Bài tập là một phương tiện rất quan trọng trong dạy học. Cùng với sự phát triển của giáo dục, khái niệm bài tập có sự thay đổi theo hướng ngày càng mở rộng, hoàn thiện hơn. Vị trí, vai trò của bài tập cũng có sự thay đổi: trước đây bài tập chỉ được sử dụng để luyện tập, củng cố kiến thức, kĩ năng thì hiện nay bài tập được sử dụng trong tất cả các khâu của quy trình dạy học.
1. Mở đầu
Bài tập là một phương tiện rất quan trọng trong dạy học. Nhờ làm bài tập, học sinh (HS) hiểu được các biểu hiện phong phú, phức tạp, mối quan hệ đa chiều của kiến thức để từ đó hiểu sâu sắc vấn đề đang được tiếp cận. Bài tập rèn luyện cho HS tính kiên trì, tinh thần tự giác, tích cực vượt khó, bồi đắp ý chí tự lực và niềm tin vào chân lí khoa học, vào chính bản thân mình. HS, qua việc giải bài tập được rèn các thao tác và phẩm chất tư duy nhờ đó tư duy linh hoạt, mềm dẻo và phát triển... Một giờ học muốn đạt kết quả cao không thể không sử dụng bài tập. Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, để tích cực hóa hoạt động của người học như hiện nay thì bài tập càng có vai trò quan trọng trong dạy học hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, do quan niệm về bài tập trong lịch sử giáo dục mỗi thời có khác nhau nên cách thiết kế hệ thống bài tập cho mỗi bài, mỗi phần, mỗi chương... trong sách giáo khoa (SGK) cũng có sự thay đổi. Bài báo này phân tích sự thay đổi đó và đề xuất điều chỉnh việc thiết kế và sử dụng hệ thống bài tập trong một bài học Tiếng Việt, cụ thể là bàì Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động trong sách Ngữ văn 7 tập 2 [1].
2. Nội dung nghiên cứu
Nhận thấy tầm quan trọng của bài tập trong dạy học, các nhà giáo dục đã rất quan tâm nghiên cứu vấn đề này. Ngoài các luận văn, luận án ở các trường đại học, các viện nghiên cứu đã bảo vệ thành công, trên các tạp chí khoa học những năm gần đây đã có rất nhiều bài báo đề cập tới vấn đề bài tập ở tất cả các chuyên ngành. Các bài báo này chủ yếu nghiên cứu theo các hướng: 1) Sử dụng bài tập nhằm nâng cao tinh thần tích cực học tập của HS. Tiêu biểu cho hướng này là bài viết Nâng cao tính tích cực học tập trong dạy học sinh phổ thông bằng phương pháp sử dụng câu hỏi, bài tập [2]; 2) Phát triển các năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo cho HS. Tiêu biểu là bài viết: Phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho học sinh thông qua một số bài tập Chương Nhóm nitơ [3]; 3) Đề xuất việc xây dựng và sử dụng các bài tập gắn với thực tiễn nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho HS. Tiêu biểu là các bài viết Xây dựng và sử dụng bài tập gắn với thực tiễn trong dạy học Vật lí nhằm phát triển năng lực vận dụng kiến thức của học sinh trung học phổ thông [4] ; Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh phổ thông qua sử dụng bài tập Hóa học chương Andehit-Xeton-Axit Cacbonxilic (Hóa học lớp 11). [5]. Trong số các bài báo trên có hai bài báo về sử dụng bài tập trong dạy học Tiếng Việt là: 1) Xây dụng hệ thống bài tập bổ trợ từ xưng hô theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh Tiểu học lớp 5 người dân tộc thiểu số [6] Bài báo này, từ yêu cầu dạy học tiếng Việt theo định hướng phát triển năng lực, qua khảo sát, đánh giá các câu hỏi và bài tập trong sách giáo khoa Tiếng Việt 5 hiện hành, đề xuất hệ thống bài tập dạy học từ xưng hô ở Tiểu học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp; 2) Xây dựng bài tập phát triển năng lực sử dụng từ ngữ tiếng Việt cho học sinh lớp 5 dân tộc Tày [7]. Trong bài báo này, tác giả giới thiệu định nghĩa bài tập, đề ra một số nguyên tắc, xây dựng hai nhóm bài tập làm giàu, mở rộng vốn từ và sử dụng từ ngữ cho học sinh dân tộc Tày. Như vậy, sau khi tìm hiểu một số bài báo viết về bài tập trong dạy học trên các tạp chí khoa học trong nước trong hai năm 2017, 2018 chúng tôi nhận thấy các bài viết này chủ yếu đi sâu đề xuất và phân tích cách sử dụng bài tập trong dạy học, không quan tâm tới vấn đề thay đổi trong quan niệm về bài tập và không có bài viết nào đề cập tới việc sử dụng bài tập trong một bài Tiếng Việt cụ thể.
Xin xem thêm trong Tạp chí Khoa học (Trường ĐHSP Hà Nội)
Educational Sciences, 2018, Volume 63, Issue 12, pp. 65-75