Trải nghiệm là một trong những hình thức tổ chức dạy học không mới nhưng khá có ưu thế trong giai đoạn hiện nay. Bài viết đề xuất sử dụng hoạt động trải nghiệm hỗ trợ quá trình quan sát, tìm ý trong giờ học tập làm văn miêu tả với các giai đoạn và các bước cụ thể để thực hiện.
1. Mở đầu
1.1. Nghiên cứu về dạy học trải nghiệm nói chung, dạy học trải nghiệm cho học sinh Tiểu học nói riêng được bàn đến nhiều trong những năm gần đây.
Trên thế giới, đã có nhiều công trình nghiên cứu, chuyên luận về dạy học trải nghiệm của nhiều tác giả như: Don Ambrose, LeoNora M. Cohen, Abraham J. Tannenbaum, Creative intelligence: toward theoretic. Nxb Hampton Press, Inc, 2003; Kolb, D., Experiential Learning: experience as the source of learning and development, Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall, 1984; Korea's Contennal History of Vocational Education and training, Research Material 99-6, Published by: KRIVET, 4/1999; Schank, Roger c., What We Learn When We Learn by Doing, (Technical Report No. 60), Northwestern University, Institute for Learning Sciences, 1995; B. Bourassa, F. Serre and D. Ross, Apprendre de son expérience, Presses de 1'Université de Québec, 1999; R. L.Côté, Apprendre: formation expérientielle stratégique, Presses de 1'Université de Québec, 1942; Colin M. Beard, John Peter Wilson, Experiential learning. By Digital publishing solusions 2006; Jenifer A. Moon, A Handbook of Reflective and Experiential Learning: Theory and Practive. By Routledge, 2013; Scott D. Wurdinger, Julie A. Carlson, Teaching for Experiential Learning, By R&L Education, 2009;...
Ở Việt Nam, từ đầu thế kỉ XXI, nhiều nhà giáo dục quan tâm nghiên cứu sâu về lĩnh vực này.
Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2017) đã chính thức đưa hoạt động trải nghiệm thành hoạt động dạy học bắt buộc ở Tiểu học với thời lượng 105 tiết/năm học/khối lớp. Vì vậy, các nhà giáo dục càng quan tâm nghiên cứu sâu hơn về nội dung này.
Nhóm tác giả Nguyễn Thị Liên (Chủ biên), Nguyễn Thị Hằng, Tưởng Duy Hải, Đào Thị Ngọc Minh trong tài liệu Tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường phổ thông (NXB Giáo dục Việt Nam, 2016) đã trình bày những cơ sở khoa học, định hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường phổ thông với nội dung, hình thức, phương pháp, định hướng đánh giá và thiết kế minh họa một số chủ đề hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong nhà trường. Nối tiếp, cuốn tài liệu Kĩ năng xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường Tiểu học của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (NXB Đại học Sư phạm, 2017) đã gắn lí luận về hoạt động trải nghiệm sáng tạo với thực tiễn tổ chức hoạt động này ở Tiểu học. Tài liệu đã định hướng việc xác định mục tiêu, xây dựng nội dung chương trình, tìm hiểu phương pháp và hình thức tổ chức, đánh giá hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh tiểu học.
Tài liệu Hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh Tiểu học tập 1, 2 dành cho giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục theo bộ tài liệu Hoạt động trải nghiệm từ lớp 1 đến lớp 5 - tập 1, 2 của tác giả Nguyễn Quốc Vương - Lê Xuân Quang (NXB Đại học Sư phạm, 2017) xây dựng những chủ để cụ thể gắn với Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể đã tháo gỡ phần nào khó khăn cho giáo viên và cán bộ quản lí cấp Tiểu học trong quá trình vận dụng lí thuyết tổ chức hoạt động trải nghiệm vào thực tiễn.
Ngoài ra, còn một số công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, tài liệu tham khảo viết về vấn đề này với tư cách là một hoạt động được thực hiện khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông - Chương trình tổng thể. Tuy nhiên, các tác giả đều chưa đi sâu nghiên cứu ứng dụng hoạt động trải nghiệm để dạy một môn học, một nội dung học tập cụ thể trong Chương trình giáo dục Tiểu học.
1.2. Nghiên cứu về dạy học tiếng Việt ở Tiểu học nói chung, dạy học Tập làm văn nói riêng đã đạt được những thành tựu nhất định. Nhiều công trình nghiên cứu về dạy học Tập làm văn ở Tiểu học nói chung, dạy học Tập làm văn miêu tả nói riêng như cuốn Văn miêu tả trong nhà trường phổ thông - tác giả Đỗ Ngọc Thống, Phạm Minh Diệu - NXB Giáo dục - Hà Nội 2003, cuốn Văn miêu tả và phương pháp dạy học văn miêu tả ở Tiểu học - Nguyễn Trí - NXB Giáo dục 1998, cuốn Văn miêu tả và kể chuyện - Vũ Tú Nam, Phạm Hổ - NXB Giáo dục - Hà Nội 1998, cuốn Bài tập luyện viết văn miêu tả ở Tiểu học - Vũ Khắc Tuân hay cuốn Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học II - Lê Phương Nga - NXB Đại học Sư phạm Hà Nội 2015.
Trong mỗi tài liệu, các tác giả đề cập đến việc dạy học Tập làm văn trên nhiều phương diện như vị trí, nhiệm vụ, nội dung chương trình, phương pháp dạy học và một số dạng bài tập luyện viết văn. Tuy nhiên, chưa có một tài liệu nào thực sự đi sâu nghiên cứu việc dạy học tập làm văn miêu tả ở một kiểu bài, khối lớp cụ thể.
1.3. Văn miêu tả là một trong những kiểu bài quen thuộc và phổ biến trong chương trình Tập làm văn lớp 4, 5 ở Tiểu học hiện hành. Các bài văn miêu tả ở Tiểu học thường yêu cầu tả những đối tượng mà các em yêu mến hoặc thích thú. Qua đó các em gửi gắm những suy nghĩ, cảm xúc, sự đánh giá, tình cảm yêu ghét cụ thể của mình. Chính vì thế tâm hồn, trí tuệ của các em thêm phong phú, giúp cho các em cảm nhận cái đẹp trong cuộc sống một cách tinh tế và sâu sắc hơn.
Trên thực tế, việc dạy học Tập làm văn miêu tả còn gặp khá nhiều khó khăn. Nội dung, phương pháp, kĩ thuật tổ chức các hoạt động dạy học đối với cả kiểu bài lí thuyết và thực hành hiện nay chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nội dung dạy học Tập làm văn chương trình hiện hành tập trung chủ yếu vào dạy cấu tạo bài văn, dựng đoạn, viết bài, chưa chú trọng đến việc cung cấp vốn sống và bồi dưỡng cảm xúc cho học sinh (HS) về đối tượng miêu tả. Đặc biệt, với HS thành phố, khó khăn lớn nhất khi làm văn miêu tả là thiếu vốn sống và cảm xúc về đối tượng miêu tả. Đây là một thách thức lớn đối với giáo viên (GV) khi dạy và HS khi học tập làm văn miêu tả.
Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể đặc biệt chú trọng đến hoạt động trải nghiệm với tư cách là một hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình Tiểu học.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, dạy học trải nghiệm là một hình thức dạy học gần gũi với HS, gắn với môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh. Những bài học đó GV có thể tổ chức cho HS học ở ngoài trời với những địa điểm thích hợp như ở vườn trường, sân trường hoặc những địa điểm gần trường... Việc học trải nghiệm sẽ giúp HS có được biểu tượng rõ nét, cụ thể về sự vật, hiện tượng vì các em được mắt thấy, tai nghe. Đồng thời rèn luyện kĩ năng quan sát, phát triển tư duy cụ thể.
Phần lớn HS Tiểu học thiếu vốn sống, vốn hiểu biết về đối tượng miêu tả. Việc tổ chức cho HS trải nghiệm thực tế để hỗ trợ các em phát huy tính sáng tạo, được mở mang vốn sống, hiểu biết và các kĩ năng của mình trong môi trường học tập và xã hội là vô cùng cần thiết. Hoạt động trải nghiệm sẽ giúp cho học sinh được phát triển một cách toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và nhân cách, qua đó các em làm bài văn miêu tả chân thật và phong phú hơn.
Trong Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (phần Tiểu học), kiểu bài văn miêu tả được dạy ở lớp 3 (tả đồ vật), lớp 4 (tả địa điểm, con vật, cây cối) và lớp 5 (tả người, tả phong cảnh) với những yêu cầu cần đạt cụ thể về quy trình viết, khả năng thể hiện chủ đề, ý tưởng, thể loại, bố cục và liên kết.
So với chương trình hiện hành, yêu cầu cần đạt đã chú ý đề cao nội dung thu thập chất liệu cho bài viết bằng các hình thức khác nhau, yêu cầu tăng dần qua các khối lớp. Lớp 3 thu thập chất liệu cho bài viết từ suy nghĩ, quan sát, trải nghiệm của cá nhân; thông qua thảo luận nhóm hoặc lớp. Nối tiếp lớp 3, chương trình lớp 4, 5 đặt ra yêu cầu thu thập chất liệu cho bài viết từ suy nghĩ, quan sát, trải nghiệm cá nhân; thông qua thảo luận, đọc sách báo, phỏng vấn, đọc trên mạng...
Bản chất của hoạt động thu thập chất liệu cho bài viết chính là tổ chức cho HS trải nghiệm bằng nhiều hình thức khác nhau. Đây là định hướng mới đặc biệt phù hợp với dạy tạo lập văn bản miêu tả cho HS Tiểu học.
Trước khi Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn được ban hành, nội dung - chương trình dạy học Tập làm văn hiện hành cần được điều chỉnh hướng tới tháo gỡ những khó khăn cho GV và HS trong quá trình dạy học, đảm bảo mục tiêu hình thành năng lực tạo lập văn bản miêu tả cho HS lớp 4, 5. Một trong những hướng điều chỉnh nội dung - chương trình dạy học Tập làm văn kiểu bài miêu tả là tăng cường tổ chức cho HS trải nghiệm để tích lũy vốn sống và bồi dưỡng cảm xúc về đối tượng miêu tả.
Xem thêm:
Educational Sciences, 2018, Volume 63, Issue 8, pp. 28-40