa chiều với dân tộc, quốc gia ở bối cảnh lịch sử đương thời.
2 Nguyễn Tiến Cường, Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở Việt Nam thời phong kiến, Nxb Giáo dục, H., 1998, tr. 92.
3 Nguyễn Tiến Cường, Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở Việt Nam thời phong kiến, Sđd, tr. 90.
4 Trường của trấn (tỉnh) gọi là nhà học gồm: Một tòa giảng đường ba gian hai chái lòng Nhà dọc ngang đều 4 tấc, cột cái cao 10 thước 5 tấc. Một nhà vuông 1 gian hai chai, lòng nhà dọc ngang đều 7 thước, cột cái cao 10 thước, 5 tấc. Nhà phủ học cũng xây dựng theo quy cách của nhà học của tỉnh, có 1 tòa giảng đường và 1 tòa vuông. Nhà học ở huyện chỉ có nhà học không có nhà vuông.
5 Ở đây, chúng ta không bàn luận đến con đường mà nhà Nguyễn đã lựa chọn trong tương quan với sự phát triển văn hóa, xã hội trên thế giới. Bởi mỗi sự lựa chọn đều có những căn nguyên lịch sử sâu sắc của thời đại và cá nhân. Đôi khi, quyết sách của người đứng đầu thay đổi thì cả xã hội sẽ chuyển mình theo. Không ít người đời sau đã tiếc cho con đường mà nhà Nguyễn đã đi như tác giả cuốn Văn hiến Thăng Long nhận định: “Sự tiếp xúc Phương Tây đáng lẽ phải đem lại cho vua quan nhà Nguyễn hiểu biết mới về thời đại để có thể chuyển đất nước vào con đường canh tân có cơ hội sớm hơn cả Nhật Bản. Nhưng tư tưởng bảo thủ đã kéo họ ở yên trong trong con đường mòn của lịch sử. Họ ra sức duy trì chế độ ruộng công, tăng cường bộ máy quan liêu, giữ Nho giáo ở vị trí độc tôn trong thượng tầng kiến trúc xã hội” (Vũ Khiêu – Nguyễn Vinh Phúc (chủ biên), Văn hiến Thăng Long, Nxb. Văn hóa Thông tin, H., 2000, tr.138)
6 Trần Nho Thìn (tuyển chọn và giới thiệu), “Nguyễn Công Trứ qua Đại Nam thực lục”, Nguyễn Công Trứ - Về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, H., 2006, tr.58.
7 Trần Nho Thìn (tuyển chọn và giới thiệu), “Nguyễn Công Trứ qua Đại Nam thực lục”, Nguyễn Công Trứ - Về tác gia và tác phẩm, Sđd, tr.59.
8 Trần Nho Thìn (tuyển chọn và giới thiệu), “Nguyễn Công Trứ qua Đại Nam thực lục”, Nguyễn Công Trứ - Về tác gia và tác phẩm, Sđd, tr.60.
9 Trần Nho Thìn (tuyển chọn và giới thiệu), “Nguyễn Công Trứ qua Đại Nam thực lục”, Nguyễn Công Trứ - Về tác gia và tác phẩm, Sđd, tr.56.
10 Tùy theo đơn vị hành chính mà chức Đốc học được đặt, chức được gọi bằng các tên và được ban trật như sau: Nếu chức được bổ và lãnh trách nhiệm ở cấp trấn hoặc tỉnh, chức được gọi là Đốc học (督 學) trật Chánh ngũ phẩm văn giai. Nếu chức được bổ và lãnh trách nhiệm ở cấp phủ, chức được gọi là Giáo thụ (教 授) trật Chánh thất phẩm văn giai. Nếu chức được bổ và lãnh trách nhiệm ở cấp huyện, chức được gọi là Huấn đạo (訓 導 ) trật Chánh bát phẩm văn giai. Thời Gia Long 1 Nhâm Tuất 1802, ở trấn Gia Định đặt 1 Đốc học, 1 Phó đốc học gọi là Ất đường, Giáp đường. Năm Minh Mạng 8 Đinh Hợi 1827, bỏ chức Phó đốc học. Năm Minh Mạng 16 Ất Mùi 1835, triều đình có chỉ dụ về việc giao cho Tri phủ, Án sát sứ, Tri huyện, Tri châu ở một số nơi ít học trò kiêm lĩnh các giáo chức. Sau cuộc cải cách hành chính năm Minh Mạng 12 Tân Mão 1831, Đốc học là một trong bốn quan cấp tỉnh (Bố chính, Án sát, Đốc học, Lãnh binh) hợp thành một bộ tham mưu thân cận nhất của Tổng đốc để chỉ đạo hoạt động ở tỉnh và ở các cấp phủ, huyện, tổng, xã.
11 Trần Nho Thìn (tuyển chọn và giới thiệu), “Nguyễn Công Trứ qua Đại Nam thực lục”, Nguyễn Công Trứ - Về tác gia và tác phẩm, Sđd, tr.78.
12 Trần Nho Thìn (tuyển chọn và giới thiệu), “Nguyễn Công Trứ qua Đại Nam thực lục”, Nguyễn Công Trứ - Về tác gia và tác phẩm, Sđd, tr.78.
13 Trần Nho Thìn (tuyển chọn và giới thiệu), “Nguyễn Công Trứ qua Đại Nam thực lục”, Nguyễn Công Trứ - Về tác gia và tác phẩm, Sđd, tr.78
14 Trần Nho Thìn, “Nguyễn Công Trứ và thời đại chúng ta”, Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb Giáo dục, 2008, tr.504.
15 Trần Nho Thìn (tuyển chọn và giới thiệu), “Nguyễn Công Trứ qua Đại Nam thực lục”, Nguyễn Công Trứ - Về tác gia và tác phẩm, Sđd, tr.60.
Tư liệu tham khảo chính:
- Nguyễn Tiến Cường, Sự phát triển giáo dục và chế độ thi cử ở Việt Nam thời phong kiến, Nxb Giáo dục, H., 1998, tr. 92.
- Đoàn Tử Huyến (chủ biên), Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Nxb. Nghệ An và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2008.
- Trần Đình Hượu, Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại, Nxb. Giáo dục, H., 1999.
- Vũ Khiêu – Nguyễn Vinh Phúc (chủ biên), Văn hiến Thăng Long, Nxb. Văn hóa Thông tin, H., 2000.
- Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1997.
- Trần Nho Thìn, Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb. Giáo dục, H., 2008.
- Trần Nho Thìn (tuyển chọn và giới thiệu), Nguyễn Công Trứ - Về tác gia và tác phẩm, Nxb. Giáo dục, H., 2006.
- Trần Ngọc Vương, Loại hình tác giả văn học Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H., 199