Nghiên cứu khoa học

MINH TRIẾT ẤN ĐỘ - SỨC MẠNH ẤN ĐỘ


29-07-2021

MINH TRIẾT ẤN ĐỘ - SỨC MẠNH ẤN ĐỘ

                                                                                                 Nguyễn Thị Mai Liên*

 

       Minh triết không đồng nhất với triết học. Trong cuốn Một bậc minh triết thì vô ý, Francois Jullien 1 có phân biệt giữa triết học (Âu Tây) và minh triết (Đông Á) rằng: “Triết học thiên về sự biết, minh triết quan tâm đến sự ngộ. Người ta biết những gì chưa biết, đối tượng của ngộ là những gì đã biết, thậm chí biết quá nhiều2. Triết gia Platon 3 đã từng thú nhận: “Minh triết là của thần, là bất cập với con người, con người nhiều lắm chỉ có thể yêu mến, quý trọng minh triết4. Theo quan niệm Ấn Độ, minh triết là sự sáng suốt giác ngộ những chân lí của cuộc sống.  Đó là sự thức tỉnh thoát khỏi ý thức về cái tôi cá nhân vị kỉ, do vậy dập tắt được ngọn lửa tham, sân si; nhận thức được quy luật vô thường của cuộc sống, từ đó thoát khỏi mọi khổ đau. Phật giáo gọi những chân lí đó là Tam pháp ấn: Chư pháp vô ngã – chư hành vô thường – Niết Bàn tịch tĩnh. Minh triết được biểu tượng thành vầng hào quang tỏa sáng trên đầu đức Phật. Minh triết giúp con người trở nên vị tha, yêu thương, sẵn sàng hi sinh quyền lợi, hạnh phúc cá nhân vì lợi ích của người khác. Minh triết vì vậy sẽ là sức mạnh tạo nên hòa bình cho nhân loại vì suy cho cùng mọi cuộc chiến tranh trên trái đất này đều bắt nguồn từ sự vô minh, vì vô minh mà vị kỉ, mà nghĩ rằng có cái tôi cá nhân, dẫn đến tranh giành lợi ích của người khác. Sức mạnh tinh thần, văn hóa của Ấn Độ quả thực hàng nghìn năm nay đã lan tỏa khắp thế giới không phải theo gót chân của hùng binh mà chính là nhờ ánh sáng của sự minh triết, của tư tưởng hòa bình, từ bi bác ái. Đây chính sức mạnh mềm vô hình góp phần quan trọng làm nên sức mạnh tổng thể của Ấn Độ. Trong bài báo này, chúng tôi sẽ tìm hiểu sự biểu hiện cụ thể của minh triết Ấn Độ trong văn hóa, văn học Ấn Độ qua những kinh điển uyên áo vĩ đại như Veda, Upanishad, Mahabharata, Tam tạng… cũng như vai trò của nó trong việc làm nên sức mạnh chiến thắng của Ấn Độ theo quan niệm của người Ấn Độ như thế nào.

1. Kinh Veda – minh triết về đạo sống trao – nhận trong vũ trụ

         Minh triết Ấn Độ có thể nói khởi nguồn từ xa xưa, trong những trang kinh văn Veda, bộ kinh ra đời khoảng 1.500 năm trước Công nguyên, khi người Arya5 lần đầu

đặt chân lên đất Ấn Độ. Veda có nghĩa là hiểu biết, âm Hán Việt là Tứ minh vì nó bao gồm có 4 bộ Rig, Sama, Yajuh, Atharva. Đó quả thực là một sự hiểu biết sáng suốt đúng như tên gọi của kinh điển về vũ trụ, về mối quan hệ của con người và vạn vật trong vũ trụ. Quan sát thế giới, người Arya nhận thấy vạn vật trong tự nhiên có mối liên hệ hòa hợp, tương tác lên nhau theo một chu trình hữu cơ bí ẩn. Mặt trời, sáng sáng, mọc lên trao ánh nắng và hơi ấm cho cỏ cây, hoa lá; cỏ cây sẽ hiến mình cho thỏ, thỏ đến lượt mình, hiến thân cho chó sói… Như vậy, vật nào cũng phải trao và nhờ đó sẽ được nhận, nhận rồi thì phải đáp đền. Con người được nhận rất nhiều từ thần linh: con cái, sức khỏe, tuổi thọ, gia súc, mùa màng… Vì vậy, họ thực hiện lễ hiến tế để đền đáp ân phước thần linh đã trao cho họ. Trong lễ hiến tế, các tu sĩ Balamon vừa dâng lễ vật vào ngọn lửa, nhờ thần Lửa chuyển lễ vật tới thần linh; vừa đọc tụng kinh ca ngợi các thần, cầu xin các thần ban cho ân phước. Hãy nghe họ tụng ca thần Mặt Trời Surya và cầu xin thần ban cho ân phước:

          Thần đi nhanh quá và oai hùng quá, hỡi thần Surya.

          Thần làm ra ánh sáng rạng rỡ của cõi trời,

          Thần rọi thấu các thần, Thần rọi thấu loài người.

          …..

          Thần hãy rũ sạch mọi lo lắng trong lòng tôi

          Thần hãy xóa sạch màu da vàng nhợt trên mình tôi.

          Hãy bắt kẻ thù của tôi trao vào tay tôi, đừng để tôi lọt vào tay kẻ thù 6.

       Người Arya tin rằng nhờ lễ vật và những lời tụng ca được thốt lên từ lòng biết ơn chân thành, thần linh sẽ khiến vũ trụ vận hành nhịp nhàng, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người sẽ có hạnh phúc. Họ khái quát nguyên tắc trao – nhận – đáp đền khiến vũ trụ hài hòa đó thành quy luật Rta hay Rita. Rta nghĩa đen là quy luật vận động của khớp xương để cơ thể chuyển động một cách nhịp nhàng, nghĩa bóng là quy luật vận hành của vũ trụ để vũ trụ trở thành một đại hòa điệu.

      Như vậy, từ hơn 3.500 năm trước, người Ấn Độ cổ đại đã minh triết một chân lí: con người là một mắt xích trong chuỗi dây chuyền vận hành vĩ đại của vũ trụ. Con người cần trung thành thực hiện quy luật trao nhận – đáp đền, nghĩa là phải thực hiện bổn phận với thế giới xung quanh sẽ tạo ra sức mạnh vận hành được vũ trụ, khiến vũ trụ “phong điều, vũ thuận”, nhờ đó cuộc sống con người thuận lợi, hạnh phúc.

2. Kinh Upanishad – minh triết về sự hợp nhất Linh hồn Cá Thể và Linh hồn Vũ Trụ bằng con đường tri thức (jnana marga)

      Sau thời Vêda là thời kỳ Upanishad của Hindu giáo, kéo dài khoảng từ năm 800 tr. CN đến năm 400 tr. CN.

     Trong lịch sử phát triển tinh thần của nhân loại, từ năm 800 tr. CN đến năm 400 tr. CN là “thời đại trục” (period axiale - Karl Jaspers) của lịch sử loài người. Đây là thời kì tư duy con người vô cùng phát triển. Từ thế giới thần thoại, của tôn giáo nguyên thuỷ, con người bước sang vương quốc của tư duy triết học; từ ngưỡng mộ tự nhiên, con người chuyển sang suy tư, trăn trở về chính cuộc sống và nội tâm của mình. Những tên tuổi tiêu biểu cho khuynh hướng ấy là Socrate, Platon, Aristote ở Hi Lạp, Khổng Tử, Lão Tử ở Trung Hoa, Phật Thích Ca ở Ấn Độ... 

         Còn trên đất Ấn Độ, lúc này, sau khi làm chủ tây bắc, người Arya mở rộng địa bàn về phía đông bắc Ấn Độ. Họ xây dựng chế độ chiếm hữu nô lệ khắt khe, trì trệ và chế độ phân biệt đẳng cấp trên cơ sở phân biệt chủng tính khắc nghiệt ở miền Bắc Ấn Độ. Địa vị thấp hèn khiến cuộc sống của những người thuộc đẳng cấp dưới vô cùng cơ cực. Họ mong ước sống tự do, bình đẳng, hạnh phúc, vượt khỏi sự trói buộc của các luật lệ, các quan hệ xã hội hà khắc, chứ không chỉ mong ước có cuộc sống vật chất no đủ như thời Veda. Con đường hiến tế không giúp họ đạt được những mơ ước hạnh phúc về tinh thần. Quan trọng hơn, tư duy và trình độ nhận thức của con người rất phát triển. Họ không còn tin vào thần thánh mà tự tin vào sức mạnh trí tuệ của chính mình. Vì vậy, họ đã băn khoăn đi tìm và đã khai phá ra một con đường mới đi tới hạnh phúc bằng trí tuệ trong kinh Upanishad.

        Upanishad là một bộ kinh quan trọng nhất, thâm trầm nhất của tư tưởng Hindu giáo. Nó cũng là tác phẩm triết lí và tâm lí cổ xưa, đặc sắc của nhân loại. Giáo sư Winternitz cho rằng đây là những công trình vô giá của nhân loại, nó cho thấy sự “đấu tranh rất nghiêm túc để tìm chân lí, những vần thơ mang tính triết lí  của họ bộc lộ nồng nhiệt niềm khát khao bất diệt của con người trong quá trình tìm tòi tri thức7. Shad có nghĩa là ngồi. Upa là vòng tròn. Ni là cung kính. Upanishad nghĩa là ngồi thành vòng tròn, cung kính lắng nghe lời sư phụ giảng. Những lời giảng đó hướng các đệ tử tới một chân lí duy nhất: Giải thoát (Moksha).

       Vậy giải thoát là gì? Gỉai thoát là đem Linh hồn Cá Thể (Atman) hòa nhập với Linh hồn Vũ Trụ (Brahman). Các hiền giả Hindu giáo cho rằng mỗi cá thể dù là con người hay vạn vật đều gồm hai phần là thể xác và linh hồn. Thể xác giống như chiếc áo rồi sẽ mục nát. Phần còn lại là linh hồn trường tồn, bất biến, tìm đến thân xác khác để đầu thai. Tuy nhiên, bằng nhiều con đường khác nhau như: tu hành khổ hạnh, thực hành yoga (jnana marga); thực hiện hành động vô cầu – nghĩa là sẵn sàng thực hiện bổn phận mà không cầu lợi ở hành động (karma marga) hay hết lòng sùng tín các vị thần linh (bhakti marga), Linh hồn Cá Thể có thể hòa nhập với Linh hồn Vũ Trụ, thoát khỏi luân hồi, đạt đến giải thoát (moksha). Nếu mỗi cá thể có Linh Hồn Cá Thể thì vũ trụ cũng có một linh hồn bao hàm mọi Linh hồn Cá Thể, được gọi là Linh hồn Vũ Trụ Brahman. Khái niệm Linh hồn Vũ Trụ Brahman là câu trả lời cho vấn đề băn khoăn, thắc mắc mà các hiền giả Hindu giáo đặt ra để giải quyết trong Upanishad: “Cái gì là thực tại đầu tiên, duy nhất, tối cao, là căn nguyên của tất cả, mà khi nhận thức được nó, người ta sẽ biết được mọi cái và có thể giải thoát được linh hồn con người khỏi mọi lo âu khổ não của cuộc đời?” 8. Câu hỏi đó được Upanishad trả lời rằng: Cái đó là Brahman – Linh Hồn Vũ Trụ. Brahman (Linh Hồn Đại Ngã, Vũ Trụ) là bản chất đồng nhất và bất biến của tất cả các sự vật hiện t­ượng. Nó là linh hồn hay sinh khí của thế giới và là nguồn sống của tất cả: “Cái do đấy vạn vật sinh ra, cái nhờ đó vạn vật sống được và cái ở đó vạn vật trở về hoà nhập sau khi chết. Cái đó là Brahman” (Kinh Taittiriya Upanishad) 9.

       Linh Hồn Cá Thể Atman là những hiện thân sinh động, phong phú, đa dạng của Linh Hồn Vũ Trụ Brahman, giống như những tia nắng thể hiện mặt trời, như những giọt nước thể hiện đại dương. Những giọt nước ấy có hàng triệu, khác nhau về hình thức biểu hiện nhưng thực chất chúng đều là một thể duy nhất, đó là nước của đại dương. Brahman chỉ có một, Atman là số nhiều nhưng cái nhiều ấy chỉ là giả tưởng vì bản chất của chúng chỉ là một. Thế giới vi mô và vĩ mô hoà quyện với nhau.     Kinh Chandogya Upanishad đã nói về nguyên lí đồng nhất giữa Atman và Brahman như sau: “Toàn thể vũ trụ tiềm ẩn trong lòng ta, đó là Brahman”. “Cái ngã trong lòng ta nhỏ hơn hạt gạo, nhỏ hơn hạt mè, nhỏ hơn hạt cải, nhỏ hơn hạt kê, nhỏ hơn nhân hạt kê. Cũng cái ngã ấy trong lòng ta lớn hơn trái đất, lớn hơn bầu khí quyển, lớn hơn tất cả thế gian10.

     Giải thoát là đưa Linh Hồn Cá Thể Atman hợp nhất với Linh Hồn Vũ Trụ Brahman. Nếu ta ví Atman như không khí trong bình, Brahman như không khí ngoài bình thì nỗ lực giải thoát chính là cố gắng đẩy bật nắp bình cho không khí trong bình hoà nhập làm một với không khí ngoài bình. Như vậy, bản chất của giải thoát chính là tinh thần vô ngã. Minh triết này có khả năng mang con người đến hạnh phúc, Cực Lạc và ảnh hưởng tới nhiều phương diện của triết học Ấn Độ. Về vũ trụ quan, ngư­ời Ấn Độ đề cao lối sống gắn bó với vũ trụ, thiên nhiên. Về nhân sinh quan, người Ấn Độ sống từ bi, bác ái, hoà hợp, bất tổn sinh (ahimsa), không làm tổn hại người khác, không làm hại côn trùng, cây cỏ.

       3. Sử thi Mahabharata – minh triết về sự hợp nhất Linh hồn Cá Thể và Linh hồn Vũ Trụ bằng con đường hành động

       Quan niệm sức mạnh làm nên chiến thắng, đem lại hạnh phúc khởi nguồn từ tinh thần vị tha, từ bi, bác ái, sẵn sàng từ bỏ quyền lợi cá nhân vì lợi ích người khác tiếp tục được khẳng định sinh động qua các hình tượng nhân vật trong các sử thi Ấn Độ. Sử thi Mahabharata (ra đời từ khoảng TK V Tr. CN đến TK V) là câu chuyện về cuộc chiến tranh giữa hai chi của dòng họ Bharata. Do những người anh thuộc chi trên Kaurava tham lam, hiềm tị luôn tìm cách hãm hại các em con chú. Họ lừa các em xuống sông tắm rồi định dìm chết các em. Lần khác, họ lừa các em vào lâu đài sáp rồi nổi lửa đốt. Họ dụ Yudhisthira chơi trò xúc xắc rồi chiếm đoạt toàn bộ vương quốc của các Pandava. Năm anh em Pandava phải vào rừng lưu đày. Kết thúc 14 năm trong rừng, các Pandava trở về và chỉ xin 5 làng nhỏ để chung sống hòa bình. Tuy nhiên, các Kaurava đã không trả cho họ một tấc đất cắm dùi. Chính vì vậy, chiến tranh đã trở nên tất yếu. Cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã diễn ra trong 18 ngày. Để chuẩn bị cho cuộc chiến, tướng lĩnh hai phe đi chiêu mộ quân đội. Lực lượng đầu tiên mà cả hai phe đều nghĩ tới chính là Krishna, quốc vương của vương quốc láng giềng và toàn bộ quân đội hùng mạnh của ông. Yudhisthira đến cung điện của Krishna trước. Lúc bấy giờ Krishna đang ngủ trên long sàng. Tôn trọng giấc ngủ của ông, chàng ngồi xuống chiếc ghế kê ở đầu giường. Lát sau, Duryodhana đến, y ngồi xuống chiếc ghế kê ở cuối giường. Khi tỉnh giấc, người đầu tiên mà Krishna nhìn thấy chính là Yudhisthira. Vì lí do đó, Yudhisthira được quyền chọn trước hoặc là một mình Krishna tham chiến chỉ với tư cách là người đánh chiến xa hoặc là toàn bộ quân đội hùng mạnh của ông. Yudhisthira đã chọn một mình Krishna tham chiến chỉ với tư cách người đánh xe. Nghe Yudhisthira chọn vậy, Duryodhana rất mừng rỡ vì y cho rằng quân đội hùng mạnh của Krishna sẽ giúp y giành thắng lợi. Tuy nhiên, đối với người Ấn Độ, sức mạnh không nằm ở ngàn quân, sức mạnh nằm ở trí tuệ sáng suốt. Krishna là biểu tượng của sự sáng suốt ấy. Quả vậy, dưới sự dẫn dắt của Krishna, quân đội Pandava đã đi đến thắng lợi cuối cùng trước quân Kaurava binh hùng tướng mạnh. Sự sáng suốt của Krishna tỏa sáng trên chiến trường khi ông giảng giải cho Arjuna con đường hành động của một chiến binh để đi đến giải thoát vào lúc chàng đang nao núng, thoái lui. Khi quân đội hai bên đã dàn trận mặt đối mặt, Arjuna được giao nhiệm vụ khai hỏa. Chàng đột nhiên nhìn về bên kia chiến tuyến và nhận thấy những gương mặt rất thân thương của tổ phụ, của sư phụ, anh em, bằng hữu. Chàng hiểu nếu cuộc chiến diễn ra, chàng rất có thể sẽ giết chết họ, những người mà chàng hằng tôn kính và yêu mến. Chàng có thể sẽ giành được vương quốc nhưng cái giá để có được một phần đất ấy quá đắt. Vì vậy, chàng muốn thoái lui, trở về một nơi an tịnh nào đó để sống những tháng ngày thanh thản, không bị dằn vặt vì tội lỗi giết anh em họ hàng. Nhưng Krishna, người dẫn dắt tâm linh, giảng cho chàng bài học về bổn phận của chiến binh. Đó là chiến đấu tiêu diệt cái ác. Cái ác giờ đây đang đứng trước mặt chàng, trang bị vũ khí đầy đủ. Bổn phận của

chàng là tiêu diệt nó, không cần phải băn khoăn về cái chết của những thân xác hữu hạn. Bởi vì thân xác hữu hạn trước sau cũng bị mục nát, linh hồn thì trường tồn bất biến. “Gió không thể thổi khô nó, lửa không thể đốt cháy nó, nước không thể cuốn trôi nó” (Chí Tôn ca - Bhagavad Gita 11). Krishna đã giảng cho Arjuna bài học này trong Chí Tôn ca như sau: “Cao hơn hành động là giác ngộ, cao hơn giác ngộ là thiền định, cao hơn thiền định là không suy nghĩ đến hậu quả hành động. Nhờ không nghĩ đến hậu quả của hành động, nên có tâm thanh tịnh12.

       Khi minh triết được chân lí đó, Arjuna đã cầm vũ khí chiến đấu và chỉ huy quân đội Pandava đi tới thắng lợi cuối cùng. Chiến thắng của Pandava cũng là chiến thắng sự sáng suốt giác ngộ bổn phận (dharma), sẵn sàng thực thi bổn phận chiến đấu chống lại cái ác, thói vị kỉ, tham lam, sân hận vì một thế giới vị tha, yêu thương, hòa hợp.         

Krishna là người đánh xe cũng là người dẫn dắt tâm linh sáng suốt cho Arjuna trong cuộc chiến với phe Kaurava. Nhờ sự dẫn dắt sáng suốt này mà quân đội Pandava đi đến thắng lợi cuối cùng trước phe Kaurava binh hùng tướng mạnh.

4. Tam tạng – minh triết về con đường đi tới Cực Lạc bằng vô ngã, vô thường

        Đến thời văn học cổ điển, văn học Phật giáo đã tiếp biến minh triết của đạo Hindu, đề cao giác ngộ vô ngã, vô thường để đi tới Cực Lạc. Minh triết này là trải nghiệm của chính cuộc đời đức Phật, giáo chủ của Phật giáo.   

        Đức Phật vốn là hoàng tử Shidhatha Gautama của nước Sakya, một trong sáu vương quốc ở Bắc Ấn thời bấy giờ. Hoàng tử, người mà cuộc sống vốn chỉ giới hạn trong bốn bức tường hoàng cung, bị thôi thúc bởi nỗi khát khao được khám phá cuộc sống bên ngoài. Một hôm, chàng bí mật rời khỏi hoàng cung đi ra bốn cổng thành. Tại đây, chàng đã chứng kiến bốn hình ảnh: một người mẹ đang sinh nở, một người già râu tóc bạc phơ, một người bị bệnh, một đám tang. Bốn hình ảnh ấy đã ám ảnh hoàng tử, đem đến cho chàng một nhận thức hoàn toàn mới mẻ về cuộc sống xung quanh. Hoá ra cuộc sống của con người đầy rẫy khổ đau, không hề giống những gì chàng đã từng biết.

        Bị thôi thúc bởi khát vọng đi tìm con đường có thể giúp con người thoát khỏi những khổ đau đó, vào một đêm tối trời, hoàng tử đã lặng lẽ rời nhà ra đi trên lưng một con ngựa cùng với một người đánh xe thân cận là Channa. Năm đó, chàng 29 tuổi. Lúc đầu, chàng đã theo những người bạn tu hành khổ hạnh. Nhưng việc nhịn ăn uống đã khiến cơ thể chàng suy kiệt, trí tuệ không còn minh mẫn để có thể tìm ra chân lí. Vì vậy, chàng đã quyết định ăn uống trở lại. Những người bạn của chàng đã lên án chàng là kẻ phản bội, cho rằng chàng đã thoái chí tu hành nên đã từ bỏ chàng. Nhưng chàng vẫn kiên trì con đường của mình. Sau khi ngồi tịch lự (thiền) bốn chín ngày đêm dưới bóng cây bồ đề, vào một đêm rằm tháng Năm, hoàng tử đã tìm ra chân lí mà theo chàng có thể giúp con người thoát khỏi những đắng cay. Ngài xem mình là người đã giác ngộ chân lí nên tự gọi là Buddha – Đấng Giác ngộ, Đấng Minh triết, tức người có được bodhi, sự thông hiểu. Buddha phiên ra âm Hán Việt là Phật, thuần Việt là Bụt. Cây pippala che bóng cho Phật khi người tìm ra chân lí được gọi là bodhi tức bồ đề - cây minh triết theo âm Hán Việt. Người đương thời còn gọi ông là Sakya muni (Thích Ca mầu ni) tức nhà thông thái của dòng họ Sakya.

      Suốt những năm tháng còn lại của đời mình, hoàng tử Sidhathar, lúc này đã là đức Phật đi khắp nơi để thuyết pháp, giảng giải cho con người về con đường thoát khổ. Ngài nhập Niết Bàn năm tám mươi tuổi (khoảng năm 545 trước Công nguyên). Kể từ khi được đức Phật minh triết, Phật pháp đã lan tỏa mạnh mẽ theo hướng toàn cấu hóa mang theo thông điệp về sự giác ngộ Tam pháp ấn: Vạn vật đều vô ngã, không có một cái tôi đích thực nào như con người vẫn nhầm tưởng (Chư pháp vô ngã); vạn vật đều biến đổi theo quy luật sinh, trụ, dị diệt, không có gì là hằng thường bất biến (Chư hành vô thường); giác ngộ được hai chân lí xác quyết đó sẽ giải thoát khỏi mọi khổ đau, đạt đến Cực Lạc (Niết Bàn tịch tĩnh). Giáo lí của đức Phật có sức mạnh cảm hóa thói vị kỉ, tham lam, xóa bỏ hận thù, đến bằng con đường hòa bình và mang hòa bình tới bất cứ miền đất nào.      

       Việt Nam có quan hệ giao lưu sâu rộng về thương mại, văn hoá với Ấn Độ ngay từ những năm đầu Công Nguyên, trong cuộc hội nhập văn hóa lần thứ nhất. Theo bước chân của những nhà truyền giáo, những thương thuyền của các thương gia, văn hoá Ấn Độ, không làm đổ một giọt máu, đã du nhập vào Việt Nam một cách hoà bình. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận xét về đặc điểm tiếp nhận văn hoá Ấn Độ ở Việt Nam: “Trong khi nhiều nước lớn ở châu Á và Phương Tây đem đến cho Việt Nam chúng tôi máu và nước mắt, thì hàng ngàn năm trước đây, Ấn Độ đến với Việt Nam như những người bạn, những sứ giả của hoà bình và hữu nghị. Những tư tưởng vị tha, bác ái của Ấn Độ đã đi vào lòng nhân dân Việt Nam13. Minh triết của các tôn giáo lớn của Ấn Độ đã tỏa rạng trên mảnh đất Việt Nam. Thời Lí – Trần, trên cơ sở kết hợp tinh hoa tư tưởng tam giáo (Tam giáo đồng nguyên) theo mô hình: XÃ HỘI NHO – TÂM LINH PHẬT – THIÊN NHIÊN ĐẠO, các đấng minh quân đã xây dựng một xã hội thịnh trị, hùng cường trong đó ưu tiên Phật giáo làm quốc giáo. Nhà Lí và tiếp sau là nhà Trần đã xây dựng một xã hội kỉ cương, khuôn phép trên nền tảng những tinh túy của Nho học; xây dựng nhân cách công dân dựa trên yêu cầu giác ngộ để đi đến giải thoát khỏi mê lầm về tham sân si vị kỉ, hướng tới rèn luyện cái tâm thiện, tâm nhân bản của đạo Phật; đồng thời xây dựng cách ứng xử hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, cũng tức là tôn trọng quy luật làm quy tắc sống trên cơ sở tư tưởng của Lão học. Chủ trương kết hợp những cốt lõi đẹp đẽ, sâu sắc của ba học thuyết đã giúp nhà Lí và nhà Trần có được những quyết sách vô cùng đúng đắn.

      Đối với nhân dân, trong 18 năm cầm quyền, Lí Công Uẩn đã ba lần xá tô thuế cho dân tổng cộng bảy năm rưỡi. Đây là điều mà trước và sau Lí Công Uẩn chưa một vị vua nào, một triều đại nào làm được.

       Nhà Lí có chính sách bảo vệ nghiêm ngặt đối với thiên nhiên, môi trường. Dù rừng thời Lí phủ tới 95% diện tích đất đai toàn quốc nhưng triều đình ban chiếu cấm cả sơn tràng lẫn nông phu không được chặt cây non vào mùa xuân. Tiếp tục thi hành những chính sách bảo vệ thiên nhiên, môi trường của nhà Lí, nhà Trần đồng thời bổ sung thêm một số điều khoản nữa như cấm hái măng non, cấm săn bắn thú vào mùa sinh sản, cấm đánh cá vào mùa cá đẻ…

      Chính sự Việt hóa vô cùng uyển chuyển, linh hoạt, thông minh Tam giáo, biến cả Nho, Phật, Lão thành Nho, Phật, Lão Việt Nam thuần hậu đã khiến cho nước ta thời ấy trở thành một quốc gia hưng thịnh, hùng cường.

      Tóm lại, minh triết Ấn Độ là một tài nguyên tinh thần vô giá của phương Đông. Nó được nhen lên từ xa xưa trong những trang kinh Veda hồn nhiên mà sâu sắc; được kế thừa và phát huy, bừng sáng trong những trang Upanishad uyên áo, những trang sử thi hào hùng; được tiếp biến sáng tạo, rạng rỡ trong Tam tạng của Phật giáo. Minh triết Ấn Độ làm nên sức đề kháng mãnh liệt, giúp Ấn Độ vẹn nguyên qua bao thăng trầm, giông tố của lịch sử. Chẳng những thế minh triết Ấn Độ còn tỏa lan đến nhiều miền đất, tạo nên sức mạnh cho mỗi quốc gia mà ánh sáng minh triết rọi tới. Cho tới nay, minh triết Ấn Độ vẫn vẹn nguyên giá trị và có ý nghĩa thực tiễn đối với hòa bình và phồn thịnh của toàn nhân loại.        

                  Sự minh triết của đức Phật có khả năng lan tỏa hòa bình đến toàn thế giới

……………………………………………………

CHÚ THÍCH

1 Francois Jullien, Giáo sư ĐH Tổng hợp Denis Diderot (Paris VII), giảng dạy triết học và mĩ học Trung Hoa, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á.

2 Francois Jullien (2004), Minh triết phương Đông, triết học phương Tây, NXB Đà Nẵng, tr43.

3 Platon (427? – 347 Tr.CN), triết gia Hi Lạp, người đặt cơ sở luận lí cho triết học.

4 Francois Jullien (2004), Minh triết phương Đông, triết học phương Tây, NXB Đà Nẵng, tr14.

5 Chủng tộc Arya có quê hương bản quán là Iran (xưa là Ba Tư). Vùng gần biển Caspiene phía bắc Iran có tên là Airyana – Yoyo, nghĩa là quê hương của người Arya. Thời Tiền sử, người Arya đã tràn sang châu Âu. Khoảng giữa thiên nhiên kỉ thứ II trước Công nguyên, họ đã vượt dãy Himalaya, đổ bộ vào vùng Penjap. Văn minh của người Arya là văn minh bán du mục.

6 Cao Huy Đỉnh (1964), Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, NXB Khoa học Xã hội, H, tr 46, 47.

Chadradhar Sharma (2005), Triết học Ấn Độ phê bình và nghiên cứu, NXB Tổng hợp TP. HCM, tr 18.

8 Sri Aurobindo (1972), Aó nghĩa thư Upanishad, NXB An Tiêm, Sài Gòn, 1972, tr 291.

9 Lương Duy Thứ (chủ biên) (1996), Văn hóa phương Đông, NXB Giáo dục, H, tr.

10 Doãn Chính (1999), Tư tưởng giải thoát trong triết học Ấn Độ, Thanh niên, H, tr 115.

11 Bhagavad Ghita, một cuốn sách được tách ra từ sử thi Mahabharata, được dịch là Chí tôn ca. Cuốn sách này ghi lại toàn bộ đối thoại của Arjuna và Krishna, người đánh chiến xa cho chàng trong cuộc chiến chống lại các anh con bác – 100 Kaurava. Nó chứa đựng tư tưởng cốt lõi của sử thi Mahabharata là hợp nhất Linh hồn Cá Thể với Linh hồn Vũ Trụ bằng con đường thực hiện hành động vô cầu (karma marga) – con đường dành riêng cho đẳng cấp vua chúa, chiến binh Kshatriya.

12 Chuyển dẫn Nguyễn Tấn Đắc (2000), Văn hoá Ấn Độ, NXB Tổng hợp TP. HCM, tr 150.

13 Lê Duẩn, Lời đáp trong lễ chiêu đãi trọng thể do thủ tướng Indra Gandhi tổ chức tại New Delhi, Báo Nhân dân, 11041, 1984.

 

 

……………………………

*PGS.TS, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Post by: admin
29-07-2021