Lịch sử văn học cho thấy, khi nhắc đến những phong trào cách tân văn chương quan trọng trong thế kỷ XX, không ai bỏ qua chủ nghĩa siêu thực (surréalisme). Vượt ra ngoài phạm vi văn chương, chủ nghĩa siêu thực đã ảnh hưởng rộng khắp ở các bộ môn nghệ thuật khác nhau, để lại nhiều tác phẩm giá trị cho đến ngày nay.
Chủ nghĩa siêu thực không phải "từ trên trời rơi xuống", các nhà nghiên cứu đều thống nhất xem sự kiện Đại chiến thế giới lần thứ I (1914-1918) là nguyên nhân trực tiếp, thúc đẩy chủ nghĩa siêu thực ra đời. Sau những biến cố đau thương của cuộc chiến khốc liệt, các trí thức và văn nghệ sĩ phương Tây hoàn toàn sụp đổ niềm tin với nền văn minh tư sản. Nỗi thất vọng, chán chường đã được các nghệ sĩ thể hiện trong tác phẩm theo cách thức tự do kiểu "vô chính phủ". Có thể xem tiền thân của chủ nghĩa siêu thực là chủ nghĩa Đa-đa (dadaisme) do nhà thơ người Pháp gốc Ru-ma-ni Trít-tan Ta-ra (1896-1963) cùng một số người bạn sáng lập tại Thụy Sĩ năm 1916. Chủ nghĩa Đa-đa nhanh chóng gây ấn tượng bởi mục đích giải phóng văn chương tận cùng, không cần giải thích thông điệp tác phẩm. Mục tiêu của những nhà văn nhóm Đa-đa muốn là tạo ra sự hỗn loạn ý nghĩa trong tác phẩm để phủ định văn chương hiện thực, phủ định giá trị tinh thần của chủ nghĩa tư bản đương thời.
Một năm sau khi chủ nghĩa Đa-đa ra đời, danh từ “siêu thực” được nhà thơ người Pháp gốc Ba Lan G.A-pô-li-ne (1880-1918) đặt tên. Song, mãi đến năm 1924, thủ lĩnh của chủ nghĩa siêu thực là nhà thơ Pháp A.Brê-tông (1896-1966) mới lý thuyết hóa chủ nghĩa siêu thực bằng “Tuyên ngôn thứ nhất của chủ nghĩa siêu thực”. A.Brê-tông vốn học ngành y, ông đã tiếp xúc với phân tâm học của bác sĩ tâm thần người Áo gốc Do Thái S.Phơ-rớt (1856-1939) đang nổi đình nổi đám ở châu Âu. S.Phơ-rớt sau khi nghiên cứu các bệnh nhân bị mắc bệnh nhiễu tâm đã chứng minh, con người ngoài ý thức khôn ngoan còn có thế giới vô thức trong đầu óc. Theo S.Phơ-rớt, tính cách, hành động, suy nghĩ... của con người là do vô thức điều khiển, được bắt nguồn từ những sự kiện thời thơ ấu.
Từ lý thuyết của S.Phơ-rớt, A.Brê-tông đã hệ thống hóa các thủ pháp của chủ nghĩa siêu thực. Theo đó, cơ sở phương pháp sáng tạo của chủ nghĩa siêu thực, theo A.Brê-tông, là “sự tự động của tinh thần thuần túy nhằm mục đích thể hiện bằng lời nói hoặc chữ viết, hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác sự hoạt động hiện thực của tư tưởng. Các tư tưởng được tự do bộc lộ, không phải chịu bất kỳ một sự kiểm soát nào của lý trí hay của những thành kiến đạo đức và thẩm mỹ”. Với các nhà siêu thực, họ tin hiện thực chân thực nhất, hiện thực tuyệt đối là hiện thực đang nằm trong vô thức, thay vì hiện thực có được nhờ ý thức và suy luận. Khi sáng tác, họ đề cao hình ảnh trong giấc mơ; những hình tượng, những câu chữ đột nhiên xuất hiện trong đầu; vì vậy, nghệ sĩ theo chủ nghĩa siêu thực cũng giống như những người có khả năng “thấu thị” (voyance), nhìn thấy những hình ảnh "xuất thần" từ “sự xích lại gần nhau của những hiện thực cách xa nhau”, như nhà thơ Pháp P.Rơ-e-vê-đi (1889-1960) phát biểu. Cuối cùng, nhiệm vụ của các nhà văn siêu thực là nhanh chóng thể hiện cảm hứng “xuất thần” bằng lối viết tự động (écriture automatique) như một cái máy, mà không cần phải chỉnh sửa.
Các nhà văn siêu thực xây dựng tác phẩm hoàn toàn dựa trên những thủ pháp như: Sự tương tự, cái nghịch lý, sự bất ngờ, sự thống nhất những cái không thể thống nhất được; qua đó, xuất hiện một bầu không khí nghệ thuật đặc biệt có tính huyền ảo, phi lý... Vì thế, tuy cùng hoài nghi thực tại vật chất trước mắt, nhưng chủ nghĩa siêu thực khác chủ nghĩa Đa-đa, khi chủ nghĩa siêu thực không “phá phách” mà muốn xây dựng một mỹ học mới cho văn chương nghệ thuật. Cũng vì tính chất tiền phong tích cực, "phá để xây" nên dù chỉ tồn tại cực thịnh trong thời gian hơn 20 năm-giữa hai cuộc đại chiến thế giới, nhưng chủ nghĩa siêu thực đã làm biến đổi văn học nghệ thuật rất nhiều. Nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi ở khắp nơi đã tích cực thực hành chủ nghĩa siêu thực trong sáng tác; trong văn học có F.G.Loóc-ca (Tây Ban Nha), A.Nin, H.Mi-lơ, C.H.Pho (Mỹ), H.S.Đây-vít, D.Thô-mát (Anh), S.J.Phơ-xơ, P.Ê-luy-a, L.A-ra-gông (Pháp)..., điện ảnh có J.Cơ-tớt (Pháp) và đặc biệt trong lĩnh vực hội họa với tên tuổi của các danh họa P.Pi-cát-xô, S.Đa-li (Tây Ban Nha), M.Đu-xam (Pháp), Pôn Kle (Mỹ)...
Ngày nay, các thủ pháp chủ nghĩa siêu thực đã không còn lạ lẫm trong sáng tác văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung, cũng như không bị lãng quên mà tiếp tục sử dụng theo nhiều cách thức khác nhau, tiếp tục góp phần tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
TRẦN HOÀNG HOÀNG
https://www.qdnd.vn/