Nghiên cứu khoa học

KHẢO SÁT SƠ BỘ KHO SÁCH CHỮ NÔM Ở THƯ VIỆN QUỐC GIA VIỆT NAM- PHẠM THẾ KHANG


04-08-2021

 

1. Thư viện Quốc gia Việt Nam, tiền thân là thư viện Trung ương Đông Dương, được thành lập năm 1917. Khi mới thành lập, Thư viện chỉ lưu trữ các ấn phẩm chữ Latinh (Pháp, Việt...), không lưu trữ sách Hán Nôm. Sau ngày tiếp quản Thủ đô (1954), Thư viện Quốc gia có tiếp nhận một số ít sách Hán Nôm của thư viện Văn phòng Trung ương ở chiến khu chuyển về. Các năm tiếp sau thỉnh thoảng Thư viện cũng nhận được một số sách Hán Nôm của các cơ quan trung ương, của địa phương và của cá nhân gửi tặng. Vì số sách quá ít và thiếu cán bộ chuyên trách, cho nên phải đến năm 1961, Thư viện Quốc gia mới tiến hành lựa chọn sách Hán Nôm để xử lý.

Và đến năm 1963, Thư viện Quốc gia mới bắt đầu công việc biên mục để chuẩn bị thông báo cho bạn đọc sử dụng. Bên cạnh đó, thư viện còn có những hoạt động như đăng tin trên báo thu mua sách Hán Nôm, hay thu gom trong nhân dân qua những người mua bán sách cũ. Nhờ sự kiên trì của cán bộ thư viện và lòng nhiệt tình của người dân mà một kho sách quý hiếm đã được hình thành. Từ đó đến nay, kho sách Hán Nôm luôn được xếp vào loại hình tài liệu quí hiếm có chế độ bảo quản và phục vụ đặc biệt, có kho và phòng đọc riêng biệt.

Hiện nay, sách Hán Nôm đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia có trên 1.000 tên sách (gồm 2.300 bản sách, trong đó có 298 tên sách chép tay). Đặc biệt là trong số đó có 257 tên sách chữ Nôm (bao gồm sách chữ Nôm, sách Hán Nôm - Quốc ngữ và sách Nôm - Quốc ngữ).

2. Chúng tôi chưa có điều kiện giới thiệu toàn bộ những văn bản Nôm đang lưu trữ tại thư viện mà chỉ xin giới thiệu về một số văn bản Nôm tiêu biểu.

- Về văn học:

+/ Có thể kể đến Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ một trong những khúc ngâm Nôm hay nhất trong văn học Việt Nam. Giới nghiên cứu Việt Nam đều biết đến Tự tình khúc, nhưng bản Nôm của tác phẩm này rất hiếm, văn bản gốc không còn. Trong kho sách Thư viện Quốc gia, tác phẩm này được chép lại trong một tập sách mang tên Cảm ngộ ngâm (R.1767). Đến nay chưa rõ vì lý do nào mà người chép lại đổi tên là Cảm ngộ ngâm.

+/ Tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều một trong ba khúc ngâm Quốc âm nổi tiếng của văn học cổ điển Việt Nam. Bản in của tác phẩm Nôm này rất hiếm, hiện Thư viện Quốc gia có hai bản in: Bản thứ nhất của Phú Văn đường tàng bản, được khắc gỗ in năm Tự Đức thứ 19 (1866) (R.1962); Bản thứ 2 của Liễu Văn đường tàng bản, khắc in năm Duy Tân Nhâm Tý (1912) (R.1559). Bản in của Phú Văn đường (1866) lưu trữ tại Thư viện Quốc gia có thể xem là bản in xưa nhất hiện có về tác phẩm này. Trước đây, Thư viện Viễn đông Bác cổ Pháp cũng có một bản in Cung oán ngâm khúc năm 1866, nhưng sách đã chuyển về Pháp. Bản in của Liễu Văn đường gần đây hơn (1912), tuy việc khắc chữ Nôm không mấy tinh tế, nhưng cũng rất cần để làm căn cứ cho việc khảo cứu văn bản.

+/ Tác phẩm Tân biên truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, khắc in năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), được lưu trữ tại kho sách Hán Nôm của Thư viện Quốc gia cũng là một văn bản Nôm có giá trị.

+/ Đặc biệt phải kể đến Truyện Kiều - tác phẩm thơ Nôm nổi tiếng, nhưng văn bản Truyện Kiều rất phức tạp, cho đến nay chưa có công trình nào bao quát khảo sát hết các văn bản hiện có. Thư viện Quốc gia có 12 văn bản Truyện Kiều, trong đó văn bản Kim Vân Kiều tân truyện (R.2001) được khắc in khá sớm, năm Tự Đức Kỷ Mão (1879) do Quan Văn đường tàng bản.

Chúng tôi được biết, hiện nay có hai văn bản Nôm Truyện Kiều được khắc in sớm hơn bản Kiều nói trên vài năm. Đó là: bản Kim Vân Kiều tân truyện của Liễu Văn đường tàng bản, khắc in năm 1871 và bản của Duy Minh Thị khắc in năm 1872. Nhưng cả hai bản này đều đang ở nước ngoài, một bản lưu trữ tại Thư viện liên trường Đại học Ngôn ngữ Phương Đông ở Paris và một bản lưu trữ tại Thư viện riêng của cố GS. Hoàng Xuân Hãn.

Gần đây, tại Vinh đã phát hiện một bản Kiều Nôm khắc in năm 1866, được coi là bản Kiều khắc in có niên đại xưa nhất hiện nay.

Như vậy, có thể coi bản Kim Vân Kiều tân truyện chữ Nôm, in ván gỗ, hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia (R.2001) là một trong những bản Kiều khắc in sớm nhất hiện có ở Việt Nam.

Về lịch sử:

- Có cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca, tập diễn ca lịch sử bằng thơ Quốc âm. Sách do nhà in Trí Trung đường khắc ván in lần đầu năm Canh Ngọ Tự Đức thứ 23 (1870). Thư viện Quốc gia hiện có bản in sớm nhất (năm 1870) (R.7; R.303; R.1934) và các bản in năm 1871, 1881 và 1908.

- Sách Kinh Dịch: có tập bài giảng về Kinh Dịch của Phạm Đình Hổ: Dịch phu tùng thuyết (R.1617) bản Hán Nôm chép tay. Kinh Dịch là một lĩnh vực uyên bác, nhưng các tác phẩm nghiên cứu Kinh Dịch trong di sản Hán Nôm không nhiều. Hy vọng cuốn Dịch phu tùng thuyết ở Thư viện Quốc gia sẽ hữu ích cho các nhà nghiên cứu Kinh Dịch.

3. Ngoài ra, trong kho sách Hán Nôm của Thư viện Quốc gia còn có rất nhiều văn bản Hán Nôm khác có giá trị về các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý, y học v.v... xứng đáng được xếp vào loại hình tài liệu quý hiếm của thư viện.

Trong tiến trình xây dựng một thư viện hiện đại, Thư viện Quốc gia dự định kiểm soát kho sách Hán Nôm trên cơ sở dữ liệu thư mục hoặc toàn văn đối với một số văn bản có giá trị, để thuận lợi cho việc tra cứu cũng như bảo vệ các văn bản gốc. Trong thời gian tới, Thư viện Quốc gia sẽ ra mắt bạn đọc cuốn Thư mục sách Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia do PGS.TS. Ngô Đức Thọ biên soạn. Đây là một cuốn cẩm nang quý giá cho những ai quan tâm đến Hán Nôm.

Mặc dù số lượng khiêm tốn, nhưng kho sách Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia rất phong phú về nội dung và thể loại, được coi là một trong những kho sách Hán Nôm lớn ở Việt Nam. Hy vọng rằng kho sách này sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu của các nhà nghiên cứu về văn bản và về đất nước Việt Nam trong quá khứ.

P.T.K

http://www.hannom.org.vn/web/tchn/data/0406.htm

 

Post by: admin
04-08-2021