Nếu như văn học hậu hiện đại cho đến đầu thế kỷ XXI vẫn còn gánh chịu nhiều nghi kỵ, e dè, thậm chí có nhà nghiên cứu còn ra sức phủ định trào lưu văn học này khi xem đó chỉ là “sự chồng chéo khái niệm”, sự sính thuật ngữ, một trào lưu văn nghệ tư sản phản động… thì có một thực tế không ai có thể phủ nhận được, đó là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một nhánh phát triển của văn học hậu hiện đại, thậm chí là một trong những thành tựu quan trọng nhất của văn học hậu hiện đại. Việc chứng minh chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại cũng đồng thời xác nhận hai vấn đề về mặt lí luận văn học. Thứ nhất, chủ nghĩa hậu hiện đại tồn tại là một hiện hữu khách quan không thể phủ nhận theo ý chí chủ quan của bất cứ ai, bởi nó được xác nhận bởi chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Thứ hai, chủ nghĩa hậu hiện đại là một trào lưu có nhiều ảnh hưởng ở Việt Nam, thậm chí được tiếp nhận từ khá sớm và thuận lợi, so với các trào lưu văn học phương Tây khác (nằm trong chủ nghĩa hiện đại). Chủ nghĩa hậu hiện đại khi phát triển ở Việt Nam đã tạo ra nhiều hiệu ứng nghệ thuật mới, các sáng tạo mang bản sắc dân tộc, mà chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một ví dụ tiêu biểu cho sự tương thích trong quá trình tiếp nhận. Chúng ta sẽ lần lượt phân tích sâu hơn hai vấn đề này.
Về vấn đề thứ nhất, trước tiên nhằm tránh nhầm lẫn, tranh cãi trong nghiên cứu văn học, chúng ta cần những minh định về mặt thuật ngữ. Chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism) và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (Magical Realism) mặc dù đều là hai thuật ngữ có đuôi “ism” (chủ nghĩa), nhưng thực sự nó không đồng đẳng, ngang cấp bậc với nhau. Như chúng ta đều biết, thuật ngữ chủ nghĩa (ism) trong nghiên cứu văn học, đặc biệt là trong nghiên cứu tiến trình văn học nhằm chỉ những trào lưu văn học. Nhưng có hai thuật ngữ là chủ nghĩa hiện đại (Modernism) và chủ nghĩa hậu hiện đại (Postmodernism) là những danh từ chung, nhằm chỉ nhiều trào lưu thành viên nằm bên trong nó. Chủ nghĩa hiện đại hay còn được định danh bằng những tên gọi khác như phong trào tiền/tiên phong hoặc nghệ thuật tiên phong (avant-garde), được ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XX, khi các cuộc đại thế chiến làm chao đảo đời sống lý tính của phương Tây. Chủ nghĩa hiện đại khác chủ nghĩa cổ điển hay chủ nghĩa lãng mạn ở chỗ nó không phải là một trào lưu thống nhất, mà là một tập hợp nhiều trào lưu có chung quan điểm thẩm mỹ (giải thẩm mỹ) và tư tưởng (nổi loạn). Theo Nguyễn Văn Dân trong chuyên luận Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật: “Còn về thuật ngữ “chủ nghĩa hiện đại”, thì nhìn chung trong sách báo trên thế giới người ta thường dùng nó để chỉ một phong trào đổi mới văn học nghệ thuật diễn ra chủ yếu ở phương Tây (châu Âu và châu Mỹ) trên một phạm vi rộng lớn trong khoảng thời gian từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX... Nó không được dùng để chỉ một chủ nghĩa duy nhất, một trào lưu duy nhất hay một trường phái duy nhất, mà nó được dùng để chỉ cả một phong trào bao gồm nhiều trào lưu, trường phái, cả một giai đoạn với nhiều chủ nghĩa khác nhau, được gọi là các chủ nghĩa hiện đại” [3,tr.6-7]. Nguyễn Văn Dân xếp các trào lưu như chủ nghĩa biểu hiện, trường phái dã thú, chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa Đađa, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa trừu tượng, văn học phi lí vào chung trong chủ nghĩa hiện đại.
Chủ nghĩa hậu hiện đại cũng là một phong trào nghệ thuật tổng phổ bao gồm nhiều trào lưu thành viên. Cho dù còn nhiều tranh luận gay gắt, nhưng các nhà nghiên cứu thường khá thống nhất trong việc xếp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo vào trong văn học hậu hiện đại. Lê Huy Bắc trong chuyên luận Văn học hậu hiện đại - lí thuyết và tiếp nhận cho rằng: “Trong chủ nghĩa hậu hiện đại, ta có thể chia văn học ra nhiều khuynh hướng nhỏ... Với chủ nghĩa hậu hiện đại, ta có: chủ nghĩa Đa đa (Dadaims, 1916 - 1922), Tiểu thuyết Mới (New Novels), Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (Magical Realism), Chủ nghĩa cực hạn (Minimalism)...” [2, tr.31-32]1. Nhiều nhà văn có xu hướng phê phán, phủ định chủ nghĩa hậu hiện đại cũng thường dễ dàng chấp nhận xếp trào lưu này thuộc về văn học hậu hiện đại. Ta thấy một ví dụ tiêu biểu đó là G.G.Márquez - trưởng tràng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo sau F.Kafka, người đã tạo ra quả bom bùng nổ của văn học Mỹ Latin trong thế kỉ XX, với siêu phẩm Trăm năm cô đơn. Việc Márquez là một trong những tác gia lớn nhất, điển hình nhất của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (Mỹ Latin) thì chẳng có gì để nói, bởi điều đó gần như là hiển nhiên, nhưng điểm thú vị là có rất nhiều nhà lí luận văn học, cả ở Việt Nam và trên thế giới cũng xác nhận ông thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại. M.Constantinescu (dẫn theo Nguyễn Văn Dân) thì cho rằng “John Barth (1984) coi nhà văn Colombia G.G.Márquez, nhà văn hiện thực huyền ảo nổi tiếng, tác giả của cuốn tiểu thuyết Trăm năm cô đơn và là người đoạt giải thưởng Nobel văn học 1982, là “một ví dụ điển hình về chủ nghĩa hậu hiện đại và một bậc thầy trong nghệ thuật kể chuyện” [3,tr.119]. Barry Lewis đã cho rằng: “Văn chương hư cấu hậu hiện đại là một hiện tượng quốc tế, với những đại biểu quan trọng từ khắp nơi trên thế giới:… Mario Vargas Llosa (Peru), Gabriel García Márquez (Colombia)…” [1, tr.237]. Lê Huy Bắc từng viết: “Sang thời hậu hiện đại, đặc tính ấy (sự thẩm thấu chất thơ vào văn xuôi - PTA) được phát triển thêm. Những sáng tác huyền thoại của Márquez thấm đẫm chất thơ…” [1, tr.425]. Nguyễn Hưng Quốc thì nhận định: “trong lãnh vực văn học, dù thích hay không thích, khó ai có thể phủ nhận những giá trị nghệ thuật trong tác phẩm của những cây bút hậu hiện đại tiêu biểu như Gabriel García Márquez” [5, tr.156]…
Trên thực tế, các quan điểm này đã phản bác lại một cách đanh thép quan niệm của lí luận văn học Việt Nam truyền thống, lâu nay vẫn cho rằng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo không thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại. Tiêu biểu nhất cho quan niệm truyền thống của lí luận văn học nước nhà, ta có thể đơn cử quan điểm của Phương Lựu trong giáo trình Tiến trình văn học (Tập 3 của bộ Lí luận văn học) [Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2008] ở những bản in mới nhất. Trong phần ngắn gọn, thậm chí sơ sài viết về “Chủ nghĩa hiện thực kì ảo” (tức chủ nghĩa hiện thực huyền ảo), ngoài việc các tác giả vẫn chưa phân biệt được các khái niệm cái thần thoại, cái kì ảo và cái huyền ảo, có một luận điểm đáng chú ý thế này: “Nhưng vì nó (chủ nghĩa hiện thực huyền ảo - PTA) lại khác với chủ nghĩa siêu thực phương Tây, vì kì ảo hóa chỉ là biện pháp, còn mục đích vẫn là đi sâu khám phá cái hiện thực đen tối và khắc nghiệt. Cho nên, có ý kiến cho đây là chủ nghĩa hậu hiện đại thì càng sai” [4,tr.240]
Quan điểm này rõ ràng đã kế thừa từ các luận điểm cũ kĩ, xuất phát từ Liên Xô và những thế hệ các nhà lí luận văn học đầu tiên của nước ta từ trước giải phóng như Lê Đình Kỵ. Trong thời điểm chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Lạnh, bất cứ trào lưu nào phi hiện thực xã hội chủ nghĩa, có xuất xứ từ phương Tây (bất chấp là Tây Âu thực dân hay là Nam Mỹ thuộc địa) đều bị phê phán, quy chụp là tư sản, phản động, giãy chết, suy đồi. Hàng loạt các trào lưu như chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa tượng trưng… đều bị phê phán nặng nề như thế. Những quan điểm này đã ngay lập tức được lí luận văn học nước nhà “điều chỉnh”, hay nói chính xác là đã bị sụp đổ, thay thế hoàn toàn khi đất nước tiến hành đổi mới. Các bộ giáo trình lí luận văn học ngay từ sau 1986 đã thôi không còn các chương phê phán các trào lưu phương Tây. Rất tiếc là quan điểm có tính “bảo thủ” và “sai trái”, bất chấp thực tiễn sáng tạo lẫn quan điểm của lí luận văn học thế giới như thế này vẫn còn tồn tại dai dẳng. Đó có thể xem như một ý thức “bao cấp” về lí luận văn học trong bộ giáo trình chuẩn của Đại học Sư phạm Hà Nội. Mãi đến khi giáo trình về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo ra đời (năm 2009) của GS.TS. Lê Huy Bắc (một giáo sư có uy tín học thuật của chính Đại học Sư phạm Hà Nội), được Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, thì quan điểm trên, theo một cách gián tiếp, mới được điều chỉnh lại. Tôi vẫn mong trong những lần tái bản sắp đến, bộ giáo trình Lí luận văn học (Đại học Sư phạm Hà Nội, Phương Lựu chủ biên) sẽ có những bổ sung, điều chỉnh trong quan niệm về mối quan hệ giữa chủ nghĩa hiện thực huyền ảo và chủ nghĩa hậu hiện đại.
Bản thân GS.TSKH. Phương Lựu, người đã chấp bút viết lẫn chủ biên gần như toàn bộ các bộ giáo trình Lí luận văn học của Việt Nam từ những năm thập niên 70 của thế kỉ trước, đến tháng 8 năm 2011 cũng đã có chuyển biến cơ bản về mặt nhận thức. Tháng 7 năm 2007, Phương Lựu cho xuất bản tiểu luận sớm bật nhất ở Việt Nam nghiên cứu về văn học hậu hiện đại trên Tạp chí Nhà văn (Hội Nhà văn Việt Nam) với tựa đề “Tìm hiểu chủ nghĩa hậu hiện đại (Post-modernism)”. Trong khi những bộ giáo trình lí luận văn học có tính trường quy vẫn chưa thay đổi nhiều về quan niệm đối với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo như đã trình bày ở trên, thì quan điểm của ông về chủ nghĩa hậu hiện đại đã có nhiều chuyển biến. Giáo trình Tiến trình văn học [Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2001, tái bản nhiều lần sau đó] đã bổ sung chủ nghĩa hậu hiện đại vào trong phần các trào lưu hiện đại, cụ thể nằm trong chương 6. “Chủ nghĩa hiện đại” (quan niệm này rõ ràng là không đúng ở thời điểm hiện tại, và cũng đã được chính tác giả nhận thức được). Mặc dù vậy, đây có thể xem là bước tiến rất cơ bản của giới lí luận văn học nước nhà trong quá trình nghiên cứu văn học hậu hiện đại, do trước đó trào lưu này bị phê phán, nghi kị và phủ định rất nặng nề.
Vào tháng 8 năm 2011, Phương Lựu cho xuất bản chuyên luận Lí thuyết văn học hậu hiện đại [Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội] - cho đến thời điểm bấy giờ đây là công trình lí luận văn học hậu hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Cho đến nay ở nước ta, trừ các bản dịch hoặc chuyên luận triết học, đó vẫn là công trình chuyên luận duy nhất về lí luận văn học hậu hiện đại (các công trình của Lê Huy Bắc vừa lí thuyết lại vừa phê bình). Đây là một bước chuyển biến rất cơ bản trong tư duy nhận thức của người cầm trịch lí luận văn học nước nhà trong nhiều thập niên.
Việc tiếp nhận chủ nghĩa hiện thực huyền ảo có ý nghĩa lí luận văn học cực kì quan trọng trong vấn đề xác định: văn học hậu hiện đại tồn tại hay không tồn tại về mặt lí thuyết. Nếu ai quan tâm đến tình hình lí luận văn học Việt Nam trong khoảng hai mươi năm qua sẽ thấy có một vấn đề nổi lên, đó là nếu như chủ nghĩa hiện thực huyền ảo được tiếp nhận khá suôn sẻ, thì chủ nghĩa hậu hiện đại lại gặp vô cùng những nghi kị và trở lực1. Tiêu biểu nhất và triệt để trong những sự phủ định sự tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại (ở Việt Nam) đó là tiểu luận “Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm” của PGS.TS. Nguyễn Văn Dân.
Bài viết của Nguyễn Văn Dân là một trong những công trình nghiên cứu trong nước về hậu hiện đại xuất hiện từ rất sớm (2001), trước tiên đăng tải trên tạp chí Văn học (9/2001), về sau được chọn in vào tuyển tập: Văn học hậu hiện đại thế giới - Những vấn đề lý thuyết [1] và tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung để in vào nhiều chuyên luận khác này của ông, tiêu biểu là Vì một nền lý luận - phê bình văn học chất lượng cao [Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2005] và Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật (chủ yếu trình bày trong “Chương ba. Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại và vấn đề chủ nghĩa hậu hiện đại”) [Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013]. Nhằm chứng minh cho tính “rỗng” của nội hàm khái niệm “hậu hiện đại”, Nguyễn Văn Dân đã công phu tái hiện lại một số lượng tư liệu khá đồ sộ về các quan niệm hậu hiện đại trên thế giới, dưới nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau đó, tác giả đi đến kết luận về các thuộc tính của chủ nghĩa hậu hiện đại được xây dựng dựa trên việc lấy chủ nghĩa hiện đại làm hệ thống quy chiếu (phát triển, phủ định hoặc rẽ ngoặt). Một loạt các thuộc tính hậu hiện đại trong những lĩnh vực nghệ thuật như: tiểu thuyết mới, pop art, kịch phi lý, kiến trúc… được tác giả chỉ ra để đi đến kết luận: chủ nghĩa hậu hiện đại chỉ là một mốt sính khái niệm của các học giả phương Tây chứ hoàn toàn rỗng về nội hàm khái niệm.
Đi từ một loạt các lập luận có sức thuyết phục, tác giả đi đến nhận định then chốt, cả chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại đều không phải là những trào lưu có tính thống nhất. Quan trọng hơn nữa, “Về mặt lý thuyết, những gì mà những người đề xướng chủ nghĩa hậu hiện đại chủ trương thì hầu hết đã có ở chủ nghĩa hiện đại” [3,tr.126]. Nguyễn Văn Dân đưa ra cách hiểu riêng của mình: “Chủ nghĩa hậu hiện đại chẳng qua là một giai đoạn kịch phát của chủ nghĩa hiện đại là có vẻ xác đáng và bao quát hơn cả. Và mức độ kịch phát này chính là đặc điểm để chúng ta phân biệt giữa chủ nghĩa hậu hiện đại với chủ nghĩa hiện đại” [1,tr.130]. Do đó, chủ nghĩa hậu hiện đại chính xác theo tác giả tiểu luận phải được định danh là “Chủ nghĩa siêu hiện đại” (hypermodernism) hoặc “Chủ nghĩa tối hiện đại” (ultramodernism). Qua cách hiểu của tác giả, “hậu hiện đại” chỉ là một hiện tượng “chồng chéo khái niệm”, một “cái ô rỗng” hoặc có tính “sính khái niệm”, hoặc chí ít cũng là một “sự dễ dãi của các nhà triết học và các nhà lý luận phê bình” [1,tr.134]. Về các quan niệm “hậu hiện đại” của Lyotard, Nguyễn Văn Dân xem đây chỉ là một học thuyết mang tính dụng đồ chính trị, nhằm vào khối Xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Hơn nữa, học thuyết về sự phá bỏ các đại tự sự của nhà triết học người Pháp chứa đầy mâu thuẫn, và tự bản thân nó không thể giải quyết bất cứ vấn đề gì.
Quan điểm của Nguyễn Văn Dân không phải là cá biệt ở nước ta. Nó cũng được xây dựng dựa trên những lập luận logic, vững chắc, có hệ thống và thông tin hết sức phong phú. Tuy nhiên, sự tồn tại của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một phản biện hết sức lý thú dành cho quan niệm nói trên. Rõ ràng, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (một nhánh của chủ nghĩa hậu hiện đại) có kế thừa một số thủ pháp, quan niệm của chủ nghĩa hiện đại (siêu thực, tượng trưng) nhưng về cơ bản, những quan điểm mỹ học, bản sắc văn hóa, chủ đề, đề tài, tư tưởng và thủ pháp nghệ thuật của nó là rất khác. Trong chuyên luận Gabriel García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại và luận án tiến sĩ Nghệ thuật hậu hiện đại trong tiểu thuyết Gabriel García Márquez tôi đã làm rõ vấn đề này nên không trình bày lại ở đây. Các thủ pháp của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo chưa xuất hiện, và cũng rất khác các thủ pháp trong chủ nghĩa hiện đại (cái hài, sự phồn thực, chất thơ, sự phóng đại…). Sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, nhất là ở khu vực Mỹ Latin rõ ràng xuất phát từ những nền tảng văn hóa, triết học, tôn giáo, lịch sử, những điều kiện tự nhiên đặc thù, chứ không thể là sự bày đặt khái niệm của các nhà nghiên cứu.
Trên thực tế, có một điểm thú vị là, trong khi phủ định và phê phán gay gắt chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân lại dường như thừa nhận chủ nghĩa hậu hiện đại, nếu có, thì đó chính là các tác gia và tác phẩm thuộc về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Trong tiểu luận “Chủ nghĩa hậu hiện đại hay là hiện tượng chồng chéo khái niệm”, ông đưa ra quan điểm này. “Người ta cũng nói nhiều đến một đặc tính nghệ thuật có khả năng phân biệt chủ nghĩa hậu hiện đại với chủ nghĩa hiện đại, đó là sự có mặt của chủ nghĩa chiết trung mang tính kết hợp giữa hiện đại với quá khứ truyền thống trong chủ nghĩa hậu hiện đại. Nhưng đặc điểm này chỉ thể hiện rõ nét trong kiến trúc, trong nghệ thuật tạo hình hậu hiện đại, và một chút trong văn học của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” [1,tr.123].
Như vậy, quá trình tiếp/thừa nhận chủ nghĩa hiện thực huyền ảo ở Việt Nam ngoài những ý nghĩa tự thân, còn có vai trò quan trọng trong việc khẳng định sự tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại, cả trên phương diện lí thuyết văn học lẫn thực tiễn sáng tạo. Bằng cách xếp chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trở thành một trong những nhánh chính của chủ nghĩa hậu hiện đại, các nhà lí luận văn học ở Việt Nam đã có lời giải đáp thỏa đáng cho ý kiến nghi vấn và phủ định văn học hậu hiện đại ở Việt Nam. Nhận thức luôn luôn là một quá trình, sự đối thoại và mâu thuẫn giữa các nhà lí luận văn học là cần thiết và cũng là tất yếu trong quá trình phát triển của nghiên cứu văn học nước nhà. Có nhiều nhà lí luận trưởng tràng ở Việt Nam đã đi từ không đến có, từ nghi ngại đến thừa nhận văn học hậu hiện đại, một phần cũng nhờ việc ý thức về vai trò quan trọng của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Người tiêu biểu nhất có lẽ là Phương Lựu.
Về vấn đề thứ hai, cần khẳng định rằng quá trình tiếp nhận chủ nghĩa hiện thực huyền ảo đã giúp cho chủ nghĩa hậu hiện đại phá bỏ những nghi ngại của giới lí luận về sự tương thích giữa văn học hậu hiện đại với sinh thể văn học Việt Nam, cũng như đặc tính bản địa của văn học hậu hiện đại ở nước ta. Đáp số đưa ra là văn học hậu hiện đại là một trào lưu có tính bản địa rõ nét, hoàn toàn có khả năng tương thích với nền văn học Việt Nam. Sự ngoại lai, lai căng là lo lắng thái quá trong việc tiếp nhận văn học hậu hiện đại, hoặc chỉ dựa vào một số hiện tượng cực đoan nhất thời (ví dụ nhóm Mở miệng, Ngựa trời).
Lịch sử tiếp nhận và tiếp biến chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là một minh chứng rõ nét. Hàng loạt những nhà văn lớn của Việt Nam từ thời đổi mới đến nay như Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Tạ Duy Anh, Đặng Thân… đã vận dụng nhiều thủ pháp của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo để sáng tác nên các tác phẩm thấm đẫm bản sắc, hồn cốt dân tộc cũng như những vấn đề quan thiết của xã hội đương đại Việt Nam. Những nhà văn Việt Nam chỉ học hỏi kĩ thuật, lối viết, thi pháp của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo thế giới, còn lại tư tưởng, chủ đề lại hoàn toàn mang bản tính dân tộc bản địa. Các nhà lí luận văn học đã có công lớn trong việc làm rõ vấn đề này chúng ta có thể kể đến như Lê Huy Bắc, La Khắc Hòa hay Cao Kim Lan. Từ những thành quả này, suy rộng ra, văn học Việt Nam cần nhiều hơn nữa kinh nghiệm giao lưu với quốc tế, thông qua việc cần tiếp nhận nhiều hơn các trào lưu văn học thế giới với tinh thần kế thừa và có chọn lọc. Chúng ta chỉ có lợi trong quá trình giao lưu học hỏi, cũng như nhờ quá trình ấy mà bản sắc nền văn học dân tộc mới càng được nâng cao, hiện rõ.
P.T.A
.....................................................................
1. Lại Nguyên Ân và… (biên soạn) (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới - những vấn đề lý thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
2. Lê Huy Bắc (2012), Văn học hậu hiện đại - lí thuyết và tiếp nhận, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
3. Nguyễn Văn Dân (2013), Chủ nghĩa hiện đại trong văn học nghệ thuật, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Phương Lựu (chủ biên) (2008), Lí luận văn học, Tập 1 (Văn học, nhà văn, bạn đọc), Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
5. Nguyễn Hưng Quốc (2002), Văn hóa văn chương Việt Nam, Nxb. Văn mới, USA.
Nguồn: Tạp chí Sông Hương 359/01-2019, phiên bản trực tuyến ngày 01.3.2019.