PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân
Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
1. Đặt vấn đề
Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Môn Ngữ văn thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học. Lĩnh vực này có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bồi dưỡng cho học sinh (HS) những phẩm chất cao đẹp, quan niệm sống và phép ứng xử nhân văn. Học Ngữ văn, HS được hình thành và phát triển các năng lực đặc thù như năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ và những năng lực chung như năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực tự chủ và tự hoc, năng lực giao tiếp và hợp tác,.. đồng thời có ý thức thường xuyên trau dồi ngôn ngữ; có hứng thú đọc sách, thưởng thức và khám phá văn học. Trong dạy học đọc hiểu văn bản văn học, muốn phát triển năng lực, một trong những điều kiện quan trọng là gắn với đặc trưng thể loại. Ở Việt Nam, đặc trưng thể loại cũng như dạy học văn bản gắn với đặc trưng thể loại chưa có nhiều thành tựu nghiên cứu. Một vấn đề đặt ra là cần tham khảo cách làm của các nước có nền giáo dục phát triển. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm xây dựng chương trình 2018. Chương trình và sách giáo khoa (SGK) Hoa Kì, rất quan tâm tới việc dạy học văn bản văn học theo đặc trưng thể loại và có những chiến lược rất bài bản. Bài viết này phân tích bài dạy đọc hiểu thơ trữ tình Việt Nam trong bộ SGK Ngữ văn Trung học phổ thông của Nhà xuất bản Glencoe Mcgraw Hill dưới góc nhìn đặc trưng thể loại với mong muốn thêm một kênh tham chiếu để dạy thể loại thơ trữ tình ở Việt Nam.
Các công trình nghiên cứu về SGK, bài học Ngữ văn theo xu hướng quốc tế đã bắt đầu được chú ý trong những năm gần đây. Bài viết “SGK Ngữ văn của Hàn Quốc và kinh nghiệm đối với Việt Nam” của Cho Jae Hyun và Bùi Mạnh Hùng [2] đã miêu tả SGK Ngữ văn Hàn Quốc từ bậc tiểu học, THCS và THPT. Từ kinh nghiệm biên tập SGK của Hàn Quốc, các tác giả đưa ra những gợi ý đổi mới SGK ở Việt Nam. Tác giả Nguyễn Minh Thuyết có bài viết “SGK phổ thông nước ngoài và một số kinh nghiệm cho Việt Nam” [6]. Bài viết phân tích một số bộ SGK nước ngoài như: Bộ SGK Le francais của Pháp, Bộ SGK Tiếng Anh của Ấn Độ, Bộ SGK của Hàn Quốc, Bộ SGK của Colombia…, từ đó rút ra một số kinh nghiệm cho việc biên soạn SGK của Việt Nam. Bàn về SGK của Hoa Kì, Trần Lê Hoa Tranh có bài viết “Giới thiệu một số cuốn sách giáo khoa Ngữ văn của Mỹ” [7]. Trong bài viết này, tác giả đã giới thiệu mục lục của một số cuốn sách giáo khoa của bang Ohio. Đó là các cuốn sách: Mastering the OGT (Ohio Graduation Test): Reading, và Mastering the OGT: Writing của tác giả Lesli J.Favor. Phân tích kinh nghiệm viết sách giáo khoa của các nước, còn phải kể đến đề tài “Mô hình sách giáo khoa nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam sau 2015” của tác giả Đỗ Ngọc Thống [5]. Đề tài đã chỉ ra các xu hướng nghiên cứu SGK để xác định mô hình tổng quát (các yêu cầu chung) cho SGK theo định hướng của chương trình sau 2015 và đề xuất mô hình SGK cho một số môn cụ thể. Tuy nhiên, đề tài chỉ nghiên cứu mô hình SGK nói chung và mô hình SGK một số môn. Năm 2017, tác giả Phan Thị Hồng Xuân có bài “Cuốn sách The lenguage of Literature và một số kinh nghiệm cho việc biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn mới ở Việt nam”. Bài viết phân tích cấu trúc cuốn sách The lenguage of Literature, từ đó rút ra các kinh nghiệm có thể tham khảo khi viết SGK Ngữ văn mới ở Việt Nam. Cũng năm 2017, tác giả này có thêm bài viết “ Thiết kế bài đọc hiểu văn học Việt Nam trong SGK trung học phổ thông của Mĩ và hướng vận dụng biên soạn sách giáo khoa Ngữ văn mới ở Việt Nam”. Bài viết phân tích thiết kế bài đọc hiểu bài thơ Ngôn chí 3 của Nguyễn Trãi trong một bộ SGK của Hoa Kì với mục đích giúp các tác giả tham khảo khi thiết kế bài đọc hiểu trong sách giáo khoa cho chương trình mới. Như vậy, các công trình nghiên cứu về SGK, bài học Ngữ văn trong xu hướng quốc tế đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy vậy, phân tích bài dạy học văn bản văn học trong SGK của các nước dưới góc nhìn đặc trưng thể loại vẫn chưa có bài viết nào đề cập tới. Đó là lí do chúng tôi nghiên cứu và viết bài báo này.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Vấn đề thể loại và thể loại trong văn học
Theo từ điển Oxford: Thể loại là một loại hoặc một phong cách cụ thể của văn học, nghệ thuật, phim ảnh hoặc âm nhạc mà bạn có thể nhận ra vì những tính năng đặc biệt của nó.
Quan niệm về thể loại trong văn học đã có từ lâu trên thế giới. Theo Arixtot (384 – 322 Tr. CN) đã đề cập tới khái niệm này khi cho rằng: tìm đến thể loại của tác phẩm văn chương không nên chỉ dừng lại ở hình thức cấu trúc...Vậy thể loại là gì, cho tới nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau. Xin dẫn ra một cách hiểu: thể loại là “dạng thức của tác phẩm văn học, được hình thành và tồn tại tương đối ổn định trong quá trình phát triển của lịch sử văn học, thể hiện sự giống nhau về cách thức tổ chức tác phẩm, về đặc điểm các loại hiện tượng đời sống được miêu tả và về tính chất của mối quan hệ của nhà văn đối với các hiện tượng đời sống ấy”[3].
Trải qua lịch sử hàng ngàn năm cho đến nay lí luận văn học phương Tây thịnh hành cách chia văn học làm ba loại: Loại tự sự bao gồm các thể loại sử thi (anh hùng ca), thơ tự sự (truyện thơ), tiểu thuyết..., loại trữ tình bao gồm các thể loại như thơ trữ tình, văn xuôi trữ tình, loại kịch bao gồm bi kịch, hài kịch, chính kịch..
Ở Việt Nam, tồn tại cả hai cách: chia ba gồm: trữ tình, tự sự, kịch và chia bốn gồm: thơ ca, truyện, kịch, kí.
Việc phân chia trên có ý nghĩa đối với cả sáng tác và cả phê bình, thưởng thức văn học. “Trước hết, dù thưởng thức hay phê bình người đọc đều phải tuân thủ các quy tắc thể loại, không thể thưởng thức lệch pha với thể loại”... “ Người đọc càng hiểu rõ đặc điểm thể loại bao nhiêu thì mức độ lí giải, cảm thụ càng sâu sắc bấy nhiêu” [4]. Nhìn theo một góc độ nào đó, dạy học tác phẩm văn chương cũng là một kiểu phê bình, thưởng thức văn học nên cũng phải tuân thủ nguyên tắc thể loại. Đây có thể coi là một nguyên tắc mà giáo dục dù ở quốc gia nào trên thế giới cũng cần tuân thủ.
2.2. Thơ trữ tình và đặc trưng của thơ trữ tình
Thơ có đặc trưng về nội dung và đặc trưng về hình thức
Về nội dung thơ có các đặc trưng sau: thơ là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức hoá; tính cá thể hoá của tình cảm trong thơ; chất thơ của thơ. Về hình thức, thơ có các đặc trưng sau: thơ biểu hiện bằng biểu tượng, ý tượng; ngôn từ thơ được cấu tạo đặc biệt. Các đặc trưng này vừa chi phối vừa là điểm tựa để xây dựng kế hoạch dạy học văn bản thơ.
Tính trữ tình là đặc trưng nổi bật nhất của nội dung thơ. Trong Mĩ học Heghen viết: “Đối tượng của thơ không phải là mặt trời, núi non, phong cảnh, cũng không phải là hình dáng và các biểu hiện bên ngoài của con người máu thịt, thần kinh... Đối tượng của thơ là hứng thú tinh thần” [4], “Nhiệm vụ chính của thơ là gợi lên cho ý thức nhận thấy sức mạnh của đời sống tinh thần và những gì lay động làm ta xúc cảm trong các dục vọng và tình cảm nhân tính” [4]. Tình cảm trong thơ không bộc lộ một cách bản năng vô thức mà “lắng lọc qua cảm xúc thẩm mĩ, gắn liền với khoái cảm về sự tự ý thức về mình và về đời” [4]. Thơ lấy điểm tựa là cuộc sống để thể hiện tình cảm. Nhà thơ được ví như những con ong hút nhụy từ những bông hoa của cuộc sống cho nên bất cứ hiện thực nào đi vào trong thơ cũng nhằm biểu hiện tình cảm, gây xúc động với niềm vui, nỗi buồn, thú say mê, sự đau khổ, nỗi lo lắng, niềm an ủi. Lê Quý Đôn từng nói: “Thơ khởi phát từ lòng người mà ra”, Ngô Thì Nhậm nhấn mạnh: “Hãy xúc động hồn thơ cho ngọn bút có thần”.
Nhưng chỉ có cảm xúc thì chưa thể có thơ, mà cảm xúc đó phải được thể hiện bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt, đó là ngôn ngữ của thơ trữ tình. Vậy ngôn ngữ của thơ trữ tình có những đặc trưng gì. Maiacôxki nói: Quá trình sáng tạo ngôn ngữ thơ ca cũng như người lọc quặng, lọc lấy tinh chất, tìm ra từ cái bề bộn của tấm quặng những từ đẹp, ánh sắc kim. Nhà thơ Nga Nhêcraxôp cho rằng: “ Phép tắc cần theo một cách kiên trì là làm sao lời thơ chặt chẽ mà ý thơ mênh mông” [3]. Tác giả Trần Thanh Đạm cũng đã nói: Thơ là nghệ thuật của ý lớn, tình sâu trong lời hay, ý đẹp ..thơ tượng trưng cho những gì đẹp đẽ, tinh túy, lí tưởng trong cuộc sống và những gì cao quý đằm thắm, thiết tha nhất trong lòng người...Tóm lại ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ mang tính hình tượng, đầy cảm xúc, giàu nhạc tính, hàm súc...
Từ những tổng kết trên phương diện lí luận như trên cần rút ra kết luận có phương pháp luận khi dạy học thơ trữ tình là phải phân tích cảm xúc, nhân vật trữ tình và ngôn ngữ.
2.3. Cách thiết kế bài học đọc hiểu thơ Nguyễn Trãi và bài học đọc hiểu thơ Hồ Chí Minh trong SGK Ngữ văn phần Văn học thế giới của NXB McGraw- Hill
SGK Ngữ văn THPT của Hoa Kì không có cấu trúc cố định. Mỗi cuốn sách được thiết kế khác nhau. Cuốn SGK Ngữ văn của nhà xuất bản McGraw-Hill đã được dùng làm tài liệu dạy học ở nhiều bang như: New York, Ohio, California, Illinois. Cuốn sách Ngữ văn (Văn học thế giới) là cuốn sách tự chọn cho HS lớp 12. Cấu trúc cuốn sách gồm 3 phần và xếp theo thứ tự: Mục lục, Nội dung và Tài liệu tham khảo. Trước khi đến các bài học cụ thể, sách có phần hướng dẫn đọc tích cực cho HS theo thể loại (đọc truyện ngắn, văn bản phi hư cấu và thơ). Sáu đơn vị bài học tương đương với các khu vực văn học thế giới: bài 1: Châu Phi (Africa), bài 2: Hy Lạp và La Mã cổ đại (Ancient Greece and Rome), bài 3: Tây Nam Á và Tây Trung Á (Southwest and South Central Asia), bài 4: Đông Á và Thái Bình Dương (East Asia and the Pacific), bài 5: Châu Âu (Europe),bài 6: Châu Mỹ (The Americas). Trong mỗi bài là những tác phẩm thuộc nhiều thể loại của các quốc gia ở khu vực, được sắp xếp theo trình tự thời gian sáng tác. Hệ thống bài học kĩ năng cũng tạo thành một mạch trong cuốn sách. Phần Tài liệu tham khảo gồm: Sổ tay thuật ngữ văn học (Literary Terms Handbook), Sổ tay ngôn ngữ (Language Handbook), Sổ tay viết (Writing Handbook), Sổ tay kĩ năng truyền thông (Communications Skills Handbook), Sổ tay đọc (Reading Handbook); từ điển, phụ lục.
Mỗi bài học đọc hiểu trong cuốn SGK Ngữ văn của nhà xuất bản MC Graw-Hill được xây dựng với quan điểm đọc hiểu là một quá trình trải nghiệm gồm ba giai đoạn: trước khi đọc, trong khi đọc và sau khi đọc. Bài học đọc hiểu còn được xây dựng tích hợp với các kĩ năng nghe, nói, viết và các kĩ năng ngôn ngữ khác. Bên cạnh các bài học đọc hiểu, cuốn sách Ngữ văn của NXB Mc Graw- Hill có các bài học chiến lược, bài học tạo lập văn bản, bài học ngữ pháp, bài học kĩ năng. Mô hình chung của bài đọc hiểu văn bản như sau:
Bảng 2.1. Mô hình bài học đọc hiểu trong SGK Ngữ văn Văn học thế giới của NXB McGraw- Hill
1. Trước khi đọc (Before you read)
|
- Hoạt động khởi động
- Tri thức nền
|
2. Văn bản
|
- Tên văn bản (tác giả)
- Văn bản (có hình ảnh minh họa)
|
3. Phản hồi văn học (Responding to literature)
|
- Phản hồi cá nhân (Personal response)
- Phân tích văn học (Analyzing Literature)
- Mở rộng phản hồi (Extending your response)
|
4. Các yếu tố văn học (Literary Elements)
|
- Tri thức lí luận văn học có liên quan đến bài đọc hiểu
|
Bài báo này phân tích bài học đọc hiểu thơ trữ tình Việt Nam trong SGK của Hoa Kì. Trước khi giới thiệu thiết kế dạy học từng bài thơ cần giới thiệu chiến lược đọc hiểu thơ trữ tình trong phần hướng dẫn đọc tích cực ở phần đầu cuốn sách như đã nói ở trên.
Mô hình đọc tích cực
1). Lắng nghe: Đọc bài thơ to lên và lắng nghe âm thanh của nó. Đọc liền mạch cho tới khi gặp dấu câu hoặc chỗ ngừng tự nhiên theo cảm xúc. Tự hỏi mình:
Âm hưởng của bài thơ như thế nào? Nhanh hay chậm? Đều đặn hay ngắt quãng?
Bên cạnh nhịp điệu, nhà thơ còn sử dụng những hiệu ứng âm thanh nào khác? Hiệu ứng đó ảnh hưởng tới em như thế nào? Ảnh hưởng tới mạch cảm xúc như thế nào? Hiệu ứng đó quan hệ tới chủ đề bài thơ như thế nào?
2) Hình dung, tưởng tượng: Gợi ra những hình ảnh, âm thanh, hương vị và cảm giác bài thơ mang lại. Tự hỏi:
Cảnh tượng, sự vật hiện lên như thế nào?
Những hình ảnh, âm thanh, hương vị và cảm xúc được gợi lên như thế nào?
3) Phản hồi: Trong khi đọc, hãy phản hồi bài thơ, hãy nghĩ bài thơ ảnh hưởng đến mình như thế nào? Nói với mình:
Tôi thích/ không thích dòng nào, khổ nào bởi vì...
Bài thơ khiến tôi nghĩ đến....
Bài thơ này gợi nhớ đến...
4) Đặt câu hỏi: Giúp bạn hiểu và giải thích bài thơ. Viết lại hoặc lưu ý những câu hỏi mà bạn chưa thể trả lời. Tự hỏi:
Bài thơ này nói về điều gì?
Câu chuyện hay tình huống nào được thể hiện trong bài thơ? Những hình ảnh trong bài thơ có ý nghĩa gì/ thể hiện điều gì? Tại sao nhà thơ lại sử dụng ngôn từ có ý nghĩa hàm ẩn theo cách như vậy?
5) Làm sánh tỏ: Diễn đạt lại bài thơ bằng ngôn từ của bạn, sau đó tóm tắt lại bài thơ và suy nghĩ về tầng nghĩa sâu hơn của bài thơ. Hãy nói với mình:
Những dòng thơ này có thể diễn đạt lại là....
Bài thơ này nói về...
6) Giải thích: Đọc bài thơ vài lần, tập trung giải thích ý nghĩa khái quát của nó. Tự hỏi:
Nhan đề của bài thơ đã thể hiện ý nghĩa của bài thơ như thế nào?
Nhà thơ cố gắng thể hiện chủ đề hoặc thông điệp gì?
Bài học đọc hiểu văn bản “Ngôn chí 3” (Nguyễn Trãi) và văn bản “ Thu dạ” của Hồ Chí Minh nằm trong SGK Ngữ văn của NXB McGraw- Hill, phần văn học Đông Nam Á. Chúng tôi mô tả ngắn gọn lại cấu trúc và nội dung hai bài dạy học đọc hiểu được thiết kế như sau:
I. Thiết kế dạy học đọc hiểu bài “ Ngôn chí 3” của Nguyễn Trãi (thiết kế 1)
1. Trước khi đọc
a) Hoạt động khởi động:
Đôi khi em muốn thoát khỏi thế giới và ở một mình với những suy nghĩ riêng. Em sẽ đi đâu khi cảm thấy như vậy?
Viết nhanh: Viết lại ấn tượng của em về địa điểm lí tưởng mà em muốn đến. Đó có thể là một nơi thực tế hoặc là nơi chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng.
Thiết lập mục đích: Tìm hiểu về địa điểm mà một nhà thơ Việt ở ẩn.
b) Tri thức nền
- Gặp gỡ Nguyễn Trãi (Phần này giới thiệu ngắn gọn về tiểu sử và sự nghiệp văn học của Nguyễn Trãi)
- Sự phát triển của nền văn học Việt Nam với sự ra đời của chữ Nôm (Phần này viết về việc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá Trung Quốc, sự ra đời của chữ Nôm vào năm 1282 và Nguyễn Trãi đã viết nhiều thơ bằng chữ Nôm)
Xem tiếp: Kỉ yếu Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm, 2020.