Nghiên cứu khoa học

THIẾT KẾ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC TRUYỆN NGỤ NGÔN CHO HỌC SINH LỚP 6 THEO ĐẶC TRƯNG THI PHÁP THỂ LOẠI


29-05-2021
Trong dạy học Ngữ văn, hoạt động trải nghiệm có ý nghĩa quan trọng giúp gắn kết kiến thức, kĩ năng và kinh nghiệm cá nhân của học sinh, tạo cơ hội để các em biết liên hệ, vận dụng những gì đã biết vào thực tiễn. Tuy vậy, hoạt động trải nghiệm chỉ phát huy hết giá trị khi xuất phát từ cơ sở khoa học đúng đắn, phù hợp với nội dung, phương pháp dạy học và đối tượng học sinh cụ thể. Tổ chức hoạt động trải nghiệm môn Ngữ văn gắn với đặc trưng thi pháp thể loại của văn bản là một hướng đi như thế. Bài viết này tập trung vào một trường hợp điển hình – đó là nghiên cứu thiết kế hoạt động trải nghiệm trong dạy học truyện ngụ ngôn cho học sinh lớp 6 theo đặc trưng thi pháp thể loại; đề xuất ba hình thức: sân khấu hóa, kể chuyện tưởng tượng và trò chơi liên hệ. Qua đó khẳng định cần coi các đặc trưng loại thể như là cơ sở để đề xuất hoạt động trải nghiệm phù hợp, khai thác giá trị của hoạt động một cách sâu sắc hơn.

TS. Trần Hoài Phương

Đại học Sư phạm Hà Nội

 

1. Đặt vấn đề

            1.1. Hoạt động trải nghiệm

            Trong Chương trình giáo dục phổ thông từ sau năm 2018, hoạt động trải nghiệm là một điểm nhấn quan trọng. Bởi hoạt động trải nghiệm giúp cho nội dung giáo dục nhà trường không bị bó hẹp trong phạm vi sách vở, lí thuyết thuần thúy mà mở rộng sang địa hạt của thực tiễn, gắn nhận thức với hành động, qua đó hình thành ở người học phẩm chất, ý chí, giá trị, niềm tin và năng lực cần thiết trong xã hội hiện đại (Đinh Thị Kim Thoa, 2014; Bùi Ngọc Diệp, 2014; Ngô Thu Dung, 2014; Nguyễn Thị Liên, 2016...).

            Theo cấu trúc chương trình, ở mỗi năm cấp trung học cơ sở, học sinh được tham gia 105 tiết hoạt động trải nghiệm. Nhưng bên cạnh các tiết học độc lập này, gắn với mỗi môn học còn có các nội dung trải nghiệm đặc thù đi kèm. Như thế, hoạt động trải nghiệm có thể diễn ra ở mọi thời điểm, gắn liền với mọi môn học. Theo Nguyễn Thị Liên (chủ biên)(2016), “đó là một quá trình trong đó chủ thể (học sinh) trực tiếp tham gia vào các loại hình hoạt động và giao lưu phong phú, đa dạng, học sinh tự biến đổi mình, tự làm phong phú mình bằng cách thu lượm và xử lí thông tin từ môi trường xung quanh” (trang 10).

            Riêng với môn Ngữ văn, hoạt động trải nghiệm phát huy hiệu quả trong việc kết nối văn học và đời sống một cách sâu sắc, phù hợp với nguyên tắc dạy học gắn với thực tiễn, góp phần củng cố, mở rộng vốn tri thức phong phú cho học sinh và tăng cường hứng thú học tập của học sinh với môn học (Phạm Thị Thu Hương cb, 2017). Nói cách khác, hoạt động trải nghiệm được tổ chức tốt giúp hiện thực hóa quan niệm “văn học là nhân học”, đưa văn chương về gần với cội nguồn sáng tạo.

            1.2. Truyện ngụ ngôn

            Ngụ ngôn là lời nói mà ở đó thường gửi gắm một ý tứ (Đinh Gia Khánh cb, 2003). Truyện thường được viết bằng văn xuôi hoặc văn vần, mượn chuyện về loài vật, đồ vật, con người... để nói kín đáo chuyện con người, có tác dụng khuyên nhủ, răn dạy người ta một bài học nào đó trong cuộc sống. Cùng với tục ngữ, truyện ngụ ngôn được xem là thể loại phản ánh rõ nét trí tuệ của nhân dân lao động. Nhắc đến kho tàng truyện ngụ ngôn là nhắc đến kho triết học của nhân dân.

            Dạy học truyện ngụ ngôn trong nhà trường có ý nghĩa tích cực bởi bên cạnh việc ngắn gọn, súc tích, dễ tiếp nhận, truyện còn mang giá trị lớn với học sinh. Đằng sau mỗi câu chuyện luôn ẩn chứa những bài học làm người nhẹ nhàng, không khiên cưỡng. Học sinh tìm hiểu truyện ngụ ngôn cũng là ngược dòng thời gian tìm hiểu trí tuệ ông cha, kết nối sâu sắc truyền thống văn hóa, đạo lí của dân tộc với mỗi cá nhân để biết sống đẹp hơn, nhân văn hơn. Đồng thời, học tập truyện ngụ ngôn cũng góp phần phát triển năng lực tự chủ và tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo, xây dựng thói quen hành vi, ứng xử đúng mực. Nhờ đó, mỗi học sinh được trải nghiệm thực tiễn một cách hiệu quả.

            Dạy học truyện ngụ ngôn sẽ không đi đến tận cùng nếu chỉ dừng lại ở những bài học thuần lí thuyết. Cần hơn hết thảy là việc học sinh biết vận dụng bài học đó vào đời sống và các mối quan hệ gia đình, bạn bè, nhà trường, xã hội như thế nào. Với ý nghĩa ấy, tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học truyện ngụ ngôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. 

2. Hình thức trải nghiệm trong dạy học truyện ngụ ngôn ở lớp 6 THCS

            Trong nhà trường hiện nay, giáo viên có thể lựa chọn nhiều hình thức trải nghiệm khác nhau như câu lạc bộ, trò chơi, diễn đàn, sân khấu tương tác, tham quan dã ngoại, hội thi, giao lưu, tổ chức sự kiện... Tuy nhiên, dựa vào đặc trưng loại thể, có thể cân nhắc vận dụng một số hình thức cơ bản sau đây:

2.1. Sân khấu hóa văn bản truyện ngụ ngôn

Sân khấu là hình thức nghệ thuật tương tác dựa trên hoạt động diễn kịch của con người. Trong đó, mỗi diễn viên hóa thân vào một nhân vật, sử dụng lời nói, điệu bộ, cử chỉ, nét mặt... để thể hiện cái chất riêng của nhân vật ấy. Dưới sự hỗ trợ của bối cảnh, đạo cụ và âm nhạc, sân khấu mang đến hơi thở của cuộc sống, mô phỏng cuộc đời như thật nhằm thể hiện dụng ý nghệ thuật, truyền tải một thông điệp nào đó đến người xem.

Sân khấu hóa văn bản văn học là hình thức được sử dụng khá phổ biến ở trường phổ thông hiện nay bởi tính hấp dẫn, sáng tạo. Mục đích của hoạt động này là giúp tăng cường hiểu biết, đào sâu nhận thức, quan điểm, cách suy nghĩ của học sinh. Thông qua mỗi vở diễn, học sinh nâng cao năng lực giao tiếp và hợp tác, tập làm quen với những tình huống đa dạng và trải nghiệm giải quyết vấn đề. Sân khấu hóa, nếu làm tốt, sẽ có tác dụng không nhỏ trong việc tác động tới tính tích cực, chủ động của người học. Xét theo lẽ đó, truyện ngụ ngôn là thể loại văn học phù hợp với việc tổ chức sân khấu hóa bởi một số đặc điểm cơ bản như:

(1) Truyện ngắn gọn, súc tích, có bối cảnh không gian hẹp và thời gian hạn chế nên phù hợp với những vở diễn nhỏ tại lớp học. Việc chuẩn bị bối cảnh, đạo cụ,... không gây nhiều khó khăn cho giáo viên và học sinh.

(2) Truyện có kiểu nhân vật đa dạng. Đó có thể là con người với nghề nghiệp khác nhau như thầy đồ, anh thợ cày, chú chăn trâu,... hoặc các bộ phận thuộc cơ thể con người như chân, tay, tai, mắt, miệng. Đó có thể là loài vật như voi, kiến, cá, trâu. Đó cũng có thể là những đồ vật thân quen, gần gũi với cuộc sống con người. Nói cách khác, nhân vật truyện ngụ ngôn có thể là bất cứ vật gì và sân khấu là bất cứ đâu (Đinh Gia Khánh cb, 2003). Phạm vi rộng nhưng khá gần gũi, quen thuộc như vậy cho phép học sinh dễ dàng chọn lựa hóa thân.

(3) Trong nghệ thuật truyện ngụ ngôn, bao giờ cũng tồn tại một mâu thuẫn giữa hoàn cảnh, sự việc, tính cách nhân vật... để tạo ra kịch tính và những chuyển biến bất ngờ khiến người đọc ngỡ ngàng, nhận ra đằng sau cái ngắn gọn và giản đơn là một triết lí, bài học sâu sắc. Mâu thuẫn ở đây không gay gắt, dằn vặt, ám ảnh. Nó chỉ là cái kịch tính, bước nhảy cần có khi vượt qua rồi, người đọc nghiệm ra triết lí. Bởi thế, mâu thuẫn này có thể xem là một tình huống có vấn đề mà học sinh cần trải nghiệm, qua đó rèn kĩ năng phát hiện, phân tích và ứng phó với những diễn biến thường gặp của đời sống.

            Để hoạt động sân khấu hóa văn bản truyện ngụ ngôn diễn ra hiệu quả, cần chú ý tiến hành theo các bước nhất định như sau:

            Bước 1. Xác định mục tiêu thực hành sân khấu hóa văn bản truyện. Đó là phương pháp học sinh thể nghiệm câu chuyện đã học, đã đọc bằng một hình thức khác, không phải là ngôn ngữ mà bằng chính việc hóa thân vào nhân vật để thể hiện nội dung. Qua đó, học sinh hiểu sâu sắc hơn văn bản, nhân vật, ý nghĩa; biết phân tích tình huống, giải quyết vấn đề; biết bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ, sự hiểu biết; phát triển năng lực ngôn ngữ, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.

            Bước 2. Xác định văn bản truyện dự kiến tiến hành sân khấu hóa. Giáo viên có thể lựa chọn văn bản trong sách giáo khoa, hoặc các văn bản khác ngoài chương trình nhà trường nhưng có chủ đề phù hợp, nội dung gần gũi với học sinh.

            Bước 3. Xây dựng kịch bản sân khấu bằng việc cụ thể hóa một số yếu tố: bối cảnh, nhân vật, các phân cảnh, đạo cụ, lời thoại, hành động... Kịch bản không đưa ra lời giải hay cách giải quyết tình huống.

            Bước 4. Học sinh biểu diễn vở kịch.

            Bước 5. Thảo luận sau buổi diễn. Nội dung thảo luận cần tập trung vào ý nghĩa, triết lí ẩn trong câu chuyện. Dưới sự định hướng của giáo viên, học sinh phân tích các nhân vật, chi tiết, hành động để rút ra bài học cho bản thân. Tiếp đó, có thể đánh giá thêm về nghệ thuật biểu diễn, tính chân thực, hấp dẫn để những buổi diễn sau đạt hiệu quả cao hơn. Phiếu đánh giá minh họa:

 

PHIẾU ĐÁNH GIÁ VỞ DIỄN

Nhiệm vụ: Sân khấu hóa một truyện ngụ ngôn tiêu biểu

Tên học sinh nhóm thực hiện: …………..……………………....… Lớp 6.....

Tên học sinh nhóm đánh giá: ………………………………………...............

 

Tiêu chí

Đánh giá của người xem

Hình thức

(6,0 đ)

- Diễn xuất tự nhiên

- Có đạo cụ, phục trang hỗ trợ hợp lí

- Các diễn viên nói to, rõ ràng, lưu loát

- Kết hợp tốt diễn xuất và lời thoại

- Có sáng tạo trong cách thể hiện câu chuyện

 

Nội dung

(4,0 đ)

- Thể hiện chính xác, trọn vẹn nội dung chính của truyện ngụ ngôn

- Làm nổi bật được chi tiết đặc sắc

 

TỔNG ĐIỂM

 

Hà Nội, ngày…..tháng….. năm....

Nhóm trưởng nhóm đánh giá

(Họ và tên, chữ kí)

 

            Hoạt động sân khấu hóa có thể lồng ghép ngay trong giờ dạy học trên lớp, trong các hoạt động vận dụng, mở rộng hoặc được thực hiện trong các tiết trải nghiệm ngoài giờ, kết hợp với các hình thức trải nghiệm khác. Nhưng dù diễn ra ở đâu, cũng cần lưu ý mục đích đầu tiên và quan trọng nhất của hoạt động này. Đó là giúp học sinh dấn thân sâu hơn vào văn bản, khiến quá trình đọc hiểu trở nên hấp dẫn, thú vị và có sự kết nối thực tiễn sâu sắc.

 

Xem tiếp: Kỉ yếu Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm, 2020.

Post by: admin
29-05-2021