“Cũng như con người đương đại cần được lí giải. Văn học cũng cần được lí giải.”
(Phùng Kí Tài, Đối mặt với thời đại của thể nghiệm văn học, Văn nghệ báo, 12/4/1986)
Mở đầu – hay là ý niệm về “đặc sắc Trung Quốc”
Không cần phải là một chuyên gia để có thể nhận ra rằng, “đặc sắc Trung Quốc” (中国特色) là một cách diễn đạt phổ biến đến mức quen thuộc trong bối cảnh xã hội Trung Quốc ngày nay. Nó được “đính kèm” trong các nhận xét về lĩnh vực văn hóa Trung Quốc, nó được dùng để minh định đường hướng chính trị Trung Quốc (xây dựng xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc), nó được coi là một trong các tiêu chí thành công khi xây dựng các công trình lớn, các biểu tượng lớn (như sân vận động tổ chim tại Bắc Kinh năm 2007, trang tìm kiếm baidu.com, logo của công ti điện tử Xiaomi…). Nó hiện diện trong từng chi tiết của cái thường ngày từ đồ ăn thức uống đến phong tục tập quán. Ý niệm về cái “đặc sắc” này khiến cho người nước ngoài, và cả người Trung Quốc, có thể hình thành một cái nhìn có phần thiên kiến và đơn giản: nếu có một sự vật, hiện tượng, hay sự kiện gì đó “khác” (và khi nói “khác” ở đây, ý của tôi là khác so với hầu hết phần còn lại của thế giới), thì nó có thể được giải thích là mang “đặc sắc Trung Quốc”.
Đây chính là liên tưởng đầu tiên của tôi khi bàn về cái được gọi là “văn học đương đại Trung Quốc” với tư cách là một phần của “lịch sử văn học Trung Quốc”.
Khi “đương đại” trở thành “lịch sử”
“Văn học đương đại Trung Quốc”, hiểu theo nghĩa phổ biến nhất, là văn học Trung Quốc từ năm 1949 – năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – đến nay. Mốc thứ nhất, năm 1949, đôi khi trong một số tài liệu được đề nghị thay thế bằng mốc năm 1942 – là năm có sự kiện bài nói chuyện của Mao Trạch Đông tại Tọa đàm văn nghệ Diên An năm 1942 đưa ra khái niệm “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa Trung Quốc” (đến Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhẩt năm 1949 thì trở thành khái niệm độc tôn). Trong khi mốc 1949 nghiêng về khía cạnh chính trị, xã hội thì mốc 1942 nghiêng về khía cạnh văn hóa, văn học hơn. Tuy nhiên, theo tôi, cả hai mốc thời gian này đều chứa đựng hạt nhân hợp lí và không loại trừ nhau. Thậm chí, chúng còn cho thấy một bản chất của văn học sử là sự chồng lấn, đứt đoạn và mơ hồ, nhất là ở những thời khắc mang tính chất chuyển hướng. Mốc thời gian thứ hai - “đến nay” – là một khái niệm mang tính chất mơ hồ còn mạnh hơn mốc thứ nhất, vì nó phụ thuộc vào thời điểm phát ngôn của người nói/viết. Trong bài viết này, chúng tôi giới hạn nó ở khoảng mười năm sau thế kỉ XXI. Sự giới hạn này bắt nguồn từ cách định danh khá phổ biến trong các công trình văn học sử của Trung Quốc về “60 năm lịch sử” và “60 năm văn học”. Xét về phương diện khu vực, “văn học đương đại” Trung Quốc theo nghĩa đầy đủ nhất phải bao gồm cả văn học đại lục, văn học Đài Loan và văn học Hồng Công. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi chỉ giới hạn phạm vi khảo sát và bàn luận ở văn học đại lục.
“Văn học đương đại Trung Quốc”, cho đến nay, vẫn được giới học thuật Trung Quốc thừa nhận như là một giai đoạn chính thức trong lịch sử văn học Trung Quốc thế kỉ XX, tiếp sau giai đoạn văn học hiện đại. Một ví dụ đơn giản chính là số lượng lớn các công trình văn học sử về giai đoạn này ngay trong khoảng thời gian không xa lắm, như Trung Quốc đương đại văn học sử giáo trình do Trần Tư Hòa chủ biên (2005), Trung Quốc đương đại văn học tư trào sử của Lí Dương (2005), Trung Quốc đương đại văn học sử của Hồng Tử Thành (2009), Trung Quốc đương đại văn học lục thập niên do Trình Quang Vỹ chủ biên (2015)…Đây, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là một hiện thực mang “đặc sắc Trung Quốc”, bởi chúng ta không nhìn thấy điều này ở các nền văn học khác trên thế giới, bao gồm cả văn học Việt Nam. Theo cách hiểu thông thường, “đương đại” chỉ cái trước mắt, cái đang diễn ra (contemporary). Do vậy, đối với nhiều nền văn học trên thế giới, không có giai đoạn gọi là “văn học đương đại” trong văn học sử, vì những gì thuộc về “văn học đương đại” mang tính nhất thời, và cái “đương đại” thay đổi liên tục theo chỗ đứng và điểm nhìn của người quan sát.
Văn học hiện đại Trung Quốc là khái niệm đã sớm được xác lập trong văn học sử. Trái lại, văn học đương đại Trung Quốc, hiểu theo nghĩa một môn học, không được xác lập một cách dễ dàng và nhanh chóng. Nó đã từng, và vẫn đang tiếp tục bị hoài nghi, bị chất vấn, bị phủ định. Nếu hiểu hiện đại là “modern” và đương đại là “contemporary” thì phải chăng chỉ nên có khái niệm “văn học hiện đại” bao gồm cả thời kỳ đương đại? Và phải chăng “đương đại” không nên được xác lập như một giai đoạn văn học sử vì chưa đủ độ lùi nhất định về mặt thời gian? Đây là những câu hỏi lớn mà suốt mấy chục năm vừa qua, bất kể số lượng khổng lồ các công trình nghiên cứu, các hội thảo, bàn luận, giới học thuật Trung Quốc dường như vẫn chưa đạt đến câu trả lời thỏa đáng thống nhất. Một thực tế cũng đáng chú ý nữa là, theo quan sát của tôi, giới nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc ở bên ngoài Trung Quốc không đi sâu nghiên cứu vấn đề này, mà thường chấp nhận hiện tượng “Trung Quốc đương đại văn học sử” như là một đặc thù của văn học Trung Quốc. Giới nghiên cứu văn học Trung Quốc tại Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Trong cuốn Lịch sử văn học đương đại Trung Quốc, Hồng Tử Thành cho biết, có rất nhiều cách phân kì lịch sử văn học đối với nền văn học Trung Quốc thế kỉ XX, mà sự phân chia thành “văn học hiện đại” và “văn học đương đại” là một cách được sử dụng rộng rãi. Theo cách phân kì này, “văn học hiện đại” chỉ văn học từ cuộc vận động Ngũ Tứ cho đến khoảng cuối những năm 1940, còn “văn học đương đại” chỉ văn học từ những năm 1950 trở về sau.
Đáng chú ý là khái niệm “văn học đương đại” không phải được xuất hiện đồng thời với giai đoạn đương đại trong lịch sử. Cho đến năm 1960, trong các văn kiện của Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3, người ta vẫn dùng các khái niệm như là “văn học mới Trung Quốc”, “văn học từ sau kiến quốc”, “văn học xã hội chủ nghĩa”. Khái niệm “văn học đương đại” bắt đầu xuất hiện vào cuối những năm 1950, trong các bộ văn học sử do các cơ quan nghiên cứu văn học và các trường đại học xuất bản như: Trung Quốc đương đại văn học sử cảo của khoa Trung văn Học viện Sư phạm Hoa Trung (viết năm 1958, NXB Khoa học xuất bản năm 1962), Trung Quốc đương đại văn học sử của khoa Trung văn trường Đại học Sơn Đông (NXB Nhân Dân Sơn Đông xuất bản năm 1960), Trung Quốc hiện đại văn học sử đương đại bộ phận cương yếu (viết năm 1955, lưu hành nội bộ). Sau đó, đến cuối những năm 1970 khi Cách mạng văn hóa kết thúc, khái niệm này được sử dụng rộng rãi, được xuất hiện trong các tài liệu môn văn học của Bộ giáo dục. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng ngay cả khi khái niệm này đã được “chính thức hóa”, những ý kiến phản biện, hoài nghi vẫn luôn tồn tại song song với nó.
Theo Trương Húc Đông, nếu bàn về vấn đề khái niệm “đương đại” ở Trung Quốc từ đâu đến, cần liên tưởng đến ảnh hưởng to lớn của truyền thống Nga Xô đến tư tưởng, văn học và ý thức tự ngã của giới trí thức Trung Quốc suốt thế kỉ XX. Theo đó, “đương đại” mang ý “cùng thời”, văn học đương đại là thứ đồng hành cùng với nước Trung Quốc mới, con người mới, trong cách dùng từ “đương đại” ở đây có mong muốn đưa nền văn học Trung Quốc sánh ngang, bước cùng với “văn học thế giới”. Yếu tố thứ hai mà Trương Húc Đông đưa ra là những ảnh hưởng của tư tưởng Nhật Bản thời cận đại và hiện đại đến Trung Quốc. Theo đó, chính sự phân biệt giữa “cận đại” và “hiện đại” trong bối cảnh Nhật Bản đã ảnh hưởng đến sự phân biệt giữa “hiện đại” và “đương đại” trong bối cảnh Trung Quốc, những tranh luận trong nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc là sự phản chiếu của diện mạo tư tưởng Trung Quốc, mà về sâu xa, nó lại bắt nguồn từ những mâu thuẫn và xung đột giữa thế kỉ XIX và thế kỉ XX [6, tr.115,116,117].
Theo tổng kết của Hồng Tử Thành, khái niệm “văn học mới” (tân văn học) thoạt đầu có tính hợp lí vì nó cho thấy sự khác biệt giữa tính “mới” với tính “cũ”, tính cổ điển, tính truyền thống của thời kì văn học trước đó. Tuy nhiên, qua thời gian, cách gọi này không còn phù hợp nữa. Khái niệm “văn học đương đại” với hàm ý “đơn thuần là phân kì về mặt thời gian” [2, tr.3] được chấp nhận và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, nếu nhìn từ một góc độ khác, thì liệu cách gọi “đương đại” trong “văn học đương đại” có thực sự chỉ “đơn thuần là phân kì về mặt thời gian” hay không? Đây chính là chỗ tôi cho rằng có thể dẫn đến không chỉ một câu trả lời xác quyết.
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Trần Hiểu Minh trong cuốn Các trào lưu chính trong văn học đương đại Trung Quốc, để tạo dựng và nhận biết văn học sử, khoảng cách thời gian có thể là lợi thế, nhưng không phải là đặc quyền. Tôi chia sẻ quan điểm này, và từ đó, thừa nhận rằng sự tồn tại của giai đoạn “văn học đương đại” trong văn học sử Trung Quốc có những nguyên nhân đặc thù. Cũng trong cuốn sách này, Trần Hiểu Minh nêu ý kiến rằng, cho dù lịch sử văn học đương đại là do người đương thời viết thì cũng không nên chỉ dừng lại ở mức độ những ấn tượng hay những sự kiện, mà nên tìm kiếm tính lí luận đằng sau đó. Cơ sở cho “tính lí luận” ở đây chính là “tính hiện đại”. Cụ thể hơn, giai đoạn “văn học hiện đại” trong văn học sử Trung Quốc có mối liên quan mật thiết với sự xác lập của “tính hiện đại” của Trung Quốc sau phong trào Ngũ Tứ. Trong khi đó, hiện trạng văn học giai đoạn được gọi là “văn học đương đại” không có mối liên quan trực tiếp với “tính hiện đại”, cho nên xét từ góc độ tính lí luận, khó có thể xếp giai đoạn này vào văn học sử như một phần của “văn học hiện đại” Trung Quốc.
Để hiểu một cách đầy đủ tính chất đặc thù của sự tồn tại của “văn học đương đại” trong lịch sử văn học Trung Quốc, trước hết chúng ta nên chú ý rằng sự xác lập khái niệm “văn học đương đại” (vào khoảng cuối những năm 1970 đầu những năm 1980) có mối quan hệ mật thiết với thực tiễn sáng tác và phê bình văn học lúc bấy giờ. Đặc biệt là tác động của các tác phẩm văn học mới xuất hiện liên tục trên văn đàn. Sau một thời gian dài bị cấm đoán và trói buộc trong Đại cách mạng văn hóa, sự nở rộ của các tác phẩm văn học viết về những đề tài mới, bằng những phương thức sáng tác mới là điều tất yếu. Tình hình này thậm chí còn được so sánh với trạng thái “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” (bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh) thời cổ đại. Đi liền với các tác phẩm mới là các bài giới thiệu, phê bình. Diện mạo mới mẻ của sáng tác văn học và phê bình văn học khiến cho giới văn học nhận thấy rằng khó có thể đặt các sáng tác văn học giai đoạn này vào cùng một chỗ với các sáng tác văn học giai đoạn trước. Đây chính là một trong những lý do của sự ra đời khái niệm “văn học đương đại”. Như vậy, điều thú vị ở đây là: chính thực tế sáng tác và phê bình đã thúc đẩy sự ra đời và lưu hành của khái niệm văn học sử, khái niệm lí luận văn học. Cũng nên nhấn mạnh rằng, đặt trong bối cảnh Trung Quốc lúc bấy giờ, thì ‘văn học đương đại” là khái niệm bắt nguồn từ giới học thuật, khác với các khái niệm “văn học Trung Quốc mới” hay “văn học xã hội chủ nghĩa” thiên về tính chính trị, xã hội. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa “văn học đương đại” là khái niệm không có hay ít tính chất chính trị. Ngược lại, “văn học đương đại” có mối quan hệ khăng khít với các biến cố chính trị đương thời. Nói cách khác, “văn học đương đại” là khái niệm có sử tính. Đằng sau định nghĩa về “văn học đương đại” chính là định nghĩa về lịch sử, xã hội đương đại.
Đề cập đến câu chuyện về văn học và lịch sử, tôi muốn nhắc đến Hồng Tử Thành – người đã nêu ra vấn đề này trong cuốn sách Vấn đề và phương pháp – Bài giảng nghiên cứu lịch sử văn học đương đại Trung Quốc. Ông đã đặt câu hỏi: mối quan hệ giữa văn học và lịch sử trong văn học sử là như thế nào? Văn học sử là lịch sử của văn học, hay là văn học của lịch sử? Câu trả lời thực ra phụ thuộc rất nhiều vào việc giới nghiên cứu đương thời quan niệm thế nào về “lịch sử” và cách kể lại lịch sử. Và cụ thể hơn, phụ thuộc vào sự phân biệt giữa “tự sự văn học sử” (文学史叙述)và “trần thuật văn học sử” (文学史叙事). Trong đó, “tự sự” là danh từ, chỉ sự kiện và trần thuật, còn “trần thuật” là động từ, chỉ hành vi trần thuật [3, tr.16]. Thực ra, nhìn lại quá khứ, chúng ta đều có thể thấy nhận thức về lịch sử và cách kể lại lịch sử của con người luôn luôn khác nhau và luôn luôn thay đổi. Chẳng hạn như, chỉ một câu hỏi rằng con người có thể nhận thức được lịch sử hay không, lịch sử có thể được kể lại một cách (tương đối) khách quan hay không đã đủ làm thành một chủ đề lớn gây tranh cãi với nhiều cách lí giải trái ngược nhau, đặc biệt là với các lí thuyết hậu hiện đại, giải cấu trúc, diễn ngôn… Về mối quan hệ giữa văn học và lịch sử trong văn học sử Trung Quốc, để lý giải đến tận cùng, vẫn phải đề cập đến những thay đổi trong nhận thức về “lịch sử” của Trung Quốc đương đại. Trần Hiểu Minh [7] đã có một lưu ý rất xác đáng khi bàn đến vấn đề này. Ông nhắc đến sự kiện cuốn sách Diễn ngôn tự sự mới của Gérard Genette được dịch và xuất bản ở Trung Quốc (NXB KHXH TQ, 1990). Ông cũng cho rằng, giới nghiên cứu văn học Trung Quốc (lúc đó) thường không phân biệt rõ hai khái niệm bắt nguồn từ trần thuật học của Pháp là “récit” (tự sự) và “narration” (trần thuật). Ngay trước thời điểm bản dịch tiếng Trung cuốn sách của Gérard Genette ra đời một năm, vào năm 1989, có một cuốn sách khác là Khởi nguyên và mục tiêu của lịch sử của Karl Jaspers đã được dịch và xuất bản (Hoa Hạ xuất bản xã, 1989). Cuốn sách này trình bày quan điểm lịch sử của chủ nghĩa hiện đại. Theo đó, lịch sử là thứ có tính hợp lý, tính chỉnh thể, tính tiến hóa, tính mục đích. Nhìn tổng quan, chúng ta có thể thấy rằng tại Trung Quốc, khi chủ nghĩa duy vật lịch sử, chủ nghĩa Mác đóng vai trò thống trị thì quan niệm lịch sử như là cái cố định và khách quan cũng đóng vai trò thống trị. Sau này, khi nhiều quan niệm lịch sử khác nhau được du nhập vào (chủ yếu qua các bản dịch), quan niệm lịch sử trước đó đã được phản tư. Lịch sử không còn được coi là cái cố định, cái khách quan, cái tuyệt đối… nữa mà được coi là cái mang tính linh hoạt, tính chủ quan, tính tương đối. Sự phản tư trên phương diện lịch sử này đồng hành với sự phản tư trong văn học, và gắn liền với việc nhìn nhận văn học sử đương đại Trung Quốc.
Theo quan sát của tôi, có một nhận định được thừa nhận khá rộng rãi trong giới học thuật Trung Quốc là: chính mối quan hệ khăng khít đặc thù giữa chính trị và văn hóa, văn học trong giai đoạn đương đại là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho “văn học đương đại” được xác lập và công nhận như một khái niệm văn học sử. Ngày nay, có lẽ không cần phải thuyết minh về tính chất không tưởng của quan điểm phân kì lịch sử văn học hoàn toàn tách rời các sự kiện chính trị nữa. Lịch sử văn học tất nhiên không thể và không nên trùng khít với lịch sử xã hội, chính trị, nhưng cũng không phải là một đường thẳng song song tách biệt hoàn toàn với diễn tiến chính trị. Đặc biệt khi cái chúng ta đề cập đến là lịch sử văn học Trung Quốc. Nếu tách rời chính trị và văn học, thì không có cách nào để nhận diện và lí giải văn học đương đại. Một thực tế dễ nhận thấy nhất chính là mối quan hệ mật thiết giữa các mảng sáng tác và tiếp nhận văn học với nghiên cứu văn học, phê bình văn học, trong đó nghiên cứu và phê bình chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các diễn ngôn chính trị.
Cũng theo tổng kết của Trần Hiểu Minh, cho dù có nhiều ý kiến khác nhau về định nghĩa văn học đương đại, nhưng tóm lại, chính trị vẫn giữ vai trò thống trị (dominate, 主宰) trong việc xác định tính chất của văn học đương đại [7, tr.10]. Tuy nhiên, nếu chỉ nói là “văn học tòng thuộc chính trị” (cách nói phổ biến trong nhiều tài liệu về văn học đương đại Trung Quốc ở Việt Nam) thì chắc chắn là đã đơn giản hóa vấn đề. Tôi nghĩ rằng đây có thể coi là một loại “định kiến”: định kiến rằng có một giai đoạn văn học phụ thuộc và phục tùng chính trị và vì thế giai đoạn văn học sau đó được nhìn nhận như một cái gì “phi chính trị” hay “phản chính trị”. Thứ định kiến này không chỉ là sự đơn giản hóa lịch sử văn học, và đằng sau đó là sự đơn giản hóa lịch sử, văn hóa, xã hội Trung Quốc trong chính thời kì nhiều biến động và nhiều phức tạp nhất của nó, mà còn khiến cho sự hiện diện của “văn học đương đại” trong văn học sử Trung Quốc trở nên không thể lí giải được. Cái “đương đại” trở thành “lịch sử” rõ ràng là một chủ đề đáng được bàn luận sâu sắc hơn là một nhận định mang tính chất xác quyết như trên. Điều thú vị ở đây là, một khi đã thừa nhận hiện tượng này trong văn học sử Trung Quốc, chúng ta lại có thể thấy rằng cái “đương đại” có thể trở thành “lịch sử” chính là bởi ở một mức độ nào đó nó đã vượt lên trên “lịch sử”.
Khi “đương đại” vượt lên trên “lịch sử”
Trong cuốn giáo trình lịch sử văn học đương đại Trung Quốc xuất bản năm 2010, Trần Tư Hòa đưa ra nhận xét: “Văn học Trung Quốc thế kỉ XX là một chỉnh thể có tính cởi mở, văn học đương đại chỉ là một giai đoạn trong toàn bộ quá trình phát triển của nó.” [8, tr.1]. Nhận định của Trần Tư Hòa là một đại diện cho quan điểm nhấn mạnh rằng văn học đương đại Trung Quốc phải được nhìn nhận như một bộ phận của cái toàn thể (tức là văn học Trung Quốc thế kỉ XX), và sẽ không thể được lí giải một cách chính xác và đầy đủ nếu không đặt nó trong cái toàn thể ấy. Mà như chúng ta đều nhận thấy, lịch sử văn học Trung Quốc thế kỉ XX, trên nhiều mặt, phản ánh thái độ, cách nhìn, sự kiếm tìm, sự phản tư của giới trí thức trước những biến động của thời đại, trước quá trình hiện đại hóa của dân tộc và quốc gia. Văn học “đương đại” có thể được xác lập như một chỉnh thể độc lập, có thể trở thành “lịch sử”, chính là bởi mối quan hệ mật thiết của nó với các giai đoạn văn học và giai đoạn lịch sử trước nó.
Về mốc phân kì, không khó để nhận ra rằng trong các công trình nghiên cứu về lịch sử văn học đương đại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu thường sử dụng các cách gọi như “60 năm” (1949-2009), rồi “30 năm trước” (1949-1979), “30 năm sau” (1979-2009). Trong các bài viết “Đọc cái gì” và “đọc như thế nào” – kỉ niệm “30 năm văn học thời kì mới” và “60 năm văn học đương đại” [5, tr.89] và “30 năm trước” và “30 năm sau” – một cách khác để “nhìn lại những năm 80” [5, tr.108], La Cương đã chỉ ra rằng sự xuất hiện của cách nói “60 năm văn học đương đại Trung Quốc” không phải vì lí do làm tròn mốc thời gian, mà “Nó có nghĩa là “60 năm nước cộng hòa” đã trở thành một đơn vị thời gian để tranh luận về văn học của một thời đại”. Điều đó cũng có nghĩa là người nghiên cứu văn học đương đại phải giải quyết một bài toán khó về việc nắm bắt lịch sử một cách chỉnh thể, và xử lí mối quan hệ giữa “30 năm đầu” (1949-1979) và “30 năm sau” (1979-2009). Theo đó, “30 năm đầu” là giai đoạn “cách mạng và kiến thiết”, còn “30 năm sau” là giai đoạn “cải cách và mở cửa”. Hai giai đoạn này tạo thành một thời kì văn học đương đại mang tính chỉnh thể. Tuy nhiên, cũng như mọi mốc phân kì văn học sử, 1949 hay 1979 đều mang theo chúng những hạn chế nhất định. Chính La Cương, đồng thời với việc luận giải về “tính chỉnh thể” của việc phân kì lịch sử văn học đương đại, đã nhấn mạnh vào tính chất “đương đại” tức là “chưa hoàn chỉnh” của nó. Đây cũng là một nhận định được chia sẻ bởi nhiều nhà nghiên cứu. Chẳng hạn, Trần Tư Hòa cho rằng, một trong những đặc trưng của văn học đương đại là giai đoạn này chứa đựng đầy các ngả rẽ bất ngờ. Hay nói cách khác, văn học đương đại mang đậm tính cởi mở (khai phóng). Mà một trong những biểu hiện của tính cởi mở chính là “cho dù là văn học mới sau “Ngũ Tứ” trở lại đây, hay là văn học đương đại sau năm 1949 trở lại đây, thì về mặt thời gian đều không có một ranh giới rõ ràng chính xác.” [8, tr1]. Tính cởi mở trong các mốc phân kì của văn học đương đại thường được nhắc đến trong mối quan hệ với tính chất “đa nguyên”. Thực ra, bất kể dùng “đa nguyên” như một tiêu chí, một thước đo hay là một góc nhìn thì trong khái niệm “đương đại” đều có thể tìm thấy hàm ý “đa nguyên” khá rõ. Có thể nói, trong bối cảnh Trung Quốc, “đương đại” là một cách định danh gợi mở tính đa nguyên. Nó khiến người ta phải nhìn lại mối quan hệ giữa lịch sử văn học và các trào lưu văn học, mối quan hệ giữa sáng tác văn học và tiếp nhận văn học, phê bình văn học, mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm… Tâm thái “đương đại” còn có thể dẫn đến những thay đổi trong cách đọc, cách tiếp nhận và cách nghiên cứu văn học các thời kì trước, đặc biệt là thời “hiện đại” (hiện tượng “đọc lại” các tác giả đại diện cho cái “hiện đại” sau Ngũ Tứ như Lỗ Tẫn, Trương Ái Linh, Thẩm Tùng Văn…)
Trong khi chúng ta thừa nhận sự phân kì văn học hiện đại và văn học đương đại trong văn học sử là điều dường như tất yếu, thì chúng ta cũng nên ý thức rằng, như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, đây không phải là giai đoạn chia tách hay đối nghịch với nhau mà ngược lại, giữa chúng có sự thống nhất và tính liên tục. Cuối cùng thì, hai giai đoạn này có thực sự khác biệt như ta vẫn nghĩ hay không, vẫn là một câu hỏi còn có khả năng để ngỏ. Có thể thấy rằng, cũng như “văn học mới” (tân văn học) chỉ có thể thiết lập được khái niệm nếu xác định được sự phân biệt với “văn học cũ” (cựu văn học), “văn học đương đại” cũng chỉ có thể được thừa nhận nếu chỉ ra được những nguyên nhân khiến nó cần phải đứng độc lập, tách biệt với “văn học hiện đại”. Do vậy, như một lẽ tất nhiên, để hiểu và lí giải được văn học đương đại, không thể không xuất phát từ việc hiểu và lí giải văn học hiện đại, cũng như mối quan hệ giữa hai giai đoạn văn học này.
Tiếp tục với câu hỏi về sự chia tách hai giai đoạn “văn học hiện đại” và “văn học đương đại”, có một thực tế rằng, hiện nay, ở các khoa Trung văn (Ngôn ngữ và văn học Trung Quốc) tại các trường đại học Trung Quốc, văn học đương đại vẫn được gộp chung với văn học hiện đại thành ngành học “Văn học hiện đương đại Trung Quốc”. Theo tôi, chính sự gộp chung mà lại vẫn mang hàm ý tách riêng này trong cách gọi này cho thấy phần nào tính chất nước đôi: một mặt văn học đương đại được coi như thứ gắn liền, đi cùng với văn học hiện đại, mặt khác bản thân “hiện đương đại” mang hàm ý chia tách, hiện đại và đương đại là hai thời kì khác nhau, hay nói cách khác là văn học đương đại không được coi như một phần của văn học hiện đại, không bị biến mất, hòa tan vào trong khái niệm “văn học hiện đại”.
Tính chất nước đôi trong cách nhìn nhận hai giai đoạn văn học này còn có thể được tìm thấy trong các công trình của một số nhà nghiên cứu. Chẳng hạn như Vương Đức Uy, khi viết “Lời nói đầu” cho cuốn Sau năm 1949 – sáu mươi năm văn học đương đại đã đưa ra nhận định: “Với tư cách là một quan niệm phân kì trong văn học sử, ý nghĩa của văn học Trung Quốc “đương đại” mang đầy nghịch lí.” [10, tr.1] Quả thật, theo đúng ý nghĩa của từ ngữ, “đương đại” là cái trước mắt, cái hiện thời, mốc thời gian bắt đầu hay kết thúc của nó mang tính mở. Do vậy, trên phương diện lí thuyết, cái “đương đại” không thể được sử dụng để phân kì lịch sử văn học. Song, trên thực tế lịch sử văn học Trung Quốc, cái “đương đại” lại có thể trở thành một phần của văn học sử. Điều đáng chú ý ở đây là, ngay trong quá trình trình bày ý tưởng trên và đưa ra các lí lẽ để biện hộ cho sự tồn tại của khái niệm “đương đại” trong lịch sử văn học Trung Quốc, Vương Đức Uy vẫn, qua cách diễn đạt của mình, cho thấy ý thức có phần lưỡng lự trong việc xác lập vị trí của “văn học đương đại” như một giai đoạn riêng biệt và độc lập với giai đoạn “văn học hiện đại” trước đó. Sau khi đưa ra nhận định về tính chất nghịch lí của cái “đương đại” như một quan niệm phân kì văn học sử, ông viết: “Song cái “đương đại” trong lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc thì lại mang một thông điệp khác.” [10, tr.1] Như vậy, có thể nhận thấy rằng ở một mức độ nào đó, Vương Đức Uy vẫn cho rằng “đương đại” là một phần của lịch sử văn học hiện đại.
Suốt khoảng thời gian lịch sử “đương đại”, vấn đề mối quan hệ giữa văn học hiện đại và văn học đương đại đã được không ít nhà nghiên cứu Trung Quốc đặt ra để thảo luận. Trong đó, đáng chú ý là các thảo luận gắn với hai giai đoạn: những năm 1980 và những năm 1990. Về giai đoạn thứ nhất, trong cuốn Những bài giảng văn học: “Những năm 80” như là phương pháp xuất bản năm 2009, các tác giả đã nhìn lại, phản tư giai đoạn những năm 1980 chính từ những tranh luận không dứt về sự phân kì giữa văn học hiện đại và văn học đương đại, từ đó có thể thấy cái gọi là “văn học đương đại” trong văn học sử Trung Quốc sẽ chỉ là một trò chơi của khái niệm nếu nó không thể đối mặt với lịch sử phức tạp và hiện thực vốn đầy biến động. Còn theo La Cương trong cuốn Tiên tri và nguy cơ xuất bản năm 2014, sự hoài nghi, chất vấn khái niệm “văn học đương đại” vào những năm 1980 cho thấy sự thách thức đối với phương thức chia đôi văn học hiện đại và văn học đương đại, hay là phương thức chia ba văn học cận đại, văn học hiện đại và văn học đương đại. Đứng trước câu chuyện về sự “đứt gãy” giữa hai giai đoạn văn học và những cố gắng “ráp nối” chúng lại với nhau, La Cương cho rằng, vấn đề quan trọng thực ra không phải là chuyện lựa chọn một trong hai. Sự “đứt gãy” hay “ráp nối” giữa hai giai đoạn suy cho cùng là do thái độ của những người thuật lại văn học sử. Mà cái gọi là “thái độ” này lại không được quyết định bởi ý thức chủ quan cá nhân mà được tạo thành từ bối cảnh lịch sử và xã hội. Cho nên, điều có ý nghĩa với những người nghiên cứu chính là phát hiện ra sự “đứt gãy” trong cách thuật văn học sử theo hướng “ráp nối” và ngược lại. Còn về những năm 1990, theo tổng kết của Vương Huy trong cuốn Chính trị của phi chính trị hóa: chung cuộc của thế kỉ 20 ngắn ngủi và những năm 90 xuất bản năm 2008, trong lịch sử văn học Trung Quốc, “những năm 90” là một giai đoạn rất đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những năm đầu tiên của thập kỉ 90, các nhà phê bình nghiên cứu đã có xu hướng sử dụng các cách gọi như “hậu”, “tân” khi bàn về văn học sử. Chẳng hạn: “Sự chuyển biến của văn học thời kì mới – về “văn học hậu thời kì mới” (Tạ Miện, Văn học tự do đàm, số 4 năm 1992); “Chung cuộc của “thời kì mới” và nan đề văn học mới” (Trần Hiểu Minh, Văn hối báo, số 8/7/1992); “Hậu thời kì mới, vận mệnh của thuần văn học và những cái khác” (Trần Tuấn Đào, Đương đại tác gia bình luận, số 5/1992)…Theo đó, những năm 1990 không phải là sự tiếp nối tự nhiên của giai đoạn trước nó (những năm 80). Nó từ chối những tiêu chí phân kì văn học sử đã có trước nó. Nó tỏ ra “lệch pha” với những giá trị và quy luật của thế kỉ XX. Đây chính là bối cảnh cho sự xuất hiện những phản tư rõ ràng và mạnh mẽ về tính đương đại vào những năm 1990.
Vậy sự phản tư đối với tính đương đại cụ thể là sự phản tư như thế nào? Trong phạm vi một bài viết, tôi không có điều kiện trình bày một cách đầy đủ vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi, trong sự phản tư đó có một xu hướng rất đáng chú ý: xu hướng nhìn “văn học đương đại” như là thứ sinh ra “văn học hiện đại”. Theo tổng kết của Hoàng Tử Bình trong bài viết ““Đại hệ văn học mới” và văn học sử”, bắt đầu từ năm 1956, cùng lúc với khoảng thời gian khái niệm “văn học hiện đại” dần thay thế cách khái niệm “văn học mới”, cách gọi “văn học đương đại” được tách ra từ “văn học mới”. Sự thay đổi - gọi “văn học mới” thành “văn học hiện đại” lúc này chính là xuất phát từ thực tế phải dọn đường cho thứ văn học “mới hơn” (tức là “văn học đương đại”). Do vậy, như ông nhấn mạnh: “Không có văn học đương đại, làm sao có văn học hiện đại?” [6, tr.67] Đây cũng là quan điểm được chia sẻ và tán đồng bởi nhiều nhà nghiên cứu. Nói như Nghê Văn Tiêm: “văn học đương đại” sinh ra “văn học hiện đại” không chỉ là một nhận định kiểu lí luận mà là một điều khá phù hợp với thực tế.” [6, tr128]
Để làm rõ vấn đề này, tôi muốn nhắc đến một sự kiện đáng chú ý: Trong cuộc thảo luận bàn tròn do Trần Hiểu Minh chủ trì diễn ra tại trường Đại học Thượng Hải 13-15/6/2009, nhà nghiên cứu Trương Húc Đông (khoa Đông Á trường Đại học New York) đã đưa ra chủ đề thảo luận là “tính đương đại và văn học sử”. Ý tưởng được gợi ý từ bài viết nổi tiếng của Paul De Man “Tính hiện đại của văn học và văn học sử”. Nội dung cuộc thảo luận này đã được ghi lại trong bài “Tính đương đại của văn học – ghi chép hội nghị bàn tròn “60 năm văn học đương đại”” và in trong cuốn Tư tưởng và văn hóa của thời đại biến động – ghi chép đối thoại nghiên cứu văn hóa do Tôn Hiểu Trung biên soạn, xuất bản năm 2011. Trong đó, bàn về tính đương đại, Trương Húc Đông cho rằng, “tầng ý nghĩa thứ nhất của “đương đại” là nó vẫn đang diễn ra, vẫn là những trải nghiệm chưa bị lịch sử hóa hoàn toàn” [6, tr.115]. Theo ông, “đương đại” không thuộc về cái quá khứ mà ta đã biết, thậm chí có thể nói là nó nằm ngoài lịch sử, nó không ổn định, đầy bất ngờ. Chính hàm nghĩa quan trọng này của tính đương đại tạo ra vấn đề của văn học đương đại mà cả lịch sử văn học đương đại và nghiên cứu văn học đương đại phải đối mặt. Như vậy, văn học đương đại không phải là đứa con bị bỏ rơi, bị từ bỏ của văn học hiện đại, không phải là thứ để bị “ngoại biên hóa”. Ngược lại, nếu lí giải từ tầng ý nghĩa cao hơn, còn có thể nói rằng chính văn học đương đại có ý thức chối bỏ văn học hiện đại, biến văn học hiện đại thành “lịch sử” xưa cũ. Và có thể nói rằng: “Thông qua ý thức tự giác phi lịch sử hóa này, đương đại đã biến chính mình trở thành điểm tập trung của mọi mâu thuẫn lịch sử, văn học đương đại đã biến chính mình trở thành mũi nhọn nhất và nơi thể hiện tập trung của mọi vấn đề trong văn học sử.” [6, tr.116] Cũng theo Trương Húc Đông, khi ta nhìn “tính đương đại” như là một phương diện đối lập của cái “lịch sử” thì ngay lập tức gặp phải một mâu thuẫn mà Friedrich Nietzsche đã đưa ra trong công trình “Use and Abuse of History to Life”, đó là: sau khi cái “đương đại” phi lịch sử hóa hay là hình nhi thượng học hóa chính nó, thì sẽ phải đối mặt với một cái đương đại tiếp theo, một cái thời khắc tiếp theo, một thứ khuynh hướng tái lịch sử hóa tiếp theo khi nó quy mọi thứ đã diễn ra về quá khứ. Trong bản thân “tính đương đại”, tồn tại một thứ ý thức không ngừng nghỉ về “cái đương đại như là lịch sử” hay là “lịch sử đương đại”. Thứ mâu thuẫn này trong văn học đương đại Trung Quốc hết sức rõ nét, nhưng giới nghiên cứu văn học đương đại lại chưa thực sự chú ý đến điều này. “Bản thân văn học đương đại đã mang trong mình khuynh hướng tự lịch sử hóa, đó là ý thức cố gắng đối tượng hóa chính nó, tức là trở thành đối tượng của nhận thức và phê phán.” [6, tr.117] Hiểu cái “đương đại” và “văn học đương đại” theo cách mà Trương Húc Đông đưa ra, chúng ta có thể thấy mọi thứ diễn ra trước cái đương đại có một điểm chung là chúng đều dẫn đến cái đương đại. Do vậy, “hàm nghĩa rộng lớn của văn học đương đại bao gồm cả văn học hiện đại, thậm chí bao gồm cả văn học cổ đại, cũng bao gồm cả văn học nước ngoài, nó coi tất cả những thứ này như là những yếu tố thiết yếu cho những trải nghiệm và thực tiễn của chính nó, bao gồm trong chính cấu trúc của nó, như là một phần của những mâu thuẫn và tính vấn đề tự thân, bao gồm trong chính không gian cho phê bình và không gian cho khái niệm của nó, bao gồm trong sự kiến tạo thời gian của nó.” [6, tr.120] Ở đây có thể thấy sự đề cao của Trương Húc Đông đối với ý nghĩa của cái đương đại nói chung và văn học đương đại nói riêng trong dòng lịch sử và văn học sử.
Quả thật, chúng ta có thể thấy rằng, đứng từ góc độ của lịch sử nói chung, cái “đương đại” đang diễn ra trong thời khắc này sẽ ngay lập tức trở thành quá khứ, trở thành lịch sử khi cái “đương đại” tiếp sau nó diễn ra, khi một thời khắc “hiện tại” khác thế chỗ cho nó trên dòng chảy bất tận của lịch sử. Có thể hình dung là, khi chúng ta muốn gắn cái “đương đại” với “lịch sử” thì cũng có nghĩa là ta phải chứng kiến cái đương đại liên tục phủ định chính nó trên dòng lịch sử. Như vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng mâu thuẫn đã tồn tại ngay chính trong khái niệm “lịch sử văn học đương đại”, trong chính kì vọng viết lịch sử văn học đương đại, trong chính ý định đưa văn học đương đại thành một thời kì văn học ngang hàng với văn học hiện đại và các thời kì văn học trước đó trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Mặt khác, nếu chúng ta đứng từ điểm nhìn của cái hiện tại, thì toàn bộ lịch sử văn học đều dẫn đến một cái đích là văn học đương đại, thứ văn học đang diễn ra một cách sống động từng ngày từng giờ bên cạnh, bên trong cuộc sống của chúng ta, cái mà chúng ta chưa tổng kết được, cũng không thể dự đoán được. Và xét đến cùng thì mọi giai đoạn văn học đã qua đều được nhìn qua lăng kính của thứ văn học đương đại ấy. Cái gọi là “văn học hiện đại”, “văn học cận đại” hay “văn học cổ đại” là văn học hiện đại, cận đại, cổ đại nhìn từ văn học đương đại. Văn học đương đại, với tính bất định của nó, có thể chưa hoàn toàn thuộc về “văn học sử”, nhưng chính nó lại quyết định diện mạo của “văn học sử”. Và xét đến cùng, nếu chúng ta thừa nhận rằng tính đương đại vừa có xu hướng phi lịch sử hóa vừa có xu hướng lịch sử hóa chính nó, thì tất yếu sẽ dẫn đến chỗ chúng ta phải nhìn nhận tính chất mơ hồ, nước đôi trong mối quan hệ giữa “văn học đương đại” và “văn học sử”. Cũng chính ở đây, chúng ta có thể thấy rằng, cái “đương đại” khi trở thành “lịch sử” cũng đã đồng thời vượt lên trên “lịch sử”.
Kết luận – “may mắn” hay “không may mắn”?
Năm thứ 21 Trung Hoa Dân Quốc, khi Chu Tác Nhân viết về “cội nguồn của nền văn học mới Trung Quốc”, thì một trong những điều “mới mẻ” mà ông nêu ra là “Thưởng thức văn học là điều mà mọi người đều có thể làm được, không cần phải là thiên tài.” [1, tr.8] Đây có lẽ là một trong rất nhiều những xác quyết của thời kì văn học hiện đại mà đến thời kì văn học đương đại, trong những giai đoạn nhất định và từ những góc độ nhất định thì không còn hoàn toàn đúng nữa.
Văn học đương đại, nếu đặt vào trong khung thời gian được thừa nhận phổ biến là 60 năm (1949-2009), thì quả thực là khoảng thời gian quá ngắn ngủi nhìn từ góc độ của ngành văn học sử. Cái “đương đại” ở đây dường như không chỉ là hàm ý về thời gian (như cổ đại, cận đại, hiện đại) nữa, mà nghiêng về hàm ý chỉ tính chất, đặc trưng của thời kì này. Vẻn vẹn 60 năm, nhưng trong vòng 60 năm ấy, văn học Trung Quốc đã chứng kiến và trải qua nhiều sự kiện lớn, biến thiên lớn, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Cái “đương đại” đã tạo ra cơ hội chưa từng có để người ta phản tư lịch sử và văn học các thời kì trước, nhất là thời cận đại và hiện đại.
Để kết lại bài viết, tôi muốn mượn lời của nhà nghiên cứu Trần Hiểu Minh. Theo ông, việc khái niệm/phạm trù “văn học đương đại” chỉ có ở Trung Quốc, không có ở phương Tây vừa là cái may vừa là cái không may đối với Trung Quốc. Trần Hiểu Minh không giải thích về cái “không may”, nhưng có lẽ đó là điều chúng ta đều không khó để nhận thấy, chẳng hạn như những trở ngại trong việc dịch thuật, giới thiệu, hợp tác nghiên cứu văn học đương đại Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Còn cái “may”, theo ông, là “Chúng ta có một khái niệm đương đại như vậy, khiến cho con đường giải thích và góc nhìn để giải thích có được một không gian rộng mở vô cùng độc đáo, và cả nguồn tư liệu rộng mở nữa.” [6, tr.133] Từ một góc nhìn nhất định, nhiều người có thể coi đây như một kiểu biện hộ cho sự kết hợp giữa cái “đương đại” và cái “lịch sử” trong văn học như một thứ “đặc sắc Trung Quốc”. Còn từ một góc nhìn khác, nhiều người hẳn lại thấy ở đây một kho tàng giàu tiềm năng cho sự tìm hiểu và liên tưởng./.
Tài liệu tham khảo
[1] Chu Tác Nhân (2007), Cội nguồn của nền văn học mới Trung Quốc, Nxb Văn nghệ Giang Tô, Giang Tô
[2] Hồng Tử Thành (2009), Lịch sử văn học đương đại Trung Quốc, Nxb Trường Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh
[3] Hồng Tử Thành (2010), Vấn đề và phương pháp – Bài giảng nghiên cứu lịch sử văn học đương đại Trung Quốc, Nxb Trường Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh
[4] Khổng Phạm Kim tổng chủ biên (2006), Tư liệu nghiên cứu các trào lưu văn học Trung Quốc thời kì mới (quyển trung), Nxb Văn nghệ Sơn Đông, Tế Nam
[5] La Cương (2014), Tiên tri và nguy cơ, Nxb Triết Giang, Hàng Châu
[6] Tôn Hiểu Trung biên soạn (2011), Tư tưởng và văn hóa của thời đại biến động – ghi chép đối thoại nghiên cứu văn hóa, Nxb Thượng Hải thư điếm, Thượng Hải
[7] Trần Hiểu Minh (2009), Các trào lưu chính trong văn học đương đại Trung Quốc, NXB Trường Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh
[8] Trần Tư Hòa (2010), Giáo trình lịch sử văn học đương đại Trung Quốc (tập 2), Nxb Trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải
[9]Trình Quang Vỹ chủ biên (2009), Những bài giảng văn học: “Những năm 80” như là phương pháp, Nxb Trường Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh
[10] Vương Đức Uy, Trần Tư Hòa, Hứa Tử Đông chủ biên (2011), Sau năm 1949 – sáu mươi năm văn học đương đại, Nxb Văn nghệ Thượng Hải, Thượng Hải
[11] Vương Huy (2008), Chính trị của phi chính trị hóa: chung cuộc của thế kỉ 20 ngắn ngủi và những năm 90, Tam liên thư điếm Cuộc sống – Đọc sách – Tri thức mới, Bắc Kinh
In trong Lí thuyết trong Khoa học Nhân văn, Vol99 No2, số mùa xuân, 1970, tr384-404.