Nghiên cứu khoa học

LOẠI THỂ VÀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU, GIẢNG DẠY TÁC PHẨM VĂN HỌC THEO LOẠI THỂ


17-04-2021
Từ lâu, các nhà nghiên cứu đã chia các sáng tác Văn chương ra làm ba thể loại : Tự sự , trữ tình và kịch (cũng có khi chia là: văn xuôi, thơ, kịch). Người viết không đi sâu vào ba thể loại lớn này mà chỉ nghiên cứu một số loại nhỏ trước và sau năm 1945 : văn bản Thơ trữ tình, văn bản truyện ngắn, văn bản kịch. Trong đó cố gắng chỉ ra đặc điểm của mỗi loại. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra cách thức Định hướng phát triển năng lực người học trong quá trình tiếp nhận các loại Văn bản trên theo đặc trưng thi pháp thể loại. Đó là: Định hướng phát triển năng lực người học trong quá trình ĐỌC VĂN BẢN thơ trữ tình, truyện ngắn, kịch. Định hướng phát triển năng lực người học trong quá trình Phân tích, cắt nghĩa, bình giá các văn bản thơ trữ tình, truyện ngắn, kịch....

PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Hương

Đại học Sư phạm Hà Nội

Văn học nghệ thuật luôn tác động đến con người. Cái đẹp đánh thức ở mỗi người niềm đam mê, khao khát được sống và làm việc một cách có ý nghĩa, vì cái chân, thiện, mĩ. Chất đạo đức chân thật của nghệ thuật, sức mạnh của văn chương giúp con người xích lại gần nhau, yêu thương, cảm thông với nhau hơn và xích lại gần với số phận người khác để từ đó bắt đầu biết cảm giác và nhận thức được thế giới xung quanh như một thực thể vật chất, gắn chặt với cuộc sống riêng của mỗi người... Nhiệm vụ của nghệ thuật là sự thanh lọc những cảm giác chất chứa trong con người do đời sống xã hội tạo nên. Nhờ có các tác phẩm văn học mà đời sống con người trở nên ngày càng phòng phú, đa dạng hơn. Song, con đường đi tới sự thật là con đường vô cùng khó khăn và trắc trở mà gốc rễ của mọi ngành nghệ thuật là sự hiểu biết sâu sắc về thế giới, về ngôn ngữ mà cội nguồn của nó là sự sáng tạo đằng sau mọi sự sáng tạo để tạo nên sự sản sinh. Đó là điều cần và phải có cho mỗi người sáng tác cho đến nay và cho vĩnh viễn 
Phần 1: Những vấn đề chung
Văn bản văn chương vốn là MỘT BỨC THƯ ĐỂ NGỎ của mỗi nghệ sĩ gửi tới bạn đọc ở các lứa tuổi khác nhau. Tùy vào sở trường và sở đoản mà mỗi người sáng tác tự chọn cho mình một hình thức biểu đạt riên, người chọn thơ , người chuyên viết văn  xuôi,  người thích sử dụng kịch. Và tự chính họ đã hình thành nên các phong cách, các khuynh hướng riêng và các loại thể yêu thích. Bởi mỗi sáng tác văn chương nếu không sản sinh ra nội dung thì cũng không sản sinh ra hình thức. Nội dung nào, hình thức đó và ngược lại. M. Bakhtin cho rằng: “Không thể có tác phẩm nằm ngoài thể loại. Tác phẩm chỉ tồn tại trong một hình thức thể loại cụ thể”. Bởi “Nghệ thuật cao cả nhất vừa đánh động lý trí vừa đánh động tình cảm, tạo nên một khoái cảm cao cả nhất cho con người" (Aristote). Chính điều đó đã định hướng tiếp nhận cho độc giả. Độc giả cũng như nhà nghiên cứu, mỗi người tự thân đã là một cuốn sách riêng, căn cứ vào các văn bản sáng tác đó và bằng vốn sống, kinh nghiệm thẩm mĩ và trình độ thưởng thức thẩm mĩ của mỗi người sẽ đọc, nghiên cứu, đánh giá và trải nghiệm rồi tự hình thành những khuynh hướng tiếp nhận và đánh giá cũng như tự phân định thành các loại độc giả. Phải có bạn đọc, các nhà nghiên cứu, mới có sự định giá giá trị của mỗi văn bản văn chương. Họ sẽ góp phần lưu tồn, truyền bá những tác phẩm có giá trị. Nhờ đó mà bạn đọc hiện nay mới biết tới những tác phẩm của Homere, Dante, Shakespeare, Balzac, Gogol, Lỗ Tấn, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,…
1. Vấn đề loại thể 
Khái niệm loại  thể, về lí luận, tôi xin không viết nhiều, chỉ nêu tóm tắt: Bàn về lí thuyết thể loại văn học, có ba loại thể văn học : Trữ tình, tự sự và kịch. Trong mỗi loại lại chia ra những loại nhỏ. Tôi chỉ đi vào bàn luận ba loại lớn này, mỗi loại có thể đi sâu vào một  khía cạnh
1.1. Loại trữ tình, tôi sẽ đi sâu vào mảng THƠ TRỮ TÌNH 
Thơ trữ tình là tiếng nói của cảm xúc, là tâm trạng của nhà thơ, là sự thăng hoa của tâm hồn và trí tuệ. Cái đẹp chân thực là cội nguồn của cảm xúc và sự sáng tạo nhờ ở một thị hiếu tuyệt vời, cũng như tình yêu con người, yêu cuộc sống, sự trải nghiệm của mỗi nhà thơ. Cái đẹp cũng được tạo nên bởi sự chưng cất, sự phối âm tuyệt vời  giữa ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ nghệ thuật của mỗi nhà thơ nhằm bộc lộ cảm quan nghệ thuật của mỗi người trước cuộc đời, trước cảnh, tình, là cái tâm của người sáng tác gửi tới người đọc. Người đọc có thể tìm trong thơ trữ tình rất nhiều cung bậc cảm xúc, tâm trạng, nỗi niềm, ...Trong thơ trữ tình, vai trò của cái tôi trữ tình, ngôn ngữ, cảm xúc đóng vai trò quan trọng. Mỗi nhà thơ như một người “Thợ chữ”, ngôn ngữ trong tay họ được biến ảo đến lạ lùng, với họ, sự đi chệch ngôn ngữ khỏi những chuẩn mực ngôn ngữ và những ước lệ ngôn ngữ thông thường tạo nên ở người tiếp nhận một hiệu quả tự đổi mới, loại bỏ “Tự động lực” của sự cảm nhận hàng ngày. “Lời nói và sự sắp xếp từ ngữ, ý nghĩa và hình thức bên trong cũng như bên ngoài của chúng có trọng lượng và giá trị riêng”( Roman Jakobson), L. Tolstoi cho rằng “văn học là nghệ thuật của ngôn từ và nhà văn là nghệ sĩ của từ ngữ”, cho nên nhà thơ nào càng khai thác được tính biểu cảm, tính hàm súc, tính phức điệu, tính chính xác, tính hình tượng, tính đa thanh, tính đối thoại của ngôn ngữ thì càng tạo sự hấp dẫn cho bài thơ của mình.
Chẳng hạn, Hàn Mặc Tử là một nhà thơ vô cùng đặc biệt, ông mắc bệnh phong khi còn rất trẻ và khi căn bệnh nan y của ông đã vô phương cứu chữa khiến ông thu mình vào ốc đảo, bấn loạn, tiếc nuối đến “rớm máu”. Nhưng vốn là người ham sống, yêu cái đẹp, khao khát được yêu, được hướng tới sự thanh khiết, nên nhà thơ đã tự tạo cho mình một thế giới nghệ thuật riêng, thế giới  của một người mà tâm não luôn quay cuồng trong hỗn hợp của thanh khiết, dữ dội, ghê rợn và cuồng loạn, thế giới của “Đau thương” và “điên”. Song, bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ lại là một hiện tượng đặc biệt,  là một trong những bài thơ hay nhất của ông. Bài thơ có cấu trúc nội tại giữa ba khổ thơ  rất  cụ thể, rõ ràng, có sự liên kết mạch cảm xúc rất nhất quán và tập trung thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống đến tha thiết, cháy bỏng của một nhà thơ bất hạnh. Bài thơ chính là một BỨC THƯ ĐỂ NGỎ của Hàn Mặc Tử gửi đến các thế hệ bạn đọc: Hãy sống mãnh liệt và đủ đầy bằng tim, bằng khối óc, bằng phổi, bằng máu, bằng cả nước mắt và tâm hồn, cho dù cuộc đời có thể bất hạnh, cho dù cuộc sống có thể “không thể chịu được”, nhưng không được tuyệt vọng, không được làm mất đi tình yêu, lòng ham sống. Bởi được sống là một niềm hạnh phúc lớn nhất của con người. Hãy luôn cống hiến và dâng tặng những gì trân quý nhất cho cuộc sống. Vì thế mà bài thơ có sức hấp dẫn đặc biệt.
1.2. Thể loại tự sự: tôi sẽ đi sâu vào TRUYỆN NGẮN  
          Truyện ngắn là văn xuôi, có đặc điểm là ngắn. Truyện ngắn là truyện có người kể chuyện, có nhân vật, có môi trường thường hướng tới việc khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh, trong đời sống tâm hồn con người và có khả năng khích lệ người đọc. Nhà nghiên cứu Raymond Carver cho rằng: Tác phẩm hay nhất, hấp dẫn nhất và thỏa mãn nhất về nhiều mặt, thậm chí tác phẩm có cơ hội lớn nhất để trường tồn, chính là tác phẩm được viết dưới dạng truyện ngắn. 
Truyện ngắn hiện đại “có khả năng chín rất nhanh, hình thức truyện ngắn vừa luôn luôn vỡ ra, thay đổi, vừa luôn luôn được hàn gắn, cấu trúc lại” ( K.Abê ), nhà văn Nguyên Ngọc lại đánh giá: các truyện ngắn hiện đại có dung lượng rất nặng, đó là dung lượng của cả một cuốn tiểu thuyết. Ngày nay, còn xuất hiện truyện ngắn Mini và truyện cực ngắn. Chúng tôi sẽ không đi sâu vào loại truyện này. 

 

Xem tiếp: Kỉ yếu Nghiên cứu và dạy học tác phẩm văn học theo thể loại, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm, 2020.

Post by: admin
17-04-2021