Nghiên cứu khoa học

Diễn từ nhận Nobel Văn học 2020 của Louise Glück


18-10-2021

 

Louise Glück nói về ý nghĩa "riêng tư, thân mật" của thi ca và "nỗi sợ" khi nhận giải Nobel Văn học 2020, trong diễn từ hôm 7/12.

Khi còn là một đứa trẻ khoảng năm hay sáu tuổi gì đó, tôi tự biên tự diễn một cuộc thi trong đầu, để quyết định bài thơ nào hay nhất thế giới. Có hai tác phẩm vào chung kết - The Little Black Boy của William Blake và Swanee River của Stephen Foster. Đi đi đi lại lại trong phòng ngủ nhà bà mình ở Cedarhurst, một ngôi làng ở bờ nam Long Island, tôi thích lẩm nhẩm trong đầu những bài thơ không thể quên của Blake hơn là đọc ra miệng, và tôi hát, cũng từ trong tâm trí, khúc hát ám ảnh, hoang vắng của Foster. Việc tôi tìm đọc Blake thật kỳ bí. Tôi nghĩ một tập thơ của ông đã lạc giữa những cuốn sách chính trị, lịch sử và tiểu thuyết của bố mẹ. Nhưng tôi nghĩ tôi đã đọc sách của ông ở nhà bà. Bà tôi không phải người mê sách. Nhưng bà có cuốn The Songs of Innocence and of Experience và vài cuốn sách nhỏ in bài hát trong các vở kịch của Shakespeare, nhiều bài trong số đó tôi đã thuộc lòng. Tôi đặc biệt yêu thích khúc hát trong vở kịch Cymbeline, dù chẳng hiểu từ nào, tôi thích nghe giai điệu, âm thanh, những câu mệnh lệnh, chúng kích thích một đứa trẻ rụt rè và hay sợ hãi. "Và mộ các ngươi sẽ được nổi tiếng". Tôi đã hy vọng thế.

Những cuộc thi kiểu này, vì danh dự, vì phần thưởng lớn lao, dường như là lẽ tự nhiên với tôi; những huyền thoại đầu tiên mà tôi đọc có đủ những điều đó. Từ khi tôi còn nhỏ, bài thơ vĩ đại nhất thế giới với tôi dường như là bài thơ có sự vinh danh lớn lao nhất. Đây cũng là cách tôi và em gái mình được nuôi dạy, để cứu nước Pháp như Joan of Arc, để khám phá ra chất phóng xạ như Marie Curie. Sau này, tôi bắt đầu hiểu những nguy hiểm và hạn chế của tư duy thứ bậc, nhưng trong thời thơ ấu của tôi, việc trao giải vô cùng quan trọng. Một người đứng trên đỉnh núi có thể được nhìn thấy từ rất xa, họ là thứ duy nhất đáng chú ý trên núi. Những người ở dưới thấp hơn thì như thể vô hình.

Louise Glück sinh năm 1943 ở New York, là tác giả của 12 tuyển tập thơ, một tiểu luận về thi ca. Bà là chủ nhân giải Nobel Văn học 2020. Ảnh: Pw.

Louise Glück sinh năm 1943 ở New York, là tác giả của 12 tuyển tập thơ, một tiểu luận về thi ca. Bà là chủ nhân giải Nobel Văn học 2020. Ảnh: Pw.

Hoặc, trong trường hợp này, là bài thơ. Tôi cảm thấy chắc chắn rằng Blake đặc biệt biết đến cuộc thi của tôi, quan tâm đến kết quả của nó. Tôi hiểu ông đã chết, nhưng tôi cảm thấy ông vẫn còn đâu đây, tôi nghe thấy giọng nói của ông, dù nó đã được nguỵ trang, đích thị là ông. Tiếng nói ấy, tôi cảm thấy chỉ dành cho tôi, đặc biệt cho tôi. Tôi nghĩ mình là người được chọn để hưởng đặc ân này; tôi cũng cảm thấy Blake là người mà tôi khao khát được trò chuyện, cùng Shakespeare, người tôi từng đối thoại.

Blake là người chiến thắng cuộc thi. Nhưng sau này tôi đã nhận ra điểm giống nhau giữa hai bài thơ trữ tình đó; trong quá khứ và hiện tại, tôi bị cuốn vào giọng nói đơn độc của con người, cất lên giữa những khát khao, nuối tiếc. Và các nhà thơ tôi quay lại đọc khi lớn lên là những người mà tôi, một người nghe được chọn, được đóng một vai trò quan trọng trong tác phẩm của họ. Họ không nói với đám đông. Không nói với chính mình.

Tôi thích thỏa thuận này, thích cảm giác tin rằng những gì bài thơ truyền tải thật thiết thực và riêng tư, thông điệp được một linh mục hay nhà phân tích đều tiếp nhận.

Lễ trao giải trong phòng ngủ phụ nhà bà tôi, dường như sự bí ẩn của nó đã mở rộng mối quan hệ mãnh liệt mà một bài thơ tạo ra: mở rộng, chứ không phải xâm phạm.

Blake đã nói với tôi về cậu bé da đen bé nhỏ, ông là nguồn gốc của giọng nói bí ẩn đó. Ông không thể hiện hình, cậu bé da đen cũng không thể bị nhìn thấy, hoặc bị nhìn nhận một cách hời hợt bởi cậu bé da trắng thiếu nhạy cảm và khinh người. Nhưng tôi biết điều ông nói là đúng, rằng tấm thân phàm trần của ông chứa một linh hồn thuần khiết rực rỡ; tôi biết qua điều mà cậu bé da đen nói, lời kể của cậu về cảm xúc, những trải nghiệm của cậu, không có sự oán trách, không khao khát trả thù, chỉ có niềm tin rằng, trong thế giới hoàn hảo mà cậu được hứa hẹn sẽ đến sau khi chết, cậu sẽ được công nhận như chính con người mình. Và trong niềm vui sướng dâng trào, cậu nhắn nhủ hãy bảo vệ đứa trẻ da trắng khỏi những tia sáng chói lọi đột ngột. Đây không phải một hy vọng thực tế, nó đã bỏ qua những điều thực tế, khiến bài thơ trở nên chua xót và mang thông điệp chính trị sâu sắc. Sự tổn thương và nỗi uất hận chính đáng mà cậu bé da đen không cho phép mình cảm nhận, sự che chở của mẹ cậu, đã tác động đến người đọc. Kể cả khi độc giả đó chỉ là trê con.

Nhưng việc được công chúng tôn vinh lại là chuyện khác.

Những bài thơ mà tôi tâm huyết suốt đời thuộc kiểu tôi đã miêu tả, chúng có mối liên kết thân mật với người nghe hoặc người đọc - họ nhận mọi tâm sự, những tiếng than thở và đồng cảm. "Tôi chẳng là ai!", Emily Dickinson nói. "Em cũng chẳng là ai/ Chúng ta là một đôi - đừng nói nhé!". Hay Eliot: "Hãy cùng bỏ đi, anh và em/ Khi bóng đêm lan trên vòm trời/ Như gã bệnh nhân nằm trên bàn cấp cứu". Eliot không triệu tập một đội hướng đạo sinh. Ông đang đòi hỏi điều gì đó từ độc giả. Ngược lại, trong câu thơ, "Liệu tôi có thể sánh em với một ngày hè?" của Shakespeare, ông không đang so sánh tôi với "ngày hè". Tôi được phép nghe lỏm chúng, dù bài thơ không đòi hỏi có sự hiện diện của tôi.

Louise Glück trả lời báo chí sau khi chiến thắng giải Nobel Văn học tại nhà riêng ở Massachusetts (Mỹ). Bà sẽ xuất bản tác phẩm mới vào mùa thu năm sau. Ảnh: Reuters.

Louise Glück trả lời báo chí sau khi chiến thắng giải Nobel Văn học tại nhà riêng ở Massachusetts (Mỹ). Bà sẽ xuất bản tác phẩm mới vào mùa thu năm sau. Ảnh: Reuters.

Trong những tác phẩm tôi bị thu hút, tiếng nói, sự phán xét của đám đông vô cùng nguy hiểm. Những câu đối thoại thân mật làm gia tăng sức mạnh mong manh của nó và tiếp thêm nghị lực cho người đọc, những người lắng nghe được lời khẩn cầu, tâm sự bức bách ẩn trong đó.

Chuyện gì sẽ xảy ra với một nhà thơ kiểu này khi công chúng hoan nghênh và đề cao họ, thay vì chê bai hoặc phớt lờ. Tôi cho rằng họ sẽ cảm thấy bị đe dọa, áp đảo.

Đây là chủ đề Dickinson thường đề cập, không dày đặc, nhưng khá thường xuyên.

Tôi đọc Emily Dickinson say sưa nhất là hồi thiếu niên, thường là lúc đêm muộn, sau giờ đi ngủ, trên sofa phòng khách.

"I’m nobody! Who are you?
Are you nobody, too?"

(Tôi chẳng là ai! Em là ai?
Phải chăng em cũng chẳng là ai?)

Và, trong bản tôi đọc khi ấy, tôi thích nhất câu:

"Then there’s a pair of us - don’t tell!
They’d banish us, you know..."

(Vậy chúng ta là một đôi - đừng nói ra nhé
Họ sẽ lưu đày chúng ta, em biết không...)

Dickinson đã chọn tôi, hoặc nhận ra tôi, khi tôi ngồi đó trên sofa. Chúng tôi là một tinh hoa, những người bạn đồng hành vô hình, sự thật này chỉ chúng tôi biết, và mỗi bên lại chứng thực cho người kia. Trong thế giới này, chúng tôi chẳng là ai.

Nhưng điều gì sẽ tạo nên sự lưu đày đối với những người tồn tại như chúng tôi, trong nơi an toàn của mình, dưới một khúc gỗ? Sự lưu đày là khi khúc gỗ bị nhấc đi.

Ở đây, tôi không nói về tác động xấu của Emily Dickinson với các cô gái tuổi teen. Tôi đang nói về việc không tin tưởng vào cuộc sống đám đông hoặc coi đó là cõi mà sự khái quát làm lu mờ sự chính xác, và sự thật luôn bị giấu diếm. Ví dụ: nếu giọng nói của Dickinson bị thay thế bởi giọng quan tòa: "Chúng tôi chẳng là ai cả, anh là ai?". Thông điệp bỗng trở nên nguy hiểm.

Thật bất ngờ, ngày 8/10 (ngày trao giải Nobel Văn học), tôi đã cảm thấy hoảng loạn như tôi từng miêu tả. Hào quang chói lóa. Tầm vóc lớn lao.

Nhiều người viết mong muốn tiếp cận nhiều độc giả. Nhưng một số nhà thơ không đề cao sự tiếp cận về mặt không gian, chẳng hạn như các căn phòng chật kín người. Họ đặt mục tiêu đạt được nhiều thứ theo tuần tự thời gian, ở thì tương lai, theo một cách sâu xa, những độc giả sẽ đến, lần lượt từng người một.

Tôi tin rằng khi trao cho tôi giải thưởng này, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã chọn tôn vinh giọng nói thân mật, riêng tư, mà công chúng đôi khi có thể cùng góp lời để tăng thêm hoặc mở rộng, nhưng không bao giờ có thể thay thế.

Hà Thu (theo: Nobelprize)

Diễn từ nhận Nobel Văn học 2020 của Louise Glück - VnExpress Giải trí

Post by: admin
18-10-2021