Nghiên cứu khoa học

[PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh]

TRÀO LƯU “THƠ MÔNG LUNG” TRÊN THI ĐÀN TRUNG HOA NỬA SAU THẾ KỈ XX - PGS.TS Nguyễn Thị Mai Chanh


25-03-2021
Tóm tắt. Sau giai đoạn mười năm động loạn Đại cách mạng văn hoá, văn học Trung Quốc bước sang “thời kì mới” với những nỗ lực kiếm tìm sự đột phá trên phương diện nghệ thuật. Tiếng thơ Mông lung không phải ngẫu nhiên được coi là “tiếng kèn hiệu lệnh” của văn học thời kì mới. Mạnh mẽ phá vỡ những quy phạm cũ kĩ, chân thành biểu đạt những suy tư mới mẻ về lịch sử xã hội bằng tiếng nói cá nhân, thơ Mông lung cũng được đánh giá là sự phản ánh đầy đủ nhất ý thức, tinh thần của con người thời đại. Tuy nhiên, trước nay các ý kiến đánh giá về trào lưu thơ Mông lung không hoàn toàn thống nhất.Bài viết thêm một lần nhìn nhận lại những giá trị không thể phủ nhận của trào lưu thơ ca độc đáo này, góp thêm tiếng nói tham gia vào cuộc đối thoại trên

1. Mở đầu
“Thơ Mông lung” (朦朧詩) là khuynh hướng thơ ca có ảnh hưởng sâu sắc nhất, rộng rãi nhất và cũng gây tranh cãi nhất trên thi đàn Trung Quốc thập niên 80 của thế kỉ XX. Tên gọi này thoạt đầu hàm ý tiêu cực, bắt nguồn từ bài viết nhan đề “Một thứ mông lung khiến người đọc ngột ngạt” [1] đăng trên Thi san, kì 8, năm 1980 dưới bút danh Chương Minh phê bình bài thơ Đêm (đăng trên Nhân Dân nhật báo, 1979) của nhà thơ trẻ Lý Tiểu Vũ là khó hiểu, bí hiểm, kì quái, khiến người đọc ngột ngạt. Định danh hàm ý tiêu cực ấy về sau đã trở thành tên gọi được sử dụng rộng rãi trong giới phê bình, nghiên cứu và bạn đọc.Nó cũng dần xa rời xuất xứ nghĩa xấu ban đầu, được dùng đơn thuần như tên gọi của một trào lưu sáng tác thơ xuất hiện trên thi đàn khoảng những năm cuối thập niên 1970 đến những năm đầu thập niên 1980. Đây là quãng thời gian lịch sử đặc biệt của Trung Quốc - giai đoạn hậu kì của Đại cách mạng văn hóa chuyển tiếp sang công cuộc Cải cách mở cửa. “Thơ Mông lung” được coi là thuộc thơ ca trào lưu mới. Bài viết của chúng tôi đặt vấn đề nhìn nhận lại một cách khách quan những ý kiến trái ngược nhau về trào lưu này, trên cơ sở đó góp tiếng nói khẳng định những thành tựu không thể phủ nhận của nó đối với quá trình hiện đại hoá thơ ca đương đại Trung Quốc. Đây là vấn đề các nhà nghiên cứu Việt Nam hãy còn bỏ ngỏ.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Các ý kiến trái chiều về trào lưu “Thơ Mông lung”
ThơMông lung từng trở thành đối tượng của cả một cuộc luận chiến phê bình văn chương. Đại diện của phái khẳng định gồm ba nhà phê bình Tạ Miễn, Tôn Thiệu Chấn, Từ Kính Á với ba bài viết được gọi là “Trỗi dậy tam luận”. Tạ Miễn là người đi tiên phong, trong bài “Trước một sự trỗi dậy mới” (đăng trên Quang Minh nhật báo, Đại học Bắc Kinh, ngày 7/5/1980) [2] đã nhiệt liệt ủng hộ, tán thưởng những tìm tòi, sáng tạo của thơ Mông lung. Nhà phê bình cho rằng, “sự trỗi dậy” của thi phái chính là sự chấp nhận những thách thức của tâm lí đọc thơ truyền thống, đáp ứng đòi hỏi đổi mới của tự thân nền văn chương nói chung, thơ ca nói riêng. Đó không phải là “trò quấy”, hay trò “biểu diễn” của một nhóm thanh niên quá rỗi rãi, hoặc quá tâm tư, mà là sự đáp ứng có thể là phi tự giác của bản thân lịch sử văn học. Theo Tạ Miễn, các nhà thơ Mông lung (trong đó phần lớn là thanh niên) “là những kẻ khám phá mới”, “đã bắt đầu thực hiện những tìm tòi trên những con đường lớn”; ở phương diện nhất định, “họ rất giống với khí phách của thời Ngũ Tứ”.Thơ Mông lung dưới góc nhìn của nếp đọc-hiểu quen thuộc, trông quái đản, thậm chí dị hợm, nhưng “tiên trách kỉ hậu trách nhân”, đã đến lúc độc giả phải tự cách tân sự đọc của mình… Lập trường rõ ràng và thái độ bênh vực có chủ ý của nhà phê bình Tạ Miễn có thể nói là một niềm cổ vũ lớn lao đối với các nhà thơ Mông lung.
Bài “Một nguyên tắc mĩ học mới đang trỗi dậy” (Tạp chí Thơ, Đại học Sư phạm Phúc Kiến, số 3, 1981) [3]của Tôn Thiệu Chấn đăng sau bài viết trên mấy tháng.Bày tỏ thái độ đồng tình với Tôn Miễn, tác giả bài báo nhận định sáng tác của phái Mông lung biểu hiện một tầm cao nguyên tắc mĩ học mới. Cái gọi là “nguyên tắc mĩ học mới” chính là không “làm loa phóng thanh” khẩu hiệu tinh thần thời đại, không chí thú với việc “biểu hiện hiện thực và xã hội vĩ đại cao cả bên ngoài thế giới tinh thần chủ thể”, thơ Mông lung không trực tiếp ca tụng đời sống mà tìm kiếm sự “tiết mật” từ “những nung luyện tan chảy của đời sống ngay trong lò nung của nội tâm cá thể”.
Một mốc lớn trong phê bình, nghiên cứu thơ Mông lung được đánh dấu khi tác giả Từ Kính Á công bố bài viết “Một nhóm thơ đã trỗi dậy” (Trào lưu văn học đương đại, Lan Châu,1983) [4]. Từ Kính Á khẳng định, một trào lưu thơ mới “mang đặc sắc văn học hiện đại chủ nghĩa” đã xuất hiện trên thi đàn, nó có ý nghĩa thúc đẩy thơ hiện đại tiến một bước dài, đánh dấu sự bắt đầu của một “thời kì phát triển toàn diện mới” của thơ ca Trung Hoa. Đây là công trình tường giải cụ thể, hệ thống một loạt vấn đề, từ đặc trưng thi pháp, tính chất thực nghiệm của các diễn ngôn thơ, cho đến căn nguyên lịch sử-xã hội của hiện tượng thơ Mông lung. Giới nghiên cứu, phê bình văn học có xu hướng xem bài viết như bản tuyên ngôn của thi trào này.
Phái công kích, phủ nhận các thành tựu thơ Mông lung dẫn đầu bởi các đại biểu Đinh Lực, Trịnh Bá Nông và Trình Đại Hy.Các nhà phê bình này nhìn nhận thơ Mông lung bằng góc nhìn hiện thực chủ nghĩa và truyền thống lịch sử cố hữu. Khuyết điểm chủ yếu của thơ Mông lung, theo họ, là bí hiểm, quái dị. Theo đó, thuyết “trỗi dậy” ca tụng thơ Mông lung cũng là một thứ thi luận kì quái.Các nhà thơ lão thành Ngải Thanh, Tang Khắc Gia, về cơ bản cũng giữ thái độ phủ nhận thi phái này. Lão thi nhân Tang Khắc Gia nói, thơ Mông lung là “ngọn gió chẳng lành” trong sáng tác thi ca, là “luồng nước ngược” trong sự phát triển của nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa đương thời. Bên cạnh đó, những bài phê bình mang đậm màu sắc chính trị - lối phê bình đã trở thành phản xạ có điều kiện trong thời đại Cách mạng văn hóa đều nhất loạt phê phán: thơ Mông lung là sự nổi lên của “cặn bã” giai cấp tư sản, là tuyên ngôn đòi tự do tư tưởng của giai cấp này. Trình Đại Hy phát biểu, phái Mông lung chẳng phải nguyên tắc mĩ học mới gì, chỉ là “một sự tản phát” tư tưởng nhuốm đầy mùi vị cá nhân chủ nghĩa của giai cấp tư sản, các nhà thơ Mông lung chính là đang giẫm lại vết chân của văn học hiện đại phương Tây…
Tất nhiên, ở vào khoảng giữa của sự ca tụng vô điều kiện và phủ nhận sạch trơn là đông đảo các nhà phê bình và nhà thơ song song với việc khẳng định tinh thần theo đuổi sự cách tân, lí tưởng “vị nghệ thuật” của thơ Mông lung, đồng thời cũng đã phân tích dẫn chứng những “thi phẩm” thí nghiệm dang dở, những sáng tác theo đòi “cách tân” nhưng kì thực chỉ là đua đòi sống sượng “thơ Tây”.
Cuộc tranh luận cuối cùng cũng đi đến hồi kết thúc, trong khi thơ Mông lung vẫn không ngừng được sáng tác. Một thực tế đáng ghi nhận là, trải qua cơn tranh luận, quan niệm thi học truyền thống đã bị lay động mạnh mẽ, thơ Mông lung không “phá sản” giữa lúc nhiều dòng thơ khác cũng không ngừng sinh sôi nảy nở, đưa lại một cục diện mới cho nền thơ ca Trung Quốc hiện đại. Như vậy, cuộc tranh luận đã thực sự có tác dụng kích thích đà phát triển của dòng thơ này.
2.2.Đóng góp của thơ Mông lung đối với lịch sử văn học Trung Quốc
2.2.1. Đặc sắc nội dung tư tưởng - các cống hiến tinh thần
Thơ Mông lung cho thấy một sự phản tư và đòi hỏi chân thành, nghiêm túc về nhân tính, về bi kịch lịch sử xã hội, về tình trạng văn hóa đơn nhất. Sự suy tư về bản chất người, khẳng định giá trị và sự tôn nghiêm của “tự ngã” là những định đề văn hóa vốn không phải chưa từng được biểu đạt trong văn chương Trung Hoa từ thời cổ-trung đại; trở thành trào lưu tư tưởng xác định trong thời cận-hiện đại (do tiếp xúc với Âu Mỹ), nhất là trong thời đại Ngũ Tứ. Đáng tiếc, những cốt lõi nhân bản ấy sau đó đã bị các phong trào chính trị cực tả (nối tiếp diễn ra trong các thập niên từ sau năm 1949 cho đến những năm 1978) quy tội và đè nén trong thời gian dài.Thơ Mông lung xuất hiện đã tỏ bày một mĩ cảm thơ ca khác xa với thi học truyền thống.Đó là cơn sóng đầu tiên của tân thi Trung Quốc hiện đại. Những năm động loạn của cuộc Cách mạng văn hóa chính là thời kì chuẩn bị của dòng thơ; những năm cuối của thập niên 1970 đến những năm đầu của thập niên 1980 được xem là thời kì đi từ trạng thái “dân gian” (truyền tụng, chép tay, xuất bản miệng, sáng tác bản thảo hay thủ cảo) ra bán công khai, rồi công khai trên thi đàn; từ sau 1982, tức là đến thế hệ thi nhân thứ ba, thi phái đi vào thoái trào. Năm 1986, Lương Tiểu Bân công bố bài viết “Sự sụp đổ của thi nhân” tuyên cáo cuộc giải thể của phái thơ này. Văn học sử Trung Quốc hiện đại đã lấy năm đó làm mốc cáo chung chính thức của phái Mông lung, song trên thực tế sáng tác, mốc này có thể được xác định sớm hơn một vài năm, tức vào khoảng 1984-1985.
Tiếng thơ Mông lung - tiếng nói mới trên thi đàn hiện đại Trung Quốc không vang lên từ thinh không.Đó là kết quả của cả một sự chuẩn bị ngữ cảnh thời đại, của sự tích tụ những trầm tích lịch sử mà nên.Thế hệ thanh niên trực tiếp nếm trải mười năm Đại cách mạng văn hóa là lớp người đi từ cuồng nhiệt của lý tưởng, tình cảm đến thất vọng, đổ vỡ. Những con người đã trải nghiệm một lịch trình tâm hồn như thế một khi ý thức được niềm tin thơ ngây, thuần khiết đầu đời của mình đã bị đánh cắp thì sẽ không tránh khỏi cảm giác bị bỏ rơi, hoang mang. Từ đây, mọi cung bậc tình cảm của họ nhuốm trộn chút ít sắc thái “phản nghịch”.Họ bắt đầu nghi ngờ hết thảy. Đối diện với cuộc sống mà lý tưởng tan vỡ, mất đi thăng bằng trong tâm tư, họ chỉ muốn hét to lên: “Nói cho mà biết, này thế giới / Ta - không - tin” [5].Đó là câu thơ vang vọng trong bài Trả lời của nhà thơ Bắc Đảo - đại biểu tiên phong của trào lưu Mông lung. Bắc Đảo còn viết trong bài thơ mang tên Mọi thứ: “Mọi thứ thảy đều là số phận / Mọi thứ thảy đều là khói mây” [6]. Tâm trạng mà thi nhân đã khái quát trong thơ là tâm trạng phổ biến của cả thế hệ thanh niên đương thời.Có điều, thơ Mông lung không chìm đắm trong tuyệt vọng, ngược lại luôn kiên gan một dũng khí đương đầu với nghịch cảnh. Thơ Mông lung gợi người đọc hình dung cảnh tượng những con người luôn cố tìm đường đi trong đêm tối mịt mùng: “Đêm đen cho tôi đôi mắt đen / Tôi dùng đôi mắt đen để tìm ánh sáng” (Một lớp người- Cố Thành). Hình tượng lớp người dưới ngòi bút Cố Thành cũng chính là lớp thanh niên thế hệ nhà thơ: tắm mình trong cái thời đại điên cuồng, đầy sợ hãi, khổ sở; với tâm hồn đau đớn, trống rỗng và cảm giác bơ vơ, lạc loài.
Ngọn nguồn nội tại của tiếng thơ Mông lung có thể truy từ sáng tác thơ ca của lớp thanh niên trí thức “hạ phóng” (rời thành phố lên miền núi, hay về các làng quê định cư lao động) thời kì đầu của cuộc Cách mạng văn hóa. Giã từ cuộc sống thành thị về sinh sống, lao động ở nông thôn với một tâm sự chấn động mãnh liệt, mông lung về nguyên do, họ đã hoài nghi, phẫn nộ và cả đành lòng chấp nhận dù vẻ bề ngoài vẫn phải vui tươi, lạc quan với những khẩu hiệu tuyên truyền. Cảm giác bị vất bỏ, sự trống rỗng về lý tưởng, nỗi nhớ nhà cùng cuộc sống lao động vất vả tạo nên một trạng thái tâm tình đặc biệt, làm nên đặc trưng tâm lý của lớp người này: day dứt, thất vọng, hoang mang, khó hiểu, song không được/không dám biểu lộ thẳng. Bài thơ biểu đạt đầu tiên tâm tình của lớp thanh niên thời kì ấy là bài Đây là Bắc Kinh 4 giờ 8 phút (1968) của Quách Lộ Sinh (sau lấy bút danh Thực Chỉ) - người mở đầu phái thơ Mông lung, người từng được xem là “thi nhân sau cùng của thời đại cũ, thi nhân đầu của thời đại mới” [7]:
“Tim tôi thốt nhiên quặn lên từng hồi
Cầm chắc là cái kim đính cúc áo của mẹ đâm xuyên ngực
Lúc này đây, tim tôi thành cánh diều
Sợi dây diều cầm trong tay mẹ tôi
Dây diều căng như muốn đứt
(… … )
Rốt cuộc cũng đã nắm lấy được thứ gì đó,
Cần gì biết đó là tay của ai,
Chỉ cần bàn tay không buông lơi.
Vì đó là Bắc Kinh của tôi,
Một Bắc Kinh cuối cùng của tôi” [8].
Quách Lộ Sinh còn rất nổi tiếng với bài Tin vào tương lai - bài thơ kết hợp phong vị thơ ca cổ điển với các thủ pháp thơ phương Tây. Đây được xem là một trong số ít những thi tác mở màn cho dòng thơ sáng tác bí mật thời Cách mạng văn hóa và cũng là thi phẩm lưu truyền rộng rãi của thơ Mông lung (đương thời “lưu truyền” có nghĩa là đọc thuộc, truyền khẩu hoặc chép tay).Với thi tác này, tác giả được tôn là “Trí thanh thi hồn” (Hồn thơ của giới trí thức thanh niên). Bài thơ thể hiện dũng khí không khuất phục trước hoàn cảnh và một niềm tin vững chắc vào tương lai:
“Khi mạng nhện lạnh lùng giăng phủ bếp lò,
Khi chút khói thừa của tro tàn than thương nỗi bi ai bần cùng,
Tôi vẫn cứng cỏi gạt bằng lớp tro đã tàn
Để viết lên trên đó bằng những bông hoa tuyết:
Tin - Vào - Tương - Lai…”
Là sự phản tư của cả một thế hệ bị cuốn vào tai ương thời đại, đi ra từ đó với tất cả tuyệt vọng, khổ đau, bàng hoàng và day dứt khôn nguôi, thơ Mông lung đồng thời là tiếng kêu đòi cứu giữ giá trị con người cá thể, là hy vọng nhân quần hồi phục lương tri, là khát vọng giải phóng, ước mơ tự do tâm linh. Thế giới nội cảm cùng những ẩn ức riêng tư của các thi nhân sở dĩ có sức cuốn hút lâu dài là bởi chúng dù không tránh khỏi bi lụy, đau thương, nhưng về cơ bản vẫn không đứt lìa với những cảm thức công dân - cảm thức về trách nhiệm người, về sứ mệnh lịch sử, về luân thường xã hội... Chống lại mô thức tư tưởng truyền thống, thơ Mông lung ngợi ca các quan hệ nhân sinh hài hòa, ca tụng nhân tính nguyên sơ.Nó xứng đáng được quý trọng như là một thành tố của văn hóa thời đại vì nó lên tiếng đòi hỏi sự tôn trọng đối sự tôn quý của con người cá thể.
Chủ nghĩa nhân bản hiện đại trong văn chương Trung Hoa đã có những biểu hiện tập trung từ thời đại Ngũ Tứ.Thơ mới Ngũ Tứ ngay từ đầu đã là sự biểu hiện của tinh thần dân chủ, đòi hỏi giải phóng cá tính, ca tụng tự do cá nhân.Nhưng khuynh hướng trữ tình nhân văn tốt đẹp ấy đã không được kế tục kể từ sau năm 1949. Liên tục một chuỗi các phong trào chính trị cực đoan, phi nhân tính như “cải cách ruộng đất” (thổ cải), “đấu tranh chống hữu khuynh” (phản hữu), “đại cách mạng văn hóa” (văn cách) đã đẩy không chỉ riêng sáng tác thơ ca, mà toàn bộ nền văn học, và hơn thế, cả chỉnh thể văn hóa nói chung đi đến chỗ tiêu điều, dung tục. Suốt hàng chục năm ròng, mọi thứ đều quy về đấu tranh giai cấp, đều nhuốm màu bạo lực. Đặt trong mạch đi của lịch sử và bối cảnh xã hội như thế, chúng ta không khó thấy được ý nghĩa văn học của sự xuất hiện thơ Mông lung - tư trào nối lại sự đứt quãng của truyền thống nhân văn chủ nghĩa trong sáng tác thơ ca Trung Quốc.
Trong những năm tháng điêu linh “đại động loạn”, chỉ một lời nói “sai lập trường”, “có vấn đề về mặt tư tưởng”, hay “biểu hiện của tác phong tiểu tư sản” đều có thể trở thành vạ đấu tố, phê bình, cải tạo. Vậy mà, những thúc bách của nội tâm đau buồn, những liên lạc tình cảm đồng loại tự nhiên vẫn không bị khô tàn, thơ Mông lung được ví giống như những viên than hồng trong tro, giữ lửa cho truyền thống nhân đạo chủ nghĩa trong văn học. Ý nghĩa văn hóa-lịch sử xã hội to lớn của nó vì thế còn thể hiện ở chỗ, đó là tiếng nói phản kháng ách thống trị chuyên chế kìm kẹp toàn xã hội và giam hãm cả nền văn hóa.
Như vậy, thơ Mông lung có thể được xem như một phần của công cuộc đổi mới văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng của Trung Quốc hiện đại. Các nhà thơ có ý thức tự giác gắn mình vào truyền thống nhân văn được thắp sáng lên từ phong trào Ngũ Tứ, đó là sự xác lập ý nghĩa của tồn tại nhân sinh và tinh thần tự do. Thơ Mông lung tỏ rõ quan điểm mở rộng tầm nhìn đồng đại, hòa nhập với thế giới.
2.2.2. Các đặc trưng nghệ thuật nổi bật
Là một trường phái thơ thuộc phạm trù “hiện đại chủ nghĩa”, thơ Mông lung hấp thu các thủ pháp, kĩ xảo thơ phương Tây hiện đại, dùng ý tượng hóa, tượng trưng hóa thay thế cho lối tả thực, trực thuật truyền thống. Phái thơ này cũng thường dùng lối nói ám thị và ẩn dụ trùng điệp để biểu hiện tính mông lung, phức hợp của thế giới nội tâm.
Thơ Mông Lung lấy thế giới tinh thần nội tại làm đối tượng thể hiện chủ yếu. Để biểu hiện thế giới nội cảm đó, các nhà thơ sử dụng những thủ pháp và kĩ xảo nghệ thuật đáng chú ý, trong đó nổi bật nhất là cách sử dụng các hình tượng tượng trưng ám thị, các thủ pháp “che mờ” tình ý chủ thể trữ tình bằng ngôn từ “lạ hóa”. Các thi phẩm được đặt trong thế vừa như tự biểu hiện mình, lại vừa như che giấu mình.Mỗi bài thơ tạo nên một thi cảnh mơ hồ, mờ đục, lẩn quất những thi ý không dễ thuyết minh. Chủ đề, thi tứ, do đó cũng trở nên mông lung, bất định, thu hút những lí giải đa nguyên.
Dưới con mắt của một bộ phận nhà phê bình đương thời, trào lưu Mông lung được xem là nhóm thơ theo tinh thần “phản nghịch”. Hậu quả/hiệu quả của tinh thần đó là làm rạn nứt cục diện sáng tác theo nguyên tắc hiện thực chủ nghĩa đang thống lĩnh trọn nền văn học Trung Quốc lúc bấy giờ. Ngay từ khi xuất hiện, thơ Mông lung đã thổi vào thi đàn một sức sống mới, tạo ra một biến động có ý nghĩa cho thời kì văn học mới. Các thi nhân tìm thấy ở thơ và cũng muốn dùng thơ để suy tư về bản chất người, khẳng định sự tôn nghiêm và giá trị cái tôi cá thể, bộc lộ tất cả những mơ hồ, ẩn ức trong thế giới nội tâm. Cho nên, sự vận dụng triệt để các ẩn dụ, những biểu đạt kiểu ám thị đã được kết hợp để tạo nên một không gian tưởng tượng không biên giới trong thơ. Dù trên thực tế, các nhà thơ chưa từng hợp thành một hình thức tổ chức cụ thể, chưa từng ra một tuyên ngôn nghệ thuật nhất định, nhưng thực tiễn sáng tác cũng như sự gặp gỡ tự nhiên về chủ trương nghệ thuật trong sáng tác đã đủ để hình thành nên một thi phái độc lập. Sự xuất hiện của họ trong tư cách là một thi phái vào giữa lúc “tất cả đã thống nhất một nhà” quả là một hiện tượng vĩ đại của văn học Trung Quốc nửa sau thế kỉ XX. Chính từ trong tâm bão của cuộc tranh luận, trào lưu Mông lung đã đặt được bản thân mình vào khúc ngoặt chung của cả nền thơ ca Trung Quốc hiện đại. Nó được xem là có công thúc đẩy thơ phá vỡ sự phong bế tự thân, tìm kiếm nhịp cầu nối kết và đối thoại với tinh thần văn hóa nhân loại.
Truyền thống thơ ca Trung Quốc lấy ẩn dụ làm thủ pháp sáng tác trung tâm, trong khi thơ Mông lung lại sử dụng tượng trưng làm thủ pháp cơ bản. Nhà thơ như xóa đi ranh giới giữa “vật” (ngoại vật) và “ngã” (chủ thể trữ tình), tiến từ “vật ngã lưỡng vong” (siêu thoát lên trên việc phân biệt chủ quan và khách quan, đối tượng-vật và chủ thể-ngã) lên đến cảnh giới “vật ngã đồng nhất” (ta và thế giới là một, chủ thể và đối tượng chuyển hóa vào nhau). Thủ pháp tượng trưng gắn liền, đồng thời cũng là chỗ dựa cho trí tưởng tượng mông lung của các nhà thơ. Tượng trưng như một cái mặt nạ thấy được từ hai phía, xoay lật bất định - vừa là thực, vừa là ám chỉ, ám chỉ là thực và thực trở thành ám chỉ, tạo nên một cấu trúc thi tứ đa diện, đa nghĩa, thích hợp cho việc biểu hiện những biến ảo trong cảm quan trữ tình mới.
Một đặc điểm thi pháp quan trọng khác của thơ Mông lung là chú trọng kiến tạo tổ hợp lập thể gồm những ý tượng đa tầng.Tổ hợp ý tượng nổi (khác với bức tranh hình tượng phẳng trong thơ truyền thống) được kiến tạo và cảm nhận bằng một sự phối chuyển chan hòa các giác quan (di giác) đưa đến cảm giác rằng, người đọc như bước được vào trong thế giới thơ.
Đặt lên hàng đầu việc nắm bắt, biểu đạt những tình tự, thơ Mông lung coi bản thân sự biểu đạt ấy như là một sự tự giải phóng tâm linh, một sự phóng chiếu bản ngã hơn là sự “phản ánh” nội tâm - sự “truyền đạt tình cảm” như hình dung quen thuộc của sáng tác thơ truyền thống. Vì không có dụng ý miêu tả và truyền đạt nội cảm, nên logic tâm lý thông thường đã bị phá bỏ, tạo nên những “nhảy cóc” trong liên tưởng, những kết nối bất ngờ “khó hiểu”. Về hình thức, thơ Mông lung không coi trọng kết cấu vận luật tổng thể (khung vần có sẵn của toàn bài) mà chỉ chú ý phối hợp kết cấu âm thanh nội tại của các hàng thơ. Để khái quát đặc điểm nghệ thuật thơ Mông lung, chúng ta có thể dẫn lời phát biểu sau của Bắc Đảo - thi nhân đại biểu của phái thơ này: “Thơ đang đối diện cuộc khủng hoảng hình thức nghệ thuật. Rất nhiều thủ pháp biểu đạt cũ nhưng chúng không đủ dùng nữa. Một loạt các thủ pháp như ẩn dụ, tượng trưng, tương thông giữa các giác quan, chuyển hoán góc nhìn và cả kĩ xảo thấu thị đang đưa đến cho chúng ta chân trời mới. Bản thân tôi thử nghiệm đưa kĩ thuật montage của điện ảnh vào thơ để tạo nên sự va đập và chuyển đổi ý tượng, kích thích óc tưởng tượng nhằm bù đắp cho những khoảng trống mà các “nhảy cóc” trong biểu đạt tạo ra. Ngoài ra tôi cũng hết sức chú ý đến vấn đề “sức chứa” nội dung của thơ, vấn đề tiềm thức và sự “chộp bắt” ấn tượng trong thoáng chốc…” [9].
3. Kết luận
Hình thành và phát triển trong giai đoạn những năm cuối thập niên 1970 đến đầu thập niên 1980, “Mông lung thi phái” khởi bước tiên phong và kích thích sự phát triển nối tiếp của thơ ca Trung Quốc hiện đại. Nó không phải là hiện tượng tồn tại một cách cô lập, hay về sau mới được “khai quật” nhờ các nhà văn học sử. Nó hoàn toàn là một phần của hoàn cảnh văn hóa-xã hội, là sản phẩm của thời kì “rã đông” về tư tưởng chính trị và “hồi tỉnh” của văn học nghệ thuật Trung Quốc thời kì ấy. Ngày nay, nhờ độ lùi của thời gian cũng như sự bổ sung của các dữ liệu văn học, công việc nghiên cứu trào lưu này ngày càng có nhiều tiến triển. Điều đó cũng có nghĩa là nhiều giá trị vượt thời gian của dòng thơ càng có thêm cơ hội được khẳng định, những đánh giá bất cập như phủ nhận sạch trơn hoặc khen ngợi quá đà đã được điều chỉnh dần. Bất kể là thế nào đi nữa, chúng ta không thể không thừa nhận: thơ Mông lung là một sự tiếp nối và giữ lửa cho tân thi Trung Hoa, là một kỉ niệm mãi mãi không thể phai nhòa trong lịch trình hiện đại hóa thơ ca Trung Quốc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Chương Minh, 1980. “Một thứ mông lung khiến người đọc ngột ngạt”, Tạp chí Thơ, số 8 (章明, 1980.“令人气闷的朦胧”,詩刊, 第8期).
[2] Tạ Miễn, 1980. “Trước một sự trỗi dậy mới”, Quang Minh nhật báo, Đại học Bắc Kinh, số ra ngày 7 tháng 5, tr. 6-17 (谢冕, 1980. “在新的崛起面前”, 光明日報, 5月7日, 6-17页).
[3] Tôn Thiệu Chấn, 1981. “Một nguyên tắc mĩ học mới đang trỗi dậy”, Tạp chí Thơ, Đại học Sư phạm Phúc Kiến, số 3, 1981, tr. 67-76 (孙绍振, 1981. “新的美学原则在崛起”, 诗刊, 第3期, 67-76页).
[4]Từ Kính Á, 1983. “Một nhóm thơ đã trỗi dậy”, Tạp chí Trào lưu văn học đương đại, Lan Châu, số 1, tr. 22-30 (徐敬亚,1983. “崛起的诗群”, 当代文艺思潮, 第1期, 22-30页).
[5]Bắc Đảo, 1986. “Trả lời”, Tuyển tập thơBắc Đảo, Nxb Thế kỉ Mới, số ra ngày 1 tháng 1, tr. 54 (北島, 1986. “回答”, 北島詩選, 新世紀出版社, 1月1日, 54 页).
[6]Bắc Đảo, 1986. “Mọi thứ”, Tuyển tập thơBắc Đảo, Nxb Thế kỉ Mới, số ra ngày 1 tháng 1, tr. 67 (北島, 1986. “一切”, 北島詩選, 新世紀出版社, 1月1 日, 67 页).
[7] Trương Thanh Hoa, 2001. “Nhìn từ tinh thần phân liệt”, Tạp chí Bình luận tác gia đương đại, số 4 (张清华, 2001. “从精神分裂的方向看”,当代作家评论, 第4期).
[8] Dẫn từ Bắc Đảo, 2000. Thơ Thực Chỉ, Nxb Văn học Nhân dân, Bắc Kinh, tr. 47-48 (北島, 2000. 食指的诗,人民文学出版社, 北京, 47-48页). Bài thơ này đã được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn Trung Quốc với nhiều phiên bản, do không còn thủ cảo và được sao chép, truyền miệng trong thời gian dài.
[9]Xin xem Bắc Đảo, 1981. “Hội thơ Bách gia”, Tạp chí Văn học Thượng Hải, số 5 (北島, 1981. “百家詩會”,上海文學,第5期).
ABSTRACT
The trend of “the misty poetry” in the chinese literature in the second half of the 20th century
Nguyen Thi Mai Chanh
Faculty of Literature, National University of Education
After 10 years of the chaotic Great Cultural Revolution, Chinese literature transited to a “new age” which was characterized by tremendous efforts into seeking for an artistic breakthrough. The Misty Poetry is not randomly regarded as “the trumpet blast” of the new-age literature. The Misty Poetry not only disrupted conservative literary principles and expressed novel perspectives on the social history through individual compositions but also offered a comprehensive reflection of the spirits of contemporary people. However, evaluations on “the Misty Poetry” have varied for years. This essay will re-evaluate undeniable values of this unique poetry trend and contribute a new perspective on the mentioned ongoing argument.
Keywords: Poetry, Modern poetry, Misty poetry, Chinese literature, literary trend

(Tác giả: Nguyễn Thị Mai Chanh
Bài đã đăng trên Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Số 65 (8), 2020, tr. 3-9)

Post by: admin
25-03-2021