Trên thế giới, nhiều nhà nghiên cứu như Don Murray (1972), Stanley (1993), Hyland (2003)… đã cho rằng để phát triển năng lực viết ở người học, cần dạy học tạo lập văn bản dựa trên tiến trình. Ở Việt Nam, đến năm 2016, lí thuyết dạy viết dựa trên tiến trình mới lần đầu được giới thiệu khái quát trong một bài viết của tác giả Nguyễn Thị Hồng Nam. Ở bài báo này, chúng tôi sẽ nghiên cứu vận dụng lí thuyết dạy viết dựa trên tiến trình vào tổ chức dạy học tạo lập văn bản tự sự cho học sinh (HS) trung học cơ sở (THCS) ở Việt Nam. Từ khóa: Dạy viết, dạy viết dựa trên tiến trình, năng lực viết, văn tự sự.
1. Mở đầu
Trên thế giới, lí thuyết dạy viết dựa trên tiến trình đã được nghiên cứu và chấp nhận rộng rãi từ những năm 70 của thế kỉ XX. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, việc dạy viết vẫn theo hướng tiếp cận sản phẩm. Thực tế cho thấy dạy học Tập làm văn trong nhà trường phổ thông luôn là thử thách với cả giáo viên (GV), HS và năng lực viết của HS cũng còn nhiều hạn chế. Bắt kịp với xu thế quốc tế trong phát triển chương trình, chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (dự thảo ngày 24 tháng 10 năm 2018) đã đưa ra mục tiêu cần đạt về kĩ năng viết với HS THCS và THPT là biết viết “đúng quy trình”, “theo đúng các bước” [1; 6, 7, 9]. Rõ ràng, việc dạy học viết trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn sau năm 2018 đã thay đổi cách tiếp cận từ dạy viết như một sản phẩm sang dạy tiến trình. Vì thế, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới của chương trình, việc nghiên cứu lí thuyết dạy viết dựa trên tiến trình và vận dụng nó vào dạy viết ở Việt Nam là một vấn đề vô cùng cấp thiết.
Nói đến lí thuyết dạy học dựa trên tiến trình, không thể không nhắc đến Don Murray. Ông đã quan niệm dạy học viết là một tiến trình, chứ không phải là sản phẩm trong bài: “Teach writing as a process not product” (1972) [2; 1]. Quan điểm này cũng được thể hiện ở các nhà nghiên cứu khác như Nunan (1991), Stanley (1993), Hyland (2003) [3]. Trong một số sách giáo khoa của Hoa Kì, HS cũng được dạy viết trải nghiệm theo các bước. Ở Việt Nam, đến năm 2016, lí thuyết dạy viết dựa trên tiến trình mới lần đầu được Nguyễn Thị Hồng Nam giới thiệu vắn tắt trong bài báo Tác động của hoạt động chỉnh sửa đối với tiến trình tạo lập văn bản của người học [4]. Sau đó, Nguyễn Thị Hồng Nam và cộng sự (2017) đã tiếp tục nghiên cứu về lí thuyết dạy tạo lập văn bản dựa trên tiến trình ở bài viết Dạy học tạo lập văn bản dựa trên tiến trình - những bài học kinh nghiệm cho dạy tạo lập văn bản ở Việt Nam [5]. Bài viết đã phân tích quan điểm dạy tạo lập văn bản là một tiến trình qua một bài viết của Don Murray và mô hình tạo lập văn bản của Hayes, Flower (1981). Từ đó, nhóm tác giả đã gợi ý một số bài học kinh nghiệm về cách dạy tạo lập văn bản trong trường phổ thông ở Việt Nam. Về phát triển năng lực tạo lập văn bản tự sự của HS THCS, tác giả Phan Thị Hồng Xuân (2017) có bài Một hướng thiết kế bài học Ngữ văn trong sách giáo khoa nhằm phát triển năng lực viết của học sinh trung học cơ sở [6]. Bài viết đã đề xuất cách thiết kế một bài học tập làm văn tự sự cụ thể để phát triển năng lực viết của HS. Như vậy, ở Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu sâu và bao quát về lí thuyết dạy học viết dựa trên tiến trình và việc vận dụng lí thuyết này vào tổ chức dạy học tạo lập văn bản tự sự cho HS THCS.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. Lí thuyết dạy viết dựa trên tiến trình
2.1.1. Quan niệm dạy viết dựa trên tiến trình của một số nhà nghiên cứu
Don Murray, người được coi là GV dạy viết vĩ đại nhất của nước Mĩ đã khởi xướng lí thuyết dạy viết dựa trên tiến trình trong bài viết kinh điển “Teach writing as a process not product” (1972). Các công trình nghiên cứu về lí thuyết dạy viết dựa trên tiến trình của ông sau này được tập hợp lại trong cuốn sách The essential Don Muray: lessons from America’s greatest writing teacher [2]. Don Muray cho rằng: “Tiến trình viết nên dạy là gì? Đó là tiến trình khám phá thông qua ngôn ngữ, khám phá cái ta biết và cảm nhận của ta về cái ta biết. Đó cũng là tiến trình sử dụng ngôn ngữ để tìm hiểu về thế giới xung quanh, để đánh giá và giao tiếp cái ta đã học được.” [2; 2] Theo ông, tiến trình viết có thể được chia thành ba giai đoạn: trước khi viết (prewriting), viết (writing) và viết lại (rewriting). Thời gian người viết dành cho mỗi giai đoạn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tính cách, thói quen làm việc, sự thành thục, và năng lực diễn đạt... Nó không phải là một tiến trình cứng nhắc, nhưng hầu hết người viết đều trải qua ba giai đoạn này.
Xin xem thêm bài báo trong Tạp chí Khoa học (Trường ĐHSP Hà Nội)
Educational Sciences, 2018, Volume 63, Issue 12, pp. 92-100