Nghiên cứu khoa học

DẠY HỌC TÍCH HỢP, LIÊN MÔN VÀ PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH DẠY HỌC


19-10-2020
Tác giả: Nguyễn Văn Cường Đại học Potsdam, Cộng hòa Liên bang Đức

Có nhiều mô hình cũng như hình thức khác nhau trong việc phát triển chương trình và tổ chức dạy học tích hợp. Bài báo này dựa trên cơ sở phân tích và sử dụng kinh nghiệm quốc tế trong lí luận và thực tiễn về dạy học tích hợp, xác định khái niệm dạy học tích hợp trong mối quan hệ với khái niệm dạy học liên môn, cũng như đưa ra các mô hình và hình thức dạy học tích hợp làm cơ sở cho việc phát triển chương trình và tổ chức dạy học tích hợp.

1. Mở đầu
Giáo dục có nhiệm vụ trang bị cho học sinh những năng lực để có thể giải quyết các tình huống luôn mang tính phức hợp của cuộc sống. Trong khi đó nhà trường vẫn chủ yếu trang bị cho học sinh tri thức hệ thống của các khoa học chuyên ngành, ít có liên hệ giữa nội dung các môn học cũng như ít gắn với các tình huống của cuộc sống. Mặt khác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học thì các nghiên cứu mang tính liên ngành cũng ngày càng trở nên cần thiết và phổ biến.
Nhằm khắc phục vấn đề nêu trên, ngày nay dạy học tích hợp, liên môn được đặc biệt quan tâm và được đưa vào thực hiện trong nhiều chương trình giáo dục phổ thông trong phạm vi quốc tế. Có nhiều công trình nghiên cứu về dạy học tích hợp, dạy học liên môn nhưng không có sự thống nhất về khái niệm cũng như những hình thức tích hợp trong việc phát triển chương trình và tổ chức thực hiện dạy học tích hợp, liên môn [1-3, 6, 7, 9].
Việc xác định các cơ sở lí luận cho việc phát chương trình và tổ chức thực hiện dạy học tích hợp, liên môn có ý nghĩa quan trọng trong cải cách giáo dục theo định hướng phát triển năng lực của người học.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Khoa học chuyên ngành và khoa học liên ngành, khoa học tích hợp
Nghiên cứu khoa học được đặc trưng bởi quá trình phân công lao động mà hệ quả của nó là sự phát triển của các khoa học chuyên ngành (special science). Khoa học chuyên ngành là các lĩnh vực nghiên cứu độc lập, có đối tượng và phương pháp riêng, độc lập với các ngành khoa học khác.
Tuy nhiên thực tiễn mà các khoa học phản ánh thì luôn mang tính phức hợp, nhiều vấn đề nghiên cứu vượt ra ngoài giới hạn một khoa học chuyên ngành. Xu hướng phát triển khoa học ngày nay là: một mặt các khoa học ngày càng chuyên sâu, mặt khác ngày càng có nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học không còn giới hạn trong một khoa học chuyên ngành truyền thống mà có sự phối hợp của nhiều chuyên ngành khác nhau, hình thành các khoa học liên ngành (Interdisciplinary Science) hay còn gọi là các khoa học tích hợp (integration Science). Như vậy khoa học liên ngành hay khoa học tích hợp là những lĩnh vực nghiên cứu khoa học có sự tham gia của nhiều chuyên ngành khác nhau. Khái niệm khoa học liên ngành và khoa học tích hợp về bản chất là những khái niệm đồng nghĩa.
Trong các khoa học liên ngành hay khoa học tích hợp có sự tham gia của nhiều khoa học chuyên ngành, nhưng có những nguyên tắc làm việc khác nhau, thể hiện các mức độ liên kết khác nhau [3]. Sau đây là các nguyên tắc hay các phương thức làm việc trong khoa học theo mức độ liên kết tăng dần của các môn khoa học chuyên ngành [5]:
• Nội ngành (Intradisciplinary): Quá trình làm việc diễn ra trong nội bộ chuyên ngành, xử lí các đối tượng nghiên cứu chuyên ngành, không có mối liên hệ với các chuyên ngành khác.
• Đa ngành (Multidisciplinary): Nhiều chuyên ngành đồng thời xử lí một câu hỏi khoa học hay một đối tượng nghiên cứu một cách độc lập, giữa các chuyên ngành không có sự trao đổi đáng kể về phương pháp, thuật ngữ hay khái niệm.
• Chéo ngành (Crossdisciplinary): Trong quá trình làm việc của một chuyên ngành có sự chú ý đến phương pháp của các chuyên ngành liên quan.
• Liên ngành (Interdisciplinary): Sử dụng kết hợp phương pháp tiếp cận, phương thức tư duy hay phương pháp làm việc của nhiều chuyên ngành khác nhau để xử lí đối tượng nghiên cứu. Sự khác nhau cơ bản đối với nguyên tắc đa ngành là ở đây có sự trao đổi về phương pháp làm việc giữa các chuyên ngành khác nhau.
• Xuyên ngành (Transdisciplinary): Nghiên cứu xuyên ngành không xuất phát từ các khoa học chuyên ngành riêng biệt, mà tạo ra các phương pháp tiếp cận vượt ra ngoài giới hạn của các chuyên ngành riêng biệt.
Các nguyên tắc làm việc trong khoa học tích hợp đã được sử dụng cho việc phát triển chương trình và tổ chức thực hiện dạy học tích hợp, liên môn [7, 9]. Tuy nhiên dạy học tích hợp, liên môn trước hết là một quá trình dạy học, không phải bản thân quá trình liên kết làm việc của các chuyên gia trong các ngành khoa học khác nhau trong khoa học tích hợp. Vì vậy cần xây dựng các cơ sở cho việc phát triển chương trình và tổ chức dạy học tích hợp dưới góc độ của lí luận dạy học, trong đó có việc xác định khái niệm và các hình thức dạy học tích hợp.
2.2. Khái niệm dạy học tích hợp, liên môn
Thuật ngữ tích hợp có nguồn gốc từ tiếng La tinh “integrave” (tái tạo, bổ sung). Theo từ điển bách khoa toàn thư Bertelsmann: tích hợp (Integration) là “sự tạo ra hay tái tạo cái toàn vẹn, sự hợp nhất, sự sắp xếp một bộ phận vào cái toàn vẹn [4; 295].
Xuất phát từ các thuật ngữ khoa học tích hợp hay khoa học liên ngành, trong lĩnh vực dạy học và phát triển chương trình dạy học người ta cũng sử dụng các thuật ngữ dạy học tích hợp (integrated teaching and learning), hay dạy học liên môn (Interdisciplinary teaching and learning). Không có sự phân biệt rõ ràng giữa hai khái niệm dạy học tích hợp và dạy học liên môn. Theo nghĩa rộng nhất của cả hai khái niệm này thì chúng là những khái niệm đồng nghĩa. Tuy nhiên do cách tiếp cận khác nhau, ngày nay có rất nhiều thuật ngữ về dạy học tích hợp, liên môn được sử dụng và không có sự thống nhất, thậm chí trái ngược nhau. Khi coi dạy học tích hợp là khái niệm chung thì dạy học liên môn được coi là một hình thức của dạy học tích hợp và ngược lại, khi coi dạy học liên môn là khái niệm chung thì dạy học tích hợp được hiểu là một hình thức của dạy học liên môn. Dạy học tích hợp hay dạy học liên môn được xem như một nguyên tắc, quan điểm hay hình thức tổ chức dạy học. Do không có sự phân biệt rõ ràng nên trong thực tiễn cũng thường sử dụng khái niệm kép: “dạy học tích hợp, liên môn”, “dạy học tích hợp và liên môn” hay “dạy học tích hợp liên môn” [9].
Theo PeterBen: “Dạy học liên môn là một nguyên tắc tổ chức dạy học, theo đó việc dạy học được thay đổi giữa dạy học theo các môn học và dạy học hoàn toàn không theo môn học. Dạy học liên môn phá bỏ dạy học chuyên môn ở một số thời điểm nhất định nhằm gìn giữ những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của môn học chuyên môn. Đó là dạy học tích hợp theo các chủ đề, có sự tham gia bình đẳng của nhiều môn học” [6; 79].
Trong khuôn khổ bài báo này, dạy học tích hợp được sử dụng làm khái niệm chung và được hiểu như một quan điểm dạy học. Dạy học tích hợp là một quan điểm dạy học, trong đó nội dung dạy học có sự liên kết giữa các lĩnh vực khoa học hoặc các môn học khác nhau, gắn với những chủ đề thực tiễn, mang tính phức hợp. Dạy học tích hợp nhằm phát triển năng lực vận dụng các kiến thức từ những lĩnh vực khoa học, môn học khác nhau trong mối liên kết để giải quyết các tình huống phức hợp của thực tiễn. Nội dung dạy học tích hợp đòi hỏi các phương pháp dạy học phức hợp
Đặc điểm cơ bản của dạy học tích hợp là:
• Nội dung dạy học vượt ra ngoài khuôn khổ một môn học chuyên môn, mang tính phức hợp, có sự liên kết giữa các kiến thức từ các lĩnh vực khoa học, môn học khác nhau.
• Gắn với các tình huống thực tiễn
• Đối tượng nghiên cứu được xem xét với những phương diện, cách tiếp cận khác nhau
2.3. Các mô hình và hình thức dạy học tích hợp
Trong các tài liệu lí luận dạy học hiện nay, có rất nhiều mô hình hay hình thức dạy học tích hợp được đưa ra, tuy nhiên không có những cách phân loại thống nhất. Sau đây trình bày sự phân loại dạy học tích hợp dựa trên các mô hình tích hợp nội dung, các hình thức tổ chức dạy học và hình thức hợp tác của giáo viên trong dạy học tích hợp.
2.3.1. Các mô hình tích hợp nội dung dạy học
Dựa trên các nguyên tắc làm việc của khoa học liên ngành, có thể xây dựng các mô hình tích hợp nội dung trong dạy học tích hợp:
• Tích hợp nội môn: Tích hợp các nội dung thuộc các phần khác nhau của một môn học trong một chủ đề, bao gồm cả kết hợp lí thuyết và thực hành.
• Liên hệ mở rộng môn học: Kiến thức của môn học chuyên môn là trung tâm của chủ đề. Từ đó có sự liên hệ với các môn học khác cũng như với thực tiễn nhằm mở rộng kiến thức môn học chuyên môn.
• Tích hợp đa môn: Một chủ đề chung có thể được khảo sát ở nhiều môn học khác nhau. Mỗi môn học độc lập khảo sát theo các tiếp cận chuyên môn riêng.
• Tích hợp liên môn: Một chủ đề liên môn là chủ đề mà với kiến thức và phương pháp của một môn học thì không thể hoặc chỉ khảo sát được một phương diện. Ở đây đòi hỏi sự phối hợp nội dung và phương pháp tiếp cận của các môn học khác nhau.
• Tích hợp xuyên môn: Một chủ đề xuyên môn đòi hỏi phương pháp tiếp cận vượt ra ngoài giới hạn của các chuyên ngành riêng biệt.
2.3.2. Các hình thức tổ chức dạy học tích hợp
Với các mô hình tích hợp nội dung khác nhau có thể có các hình thức tổ chức dạy học tích hợp khác nhau. Có thể phân loại các hình thức dạy học tích hợp như sau:
• Dạy học tích hợp trong nội bộ môn học: chủ đề tích hợp nội môn, liên hệ mở rộng, lồng ghép các chủ đề chung, không có thỏa thuận giữa các môn học.
• Dạy học chủ đề liên môn có sự thỏa thuận giữa các môn học:
- Thỏa thuận về trình tự thời gian để nghiên cứu chủ đề
- Thỏa thuận về nội dung
- Dạy song song hay gần nhau về thời gian.
• Dạy học chủ đề liên môn theo hình thức gộp giờ các môn, cùng thực hiện chủ đề.
• Dạy học không theo môn học, ví dụ các dự án ngoài môn học.
• Dạy học các môn học tích hợp.
2.3.3. Các hình thức hợp tác của giáo viên
Dạy học tích hợp đòi hỏi sự cộng tác làm việc của giáo viên các môn học khác nhau. Tương ứng với các hình thức tổ chức dạy học tích hợp khác nhau có thế có các hình thức hợp tác của giáo viên như sau:
• Giáo viên các môn học tự thực hiện các chủ đề tích hợp trong nội bộ môn học, không có sự phối hợp với giáo viên môn học khác
• Giáo viên các môn học khác nhau thỏa thuận về nội dung, phương pháp, thời gian thực hiện chủ đề liên môn, việc thực hiện được tiến hành trong từng chuyên môn.
• Giáo viên các môn học cùng chuẩn bị chủ đề, dự án liên môn và cùng triển khai thực hiện.
Việc phân loại các mô hình hay hình thức dạy học tích hợp trên đây chỉ mang tính tương đối. Các mô hình, hình thức dạy học tích hợp có mối quan hệ và không phải luôn luôn có thể phân biệt với nhau một cách rõ ràng. Trong việc vận dụng cần linh hoạt tùy theo mục tiêu, nội dung chủ đề và điều kiện dạy học cụ thể.

 

Xem thêm: 

Educational Sci., 2017, Vol. 62, Iss. 9, pp. 20-26

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020