Nghiên cứu khoa học

KHUYNH HƯỚNG DÂN TỘC HÓA TRONG TIẾP BIẾN TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU                                                                                        


29-07-2021
Tóm tắt      Do những điều kiện và địa lí và lịch sử, văn học Việt Nam tiếp thu nhiều thành tựu của văn học Trung Quốc. Tuy nhiên, với trí thông minh và ý thức tự tôn dân tộc, người Việt luôn có khuynh hướng tiếp thu một cách sáng tạo các tác phẩm văn học nước ngoài nói chung và văn học Trung Quốc nói riêng. "Truyện Kiều" cũng không nằm ngoài khuynh hướng đó. Tiếp thu những tác phẩm viết về nàng Kiều trong kho tàng văn học Trung Hoa, Nguyễn Du đã dân tộc hóa bằng cách sử dụng chữ Nôm – chữ viết dân tộc để sáng tác. Ông cũng trữ tình hóa các tác phẩm tự sự về Kiều vốn thiên về thể loại tiểu thuyết chương hồi, tâm lí hóa nhân vật đạo lí võ lâm. Sự tiếp thu có sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du thể hiện tài năng văn chương xuất sắc và một trái tim yêu thương chan chứa tình đời. Từ khóa : Dân tộc hóa, tiếp biến, Truyện Kiều, Nguyễn Du

KHUYNH HƯỚNG DÂN TỘC HÓA

TRONG TIẾP BIẾN TRUYỆN KIỀU CỦA NGUYỄN DU

                                                                                       

                                                                                      Nguyễn Thị Mai Liên

Tóm tắt

     Do những điều kiện và địa lí và lịch sử, văn học Việt Nam tiếp thu nhiều thành tựu của văn học Trung Quốc. Tuy nhiên, với trí thông minh và ý thức tự tôn dân tộc, người Việt luôn có khuynh hướng tiếp thu một cách sáng tạo các tác phẩm văn học nước ngoài nói chung và văn học Trung Quốc nói riêng. "Truyện Kiều" cũng không nằm ngoài khuynh hướng đó. Tiếp thu những tác phẩm viết về nàng Kiều trong kho tàng văn học Trung Hoa, Nguyễn Du đã dân tộc hóa bằng cách sử dụng chữ Nôm – chữ viết dân tộc để sáng tác. Ông cũng trữ tình hóa các tác phẩm tự sự về Kiều vốn thiên về thể loại tiểu thuyết chương hồi, tâm lí hóa nhân vật đạo lí võ lâm. Sự tiếp thu có sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du thể hiện tài năng văn chương xuất sắc và một trái tim yêu thương chan chứa tình đời.

Từ khóa : Dân tộc hóa, tiếp biến, Truyện Kiều, Nguyễn Du

 

      Trong lịch sử, văn học Trung Quốc đạt được những thành tựu huy hoàng như thơ Đường, từ Tống, kịch Nguyên, tiểu thuyết Minh – Thanh… Những thành tựu này hầu hết đều có ảnh hưởng đậm nhạt tới một vùng văn hóa gọi là "khu vực văn hóa đồng văn" bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Ở Việt Nam, sự ảnh hưởng này sâu rộng đến mức Trần Đình Sử cho rằng: "Cùng với chữ Hán, chúng ta đã di thực hầu như toàn bộ thể loại văn chương Trung Quốc và hệ thống phong cách học Trung Quốc vào Việt Nam", rằng "trong mỗi thời kì văn học trung đại, không có nhà văn Việt Nam nào khi sáng tác, dù bằng chữ Hán hay chữ Nôm, mà không sử dụng ít hay nhiều nguồn văn liệu Trung Hoa, bao gồm thể loại, điển cố, các phương pháp tu từ, các sáo ngữ, các tích truyện, các tư tưởng thánh hiền" [18, tr. 31]. Tuy nhiên, với một sức mạnh văn hóa nội sinh, người Việt Nam tiếp nhận văn hóa ngoại sinh nói chung và văn hóa, văn học Trung Quốc nói riêng theo một cách hết sức sáng tạo, từ đó, tạo ra những tinh hoa văn hóa, văn học dân tộc, "thể hiện tất cả vẻ đẹp phong phú của tiếng Việt cũng như bản sắc tư duy nghệ thuật của Việt Nam, mà "Truyện Kiều" là một ngọn tháp sừng sững tỏa sáng" [18, tr. 31]. Chính vì vậy, chúng tôi tập trung trình bày sự tiếp thu và sáng tạo Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân nói riêng và các chuyện về nàng Kiều trong văn học Trung Quốc nói chung thành Truyện Kiều của Nguyễn Du. Bởi làm rõ sự tiếp thu sáng tạo Truyện Kiều sẽ giúp người đọc hình dung tinh thần tiếp biến văn hóa Trung Hoa ở Việt Nam. Trong tiếp biến Truyện Kiều, khuynh hướng dân tộc hóa của Nguyễn Du thể hiện thật đậm nét, và cũng chính đặc điểm này đã góp phần nâng Truyện Kiều lên tầm vĩ đại. Sự sáng tạo đó thể hiện trên nhiều phương diện.

1. Sáng tác bằng chữ Nôm – chữ viết dân tộc

      Nguyễn Du đã sử dụng chữ Nôm để sáng tác thay vì chữ Hán như Kim Vân Kiều truyện. Chữ Nôm là văn tự do người Việt sáng tạo dựa trên văn tự Hán. Người Việt đã mượn văn tự Hán để ghi lại tiếng Việt mà tạo ra chữ Nôm. Chính điều đó đã góp phần tại nên hồn cốt dân tộc cho Truyện Kiều. Việc sử dụng chữ dân tộc để sáng tác cho thấy ý thức dân tộc của thi hào Nguyễn Du.

2. Trữ tình hóa một tác phẩm tự sự

      Trong dòng chảy văn học mỗi dân tộc, mỗi tác gia, tác phẩm ưu tú đều có sự ảnh hưởng tích cực đến sáng tác của người đi sau. Đến lượt mình, những người đi sau sẽ kế thừa giá trị, thành tựu của người đi trước làm phát triển thành tựu văn học dân tộc. Trước và sau Truyện Kiều không có kiệt tác nào xuất sắc bằng Truyện Kiều, nhưng những sáng tác ra đời trước đó trong kho tàng văn học dân tộc có thể nói là sự tích lũy, tạo tiền đề cho sự xuất hiện rực rỡ của Truyện Kiều. Ca dao, thơ, phú, kịch… đều có những tác động nhất định tới Truyện Kiều nhưng trong đó, truyện thơ Nôm và những khúc ngâm có sự ảnh hưởng sâu sắc nhất, bởi đó là những tác phẩm kề trước hoặc cùng thời với kiệt tác của Nguyễn Du.

      Truyện Kiều không phải là tiểu thuyết chương hồi như Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân cũng như những tác phẩm viết về nàng Kiều của Trung Quốc mà thuộc loại truyện thơ Nôm, một thể loại truyền thống nội sinh trong văn học Việt Nam và Đông Nam Á. Thay đổi thể loại khi sáng tạo Truyện Kiều là dụng ý của Nguyễn Du, bởi nói như Ferdinand Brunetière (1849-1906), thể loại văn học cũng giống như các loài sinh vật tiến hóa theo thuyết Darwin, luôn luôn phải phục tùng quy luật tiến hóa đa dạng của đời sống văn học. Và “việc nghiên cứu thể loại phải được tiến hành từ đặc trưng cấu trúc nghệ thuật của nó" [3, tr.5]. Nhận xét về giá trị của thể loại truyện thơ đối với Truyện Kiều, Nguyễn Huệ Chi cho rằng: "Bằng thể loại truyện thơ, Truyện Kiều đã chinh phục độc giả Việt Nam tuyệt không như Kim Vân Kiều truyện đến với độc giả Trung Hoa, bởi lẽ hai yếu tố truyện và thơ đã kết hợp một cách kì diệu thông qua thiên tài sáng tạo của Nguyễn Du, từ phương thức tư duy thuần túy trần thuật bước sang địa hạt tư duy tự sự - trữ tình, nâng cấp lên tư duy trừu tượng - biểu cảm, khiến cho cảm xúc của người đọc được nhân lên gấp bội và cứ thế lan tỏa không giới hạn, vượt qua cõi hữu thức mà đi vào đến tận cõi vô thức, vượt qua việc đọc Kiều, kể Kiều, ngâm Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, đố Kiều, họa Kiều, vịnh Kiều, bình Kiều, giảng Kiều, diễn xướng Kiều mà đi đến cả bói Kiều, từ truyền cảm nghệ thuật đã tiến sát vùng biên giới của tâm linh, tín ngưỡng. Đó là điều Thanh Tâm Tài Nhân không thể nào làm được với cuốn truyện chương hồi của ông" [3, tr.5].      

    Truyện thơ Nôm - một thể nội sinh cũng được xem là cội nguồn góp phần hình thành Truyện Kiều. Từ rất nhiều định nghĩa về truyện thơ Nôm, chúng tôi quan niệm rằng truyện thơ Nôm – một hình thức văn học viết sơ khai bằng tiếng dân tộc - là một thể loại tự sự ra đời trong thời kì trung đại của văn học Việt Nam, có quan hệ gần gũi với thể truyện thơ của các nước khu vực Đông Nam Á, được viết bằng chữ Nôm và theo hình thức thơ song thất lục bát, được đọc, xem, ngâm nga nơi thư trai, phòng văn, không phải để ông xẩm kể nơi đầu đường cuối chợ. Kho tàng văn học Việt Nam khá phong phú các tác phẩm truyện Nôm. Có truyện nguồn gốc thuần Việt, diễn ca truyện cổ tích như Thạch Sanh, Tấm Cám, Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa…; có truyện diễn ca truyện, tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc như Nhị Độ Mai, Phan Trần, Hoa tiên, Song tinh, Truyện Kiều… Về nội dung thể loại, truyện Nôm không hướng tới cảm hứng sử thi mà tập trung vào thế sự, đời tư của con người cá nhân với những số phận, hạnh phúc riêng tư cũng như những phẩm chất đạo đức và quan hệ xã hội của họ… Dù vay mượn cổ tích nhưng truyện Nôm đã mở rộng nội dung bằng cách miêu tả cụ thể hành động, ngôn ngữ, ý nghĩ cũng như tâm lí, tư tưởng của nhân vật, khiến tác phẩm tiệm cận hơn với tiểu thuyết. Những truyện thơ Nôm tiếp thu tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc lại có xu hướng giản lược chi tiết tả cảnh, tả tình, trạng thái… trong nguyên tác do đặc thù thể loại; ý thức về cá nhân, cá tính con người của nhà văn chưa đạt đến độ vượt thoát khỏi quy phạm thể loại. Do đó, truyện Nôm chưa phải là tiểu thuyết hiện đại, mà được xếp vào kiểu "truyện vừa" trung đại xoay quanh các sự tích và nhân vật trong quan hệ nhân quả và kết thúc có hậu. Có thể tìm thấy mối quan hệ mật thiết giữa truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự ra đời trước Truyện Kiều khoảng 40 – 50 năm với Truyện Kiều. Hai nhà thơ cùng quê hương, cùng thuộc "văn phái Hồng Sơn" nên có mối ảnh hưởng cũng là điều dễ hiểu. Nguyễn Du đã tiếp thu nhiều từ ngữ, câu miêu tả, biểu cảm từ Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự. Những câu Kiều có ngữ điệu chất vấn như: Duyên đâu ai dứt tơ đào ? / Nợ đâu ai đã dắt và tận tay; Người đâu gặp gỡ làm chi? / Trăm năm biết có duyện gì hay không? gợi nhớ tới những câu thơ trong Hoa tiên như: Đàn đâu réo rắt bên tai; Lửa đâu chất chở nhường khơi trận hừng… Những đặc điểm tiếp thu từ truyện thơ này đã tạo nên chất trữ tình chan chứa cho một cốt truyện tự sự.

     Cùng với truyện thơ, các tác phẩm ngâm khúc cũng có ảnh hưởng sâu sắc đến tính trữ tình của Truyện Kiều. Trong cuốn Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong "Truyện Kiều", Phan Ngọc đã đề cập đến vấn đề này với nhận xét rất xác đáng rằng: "Nguyễn Du nếu chỉ bó hẹp vào truyện Nôm thì chỉ là người kế thừa, không tài nào trở thành người sáng tạo cái mới" [13, tr. 120]. Ông cho rằng việc Nguyễn Du tiếp thu nghệ thuật của ngâm khúc đã góp phần tạo nên sức sống mới cho Truyện Kiều về mặt thể loại. Chẳng hạn, "ngôn ngữ tác giả" mang tính chủ quan như một phạm trù mĩ học trong Truyện Kiều có nguồn gốc từ ngôn ngữ thể ngâm trong thơ song thất lục bát. Câu thất của thể song thất lục bát ngắt nhịp 3/4 và có đối khiến câu lục bát cũng có tiểu đối và ngắt nhịp 3/3 và 4/4. Đặc điểm này của cặp lục bát trong thể thơ song thất lục bát cũng như tính nhạc của nó đã ảnh hưởng đến lục bát trong Truyện Kiều.

     Theo Trần Đình Sử, "điều quan trọng nhất là các khúc ngâm đã tạo thành một kiểu trữ tình mới có tính chất tự sự có thể làm phong phú cho ngôn ngữ tự sự. Đó là lối trữ tình nhập vai. Đặng Trần Côn đã nhập vai người chinh phụ để viết Chinh phụ ngâm khúc, cũng như Nguyễn Gia Thiều đã thác lời người cung nữ để nói lên cảm xúc hư huyễn về cuộc đời. Trong lời trữ tình ấy, chủ thể trữ tình đóng hai vai – một vai người trần thuật và vai người trong cuộc, người trữ tình: Thuở trời đất nổi cơn gió bụi / Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên. (Lời người kể chuyện, giới thiệu). Xanh kia thăm thẳm từng trên / Vì ai gây dựng cho nên nỗi này? (Lời trữ tình, lời than). Hình thức vừa tự sự vừa trữ tình này có lẽ đã gợi ý cho Nguyễn Du sáng tạo ra lối tự sự người kể chuyện ẩn mình trong điểm nhìn, giọng điệu nhân vật – tự sự nửa trực tiếp trong Truyện Kiều – một hình thức có giá trị đặc biệt trong việc tái hiện ý nghĩ thầm kín của nhân vật:

       Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh / Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

      Hoa trôi, bèo dạt đã đành / Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi!

     Những câu Kiều này rõ ràng gợi nhớ đến câu thơ trong Cung oán ngâm: "Nghĩ mình, mình lại thêm thương nỗi mình".

     Trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm Tài Nhân đã học tập cách kể của tiểu thuyết chương hồi ngắt sự kiện có tính gay cấn ra để kể tạo cảm giác hồi hộp, chờ đợi theo kiểu: "Sự việc ra sao, hồi sau sẽ rõ". Đồng thời, ông tạo ra một người kể chuyện "phân lập thành hai người": một người bình luận sự việc dưới tên Kim Thánh Thán đứng đầu mỗi chương và một người thực hiện chức năng kể việc đơn thuần: "Nói rồi, cả ba chị em đi vòng quanh bờ suối"; "Than xong, khách liền đi mua quan tài". Kiểu kể chuyện này thuần túy hình thức, tỏ ra không có giá trị đối với những câu chuyện không gay cấn, thiên về biểu đạt tình. Vì vậy, Nguyễn Du đã từ chối mượn phương diện hình thức này của Kim Vân Kiều truyện.

     Thay vào đó, để trữ tình hóa, Nguyễn Du đã sáng tạo ra một người kể chuyện trữ tình trực tiếp trong lời kể như một người cụ thể có nhiều nét tương đồng với nhân vật người kể chuyện trong những khúc ngâm. Giọng điệu người kể khi mỉa mai Hóa công: "Lạ gì bỉ sắc tư phong / Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen".

Khi lại châm biếm xã hội xấu xa bị đồng tiền chi phối: "Trong tay đã sẵn đồng tiền / Dầu lòng đổi trắng, thay đen khó gì". Hay vạch trần bản chất hiếu sắc của quan lại như Hồ Tôn Hiến: "Lạ thay mặt sắt cũng ngây vì tình". Đặc biệt là những tiếng kêu than thống thiết cho số phận phụ nữ hồng nhan bạc phận, tài hoa bạc mệnh nói riêng và thân phận con người nhỏ bé nói chung: "Đau đớn thay phận đàn bà / Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung!". Nhờ đó mà tiếng nói lên án xã hội và những tiếng kêu thương trở nên chủ đạo trong tác phẩm.

     Do tính chất tự sự thiên về kể sự, tả người; thiên nhiên, có thể nói, hầu như không được xuất hiện trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong khi đó, thiên nhiên có mặt khắp nơi trong Truyện Kiều: để tả ngoại hình hé lộ tính cách, dự đoán tương lai (Mai cốt cách, tuyết tinh thần; Làn thu thủy, nét xuân sơn / Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh; Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da…); để ca ngợi tài năng (Tay tiên gió táp mưa sa…); để nói về số phận con người (Đã đành nước chảy, hoa trôi lỡ làng; Nghĩ mình mặt nước cánh bèo; Xót thay chiếc lá bơ vơ… ); để chỉ thời gian (Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa)Và để gia tăng tính trữ tình cho Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng dùng những bức tranh thiên nhiên để ngụ tình. Nguyễn Huệ Chi khẳng định: "Chất thơ trong Truyện Kiều còn biểu hiện ở phương diện khác, nó làm nổi rõ sự khác nhau về đẳng cấp của Truyện Kiều so với Kim Vân Kiều truyện: đó là Truyện Kiều đã đem thiên nhiên vào tác phẩm, tạo nên một không gian nghệ thuật kì thú cho câu chuyện của mình, trong khi Kim Vân Kiều truyện hoàn toàn vắng mặt thiên nhiên" [3, tr. 7]. Với mục đích dùng để ngụ tình nên thiên nhiên trong Truyện Kiều được cá thể hóa, gắn với tâm trạng nhân vật, vận động phù hợp với tâm trạng nhân vật, là không gian trữ tình. Bởi Nguyễn Du đã từng chia sẻ quan niệm: "Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu / Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Những bức tranh ngụ tình xuất hiện trong Truyện Kiều với nhiều dáng vẻ. Khi là vô vàn những bức tranh xinh xắn xuất hiện trong một hai câu thơ ngắn được Nguyễn Du lồng vào dòng tự sự cũng đủ làm thay đổi hẳn nội dung câu chuyện so với Kim Vân Kiều truyện, khiến dòng tự sự trở nên thơ mộng, trữ tình. Chẳng hạn, nếu Thanh Tâm Tài Nhân tả cảnh Kim – Kiều thề nguyền rất khô khan: Hai người cùng lạy trời đất, đọc rõ bài minh thệ, đọc xong mời nhau chén tạc chén thù rất là vui vẻ" [14] thì Nguyễn Du đã thêm hình ảnh vầng trăng để tình yêu đôi lứa có thêm một chứng nhân: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời / Đinh ninh đôi miệng một lời song song”. Kể về thời khắc Sở Khanh lừa Kiều trốn khỏi lầu Ngưng Bích, nếu Kim Vân Kiều truyện chỉ viết đơn giản: “Lúc bấy giờ vào khoảng tháng chín, trong kì sương giáng, cảm thấy hơi lạnh rợn người, lại không có trăng, cảnh vật thật là thê thảm" [14, tr.154] thì Nguyễn Du đã dùng không gian con đường hun hút vô vọng trên từng bước chân của Thúy Kiều trong cuộc trốn chạy để thể hiện tâm trạng đầy lo âu, phấp phỏng sợ hãi và đau đớn của nàng: Đêm khuya khắc lậu canh tàn / Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương / Lối mòn cỏ lợt màu sương / Lòng quê đi một bước đường một đau”… Khi là những bức tranh nhiều chi tiết mà trong Kim Vân Kiều truyện cũng hoàn toàn không thấy như cảnh chị em Kiều đi thanh minh; Kiều gặp Kim Trọng; cảnh Kiều ở lầu Ngưng Bích; Thúc Sinh từ biệt Kiều về thăm Hoạn Thư; Kiều trốn khỏi Quan Âm các; Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường; Kim Trọng trở lại vườn Thúy…

     Trong Kim Vân Kiều truyện, cảnh chị em Thúy Kiều du xuân, gặp mộ Đạm Tiên được Thanh Tâm Tài Nhân miêu tả rất kĩ. Nhưng khung cảnh thiên nhiên làm nền cho cuộc gặp gỡ ấy hầu như không được đề cập dù chỉ là qua mấy từ qua loa, vắn tắt: “Ba người cùng nhau dạo quanh khúc suối, vượt qua chếc cầu nhỏ, đến trước mộ thấy rêu xanh bám đầy bia. Thúy Kiều đi thẳng tới, vén cỏ coi kĩ…" [14, tr.33]. Trong Truyện Kiều, cảnh Kiều gặp mộ Đạm Tiên được dành tới sáu câu thơ để tả:

                  Bước dần theo ngọn tiểu khê,

           Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.

                 Nao nao dòng nước uốn quanh,

          Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

                 Sè sè nấm đất bên đàng,

         Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

     Nếu cảnh chơi hội của chị em Thúy Kiều diễn ra trong không gian cao rộng, trong trẻo với ánh thiều quang ấm áp, những cánh én chao liệng trên bầu trời; dưới mặt đất là thảm cỏ xanh mướt trải tận chân trời, điểm thêm những bông hoa lê trắng muốt tinh khôi thuần khiết – cảnh tràn đầy sức sống - thì không gian cảnh gặp mộ Đạm Tiên lại có phần nhỏ hẹp, quẩn quanh, nhuốm âm khí thê lương. Những từ láy “thanh thanh”, “nao nao”, “nho nhỏ” miêu tả vẻ hạn hẹp, tù túng của khung cảnh, đồng thời gợi tâm trạng xao động, xốn xang không yên vì lo âu. Nấm mồ thấp lè tè “sè sè” bên đường phủ màu cỏ “dàu dàu” nửa vàng nửa xanh gợi lên hình ảnh một nấm mồ vô chủ bị lãng quên bên đường không người chăm sóc vừa gợi tâm trạng xót xa, đau lòng của người khách đa sầu.

      Trong tình huống Kiều gặp Kim Trọng, Thanh Tâm Tài Nhân kể chi tiết Kim Trọng liếc nhìn Thúy Vân, Thúy Kiều: "Bị sắc đẹp quyến rũ, Kim Trọng bất giác thần hồn phiêu bạt, nghĩ thầm: "Nọc tương tư này tai hại lắm đây", lại âm thầm phát thệ: "Mình mà không được hai nàng làm vợ thì suốt đời sẽ chẳng lấy ai". Nhưng vì ngại có Vương Quan không tiện đứng lâu, đành cùng nhau từ biệt" [14, tr. 37]. Sau đó, khi về nhà hai nàng gán ghép Kim Trọng cho nhau. Nguyễn Du đã lược thuật những chi tiết ấy, tập trung tả tâm trạng nhân vật khi gặp gỡ và chia tay. Thay vì để hai bên từ biệt không chút lưu luyến như Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du đã để Kim Trọng lên ngựa trước, Kiều nhìn theo với ánh mắt xiết bao quyến luyến: "Bóng tà như giục cơn buồn / Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo". Cuộc chia tay diễn ra vào lúc chiều tà. Thời điểm bóng xế tà dương như cộng hưởng với tâm trạng xiết bao bâng khuâng của người "tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Cụm động từ "nghé theo" đã diễn tả rất thần tình tâm lí vừa e lệ muốn che giấu tình cảm, song, tình cảm ấy đã dạt dào đến mức khó lòng kìm nén nên bột phát bộc lộ qua ánh nhìn tha thiết, không nỡ rời. Cảnh vật xung quanh dường như cũng hòa cùng tâm trạng Thúy Kiều: "Dưới cầu nước chảy trong veo / Bên cầu, tơ liễu bóng chiều thướt tha". Dưới cây cầu nhỏ, dòng nước trong veo chảy lững lờ. Hình ảnh "tơ liễu” và từ láy “thướt tha” gợi tả cảnh lá liễu, cành liễu dài mềm mại bay trong làn gió nhẹ, tha thiết lưu luyến như ánh mắt nàng Kiều. Cảnh hữu tình đã nói hộ nỗi lòng bâng khuâng xao xuyến, lưu luyến thiết tha của đôi trai tài gái sắc. Rõ ràng, dưới ngòi bút của Nguyễn Du, cảnh hiện lên không chỉ như một chứng nhân chứng kiến mà còn tham dự, chia sẻ tâm trạng của nhân vật một cách đắc lực khiến chất trữ tình của tác phẩm trở nên thấm đượm. Và như vậy, "Nguyễn Du đã sử dụng chủ yếu không phải là kinh nghiệm tự sự Trung Hoa, mà là truyền thống trữ tình lâu đời. Ông đã huy động tối đa các thủ pháp trữ tình để miêu tả tình cảm nhân vật. Ở đây có nhân người mà trữ tình, có nhân việc mà trữ tình, nhân sự vật mà trữ tình, nhân cảnh mà trữ tình, rồi thì nghị luận trữ tình. Bên cạnh trữ tình gián tiếp là trữ tình trực tiếp bằng những lời thiết tha, căm phẫn, cay đắng, đớn đau" [18, tr. 132].

      Như vậy, Truyện Kiều và những khúc ngâm đều đắm mình trong dòng tư tưởng nhân đạo của thời đại và nhờ hòa vào dòng chảy đó, Truyện Kiều của Nguyễn Du mới vươn tới vị trí đỉnh cao. Cả về nội dung và nghệ thuật, Truyện Kiều đều có sự kế thừa, kế tục và phát huy những vấn đề, những đặc điểm, đặc biệt là tính trữ tình của ngâm khúc và truyện Nôm ra đời trước đó. Nguyễn Du như là người nhận sứ mệnh kết tập những tinh hoa của văn học dân tộc và nâng những giá trị đạt đó đến tầm trác việt trong Truyện Kiều.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               

      3. Tâm lí hóa nhân vật đạo lí hành động võ lâm

     Con người sống theo khuôn mẫu và là kiểu mẫu của đạo lí là đối tượng miêu tả chủ yếu của tiểu thuyết Trung Quốc thời Minh như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hửKim Vân Kiều truyện về cơ bản vẫn miêu tả nhân vật theo cảm hứng đạo nghĩa, đạo lí như Tam Quốc diễn nghĩa, Thủy hử và là những con người hành động... Trong Kim Vân Kiều truyện, tính cách Thúy Kiều không hề biểu hiện ở một chỗ nào khuynh hướng “hướng nội". Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân là người luôn luôn hành động, rất giỏi suy nghĩ, toan tính, đối thoại sắc sảo có lí lẽ, nhưng hiếm khi nàng tự đối diện với chính mình. Nhân vật của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ mới là nhân vật truyện kể. Người kể chuyện trong tác phẩm chỉ mới đứng từ ngoài hay đứng từ trên để tái hiện lại câu chuyện của nhân vật. Thủ pháp sử dụng độc thoại nội tâm chưa được biết tới thì không thể xây dựng nhân vật hướng nội. Đây cũng là đặc điểm chung của tiểu thuyết thời kì đầu thiên về hành động, địa hạt tâm lí còn rất hoang vu. Nhận xét về vấn đề này, Phạm Đan Quế viết: "Cũng như các tiểu thuyết chương hồi khác, dưới sự chi phối của mĩ học truyền thống và có khi do bắt nguồn từ truyện kể dân gian, tác phẩm gần như không đề cập đến diễn biến tâm lí của nhân vật. Thường chỉ có biến cố, những hành động của nhân vật hấp dẫn người đọc" [5, tr. 13]. Phải đến Hồng lâu mộng, tiểu thuyết ra đời cuối triều Thanh, tác giả Tào Tuyết Cần mới chú trọng miêu tả con người tâm lí.

     Sáng tạo những hình tượng nhân vật mới mẻ, nội tâm sâu sắc, có nét đẹp tâm hồn là một sự sáng tạo có tính đột phá trong Truyện Kiều của Nguyễn Du so với Kim Vân Kiều truyện. Con người thuần túy đạo lí trong Kim Vân Kiều truyện đã được thay thế bằng con người thiên về tâm lí trong Truyện Kiều. Con người tuy vẫn bị ràng buộc bởi giáo lí phong kiến, nhưng đã có ý thức về cá nhân dù mới dừng ở ý thức "xót thân". Qua việc chú ý tái hiện thế giới nội tâm đầy phức tạp luôn vận động dưới sự tác động của hoàn cảnh của con người, Nguyễn Du cho thấy quy luật chung của văn học nhân loại. Nhà thơ rất tinh tế trong việc "tạo điều kiện cho nhân vật bộc lộ đầy đủ tâm trạng của nó như là những con người cá nhân phổ biến" [18, tr. 127], đặc biệt là Thúy Kiều. Với mục đích viết một "khúc đoạn trường" nên Nguyễn Du không vay mượn toàn bộ các sự kiện trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà lược bỏ "tàn nhẫn" các chi tiết về đời sống xã hội cụ thể của Trung Quốc, lược thuật sự kiện khiến cốt truyện trở nên phổ quát hơn, nhân vật có tính đại diện tiêu biểu hơn và do đó, tấm lòng nhân đạo nổi lên ở bình diện đầu tiên. Nhà thơ cũng đã thay đổi điểm nhìn trần thuật từ bên ngoài chuyển vào tâm trạng bên trong. Thay vì kể từ lập trường của người bên ngoài, "người kể chuyện toàn tri", Nguyễn Du đã kể theo lăng kính tâm trạng nhân vật. Sự kiện, sự việc vốn là yếu tố quan trọng trong Kim Vân Kiều truyện thì trong Truyện Kiều chỉ được thuật đơn giản và chỉ là cái cớ để thổ lộ nỗi niềm, tâm tình sâu kín của nhân vật. Nhân vật thay vì được tả hành động chuyển sang miêu tả tình cảm, tâm trạng là chủ yếu đúng như nhận xét của Phan Ngọc: “Truyện Kiều là một tiểu thuyết phân tích tâm lí dưới hình thức hiện đại” [12, tr. 76].

     Ở biến cố Kim Trọng trở về Liêu Dương hộ tang chú, trong khi Thanh Tâm Tài Nhân chỉ miêu tả hành động của các nhân vật: Kim Trọng than thở, Kiều an ủi, Kim Trọng gạt lệ ra đi, Kiều lấp lại lỗ hổng trên bức tường, gợi cảm giác vô cảm; thì cảm xúc, tâm trạng Thúy Kiều trước biến cố đó được Nguyễn Du miêu tả sâu sắc đến lay động lòng người:

                   Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy

                         Gìn vàng giữ ngọc cho hay

                  Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

                         Buồn trông phong cảnh quê người

                 Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa

                         Não người cữ gió, tuần mưa

                 Một ngày nặng gánh tương tư một ngày.

      Dưới ngòi bút của Thanh Tâm Tài Nhân, Thúy Kiều là một con người hành động tỉnh táo. Trong cơn gia biến, nàng tháo vát đảm nhiệm hầu hết mọi việc: từ việc động viên tinh thần cho mọi người trong gia đình, chạy vạy, nhờ vả cứu cha và em, dứt khoát bán mình, tự ngã giá cho đến khi được 450 lạng bạc mới chấp thuận, thăm dò gia cảnh Mã Giám Sinh để tính toán việc làm lẽ.

     Sau khi được Từ Hải – một anh hùng cái thế "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" cứu ra khỏi lầu xanh, cuộc đời Kiều bước sang một trang mới rạng rỡ. Nàng biết chủ động dựa vào thế lực của Từ Hải để trừng phạt kẻ thù một cách tàn nhẫn bằng những hình phạt dã man "quấn chiếu lại, đâm nát nhừ thân thể Bạc Hạnh từ đầu đến chân làm cho tội nhân đứt thành trăm mảnh. Đang là một con người nguyên vẹn, tức khắc biến thành một đống thịt nát. Những người xung quanh trông thấy đều rùng mình sởn ốc. Quân báo đã xỉa xong. Thúy Kiều trộn xương thịt ấy vào với rơm cho ngựa ăn” [14, tr. 291]. Kiều lại "sai cung nữ lt sch qun áo Hon Thư ch cha một cái khố, quấn tóc lên xà nhà, cho hai cung nữ đánh đủ một trăm roi. Một người từ trên quất xuống, một người từ dưới quất lên, đánh cho như cá rơi than nóng, lươn phải nước sôi’’ [14, tr. 294]; "dng ngược Tú Bà lên, tẩm dầu thông từ chân đến cổ"; căng người Mã Giám Sinh trên một cái giàn, nấu một vạc dầu nhựa thông sôi sục rồi cùng lúc đốt cây sáp người Tú Bà, dùng dao nhọn róc gân Mã Giám Sinh, lấy móc sắt lôi hết gân ra và dội nhựa thông sôi bỏng vào mình Sở Khanh, lóc từng mảng da mảng thịt của y cũng bằng móc sắt, “chỉ một chốc lát lóc sạch thân thể Sở Khanh, còn lại hình dạng một cục máu nhầy nhụa. Sở Khanh tuy bị bóc da nhưng vẫn thở. Lại bảo tưới nước vôi lên mình Sở Khảnh. Chỉ một lát, lập tức nổi lên những cái bỏng lớn, phút chốc nát thành máu mủ, thịt rơi xương khô mà chết” [14, tr. 296]… Trong khi đó, ở Truyện Kiều, với một tấm lòng nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn, thấu hiểu lẽ đời, sau những oán hận, Kiều hầu như tha bổng cho những kẻ đã gây ra bao nỗi thống khổ cho nàng. Ngay cả đối với Hoạn Thư, nàng cũng hiểu tâm lí chung của đàn bà "chồng chung ai dễ ai chiều cho ai" nên "ghen tuông thì cũng người ta thường tình" mà tha cho họ Hoạn. Kiều của Nguyễn Du là con người thiên về tình cảm, nội tâm sống cho đời và cho người với một tấm lòng vị tha, khác với Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân thiên về lí trí, hành động có phần lạnh lùng.

     Để tâm lí nhân vật hiện lộ, Nguyễn Du sử dụng nhiều phương thức khác nhau như nhân vật tự thổ lộ qua độc thoại nội tâm, xây dựng nhân vật người kể chuyện nhập vai, nhập thân vào nhân vật, phát ngôn từ nhân vật. Nội tâm, tâm lí bên trong nhân vật không theo mô thức định sẵn, cố định mà diễn biến vô thức "ma đưa lối, quỷ dẫn đường". Khi Kiều gặp Kim, người kể chuyện thuật lại: Người quốc sắc kẻ thiên tài / Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Nhưng trạng thái tâm lí mê đắm không còn phân biệt được mộng hay thực, muốn ở bên nhau nhưng còn ngại ngùng: “Chập chờn cơn tỉnh cơn mê / Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn” thì đã là lời người kể chuyện nhập vai nhân vật mà thốt lên. Khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, tâm trạng của nàng ngổn ngang trăm mối tơ vò: "Bẽ bàng mây sớm đèn khuya / Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng". Bốn câu thơ độc thoại nội tâm đã nói lên những tâm sự thầm kín của nàng. Điệp ngữ “Buồn trông" thốt lên ở đầu mỗi câu thể hiện nỗi buồn chất chồng não nề trong lòng nàng. Mỗi câu thơ thổ lộ một cung bậc của nỗi buồn gắn với một cảnh vật. Con thuyền ai xa lạ, cánh buồm xa xa thấp thoáng khiến Kiều buồn cho thân phận bơ vơ nơi đất khách quê người. Những cánh hoa trôi nổi dập vùi theo dòng nước khơi lên nỗi buồn vì cuộc đời lênh đênh vô định của nàng: “Buồn trông ngọn nước mới sa / Hoa trôi man mác biết là về đâu?". Nhìn về phía chân mây mặt đất xanh xanh mịt mờ, màu sắc tàn úa, vàng héo, rầu rầu của nội cỏ khiến nàng buồn vì cuộc sống đơn điệu hiện tại và tương lai mù mịt, tàn lụi của mình: “Buồn trông nội cỏ rầu rầu / Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”.Nhìn ra mặt duềnh gió cuốn, tiếng sóng ầm ầm bủa vây xung quanh ghế ngồi làm nàng hãi hùng, ghê sợ. Âm thanh dữ dội của gió và sóng gợi lên trong nàng dự cảm về những tai ương khủng khiếp đang bủa vây, chuẩn bị giáng xuống cuộc đời người con gái tội nghiệp: “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh / Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi". Mỗi cảnh một tâm trạng nhưng tựu chung vẫn chỉ là nỗi buồn cô đơn tuyệt vọng thương mình, thương người thân, thương cho tình yêu.

       Tài năng của Nguyễn Du đã khiến nhân vật hiện lên sinh động với sự vận động nội tâm dưới tác động của ngoại cảnh như những con người đang hiện hữu giữa dòng đời. Khi lần đầu Kiều sang nhà Kim Trọng trọ học để gặp gỡ, tâm lí đôi tình nhân thay đổi từ ngại ngần, e lệ sang thân thiết rồi nồng nàn, say đắm. Lời nàng Kiều ban đầu rất kiểu cách, thể hiện sự e ngại: “Nàng rằng: Trộm liếc dung quang / Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn”. Chàng Kim hứa hẹn kiểu cách có phần hơn bằng những lời ước lệ: “Ví dù giải kết đến điều / Thì đem vàng đá mà liều với thân”. Tuy nhiên, những e dè, ngần ngại giữ lễ ban đầu dần dần nhường chỗ cho sự thân thiện, cởi mở sau một ngày dài trò chuyện: “Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng”. Đây không còn là lời trần thuật từ bên ngoài của người kể chuyện mà được thốt ra từ tấc "lòng xuân phơi phới" sau khi đã chén thù chén tạc. Sau khi trở lại nhà nhưng gia đình chưa ai về, Kiều lại “xăm xăm băng lối vườn khuya” trở sang. Nhìn thấy Kim Trọng đã mơ màng trong giấc mộng xuân trong khi mình vẫn không thôi tơ tưởng đến chàng, thì nàng không khỏi có chút hờn dỗi, trách móc: “Bây giờ rõ mặt đôi ta / Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”. Đến đây, người kể chuyện để cho nhân vật tự thổ lộ lòng mình. Tình cảm phát triển cao độ, họ thề nguyền, trao tín vật, không còn khoảng cách giữa đôi tình nhân, người kể chuyện mới xuất hiện trở lại kể tiếp một nấc mới trong tình yêu của hai người: “Hoa hương càng tỏ thức hồng / Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu”…

     Đổng Văn Thành, một nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc, thắc mắc rằng, trong Kim Vân Kiều truyện, “Thúy Kiều chỉ thực sự yêu có một mình Kim Trọng, còn đối với Thúc Sinh và Từ Hải thì chủ yếu chỉ cảm cái ơn họ chuộc mình ra khỏi lầu xanh” [3, tr. 21]. Còn nàng Kiều trong Truyện Kiều đối với Thúc Sinh và Từ Hải vẫn nặng tình như đối với Kim Trọng. Và ông đánh lỗi Nguyễn Du đã làm tổn hại đến sự nhất quán của nhân vật trong nguyên tác. Thực ra, điểm mấu chốt dẫn đến sự khác biệt này chính là ở chỗ Nguyễn Du xây dựng nhân vật dưới nhãn quan một nhà hiện thực tâm lí. Ông không hề tạo dựng nhân vật gò bó theo khuôn mẫu “phẩm tiết kiên trinh” như Thanh Tâm Tài Nhân. Là nhà thơ rất cận nhân tình, Nguyễn Du thấu hiểu Kim Trọng là mối tình đầu của Kiều, khi nàng còn rất ngây thơ. Xa cách chừng ấy năm, lại trải biết bao nhiêu gió dập sóng vùi, mà Kiều vẫn cứ còn giữ nguyên vẹn tình cảm với Kim Trọng như thuở nào để tháng ngày tự dằn vặt thì sẽ không phù hợp với hiện thực. Nhà thơ họ Nguyễn Tiên Điền xứng danh là "một ngòi bút hiện thực tâm lí" khi ông để nàng Kiều nhớ đến Kim Trọng như nhớ đến một kỉ niệm cũ, tình không còn thắm nữa nhưng vẫn chưa phai: “Xót thay chút nghĩa cũ càng / Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Nàng cũng không thể thờ ơ với Thúc Kì Tâm vì đó không chỉ là ân nhân cứu nàng khỏi "địa ngục trần gian của Tú Bà" mà còn là con người hết sức đa tình, đã trao cho nàng cả tâm hồn và của cải, cả tình yêu “đá vàng” lẫn tình yêu xác thịt: “Miệt mài trong cuộc truy hoan / Càng quen thuộc nết càng dan díu tình”. Sẽ là không chân thực nếu buộc Kiều hờ hững trước tình yêu nồng nàn của chàng Thúc khi nàng giờ đây không còn ở cái tuổi cài trâm e lệ như thuở tình đầu, đã thất thân với Mã Giám Sinh rồi với Sở Khanh, lại lăn lóc chốn lầu xanh, mùi đời đã trải với những "cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm", "sáng đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh". Tương tự, với Từ Hải, người anh hùng đã "cứu nàng khỏi chốn bùn nhơ lần thứ hai, lại giúp nàng đền ơn trả oán phân minh, giúp nàng được sống những ngày hả hê nhất" [3, tr.21], mà nói Kiều lấy Từ không phải vì tình thì lại càng không hợp nhân tình. Kiều đến với Từ Hải bằng tấm lòng của người tri âm: “Khen cho con mắt tinh đời / Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”, vì cái nghĩa của người mang ơn sâu nặng: “Thưa rằng lượng cả bao dung / Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”. Đương nhiên, trong trái tim, nàng vẫn dành cho ân nhân một niềm thương nhớ pha ngưỡng mộ: “Cánh hồng bay bổng tuyệt vời / Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm”. Kiều của Nguyễn Du là Kiều của hiện thực "bảy nổi ba chìm" bị những va động của hiện thực vùi dập xuống tận bùn đen và nàng đã phải chống trả bằng mọi cách để tìm đường sống và giữ vững tấm lòng son.

      Từ sự thay đổi tư tưởng, đề cao cảm hứng nhân văn, nhân đạo, Nguyễn Du đã tái tạo lại Kim Vân Kiều truyện về mặt hình thức theo hướng dân tộc hóa: trữ tình hóa một tác phẩm tự sự, tâm lí hóa một tiểu thuyết tài tử - giai nhân thiên về miêu tả hành động. Sự tiếp thu có sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du thể hiện một trái tim yêu thương chan chứa tình đời đúng như Mộng Liên Đường chủ nhân đã hết lời ca ngợi: “Tố Như Tử dụng tâm đã khéo, tả cảnh như hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy” [18, tr.16].

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Đào Duy Anh (2007), Từ điển "Truyện Kiều", NXB Phụ nữ, Hà Nội.

[2] Lê Nguyên Cẩn (2008), Tiếp cận "Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa", NXB Giáo dục, Hà Nội.

[3] Nguyễn Huệ Chi, Trở lại câu chuyện So sánh “Kim Vân Kiều truyện” với “Truyện Kiều” của ông Đổng Văn Thành, https://nghiencuulichsu.com/2015/12/25. (Đã in trong Văn học Cổ cận đại Việt Nam – Từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật, NXB Giáo dục, 2013).

[4] Tô Tiến Đạt, Nhân vật Thúc Sinh trong "Truyện Kiều", https://www.thivien.net/ Ngày gửi: 24/11/2013 22:21.

[5] Nguyễn Du, Thanh Tâm Tài Nhân (2000), Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện, Phạm Đan Quế so sánh, đối chiếu, chú giải, NXB Văn học, Hà Nội.

[6] Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2002, tr 27

PV, Đại thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới, https://baotintuc.vn/ 2015/11/03.

[7] Nguyễn Du, Đoạn trường tân thanh (bản khắc năm 1834), Nguyễn Thạch Giang (phiên khảo) (2005), Truyện Kiều, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội.

[8] Lê Văn Hòe (2011), "Truyện Kiều" chú giải, Lao động, Hà Nội.

[9] Ahn Kyong Hwan, PGS.TS. Đinh Thị Khang -, Cung đàn bạc mệnh trong Truyện Kiều, http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/VanhocVietNamtrungdai, Cập nhật: 07/01/2016.

Nguyễn Duy Hiển, Bàn thêm về nhân vật Hồ Tôn Hiến trong "Truyện Kiều", Văn nghệ Công an, http://vnca.cand.com.vn.

[10] “Long trọng kỉ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du”Báo điện tử Dân Trí. Truy cập 23 tháng 5 năm 2017.

[11] Nguyễn Lộc (1978), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX, Tập 2, NXB Đại học và THCN, Hà Nội.

[12] Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong "Truyện Kiều", NXB KHXH, Hà Nội.

[13] Phan Ngọc (1991), Truyện Kiều đối chiếu, NXB Hà Nội.

[14] Thanh Tâm Tài Nhân (1999), Kim Vân Kiều truyện, Nguyễn Đức Vân, Nguyễn Khắc Hạnh dịch, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.

[15] Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội, tr. 1120.

[16] Hàn Phong, Kim Vân Kiều truyện : Hồ Tôn Hiến đã tiêu diệt Từ Hải như thế nào?, http://cand.com.vn/, 10:10 29/10/2016.

[17] Phân tích đặc sắc nghệ thuật trong đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích",
https://doctailieu.com.

[18] Trần Đình Sử (2018), Thi pháp "Truyện Kiều", NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.

 

Họ và tên : Nguyễn Thị Mai Liên

Học hàm, học vị : PGS. TS

Cơ quan công tác : Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Địa chỉ : 136 Xuẩn Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại : 093 617 06 88

Email : mailien.edu@gmail.com

Post by: admin
29-07-2021