Nghiên cứu khoa học

HOẠT ĐỘNG ĐỌC TƯƠNG TÁC CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRONG GIỜ ĐỌC HIỂU VĂN BẢN MÔN NGỮ VĂN


19-10-2020
Tác giả: TS. Đoàn Thị Thanh Huyền Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Hoạt động đọc tương tác có vai trò quan trọng giúp phát triển các năng lực cho học sinh trung học phổ thông trong môn Ngữ văn.

Tóm tắtHoạt động đọc tương tác có vai trò quan trọng giúp phát triển các năng lực cho học sinh trung học phổ thông trong môn Ngữ văn. Bài viết phân tích vai trò và cách thức tổ chức hai hình thức hoạt động đọc tương tác cho học sinh trong giờ dạy học đọc hiểu văn bản: đọc diễn cảm và thảo luận. Có thể khẳng định, nếu hiểu sâu sắc về bản chất của các hoạt động này và chú trọng tổ chức trong giờ dạy học đọc hiểu, giáo viên sẽ nâng cao hiệu quả dạy học, đạt được mục tiêu của chương trình theo định hướng phát triển năng lực người học.  

Từ khóadạy học đọc hiểu, đọc diễn cảm, thảo luận, Ngữ văn

1.Mở đầu

Hoạt động đọc của học sinh trong giờ đọc hiểu văn bản có vai trò quyết định đến hiệu quả dạy học, đặc biệt khi chương trình môn Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực người học đang được hoàn thiện. Điều này trước tiên xuất phát từ bản chất của đọc hiểu - một quá trình tương tác, kiến tạo liên chủ thể hết sức năng động. Giờ dạy học đọc hiểu vì thế sẽ trở thành một cơ hội, một môi trường lí tưởng để các chủ thể đọc thể hiện sự đối thoại với những cách hiểu, mức độ hiểu khác nhau, trong đó giáo viên được coi là một bạn đọc tinh hoa, thuần thục, có nhiều trải nghiệm. Hơn nữa, bất kì một năng lực nào của học sinh cũng chỉ có thể được hình thành và phát triển qua hoạt động, do đó “một chương trình định hướng năng lực cho người học phải là một chương trình chú trọng tổ chức hoạt động cho học sinh” [4, tr. 5].

Như vậy, theo đúng bản chất của hoạt động đọc hiểu và định hướng phát triển năng lực cho người học, giờ dạy học đọc hiểu cần được quan niệm là hệ thống các hoạt động đọc phong phú, hiệu quả mà giáo viên tổ chức cho học sinh. Bên cạnh hoạt động đọc cá nhân, hoạt động đọc tương tác chiếm một tỉ lệ lớn trong giờ học. Các chủ thể tương tác ở đây bao gồm các bạn đọc học sinh trong lớp và giáo viên. Hành động tương tác có thể hiểu là quá trình các chủ thể đọc bộc lộ, chia sẻ các cách hiểu, kết quả phản hồi về văn bản, trên cơ sở đó, có sự trao đổi, đối thoại để điều chỉnh, bổ sung, đi đến những cách hiểu, mức độ hiểu phù hợp. Tương tác không chỉ giúp học sinh hiểu sâu hơn về văn bản mà còn tạo ra môi trường rèn luyện các kĩ năng, thực hành các chiến thuật đọc hiểu, có cơ hội đánh giá và được đánh giá. Bài viết này đề cập hai hình thức chính của hoạt động đọc tương tác trong giờ dạy học đọc hiểu, đó là tương tác qua đọc bộc lộ, cụ thể là đọc diễn cảm và đặc biệt đi sâu vào hình thức tương tác qua thảo luận.  

2. Nội dung nghiên cứu.

2.1 Tương tác qua đọc diễn cảm

2.1.1 Vai trò của đọc diễn cảm

Vai trò quan trọng của đọc diễn cảm trong truyền thống dạy học đọc hiểu văn bản văn chương, là không thể phủ nhận. Việc lắng nghe văn bản từ giọng đọc diễn cảm của chủ thể đọc khác là một cách đọc đặc biệt. Sức gợi của ngôn ngữ sẽ sống dậy qua âm thanh, cộng hưởng thêm nguồn xúc cảm từ những người đọc “hiểu biết hơn” như giáo viên, nhất là khi việc đọc diễn cảm đạt đến mức độ đỉnh cao như đọc nghệ thuật, sẽ hút học sinh vào thế giới hình tượng của văn bản. Thế mạnh này của đọc diễn cảm là không giới hạn về độ tuổi, vì vậy, trong giờ dạy học đọc hiểu cho học sinh trung học phổ thông, các hoạt động đọc bộc lộ với mục đích khơi gợi hứng thú, tạo không khí văn chương vẫn phát huy hiệu quả lớn khi được khai thác với một tỉ lệ phù hợp: Có thể tổ chức khi khởi động, kết thúc giờ học hoặc đan xen vào các hoạt động đọc trong giờ. Các chủ thể đọc là những người đọc có khả năng diễn cảm như giáo viên, nghệ sĩ (qua các video sử dụng với tư cách phương tiện dạy học) hoặc chính các học sinh có khả năng đọc tốt.

Bên cạnh đó, mục đích chính của việc tổ chức các hoạt động đọc bộc lộ cho học sinh trung học phổ thông không chỉ dừng ở việc tiếp nhận văn bản một chiều từ những bạn đọc tinh hoa, mà trọng tâm cần hướng đến là các chủ thể học sinh cần chia sẻ sự hiểu của mình qua việc “trình diễn”, “tái tạo” lại văn bản bằng giọng đọc bản thân. Như vậy, học sinh sẽ thấy rõ bản chất của đọc là một quá trình tạo nghĩa. Điều này giúp khẳng định mức độ khác biệt trong mục tiêu tổ chức cho học sinh đọc bộc lộ ở cấp trung học, đặc biệt trung học phổ thông so với cấp mầm non và cấp tiểu học - không chỉ giúp người học đọc trôi chảy mà còn thể hiện sự cảm hiểu về văn bản trong sự đối chiếu giữa các chủ thể đọc. Cũng từ mục đích này, đọc bộc lộ còn mở ra cánh cửa để học sinh có cơ hội giám sát việc hiểu của bản thân thông qua sự thể hiện và đối chiếu các cách hiểu về văn bản qua giọng đọc.

Xin xem thêm trong: Tạp chí Khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, Volume 63, Issue 5B, 2018

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020